Chúa Giê-su—Giáo sĩ vĩ đại nhất
“Ta từ Ngài đến, và Ngài là Đấng đã sai ta đến”.—GIĂNG 7:29.
1, 2. Giáo sĩ là ai, và ai có thể được gọi là giáo sĩ vĩ đại nhất?
Bạn nghĩ gì khi nghe từ “giáo sĩ”? Một số người liên tưởng đến giáo sĩ của các đạo xưng theo Đấng Christ. Nhiều giáo sĩ này thường can thiệp vào các vấn đề chính trị và kinh tế của những quốc gia mà họ được gửi đến. Tuy nhiên, là Nhân Chứng Giê-hô-va, có thể bạn nghĩ đến các giáo sĩ được Hội Đồng Lãnh Đạo phái đi nhiều nơi trên thế giới để rao giảng tin mừng (Mat 24:14). Những giáo sĩ này cống hiến thời giờ và năng lực cho công việc cao quý là giúp người ta đến gần Đức Giê-hô-va và hưởng mối quan hệ quý báu với Ngài.—Gia 4:8.
2 Từ “giáo sĩ” không có trong bản Thánh Kinh Hội, nhưng nơi Ê-phê-sô 4:11 có từ “thầy giảng Tin-lành”. Tuy nhiên, cước chú của câu này trong Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới có phần tham khảo (New World Translation of the Holy Scriptures—With References) cho biết từ Hy Lạp mà bản Thánh Kinh Hội dịch là “thầy giảng Tin-lành” cũng có thể dịch là “người rao giảng tin mừng” hoặc “giáo sĩ”. Đức Giê-hô-va là Đấng rao giảng tin mừng vĩ đại nhất, nhưng không thể gọi Ngài là giáo sĩ vĩ đại nhất vì không ai bổ nhiệm Ngài. Nói về Cha ngài, Chúa Giê-su cho biết: “Ta từ Ngài đến, và Ngài là Đấng đã sai ta đến” (Giăng 7:29). Một cách Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương vô vàn đối với nhân loại là phái người con duy nhất xuống thế gian (Giăng 3:16). Chúa Giê-su có thể được gọi là giáo sĩ vĩ đại nhất—giáo sĩ xuất sắc nhất—vì một trong những lý do ngài được phái xuống trái đất là để “làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 18:37). Ngài đã thành công mỹ mãn trong việc rao truyền tin mừng về Nước Trời, và công việc ấy vẫn mang lại lợi ích cho chúng ta ngày nay. Chẳng hạn, chúng ta có thể áp dụng phương pháp dạy dỗ của ngài trong thánh chức dù có được bổ nhiệm làm giáo sĩ hay không.
3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Khi nghĩ đến vai trò của Chúa Giê-su với tư cách là người rao giảng về Nước Trời, chúng ta có những thắc mắc như: Chúa Giê-su trải nghiệm điều gì khi thi hành thánh chức? Tại sao ngài dạy dỗ rất hiệu quả? Điều gì giúp ngài thành công trong thánh chức?
Tinh thần sẵn sàng trong môi trường mới
4-6. Chúa Giê-su phải đối mặt với những thay đổi nào khi được phái xuống trái đất?
4 Ngày nay, các giáo sĩ và một số tín đồ Đấng Christ dọn đến những nơi cần người rao giảng. Họ có thể phải thích nghi với điều kiện sống thấp hơn so với tiêu chuẩn mà họ quen thuộc. Tuy nhiên, trong trường hợp của Chúa Giê-su, chúng ta cũng không thể hình dung được môi trường sống của ngài khi ở trên đất khác biệt thế nào so với khi ngài ở trên trời. Nơi ấy, ngài đã sống với Cha và với các thiên sứ, những tạo vật thần linh hầu việc Đức Giê-hô-va với động cơ trong sạch (Gióp 1:6; 2:1). Thật khác biệt làm sao khi ngài phải sống giữa những người tội lỗi trong một thế gian đồi bại! (Mác 7:20-23). Thậm chí ngài còn phải giải quyết sự tranh cạnh giữa các môn đồ thân cận nhất (Lu 20:46; 22:24). Dĩ nhiên, trong thời gian sống trên đất ngài đã giải quyết mọi vấn đề một cách hoàn hảo.
5 Chúa Giê-su nói được ngôn ngữ loài người không phải nhờ phép lạ nhưng ngài học từ khi còn thơ ấu. Thật là một thay đổi lớn đối với đấng từng chỉ huy các thiên sứ trên trời! Khi xuống thế gian, Chúa Giê-su nói được ít nhất một “thứ tiếng loài người”. Thứ tiếng ấy khác hẳn với ‘thứ tiếng thiên-sứ’ (1 Cô 13:1). Tuy nhiên, khi phải nói các lời đầy ơn lành thì không ai có thể sánh bằng Chúa Giê-su.—Lu 4:22.
6 Hãy xem Con của Đức Chúa Trời phải đối mặt với những thay đổi lớn nào khi xuống thế. Dù không nhiễm tội lỗi di truyền từ A-đam, Chúa Giê-su đã trở thành một con người, giống như những người sau này trở thành “anh em” của ngài, tức các môn đồ được xức dầu. (Đọc Hê-bơ-rơ 2:17, 18). Vào đêm cuối cùng ở trên đất, Chúa Giê-su đã không cầu xin Cha ban cho ngài “hơn mười hai đạo thiên-sứ”. Hãy nghĩ đến số thiên sứ mà ngài từng chỉ huy với tư cách là thiên sứ trưởng Mi-chen! (Mat 26:53; Giu 9). Thật vậy, Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ. Tuy nhiên, những gì ngài làm trong thời gian sống trên đất tương đối hạn chế so với những gì ngài có thể làm nếu ở trên trời.
7. Đối với Luật Pháp, người Do Thái đã hành động như thế nào?
7 Trước khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su là “Ngôi-Lời”, có thể ngài là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời khi hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng (Giăng 1:1; Xuất 23:20-23). Tuy nhiên, dân này “đã nhận luật-pháp truyền bởi các thiên-sứ, nhưng không giữ lấy!” (Công 7:53; Hê 2:2, 3). Thật vậy, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã không nhận biết ý nghĩa thật sự của Luật Pháp. Chẳng hạn, hãy xem Luật về ngày Sa-bát. (Đọc Mác 3:4-6). Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si “bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín” (Mat 23:23). Dù vậy, Chúa Giê-su đã không bỏ cuộc và tiếp tục rao truyền lẽ thật.
8. Tại sao Chúa Giê-su có thể cứu chúng ta?
8 Chúa Giê-su có tinh thần sẵn sàng. Vì tình yêu thương nên ngài động lòng thương xót và thiết tha muốn giúp đỡ người khác. Ngài luôn luôn giữ tinh thần truyền giáo. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su đã trung thành với Đức Giê-hô-va, vì thế ngài “trở nên cội-rễ của sự cứu-rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài”. Hơn nữa, “chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám-dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám-dỗ [như chúng ta] vậy”.—Hê 2:18; 5:8, 9.
Được huấn luyện kỹ
9, 10. Trước khi xuống thế gian, Chúa Giê-su được huấn luyện thế nào?
9 Trước khi phái các tín đồ Đấng Christ ngày nay đi làm giáo sĩ, Hội Đồng Lãnh Đạo đã sắp đặt chương trình để huấn luyện họ. Chúa Giê-su có được huấn luyện không? Có. Tuy nhiên, trước khi được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm Đấng Mê-si, ngài không theo học các trường của người ra-bi cũng không là học trò của những thầy thông giáo nổi tiếng (Giăng 7:15; so sánh Công-vụ 22:3). Vậy, tại sao Chúa Giê-su lại hội đủ điều kiện để dạy dỗ?
10 Bất kể những gì có thể học được từ mẹ là Ma-ri và cha nuôi là Giô-sép, Chúa Giê-su được huấn luyện chủ yếu từ Nguồn tối thượng để thi hành thánh chức. Về điều này, Chúa Giê-su cho biết: “Ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào” (Giăng 12:49). Hãy để ý rằng Con Đức Chúa Trời đã được chỉ dẫn rõ ràng về những điều phải dạy dỗ. Trước khi xuống thế, hiển nhiên Chúa Giê-su đã có nhiều thời gian lắng nghe những chỉ dẫn của Cha Ngài. Có sự huấn luyện nào tốt hơn thế không?
11. Chúa Giê-su phản ánh đến mức nào về cách Cha ngài cư xử với loài người?
11 Từ khi được tạo dựng nên, Con Đức Chúa Trời đã có mối quan hệ mật thiết với Cha. Khi ở trên trời, Chúa Giê-su nhận biết quan điểm của Đức Chúa Trời về loài người qua việc quan sát cách Cha ngài cư xử với họ. Lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với loài người phản ánh qua người Con ấy—sự khôn ngoan được nhân cách hóa—đến mức ngài có thể nói: “Sự vui-thích ta ở nơi con-cái loài người”.—Châm 8:22, 31.
12, 13. (a) Chúa Giê-su học được gì qua việc quan sát cách Cha ngài cư xử với dân Y-sơ-ra-ên? (b) Chúa Giê-su đã áp dụng những điều ngài được huấn luyện như thế nào?
12 Sự dạy dỗ mà Con ấy nhận được cũng bao hàm việc ngài quan sát cách Cha xử sự trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, hãy xem cách Đức Giê-hô-va cư xử với dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh. Nê-hê-mi 9:28 ghi: “Khi chúng được an-tịnh, bèn khởi làm lại điều ác trước mặt Chúa; vì vậy, Chúa bỏ chúng vào tay kẻ thù-nghịch để quản-hạt chúng; song khi chúng trở lại, kêu-cầu cùng Chúa, thì Chúa từ trên trời nghe đến, và vì lòng thương-xót Chúa, nên giải-cứu chúng nhiều lần”. Nhờ làm việc chung và quan sát cách cư xử của Đức Giê-hô-va nên Chúa Giê-su cũng bày tỏ lòng thương xót với những người xung quanh.—Giăng 5:19.
13 Chúa Giê-su áp dụng những gì ngài được huấn luyện khi cư xử trìu mến với các môn đồ. Vào đêm trước khi ngài chịu chết, tất cả các sứ đồ ngài yêu thương đều “bỏ Ngài mà trốn đi” (Mat 26:56; Giăng 13:1). Thậm chí sứ đồ Phi-e-rơ còn chối ngài ba lần! Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn cho họ cơ hội để trở lại với ngài. Ngài phán với Phi-e-rơ: “Ta đã cầu-nguyện cho ngươi, hầu cho đức-tin ngươi không thiếu-thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối-cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu 22:32). Dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được thiết lập vững chắc trên “các sứ-đồ cùng các đấng tiên-tri”, và đá nền của tường thành Giê-ru-sa-lem Mới mang danh 12 sứ đồ trung thành của Chiên Con, Chúa Giê-su Christ. Cho đến thời nay, những tín đồ được xức dầu cùng “chiên khác”—các bạn đồng hành đã dâng mình cho Đức Chúa Trời—hợp thành một tổ chức rao giảng về Nước Trời đang phát triển mạnh. Tổ chức này do Đức Chúa Trời quyền năng và Con yêu dấu của Ngài lãnh đạo.—Ê-phê 2:20; Giăng 10:16; Khải 21:14.
Cách Chúa Giê-su dạy dỗ
14, 15. Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su khác biệt thế nào so với sự dạy dỗ của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si?
14 Chúa Giê-su áp dụng những điều ngài được huấn luyện vào việc dạy dỗ các môn đồ như thế nào? Khi so sánh sự dạy dỗ của Chúa Giê-su với sự dạy dỗ của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, chúng ta thấy rõ cách dạy dỗ của ngài thật ưu việt. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si “vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời”. Ngược lại, những gì Chúa Giê-su nói không phải đến từ ngài nhưng đến từ lời của Cha ngài, tức thông điệp của Đức Chúa Trời (Mat 15:6; Giăng 14:10). Đây cũng là điều chúng ta cần làm.
15 Cũng có một yếu tố khác khiến Chúa Giê-su hoàn toàn khác biệt với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Nói về các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, Chúa Giê-su phán: “Hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt-chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm” (Mat 23:3). Ngược lại, Chúa Giê-su đã áp dụng những gì ngài dạy. Chúng ta hãy xem xét một trường hợp cho thấy điều này.
16. Tại sao có thể nói rằng Chúa Giê-su sống phù hợp với lời của ngài ghi nơi Ma-thi-ơ 6:19-21?
16 Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ “chứa của-cải ở trên trời”. (Đọc Ma-thi-ơ 6:19-21). Chúa Giê-su có sống phù hợp với lời khuyên đó không? Có. Vì ngài có thể thành thật nói về mình như sau: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Lu 9:58). Chúa Giê-su sống rất giản dị. Ngài chuyên tâm vào việc rao truyền tin mừng về Nước Trời và cho thấy ý nghĩa của đời sống không lo lắng nhờ không chứa của cải trên đất. Chúa Giê-su cho thấy thật tốt hơn biết bao khi chứa của cải ở trên trời, “là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”. Bạn có làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là chứa của cải ở trên trời không?
Những đức tính khiến người ta yêu quý Chúa Giê-su
17. Những đức tính nào khiến Chúa Giê-su trở thành nhà truyền giáo xuất sắc?
17 Những đức tính nào khiến Chúa Giê-su trở thành nhà truyền giáo xuất sắc? Một trong những đức tính ấy là thái độ của ngài đối với những người ngài giúp đỡ. Trong số những đức tính tuyệt vời của Đức Giê-hô-va mà Chúa Giê-su phản ánh là khiêm nhường, yêu thương và thương xót. Hãy xem làm thế nào những đức tính này lại thu hút nhiều người đến với Chúa Giê-su như thế.
18. Tại sao có thể nói rằng Chúa Giê-su là người khiêm nhường?
18 Khi nhận sứ mạng xuống thế, Chúa Giê-su “đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:7). Đó là hành động biểu lộ tính khiêm nhường. Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng không xem thường người khác. Ngài không có thái độ như: ‘Ta là đấng từ trên trời xuống, các ngươi phải nghe lời ta!’. Khác với những kẻ tự xưng là Đấng Mê-si, Chúa Giê-su không phô trương về vai trò của ngài là Đấng Mê-si thật. Đôi khi ngài còn bảo người ta đừng cho biết ngài là ai và ngài đã làm những việc lành nào (Mat 12:15-21). Chúa Giê-su muốn người ta quyết định đi theo ngài dựa vào những gì họ quan sát. Các môn đồ ngài được ân phước biết bao vì Chúa của họ đã không đòi hỏi họ phải giống như các thiên sứ hoàn toàn mà ngài cùng làm việc khi ở trên trời!
19, 20. Tình yêu thương và lòng thương xót đã thúc đẩy Chúa Giê-su giúp người ta như thế nào?
19 Chúa Giê-su cũng biểu lộ lòng yêu thương—đức tính chính của Cha ngài ở trên trời (1 Giăng 4:8). Ngài dạy người ta vì yêu thương họ. Chẳng hạn, hãy xem cảm xúc của ngài đối với một vị quan trẻ tuổi. (Đọc Mác 10:17-22). Chúa Giê-su thương yêu và muốn giúp người đó, nhưng vị quan này không từ bỏ của cải để theo làm môn đồ ngài.
20 Một trong những đức tính đáng quý của ngài là lòng thương xót. Như toàn thể nhân loại bất toàn, những người thích nghe ngài giảng là những người mang nhiều gánh nặng. Vì biết được điều này, Chúa Giê-su lấy lòng thương xót mà dạy họ. Chúng ta hãy xem một trường hợp cho thấy điều này. Vào một dịp nọ, Chúa Giê-su và các sứ đồ rất bận rộn nên không có thì giờ để ăn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi thấy một đám đông? “Ngài động lòng thương-xót đến [họ], vì như chiên không có người chăn; Ngài bèn khởi-sự dạy-dỗ họ nhiều điều” (Mác 6:34). Chúa Giê-su thấy tình cảnh đáng thương của những người ngài gặp. Ngài dốc sức dạy dỗ và làm nhiều phép lạ để giúp họ. Một số người được thu hút bởi những đức tính tuyệt vời đó, cảm động trước những lời ngài nói và trở thành môn đồ ngài.
21. Chúng ta sẽ xem xét những gì trong bài kế tiếp?
21 Chúng ta có thể học được nhiều điều khác về thánh chức của Chúa Giê-su, như bài kế tiếp sẽ cho thấy. Có những cách nào khác để chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su, giáo sĩ vĩ đại nhất không?
Bạn trả lời ra sao?
• Chúa Giê-su nhận được sự huấn luyện nào trước khi xuống thế?
• Cách Chúa Giê-su dạy dỗ ưu việt hơn cách của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si như thế nào?
• Người ta quý những đức tính nào của Chúa Giê-su?
[Hình nơi trang 15]
Chúa Giê-su dạy đám đông như thế nào?