Đức Giê-hô-va là Đấng giúp đỡ tôi
“[Hãy] lấy lòng tin chắc mà nói rằng: [Đức Giê-hô-va] giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (HÊ-BƠ-RƠ 13:6).
1, 2. a) Cả người viết Thi-thiên lẫn sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ sự tin tưởng nào nơi Đức Giê-hô-va? b) Những câu hỏi nào được đặt ra?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI là nguồn giúp đỡ không sai. Người viết Thi-thiên biết được điều này qua kinh nghiệm và có thể nói: “Đức Giê-hô-va binh-vực tôi, tôi chẳng sợ; loài người sẽ làm chi tôi?” (Thi-thiên 118:6). Phao-lô cũng bày tỏ những cảm nghĩ tương tợ khi được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết thư cho các tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ.
2 Hiển nhiên trích dẫn những lời của người viết Thi-thiên từ bản dịch Hy-lạp Septuagint, Phao-lô nói với anh em người Hê-bơ-rơ cùng đạo: “[Hãy] lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa [Đức Giê-hô-va] giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (Hê-bơ-rơ 13:6). Tại sao sứ đồ Phao-lô lại viết như thế? Và chúng ta có thể học được điều gì từ ý nghĩa của đoạn văn này?
Cần đến sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va
3. a) Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ Ngài giúp đỡ Phao-lô trong những hoàn cảnh nào? b) Tại sao tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ đặc biệt cần được Đức Giê-hô-va giúp đỡ?
3 Phao-lô xưa là một nhân-chứng biết hy sinh và có bằng chứng rằng Đức Giê-hô-va giúp đỡ ông. Đức Chúa Trời đã giúp đỡ ông trong những lúc đương đầu với nhiều khó khăn. Phao-lô đã bị cầm tù, đánh đập và ném đá. Trong những chuyến hành trình giảng đạo đấng Christ, ông đã từng bị đắm tàu cũng như gặp các nguy hiểm khác. Ông quen thuộc với sự cực khổ, mất ngủ lúc đêm hôm, đói khát, ngay cả trần truồng. Ông nói: “Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo-lắng về hết thảy các Hội-thánh” (II Cô-rinh-tô 11:24-29). Phao-lô có sự lo lắng thể ấy cho tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ. Sự hủy diệt của thành Giê-ru-sa-lem đã gần kề, và các anh chị em người Do-thái miền Giu-đê sắp sửa đương đầu với những thử thách lớn về đức tin (Đa-ni-ên 9:24-27; Lu-ca 21:5-24). Vì thế họ sẽ cần được Đức Giê-hô-va giúp đỡ.
4. Lời khích lệ căn bản nào được trình bày trong suốt lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ?
4 Mở đầu lá thư gửi cho tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ, Phao-lô cho thấy họ chỉ nhận được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời nếu họ vâng lời Con Ngài là Giê-su Christ (Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Điểm này được khai triển trong thư. Thí dụ, để ủng hộ lời khuyên này, Phao-lô nhắc nhở những người sẽ đọc thư của ông rằng dân Y-sơ-ra-ên đã bị trừng phạt vì sự bất tuân trong đồng vắng. Tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ có thể có ít cơ hội hơn để thoát khỏi được sự trừng phạt, nếu họ từ chối những gì Đức Chúa Trời nói với họ qua trung gian Giê-su để rồi trở thành kẻ bội đạo bám víu vào Luật pháp Môi-se mà của-lễ hy sinh của Giê-su đã loại bỏ! (Hê-bơ-rơ 12:24-27).
Yêu thương anh em qua hành động
5. a) Lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ cung cấp lời khuyên nào khác? b) Phao-lô nói gì về sự yêu thương?
5 Lá thư gửi cho người Hê-bơ-rơ khuyên những người thừa kế tương lai của Nước Trời về cách noi theo Gương của họ là Giê-su Christ, “hầu cho lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời” là Đấng Giúp đỡ họ (Hê-bơ-rơ 12:1-4, 28, 29). Phao-lô khuyến khích anh em cùng đức tin nhóm họp đều đặn và “khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành” (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Rồi ông khuyên: “Hãy hằng có tình yêu-thương anh em” (Hê-bơ-rơ 13:1).
6. Giê-su ban cho các môn đồ “một điều-răn mới” về sự yêu thương hiểu theo nghĩa nào?
6 Giê-su đòi hỏi những người theo ngài phải có tình yêu thương như thế, vì ngài nói: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35). Đây là một “điều-răn mới” theo nghĩa nó đòi hỏi nhiều hơn Luật pháp Môi-se, luật này nói: “Hãy yêu-thương kẻ lân-cận như mình” (Lê-vi Ký 19:18). “Điều-răn mới” đòi hỏi một người nhiều hơn là chỉ yêu người lân cận như yêu chính mình. Nó đòi hỏi một tình yêu thương có thể hy sinh chính bản thân mình đến độ chết cho một người nào đó. Sự sống và sự chết của Giê-su đã làm gương mẫu cho sự yêu thương thể ấy. Tertullian đã ám chỉ đến cái dấu để nhận biết đó khi ông dẫn chứng lời nhận xét của thế gian về tín đồ đấng Christ và nói: “Họ nói: “Hãy nhìn xem, họ yêu thương lẫn nhau làm sao... và sẵn sàng chết cho nhau thế nào”” (Apology, chương XXXIX, 7).
7. Tình yêu thương anh em thể hiện rõ thế nào sau lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch?
7 Tình yêu thương anh em thể hiện rõ rệt giữa các môn đồ của Giê-su sau lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch. Rõ đến độ nhiều người mới tin đạo và vừa làm báp têm đến từ những nơi xa xôi đã có thể lưu lại trong thành Giê-ru-sa-lem và học biết nhiều hơn về sự sắp đặt của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi qua đấng Christ, “phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia-tài điền-sản mình mà phân-phát cho nhau, tùy sự cần-dùng của từng người” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:43-47; 4:32-37).
8. Có bằng chứng nào cho thấy rằng giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay có tình yêu thương anh em?
8 Tình yêu thương thể ấy hiện đang có giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay. Thí dụ, sau Thế Chiến thứ II, tình yêu thương như thế đã thúc đẩy dân tộc của Đức Chúa Trời phát động một chiến dịch tiếp tế dài hai năm rưỡi. Các Nhân-chứng từ Gia-nã-đại, Thụy-điển, Thụy-sĩ, Hoa-kỳ và những nước khác đã quyên tặng quần áo, tiền bạc để mua thực phẩm cho các anh em cùng đạo ở những nước bị chiến tranh tàn phá như Áo, Bỉ, Bảo-gia-lợi, Trung-hoa, Tiệp-khắc, Đan-mạch, Anh, Phần-lan, Pháp, Đức, Hy-lạp, Hung-gia-lợi, Ý-đại-lợi, Hòa-lan, Na-uy, Phi-luật-tân, Ba-lan và Lỗ-mã-ni. Đây chỉ là một trong những trường hợp điển hình, vì gần đây hơn, tôi tớ của Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu thương như thế đối với những tín đồ là nạn nhân của các trận động đất ở Peru và Mễ-tây-cơ, cuồng phong ở đảo Jamaica và những tai họa tương tợ như thế ở nơi khác. Bằng cách này và nhiều cách khác nữa, dân tộc của Đức Giê-hô-va “hằng có tình yêu-thương anh em”.
Hãy hiếu khách
9. a) Đức tính đầy tin kính nào được nhắc đến nơi Hê-bơ-rơ 13:2? b) Làm thế nào một số người đã tiếp-đãi thiên-sứ” mà không biết?
9 Kế tiếp Phao-lô đề cập đến một đức tính khác nữa được thể hiện bởi những người theo đấng Christ, “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời”, và được Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Ông khuyến khích: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp-đãi thiên-sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2). Ai đã “tiếp-đãi thiên-sứ” mà không biết? Tộc trưởng Áp-ra-ham đã tiếp rước ba thiên sứ (Sáng-thế Ký 18:1-22). Hai thiên sứ trong số đó đi khỏi, và cháu trai của ông là Lót đã mời chính những người lạ mặt này vào nhà ông ở thành Sô-đôm. Tuy nhiên, trước khi họ có thể nghỉ ngơi, thì một đám người hung hăng “từ trẻ đến già” đã bao vây nhà của Lót. Họ đòi Lót phải giao những người khách của ông cho họ để họ hành dâm, nhưng ông cương quyết từ chối. Mặc dầu Lót không hề biết từ lúc đầu, ông đã tiếp đãi các thiên sứ và rồi họ đã trợ giúp ông và các con cái của ông thoát chết khi “Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm-sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ” (Sáng-thế Ký 19:1-26).
10. Các tín đồ đấng Christ có lòng hiếu khách vui hưởng những ân phước nào?
10 Tín đồ đấng Christ hiếu khách vui hưởng nhiều ân phước. Họ được nghe những kinh nghiệm quí báu kể lại bởi những người khách của họ và rút tỉa lợi ích thiêng liêng nhờ kết hợp với khách. Gai-út đã được khen ngợi khi đón tiếp nồng hậu những người cùng đức tin, và ngay cả “những người lạ” nữa, giống như nhiều người trong dân tộc của Đức Giê-hô-va ngày nay tiếp đãi các giám thị lưu động (III Giăng 1, 5-8). Có lòng hiếu khách là một điều kiện phải có để được bổ nhiệm làm trưởng lão (I Ti-mô-thê 3:2; Tít 1:7, 8). Cũng đáng lưu ý là Giê-su đã hứa ban ân phước Nước Trời cho những người giống như chiên đã làm lành cho các “anh em” được xức dầu của ngài (Ma-thi-ơ 25:34-40).
Hãy nhớ đến những người bị bắt bớ
11. Tại sao lời khuyên nơi Hê-bơ-rơ 13:3 là thích hợp?
11 Những người ước muốn được Đức Giê-hô-va giúp đỡ và “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời” không nên quên các anh em cùng đức tin đang đau khổ. Phao-lô hiểu các khó khăn mà những tín đồ đấng Christ bị ngược đãi phải chịu đựng. Một thời gian trước đó, các môn đồ đã bị tản lạc vì sự bắt bớ và Ti-mô-thê là người cùng làm việc với ông vừa mới được thả ra khỏi tù (Hê-bơ-rơ 13:23; Công-vụ các Sứ-đồ 11:19-21). Các giáo sĩ tín đồ đấng Christ cũng đã đi đây, đi đó để thành lập những hội-thánh mới hay để xây dựng về mặt thiêng liêng cho những hội-thánh đã có rồi. Bởi vì thời ấy, nhiều anh chị em thường di chuyển đây đó thuộc gốc dân ngoại, một số tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ có thể đã không quan tâm đầy đủ đến họ. Vậy lời khuyên lơn sau đây thật thích hợp: “Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng-xích, như mình cùng phải xiềng-xích với họ, lại cũng hãy nhớ những kẻ bị ngược-đãi, vì mình cũng có thân-thể giống như họ” (Hê-bơ-rơ 13:3).
12. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời khuyên hãy nhớ đến các anh em cùng đức tin đang bị ngược đãi?
12 Người Hê-bơ-rơ đã “thương-xót kẻ bị tù” nhưng không nên quên các anh em trung thành cùng đạo thể ấy, dù họ là người Do-thái hay dân ngoại (Hê-bơ-rơ 10:34). Nhưng còn chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy chúng ta nhớ đến các tín đồ đấng Christ bị ngược đãi? Trong vài trường hợp, có thể là thích hợp nếu chúng ta viết thư kêu gọi nhà chức trách chính quyền nhằm cố gắng trợ giúp các anh em cùng đạo bị cầm tù vì đức tin của họ ở những nơi công việc rao giảng về Nước Trời bị cấm đoán. Chúng ta đặc biệt nên nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, ngay cả nhắc đến một số người bằng tên, nếu có thể. Sự kiện họ bị bắt bớ có ảnh hưởng sâu đậm đến chúng ta, và Đức Giê-hô-va nghe lời cầu khẩn nhiệt tâm mà chúng ta dâng lên vì họ (Thi-thiên 65:2; Ê-phê-sô 6:17-20). Dù không ở trong phòng giam với họ, nên làm như là chúng ta bị giam chung với họ và có thể giúp đỡ và khuyến khích. Các tín đồ đấng Christ được thánh linh thọ sinh chắc chắn cảm thông với những người được xức dầu đang bị ngược đãi. (So sánh I Cô-rinh-tô 12:19-26). Những người này cũng có cùng mối quan tâm đối với các bạn đồng hành có hy vọng sống trên đất và đang bị bắt bớ, họ cũng đang chịu đựng nhiều hình thức ngược đãi khác nhau bởi bàn tay của những kẻ bắt bớ. Cảm tình tương thân tương ái như thế là thích hợp, vì tất cả chúng ta vẫn còn ở trong một thân thể loài người và phải chịu đau đớn và bị bắt bớ vì là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va (I Phi-e-rơ 5:6-11).
Hôn nhân phải được tôn trọng
13. Điểm cốt yếu của lời Phao-lô nói nơi Hê-bơ-rơ 13:4 là gì?
13 Việc noi theo gương của Giê-su và “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời” nên có ảnh hưởng đến sự quan tâm của chúng ta đối với người khác bằng nhiều cách. Nói rằng “vì mình cũng có thân-thể giống như họ”, Phao-lô muốn nhắc đến một sự liên hệ về phương diện thân thể hay vật chất và điều đó tạo cơ hội để bày tỏ sự tôn trọng thích hợp đối với người khác (Hê-bơ-rơ 13:3). Ông đã nói với các tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ lời khuyên nhủ này: “Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn [khuê phòng] chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình” (Hê-bơ-rơ 13:4). Lời khuyên này thích hợp làm sao, vì sự tà dục lan tràn trong Đế quốc La-mã thời đó! Tín đồ đấng Christ thời nay cũng cần phải vâng theo những lời này vì cớ các tiêu chuẩn đạo đức thấp kém của thế gian và vì sự kiện là mỗi năm có hằng ngàn người bị khai trừ khỏi hội-thánh bởi lý do tà dục.
14. Tại sao bạn nói rằng hôn nhân đáng được tôn trọng?
14 Trong số những người không tôn trọng sự cao quí của hôn nhân có phe Ét-xê-ni (Essenes hay Esséniens) thời Phao-lô. Họ thường là những người sống độc thân giống như một số kẻ trong vòng giáo phẩm ngày nay chủ trương sai lầm rằng việc sống độc thân thánh thiện hơn hôn nhân. Tuy nhiên, qua những điều mà Phao-lô nói các tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ, ông đã rõ ràng cho thấy hôn nhân đáng được tôn trọng. Sự tôn trọng sâu đậm đối với hôn nhân được thấy rõ khi Na-ô-mi bày tỏ ước muốn đối với hai nàng dâu góa bụa là Ru-tơ và Ọt-ba: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình-yên ở nơi nhà chồng mới!” (Ru-tơ 1:9). Nơi khác, chính Phao-lô chỉ cho thấy rằng “trong đời sau-rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo... họ sẽ cấm cưới gả” (I Ti-mô-thê 4:1-5).
15. Ai thuộc vào hàng những kẻ tà dâm và ngoại tình nói đến nơi Hê-bơ-rơ 13:4, và Đức Chúa Trời sẽ phán xét họ thế nào?
15 Người Hê-bơ-rơ một thời ở dưới Luật pháp nhưng được đưa vào giao ước mới đều biết điều răn: “Ngươi chớ phạm tội tà-dâm” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14). Nhưng họ sống trong một thế gian vô luân và cần đến lời cảnh cáo: “Chốn [khuê phòng] chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”. Trong số những kẻ tà dâm có những người không phải là vợ chồng mà ăn nằm với nhau. Những kẻ ngoại tình là người có vợ có chồng mà ăn nằm với người khác không phải là người hôn phối của mình, làm nhơ nhớp chốn khuê phòng của họ. Vì những kẻ thực hành sự tà dâm và ngoại tình mà không ăn năn thì đáng bị Đức Chúa Trời trừng phạt nặng nề, chúng sẽ không được nhận vào thành Giê-ru-sa-lem Mới trên trời, cũng không được hưởng sự sống đời đời trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời (Khải-huyền 21:1, 2, 8; I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Lời khuyến cáo chớ làm dơ bẩn chốn khuê phòng cũng nên giúp các tín đồ đấng Christ có gia đình tránh những thực hành tình ái dơ bẩn với người hôn phối của họ, dù không có gì là ô uế trong sự gần gũi thân mật đúng cách về thể xác trong phạm vi hôn nhân. (Xem Tháp Canh [Anh-ngữ], số ra ngày 15-3-1983, trang 27-31, [Pháp-ngữ, 15-6-1983]).
Lấy điều mình có làm đủ rồi
16, 17. Hê-bơ-rơ 13:5 nói gì, và tại sao người Hê-bơ-rơ cần đến lời khuyên bảo này?
16 Chúng ta sẽ hài lòng nếu noi theo Gương mẫu của chúng ta và “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời”, tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va giúp đỡ chúng ta. Đi sâu vào các cuộc đeo đuổi vật chất có thể là một sự cám dỗ. Nhưng các tín đồ đấng Christ không nên chịu thua. Người Hê-bơ-rơ đã được dạy bảo: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Tại sao người Hê-bơ-rơ đã cần đến lời khuyên bảo này?
17 Có lẽ người Hê-bơ-rơ đã lo lắng quá độ về tiền bạc vì họ nhớ đến “sự đói-kém” trầm trọng dưới triều đại của Hoàng đế La-mã Claudius (41-54 tây lịch). Nạn đói đó tệ hại đến nỗi các tín đồ đấng Christ ở những nơi khác đã gửi lương thực cứu trợ đến các anh em của họ trong miền Giu-đê (Công-vụ các Sứ-đồ 11:28, 29). Theo lời của sử gia Do-thái Josephus, nạn đói đã kéo dài ba năm hay nhiều hơn nữa, gây ra sự nghèo túng cùng cực trong miền Giu-đê và Giê-ru-sa-lem (Antiquities of the Jews, XX, 2, 5; 5, 2).
18. Lời khuyên bảo nơi Hê-bơ-rơ 13:5 cung cấp bài học nào cho chúng ta?
18 Có bài học nào cho chúng ta ở đây không? Có, bất luận chúng ta có thể nghèo đến đâu, chúng ta không nên mê thích hay quá lo nghĩ về tiền bạc. Thay vì lo âu về sự an toàn vật chất, có thể ngay trở nên tham lam, chúng ta nên “lấy điều mình có làm đủ rồi”. Giê-su nói: “Trước hết, hãy [tiếp tục] tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:25-34). Ngài cũng cho thấy chúng ta nên dồn cố gắng vào việc trở nên “giàu-có nơi Đức Chúa Trời”, bởi vì “sự sống của chúng ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu” (Lu-ca 12:13-21). Vậy, nếu việc mê thích tiền bạc đang đe dọa tình trạng thiêng liêng của chúng ta, thì chúng ta hãy làm theo lời khuyên bảo của Phao-lô cho người Hê-bơ-rơ và cũng nhớ rằng “sự tin-kính cùng sự thỏa lòng” là “một lợi lớn” (I Ti-mô-thê 6:6-8).
Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va
19. Đức Giê-hô-va đã ban cho Giô-suê lời đoan chắc nào, và điều đó nên ảnh hưởng thế nào trên chúng ta?
19 Là các môn đồ của Giê-su đang cố gắng “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời”, chúng ta phải đặt sự tin cậy của chúng ta, không nơi tiền bạc, nhưng nơi Cha trên trời của chúng ta vì sự trợ giúp của Ngài là thiết yếu. Bất luận phải đương đầu với trở ngại nào, chúng ta nên nhớ lời đoan chắc của Ngài: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Ở đây Phao-lô ám chỉ đến những lời mà Đức Chúa Trời nói với Giô-suê: “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”. (Giô-suê 1:5; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6, 8). Đức Giê-hô-va đã không bao giờ lìa bỏ Giô-suê, và Ngài sẽ không từ bỏ chúng ta nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài.
20. a) Đoạn Kinh-thánh năm 1990 là gì? b) Không sợ hãi, chúng ta nên tiếp tục làm gì?
20 Sự trợ giúp không sai của Đức Giê-hô-va đang được nhấn mạnh giữa các Nhân-chứng Giê-hô-va năm nay, vì đoạn Kinh-thánh năm 1990 là: “[Hãy] lấy lòng tin chắc mà nói rằng: [Đức Giê-hô-va] giúp-đỡ tôi”. Những lời này là ở Hê-bơ-rơ 13:6, nơi mà Phao-lô trích dẫn người viết Thi-thiên và nói với người Hê-bơ-rơ: “Như vậy, chúng ta lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (Thi-thiên 118:6). Dầu bị bắt bớ, chúng ta không sợ hãi vì người ta không thể làm hơn những gì Đức Chúa Trời cho phép (Thi-thiên 27:1). Ngay dù chúng ta phải chết để giữ sự thanh liêm, chúng ta có hy vọng về sự sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Vậy chúng ta hãy tiếp tục noi theo Gương mẫu của chúng ta trong việc “lấy lòng kính-sợ hầu việc Đức Chúa Trời”, tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ chúng ta.
Bạn sẽ trả lời ra sao?
◻ Tại sao tín đồ đấng Christ gốc Hê-bơ-rơ đặc biệt cần đến sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va?
◻ Dân tộc của Đức Giê-hô-va “hằng có tình yêu-thương anh em” thế nào?
◻ Tại sao nên có sự hiếu khách?
◻ Chúng ta có thể làm gì để bày tỏ rằng chúng ta nhớ đến các anh em cùng đức tin đang bị ngược đãi?
◻ Tại sao phải giữ cho hôn nhân được tôn trọng?