BÀI HỌC 14
“Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi”
“Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em”.—GIĂNG 13:35.
BÀI HÁT 106 Trau dồi đức tính yêu thương
GIỚI THIỆUa
1. Nhiều người ấn tượng điều gì khi tham dự buổi nhóm họp? (Cũng xem hình).
Hãy hình dung một cặp vợ chồng tham dự buổi nhóm họp lần đầu tiên tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ rất ấn tượng vì được chào đón nồng nhiệt và thấy tình yêu thương mà các anh chị trong hội thánh thể hiện với nhau. Trên đường đi nhóm họp về, người vợ nói với chồng: “Có điều gì đó rất khác nơi Nhân Chứng Giê-hô-va, và em rất thích kết hợp với họ”.
2. Tại sao một số người vấp ngã?
2 Quả thật, tình yêu thương trong vòng dân Đức Chúa Trời rất đáng chú ý. Dĩ nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va không hoàn hảo (1 Giăng 1:8). Vì thế, càng biết rõ về các anh chị trong hội thánh, chúng ta sẽ càng dễ thấy khuyết điểm của họ (Rô 3:23). Đáng buồn là một số người đã để cho khuyết điểm của người khác làm họ vấp ngã.
3. Dấu hiệu nhận diện môn đồ chân chính của Chúa Giê-su là gì? (Giăng 13:34, 35)
3 Hãy cùng xem lại câu Kinh Thánh chủ đề cho bài này. (Đọc Giăng 13:34, 35). Dấu hiệu nhận diện môn đồ chân chính của Chúa Giê-su là gì? Đó là tình yêu thương, chứ không phải sự hoàn hảo. Cũng hãy lưu ý là Chúa Giê-su không nói: “Bởi điều này mà anh em sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi”. Nhưng ngài nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi”. Như vậy, Chúa Giê-su cho thấy không chỉ các môn đồ, mà cả những người ngoài hội thánh sẽ nhận biết môn đồ chân chính của ngài qua tình yêu thương bất vị kỷ họ dành cho nhau.
4. Một số người có lẽ muốn biết điều gì về tín đồ chân chính?
4 Một số người không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va có lẽ thắc mắc: “Tại sao tình yêu thương lại là dấu hiệu nhận diện môn đồ chân chính của Chúa Giê-su? Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu thương với các sứ đồ qua cách nào? Và làm thế nào để noi gương Chúa Giê-su ngày nay?”. Các Nhân Chứng cũng nên suy ngẫm câu trả lời cho những câu hỏi này. Làm thế có thể giúp chúng ta thể hiện tình yêu thương trọn vẹn hơn, đặc biệt khi đương đầu với sự bất toàn của nhau.—Ê-phê 5:2.
TẠI SAO TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ DẤU HIỆU NHẬN DIỆN MÔN ĐỒ CHÂN CHÍNH?
5. Hãy giải thích những lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 15:12, 13.
5 Chúa Giê-su cho thấy rõ một loại yêu thương đặc biệt sẽ là dấu hiệu nhận diện môn đồ của ngài. (Đọc Giăng 15:12, 13). Hãy lưu ý Chúa Giê-su lệnh cho họ: “Hãy yêu thương nhau như tôi đã yêu thương anh em”. Điều này có nghĩa gì? Như lời giải thích tiếp theo của Chúa Giê-su, đó là tình yêu thương quên mình, là tình yêu thương thúc đẩy một tín đồ sẵn sàng chết cho anh em đồng đạo nếu cần thiết.b
6. Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh về tầm quan trọng của tình yêu thương như thế nào?
6 Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh rất nhiều về tình yêu thương. Đối với nhiều người, đây là một số câu Kinh Thánh mà họ thích nhất: “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình” (Mat 22:39). “Tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi” (1 Phi 4:8). “Tình yêu thương tồn tại mãi” (1 Cô 13:8). Những câu này và những câu khác cho thấy rõ tầm quan trọng của việc vun trồng và thể hiện đức tính tuyệt vời này.
7. Tại sao Sa-tan không bao giờ có thể khiến người ta hợp nhất trong tình yêu thương chân thật?
7 Nhiều người thắc mắc: “Làm thế nào để nhận diện tôn giáo thật? Mọi tôn giáo đều cho rằng mình dạy chân lý, nhưng mỗi tôn giáo lại dạy khác nhau về Đức Chúa Trời”. Sa-tan làm người ta bối rối bằng cách tạo ra rất nhiều tôn giáo giả mạo. Nhưng hắn không bao giờ có thể tạo ra một đoàn thể anh em toàn cầu yêu thương nhau. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể làm thế. Điều này là hợp lý vì tình yêu thương chân thật đến từ Đức Giê-hô-va, đến từ việc có thần khí ngài và được ngài ban phước (1 Giăng 4:7). Thế nên, không lạ gì khi Chúa Giê-su nói rằng tình yêu thương bất vị kỷ sẽ là dấu hiệu nhận diện môn đồ chân chính của ngài.
8, 9. Nhiều người được tác động thế nào khi thấy tình yêu thương trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va?
8 Như Chúa Giê-su đã báo trước, nhiều người nhận ra môn đồ chân chính của ngài qua tình yêu thương chân thật mà họ thể hiện với nhau. Chẳng hạn, một anh tên Ian nhớ lại hội nghị đầu tiên mà anh tham dự, được tổ chức tại một sân vận động gần nhà. Trước đó vài tháng, anh có đến sân vận động ấy để xem một trận đấu thể thao. Anh nói: “Có sự khác biệt lớn giữa hội nghị ấy và trận đấu. Các Nhân Chứng cư xử lịch sự, ăn mặc đàng hoàng, con cái thì ngoan ngoãn”. Anh cho biết thêm: “Trên hết, những người này dường như có sự thỏa lòng và bình an, điều mà tôi mong mỏi. Tôi không nhớ gì về các bài diễn văn trong ngày hôm ấy nhưng hạnh kiểm của Nhân Chứng là ấn tượng lâu dài đối với tôi”.c Dĩ nhiên, hạnh kiểm như thế là kết quả của tình yêu thương chân thật mà chúng ta dành cho nhau. Vì yêu thương anh em đồng đạo nên chúng ta đối xử với họ một cách tử tế và tôn trọng.
9 Một anh tên John cũng có cảm nghĩ như thế khi bắt đầu tham dự nhóm họp. Anh nói: “Tôi thấy ấn tượng trước tính thân thiện… của mọi người ở đó, họ như là những người thánh thiện. Tình yêu thương chân thật của họ khiến tôi tin rằng mình đã tìm được tôn giáo thật”.d Hết lần này đến lần khác, những kinh nghiệm như thế chứng tỏ dân Đức Giê-hô-va là tín đồ chân chính.
10. Đặc biệt vào những lúc nào chúng ta có cơ hội thể hiện tình yêu thương chân thật? (Cũng xem chú thích).
10 Như được đề cập ở đầu bài, không anh em đồng đạo nào là hoàn hảo. Đôi khi họ sẽ nói hoặc làm những điều khiến chúng ta buồn bựce (Gia 3:2). Đặc biệt vào những lúc đó, chúng ta có cơ hội để thể hiện tình yêu thương chân thật qua cách mình phản ứng. Về điều này, chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su?—Giăng 13:15.
CHÚA GIÊ-SU THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI CÁC SỨ ĐỒ QUA CÁCH NÀO?
11. Gia-cơ và Giăng thể hiện những tính xấu nào? (Cũng xem hình).
11 Chúa Giê-su không mong đợi các môn đồ hoàn hảo. Thay vì thế, ngài yêu thương giúp họ sửa đổi những tính xấu để làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Vào dịp nọ, hai sứ đồ là Gia-cơ và Giăng nhờ mẹ xin Chúa Giê-su cho họ vị trí nổi trội trong Nước Trời (Mat 20:20, 21). Điều này cho thấy Gia-cơ và Giăng có tính kiêu ngạo và tham vọng.—Châm 16:18.
12. Có phải chỉ có Gia-cơ và Giăng thể hiện những tính xấu không? Hãy giải thích.
12 Gia-cơ và Giăng không phải là những người duy nhất thể hiện các tính xấu vào dịp đó. Hãy xem các sứ đồ khác phản ứng thế nào: “Khi mười môn đồ kia nghe chuyện này thì rất giận hai anh em ấy” (Mat 20:24). Chúng ta có thể hình dung Gia-cơ, Giăng và các sứ đồ khác nói những lời gay gắt với nhau. Có lẽ các sứ đồ khác nói những câu như: “Hai anh nghĩ mình là ai mà xin vị trí nổi trội trong Nước Trời? Đâu phải chỉ có hai anh làm việc vất vả cùng với Chúa Giê-su. Chúng tôi cũng xứng đáng nhận được vị trí nổi trội, đâu thua gì hai anh!”. Dù trường hợp nào đi nữa, các sứ đồ đã để cho tình huống này làm rạn nứt tình huynh đệ giữa họ.
13. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước thiếu sót của các sứ đồ? (Ma-thi-ơ 20:25-28)
13 Chúa Giê-su xử lý tình huống này như thế nào? Ngài không trở nên tức giận. Ngài không nói rằng ngài sẽ đi tìm những sứ đồ khác tốt hơn, những người khiêm nhường hơn và luôn đối xử yêu thương với nhau. Thay vì thế, Chúa Giê-su kiên nhẫn lý luận với những người nam có lòng thành ấy. (Đọc Ma-thi-ơ 20:25-28). Ngài tiếp tục đối xử với họ một cách yêu thương, dù đó không phải là lần đầu cũng không phải là lần cuối họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất.—Mác 9:34; Lu 22:24.
14. Các sứ đồ lớn lên trong môi trường nào?
14 Hẳn Chúa Giê-su nghĩ đến hoàn cảnh xuất thân của các sứ đồ (Giăng 2:24, 25). Họ lớn lên trong môi trường mà giới lãnh đạo tôn giáo đề cao sự nổi trội và địa vị (Mat 23:6). Giới lãnh đạo Do Thái giáo cũng tự cho mình là công chínhf (Lu 18:9-12). Chúa Giê-su hiểu rằng môi trường như thế có thể ảnh hưởng đến quan điểm của các sứ đồ về chính mình và người khác (Châm 19:11). Ngài có mong đợi thực tế nơi các môn đồ và không phản ứng thái quá khi họ mắc lỗi. Ngài biết rằng họ có lòng tốt nên đã kiên nhẫn giúp họ khắc phục tính kiêu ngạo, tham vọng và thay thế chúng bằng tình yêu thương.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NOI GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU?
15. Chúng ta học được gì từ chuyện xảy ra liên quan đến Gia-cơ và Giăng?
15 Chúng ta có thể học được nhiều điều từ chuyện xảy ra liên quan đến Gia-cơ và Giăng. Họ đã sai khi xin vị trí nổi trội trong Nước Trời. Nhưng các sứ đồ khác cũng sai khi để cho tình huống đó làm rạn nứt sự hợp nhất giữa họ. Dù vậy, Chúa Giê-su đối xử với hết thảy 12 sứ đồ một cách yêu thương và nhân từ. Bài học là gì? Điều quan trọng không chỉ là những gì người khác làm, mà còn là cách chúng ta phản ứng trước lỗi lầm và thiếu sót của họ. Điều gì có thể giúp chúng ta? Khi một anh em khiến mình buồn bực, chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao điều người ấy làm lại khiến mình khó chịu đến thế? Phản ứng này có cho thấy mình có một tính xấu cần sửa đổi không? Có phải người làm mình buồn bực đang đương đầu với vấn đề nào đó không? Ngay cả nếu cảm thấy có lý do chính đáng để buồn bực, mình có thể biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ bằng cách bỏ qua cho người ấy không?”. Càng đối xử với người khác một cách yêu thương, chúng ta càng chứng tỏ mình là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su.
16. Chúng ta học được điều gì khác từ gương của Chúa Giê-su?
16 Gương của Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta là mình cần cố gắng để hiểu anh em đồng đạo (Châm 20:5). Đành rằng Chúa Giê-su có thể đọc được lòng của một người, còn chúng ta thì không. Nhưng chúng ta có thể cảm thông với sự bất toàn của anh em đồng đạo (Ê-phê 4:1, 2; 1 Phi 3:8). Sẽ dễ hơn để làm thế nếu chúng ta tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của họ. Hãy xem một ví dụ.
17. Một giám thị vòng quanh đã nhận được lợi ích nào khi biết rõ hơn về một anh em đồng đạo?
17 Một giám thị vòng quanh phụng sự ở Đông Phi nhớ lại một anh mà lúc đầu anh cảm thấy có tính thẳng thừng, gay gắt. Anh giám thị vòng quanh phản ứng thế nào? Anh nói: “Thay vì tránh mặt, tôi quyết định làm quen để biết rõ hơn về anh ấy”. Khi làm thế, anh giám thị biết được một số điều về hoàn cảnh xuất thân đã ảnh hưởng đến nhân cách của anh ấy. Anh giám thị nói tiếp: “Khi hiểu rằng anh ấy phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua quá khứ và thay đổi đến mức nào, tôi cảm thấy khâm phục. Chúng tôi trở thành bạn thân của nhau”. Quả thật, khi cố gắng hiểu anh em đồng đạo, chúng ta sẽ thấy dễ thể hiện tình yêu thương với họ hơn.
18. Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào nếu bị một anh em xúc phạm? (Châm ngôn 26:20)
18 Có lẽ đôi khi chúng ta cảm thấy cần phải đến gặp một anh em xúc phạm mình. Nhưng trước hết, chúng ta nên tự hỏi những câu như: “Mình có đủ thông tin không?” (Châm 18:13). “Có phải người ấy vô tình phạm lỗi không?” (Truyền 7:20). “Mình có từng mắc lỗi tương tự không?” (Truyền 7:21, 22). “Nếu đến gặp người ấy, mình có làm cho vấn đề tồi tệ hơn không?”. (Đọc Châm ngôn 26:20). Khi dành thời gian để xem xét những câu hỏi như thế, có lẽ chúng ta sẽ kết luận rằng mình nên để tình yêu thương thúc đẩy mình bỏ qua sự xúc phạm.
19. Anh chị quyết tâm làm gì?
19 Với tư cách là một nhóm, Nhân Chứng Giê-hô-va chứng tỏ là môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Mỗi cá nhân chúng ta cho thấy mình là môn đồ chân chính khi thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ với anh em đồng đạo bất kể khuyết điểm của họ. Khi làm thế, chúng ta có thể giúp người khác nhận ra tôn giáo thật và cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Vậy, hãy quyết tâm tiếp tục thể hiện tình yêu thương, là dấu hiệu nhận diện tín đồ chân chính.
BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”
a Nhiều người được thu hút đến với chân lý vì tình yêu thương chân thật họ thấy trong vòng chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải là người hoàn hảo, nên đôi khi chúng ta thấy khó để đối xử với anh em một cách yêu thương. Hãy xem tại sao tình yêu thương rất quan trọng, và làm thế nào để noi gương Chúa Giê-su khi đương đầu với sự bất toàn của người khác.
b Xem sách “Hãy đến làm môn đồ tôi” chg 17, đ. 10, 11.
c Xem bài “Cuối cùng, đời sống tôi có mục đích” trong Tháp Canh ngày 1-11-2012, trg 13, 14.
d Xem bài “Đời tôi dường như đã mỹ mãn” trong Tháp Canh ngày 1-5-2012, trg 18, 19.
e Bài này không nói đến những tội trọng mà các trưởng lão cần xử lý, như những tội được liệt kê nơi 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10.
f Người ta cho rằng về sau một ráp-bi nói: “Trên thế giới, có ít nhất ba mươi người nam công chính như Áp-ra-ham. Nếu có ba mươi người thì tôi và con trai là hai trong số đó. Nếu có mười thì tôi và con trai là hai trong số đó. Nếu có năm thì tôi và con trai là hai trong số đó. Nếu có hai thì đó là tôi và con trai. Nếu chỉ có một thì đó là tôi”.