Phép lạ của Giê-su dạy chúng ta điều gì?
“CÁCH ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, trong xứ Ga-li-lê... Đức Chúa Jêsus cũng được mời đến dự đám với môn-đồ Ngài. Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jêsus nói với Ngài rằng: Người ta không có rượu nữa”. Sự kiện này đưa đến việc Giê-su làm phép lạ lần đầu tiên (Giăng 2:1-3).
Một vấn đề như thế có quá tầm thường, quá nhỏ nhặt để Giê-su phải chú ý đến không? Một học giả Kinh-thánh giải thích: “Sự hiếu khách ở phương Đông là một phận sự thiêng liêng... Sự hiếu khách thật, đặc biệt ở tiệc cưới, đòi hỏi phải có thức ăn thức uống dồi dào. Nếu không có đủ đồ ăn trong một tiệc cưới thì gia đình và cặp vợ chồng trẻ sẽ không bao giờ quên được sự ngượng nghịu đó.
Vì thế Giê-su đã hành động. Ngài nhận thấy “tại đó có sáu cái ché đá, định dùng về sự rửa sạch cho người Giu-đa”. Rửa sạch theo lễ nghi trước bữa ăn là phong tục của người Do Thái và đã cần có nhiều nước để cung cấp cho nhu cầu của những người hiện diện. Giê-su bảo những người tiếp khách: “Hãy đổ nước đầy những ché nầy”. Giê-su không phải là “kẻ coi tiệc”, nhưng ngài đã nói thẳng như người có thẩm quyền. Lời tường thuật viết: “Lúc kẻ coi tiệc nếm nước [thì nó] đã biến thành rượu” (Giăng 2:6-9; Mác 7:3).
Điều có vẻ lạ lùng là một việc tầm thường như là đám cưới lại là khung cảnh của phép lạ đầu tiên của Giê-su, nhưng việc đó tiết lộ nhiều điều về Giê-su. Ngài là một người độc thân, và trong nhiều dịp sau này ngài bàn luận với môn đồ về lợi thế của tình trạng độc thân (Ma-thi-ơ 19:12). Tuy nhiên, sự hiện diện của ngài tại một tiệc cưới cho thấy là ngài chắc chắn không chống đối hôn nhân. Ngài có sự thăng bằng và sẵn sàng ủng hộ sự sắp đặt về hôn nhân; ngài coi đó là một việc đáng tôn trọng trước mắt Đức Chúa Trời. (So sánh Hê-bơ-rơ 13:4).
Giê-su không phải là người tu khổ hạnh như các họa sĩ của giáo hội đã mô tả ngài. Rõ rệt là ngài thích hòa mình với người ta và không ghét việc tiếp xúc trong xã hội. (So sánh Lu-ca 5:29). Vì thế hành động của ngài lập một tiền lệ cho môn đồ ngài. Giê-su đích thân chứng minh rằng họ không cần phải nghiêm nghị hoặc ủ rũ một cách không cần thiết—như thể sự công bình có nghĩa là buồn bã. Ngược lại, tín đồ đấng Christ sau này được dặn bảo: “Hãy vui-mừng trong Chúa luôn luôn” (Phi-líp 4:4). Tín đồ đấng Christ ngày nay thận trọng giữ sự giải trí trong mức độ vừa phải. Họ có sự vui mừng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, nhưng theo gương của Giê-su, thỉnh thoảng họ dành thì giờ để vui hưởng sự bầu bạn với nhau trong cuộc họp mặt giải trí.
Cũng hãy nhận xét các xúc cảm dịu dàng của Giê-su. Ngài đã không bắt buộc phải làm phép lạ. Không có lời tiên tri nào về điểm này cần phải làm ứng nghiệm. Rõ ràng là Giê-su cảm động chỉ vì sự lo lắng của mẹ ngài và cảnh ngộ của cặp vợ chồng mới cưới. Ngài quan tâm đến cảm xúc của họ và muốn cho họ khỏi bị ngượng nghịu. Không lẽ điều đó lại không củng cố sự tin tưởng của bạn là đấng Christ thật sự chú ý đến bạn—ngay trong các vấn đề tầm thường hay sao? (So sánh Hê-bơ-rơ 4:14-16).
Bởi vì mỗi bình có thể “chứa hai ba lường nước”, phép lạ của Giê-su bao hàm một khối lượng rượu rất lớn—có lẽ 390 lít! (Giăng 2:6). Tại sao một số lượng lớn như vậy? Giê-su không khuyến khích sự say rượu là điều mà Đức Chúa Trời lên án (Ê-phê-sô 5:18). Đúng hơn, ngài biểu lộ tính rộng rãi của Đức Chúa Trời. Vì rượu là đồ uống thông thường cho nên số còn dư có thể dùng vào dịp khác. (So sánh Ma-thi-ơ 14:14-20; 15:32-37).
Tín đồ đấng Christ thời ban đầu noi theo gương của Giê-su về tính rộng rãi. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 4:34, 35). Và tương tự như vậy dân tộc của Đức Giê-hô-va ngày nay được khuyến khích là “hãy cho” (Lu-ca 6:38). Tuy nhiên, phép lạ đầu tiên của Giê-su cũng có ý nghĩa tiên tri. Phép lạ này hướng sự chú ý về một tương lai khi Đức Chúa Trời sẽ ban cho một cách rộng rãi “một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon”, Ngài sẽ hoàn toàn loại bỏ sự đói kém (Ê-sai 25:6).
Còn về nhiều phép lạ Giê-su đã làm bao hàm việc chữa lành về thể chất thì sao? Chúng ta có thể học điều gì từ những phép lạ này?
Làm việc thiện trong ngày Sa-bát
“Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi”. Giê-su đã nói những lời này với một người đã bị bịnh 38 năm. Lời tường thuật của Phúc âm nói tiếp: “Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi”. Điều đáng ngạc nhiên là không phải ai cũng hài lòng về chuyện xảy ra ở đây. Sự tường thuật viết: “Dân Giu-đa bắt-bớ Đức Chúa Jêsus, vì cớ Ngài làm những sự ấy trong ngày Sa-bát” (Giăng 5:1-9, 16).
Ngày Sa-bát được định là ngày để tất cả mọi người nghỉ ngơi và vui vẻ với nhau (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11). Tuy nhiên, đến thời của Giê-su thì nó đã trở nên một mớ luật lệ phức tạp, do người ta đặt ra và làm gánh nặng cho dân chúng. Học giả Alfred Edersheim viết là trong những phần dài dòng về luật Sa-bát của cuốn Talmud, “các vấn đề được bàn luận một cách nghiêm chỉnh như thể là cực kỳ quan trọng về mặt tôn giáo, nhưng người ta khó tưởng tượng được rằng một người có trí tuệ bình thường lại có thể suy ngẫm về các vấn đề đó một cách nghiêm chỉnh” (The Life and Times of Jesus the Messiah). Các thầy ra-bi Do Thái cho là những luật lệ phù phiếm, tùy hứng, có tầm quan trọng sinh tử; các luật lệ đó hầu như cai quản mọi khía cạnh của đời sống một người Do Thái—thường đi đôi với sự nhẫn tâm bất chấp các cảm xúc của con người. Một luật về ngày Sa-bát định rằng: “Nếu một tòa nhà sụp đổ trên một người và có sự nghi ngờ là người ấy có ở đó hay không, hoặc người còn sống hay chết, hoặc người thuộc dân ngoại hay dân Do Thái, thì người ta được phép dọn sự đổ nát đè trên người ấy. Nếu tìm thấy người còn sống thì họ được dọn thêm những đồ đè trên người ấy; nhưng nếu chết rồi thì họ để mặc người” (Luận án Yoma 8:7, The Mishnah, do Herbert Danby dịch).
Giê-su nghĩ sao về việc tuân theo luật pháp cách quá mức trong chuyện lặt vặt như vậy? Khi bị chỉ trích về việc chữa lành trong ngày Sa-bát, ngài nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17). Giê-su không làm việc ngoài đời để làm giàu cho chính mình. Đúng hơn, ngài đang làm ý muốn của Đức Chúa Trời. Cũng như người Lê-vi được phép tiếp tục thánh chức của họ vào ngày Sa-bát thì Giê-su cũng có thể thi hành một cách chính đáng những nhiệm vụ mà ngài được Đức Chúa Trời giao phó với tư cách là đấng Mê-si mà không phạm luật của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 12:5).
Việc Giê-su chữa lành trong ngày Sa-bát cũng cho thấy những thầy thông giáo Do Thái và người Pha-ri-si là những người “công bình quá”—cứng rắn và không cân bằng trong sự suy nghĩ của họ (Truyền đạo 7:16). Chắc chắn, Đức Chúa Trời không có ý định giới hạn việc thiện vào những ngày nào đó trong tuần; và Ngài cũng không có ý định cho ngày Sa-bát là một thực hành trống rỗng chỉ việc tuân theo luật lệ. Giê-su nói ở Mác 2:27: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người”. Giê-su yêu thương người ta chứ không phải những luật lệ tùy hứng.
Vì vậy tín đồ đấng Christ ngày nay không nên có lối suy nghĩ quá cứng rắn và chỉ nghĩ đến luật lệ. Những người có quyền hành trong hội thánh tránh việc đè nặng người khác với những luật lệ và đường lối quá đáng do người lập ra. Gương của Giê-su cũng khuyến khích chúng ta tìm cơ hội để làm việc thiện. Thí dụ, một tín đồ đấng Christ không bao giờ nên lý luận là anh sẽ chia xẻ lẽ thật của Kinh-thánh chỉ khi nào anh chính thức tham gia trong thánh chức rao giảng từ nhà này sang nhà kia hoặc khi anh ở trên bục giảng. Sứ đồ Phi-e-rơ nói là tín đồ đấng Christ nên “[luôn luôn] sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em” (I Phi-e-rơ 3:15). Làm việc thiện không có sự hạn chế về giờ giấc.
Một bài học về lòng trắc ẩn
Một phép lạ xuất sắc khác nữa được ghi lại ở Lu-ca 7:11-17. Theo lời tường thuật, Giê-su “đi đến một thành, gọi là Na-in, có nhiều môn-đồ và một đoàn dân đông cùng đi với Ngài”. Tới ngày nay, chúng ta có thể thấy những nơi chôn cất về phía đông nam của làng Na-in của người Ả-rập ngày nay. “Khi Ngài đến gần cửa thành”, ngài gặp một cảnh ồn ào. “Họ vừa khiêng ra một người chết, là con trai một của mẹ góa kia; có nhiều người ở thành đó đi đưa với bà góa ấy”. H. B. Tristram ghi nhận rằng “cách thức cử hành mai táng đã không thay đổi so với thời xưa”, ông viết thêm: “Tôi từng thấy đàn bà đi trước kiệu khiêng áo quan, dẫn đầu là những người đàn bà than khóc chuyên nghiệp. Họ giơ tay lên cao, bứt tóc, khoa tay múa chân rối rít để diễn tả nỗi thống khổ, và hét lên tên người chết” (Eastern Customs in Bible Lands).
Người góa phụ với nét mặt phản ảnh sự thống khổ cùng cực bước đi giữa sự hỗn loạn ồn ào đó. Vì chồng bà đã mất, bà coi con bà, theo lời của tác giả Herbert Lockyer, là “cây gậy của tuổi già, và là niềm an ủi cho sự cô đơn—nơi nương tựa và cột trụ của gia đình. Khi người con duy nhất của bà mất thì sự nương tựa cuối cùng đã không còn nữa” (All the Miracles of the Bible). Giê-su phản ứng ra sao? Theo lời hùng hồn của Lu-ca: “Chúa thấy, động lòng thương-xót người, mà phán rằng: Đừng khóc!”. Câu nói “động lòng thương xót” bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có nghĩa đen là “ruột”. Nó có nghĩa là “bị xúc động đến đáy lòng” (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words). Đúng vậy, Giê-su bị xúc động một cách sâu đậm.
Mẹ của Giê-su lúc đó có thể là một góa phụ, vì thế ngài có lẽ biết được nỗi đau khổ của việc mất người thân khi cha nuôi của ngài là Giô-sép qua đời. (So sánh Giăng 19:25-27). Người góa phụ đã không phải van nài Giê-su. Tự động, “ngài lại gần, rờ quan tài”, mặc dù luật pháp Môi-se nói là đụng đến một xác chết sẽ làm người ta bị ô-uế (Dân-số Ký 19:11). Với quyền năng làm phép lạ, Giê-su đã có thể tẩy sạch sự ô-uế đến tận gốc! “Ngài bèn phán rằng: Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy. Người chết vùng ngồi dậy và khởi-sự nói. Đức Chúa Jêsus giao người lại cho mẹ”.
Quả là một bài học về lòng trắc ẩn thật sống động làm sao! Tín đồ đấng Christ không nên bắt chước thái độ lạnh lùng, thiếu tình thương mà người ta biểu lộ trong những “ngày sau-rốt” này (II Ti-mô-thê 3:1-5). Ngược lại, I Phi-e-rơ 3:8 thúc giục: “Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhơn-từ”. Khi một người quen có người thân chết hay bịnh nặng, chúng ta không thể làm người chết sống lại hay là chữa lành người bịnh. Nhưng chúng ta có thể đến giúp đỡ và an ủi họ một cách thiết thực, có lẽ chỉ bằng cách có mặt ở đó và chia buồn với họ (Rô-ma 12:15).
Sự sống lại gây xúc động mà Giê-su đã thực hiện hướng sự chú ý vào tương lai—một thời kỳ mà “mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28, 29). Khắp nơi trên đất, những người bị mất người thân sẽ đích thân hiểu được lòng trắc ẩn của Giê-su khi mẹ, cha, con cái và bạn bè đã mất trở lại từ cõi chết!
Phép lạ dạy chúng ta điều gì
Vậy thì, rõ ràng là phép lạ của Giê-su không phải chỉ là sự biểu lộ quyền lực gây cảm kích. Phép lạ làm vinh hiển Đức Chúa Trời, đặt ra một gương mẫu cho tín đồ đấng Christ là những người được khích lệ ‘ngợi khen Đức Chúa Trời’ (Rô-ma 15:6). Phép lạ khuyến khích người ta làm việc thiện, bày tỏ tính rộng rãi, biểu lộ lòng trắc ẩn. Quan trọng hơn nữa, phép lạ cho chúng ta thấy trước những việc làm quyền năng sẽ được thực hiện trong Triều đại Một Ngàn Năm của đấng Christ.
Trong khi ở trên đất, Giê-su làm phép lạ trong một vùng đất tương đối nhỏ (Ma-thi-ơ 15:24). Khi trở thành Vị Vua vinh hiển, quyền hạn của ngài sẽ nới rộng ra khắp đất! (Thi-thiên 72:8). Khi Giê-su ở trên đất, những người được ngài chữa lành và làm sống lại bằng phép lạ cuối cùng rồi cũng chết. Dưới vương quyền trên trời của ngài, tội lỗi và sự chết sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn, mở đường cho sự sống đời đời (Rô-ma 6:23; Khải-huyền 21:3, 4). Đúng thế, phép lạ của Giê-su cho thấy một tương lai rực rỡ. Nhân-chứng Giê-hô-va đã giúp hàng triệu người vun trồng một hy vọng thật sự là có phần trong tương lai đó. Trong khi chờ đợi thời kỳ đó đến, các phép lạ của Giê-su Christ cho chúng ta nếm trước một cách tuyệt diệu làm sao về những gì sẽ xảy ra một ngày gần đây!
[Hình nơi trang 7]
Giê-su hóa nước thành rượu