“Thánh-linh dò-xét... sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”
“Thánh-Linh dò-xét mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa”.—1 CÔ 2:10.
1. Nơi 1 Cô-rinh-tô 2:10, Phao-lô nêu rõ vai trò nào của thánh linh, và có những câu hỏi nào?
Chúng ta thật biết ơn về hoạt động của thánh linh Đức Giê-hô-va! Kinh Thánh gọi thánh linh là đấng yên ủi, làm chứng và đấng cầu thay cho chúng ta, và là sự ban cho (Giăng 14:16; Rô 8:16, 26, 27; Công 2:38). Sứ đồ Phao-lô nêu rõ vai trò trọng yếu khác của thánh linh: “Thánh-Linh dò-xét mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa” (1 Cô 2:10). Thật thế, Đức Giê-hô-va dùng thánh linh để tiết lộ những lẽ thật sâu nhiệm về thiêng liêng. Không có sự giúp đỡ này, liệu chúng ta có hiểu được ý định của Đức Giê-hô-va không? (Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:9-12). Tuy nhiên, vài câu hỏi được nêu ra: ‘Thánh-Linh dò-xét sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời’ như thế nào? Vào thế kỷ thứ nhất CN, Đức Giê-hô-va tiết lộ những điều sâu nhiệm qua ai? Vào thời nay, thánh linh dò xét những điều ấy như thế nào và qua ai?
2. Thánh linh hoạt động theo hai cách nào?
2 Chúa Giê-su cho biết thánh linh sẽ hoạt động theo hai cách. Không lâu trước khi chết, ngài nói với các sứ đồ: ‘Đấng Yên-ủi, tức là Thánh-Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy-dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi’ (Giăng 14:26). Như vậy, thánh linh hoạt động như thầy giáo và người nhắc nhở. Với tư cách là thầy giáo, thánh linh sẽ giúp tín đồ Đấng Christ hiểu những điều chưa hiểu. Là người nhắc nhở, thánh linh sẽ giúp họ nhớ lại và áp dụng đúng những điều đã được giải thích.
Trong thế kỷ thứ nhất
3. Lời nào của Chúa Giê-su cho thấy “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” sẽ được tiết lộ dần dần?
3 Chính Chúa Giê-su đã dạy môn đồ nhiều lẽ thật mới đối với họ. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều điều phải học. Chúa Giê-su bảo các sứ đồ: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:12, 13). Vậy, Chúa Giê-su cho thấy qua thánh linh, những điều sâu nhiệm về thiêng liêng sẽ được tiết lộ dần dần.
4. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, thánh linh hoạt động như thầy giáo và người nhắc nhở như thế nào?
4 Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, “Thần lẽ thật” đến, đổ xuống trên khoảng 120 tín đồ Đấng Christ nhóm lại ở Giê-ru-sa-lem. Nhiều người đã tai nghe mắt thấy điều này (Công 1:4, 5, 15; 2:1-4). Các môn đồ nói về “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” bằng nhiều thứ tiếng (Công 2:5-11). Đó là lúc để tiết lộ một điều mới. Nhà tiên tri Giô-ên đã báo trước về việc thánh linh được đổ xuống (Giô-ên 2:28-32). Những người hiện diện chứng kiến sự ứng nghiệm của điều đó qua một cách không ai ngờ, và sứ đồ Phi-e-rơ dẫn đầu trong việc giải thích diễn biến này. (Đọc Công-vụ 2:14-18). Thánh linh hoạt động như thầy giáo khi cho Phi-e-rơ thấy rõ điều mà các môn đồ trải nghiệm là sự ứng nghiệm của lời tiên tri xưa ấy. Thánh linh cũng hoạt động như người nhắc nhở, vì Phi-e-rơ không những trích dẫn lời Giô-ên mà cả hai bài Thi-thiên của Đa-vít (Thi 16:8-11; 110:1; Công 2:25-28, 34, 35). Những gì mà mọi người nhóm lại đã thấy và nghe quả là sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.
5, 6. (a) Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, có những câu hỏi quan trọng nào liên quan đến giao ước mới cần được giải đáp? (b) Ai nêu lên những vấn đề đó, và làm thế nào để đi đến quyết định?
5 Nhiều điều vẫn cần được làm sáng tỏ cho các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Chẳng hạn, có những câu hỏi về giao ước mới, là giao ước đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày Lễ Ngũ Tuần ấy. Có phải giao ước mới chỉ dành cho người Do Thái và người nhập đạo Do Thái? Dân ngoại có được vào giao ước đó và được xức dầu bằng thánh linh không? (Công 10:45). Người nam thuộc dân ngoại trước tiên có cần làm phép cắt bì và tuân theo Luật Pháp Môi-se không? (Công 15:1, 5). Đây là những câu hỏi rất quan trọng. Cần có thánh linh Đức Giê-hô-va để dò xét những điều sâu nhiệm ấy. Nhưng thánh linh sẽ hoạt động qua ai?
6 Mỗi vấn đề cần xem xét là do các anh có trách nhiệm nêu lên. Phi-e-rơ, Phao-lô và Ba-na-ba có mặt tại buổi họp đó của hội đồng lãnh đạo và kể lại việc Đức Giê-hô-va đã đối xử thế nào với người ngoại không cắt bì (Công 15:7-12). Sau khi xem xét bằng chứng này cùng những gì Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cho biết, và với sự giúp đỡ của thánh linh, hội đồng trưởng lão đi đến quyết định. Rồi họ thông báo cho các hội thánh biết bằng thư.—Đọc Công-vụ 15:25-30; 16:4, 5; Ê-phê 3:5, 6.
7. Lẽ thật sâu nhiệm được tiết lộ qua cách nào?
7 Nhiều vấn đề khác được làm sáng tỏ qua những lá thư được soi dẫn của Giăng, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Phao-lô. Nhưng một thời gian sau khi Kinh Thánh hoàn tất, sự ban cho về tiên tri và sự thông biết bằng phép lạ chấm dứt (1 Cô 13:8). Liệu thánh linh có tiếp tục hoạt động như thầy giáo và người nhắc nhở không? Thánh linh có tiếp tục giúp tín đồ Đấng Christ dò xét sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời không? Lời tiên tri cho thấy là có.
Trong thời kỳ cuối cùng
8, 9. Ai sẽ “rực-rỡ như sự sáng” với sự khôn sáng về thiêng liêng trong thời kỳ cuối cùng?
8 Nói về thời kỳ cuối cùng, một thiên sứ đã báo trước: “Những kẻ khôn-sáng sẽ được rực-rỡ như sự sáng trên vòng khung; và những kẻ dắt-đem nhiều người về sự công-bình sẽ sáng-láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi... và sự học-thức sẽ được thêm lên” (Đa 12:3, 4). Ai sẽ là những người khôn sáng, và sẽ rực rỡ như sự sáng? Qua minh họa về lúa mì và cỏ lùng, Chúa Giê-su cho biết một điều giúp chúng ta giải đáp câu hỏi trên. Nói về “ngày tận-thế”, ngài phán: “Khi ấy, những người công-bình sẽ chói-rạng như mặt trời trong nước của Cha mình” (Mat 13:39, 43). Trong lời giải thích, Chúa Giê-su cho biết “người công-bình” là “con-cái nước thiên-đàng”, tức tín đồ Đấng Christ được xức dầu.—Mat 13:38.
9 Phải chăng tất cả tín đồ được xức dầu đều “rực-rỡ như sự sáng”? Đúng theo một nghĩa nào đó, vì tất cả tín đồ Đấng Christ đều tham gia công việc rao giảng, đào tạo môn đồ và xây dựng lẫn nhau tại các buổi nhóm họp. Những tín đồ được xức dầu là gương mẫu (Xa 8:23). Nhưng ngoài điều đó, sự sâu nhiệm cũng được tiết lộ trong thời kỳ cuối cùng. Lời tiên tri của Đa-ni-ên được “đóng ấn” cho đến thời ấy (Đa 12:9). Thánh linh dò xét sự sâu nhiệm bằng cách nào và qua ai?
10. (a) Trong thời kỳ cuối cùng, thánh linh tiết lộ những lẽ thật sâu nhiệm qua ai? (b) Hãy giải thích làm thế nào những lẽ thật về đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va đã được làm sáng tỏ.
10 Khi đến lúc để làm sáng tỏ một vấn đề về thiêng liêng trong thời chúng ta, thánh linh giúp những người có trách nhiệm, đại diện “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” tại trụ sở trung ương nhận biết những lẽ thật sâu nhiệm mà trước đó họ chưa hiểu (Mat 24:45; 1 Cô 2:13). Hội đồng lãnh đạo xem xét có cần điều chỉnh một số lời giải thích nào đó không (Công 15:6). Sau khi đi đến quyết định, và nếu cần, họ sẽ phổ biến sự điều chỉnh ấy để mọi người được lợi ích (Mat 10:27). Với thời gian, có thể có những điểm cần giải thích thêm, và những điểm ấy cũng được trình bày cách trung thực.—Xin xem khung “Thánh linh tiết lộ ý nghĩa của đền thờ thiêng liêng”.
Được lợi ích từ vai trò của thánh linh ngày nay
11. Ngày nay, tất cả tín đồ Đấng Christ được lợi ích thế nào từ vai trò của thánh linh trong việc tiết lộ sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời?
11 Tất cả tín đồ Đấng Christ trung thành đều được lợi ích từ vai trò của thánh linh trong việc tiết lộ sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Như các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay chúng ta học hỏi, sau đó nhớ lại và áp dụng những thông tin mà thánh linh giúp chúng ta hiểu (Lu 12:11, 12). Chúng ta không cần có học vấn cao để hiểu những lẽ thật sâu nhiệm về thiêng liêng đã được ấn hành (Công 4:13). Chúng ta có thể làm gì để gia tăng sự hiểu biết về sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời? Hãy xem vài đề nghị.
12. Khi nào chúng ta nên cầu xin có thánh linh?
12 Cầu xin có thánh linh. Khi chuẩn bị xem xét một tài liệu dựa trên Kinh Thánh, trước tiên chúng ta nên cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh hướng dẫn. Chúng ta nên làm điều này ngay cả khi chỉ một mình hoặc có ít thời gian. Lời cầu xin khiêm nhường đó chắc chắn sẽ làm ấm lòng Cha trên trời. Như Chúa Giê-su cho thấy, Đức Giê-hô-va sẽ ban thánh linh rộng rãi khi chúng ta chân thành cầu xin.—Lu 11:13.
13, 14. Chuẩn bị cho các buổi nhóm họp có vai trò nào trong việc hiểu sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời?
13 Chuẩn bị cho các buổi nhóm họp. Chúng ta nhận được “đồ ăn đúng giờ” qua lớp “đầy-tớ”. Lớp “đầy-tớ” này chu toàn nhiệm vụ qua việc cung cấp tài liệu dựa trên Kinh Thánh cũng như sắp xếp những chương trình cho việc học hỏi và các buổi nhóm họp. Họ cân nhắc kỹ những lý do khi sắp đặt cho anh em xem xét thông tin nào đó (1 Phi 2:17; Cô 4:16; Giu 3). Chúng ta hợp tác với thánh linh khi cố gắng làm theo những lời đề nghị.—Khải 2:29.
14 Khi chuẩn bị cho các buổi nhóm họp, chúng ta nên tra những câu Kinh Thánh viện dẫn và cố gắng hiểu mỗi câu áp dụng thế nào cho đề tài đang xem xét. Thói quen này dần dần sẽ giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh sâu hơn (Công 17:11, 12). Tra các câu Kinh Thánh tạo ấn tượng trong trí mà thánh linh có thể giúp chúng ta nhớ lại. Ngoài ra, thấy câu Kinh Thánh trên trang giấy sẽ để lại ấn tượng cho thị giác, nhờ đó chúng ta có thể tìm thấy đoạn Kinh Thánh khi cần.
15. Tại sao chúng ta nên đọc các ấn phẩm mới, và bạn làm điều này như thế nào?
15 Đọc các ấn phẩm mới. Một số tài liệu ấn hành tuy không được xem xét tại các buổi nhóm họp nhưng đã được biên soạn vì lợi ích của chúng ta. Ngay cả những tạp chí phân phát cho công chúng cũng được soạn thảo với mục đích đó. Trong thế giới phức tạp này, chúng ta thường mất thời gian để chờ đợi ai hoặc điều gì đó. Nếu mang theo một ấn phẩm mình chưa đọc hoặc chỉ mới đọc một phần, chúng ta có thể đọc trong dịp đó. Một số anh chị “đọc” các ấn phẩm mới bằng cách nghe băng thu âm trong lúc đi bộ hoặc lái xe. Tất cả tài liệu này được nghiên cứu kỹ nhưng được viết ra để những độc giả bình thường thích thú đọc, nhờ thế giúp chúng ta gia tăng sự hiểu biết và lòng quý trọng những điều thiêng liêng.—Ha 2:2.
16. Ghi lại và nghiên cứu những thắc mắc riêng sẽ mang đến lợi ích nào?
16 Suy ngẫm. Khi đọc Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, hãy dành thời gian để suy nghĩ. Khi theo sát dòng tư tưởng được trình bày, bạn có thể nảy sinh những thắc mắc. Bạn có thể ghi lại những thắc mắc ấy để tra cứu sau. Chúng ta thường nghiên cứu sâu khi xem xét những vấn đề gợi sự chú ý. Sự hiểu biết chúng ta đạt được trở thành một phần của tài sản cá nhân mà chúng ta có thể vận dụng khi cần.—Mat 13:52.
17. Bạn theo chương trình nào cho việc học hỏi cá nhân hoặc gia đình?
17 Sắp xếp thời gian để có Buổi thờ phượng của gia đình. Hội đồng lãnh đạo khuyến khích tất cả chúng ta mỗi tuần dành ra một tối hoặc một buổi khác để học hỏi cá nhân hoặc học với gia đình. Việc thay đổi thời gian biểu các buổi nhóm họp của hội thánh cho chúng ta cơ hội áp dụng lời khuyên này. Bạn thảo luận điều gì trong các tối dành cho Buổi thờ phượng của gia đình? Một số anh chị đọc Kinh Thánh, nghiên cứu những câu Kinh Thánh họ thắc mắc và ghi chú vắn tắt lời giải thích trong Kinh Thánh riêng. Nhiều gia đình dành thời gian để thảo luận cách áp dụng tài liệu đang học cho gia đình. Một số chủ gia đình chọn tài liệu mà anh cảm thấy gia đình mình cần xem xét hoặc tài liệu về những đề tài, thắc mắc mà gia đình đã nêu. Chắc chắn, với thời gian, bạn sẽ nghĩ ra những đề tài kháca.
18. Tại sao chúng ta không nên bỏ qua việc nghiên cứu những lẽ thật sâu sắc hơn của Lời Đức Chúa Trời?
18 Chúa Giê-su đã nói thánh linh sẽ giúp đỡ, vậy chúng ta không nên bỏ qua việc nghiên cứu những lẽ thật sâu sắc hơn của Lời Đức Chúa Trời. Đó là một phần của “tri-thức của Đức Chúa Trời”, là điều rất quý giá, và chúng ta được kêu gọi tìm hiểu. (Đọc Châm-ngôn 2:1-5). Những lẽ thật ấy tiết lộ nhiều về những điều mà ‘Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những người yêu-mến Ngài’. Khi chúng ta nỗ lực học hỏi thêm về Lời của Đức Giê-hô-va, thánh linh sẽ giúp chúng ta, vì “Thánh-Linh dò-xét mọi sự, cả đến sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời nữa”.—1 Cô 2:9, 10.
[Chú thích]
Bạn trả lời thế nào?
• Thánh linh giúp chúng ta dò xét “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” qua hai cách nào?
• Vào thế kỷ thứ nhất, thánh linh tiết lộ những lẽ thật sâu nhiệm qua ai?
• Thời nay, thánh linh hoạt động thế nào để làm sáng tỏ vấn đề?
• Bạn có thể làm gì để nhận lợi ích từ vai trò của thánh linh?
[Khung nơi trang 22]
Thánh linh tiết lộ ý nghĩa của đền thờ thiêng liêng
Một trong số “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” đã được tiết lộ vào thế kỷ thứ nhất là: Đền tạm, và sau này là đền thờ, là hình bóng cho một điều lớn hơn về thiêng liêng. Phao-lô gọi điều này là “đền-tạm thật, bởi Chúa dựng lên, không phải bởi một người nào” (Hê 8:2). Đây là đền thờ thiêng liêng vĩ đại—một sắp đặt để đến gần Đức Chúa Trời nhờ sự hy sinh và chức tế lễ của Chúa Giê-su.
“Đền-tạm thật” bắt đầu thành hình vào năm 29 CN, khi Chúa Giê-su làm báp-têm và Đức Giê-hô-va nhận ngài là đấng sẽ trở thành lễ vật hy sinh hoàn hảo (Hê 10:5-10). Sau khi chết và sống lại, Chúa Giê-su vào nơi Chí Thánh của đền thờ thiêng liêng và đệ trình giá trị sự hy sinh của ngài “trước mặt Đức Chúa Trời”.—Hê 9:11, 12, 24.
Ở nơi khác, sứ đồ Phao-lô viết rằng các tín đồ xức dầu “làm nên một đền-thờ thánh trong Chúa” (Ê-phê 2:20-22). Đền thờ này có phải là “đền-tạm thật” mà sau này ông viết trong lá thư gửi cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ không? Qua nhiều thập niên, các tôi tớ Đức Giê-hô-va nghĩ vậy. Họ từng nghĩ các tín đồ được xức dầu đang được chuẩn bị trên đất để trở thành “đá” trong đền thờ trên trời của Đức Giê-hô-va.—1 Phi 2:5.
Tuy nhiên, gần đến năm 1971, những thành viên có trách nhiệm của lớp đầy tớ bắt đầu nhận biết rằng đền thờ mà Phao-lô nói đến trong thư gửi các tín đồ ở Ê-phê-sô không thể nào là đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Nếu “đền-tạm thật” gồm các tín đồ xức dầu được sống lại thì nó chỉ hiện hữu sau khi họ bắt đầu sống lại vào “kỳ Chúa đến” (1 Tê 4:15-17). Nhưng nói về đền tạm trong đồng vắng, Phao-lô viết: “Ấy là một hình-bóng chỉ về đời bây giờ ”.—Hê 9:9.
Khi cẩn thận đối chiếu những câu Kinh Thánh này cũng như các câu khác, rõ ràng là đền thờ thiêng liêng không đang được xây dựng và các tín đồ được xức dầu không phải là “đá” được chuẩn bị trên đất để trở nên thành viên của đền thờ đó. Đúng hơn, các tín đồ được xức dầu đang phục vụ trong hành lang và nơi thánh của đền thờ thiêng liêng, hằng ngày dâng cho Đức Chúa Trời “tế-lễ bằng lời ngợi-khen”.—Hê 13:15.
[Hình nơi trang 23]
Chúng ta có thể làm gì để gia tăng sự hiểu biết về “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời”?