‘Con muốn cho biết về Cha’
“Ngoài Cha, không ai biết Con là ai; ngoài Con và người nào Con muốn cho biết, không ai biết Cha là ai”.—LU 10:22.
BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?
Tại sao Chúa Giê-su có điều kiện tốt nhất để cho người khác biết về Cha?
Làm thế nào Chúa Giê-su cho người khác biết về Cha?
Bạn có thể noi gương Chúa Giê-su trong việc cho người khác biết về Cha qua những cách nào?
1, 2. Câu hỏi nào làm nhiều người bối rối và tại sao?
“Đức Chúa Trời là ai?”. Câu hỏi này làm nhiều người bối rối. Chẳng hạn, dù hầu hết những người tự nhận là theo Chúa Giê-su tin Đức Chúa Trời là Chúa Ba Ngôi, nhưng nhiều người thừa nhận giáo lý này không thể hiểu được. Một tác giả, cũng thuộc hàng giáo phẩm, thừa nhận: “Giáo lý này vượt quá tầm hiểu biết của con người. Nó nằm ngoài lý trí tự nhiên và lập luận logic của con người”. Mặt khác, đa số những người chấp nhận thuyết tiến hóa tin rằng không có Đức Chúa Trời. Họ cho rằng tất cả các kỳ công sáng tạo đều xuất hiện cách ngẫu nhiên. Dù vậy, thay vì phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, Charles Darwin nói: “Đối với tôi, kết luận chắc chắn nhất là toàn bộ chủ đề này vượt quá khả năng hiểu biết của loài người”.
2 Đa số người ta, dù có niềm tin nào, đều thắc mắc về những câu hỏi liên quan đến sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi không tìm được lời giải đáp hợp lý, nhiều người cuối cùng đã bỏ cuộc. Thật vậy, Sa-tan đã ‘làm mù tâm trí những người không tin đạo’ (2 Cô 4:4). Vì thế, không ngạc nhiên gì khi phần lớn nhân loại không biết sự thật về Cha, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ!—Ê-sai 45:18.
3. (a) Ai đã cho chúng ta biết về Đấng Tạo Hóa? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Tuy nhiên, con người phải biết sự thật về Đức Chúa Trời. Tại sao điều này là trọng yếu? Vì chỉ những ai kêu cầu “danh Giê-hô-va” sẽ được cứu (Rô 10:13). Kêu cầu danh Đức Chúa Trời bao hàm việc biết rõ về ngài. Chúa Giê-su tiết lộ cho các môn đồ sự hiểu biết quan trọng này. Ngài cho họ biết về Cha. (Đọc Lu-ca 10:22). Tại sao không ai có thể cho biết về Cha rõ như Chúa Giê-su? Chúa Giê-su đã làm thế bằng cách nào? Làm sao chúng ta có thể noi gương ngài trong việc cho người khác biết về Cha? Chúng ta hãy cùng xem xét những câu hỏi này.
CHÚA GIÊ-SU—ĐẤNG CÓ ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT ĐỂ CHO BIẾT VỀ CHA
4, 5. Tại sao có thể nói Chúa Giê-su có điều kiện tốt nhất để cho người khác biết về Cha?
4 Chúa Giê-su có điều kiện tốt nhất để cho người ta biết về Cha. Tại sao? Vì trước khi có bất cứ tạo vật nào khác, vị thần linh sau này trở thành người có tên Giê-su đã hiện hữu ở trên trời với tư cách là “Con một của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:14; 3:18). Thật là một vị thế có một không hai! Khi chỉ có Cha và Con, Chúa Giê-su đã vui thích ở trong vòng tay ấm áp của Cha, học về Cha và các đức tính của ngài. Bên nhau trong suốt hằng hà sa số năm, chắc chắn Cha và Con đã trò chuyện nhiều và tình Cha Con trở nên rất sâu đậm (Giăng 5:20; 14:31). Hẳn Chúa Giê-su hiểu về Cha sâu sắc dường bao!—Đọc Cô-lô-se 1:15-17.
5 Cha chọn Con làm phát ngôn viên, “Lời của Đức Chúa Trời” (Khải 19:13). Vì thế, Chúa Giê-su có điều kiện tốt nhất để cho người khác biết về Cha. Thật thích hợp khi người viết Phúc âm nói Chúa Giê-su là “Ngôi Lời” “ở trong lòng Cha” (Giăng 1:1, 18, chú thích). Ở đây, Giăng muốn nói đến một phong tục thường thấy trong bữa ăn vào thời của ông. Hai người khách ngồi nghiêng người trên cùng một ghế dài. Ngồi gần như thế, họ dễ trò chuyện với nhau. Thế nên, khi nói Con “ở trong lòng” Cha, Giăng cho thấy Chúa Giê-su đã trò chuyện thân mật với Cha.
6, 7. Điều gì đã giúp mối quan hệ giữa Cha và Con ngày càng gắn bó?
6 Mối quan hệ giữa Cha và Con ngày càng gắn bó. ‘Hằng ngày Con là sự khoái-lạc của Cha’. (Đọc Châm-ngôn 8:22, 23, 30, 31). Vì thế, thật dễ hiểu là mối quan hệ giữa Cha và Con trở nên khăng khít khi họ làm việc cùng nhau và khi Con tập bắt chước những đức tính của Cha. Khi cùng Cha tạo ra các tạo vật thông minh khác, Con thấy cách Cha đối xử với mỗi tạo vật, và chắc chắn ngài càng quý trọng các đức tính của Cha.
7 Ngay cả việc Sa-tan thách thức tính chính đáng của quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va cũng cho Chúa Giê-su cơ hội học thêm về Cha. Chúa Giê-su có thể thấy cách Cha ngài thể hiện tình yêu thương, công bằng, khôn ngoan và quyền năng khi đối phó với tình huống khó khăn. Chắc chắn điều này đã trang bị cho Chúa Giê-su để đối phó với những thử thách mà sau này chính ngài gặp phải trong thánh chức trên đất.—Giăng 5:19.
8. Các sách Phúc âm giúp chúng ta hiểu nhiều về các đức tính của Đức Giê-hô-va như thế nào?
8 Vì có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va nên Chúa Giê-su có thể giải thích về Cha tường tận hơn bất cứ người nào khác. Thế nên, cách tốt nhất để chúng ta biết về Đức Giê-hô-va là xem xét những gì Con một của ngài dạy và làm. Chẳng hạn như bạn muốn hiểu nghĩa của từ “yêu thương”. Nếu chỉ dùng từ điển thôi thì rất khó để bạn hiểu trọn vẹn nghĩa của đức tính ấy. Bạn sẽ dễ hiểu hơn nếu có thể thấy một người thể hiện đức tính này. Tương tự, khi suy ngẫm những lời tường thuật sống động trong các sách Phúc âm về thánh chức của Chúa Giê-su và cách ngài quan tâm đến người khác, chúng ta có thể hiểu rõ câu “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8, 16). Chúng ta cũng có thể làm như vậy để hiểu rõ các đức tính khác của Đức Chúa Trời.
CÁCH CHÚA GIÊ-SU CHO BIẾT VỀ CHA
9. (a) Chúa Giê-su cho người khác biết về Cha qua hai cách cơ bản nào? (b) Hãy kể một thí dụ chứng tỏ Chúa Giê-su cho biết về Cha qua sự dạy dỗ của ngài.
9 Bằng cách nào Chúa Giê-su cho các môn đồ thời bấy giờ và trong tương lai biết về Cha? Qua hai cách cơ bản: sự dạy dỗ và hạnh kiểm. Trước tiên, chúng ta hãy xem xét sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Sự dạy dỗ của ngài phản ánh rõ suy nghĩ, cảm xúc và đường lối của Cha ngài. Chẳng hạn, ngài ví Cha với người có bầy chiên. Ông rất quan tâm đến chiên và đi kiếm một con chiên lạc. Chúa Giê-su nói khi tìm thấy con bị mất, ông “vui mừng vì con chiên đó hơn là chín mươi chín con không bị lạc”. Minh họa này áp dụng thế nào? Chúa Giê-su giải thích: “Cũng vậy, Cha tôi ở trên trời không muốn mất một ai trong số những người hèn mọn ấy” (Mat 18:12-14). Bạn học được gì về Đức Giê-hô-va qua minh họa này? Cho dù đôi lúc bạn cảm thấy mình không có giá trị và bị lãng quên thì Cha ở trên trời vẫn quan tâm và chăm sóc bạn. Trong mắt ngài, bạn là một trong “những người hèn mọn ấy”.
10. Chúa Giê-su cho biết về Cha qua hạnh kiểm của mình như thế nào?
10 Cách thứ hai Chúa Giê-su cho các môn đồ biết về Cha là qua hạnh kiểm của ngài. Khi sứ đồ Phi-líp đề nghị Chúa Giê-su: “Xin chỉ Cha cho chúng tôi”, ngài có thể nói: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:8, 9). Hãy xem một số thí dụ về cách Chúa Giê-su thể hiện các đức tính của Cha. Khi một người “bị phong cùi đầy mình” nài xin Chúa Giê-su chữa bệnh cho ông, ngài sờ vào ông và nói: “Tôi muốn, hãy sạch đi”. Khi được chữa lành, chắc chắn người ấy thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va qua những gì Chúa Giê-su làm (Lu 5:12, 13). Ngoài ra, khi La-xa-rơ chết, các môn đồ hẳn cảm nhận được lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va khi thấy Chúa Giê-su ‘vô cùng xúc động, đau xót’ và “khóc”. Dù biết mình sẽ làm cho La-xa-rơ sống lại, nhưng Chúa Giê-su vẫn cảm nhận nỗi đau của gia đình và bạn bè La-xa-rơ lúc đó (Giăng 11:32-35, 40-43). Chắc chắn cũng có những lời tường thuật về Chúa Giê-su mà bạn đặc biệt yêu thích, qua đó bạn thấy được lòng thương xót của Cha.
11. (a) Khi dọn sạch đền thờ, Chúa Giê-su cho biết gì về Cha? (b) Tại sao lời tường thuật này khích lệ chúng ta?
11 Còn về việc Chúa Giê-su dọn sạch đền thờ thì sao? Sự kiện này giúp chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va? Hãy hình dung cảnh này: Chúa Giê-su làm cái roi bằng dây thừng và đuổi hết những kẻ bán gia súc và chiên ra khỏi đền thờ. Ngài cũng đổ tiền và lật bàn của những kẻ đổi tiền (Giăng 2:13-17). Hành động dứt khoát ấy làm các môn đồ nhớ lại lời tiên tri của Đa-vít: “Sự sốt-sắng về đền Chúa tiêu-nuốt tôi” (Thi 69:9). Hành động của Chúa Giê-su cho thấy ngài rất muốn bảo vệ sự thờ phượng thật. Chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va qua việc làm ấy của Chúa Giê-su? Chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Giê-hô-va không chỉ có đủ quyền lực để xóa sạch sự gian ác trên đất mà ngài còn rất muốn làm thế. Lời miêu tả về phản ứng dứt khoát của Chúa Giê-su đối với hành vi sai trái giúp chúng ta hiểu cảm xúc của Đức Giê-hô-va khi chứng kiến những điều gian ác lan tràn khắp đất ngày nay. Sự thật này khích lệ chúng ta biết bao khi đương đầu với sự bất công!
12, 13. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua cách Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ?
12 Chúng ta hãy xem xét một thí dụ khác, đó là cách Chúa Giê-su đối xử với các môn đồ. Họ thường cãi nhau xem ai lớn hơn hết (Mác 9:33-35; 10:43; Lu 9:46). Vì ở với Cha lâu nên Chúa Giê-su biết Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về thái độ kiêu ngạo như vậy (2 Sa 22:28; Thi 138:6). Hơn nữa, Chúa Giê-su từng thấy Sa-tan thể hiện thái độ ấy. Kẻ ích kỷ đó rất xem trọng danh vọng và địa vị. Vì thế, Chúa Giê-su hẳn rất buồn khi thấy có sự tham vọng trong vòng các môn đồ mà ngài huấn luyện. Thậm chí, ngay cả những sứ đồ mà ngài chọn cũng có khuynh hướng ấy! Họ vẫn còn có tham vọng ngay đến ngày cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất (Lu 22:24-27). Thế nhưng, Chúa Giê-su tiếp tục khiển trách họ cách tử tế, ngài luôn hy vọng rằng cuối cùng họ sẽ học được tinh thần khiêm nhường từ ngài.—Phi-líp 2:5-8.
13 Bạn có thấy bàn tay Đức Giê-hô-va qua cách Chúa Giê-su kiên nhẫn sửa các môn đồ khi họ có khuynh hướng sai không? Qua lời nói và hành động của Chúa Giê-su, bạn có thấy Cha, đấng không bỏ dân mình bất kể họ sai sót nhiều lần? Khi hiểu về các đức tính của Đức Chúa Trời, chẳng phải chúng ta được thúc đẩy để đến gần ngài và tỏ lòng ăn năn mỗi khi phạm lỗi hay sao?
CON MUỐN CHO NGƯỜI KHÁC BIẾT VỀ CHA
14. Chúa Giê-su chứng tỏ ngài muốn cho người khác biết về Cha như thế nào?
14 Nhiều nhà độc tài cố kiểm soát người ta và không muốn tiết lộ thông tin cho họ. Trái lại, Chúa Giê-su muốn chia sẻ thông tin ngài biết về Cha, ngài sẵn sàng cho người khác biết rõ về Đức Chúa Trời. (Đọc Ma-thi-ơ 11:27). Hơn thế, Chúa Giê-su còn cho các môn đồ “sự thông sáng, hầu [họ có thể] hiểu biết về đấng có thật”, Đức Giê-hô-va (1 Giăng 5:20). Thật vậy, Chúa Giê-su mở trí các môn đồ để họ có thể hiểu sự dạy dỗ của ngài về Cha. Ngài không giấu sự thật về Cha bằng cách dạy rằng Đức Chúa Trời là một ngôi trong Chúa Ba Ngôi huyền bí.
15. Tại sao Chúa Giê-su không cho các môn đồ biết hết mọi điều ngài biết về Cha?
15 Chúa Giê-su có cho các môn đồ biết hết mọi điều ngài biết về Cha không? Không. (Đọc Giăng 16:12). Tại sao? Vì vào lúc đó, môn đồ của ngài “không thể hiểu được” kiến thức ấy. Tuy nhiên, như Chúa Giê-su giải thích, họ sẽ được tiết lộ thêm nhiều điều khi “sự trợ giúp” đến, tức là thần khí. Thần khí sẽ giúp họ “hiểu trọn vẹn sự thật” (Giăng 16:7, 13). Như bậc cha mẹ khôn ngoan đợi đến khi con đủ lớn và hiểu được thì họ mới cho chúng biết một số thông tin, Chúa Giê-su cũng đợi đến khi các môn đồ trưởng thành về thiêng liêng và có thể hiểu được thì mới cho họ biết những điều sâu sắc hơn về Cha. Chúa Giê-su nghĩ đến những giới hạn của họ.
NOI GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU TRONG VIỆC CHO NGƯỜI KHÁC BIẾT VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
16, 17. Tại sao chúng ta có thể cho người khác biết về Cha?
16 Khi bạn hiểu và quý tính cách của một người, chẳng phải bạn được thúc đẩy để nói cho người khác biết về người ấy hay sao? Khi sống trên đất, Chúa Giê-su đã nói về Cha ngài (Giăng 17:25, 26). Chúng ta có thể noi gương ngài trong việc nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va không?
17 Như đã xem xét, Chúa Giê-su có sự hiểu biết sâu rộng về Cha hơn bất cứ người nào. Thế nhưng, ngài muốn chia sẻ với người khác một số điều mình biết, thậm chí ngài còn cho các môn đồ sự thông sáng để có thể hiểu sâu sắc hơn về các đức tính của Đức Chúa Trời. Với sự giúp đỡ của Chúa Giê-su, chẳng lẽ chúng ta không hiểu về Cha rõ hơn đa số người ta thời nay sao? Thật biết ơn dường bao khi chúng ta được Chúa Giê-su cho biết về Cha qua sự dạy dỗ và hạnh kiểm của ngài! Trên thực tế, chúng ta có thể khoe với người khác là mình biết Cha (Giê 9:24; 1 Cô 1:31). Chúng ta đã cố gắng đến gần Đức Giê-hô-va và ngài đã đến gần chúng ta (Gia 4:8). Vì thế, hiện nay chúng ta có thể chia sẻ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời cho người khác. Chúng ta làm thế bằng cách nào?
18, 19. Bạn có thể cho người khác biết về Cha qua những cách nào? Hãy giải thích.
18 Chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su trong việc cho người khác biết về Đức Giê-hô-va qua lời nói và việc làm. Hãy nhớ rằng nhiều người mình gặp trong thánh chức không biết Đức Chúa Trời là ai. Có thể họ bị những sự dạy dỗ của các tôn giáo sai lầm che mắt. Chúng ta có thể chia sẻ với họ về danh Đức Chúa Trời, ý định của ngài đối với nhân loại và các đức tính của ngài được thấy qua Kinh Thánh. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thảo luận với anh em đồng đạo về những lời tường thuật của Kinh Thánh đã giúp mình nhận ra một điểm mới về Đức Chúa Trời. Qua đó, họ cũng được lợi ích.
19 Còn về hạnh kiểm thì sao? Làm sao hạnh kiểm của chúng ta cho thấy mình noi gương Chúa Giê-su trong việc cho người khác biết về Cha? Khi người ta thấy tình yêu thương của Chúa Giê-su qua hành động của chúng ta, họ sẽ muốn đến gần Cha và Chúa Giê-su (Ê-phê 5:1, 2). Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta ‘bắt chước ông, như ông đã bắt chước Đấng Ki-tô’ (1 Cô 11:1). Thật là một đặc ân tuyệt vời khi được giúp người khác thấy Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm của mình! Mong sao tất cả chúng ta tiếp tục noi gương Chúa Giê-su trong việc cho người khác biết về Cha.