Thánh linh—Sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời
THEO giáo lý Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh là ngôi thứ ba trong một Đức Chúa Trời, bình đẳng với Đức Cha và Đức Con. Như cuốn “Đức tin của tín đồ Chính Thống giáo” viết: “Đức Thánh Linh chính thực là Đức Chúa Trời”.
Trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, chữ được dùng nhiều nhất cho “thần-linh” là ruʹach có nghĩa “hơi thở, gió, thần linh”. Trong phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp, chữ đó là pneuʹma, cũng có ý nghĩa tương tự. Liệu các chữ này có chứng tỏ thánh linh là một phần của Chúa Ba Ngôi không?
Một sinh hoạt lực
CHỮ “thánh-linh” dùng trong Kinh-thánh cho thấy đó là một năng lực được điều khiển mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng để hoàn thành nhiều ý định khác nhau của Ngài. Trong chừng mực nào đó, ta có thể ví nó như điện lực, một năng lực có thể thích nghi để thi hành nhiều công việc khác nhau.
Nơi Sáng-thế Ký 1:2, Kinh-thánh (NW) viết: “Sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời [“thần linh” (tiếng Hê-bơ-rơ là ruʹach)] vận hành trên mặt nước”. Tại đây, thần linh Đức Chúa Trời là sinh hoạt lực của Ngài đang làm cho trái đất thành hình.
Đức Chúa Trời dùng thần linh Ngài để ban sự thông hiểu cho các người phụng sự Ngài. Đa-vít cầu nguyện: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi; nguyện thần [ruʹach] tốt-lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng-thẳng” (Thi-thiên 143:10). Khi 70 người tài trí được bổ nhiệm để giúp Môi-se, Đức Chúa Trời đã phán cùng ông: “Ta sẽ rút [một phần] thần khí [ruʹach] có trên ngươi mà đặt trên chúng” (Dân Số 11 17 [Dân-số Ký 11:17], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Lời tiên tri trong Kinh-thánh được ghi lại khi người của Đức Chúa Trời được “thánh-linh [chữ Hy-lạp là pneuʹma] cảm-động” (II Phi-e-rơ 1:20, 21). Bằng cách đó, Kinh-thánh được “Đức Chúa Trời soi-dẫn”, chữ Hy-lạp dùng ở đây là The·oʹpneu·stos, có nghĩa là “Đức Chúa Trời hà hơi vào” (II Ti-mô-thê 3:16). Thánh linh còn hướng dẫn một số người để họ có sự hiện thấy hoặc chiêm bao có tính cách tiên tri (II Sa-mu-ên 23:2; Giô-ên 2:28, 29; Lu-ca 1:67; Công-vụ các Sứ-đồ 1:16; 2:32, 33).
Thánh linh thúc giục Giê-su đi vào đồng vắng sau khi ngài làm báp têm (Mác 1:12). Thần linh giống như lửa trong lòng tôi tớ Đức Chúa Trời, khiến cho họ có sức mạnh và nghị lực. Thần linh đó khiến họ có thể nói năng dạn dĩ và can đảm (Mi-chê 3:8; Công-vụ các Sứ-đồ 7:55-60; 18:25; Rô-ma 12:11; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19).
Đức Chúa Trời dùng thần linh Ngài để thi hành sự phán xét loài người và các nước (Ê-sai 30:27, 28; 59:18, 19). Thần linh Đức Chúa Trời có thể ảnh hưởng đến mọi nơi, để trợ giúp hoặc nghịch lại loài người (Thi-thiên 139:7-12).
“Quyền lực siêu vời”
THẦN LINH của Đức Chúa Trời cũng có thể ban “quyền lực siêu vời” cho những người phụng sự Ngài (Thư II gửi tín hữu Corinthô 4 7 [II Cô-rinh-tô 4:7], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Nhờ vậy họ chịu nổi thử thách về đức tin hoặc thực hiện các công việc ngoài khả năng bình thường của họ.
Chẳng hạn, Các Quan Xét 14:6 tường thuật về Sam-sôn: “Thần khí Yavê giáng xuống trên ông và ông đã xé mảnh con sư tử... mặc dù ông chẳng có gì nơi tay” ([Sách các Thẩm Phán], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Phải chăng một vị thần thánh nào đã thật sự nhập vào hay bắt lấy Sam-sôn, điều khiển thân thể ông để làm việc đó? Không, đó thật sự là “quyền năng của Chúa đã khiến Sam-sôn mạnh mẽ” (bản dịch Good News Bible-Today’s English Version [Anh-ngữ]).
Kinh-thánh nói rằng khi Giê-su làm báp têm, thánh linh giáng xuống trên ngài có hình như chim bồ câu, không như hình người (Mác 1:10). Chính sinh hoạt lực này của Đức Chúa Trời đã giúp cho Giê-su chữa lành người bệnh và làm kẻ chết sống lại. Như Lu-ca 5:17 nói: “Quyền năng Chúa [Đức Chúa Trời] làm Ngài [Giê-su] ra tay chữa lành” (bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Thần linh của Đức Chúa Trời cũng cho các môn đồ của Giê-su quyền lực làm được nhiều phép lạ. Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4 thuật lại rằng các môn đồ đang nhóm họp trong ngày lễ Ngũ Tuần thì “bỗng dưng có tiếng tự trời đến ào ào tựa gió thổi... Mọi người liền được đầy tràn Thánh Linh và bắt đầu nói được nhiều tiếng khác nhau, tùy Thánh Linh cho nói” (bản dịch Trần Đức Huân).
Thế thì thánh linh đã cho Giê-su và các tôi tớ khác của Đức Chúa Trời quyền lực để làm các việc mà người thường không làm nổi.
Không phải một Đấng
DÙ VẬY, Kinh-thánh có những câu nói đến thánh linh như một nhân vật phải không? Đúng, nhưng hãy chú ý lời nhà thần học Công giáo Edmund Fortman bàn về vấn đề này trong cuốn “Thiên Chúa Ba Ngôi” như sau: “Mặc dù thần linh này thường được miêu tả như một nhân vật, nhưng dường như rõ ràng là những nhà viết Thánh Kinh [phần tiếng Hê-bơ-rơ] không bao giờ có ý niệm hoặc trình bày thần linh này như một nhân vật biệt lập”.
Trong Kinh-thánh, việc nhân cách hóa một sự vật chẳng phải là chuyện lạ thường. Chẳng hạn, Kinh-thánh nói sự khôn ngoan có con cái (Lu-ca 7:35, bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn); tội lỗi và sự chết làm vua (Rô-ma 5:14, 21, bản dịch Hội Ghi-đê-ôn Quốc tế). Nơi Sáng-thế Ký 4:7, Kinh-thánh The New English Bible (Anh-ngữ) viết: “Tội lỗi là tên quỉ sứ rình đợi trước cửa”. Tội lỗi được nhân cách hóa như một thần linh gian ác rình đợi trước cửa nhà Ca-in. Nhưng dĩ nhiên, tội lỗi không phải là một nhân vật thần linh; cũng thế, việc nhân cách hóa thánh linh cũng chẳng khiến nó trở thành một nhân vật thần linh.
Tương tự thế, nơi I Giăng 5:6-8, không phải chỉ có thánh linh mà còn “nước và huyết” được nói là “làm chứng” (nhân chứng). Nhưng nước và huyết rõ ràng không phải là người, và thánh linh cũng không phải là người.
Phù hợp với điều này, Kinh-thánh thường dùng chữ “thánh-linh” như một vật chứ không phải một người, chẳng hạn như dùng thánh linh song song với nước và lửa (Ma-thi-ơ 3:11; Mác 1:8). Kinh-thánh khuyên người ta nên có đầy dẫy thánh linh thay vì đầy rượu (Ê-phê-sô 5:18). Kinh-thánh nói họ được đầy dẫy thánh linh giống như là đầy những đức tính như sự khôn ngoan, đức tin và sự vui vẻ (Công-vụ các Sứ-đồ 6:3; 11:24; 13:52). Và nơi II Cô-rinh-tô 6:6 thánh linh được liệt kê chung với một số đức tính khác. Những cách diễn đạt như vậy hẳn sẽ không được thông dụng nếu như thánh linh thật ra là một nhân vật.
Ngoài ra, tuy vài đoạn Kinh-thánh nói rằng thánh linh biết nói, nhưng các đoạn khác cho thấy thật sự thánh linh nói qua các thiên sứ hay loài người (Ma-thi-ơ 10:19, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 4:24, 25; 28:25; Hê-bơ-rơ 2:2). Hoạt động của thánh linh trong các trường hợp như thế không khác nào làn sóng âm thanh của máy vô tuyến truyền thanh chuyển thông điệp của một người đến một người khác ở xa.
Ma-thi-ơ 28:19 đề cập đến “nhơn danh... Đức Thánh-Linh”. Nhưng chữ “danh” không phải lúc nào cũng có nghĩa là tên cá nhân ai, cả trong tiếng Hy-lạp lẫn tiếng Việt. Khi nói “nhân danh luật pháp”, chúng ta không nói đến một người nào, nhưng chỉ muốn nói về điều mà luật pháp tiêu biểu, tức thẩm quyền của công lý. Cuốn “Từ ngữ tượng hình trong Tân Ước” (Word Pictures in the New Testament) của Robertson viết: “Việc dùng chữ danh (onoma) ở đây là một trường hợp thông thường trong bản dịch Septuagint và các bản chép tay cổ xưa, chữ này chỉ về quyền lực hay thẩm quyền”. Do đó, phép báp têm ‘nhân danh thánh linh’ là thừa nhận thẩm quyền của thần linh đến từ Đức Chúa Trời và hoạt động bởi ý muốn của Ngài”.
“Đấng yên ủi”
GIÊ-SU có nói đến thánh linh như là một “Đấng yên ủi”. Ngài còn nói “Đấng ấy” sẽ dạy dỗ, dẫn dắt và nói (Giăng 14:16, 26; 16:13). Từ Hy-lạp mà ngài dùng cho “Đấng yên ủi” (pa·raʹkle·tos) là chữ giống đực. Vì thế khi Giê-su đề cập đến những gì vị an ủi này sẽ làm, ngài đã dùng đại danh từ giống đực (Giăng 16:7, 8). Mặt khác, khi chữ thần linh trong tiếng Hy-lạp là vô tính (pneuʹma) được dùng, thì Kinh-thánh dùng cách thích đáng đại danh từ vô tính “nó” cho trường hợp này.
Hầu hết các dịch giả tin theo thuyết Chúa Ba Ngôi đều giấu diếm sự kiện này, như cuốn “Tân Kinh-thánh Mỹ” (New American Bible) của người Công giáo nhìn nhận về Giăng 14:17: “Từ Hy-lạp dùng cho chữ thần linh là vô tính (giống trung), nên hầu hết các bản chép tay Hy-lạp dùng đại danh từ “nó”, nhưng chúng ta lại dùng đại danh từ trong Anh-ngữ (là ‘he’, ‘his’, ‘him’)”.
Vì vậy khi Kinh-thánh dùng đại danh từ giống đực có liên hệ đến pa·raʹkle·tos ở Giăng 16:7, 8, thì chỉ vì tuân theo luật văn phạm, chứ không phải nói lên một giáo điều.
Không là một phần của Chúa Ba Ngôi
NHIỀU nguồn tài liệu khác nhau thừa nhận rằng Kinh-thánh không tán trợ ý niệm thánh linh là ngôi thứ ba của một Chúa Ba Ngôi, chẳng hạn như:
“Bách khoa Tự điển Công giáo” viết: “Chúng ta không tìm ra một bằng chứng cụ thể nào về Ngôi Thứ Ba trong suốt phần Cựu Ước”.
Nhà thần học Công giáo Fortman nói: “Người Do-thái không bao giờ quan niệm thánh linh là một nhân vật; cũng không có một chứng cớ vững chắc nào cho thấy có bất kỳ người viết Cựu Ước nào có quan điểm này... Trong các sách Phúc âm và trong Công-vụ các Sứ-đồ, Thánh Linh thường được trình bày như một quyền lực hay sức mạnh của Đức Chúa Trời”.
“Tân Bách khoa Tự điển Công giáo” viết: “Cựu Ước rõ ràng không xem thần khí của Thiên Chúa là một nhân vật... Thần khí của Thiên Chúa thật ra chỉ là quyền lực của Thiên Chúa. Nếu đôi khi trình bày như khác biệt với Thiên Chúa, ấy là vì hơi thở của Chúa Yavê hoạt động ở bên ngoài”. Sách này cũng viết: “Đa số các đoạn văn Tân Ước tiết lộ thần khí Thiên Chúa là một sự vật chứ không phải một người; điển hình là thần khí và quyền năng của Thiên Chúa thường được nêu song song với nhau” (Chúng tôi viết nghiêng).
“Một Tự điển Công giáo” viết: “Nói chung, Tân Ước cũng như Cựu Ước đều nói về thánh linh như một động năng hay sức mạnh của Đức Chúa Trời”.
Do đó, cả người Do thái lẫn tín đồ đấng Christ thời ban đầu đều không xem thánh linh như là một ngôi trong Chúa Ba Ngôi. Sự dạy dỗ này chỉ bắt đầu nhiều thế kỷ sau đó. Như cuốn “Một Tự điển Công giáo” ghi nhận: “Ngôi thứ ba được xác nhận tại Giáo hội nghị ở Alexandria vào năm 362... và sau cùng tại Giáo hội nghị ở Constantinople vào năm 381”, khoảng ba thế kỷ rưỡi sau khi các môn đồ được đầy dẫy thánh linh vào lễ Ngũ-tuần!
Không, thánh linh không phải là một Đấng và không là một phần của một Chúa Ba Ngôi. Thánh linh là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời mà Ngài dùng để thực hiện ý muốn của Ngài. Thánh linh không bình đẳng với Đức Chúa Trời nhưng luôn luôn có đó để Ngài tùy nghi sử dụng và ở dưới quyền Ngài.
[Câu nổi bật nơi trang 22]
“Nói chung, Tân Ước cũng như Cựu Ước đều nói về thánh linh như một động năng hay sức mạnh của Đức Chúa Trời” (“Một Tự điển Công giáo”).
[Hình nơi trang 21]
Trong một dịp nọ, thánh linh xuất hiện như chim bồ câu. Vào một dịp khác như những lưỡi lửa—không bao giờ xuất hiện như một người.