Tại sao cầu nguyện qua danh Chúa Giê-su?
Chúa Giê-su thường dạy về cách cầu nguyện. Vào thời của ngài, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cầu nguyện nơi “góc đường”. Tại sao họ làm thế? “Để cho thiên-hạ đều thấy”. Rõ ràng, họ muốn người ta ngưỡng mộ lòng sùng đạo của họ. Nhiều người trong số họ cầu nguyện dông dài và lặp đi lặp lại. Họ nghĩ “vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm” (Ma-thi-ơ 6:5-8). Chúa Giê-su cho thấy rõ hành động đó là vô ích, nhờ thế ngài giúp những người có lòng thành thật biết điều gì nên tránh khi cầu nguyện. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không chỉ dạy những điều không nên làm.
Chúa Giê-su dạy rằng lời cầu nguyện của chúng ta phải thể hiện ước muốn cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh, Nước Ngài trị đến và ý Ngài được thành tựu. Chúa Giê-su cũng dạy rằng cầu xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta đương đầu với những vấn đề cá nhân là điều thích hợp (Ma-thi-ơ 6:9-13; Lu-ca 11:2-4). Ngài sử dụng những minh họa để cho thấy nếu muốn lời cầu nguyện được nhậm, chúng ta phải kiên trì, có đức tin và khiêm nhường (Lu-ca 11:5-13; 18:1-14). Chính gương mẫu của Chúa Giê-su góp phần làm cho lời dạy của ngài có tác động mạnh mẽ.—Ma-thi-ơ 14:23; Mác 1:35.
Rõ ràng, những gì Chúa Giê-su dạy đã giúp những người theo ngài cầu nguyện cách có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, vào đêm cuối cùng của đời sống trên đất, Chúa Giê-su mới dạy các môn đồ ngài bài học quan trọng nhất về lời cầu nguyện.
“Một sự thay đổi quan trọng trong cách cầu nguyện”
Chúa Giê-su dành gần trọn cả đêm cuối cùng để khuyến khích các sứ đồ trung thành của ngài. Lúc ấy là thời điểm thích hợp để cho họ biết một điều mới. Chúa Giê-su phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Sau đó, ngài hứa với họ một điều khích lệ: “Các ngươi nhân danh ta mà cầu-xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho”. Cuối cuộc trò chuyện, ngài nói với họ: “Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh ta mà cầu-xin điều chi hết. Hãy cầu-xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui-mừng các ngươi được trọn-vẹn”.—Giăng 14:6, 13, 14; 16:24.
Những lời này thật đáng chú ý! Một sách tham khảo cho biết đây là “một sự thay đổi quan trọng trong cách cầu nguyện”. Chúa Giê-su không có ý nói rằng phải cầu nguyện với ngài thay vì với Đức Chúa Trời. Trái lại, Chúa Giê-su cho thấy một cách mới để cầu nguyện với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Đành rằng Đức Chúa Trời luôn lắng nghe lời cầu nguyện của những người trung thành thờ phượng Ngài (1 Sa-mu-ên 1:9-19; Thi-thiên 65:2). Tuy nhiên, từ khi Đức Chúa Trời lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, bất cứ ai muốn lời cầu nguyện của mình được nhậm đều phải nhận biết rằng Y-sơ-ra-ên là quốc gia được Ngài chọn lựa. Về sau, kể từ thời Sa-lô-môn, họ phải nhìn nhận đền thờ là nơi Đức Chúa Trời chọn để dâng của-lễ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:29; 2 Sử-ký 6:32, 33). Nhưng những sắp đặt này chỉ là tạm thời. Theo sứ đồ Phao-lô, Luật Pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên cũng như của-lễ dâng nơi đền thờ “chỉ là bóng của sự tốt-lành ngày sau, không có hình thật của các vật” (Hê-bơ-rơ 10:1, 2). “Bóng” sẽ qua đi, chỉ còn lại “hình thật” (Cô-lô-se 2:17). Đúng vậy, từ năm 33 CN, mối quan hệ của mỗi người với Đức Giê-hô-va không còn tùy thuộc vào việc vâng theo Luật Pháp Môi-se nữa. Thay vì thế, điều đó dựa trên việc vâng phục đấng mà Luật Pháp chỉ đến: Chúa Giê-su.—Giăng 15:14-16; Ga-la-ti 3:24, 25.
“Danh trên hết mọi danh”
Chúa Giê-su cho biết một nền tảng cao hơn để đến gần Đức Giê-hô-va. Ngài khẳng định chính ngài là một người bạn đầy quyền năng của chúng ta. Ngài mở đường cho lời cầu nguyện của chúng ta đến với Đức Chúa Trời và được nhậm lời. Chúa Giê-su giúp chúng ta như thế bằng cách nào?
Tất cả chúng ta đều sinh ra trong tội lỗi. Vì thế, không một hành động hay của-lễ nào có thể tẩy sạch dấu vết của tội lỗi hoặc cho chúng ta quyền có được mối quan hệ với Đức Chúa Trời thánh khiết, Đức Giê-hô-va (Rô-ma 3:20, 24; Hê-bơ-rơ 1:3, 4). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài để chuộc tội cho những người xứng đáng (Rô-ma 5:12, 18, 19). Giờ đây, tất cả những ai muốn được tẩy sạch tội lỗi đều có cơ hội để đạt được vị thế thanh sạch trước mặt Đức Giê-hô-va, và ‘tự do đến gần Ngài’. Nhưng điều kiện là họ phải thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su và cầu nguyện qua danh ngài.—Ê-phê-sô 3:11, 12.
Khi cầu nguyện qua danh Chúa Giê-su, chúng ta bày tỏ đức tin về ít nhất ba khía cạnh liên quan đến vai trò của ngài trong việc thực thi ý định của Đức Chúa Trời: (1) Là ‘Chiên Con của Đức Chúa Trời’, Chúa Giê-su hy sinh mạng sống để cung cấp nền tảng giúp nhân loại được tha tội; (2) ngài được Đức Giê-hô-va làm cho sống lại và hiện nay với tư cách là “thầy tế-lễ thượng-phẩm”, ngài đang giúp người ta nhận được lợi ích từ giá chuộc; (3) chỉ có ngài mới là “đường đi”, giúp loài người đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện.—Giăng 1:29; 14:6; Hê-bơ-rơ 4:14, 15.
Khi cầu nguyện qua danh Chúa Giê-su, chúng ta tỏ lòng kính trọng ngài. Đó là điều thích hợp vì Đức Giê-hô-va muốn khi “nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối. . . thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:10, 11). Điều quan trọng hơn nữa là khi cầu nguyện qua danh Chúa Giê-su, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va, Đấng hy sinh Con Ngài vì chúng ta.—Giăng 3:16.
Chúng ta nên cầu nguyện hết lòng, chứ không nên cầu nguyện cách máy móc
Để giúp chúng ta hiểu Chúa Giê-su có vai trò trọng yếu thế nào, Kinh Thánh dùng nhiều tước hiệu và danh xưng khi nói về ngài. Điều này giúp chúng ta ý thức rằng mình nhận được rất nhiều lợi ích từ những gì Chúa Giê-su đã làm, đang làm và sẽ làm vì chúng ta. (Xin xem khung “Vai trò quan trọng của Chúa Giê-su, ). Thật vậy, Chúa Giê-su đã được ban cho “danh trên hết mọi danh”.a Tất cả quyền trên trời và dưới đất đều được giao cho ngài.—Phi-líp 2:9; Ma-thi-ơ 28:18.
Không chỉ là thói quen
Thật vậy, nếu muốn lời cầu nguyện được Đức Giê-hô-va nhậm, chúng ta phải cầu xin qua danh Chúa Giê-su (Giăng 14:13, 14). Nhưng chúng ta không muốn lặp đi lặp lại cụm từ “nhân danh Chúa Giê-su” chỉ vì thói quen. Tại sao?
Chúng ta hãy xem một minh họa. Khi nhận được lá thư từ một doanh nhân, bạn có thể thấy thông thường cuối thư có ghi: “Thân mến”. Bạn có nghĩ rằng đó là lời thật lòng của doanh nhân ấy không? Hay ông ta chỉ viết theo hình thức xã giao của một lá thư kinh doanh? Thật vậy, việc dùng danh Chúa Giê-su trong lời cầu nguyện phải có ý nghĩa, chứ không giống như kết thúc của lá thư kinh doanh. Dù phải “cầu-nguyện không thôi”, chúng ta muốn hết lòng làm thế, chứ không theo cách máy móc.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; Thi-thiên 119:145.
Làm thế nào chúng ta có thể tránh nói “nhân danh Chúa Giê-su” một cách chiếu lệ? Hãy suy ngẫm về những đức tính nồng hậu của Chúa Giê-su. Hãy nghĩ đến những điều ngài đã làm và sẵn sàng làm vì chúng ta. Trong lời cầu nguyện, bạn hãy cảm tạ và ngợi khen Đức Giê-hô-va về sự sắp đặt tuyệt vời qua Con Ngài. Khi làm thế, bạn sẽ càng tin chắc hơn nơi lời hứa của Chúa Giê-su: “Điều chi các ngươi sẽ cầu-xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi”.—Giăng 16:23.
a Theo cuốn từ điển Kinh Thánh của ông W. E. Vine (An Expository Dictionary of New Testament Words), từ Hy Lạp được dịch là “danh” có thể ám chỉ “mọi điều bao hàm trong danh ấy, gồm cả thẩm quyền, đặc tính, cấp bậc, sự uy nghi, quyền lực, [và] sự nổi trội”.