BÀI HỌC 14
“Theo sát dấu chân ngài”
“Đấng Ki-tô đã chịu khổ vì anh em và để lại một gương mẫu, hầu anh em theo sát dấu chân ngài”.—1 PHI 2:21.
BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta
GIỚI THIỆUa
1, 2. Tại sao chúng ta có thể theo dấu chân Chúa Giê-su? Hãy minh họa.
Hãy hình dung anh chị ở trong một nhóm băng qua hoang mạc nguy hiểm và phủ đầy tuyết. Một hướng dẫn viên kinh nghiệm đang dẫn đầu. Khi đi trước, anh ấy để lại dấu chân trên tuyết. Vào một thời điểm, anh chị không thể nhìn thấy người hướng dẫn. Nhưng anh chị không hoảng loạn. Thay vì thế, anh chị và những người trong nhóm đi theo dấu chân của hướng dẫn viên sát nhất có thể!
2 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính, theo một nghĩa nào đó chúng ta cũng đang băng qua hoang mạc nguy hiểm là thế gian gian ác này. Đáng mừng là Đức Giê-hô-va đã cung cấp Hướng Dẫn Viên hoàn hảo, tức Con ngài là Chúa Giê-su, đấng mà chúng ta có thể theo sát dấu chân (1 Phi 2:21). Theo một tài liệu tham khảo Kinh Thánh, Phi-e-rơ ví Chúa Giê-su với một hướng dẫn viên. Như hướng dẫn viên để lại dấu chân, Chúa Giê-su cũng để lại dấu chân để chúng ta bước theo. Hãy cùng xem ba câu hỏi: Theo dấu chân Chúa Giê-su có nghĩa gì? Tại sao chúng ta nên làm thế? Và chúng ta làm điều đó bằng cách nào?
THEO DẤU CHÂN CHÚA GIÊ-SU CÓ NGHĨA GÌ?
3. Theo dấu chân một người có nghĩa gì?
3 Theo dấu chân một người có nghĩa gì? Trong Kinh Thánh, từ “bước đi” và “chân” đôi khi nói đến lối sống của một người (Sáng 17:1; Châm 4:26). Gương của một người có thể được ví như dấu chân người ấy để lại. Vậy theo dấu chân một người có nghĩa là theo gương, hay bắt chước, người ấy.
4. Theo dấu chân Chúa Giê-su có nghĩa gì?
4 Vậy theo dấu chân Chúa Giê-su có nghĩa gì? Nói đơn giản là bắt chước gương của ngài. Trong câu Kinh Thánh chủ đề, sứ đồ Phi-e-rơ đang nói về một khía cạnh mà Chúa Giê-su nêu gương, đó là trong việc chịu khổ (1 Phi 2:18-25). Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt chước ngài trong nhiều khía cạnh khác. Thật vậy, cả cuộc đời Chúa Giê-su, mọi điều ngài nói và làm, đều là gương để chúng ta noi theo.
5. Con người bất toàn có thể theo gương hoàn hảo của Chúa Giê-su được không? Hãy giải thích.
5 Là người bất toàn, chúng ta có thể theo dấu chân Chúa Giê-su được không? Chắc chắn được. Phi-e-rơ không nói rằng chúng ta phải theo gương Chúa Giê-su một cách hoàn hảo. Thay vì thế, ông khuyến giục chúng ta hãy “theo sát dấu chân ngài”. Nếu cẩn thận theo dấu chân Chúa Giê-su, nỗ lực hết sức trong khả năng của con người bất toàn, chúng ta đang vâng theo lời của sứ đồ Giăng là “tiếp tục bước đi như [Chúa Giê-su]”.—1 Giăng 2:6.
TẠI SAO NÊN THEO DẤU CHÂN CHÚA GIÊ-SU?
6, 7. Tại sao có thể nói việc theo dấu chân Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va?
6 Theo dấu chân Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Tại sao có thể nói như thế? Thứ nhất, Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc về cách sống làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Giăng 8:29). Vì vậy, khi theo dấu chân Chúa Giê-su, chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va hài lòng. Và chúng ta có thể tin chắc rằng Cha trên trời sẽ đến gần những ai nỗ lực để trở thành bạn ngài.—Gia 4:8.
7 Thứ hai, Chúa Giê-su noi gương Cha một cách hoàn hảo. Vì thế, ngài có thể nói: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Chúng ta có thể bắt chước những đức tính của Chúa Giê-su và cách ngài đối xử với người khác. Chẳng hạn, ngài thể hiện lòng thương xót với người phong cùi, sự cảm thông với người phụ nữ mắc căn bệnh khổ sở và lòng trắc ẩn với những người mất người thân (Mác 1:40, 41; 5:25-34; Giăng 11:33-35). Khi noi gương Chúa Giê-su, chúng ta cũng đang noi gương Đức Giê-hô-va. Càng trở nên giống với Đức Giê-hô-va, chúng ta càng đến gần ngài.
8. Hãy giải thích tại sao việc theo dấu chân Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta chiến thắng thế gian.
8 Theo dấu chân Chúa Giê-su giúp chúng ta không bị thế gian gian ác này làm cho phân tâm. Vào đêm cuối cùng sống trên đất, Chúa Giê-su đã có thể nói: “Tôi đã thắng thế gian” (Giăng 16:33). Ý của ngài là ngài không để cho lối suy nghĩ, mục tiêu và hành động của thế gian ảnh hưởng đến mình. Chúa Giê-su không bao giờ để cho mình mất tập trung vào lý do ngài được phái xuống đất, đó là biện minh cho Đức Giê-hô-va. Còn chúng ta thì sao? Nhiều điều trong thế gian này có thể khiến mình bị phân tâm. Nhưng như Chúa Giê-su, nếu tiếp tục tập trung vào việc làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng sẽ chiến thắng thế gian.—1 Giăng 5:5.
9. Chúng ta cần làm gì để ở trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu?
9 Theo dấu chân Chúa Giê-su dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Khi một người trai trẻ giàu có hỏi anh ta cần làm gì để có sự sống vĩnh cửu, Chúa Giê-su đáp: “Hãy đến làm môn đồ tôi” (Mat 19:16-21). Với một số người Do Thái không tin ngài là Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su nói: “Chiên tôi... theo tôi. Tôi cho chiên sự sống vĩnh cửu” (Giăng 10:24-29). Với Ni-cô-đem, một thành viên thuộc Tòa Tối Cao chú ý đến sự dạy dỗ của ngài, Chúa Giê-su nói rằng những ai thể hiện đức tin nơi ngài sẽ “có được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16). Chúng ta thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su bằng cách làm theo những gì ngài nói cũng như những gì ngài làm. Nếu làm thế, chúng ta sẽ tiếp tục ở trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu.—Mat 7:14.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THEO SÁT DẤU CHÂN CHÚA GIÊ-SU?
10. Tìm hiểu thêm về Chúa Giê-su bao hàm điều gì? (Giăng 17:3)
10 Trước khi có thể theo sát dấu chân Chúa Giê-su, chúng ta cần tìm hiểu về ngài. (Đọc Giăng 17:3). Tìm hiểu về Chúa Giê-su là tiến trình liên tục. Chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu thêm về ngài, tức các đức tính, lối suy nghĩ và tiêu chuẩn của ngài. Dù theo chân lý bao lâu, chúng ta phải luôn nỗ lực tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và Con ngài.
11. Bốn sách Phúc âm chứa đựng điều gì?
11 Để giúp chúng ta tìm hiểu về Con ngài, Đức Giê-hô-va yêu thương cho lưu lại bốn sách Phúc âm trong Lời ngài. Phúc âm tường thuật đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su. Lời tường thuật ấy cho chúng ta biết những điều Chúa Giê-su nói và làm cũng như tiết lộ cảm xúc của ngài. Bốn sách này như thể chứa đựng những bước chân mà Chúa Giê-su để lại và giúp chúng ta “xem xét kỹ” gương của ngài (Hê 12:3). Vì vậy, khi xem xét Phúc âm, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về Chúa Giê-su. Nhờ thế, chúng ta có thể theo sát dấu chân ngài.
12. Làm thế nào để nhận lợi ích tối đa từ Phúc âm?
12 Để nhận lợi ích tối đa từ Phúc âm, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ đọc những sách ấy. Chúng ta cần dành thời gian học hỏi kỹ lưỡng và suy ngẫm một cách sâu sắc. (So sánh Giô-suê 1:8, chú thích). Hãy xem hai gợi ý giúp chúng ta suy ngẫm về Phúc âm và áp dụng những gì mình đọc.
13. Anh chị có thể làm cho những lời tường thuật trong Phúc âm trở nên sống động bằng cách nào?
13 Thứ nhất, hãy làm cho những lời tường thuật trong Phúc âm trở nên sống động. Hãy dùng trí tưởng tượng để thấy, nghe và cảm nhận những gì đang diễn ra. Để giúp anh chị làm thế, hãy tra cứu những ấn phẩm học hỏi do tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp. Hãy xem xét văn cảnh, tức những sự kiện xảy ra trước hoặc sau đoạn Kinh Thánh anh chị đang nghiên cứu. Hãy tìm những thông tin giúp giải thích về bối cảnh và hoàn cảnh. Hãy so sánh lời tường thuật ấy với lời tường thuật tương ứng trong sách Phúc âm khác. Đôi khi, một sách Phúc âm ghi lại một chi tiết ý nghĩa mà Phúc âm khác không đề cập.
14, 15. Điều gì giúp chúng ta áp dụng những lời tường thuật trong Phúc âm vào đời sống?
14 Thứ hai, hãy áp dụng những lời tường thuật trong Phúc âm vào đời sống (Giăng 13:17). Sau khi xem xét kỹ một lời tường thuật trong Phúc âm, hãy tự hỏi: “Có bài học nào trong lời tường thuật này mà mình có thể áp dụng vào đời sống không? Làm thế nào mình có thể dùng lời tường thuật này để giúp người khác?”. Hãy nghĩ đến một người cụ thể, rồi vào thời điểm thích hợp, anh chị có thể chia sẻ một cách yêu thương và tế nhị về điều mình học được.
15 Hãy cùng xem xét một ví dụ về cách áp dụng hai gợi ý trên. Chúng ta sẽ xem lời tường thuật về bà góa nghèo mà Chúa Giê-su quan sát tại đền thờ.
BÀ GÓA NGHÈO TRONG ĐỀN THỜ
16. Hãy mô tả bối cảnh của Mác 12:41.
16 Làm cho lời tường thuật trở nên sống động. (Đọc Mác 12:41). Hãy hình dung bối cảnh. Đó là ngày 11 tháng Ni-san năm 33 CN, vài ngày trước khi Chúa Giê-su chịu chết. Chúa Giê-su đã dành hầu như cả ngày hôm đó để dạy dỗ trong đền thờ. Những kẻ chống đối gây khó dễ cho ngài. Trước đó, vài người trong số họ đã đặt nghi vấn về uy quyền của ngài. Số khác thì cố bắt lỗi Chúa Giê-su bằng cách đặt những câu hỏi hóc búa (Mác 11:27-33; 12:13-34). Giờ đây, Chúa Giê-su chuyển đến một chỗ khác của đền thờ. Ở đó Chúa Giê-su có thể thấy những rương đóng góp được đặt dọc theo các bức tường của sân, thế nên rất có thể ngài đang ở nơi được gọi là Sân Phụ Nữ. Ngài ngồi xuống và bắt đầu quan sát người ta bỏ tiền vào các rương. Ngài thấy nhiều người giàu bỏ vào nhiều đồng xu. Có lẽ ngài ngồi gần đó và có thể nghe tiếng leng keng của đồng xu rơi vào các rương.
17. Bà góa nghèo được nói nơi Mác 12:42 đã làm gì?
17 Đọc Mác 12:42. Lúc sau, có một phụ nữ thu hút sự chú ý của Chúa Giê-su. Đó là “bà góa nghèo túng” (Lu 21:2). Đời sống bà rất khó khăn, hẳn bà phải vật lộn để có nhu yếu phẩm trong đời sống. Dù vậy, bà vẫn đi đến một rương đóng góp và lặng lẽ bỏ hai đồng xu nhỏ vào, có lẽ hai đồng xu ấy hầu như không phát ra tiếng gì. Chúa Giê-su biết bà đóng góp bao nhiêu, đó là hai đồng lép-ton, loại đồng xu có giá trị nhỏ nhất thời bấy giờ. Hai đồng xu ấy thậm chí không đủ để mua một con chim sẻ, là loài chim rẻ nhất được bán làm thức ăn.
18. Theo Mác 12:43, 44, Chúa Giê-su nói gì về sự đóng góp của bà góa?
18 Đọc Mác 12:43, 44. Chúa Giê-su rất ấn tượng về bà góa này. Ngài gọi các môn đồ đến, hướng sự chú ý tới bà và nói: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào rương nhiều hơn tất cả những người khác”. Rồi ngài giải thích: “Họ [đặc biệt là người giàu] lấy của dư mà đóng góp, còn bà, dù túng thiếu nhưng lại bỏ vào hết số tiền mình có, là tất cả những gì bà có để nuôi thân”. Khi bỏ chút tiền cuối cùng, bà góa trung thành này đặt đời sống mình trong bàn tay yêu thương của Đức Giê-hô-va.—Thi 26:3.
19. Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào từ những lời Chúa Giê-su nói về bà góa nghèo?
19 Áp dụng lời tường thuật vào đời sống. Hãy tự hỏi: “Mình rút ra bài học nào từ những lời Chúa Giê-su nói về bà góa nghèo?”. Hãy suy nghĩ về bà. Hẳn bà ước mình có thể dâng cho Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Dù vậy, bà đã làm những gì có thể; bà dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có. Chúa Giê-su biết sự đóng góp của bà rất quý giá trước mắt Cha ngài. Vậy bài học quan trọng là gì? Đức Giê-hô-va hài lòng khi chúng ta dâng cho ngài điều tốt nhất, tức phụng sự ngài hết lòng và hết tâm trí (Mat 22:37; Cô 3:23). Đức Giê-hô-va vui khi thấy chúng ta làm những gì có thể! Nguyên tắc này áp dụng cho thời gian và sức lực mà chúng ta dành cho việc thờ phượng, bao gồm tham gia thánh chức và nhóm họp.
20. Làm thế nào anh chị có thể áp dụng bài học từ lời tường thuật về bà góa? Hãy nêu ví dụ.
20 Làm thế nào anh chị có thể áp dụng bài học từ lời tường thuật về bà góa? Hãy nghĩ đến những người mà có lẽ cần được trấn an rằng Đức Giê-hô-va hài lòng về nỗ lực của họ. Chẳng hạn, anh chị có biết một chị lớn tuổi có lẽ cảm thấy mặc cảm hoặc vô dụng vì không còn sức khỏe hoặc năng lực để làm nhiều cho Đức Giê-hô-va trong thánh chức như trước? Hoặc anh chị có biết một anh đang mắc căn bệnh gây đau đớn cảm thấy nản lòng vì đôi khi không thể tham dự nhóm họp tại Phòng Nước Trời? Hãy giúp những anh chị như thế bằng cách nói những lời “tốt lành giúp vững mạnh” (Ê-phê 4:29). Hãy chia sẻ với họ bài học ấm lòng mà mình học được từ lời tường thuật về bà góa nghèo. Những lời khích lệ của anh chị có thể trấn an họ rằng Đức Giê-hô-va hài lòng khi chúng ta dâng cho ngài điều tốt nhất mình có (Châm 15:23; 1 Tê 5:11). Khi khen người khác vì đã dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất, dù điều đó có vẻ chẳng đáng là bao, anh chị đang theo sát dấu chân Chúa Giê-su.
21. Anh chị quyết tâm làm gì?
21 Chúng ta thật biết ơn vì những lời tường thuật trong Phúc âm cung cấp rất nhiều chi tiết về đời sống của Chúa Giê-su, giúp chúng ta theo sát dấu chân ngài! Anh chị có thể lập kế hoạch để nghiên cứu về Phúc âm trong Buổi thờ phượng của gia đình hoặc khi học hỏi cá nhân. Hãy nhớ rằng để nhận lợi ích tối đa từ cuộc học hỏi như thế, chúng ta cần làm cho lời tường thuật trở nên sống động và áp dụng vào đời sống. Ngoài việc bắt chước điều Chúa Giê-su làm, chúng ta cũng cần lắng nghe điều ngài nói. Bài tới sẽ xem chúng ta học được gì từ những lời cuối của Chúa Giê-su trước khi ngài chết.
BÀI HÁT 15 Khen ngợi Con Đầu Lòng của Đức Giê-hô-va!
a Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính, chúng ta cần “theo sát dấu chân [Chúa Giê-su]”. Chúa Giê-su đã để lại “dấu chân” nào cho chúng ta noi theo? Bài này sẽ giải đáp câu hỏi đó. Bài cũng sẽ xem xét tại sao chúng ta nên theo sát dấu chân Chúa Giê-su và chúng ta làm thế bằng cách nào.
b HÌNH ẢNH: Sau khi suy ngẫm điều Chúa Giê-su nói về bà góa nghèo, một chị khen chị lớn tuổi vì đã phụng sự hết lòng.