Mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va bền chặt đến mức nào?
“Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—GIA 4:8.
1. Tại sao chúng ta cần giữ cho mối quan hệ với Đức Giê-hô-va được vững mạnh?
Có phải bạn là một Nhân Chứng đã dâng mình và báp-têm không? Nếu vậy, bạn có một tài sản vô cùng quý giá, đó là mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, mối quan hệ đó bị tấn công, không chỉ bởi áp lực đến từ thế gian Sa-tan mà còn bởi sự bất toàn của chính mình. Mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều phải đối mặt với tình trạng khó khăn này. Vì vậy, chúng ta cần giữ cho mối quan hệ với Đức Giê-hô-va càng vững mạnh càng tốt.
2. (a) Bạn định nghĩa thế nào là một mối quan hệ? (Xem chú thích). (b) Làm thế nào chúng ta có thể củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?
2 Đức Giê-hô-va có thật với bạn không? Bạn có cảm thấy ngài là Bạn của mình không? Bạn có muốn củng cố mối quan hệ với ngài không? Gia-cơ 4:8 cho bạn biết cách để làm điều đó: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”. Hãy lưu ý rằng đây là mối liên lạc hai chiều.a Nếu chúng ta thực hiện những bước để đến gần Đức Chúa Trời thì ngài đáp lại bằng cách đến gần chúng ta. Thường xuyên làm điều này sẽ giúp mối quan hệ của bạn với Đức Giê-hô-va ngày càng bền chặt và ngài trở nên có thật với chúng ta hơn. Đồng thời, chúng ta có được lòng tin chắc giống như Chúa Giê-su. Ngài nói: “Đấng phái tôi đến là có thật... Tôi biết ngài” (Giăng 7:28, 29). Nhưng chúng ta có thể làm những bước cụ thể nào để đến gần Đức Giê-hô-va hơn?
3. Chúng ta có thể trò chuyện với Đức Giê-hô-va bằng cách nào?
3 Thường xuyên trò chuyện với Đức Giê-hô-va là một cách thiết yếu để đến gần ngài. Bạn có thể làm điều này bằng cách nào? Nếu có một người bạn ở xa, bạn trò chuyện với người ấy qua cách nào? Rất có thể là bạn viết thư và nói chuyện qua điện thoại, có lẽ khá thường xuyên. Tương tự, bạn có thể nói chuyện với Đức Giê-hô-va qua việc thường xuyên cầu nguyện với ngài. (Đọc Thi-thiên 142:2). Có thể nói rằng bạn để Đức Giê-hô-va nói với mình khi đều đặn đọc và suy ngẫm Lời ngài. (Đọc Ê-sai 30:20, 21). Hãy xem làm thế nào mối liên lạc hai chiều này củng cố mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và giúp chúng ta xem ngài là Bạn thật của mình.
HỌC HỎI KINH THÁNH—ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NÓI VỚI BẠN
4, 5. Đức Giê-hô-va nói với cá nhân bạn qua Lời ngài như thế nào? Hãy cho ví dụ.
4 Chắc chắn bạn đồng ý rằng Kinh Thánh chứa đựng thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại nói chung. Tuy nhiên, Kinh Thánh có cho bạn biết cách để đến gần Đức Giê-hô-va hơn không? Sự thật là có. Như thế nào? Khi đều đặn đọc và học Kinh Thánh, hãy để ý đến cách bạn phản ứng trước những gì Kinh Thánh nói và suy nghĩ cách áp dụng điều đó vào hoàn cảnh của mình. Khi làm thế, bạn đang để Đức Giê-hô-va nói với bạn qua Lời ngài. Điều này giúp bạn có mối quan hệ gần gũi hơn với ngài.—Hê 4:12; Gia 1:23-25.
5 Chẳng hạn, hãy đọc và suy ngẫm những lời sau của Chúa Giê-su: “Đừng tích trữ của cải ở trên đất nữa”. Nếu thấy đời sống mình đang tập trung vào quyền lợi Nước Trời, bạn sẽ cảm thấy Đức Giê-hô-va hài lòng về mình. Nhưng có lẽ bạn thấy cần đơn giản hóa đời sống và chú tâm hơn vào quyền lợi Nước Trời. Nếu vậy, Đức Giê-hô-va đang giúp bạn nhận ra những gì bạn có thể làm để đến gần ngài hơn.—Mat 6:19, 20.
6, 7. (a) Việc học hỏi Kinh Thánh tác động thế nào đến tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va và tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta? (b) Chúng ta nên có mục tiêu nào khi học hỏi Kinh Thánh cá nhân?
6 Học hỏi Kinh Thánh không chỉ giúp chúng ta nhận ra những khía cạnh về thiêng liêng mà mình cần cải thiện. Thói quen này còn giúp chúng ta gia tăng lòng quý trọng đối với đường lối tuyệt hảo của Đức Giê-hô-va, nhờ đó chúng ta yêu mến ngài nhiều hơn. Khi tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời lớn mạnh thì tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta cũng gia tăng, nhờ thế mối quan hệ của chúng ta với ngài được củng cố.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 8:3.
7 Tuy nhiên, để đến gần Đức Giê-hô-va, điều thiết yếu là học hỏi Kinh Thánh với động cơ đúng. Giăng 17:3 nói: “Để có được sự sống vĩnh cửu, họ cần phải tìm hiểu về Cha, là Đức Chúa Trời có thật và duy nhất, cùng đấng mà Cha đã phái đến là Giê-su Ki-tô”. Chúng ta có thể học nhiều điều mới và thú vị khi đọc Kinh Thánh, nhưng mục tiêu chính của chúng ta nên là biết rõ hơn về Đức Giê-hô-va.—Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13; Thi 25:4.
8. (a) Liên quan đến cách Đức Giê-hô-va đối xử với vua A-xa-ria như được miêu tả nơi 2 Các Vua 15:1-5, một số người có thể băn khoăn điều gì? (b) Làm thế nào sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va giúp chúng ta loại bỏ mọi mối nghi ngờ về các hành động của ngài?
8 Khi biết Đức Giê-hô-va rõ hơn, chúng ta sẽ không bối rối nếu lời tường thuật nào đó trong Kinh Thánh khiến chúng ta băn khoăn không biết tại sao ngài hành động như thế. Chẳng hạn, bạn phản ứng thế nào trước cách Đức Giê-hô-va đối xử với vua A-xa-ria của nước Giu-đa? (2 Vua 15:1-5). Hãy lưu ý là dù “dân-sự cứ cúng-tế và xông hương trên các nơi cao”, nhưng A-xa-ria vẫn “làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã “giáng họa cho vua, khiến bị bịnh phung cho đến ngày người chết”. Tại sao? Lời tường thuật không cho biết lý do. Điều này có nên khiến chúng ta khó chịu hoặc băn khoăn không biết Đức Giê-hô-va có trừng phạt A-xa-ria một cách vô cớ hay không? Chúng ta sẽ không có cảm giác ấy nếu hiểu rõ đường lối của Đức Giê-hô-va. Điều này cũng bao gồm việc hiểu rằng ngài luôn sửa phạt “có chừng-mực” (Giê 30:11). Với sự hiểu biết ấy, chúng ta tin chắc sự phán xét của Đức Giê-hô-va là công chính, ngay cả khi không biết lý do ngài đối xử với A-xa-ria theo cách đó.
9. Những sự kiện nào làm sáng tỏ lý do Đức Giê-hô-va trừng phạt A-xa-ria bằng bệnh phung?
9 Tuy nhiên, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta thêm chi tiết về trường hợp này. Vua A-xa-ria cũng được biết đến là vua Ô-xia (2 Vua 15:7, 32). Lời tường thuật tương ứng nơi 2 Sử-ký 26:3-5, 16-21 cho biết dù Ô-xia đã làm điều thiện trước mắt Đức Giê-hô-va trong một thời gian, nhưng về sau “lòng [ông] bèn kiêu-ngạo, đến nỗi làm điều ác”. Vì tự cao, ông định làm nhiệm vụ mà chỉ các thầy tế lễ mới được phép làm. Nhưng 81 thầy tế lễ đã ngăn cản và cố khuyên can vua. Ô-xia phản ứng thế nào? Ông kiêu ngạo đến mức “nổi giận” với các thầy tế lễ. Vậy không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va giáng cho ông bệnh phung!
10. Tại sao chúng ta không cần lời giải thích cho mọi hành động của Đức Giê-hô-va, và làm thế nào chúng ta có thể củng cố lòng tin cậy nơi đường lối công chính của ngài?
10 Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào? Trong câu chuyện về vua A-xa-ria, chúng ta có đủ chi tiết giúp mình hiểu tại sao Đức Giê-hô-va trừng phạt ông. Nhưng khi Kinh Thánh không cung cấp mọi chi tiết, bạn sẽ làm gì? Bạn có nghi ngờ sự công chính của Đức Chúa Trời không? Hay bạn lập luận rằng Kinh Thánh có đủ bằng chứng để đảm bảo là Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng và có quyền quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai? (Phục 32:4). Khi biết rõ Đức Giê-hô-va là đấng như thế nào, chúng ta sẽ yêu mến và quý trọng đường lối của ngài đến mức không cần lời giải thích cho mọi điều ngài làm. Càng nỗ lực học hỏi và suy ngẫm Lời ngài, công cụ ngài dùng để liên lạc với chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ càng quý trọng đường lối của ngài (Thi 77:12, 13). Nhờ thế, Đức Giê-hô-va sẽ là đấng có thật đối với bạn và mối quan hệ của bạn với ngài sẽ càng bền chặt.
CẦU NGUYỆN—BẠN NÓI VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
11-13. Làm thế nào bạn biết Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện? (Xem hình nơi đầu bài).
11 Khi cầu nguyện, chúng ta đến gần với Đức Giê-hô-va. Chúng ta ngợi khen, cảm tạ và xin sự hướng dẫn của ngài (Thi 32:8). Nhưng nếu muốn có tình bạn thân thiết với Đức Giê-hô-va, bạn phải tin chắc rằng ngài lắng nghe lời cầu nguyện.
12 Một số người cho là cầu nguyện chỉ có giá trị về mặt tinh thần. Họ quả quyết rằng nếu bạn nghĩ lời cầu nguyện của mình được nhậm thì đơn giản là vì bạn đã nói ra suy nghĩ, nhận ra vấn đề và tập trung vào việc tìm giải pháp. Đành rằng việc cầu nguyện có thể mang lại những lợi ích như thế, nhưng làm sao bạn biết Đức Giê-hô-va thật sự lắng nghe những lời cầu nguyện chân thành của bạn?
13 Hãy xem xét điều này: Trước khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su đã trực tiếp thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của những tôi tớ trên đất. Trong thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã dùng lời cầu nguyện như một phương cách để bày tỏ cảm xúc với Cha trên trời. Liệu Chúa Giê-su có làm thế, thậm chí thức suốt đêm để cầu nguyện, nếu nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không thật sự lắng nghe? (Lu 6:12; 22:40-46). Liệu ngài có dạy các môn đồ cầu nguyện nếu nghĩ rằng cầu nguyện chỉ là liệu pháp tinh thần? Rõ ràng, Chúa Giê-su biết rằng cầu nguyện thật sự là phương cách để trò chuyện với Đức Giê-hô-va. Vào một dịp, Chúa Giê-su nói: “Cha ơi, con cảm tạ Cha vì đã nghe lời cầu xin của con. Thật thế, con biết Cha luôn nghe con”. Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”.—Giăng 11:41, 42; Thi 65:2.
14, 15. (a) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi cầu nguyện cụ thể? (b) Lời cầu nguyện đã giúp một chị củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va như thế nào?
14 Khi cầu nguyện cụ thể, bạn sẽ nhận thấy rõ hơn cách Đức Giê-hô-va đáp lời, ngay cả khi cách ấy có lẽ khó thấy. Qua những lời cầu nguyện được nhậm, bạn sẽ thấy Đức Giê-hô-va có thật với mình hơn. Ngoài ra, khi bạn càng bộc lộ với Đức Giê-hô-va cảm xúc sâu kín thì ngài sẽ càng đến gần bạn hơn.
15 Hãy xem kinh nghiệm của chị Kathy.b Dù thường xuyên tham gia thánh chức nhưng chị không mấy hào hứng với công việc này. Chị cho biết: “Tôi không thích đi rao giảng. Ý của tôi là tôi thật sự không thích công việc ấy. Khi tôi về hưu, một trưởng lão nói rằng anh hy vọng tôi sẽ làm tiên phong đều đều, thậm chí anh còn đưa cho tôi mẫu đơn. Tôi quyết định làm tiên phong và bắt đầu cầu xin Đức Giê-hô-va mỗi ngày để giúp tôi thích công việc rao giảng”. Đức Giê-hô-va có đáp lời cầu nguyện của chị không? Chị nói: “Hiện nay, tôi đã làm tiên phong được hơn hai năm. Nhờ tham gia thánh chức nhiều hơn và học hỏi từ những chị khác, tôi dần cải thiện được kỹ năng làm chứng. Giờ đây, tôi không thích đi rao giảng, nhưng tôi yêu công việc ấy. Ngoài ra, mối quan hệ của tôi với Đức Giê-hô-va gần gũi hơn rất nhiều so với trước kia”. Quả thật, việc cầu nguyện đã giúp chị Kathy đến gần hơn với Đức Giê-hô-va.
LÀM PHẦN CỦA MÌNH
16, 17. (a) Chúng ta cần làm gì để tiếp tục củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va? (b) Bài kế tiếp sẽ xem xét thách đố đặc biệt nào?
16 Vun đắp mối quan hệ ngày càng mật thiết với Đức Giê-hô-va là mục tiêu mà chúng ta theo đuổi trong suốt cuộc đời. Chúng ta phải làm những bước để đến gần Đức Chúa Trời nếu muốn ngài đến gần chúng ta. Hãy quyết tâm giữ mối liên lạc thường xuyên với Đức Chúa Trời qua việc học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện. Nhờ thế, mối quan hệ của chúng ta với ngài sẽ ngày càng bền chặt và giúp chúng ta đương đầu thành công với những thử thách.
17 Tuy nhiên, nếu đã tha thiết cầu nguyện nhưng vấn đề cá nhân vẫn còn, điều này có thể là một thách đố đặc biệt. Trong những lúc như thế, lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va có thể bị dao động. Có lẽ chúng ta bắt đầu băn khoăn không biết ngài có thật sự lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta không, hay ngài có xem chúng ta là bạn không. Làm thế nào chúng ta có thể đối phó với những tình huống như thế và tin chắc Đức Giê-hô-va ở gần chúng ta? Bài kế tiếp sẽ thảo luận về điều này.
a Một mối quan hệ được định nghĩa là cách mà hai người cư xử với nhau và cảm thấy về nhau. Vì vậy, cả hai người đều nỗ lực vun đắp mối quan hệ này.
b Tên đã được thay đổi.