Một dân tộc bước theo dấu chân Giê-su
“Chúng [ta] há chẳng bước đi bởi một [thánh linh], theo cùng một dấu chơn sao?” (II CÔ-RINH-TÔ 12:18).
1. Tại sao người ta thường dễ nhận diện Nhân-chứng Giê-hô-va?
Ông hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hoa-kỳ đã nói: “Họ là một nhóm người lễ phép, có trách nhiệm và học giỏi trong trường. Không có nhóm nào giống như vậy”. Ông đang nói về những ai vậy? Đó là con cái của Nhân-chứng Giê-hô-va, là những học sinh trong trường của ông. Quả thật, nhiều người đã để ý thấy rằng Nhân-chứng Giê-hô-va, kể cả con cái họ, thường có vài cách giống như những Nhân-chứng khác. Trải qua nhiều năm, điều đó đã trở thành rõ ràng hơn là họ hợp nhất về phương diện đức tin và hạnh kiểm. Bởi vậy cho nên người ta dễ nhận diện Nhân-chứng Giê-hô-va.
2. Đặc tính của hội-thánh tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất là gì và sứ đồ Phao-lô đã nói gì về điều này?
2 Sự hợp nhất của các Nhân-chứng Giê-hô-va là một điều lạ lùng trong một thế gian đầy chia rẽ này. Nhưng điều đó không khó hiểu nếu chúng ta nhớ là tất cả các Nhân-chứng đang cố gắng bước theo dấu chân Giê-su (I Phi-e-rơ 2:21). Sự hợp nhất đó cũng là một đặc tính của các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. Một lần nọ Phao-lô khuyên nhủ hội-thánh ở Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, tôi nhơn danh Chúa Giê-su Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân-rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau” (I Cô-rinh-tô 1:10). Phao-lô cũng đã đưa những lời khuyên được soi dẫn về cách đối xử với những người không muốn giữ theo sự hợp nhất của tín đồ đấng Christ. (Xem Rô-ma 16:17; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6).
3, 4. Phao-lô diễn tả thế nào về sự hợp nhất giữa ông và Tít, và điều gì là căn bản của sự hợp nhất này?
3 Vào năm 55 tây lịch, Phao-lô gởi Tít đến thành Cô-rinh-tô để giúp quyên tiền cho những anh em khốn khó ở Giu-đê và cũng để xem hội-thánh phản ứng thế nào trước lời khuyên của Phao-lô. Khi viết cho người Cô-rinh-tô sau đó, Phao-lô đề cập đến sự viếng thăm vừa qua của Tít và hỏi: “Có phải là Tít đã lấy lợi của anh em không? Chúng tôi há chẳng bước đi bởi một [thánh linh], theo cùng một dấu chơn sao?” (II Cô-rinh-tô 12:18). Phao-lô muốn nói gì khi bảo họ bước đi bởi “một thánh linh” và “theo cùng một dấu chơn”?
4 Ông nói đến sự hợp nhất đã có giữa ông và Tít. Tít đôi khi là người bạn đồng hành của Phao-lô, và Tít đã học nhiều điều nơi Phao-lô. Nhưng sự hợp nhất đã có giữa hai người được căn cứ trên một điều khác mạnh hơn nữa. Đó là được căn cứ trên sự liên lạc với Đức Giê-hô-va và trên sự kiện là cả hai đều là môn đồ đi theo dấu chân của đấng Christ. Tít đã bắt chước Phao-lô cũng như Phao-lô đã bắt chước đấng Christ (Lu-ca 6:40; I Cô-rinh-tô 11:1). Vậy đó là họ đã bước đi bởi đồng một thánh linh và theo cùng một dấu chân của Giê-su.
5. Có thể trông mong gì nơi những người ngày nay bắt chước Phao-lô và Tít trong việc “bước đi bởi một thánh linh” và “cùng một dấu chơn”?
5 Thế thì không lạ gì khi các tín đồ đấng Christ trong thế kỷ 20 này bước đi “bởi một thánh linh” và “theo cùng một dấu chơn” như Phao-lô và Tít, hưởng được sự hợp nhất không ai khác có được. Thật vậy, sự chia rẽ trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ cho thấy họ là những tín đồ giả hiệu, không bước theo dấu chân của đấng mà họ tự xưng làm người lãnh đạo họ (Lu-ca 11:17). Sự khác biệt rõ rệt này giữa tín đồ thật của đấng Christ và tín đồ tự xưng có thể được hình dung bằng nhiều cách. Chúng ta hãy nói đến bốn cách.
Sự thánh khiết của máu
6, 7. a) Quan điểm đúng về máu có liên hệ gì trong việc bước đi theo dấu chân Giê-su? b) Có sự khác biệt nào giữa Nhân-chứng Giê-hô-va và những người khác ngày nay không nhận tiếp máu?
6 Vào năm 49 tây lịch, hội đồng lãnh đạo trung ương của hội-thánh trong thế kỷ thứ nhất đã gởi một lá thư trả lời câu hỏi: Các tín đồ đấng Christ không phải là người Do-thái có nên theo luật Môi-se không? Lá thư nói như vầy: “Ấy là [thánh linh] và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần-tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà-dâm” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29). Hãy lưu ý là trong “những điều cần-dùng” có sự tránh dùng máu. Bước đi theo dấu chân Giê-su có nghĩa là không lấy máu vào thân thể dù qua miệng hay cách nào khác.
7 Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã xâm phạm trắng trợn nguyên tắc này bằng cách thực hành sự tiếp máu. Thực vậy, trong những năm gần đây, một số người đã ý thức được rằng sự tiếp máu có nguy hại cho sức khỏe và đã từ chối tiếp máu vì lý do y tế. Điều này đặc biệt đúng kể từ khi nhiều người đã mắc chứng bệnh miễn kháng (AIDS) qua việc tiếp máu. Nhưng ai là nhóm người sẽ giữ gìn sự thánh khiết của máu bởi vì tôn trọng luật pháp Đức Chúa Trời? Khi một bệnh nhân nào từ chối tiếp máu, thì bác sĩ sẽ tự động nghĩ người đó là ai? Không phải bác sĩ thường nói: «Bạn hẳn là Nhân-chứng Giê-hô-va», hay sao?
8. Một nữ Nhân-chứng ở Ý được ban phước thế nào về việc chị nhất quyết vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời về phương diện này?
8 Chị Antonietta sống ở nước Ý. Khoảng tám năm trước đây, chị bị bệnh nhiều và lượng máu xuống quá thấp đến nỗi bác sĩ nhất quyết bảo chị cần phải tiếp máu để giữ mạng sống. Chị từ chối và bị chống đối bởi cả bác sĩ lẫn người thân thích. Ngay cả hai con trai nhỏ của chị cũng van nài: “Mẹ ơi, nếu mẹ thật sự yêu chúng con, xin hãy nhận máu”. Nhưng chị Antonietta nhất định giữ sự trung thành và vui mừng thay chị không chết. Dù vậy tình trạng chị vẫn còn nghiêm trọng đến nỗi một bác sĩ nói: “Chúng tôi không thể giải thích tại sao bà vẫn còn sống”. Nhưng khi bắt đầu dùng một loại phương pháp trị liệu khác, chị đã phục hồi nhanh chóng đến nỗi một bác sĩ khác nói: “Tôi không thể nào tin được—bà không thể nào phục hồi trong một thời gian ngắn như thế, ngay cả dù chúng tôi có bơm máu vào bà cả ngày đi nữa”. Bây giờ chị là một người khai thác đều đều và hai đứa con trai, nay được 14 và 12 tuổi, đã tiến bộ tốt trong lẽ thật. Chị Antonietta đã gìn giữ một cách can đảm “điều cần-dùng” đó tức là sự thánh khiết của máu. Tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va cũng giữ cùng quan điểm đó khi đi theo dấu chân Giê-su.
Đạo đức tốt
9. Một “điều cần-dùng” nào khác liên hệ đến việc bước theo dấu chân Giê-su, và sự gì xảy ra cho những kẻ không vâng theo điều đó?
9 Một “điều cần-dùng” khác được làm nổi bật trong lá thư của hội đồng lãnh đạo trung ương vào thế kỷ thứ nhất là “chớ tà-dâm”. Trong lá thư thứ nhất gởi cho người Cô-rinh-tô, Phao-lô đã giải thích thêm về điều này: “Những kẻ tà-dâm, kẻ thờ hình-tượng, kẻ ngoại-tình, kẻ làm giáng yểu-điệu, [đàn ông nằm với đàn ông]... đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu” (I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Tín đồ đấng Christ giúp những người muốn phụng sự Đức Giê-hô-va dứt bỏ những sự thực hành ô uế. Ngay cả các thành viên của hội-thánh bị mắc bẫy trong sự ô uế cũng được làm tinh sạch nếu họ trở lại và ăn năn (Gia-cơ 5:13-15). Nhưng nếu có tín đồ nào bị rơi vào những sự thực hành ô uế này và từ chối không chịu ăn năn thì một nguyên tắc thẳng thắn của Kinh-thánh phải được áp dụng. Phao-lô được soi dẫn để viết: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em mà là gian-dâm... Hãy trừ-bỏ kẻ gian-ác khỏi anh em” (I Cô-rinh-tô 5:11, 13).
10, 11. a) Ai phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn đạo đức thấp của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, và tại sao? b) Kinh nghiệm của một người ở Phi-luật-tân chứng tỏ thế nào về Nhân-chứng Giê-hô-va là một nhóm người theo tiêu chuẩn đạo đức cao?
10 Bất chấp sự dạy bảo rõ ràng này, các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ đã đắm mình trong sự vô luân. Các giới tu sĩ đã pha loãng đi các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, và chúng đáng bị kết tội vì tình trạng này cũng như những kẻ dùng môi miếng noi theo tiêu chuẩn Kinh-thánh nhưng thiếu can đảm để thi hành theo những luật đó trong hội-thánh của họ. Thế nhưng về phương diện này nữa, Nhân-chứng Giê-hô-va là một dân tộc bước đi theo dấu chân Giê-su.
11 Hãy xem anh Jose, ở Phi-luật-tân. Lúc mới 17 tuổi anh đã nổi tiếng là hay gây sự và cờ bạc. Anh thường say rượu, sống vô luân, thường xuyên bị bỏ tù vị tội trộm cắp. Nhưng rồi anh gặp các Nhân-chứng Giê-hô-va. Anh nói: “Việc học Kinh-thánh làm tôi thay đổi hẳn nếp sống của tôi, tôi không còn uống rượu say và hút thuốc nữa và tôi biết tự dằn tính nóng nảy. Bây giờ tôi có một lương tâm trong sạch, chỉ có một vợ mà thôi. Tôi cũng được sự kính trọng của những người hàng xóm ngày xưa đã từng gọi tôi là «Jose, thằng gớm» và «Jose, thằng quỉ». Bây giờ họ gọi tôi là «Jose, Nhân-chứng Giê-hô-va». Con trai tôi và cháu tôi làm tôi tớ chức vụ và tôi hiện làm trưởng lão và khai thác đều đều trong cùng hội-thánh”. Anh Jose và hàng triệu Nhân-chứng Giê-hô-va đều bước theo dấu chân Giê-su với tư cách là tín đồ đấng Christ trong sạch về phương diện đạo đức.
Sự trung lập
12. Giê-su làm nổi bật thái độ nào của tín đồ chân chính trong lời cầu nguyện của ngài ghi nơi Giăng đoạn 17?
12 Trong lời cầu nguyện dài của Giê-su vào buổi tối chót mà ngài ở cùng môn đồ, ngài đã đề cập đến một cách khác mà theo đó môn đồ ngài phải “bước theo dấu chơn ngài”. Ngài nói về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:16). Điều này có nghĩa là các tín đồ đấng Christ phải giữ sự trung lập. Thay vì dự phần vào chính trị hay những cuộc tranh chấp quốc gia, họ nói với người khác về Nước Đức Chúa Trời, giải pháp duy nhất cho các vấn đề khó khăn của thế gian này (Ma-thi-ơ 6:9, 10; Giăng 18:36).
13, 14. a) Tín đồ của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ khác hẳn thế nào với Nhân-chứng Giê-hô-va trong vấn đề trung lập? b) Việc một Nhân-chứng ở Nhật đã đem lại lợi ích thế nào cho quyền lợi của các anh em nói chung?
13 Nguyên tắc về sự trung lập đã bị quên lãng bởi đa số các tín đồ theo tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, đối với họ nguồn gốc quốc gia thường quan trọng hơn đoàn thể tôn giáo. Nhà bình luận báo chí Mike Royko lưu ý rằng các “tín đồ đấng Christ” đã không bao giờ “ngại việc chiến tranh với các tín đồ khác”, và thêm: “Nếu họ đã ngại việc đó thì đa số các cuộc chiến tranh hung dữ nhất ở Âu Châu đã không bao giờ xảy ra”. Sự thật được mọi người biết rõ là các Nhân-chứng Giê-hô-va giữ sự trung lập tuyệt đối trong thời chiến. Nhưng là những môn đồ bước đi theo dấu chân Giê-su, họ cũng đứng trung lập trong những vấn đề xã hội và chính trị. Vì vậy, không có gì làm xáo trộn sự hợp nhất chặt chẽ của họ trên khắp thế giới (I Phi-e-rơ 2:17).
14 Sự trung lập của họ đôi khi đem lại kết quả không ngờ. Thí dụ, tại quận Tsugaru ở miền Bắc nước Nhật người ta coi trọng việc bầu cử. Nhưng anh Toshio làm phó quản đốc sở Tài chánh của văn phòng chính phủ địa phương vì lý do lương tâm đã từ khước dính líu đến cuộc vận động tái ứng cử của ông thị trưởng. Điều này đưa đến hậu quả là anh bị giáng chức xuống địa vị thấp trong sở vệ sinh. Tuy nhiên, một năm sau, ông thị trưởng bị bắt và bị ép từ chức vì lý do tham nhũng. Một ông thị trưởng mới được bầu lên thay. Khi ông nghe nói về sự giáng chức của anh Toshio khi trước, ông phục chức cho anh trong địa vị hành chánh cao cấp và điều này đem lại ân phước cho các anh em tín đồ của anh Toshio. Thế nào? Anh Toshio giải thích là ngoài các cuộc biểu diễn hoặc tranh giải thể thao ra thì khó mà xin được phép xử dụng phòng tập thể dục để nhóm họp. Nhưng với địa vị hiện tại của anh—trích chính lời của anh Toshio: “Đức Giê-hô-va đã có thể dùng tôi để xin được xử dụng phòng tập như thế để tổ chức ba hội nghị địa hạt và bốn hội nghị vòng quanh”. Anh kết luận: “Miễn là chúng ta giữ lòng trung thành, Đức Giê-hô-va sẽ mở đường để dùng chúng ta một cách không ngờ được”.
Trong gia đình
15. Trong vấn đề liên lạc gia đình, Giê-su đã để lại gương mẫu nào cho những người theo dấu chân ngài?
15 Một khía cạnh khác mà tín đồ đấng Christ «noi dấu chơn Giê-su» là trong phạm vi gia đình. Kinh-thánh thiết lập gương mẫu của Giê-su là mẫu mực cho những vấn đề liên lạc gia đình khi nói: “Hãy kính-sợ đấng Christ mà vâng-phục nhau. Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa, vì chồng là đầu vợ khác nào đấng Christ là đầu Hội-thánh... Ấy vậy, như Hội-thánh phục dưới đấng Christ, thì đờn-bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:21-25).
16, 17. a) Về sự liên lạc gia đình, có tình trạng xấu nào trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ? b) Qua kinh nghiệm của một cặp vợ chồng ở Ba-tây, vấn đề khó khăn trong gia đình chỉ được cải thiện bằng cách nào?
16 Đa số các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ ngày nay bỏ qua lời khuyên bảo trên và vì vậy mà có nhiều gia đình bị tan vỡ. Gia đình đổ vỡ là thông thường, sự bất hòa giữa cha mẹ và con cái thường rất sâu xa. Một giáo sư tâm lý học đã nhận xét vài năm trước: “Gia đình bị lung lay”. Các nhà tâm lý học nhi đồng, các cố vấn hôn nhân và các bác sĩ trị bệnh tâm thần đã ít thành công trong việc hàn gắn lại các gia đình đang bị nguy cơ tan vỡ. Nhưng Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng nhiều để áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh và được biết đến là có sự liên lạc gia đình ở trên mức trung bình.
17 Thí dụ anh Aldemar trước kia là trung úy quân cảnh ở Ba-tây và có nhiều vấn đề khó khăn trong gia đình. Vợ anh bỏ anh và muốn ly thân chính thức. Anh bắt đầu uống rượu thật nhiều và ngay cả toan tự tử. Sau đó, người bà con của anh là Nhân-chứng Giê-hô-va nói với anh về Kinh-thánh. Anh thích những gì anh đã được nghe và bắt đầu học (Kinh-thánh). Muốn sống cho phù hợp với nguyên tắc trung lập của Nhân-chứng Giê-hô-va, anh xin giải ngũ. Anh Aldemar và vợ anh giải quyết những sự bất đồng bằng cách áp dụng nguyên tắc Kinh-thánh mà anh Aldemar đã học được. Hiện nay, cả hai vợ chồng đang theo dấu chân Giê-su, cùng phụng sự Đức Giê-hô-va với tư cách làm khai thác đều đều.
Vâng lời vì yêu thương
18. a) Tại sao ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va được ban phước về thiêng liêng? b) Ê-sai 2:2-4 hiện đang được ứng nghiệm thế nào?
18 Rõ ràng là Nhân-chứng Giê-hô-va hợp nhất trong sự bước đi bởi một thánh linh và theo dấu chân Giê-su Christ. Với tư cách cá nhân cũng như cả một nhóm người, họ được ban phước thiêng liêng vì đã làm như thế (Thi-thiên 133:1-3). Sự kiện rõ ràng về sự ban phước của Đức Chúa Trời trên họ đã khiến đa số người có lòng ngay thẳng hành động hòa hợp với lời tiên tri nơi Ê-sai 2:2-4. Chỉ trong vòng 5 năm qua đã có 987.828 người làm những bước cần thiết để đi đến sự dâng mình và rồi làm báp têm trong nước. Đức Giê-hô-va đã yêu thương không ấn định sẵn số người có thể làm điều này được giới hạn sẽ là bao nhiêu trước khi “hoạn-nạn lớn” bắt đầu! (Khải-huyền 7:9, 14).
19. a) Có lợi ích thấy rõ nào qua việc phụng sự Đức Giê-hô-va, và chúng ta nên coi những lợi ích đó như thế nào? b) Chúng ta có lý do căn bản nào để vâng giữ các điều răn của Đức Giê-hô-va?
19 Như các kinh nghiệm trên chứng tỏ, những ân phước thiêng liêng mà dân tộc Đức Chúa Trời vui hưởng thường đi đôi với những lợi ích thấy rõ. Thí dụ, bằng cách tránh hút thuốc, sống cuộc đời đạo đức và tôn trọng sự thánh khiết của máu, họ có thể tránh làm nạn nhân của một số chứng bệnh. Hay vì sống hòa hợp với Kinh-thánh, họ có thể gặt lợi ích kinh tế, xã hội và gia đình. Mỗi lợi ích hiển nhiên đó được coi là những ân phước đến từ Đức Giê-hô-va và chứng tỏ sự thực dụng của luật pháp Đức Chúa Trời. Nhưng sự khả dĩ có được lợi ích thực dụng đó không tự nó là ly do chính yếu để vâng lời luật pháp Đức Chúa Trời. Tín đồ thật của đấng Christ vâng lời Đức Chúa Trời bởi vì họ yêu thương Ngài, vì Ngài đáng được họ thờ phượng và bởi vì làm theo ý Ngài là điều đúng duy nhất (I Giăng 5:2, 3; Khải-huyền 4:11). Chính Sa-tan đã cho rằng loài người chỉ phụng sự Đức Chúa Trời vì muốn được lợi riêng. (Xem Gióp 1:9-11; 2:4, 5).
20. Ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va bước theo cùng một tinh thần như ba thanh niên nhân-chứng Hê-bơ-rơ ngày xưa thế nào?
20 Các Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay bước theo cùng một tinh thần như ba thanh niên Hê-bơ-rơ vào thời Đa-ni-ên. Khi bị hăm dọa quăng vào một lò lửa hực, họ nói: “Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu-việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu-việc các thần của vua, và không thờ-phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng” (Đa-ni-ên 3:17, 18). Bất kể đến cái lợi trước mắt hay hậu quả tạm thời, Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ tiếp tục theo sát dấu chân Giê-su, biết rằng sự sống đời đời trong thế giới mới của Đức Chúa Trời là chắc chắn! Với tư cách một dân tộc hợp nhất, họ sẽ tiếp tục bước đi bởi “một thánh linh” và “theo cùng một dấu chơn”, bất chấp điều gì có thể xảy ra!
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va được hợp nhất?
◻ Nhân-chứng Giê-hô-va khác biệt với các tín đồ tự xưng theo đấng Christ bằng những cách nào?
◻ Vì lý do chính nào tín đồ thật của đấng Christ phụng sự Đức Giê-hô-va?
◻ Dân tộc Đức Chúa Trời có quan điểm thế nào về những lợi ích do việc vâng lời Ngài?
[Hình nơi trang 20]
Khi một bệnh nhân từ chối sự tiếp máu, người ta thường giả sử rằng đây là một Nhân-chứng Giê-hô-va
[Hình nơi trang 21]
Nhiều người tự xưng là tín đồ đấng Christ nhưng đã không ngần ngại tranh chiến lẫn nhau—lại còn được giới chức giáo phẩm ban phước nữa