Thuật thông linh có thật sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta không?
TẤT CẢ chúng ta đều có nhu cầu tâm linh cũng như thể chất. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nêu những câu hỏi như: Mục đích đời sống là gì? Tại sao người ta đau khổ, và điều gì xảy ra khi chúng ta chết? Nhiều người thành thật tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự ở các buổi cầu hồn qua trung gian một người đồng cốt (cũng còn được gọi là ông đồng bà bóng), với hy vọng liên lạc được với “vong linh” người chết. Thực hành này được gọi là thuật thông linh.
Ở nhiều nước, những người theo thuật thông linh hợp thành các giáo đoàn hoặc giáo hội. Chẳng hạn, ở Brazil có khoảng 4.000.000 đồ đệ theo thuyết thông linh tuân thủ điều lệ của ông Hyppolyte Léon Denizard Rivail, với bút hiệu là Allan Kardec, một nhà giáo dục kiêm triết gia người Pháp thuộc thế kỷ 19. Năm 1854, Kardec lần đầu tiên quan tâm đến hiện tượng thông linh. Sau đó, ông chất vấn một số đồng cốt ở nhiều nơi và ghi lại các câu trả lời của họ trong cuốn sách nhan đề The Book of Spirits (Sách các thần linh), được xuất bản vào năm 1857. Ông còn viết thêm hai tác phẩm nữa là The Mediums’ Book (Sách của người đồng cốt) và The Gospel According to Spiritism (Phúc Âm theo thuyết thông linh).
Thuật thông linh thường được liên kết với những thực hành tôn giáo như tà thuật vu-đu, phù thủy, ma thuật hoặc đạo Sa-tan. Tuy nhiên, đồ đệ của Allan Kardec nói rằng họ có tín ngưỡng khác. Các ấn phẩm của họ thường trích dẫn Kinh Thánh, và họ nhắc đến Chúa Giê-su như “người hướng dẫn và gương mẫu cho toàn thể nhân loại”. Họ nói rằng những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su là “biểu thị tinh khiết nhất của luật pháp siêu phàm”. Allan Kardec xem các bài viết về thuyết thông linh là sự mặc khải thứ ba về luật pháp của Đức Chúa Trời cho nhân loại, sau hai sự mặc khải đầu tiên là những sự dạy dỗ của Môi-se và của Chúa Giê-su.
Thuyết thông linh thu hút nhiều người vì nó nhấn mạnh tình yêu thương người lân cận và việc thiện. Một tín điều thông linh học nói: “Không có lòng bác ái thì cũng không có sự cứu rỗi”. Nhiều người theo thuyết thông linh tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, xây cất bệnh viện, trường học và thiết lập các tổ chức khác. Những nỗ lực ấy thật đáng khen. Nhưng những tín ngưỡng của những người theo thuyết thông linh ở mức nào so với những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su ghi trong Kinh Thánh? Chúng ta hãy lấy hai thí dụ: hy vọng cho người chết và lý do của sự đau khổ.
Có hy vọng gì cho người chết?
Nhiều người theo thuyết thông linh tin có sự đầu thai. Một ấn phẩm về thuyết thông linh viết: “Chỉ có giáo lý về sự đầu thai mới thỏa mãn quan niệm của chúng ta về công lý của Thượng Đế; đó là giáo lý duy nhất giải thích tương lai và củng cố niềm hy vọng của chúng ta”. Những người theo thuyết thông linh giải thích rằng khi người ta chết, linh hồn, hoặc vong linh, rời thể xác—giống như con bướm thoát ra khỏi cái kén. Họ tin rằng sau đó những thần linh này đi đầu thai làm người để chuộc tội kiếp trước. Thế nhưng họ lại không nhớ được những tội lỗi ở kiếp trước. Sách The Gospel According to Spiritism nói: “Thượng Đế thấy thuận tiện khi che giấu quá khứ”.
Allan Kardec viết: “Phủ nhận sự đầu thai tức là cũng phủ nhận lời Đấng Christ”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không hề nói đến cụm từ “đầu thai” cũng như khái niệm ấy. (Xem khung “Kinh Thánh có dạy sự đầu thai không?” nơi trang 22). Trái lại, Chúa Giê-su dạy rằng người chết được sống lại. Trong thời kỳ làm thánh chức, ngài đã làm ba người chết được sống lại—con trai bà góa ở Na-in, con gái một quan cai nhà hội và La-xa-rơ, bạn thân của ngài. (Mác 5:22-24, 35-43; Lu-ca 7:11-15; Giăng 11:1-44) Chúng ta hãy xem một trong các sự kiện đáng kể ấy để hiểu Chúa Giê-su muốn nói gì qua cụm từ “sống lại”.
La-xa-rơ sống lại
Chúa Giê-su nghe nói bạn ngài là La-xa-rơ bị bệnh. Hai ngày sau, ngài nói với môn đồ mình: “La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người”. Vì các môn đồ không hiểu ý ngài cho nên ngài nói thẳng ra: “La-xa-rơ chết rồi”. Cuối cùng, khi Chúa Giê-su đến mộ La-xa-rơ, ông ta đã chết bốn ngày rồi. Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn ra lệnh cho người ta dời tảng đá lấp miệng hang mộ. Rồi ngài gọi to: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” Tức thì điều kỳ diệu đã xảy ra. “Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi”.—Giăng 11:5, 6, 11-14, 43, 44.
Rõ ràng, đây không phải là một sự đầu thai. Trước đó Chúa Giê-su đã nói rằng người chết La-xa-rơ đang ngủ, không có ý thức. Như Kinh Thánh diễn tả, ‘các mưu-mô người mất đi’. Ông “chẳng biết chi hết”. (Thi-thiên 146:4; Truyền-đạo 9:5) La-xa-rơ được sống lại không phải là một người khác với một vong linh đầu thai. Ông có lại nhân cách, tuổi tác và ký ức như trước khi chết. Ông tiếp tục sống trở lại cùng những người thân vừa mới than khóc ông.—Giăng 12:1, 2.
Sau đó, La-xa-rơ lại chết. Vậy sự sống lại của La-xa-rơ nhằm mục đích nào? Sự sống lại của La-xa-rơ cũng như của những người khác do Chúa Giê-su thực hiện, củng cố đức tin chúng ta nơi lời hứa của Đức Chúa Trời rằng đến kỳ định, Ngài sẽ làm cho những tôi tớ trung thành đã chết được sống lại. Những phép lạ ấy của Chúa Giê-su làm tăng giá trị lời ngài nói: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi”.—Giăng 11:25.
Chúa Giê-su nói về sự sống lại tương lai: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng [ta] và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét-đoán”. (Giăng 5:28, 29) Cũng như trường hợp của La-xa-rơ, chính những người chết mới sống lại. Đó không phải là sự hòa nhập những vong linh có ý thức lại với những thân xác được làm sống lại từ tình trạng mục rữa hoặc ngay cả bị hấp thu bởi những sinh vật khác. Đấng Tạo Hóa của trời và đất, khôn ngoan và quyền năng vô biên hẳn có đủ khả năng làm cho người chết sống lại.
Phải chăng giáo lý về sự sống lại do Chúa Giê-su Christ dạy tiết lộ lòng yêu thương sâu đậm của Đức Chúa Trời đối với từng người một? Nhưng nói gì về câu hỏi thứ hai đề cập ở trên?
Lý do của sự đau khổ là gì?
Phần lớn sự đau khổ của người ta là do kẻ thiếu khôn ngoan, thiếu kinh nghiệm hoặc ngay cả kẻ ác gây ra. Nhưng nói gì về những sự cố bi thảm không thể trực tiếp đổ lỗi cho con người? Chẳng hạn, tại sao lại có các tai nạn và thiên tai? Tại sao một số trẻ con mới sinh ra đã bị những khuyết tật bẩm sinh? Allan Kardec xem đó là những hình phạt. Ông viết: “Nếu bị phạt ắt đã có tội. Nếu không phải là tội của kiếp này thì hẳn phải là tội của kiếp trước”. Người ta dạy những người theo thuyết thông linh cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài hoàn toàn công bình. Con đáng gánh lấy sự đau khổ mà Ngài bắt con chịu... Con chấp nhận nó để chuộc lại lỗi lầm quá khứ và xem nó như là một thử thách cho đức tin và sự vâng phục ý muốn Ngài”.—The Gospel According to Spiritism.
Chúa Giê-su có dạy như thế không? Không. Chúa Giê-su biết rõ câu Kinh Thánh này: “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”. (Truyền-đạo 9:11, NW) Ngài biết đôi khi sự không hay xảy ra. Không nhất thiết phải là hình phạt vì một tội lỗi nào đó.
Hãy xem xét sự kiện này trong cuộc đời của Chúa Giê-su: “Đức Chúa Jêsus vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra. Môn-đồ hỏi Ngài rằng: Thưa thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?” Câu trả lời của Chúa Giê-su rất rõ ràng: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người. Nói xong, Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, và đem xức trên mắt người mù. Đoạn, Ngài phán cùng người rằng: Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê.... Vậy, người đi đến ao đó, rửa, và trở lại, thì được thấy rõ”.—Giăng 9:1-3, 6, 7.
Những lời của Chúa Giê-su cho thấy người kia bị mù bẩm sinh không phải do lỗi của mình cũng không phải do lỗi của cha mẹ ông. Vậy thì Chúa Giê-su không ủng hộ ý tưởng cho rằng người đó bị phạt vì tội lỗi đã phạm ở kiếp trước. Chúa Giê-su hẳn biết là mọi người đều thừa hưởng tội lỗi. Nhưng đó là tội lỗi từ A-đam, chứ không phải tội lỗi của chính họ trước khi sinh ra. Chính vì tội lỗi của A-đam mà mọi người đều sinh ra bất toàn về thể xác, bị bệnh và rồi phải chết. (Gióp 14:4; Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12, 9:11) Bởi thế, Chúa Giê-su được phái đến để cứu vãn tình thế. Giăng Báp-tít nói Chúa Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”.—Giăng 1:29.a
Cũng hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su không nói Đức Chúa Trời cố tình xui khiến người ấy bị mù bẩm sinh để một ngày kia Chúa Giê-su đến chữa lành cho. Nếu làm thế thì là quá độc ác và nhẫn tâm! Liệu điều đó có làm cho Đức Chúa Trời được ca ngợi không? Không. Thay vì thế, việc chữa lành cho người mù bằng phép lạ có mục đích làm cho “những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra”. Giống như nhiều phép lạ khác do Chúa Giê-su thực hiện, phép lạ này phản ánh lòng yêu thương chân thật của Đức Chúa Trời đối với nhân loại đau khổ và xác nhận lời hứa đáng tin cậy là đến kỳ định Ngài sẽ chấm dứt mọi bệnh tật và đau khổ của loài người.—Ê-sai 33:24.
Thay vì gây ra sự đau khổ, Cha trên trời của chúng ta ban “các vật tốt cho những người xin Ngài”. (Ma-thi-ơ 7:11) Biết được điều này chẳng phải là một niềm an ủi hay sao? Khi mắt người mù được mở ra, tai người điếc nghe được, và người què đi, nhảy và chạy được, Đấng Chí Cao hẳn sẽ nhận được sự vinh hiển lớn biết bao!—Ê-sai 35:5, 6.
Thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta
Chúa Giê-su tuyên bố: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Đúng vậy, nhu cầu tâm linh của chúng ta được thỏa mãn khi chúng ta đọc Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, và sống phù hợp với Lời ấy. Cầu hỏi đồng bóng không thật sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta. Thật thế, thực hành ấy bị lên án một cách rõ ràng trong cái mà Allan Kardec gọi là sự mặc khải đầu tiên của luật pháp Đức Chúa Trời.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-13.
Nhiều người, kể cả những người theo thuyết thông linh, nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao, hằng hữu, vô cùng hoàn hảo, nhân từ, hiền lành và công bằng. Nhưng Kinh Thánh tiết lộ nhiều hơn thế nữa. Kinh Thánh nói cho biết chúng ta phải tôn vinh danh riêng của Ngài là Giê-hô-va giống như chính Chúa Giê-su đã làm. (Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 17:6) Kinh Thánh miêu tả Đức Chúa Trời là một Đấng có thật và con người có thể hưởng mối liên lạc gần gũi với Ngài. (Rô-ma 8:38, 39) Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta biết được rằng Đức Chúa Trời có lòng thương xót và ‘Ngài không đãi chúng ta theo tội-lỗi chúng ta, cũng không báo-trả chúng ta tùy sự gian-ác của chúng ta’. (Thi-thiên 103:10) Qua Lời Ngài, Chúa Tối Thượng Giê-hô-va tiết lộ tình yêu thương, uy quyền tối cao và tính phải lẽ của Ngài. Ngài là Đấng hướng dẫn và bảo vệ những người biết vâng lời. Biết đến Đức Giê-hô-va và Con Ngài là Chúa Giê-su Christ dẫn đến “sự sống đời đời”.—Giăng 17:3.
Kinh Thánh cho chúng ta biết tất cả những thông tin cần thiết về ý định Đức Chúa Trời, và những gì chúng ta cần phải làm nếu muốn hài lòng Ngài. Việc xem xét kỹ lưỡng Kinh Thánh cung cấp những câu trả lời chân chính và thỏa đáng cho những câu hỏi của chúng ta. Kinh Thánh cũng chỉ dẫn cho chúng ta biết điều gì là đúng và điều gì sai, và cung cấp hy vọng vững chắc. Kinh Thánh cam kết với chúng ta rằng trong tương lai gần đây, Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [của nhân loại], sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất [sẽ] qua [đi]”. (Khải-huyền 21:3, 4) Qua trung gian Chúa Giê-su Christ, Đức Giê-hô-va sẽ giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi di truyền và sự bất toàn; những người vâng lời sẽ thừa hưởng sự sống đời đời trong địa đàng. Chừng ấy, cả những nhu cầu vật chất lẫn tâm linh của họ đều sẽ được hoàn toàn thỏa mãn.—Thi-thiên 37:10, 11, 29; Châm-ngôn 2:21, 22; Ma-thi-ơ 5:5.
[Chú thích]
a Xin xem chương 6 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, có thảo luận về nguồn gốc của tội lỗi và sự chết.
[Khung nơi trang 22]
KINH THÁNH CÓ DẠY SỰ ĐẦU THAI KHÔNG?
Giáo lý về sự đầu thai có được câu Kinh Thánh nào yểm trợ không? Hãy xem xét một số câu Kinh Thánh mà những người tin nơi giáo lý này sử dụng:
“Vì hết thảy các đấng tiên-tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng... Ấy là Ê-li, là đấng phải đến”.—Ma-thi-ơ 11:13, 14.
Có phải Giăng Báp-tít chính là Ê-li đầu thai không? Khi người ta hỏi Giăng Báp-tít: “Ông là... Ê-li chăng?” thì Giăng trả lời rõ ràng: “Không phải”. (Giăng 1:21) Tuy nhiên, có lời tiên tri rằng Giăng sẽ đi trước Đấng Mê-si với “tâm-thần quyền-phép Ê-li”. (Lu-ca 1:17; Ma-la-chi 4:5, 6) Nói cách khác, Giăng Báp-tít là Ê-li theo nghĩa ông thi hành một công việc giống như công việc của Ê-li.
“Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại”.—Giăng 3:3, 7.
Sau đó, một trong các sứ đồ viết: “Ngợi-khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương-xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus-Christ sống lại từ trong kẻ chết”. (1 Phi-e-rơ 1:3, 4; Giăng 1:12, 13) Rõ ràng là sự sinh lại mà Chúa Giê-su nói đến ở đây là một kinh nghiệm thiêng liêng xảy ra đang khi các môn đồ còn sống, chứ không phải là sự đầu thai trong tương lai.
“Nếu một người chết, người đó sống mãi mãi: khi tôi hết còn sống trên đất, tôi sẽ đợi chờ cho đến chừng tôi được trở lại”.—Gióp 14:14 theo một bản dịch tiếng Hy Lạp được trích dẫn trong sách The Gospel According to Spiritism.
Bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch câu này: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng! Trọn ngày giặc-giã tôi, tôi đợi-chờ, cho đến chừng tôi được buông-thả”. Khi đọc mạch văn của câu ấy, bạn sẽ thấy người chết chờ đợi trong mồ để được “buông-thả”. (Câu 13) Trong khi chờ đợi, họ không hiện hữu. “Một người chết không còn tồn tại; và khi một người phàm nằm xuống, thì không còn gì nữa”.—Gióp 14:10, bản Septuagint của Bagster.
[Hình nơi trang 21]
Hy vọng về sự sống lại cho thấy Đức Chúa Trời tha thiết quan tâm đến từng cá nhân chúng ta
[Các hình nơi trang 23]
Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt mọi sự đau khổ của nhân loại