“Tôi kêu-nài sự đó đến Sê-sa”
ĐÁM ĐÔNG hỗn loạn nắm lấy người đàn ông cô thế và bắt đầu đánh đá túi bụi. Họ cho rằng ông ta đáng chết. Tưởng chừng ông sẽ không qua nổi, nhưng binh lính thình lình xuất hiện và phải vất vả lắm họ mới kéo được nạn nhân ra khỏi đám người hung bạo. Người đàn ông đó chính là sứ đồ Phao-lô. Những kẻ tấn công là những người Do Thái kịch liệt phản đối việc rao giảng của ông và buộc tội ông đã làm ô uế đền thờ. Còn những người cứu ông là lính La Mã, dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan Cơ-lốt Ly-sia. Trong cơn hỗn loạn, Phao-lô bị bắt giữ vì bị tình nghi phạm pháp.
Bảy chương cuối của sách Công-vụ tường thuật lại vụ kiện của ông, bắt đầu với cuộc bắt giữ này. Biết về hồ sơ pháp lý của Phao-lô, những tội ông bị cáo buộc, lý lẽ biện hộ của ông, và đôi điều về thủ tục hình sự của người La Mã sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những chương này.
Dưới sự giam giữ của Cơ-lốt Ly-sia
Một trong những nhiệm vụ của Cơ-lốt Ly-sia là giữ gìn an ninh trật tự ở Giê-ru-sa-lem. Thượng cấp của ông là tổng trấn xứ Giu-đê, người La Mã, đóng tại thành Sê-sa-rê. Hành động của Ly-sia trong trường hợp của Phao-lô có thể được xem là một sự bảo vệ cho một cá nhân khỏi bị hành hung, đồng thời tạm giữ kẻ gây rối trật tự. Phản ứng của người Do Thái buộc Ly-sia phải chuyển Phao-lô tới đồn lính ở Tháp Antonia.—Công-vụ 21:27—22:24.
Ly-sia cần điều tra xem Phao-lô đã làm gì. Ông chẳng biết được gì tại nơi xảy ra vụ hành hung. Vì thế, không để mất thì giờ, ông ra lệnh “dùng roi mà tra người, để biết vì cớ gì chúng kêu-la nghịch cùng người”. (Công-vụ 22:24) Đây là phương pháp thường được dùng để lấy cung của phạm nhân, nô lệ, hoặc những người thuộc tầng lớp thấp̣. Roi (flagrum) có thể rất hiệu quả trong mục đích này, tuy nhiên đó là một dụng cụ đáng sợ. Một số roi loại này có những quả banh kim loại treo lủng lẳng dọc theo sợi xích. Số khác được làm bằng da, có gắn những mảnh kim loại và xương rất bén, xé rách thịt và gây nên những vết thương rất nặng.
Đến lúc đó, Phao-lô cho biết ông là công dân La Mã. Điều này lập tức có tác dụng vì người ta không được phép đánh đòn một người La Mã chưa bị kết án. Một sĩ quan La Mã có thể bị mất chức nếu hành hạ một công dân La Mã. Do đó có thể hiểu được vì sao từ đó trở đi, Phao-lô được đối xử như là một tù nhân đặc biệt, có quyền tiếp khách.—Công-vụ 22:25-29; 23:16, 17.
Vì chưa rõ lời tố cáo, nên Ly-sia dẫn Phao-lô đến trước Tòa Công Luận để biết tại sao dân chúng giận dữ. Nhưng Phao-lô đã gây nên một cuộc tranh luận khi tuyên bố mình bị kết án vì vấn đề sự sống lại. Sự bất đồng gay gắt đến nỗi Ly-sia sợ Phao-lô “bị chúng phân thây”, nên một lần nữa ông phải kéo Phao-lô ra khỏi đám người Do thái đang giận dữ.—Công-vụ 22:30–23:10.
Ly-sia không muốn mang trách nhiệm về việc một công dân La Mã bị sát hại, nên khi biết được có âm mưu ám sát Phao-lô, ông vội vàng đưa tù nhân này xuống Sê-sa-rê. Theo thủ tục pháp lý, khi chuyển một vụ kiện lên cấp cao hơn, thì phải gửi kèm theo phạm nhân bản tường trình về vụ việc. Bản tường trình phải bao gồm kết quả các cuộc sơ thẩm, lý do xin chuyển vụ án, và ý kiến của người thẩm vấn. Ly-sia báo cáo rằng Phao-lô ‘bị cáo mấy việc về luật-pháp người Do Thái, nhưng không tội nào đáng chết hay đáng tù cả’, đồng thời ra lệnh cho những người tố cáo Phao-lô phải trình đơn kiện lên tổng trấn Phê-lít.—Công-vụ 23:29, 30.
Tổng trấn Phê-lít không thể đưa ra phán quyết
Pháp quyền cấp tỉnh hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Phê-lít. Ông có quyền quyết định xử theo tập tục địa phương, hoặc dựa trên bộ luật hình sự, được gọi là ordo, hay danh sách. Phương pháp thứ hai thường được áp dụng với các viên chức chính phủ và nhân vật quan trọng trong xã hội. Ông cũng có thể xử theo lối extra ordinem, một thủ tục tư pháp cấp tỉnh có thể được áp dụng cho bất kỳ loại tội phạm nào. Quan tổng trấn một tỉnh được đòi hỏi phải ‘suy xét điều gì nói chung nên làm, chứ không phải làm theo cách thức ở La Mã’. Vì vậy, phần lớn phán quyết đều tùy vào sự phán đoán của ông.
Chúng ta không nắm hết luật pháp La Mã cổ đại, chỉ biết rằng trường hợp của Phao-lô được xem là “trường hợp điển hình xử theo thủ tục extra ordinem”. Quan tổng đốc và các cố vấn phụ tá sẽ lắng nghe lời cáo buộc của từng người một. Bị cáo được triệu đến đối nại trực tiếp với nguyên cáo, và được phép tự biện hộ, tuy nhiên bên nguyên cáo có trách nhiệm phải đưa ra bằng chứng. Quan tòa có quyền đưa ra bất kỳ hình phạt nào ông thấy phù hợp. Ông có thể lập tức đưa ra phán quyết hoặc hoãn phiên xử vô thời hạn, trong trường hợp đó bị cáo sẽ bị tạm giam. Học giả Henry Cadbury nói: “Chắc chắn với toàn quyền như thế, quan tổng trấn dễ bị ‘ảnh hưởng tiêu cực’ và bị mua chuộc để tha bổng, kết án, hoặc hoãn phiên xử”.
Thầy Cả Thượng Phẩm A-na-nia, các trưởng lão dân Do Thái, và Tẹt-tu-lu đệ đơn lên Phê-lít kiện Phao-lô là “đồ ôn-dịch, đã gây loạn trong hết thảy người Giu-đa”. Họ cũng cáo buộc ông là kẻ cầm đầu “phe người Na-xa-rét”, và về tội toan làm ô uế đền thờ.—Công-vụ 24:1-6.
Những người tấn công Phao-lô lúc đầu tưởng ông đã dẫn một người ngoại có tên là Trô-phim vào phần sân đền thờ dành riêng cho người Do Thái.a (Công-vụ 21:28, 29) Đúng ra, người phạm tội mà họ cáo buộc là Trô-phim. Nhưng nếu người Do Thái xem hành động của Phao-lô là trợ giúp hay đồng lõa với can phạm thì ông cũng có thể bị lãnh án tử hình, và La Mã dường như đã công nhận bản án đó cho loại tội phạm này. Vì vậy, nếu Phao-lô bị lính canh đền thờ của người Do Thái bắt, chứ không phải Ly-sia, hẳn Tòa Công Luận đã có thể xét xử và kết án ông dễ dàng.
Người Do Thái lý luận rằng những điều Phao-lô dạy không phải là đạo Do Thái, hay tôn giáo hợp pháp (religio licita), vì thế phải bị xem là bất hợp pháp, thậm chí phản động.
Họ còn cho rằng Phao-lô đang “gây loạn trong hết thảy người Giu-đa trên cả thế-giới”. (Công-vụ 24:5) Trước đó không bao lâu, Hoàng Đế Claudius mới kết án một số người Do Thái ở A-léc-xan-tri về tội “khuấy động nổi loạn trên khắp thế giới”. Hai cáo trạng mới giống nhau làm sao. Sử gia A. N. Sherwin-White nói: “Đối với một người Do Thái sống vào thời Claudius hoặc trong những năm đầu thời Nero, không có gì độc hại bằng lời cáo buộc này. Người Do Thái đang cố thuyết phục quan tổng trấn xem việc rao giảng của Phao-lô là hành động xui giục toàn thể dân Do Thái trên khắp Đế Quốc La Mã nổi loạn. Họ biết rằng các quan tổng trấn sẽ không muốn xử phạt chỉ vì những vi phạm tôn giáo, vì thế họ cố gắng bóp méo chúng thành tội danh chính trị”.
Phao-lô tự biện hộ từng điểm một. ‘Tôi không hề xui dân làm loạn. Quả tôi theo đạo mà họ gọi là “phe đảng”, nhưng đạo này vẫn giữ các điều trong luật pháp Do Thái. Chính mấy người Do Thái trong cõi A-si đã gây rối. Nếu có điều gì kiện tôi, họ hãy đến đây mà kiện’. Phao-lô chủ yếu đã biến những tội trạng cáo buộc ông chỉ còn là sự xung đột tôn giáo giữa người Do Thái, là điều người La Mã không mấy hiểu. Thận trọng để không làm cho đám dân Do Thái đang giận dữ bực tức thêm, Phê-lít quyết định hoãn phiên xử vô thời hạn, gần như hoàn toàn khép lại vụ việc. Phao-lô không bị giao cho người Do Thái, xưng là có quyền xử ông, không bị xử theo luật pháp La Mã, và cũng không được trả tự do. Không ai có thể bắt buộc Phê-lít phải đưa ra phán quyết. Hơn nữa, ngoài việc muốn lấy lòng người Do Thái, ông còn hoãn phiên xử vì một lý do khác, đó là hy vọng được Phao-lô hối lộ.—Công-vụ 24:10-19, 26.b
Khúc quanh dưới thời Bốt-tiu Phê-tu
Hai năm sau, khi quan tổng trấn mới, Bốt-tiu Phê-tu, đến nhậm chức, người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem lại khởi tố Phao-lô, và đòi phải giao ông cho tòa án của họ xét xử. Nhưng Phê-tu trả lời dứt khoát: “Người Rô-ma chẳng có lệ giải-nộp một người nào mà bên bị-cáo chưa đối-nại với bên tiên-cáo, và người đó chưa có cách-thế để chống-cãi lời kiện-cáo mình”. Sử gia Harry W. Tajra nhận xét: “Phê-tu đã nhanh chóng nhận ra đó là âm mưu hãm hại một công dân La Mã bằng đường pháp lý”. Vì thế, ông bảo người Do Thái hãy trình vụ kiện ở Sê-sa-rê.—Công-vụ 25:1-6, 16.
Ở đó, người Do Thái cương quyết “đòi mạng” Phao-lô, nhưng không đưa ra được bằng chứng nên Phê-tu xét thấy Phao-lô chẳng làm gì đáng chết. Phê-tu giải thích với một quan chức khác: “[Họ] chỉ nói những điều lăng nhăng về tôn giáo của họ, và về một người tên Giê-su đã chết nhưng Phao-lô quả quyết vẫn còn sống”.—Công-vụ 25:7, 18, 19, 24, 25, Bản Diễn Ý.
Hiển nhiên, Phao-lô không phạm một tội danh chính trị nào, nhưng người Do Thái có thể đã đưa ra lập luận rằng về vấn đề tôn giáo chỉ có tòa án của họ mới có đủ thẩm quyền xét xử. Liệu Phao-lô có bị gửi tới Giê-ru-sa-lem để chịu xét xử không? Phê-tu hỏi Phao-lô xem ông có đồng ý đi không, nhưng đó quả là một đề nghị vô lý. Chuyển tới Giê-ru-sa-lem cũng đồng nghĩa với việc nộp mạng cho người Do Thái, vì tại đó ông sẽ bị xét xử bởi chính những người kiện cáo ông. Vì thế, Phao-lô trả lời: “Tôi ứng-hầu trước mặt tòa án Sê-sa, ấy là nơi tôi phải chịu xử; tôi chẳng có lỗi chi với người Giu-đa,... chẳng ai được nộp tôi cho họ. Tôi kêu-nài sự đó đến Sê-sa”.—Công-vụ 25:10, 11, 20.
Khi một người La Mã tuyên bố như trên, tòa án tỉnh sẽ ngưng mọi công việc điều tra xét xử. Quyền kháng cáo của người (provocatio) là “thật, toàn diện và có tác dụng tức thời”. Vì thế, sau khi bàn về thủ tục với các cố vấn của mình, Phê-tu tuyên bố: “Ngươi đã kêu-nài Sê-sa, chắc sẽ đến nơi Sê-sa”.—Công-vụ 25:12.
Phê-tu mừng vì thoát được Phao-lô. Vài ngày sau, ông đã thừa nhận với Hê-rốt Ạc-ríp-ba II là trường hợp này khiến ông rối trí. Giờ đây Phê-tu phải viết trình vụ việc lên hoàng đế, nhưng các lời kiện cáo có liên quan tới các điều luật rối rắm của người Do Thái thì ông không tài nào hiểu nổi. Trái lại, Ạc-ríp-ba lại rất rành về lãnh vực này, vì thế khi ông tỏ ra quan tâm, Phê-tu lập tức nhờ ông giúp thảo tờ trình. Không thể hiểu nổi lời trình bày sau đó của Phao-lô trước mặt Ạc-ríp-ba, Phê-tu kêu lên: “Hỡi Phao-lô, ngươi lảng trí [“điên”, Bản Diễn Ý] rồi; ngươi học biết nhiều quá đến đỗi ra điên-cuồng”. Nhưng Ạc-ríp-ba hoàn toàn hiểu những điều Phao-lô nói. Ông nói: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Ki-tô hữu rồi đấy!” (Tòa Tổng Giám Mục) Dù có cảm nghĩ thế nào về lập luận của Phao-lô, Phê-tu và Ạc-ríp-ba đều đồng ý là Phao-lô vô tội và có thể được thả nếu ông chưa kháng cáo lên Sê-sa.—Công-vụ 25:13-27; 26:24-32.
Phần kết của cuộc hành trình pháp lý
Khi đến La Mã, Phao-lô mời những người quan trọng trong cộng đồng Do Thái ở đó đến, không chỉ để giảng cho họ mà còn để xem họ biết gì về ông. Điều đó có thể giúp ông biết được đôi chút về âm mưu của những người tố tụng ông. Việc giới chức ở Giê-ru-sa-lem nhờ những người Do Thái ở La Mã giúp khởi tố một vụ kiện là chuyện thường tình. Tuy nhiên, Phao-lô nghe nói họ không hề nhận được chỉ thị gì về vụ việc của ông. Trong khi chờ đến phiên xử, Phao-lô được phép thuê nhà ở và tự do rao giảng. Sự ưu đãi đó có thể là do ông được người La Mã xem là vô tội.—Công-vụ 28:17-31.
Phao-lô bị giam lỏng thêm hai năm. Tại sao? Kinh Thánh không cho biết lý do. Thông thường, người kháng cáo sẽ bị tạm giam cho đến khi những người kiện ông trình diện để tiếp tục vụ kiện, nhưng có lẽ vì biết mình đuối lý, những người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đã không bao giờ đến La Mã. Có thể cách tốt nhất để khiến Phao-lô phải yên lặng lâu chừng nào hay chừng nấy là không đến trình diện. Dù sao chăng nữa, dường như sau đó Phao-lô đã ứng hầu trước Nero, được xử trắng án và trả tự do để tiếp tục hoạt động giáo sĩ thêm khoảng năm năm kể từ khi ông bị bắt.—Công-vụ 27:24.
Kẻ thù của lẽ thật từ lâu đã “núp dưới chiêu bài pháp luật” để cản trở công việc rao giảng của tín đồ Đấng Christ. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này vì Chúa Giê-su đã nói: “Nếu họ đã bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi”. (Thi-thiên 94:20, Trịnh Văn Căn; Giăng 15:20) Tuy nhiên, ngài cũng bảo đảm chúng ta sẽ được tự do rao truyền tin mừng trên khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 24:14) Vì thế, như sứ đồ Phao-lô đã chiến thắng sự ngược đãi và bắt bớ, ngày nay Nhân Chứng Giê-hô-va cũng “dùng pháp lý để bênh vực và củng cố tin mừng”.—Phi-líp 1:7, NW.
[Chú thích]
a Phần sân dành cho Dân Ngoại được ngăn với sân trong bởi một hàng rào đá chạm trổ công phu, cao ba cubit. Cứ cách một khoảng trên bức tường rào này lại có bảng cảnh cáo bằng tiếng Hy Lạp hoặc tiếng La-tinh: “Người ngoại quốc không được phép qua bức tường này hoặc hàng rào quanh nơi thánh. Ai bị bắt gặp vi phạm sẽ bị xử tử”.
b Dĩ nhiên, điều này là bất hợp pháp. Một tài liệu viết: “Theo các điều khoản của đạo luật tống tiền Lex Repetundarum, mọi viên chức hành chính và người có quyền hành đều không được phép yêu cầu hoặc nhận hối lộ để bắt hay tha, để kết án hay không kết án, hoặc để thả tù nhân”.