Dạn dĩ rao truyền Nước của Đức Giê-hô-va
“Người tiếp-rước mọi người đến thăm mình, giảng về nước Đức Chúa Trời” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 28:30, 31).
1, 2. Bằng chứng rõ rệt nào cho thấy sứ đồ Phao-lô có sự yểm trợ của Đức Chúa Trời, và ông đã nêu ra gương gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA luôn luôn yểm trợ những người rao giảng về Nước Trời. Ngài đã yểm trợ sứ đồ Phao-lô là dường nào! Nhờ có sự yểm trợ của Đức Chúa Trời mà ông đã đứng trước mặt các vua chúa, chịu đựng sự hành hung của đoàn dân đông, và dạn dĩ rao truyền Nước của Đức Giê-hô-va.
2 Ngay khi bị tù tại Rô-ma, Phao-lô “tiếp-rước mọi người đến thăm mình, giảng về nước Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 28:30, 31). Thật là một gương tốt thay cho các Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay! Chúng ta có thể học được nhiều qua công việc rao giảng của Phao-lô do Lu-ca ghi nơi các đoạn chót của sách Công-vụ các Sứ-đồ trong Kinh-thánh (20:1 đến 28:31). (Khi học hỏi cá nhân, chúng tôi đề nghị các bạn đọc những đoạn Kinh-thánh trong sách Công-vụ các Sứ-đồ có in đậm).
Xây dựng anh em cùng đạo
3. Tại thành Trô-ách có gì xảy ra, và có điều gì tương đương vào thời của chúng ta?
3 Sau khi cuộc náo động tại thành Ê-phê-sô lắng dịu, Phao-lô tiếp tục chuyến hành trình giảng đạo lần thứ ba (20:1-12). Tuy nhiên, khi sắp sửa đi tàu đến xứ Sy-ri, ông hay tin người Do-thái lập mưu hại ông. Bởi chúng có thể định đáp chung tàu để tính kế giết ông, Phao-lô bèn đi [đường bộ] xuyên qua xứ Ma-xê-đoan. Tại thành Trô-ách ông dành một tuần để xây dựng anh em cùng đạo giống như những giám thị lưu động ngày nay viếng thăm các Nhân-chứng Giê-hô-va. Vào đêm trước khi tiếp tục lên đường, Phao-lô nói bài giảng lâu đến nửa đêm. Ơ-tích ngồi bên cửa sổ, dường như mệt vì công việc đã làm ban ngày. Chàng ngủ gục và té xuống từ lầu ba chết ngay, nhưng Phao-lô làm cho chàng sống lại. Thật là một sự vui mừng cả thể! Chúng ta hãy nghĩ đến sự vui mừng khi hằng triệu người sẽ sống lại trong thế giới mới nay gần đến (Giăng 5:28, 29).
4. Về công việc rao giảng, Phao-lô đã dạy gì cho các trưởng lão thành Ê-phê-sô?
4 Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Phao-lô ghé qua thành Mi-lê gặp các trưởng lão thuộc hội-thánh Ê-phê-sô (20:13-21). Ông nhắc nhở họ rằng ông đã dạy dỗ họ “từ nhà nầy sang nhà kia” và “giảng [kỹ càng] cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn-năn đối với Đức Chúa Trời, và đức-tin trong Chúa Giê-su là Chúa chúng ta”. Họ đã ăn năn và có đức tin và rồi sau trở thành trưởng lão. Sứ đồ cũng huấn luyện cho họ rao giảng về Nước Trời một cách dạn dĩ cho những người chưa tin đạo trong công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia giống như các Nhân-chứng Giê-hô-va làm ngày nay.
5. a) Phao-lô nêu gương tốt thế nào trong việc chấp nhận sự hướng dẫn của thánh linh? b) Tại sao các trưởng lão cần nghe lời khuyên “hãy giữ lấy cả bầy”?
5 Phao-lô nêu gương tốt trong việc chấp nhận sự hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời (20:22-30). “Bị thánh linh ràng buộc”, tức cảm thấy cần phải làm theo sự hướng dẫn của thánh linh, sứ đồ sẽ đi Giê-ru-sa-lem dù biết sẽ bị tù và hoạn nạn tại đó. Ông coi trọng sự sống, nhưng giữ lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời là điều quan trọng hơn hết. Chúng ta cũng nên có cảm nghĩ tương tợ. Phao-lô khuyến khích các trưởng lão “hãy giữ lấy cả bầy mà thánh linh đã lập họ làm kẻ coi-sóc [giám thị]”. Sau khi ông “đi” khỏi (dường như muốn nói chết đi), “muông-sói dữ-tợn” sẽ “chẳng tiếc bầy đâu”. Những kẻ ấy sẽ là vài người trong số các trưởng lão mà ra, và các môn đồ dại dột sẽ chấp nhận sự dạy dỗ quanh co xảo quyệt của chúng (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:6).
6. a) Tại sao Phao-lô lại có thể đầy lòng tin tưởng mà giao phó các trưởng lão cho Đức Chúa Trời? b) Phao-lô làm theo nguyên tắc ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ 20:35 như thế nào?
6 Các trưởng lão cần phải tiếp tục cảnh giác đề phòng về thiêng liêng chống lại sự bội đạo (20:31-38). Sứ đồ đã từng dạy dỗ họ trước đó về phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ và về Giê-su; những điều này có quyền lực làm nên thánh và giúp họ nhận lãnh Nước Trời tức “gia-tài... chung với hết thảy những người được nên thánh”. Bằng cách làm việc để nuôi sống chính mình và những người hợp tác, Phao-lô cũng khuyến khích các trưởng lão làm việc cần mẫn (Công-vụ các Sứ-đồ 18:1-3; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:9). Nếu chúng ta bắt chước làm theo như vậy và giúp người khác nhận lấy sự sống đời đời, chúng ta sẽ hiểu rõ những lời này của Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. Đại ý của câu này nằm trong các sách Phúc âm nhưng chính Phao-lô ghi lại rõ ràng, có lẽ đã nghe truyền miệng hoặc qua sự soi dẫn. Chúng ta có thể vui sướng nhiều lắm nếu có tinh thần hy sinh như Phao-lô. Ông đã tự xả thân nhiều đến độ khi ông lên đường ra đi các trưởng lão thành Ê-phê-sô buồn bã vô cùng!
Xin cho ý Đức Giê-hô-va được nên
7. Phao-lô nêu ra gương nào về việc phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời?
7 Khi gần kết thúc chuyến hành trình giảng đạo lần thứ ba (khoảng năm 56 tây lịch), Phao-lô nêu một gương tốt trong việc phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời (21:1-14). Tại thành Sê-sa-rê, ông và các bạn đồng hành ở trọ nhà của Phi-líp; Phi-líp có bốn người con gái đồng trinh “hay nói tiên-tri”, nghĩa là được thánh linh cảm ứng để nói trước sự việc sẽ xảy ra. Tại đó có một tín đồ nói tiên tri là A-ga-bút lấy dây nịch lưng của Phao-lô mà trói tay chân mình và thánh linh cảm ứng ông nói rằng người Do-thái sẽ trói người nào đeo dây nịch đó tại thành Giê-ru-sa-lem và giao cho người ngoại. Phao-lô nói: “Tôi sẵn lòng chẳng những để bị trói thôi, lại cũng sẵn lòng vì danh Chúa Giê-su chịu chết tại thành Giê-ru-sa-lem nữa”. Các môn đồ ưng thuận và nói: “Xin cho ý-muốn của Chúa [Đức Giê-hô-va] được nên!”
8. Nếu chúng ta đôi khi thấy khó lòng nghe theo một lời khuyên tốt thì chúng ta có thể nhớ lại chuyện gì?
8 Phao-lô nói với các trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem về những gì mà Đức Chúa Trời đã thực hiện giữa dân ngoại qua công việc rao giảng của ông (21:15-26). Nếu có khi nào chúng ta thấy khó lòng làm theo lời khuyên bảo tốt, chúng ta có thể nhớ lại gương của Phao-lô. Để chứng tỏ rằng ông không dạy người Do-thái sống trên đất dân ngoại rằng họ “phải từ-bỏ Môi-se”, ông nghe lời các trưởng lão đi làm lễ tinh sạch theo nghi thức và trả tiền chi phí cho chính mình và bốn người khác. Dù sự chết của Giê-su đã cất bỏ Luật pháp, Phao-lô không làm gì sai nếu làm theo Luật pháp về việc khấn hứa (Rô-ma 7:12-14).
Bị hành hung nhưng không sợ hãi
9. Giữa kinh nghiệm của Phao-lô và kinh nghiệm của Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay có sự tương đương nào về việc bị đoàn dân đông hành hung?
9 Thời nay các Nhân-chứng Giê-hô-va đã giữ sự trung thành đối với Đức Chúa Trời ngay cả khi bị đoàn dân đông hành hung. (Thí dụ, xem “Niên giám của Nhân-chứng Giê-hô-va năm 1975” [1975 Yearbook of Jehovah’s Witnesses], trang 180-190). Thời xưa cũng vậy, những người Do-thái miền Tiểu Á đã âm mưu tụ tập đoàn dân đông để hại Phao-lô (21:27-40). Chúng thấy Trô-phim người Ê-phê-sô đi với Phao-lô thì cáo gian là sứ đồ đã làm ô uế đền thờ bằng cách dẫn người Hy-lạp vào đò. Khi Phao-lô sắp sửa bị chúng giết thì quan quản cơ La-mã là Cơ-lốt Ly-sia và tùy tùng đã dẹp yên cuộc dấy loạn! Như lời tiên tri, Ly-sia (nhưng chính là do người Do-thái gây ra) đã ra lệnh bỏ tù Phao-lô (Công-vụ các Sứ-đồ 21:11). Khi sứ đồ sắp sửa bị đưa vào trại lính nằm cạnh sân đền thờ thì Ly-sia hay tin Phao-lô không phải là một người nổi loạn nhưng là một người Do-thái được phép vào trong đền thờ. Khi được phép nói, Phao-lô ngỏ lời nói với dân chúng bằng tiếng Hê-bơ-rơ.
10. Những người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem nghe bài giảng của Phao-lô đã phản ứng thế nào, và tại sao người ta không đánh đòn ông?
10 Phao-lô làm chứng dạn dĩ (22:1-30). Ông tự giới thiệu là người Do-thái và đã theo học [luật gia nổi tiếng] Ga-ma-li-ên. Sứ đồ giải thích rằng trên đường đi đến Đa-mách để bắt bớ các môn đồ của Đạo ông đã bị mù mắt khi nhìn thấy Giê-su Christ trong vinh hiển, nhưng A-na-nia đã làm cho ông thấy đường trở lại. Sau đó Chúa nói với Phao-lô: “Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đến cùng dân ngoại ở nơi xa”. Những lời đó khác nào đổ dầu vào lửa. Đoàn dân la hét Phao-lô không đáng sống, rồi giận dữ cổi áo ngoài của chúng ra và hất bụi lên trời. Vậy Ly-sia sai dẫn Phao-lô vào trong trại lính để tra khảo cho biết tại sao đoàn dân Do-thái nghịch lại ông. Người ta sắp sửa đánh đòn Phao-lô (bằng roi loại da thuộc có gắn kim loại hoặc xương) thì người hỏi: “Ngươi được phép đánh đòn một người công dân La-mã chưa thành án hay sao?” (NW) Nghe vậy thì người ta khựng lại. Khi biết Phao-lô là công dân La-mã, Ly-sia đâm ra sợ và dẫn ông đến trước Tòa Công luận để tra xét tại sao người Do-thái tố cáo ông.
11. Phao-lô là người Pha-ri-si dưới khía cạnh nào?
11 Khi Phao-lô tự biện hộ trước Tòa Công luận bắt đầu nói rằng “trước mặt Đức Chúa Trời, [ông] đã ăn-ở trọn lương-tâm tử-tế” thì thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia sai người đánh ông (23:1-10). Phao-lô nói: “Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông!” Vài người hỏi: “Ngươi nhiếc-móc thầy cả thượng-phẩm của Đức Chúa Trời sao?” Có lẽ vì mắt không thấy rõ nên Phao-lô đã không nhận ra A-na-nia. Nhưng nhận thấy rằng hội đồng thẩm phán gồm có người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê, Phao-lô nói: “Tôi là người Pha-ri-si vì sự trông-cậy về sự sống lại mà phải chịu xử-đoán”. Những lời này gây chia rẽ cho Tòa Công luận vì người Pha-ri-si tin có sự sống lại còn người Sa-đu-sê thì không. Sự bất đồng ý kiến nổi lên nhiều đến nỗi Ly-sia phải đưa sứ đồ ra ngoài.
12. Phao-lô thoát chết thế nào khi người ta âm mưu giết ông tại thành Giê-ru-sa-lem?
12 Kế đến Phao-lô thoát khỏi một âm mưu nhằm giết ông (23:11-35). Bốn mươi người Do-thái thề với nhau sẽ không ăn uống gì cả trước khi giết được Phao-lô. Cháu trai của Phao-lô báo cho ông và Ly-sia biết. Người ta cho lính hộ tống Phao-lô đến dinh quan tổng đốc An-tô-ni-út Phê-lít tại thành Sê-ra-rê là thủ phủ hành chánh La-mã trong tỉnh Giu-đê. Sau khi hứa là sẽ nghe Phao-lô biện hộ, Phê-lít giam ông nơi công đàng Hê-rốt là tổng hành dinh của quan tổng đốc.
Dạn dĩ trước mặt vua chúa
13. Phao-lô rao giảng về gì cho Phê-lít, và kết quả là gì?
13 Ít lâu sau sứ đồ tự bênh vực cho mình về các lời tố gian và ông rao giảng dạn dĩ cho Phê-lít (24:1-27). Trước mặt những kẻ tố cáo người Do-thái, Phao-lô cho thấy ông không xúi dân dấy loạn. Ông nói ông tin nơi những điều ghi trong Luật pháp và các sách tiên tri và hy vọng “sẽ có sự sống lại của người công-bình và người không công-bình”. Phao-lô trước đó đã đi đến Giê-ru-sa-lem đem theo đồ “bố-thí” (phần đóng góp cho các môn đồ có lẽ bị nghèo khó vì bắt bớ) và đã giữ lễ tinh sạch. Dù Phê-lít hoãn lại phiên tòa xét xử, sau đó Phao-lô rao giảng cho ông và vợ là Đơ-ru-si (con gái của Hê-rốt Ạc-ríp-ba I) về Đấng Christ, sự công bình, sự tự chủ và sự phán xét ngày sau. Phê-lít nghe giảng mà sợ liền cho Phao-lô lui đi. Sau đó ông thường sai người đến gặp Phao-lô mong Phao-lô sẽ đưa tiền hối lộ ông nhưng hoài công vô ích. Phê-lít biết rằng Phao-lô vô tội nhưng vẫn giam ông, hy vọng mua chuộc lòng dân Do-thái. Hai năm sau, Bốt-tiu Phê-tu đến nhậm chức thay Phê-lít.
14. Khi hầu tòa trước mặt Phê-tu, Phao-lô dùng quyền pháp lý nào, và ngày nay có gì tương đương?
14 Phao-lô cũng rao giảng dạn dĩ trước mặt Phê-tu (25:1-12). Nếu sứ đồ đáng chết, ông sẽ sẵn sàng chết, nhưng không ai có thể nộp ông cho người Do-thái để làm vui lòng họ. Phao-lô nói: “Tôi ứng-hầu [chống án] trước mặt tòa-án Sê-sa”, dùng đến quyền của công dân La-mã để được xử tại thành Rô-ma (lúc đó dưới quyền Nê-rô). Lời chống án được chấp thuận, Phao-lô sẽ “làm chứng tại thành Rô-ma”, như đã tiên tri (Công-vụ các Sứ-đồ 23:11). Ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va cũng dựa vào pháp luật để “binh-vực và làm chứng [cho tin mừng]” (Phi-líp 1:7).
15. a) Khi ra trước mặt Vua Ạc-ríp-ba và Sê-sa thì Phao-lô làm ứng nghiệm lời tiên tri nào? b) Sau-lơ đã “đá đến ghim nhọn” như thế nào?
15 Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba II cai trị miền bắc Giu-đê và em gái là Bê-rê-nít (hai người có liên lạc loạn luân) nghe Phao-lô nói khi hai người đi thăm Phê-tu tại Sê-sa-rê (25:13 đến 26:23). Nhờ rao giảng cho Ạc-ríp-ba và Sê-sa mà Phao-lô làm ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng ông sẽ nói về danh Chúa trước mặt các vua (Công-vụ các Sứ-đồ 9:15). Thuật cho Ạc-ríp-ba về chuyện gì đã xảy ra cho ông trên đường đi Đa-mách, Phao-lô kể lại Giê-su đã nói: “Ngươi đá đến ghim nhọn thì là khó chịu cho ngươi vậy”. Giống như một con bò bướng bỉnh bị chủ dùng roi nhọn đánh đau, Sau-lơ tự làm đau mình vì chống lại các môn đồ của Giê-su; họ được Đức Chúa Trời yểm trợ.
16. Phê-tu và Ạc-ríp-ba phản ứng thế nào trước lời chứng của Phao-lô?
16 Phê-tu và Ạc-ríp-ba đã phản ứng thế nào? (26:24-32). Không thể hiểu nổi sự sống lại và ngạc nhiên trước niềm tin vững chắc của Phao-lô, Phê-tu nói: “Hỡi Phao-lô, ngươi lảng trí rồi, ngươi học biết nhiều quá đến đỗi ra điên-cuồng”. Ngày nay vài kẻ nói Nhân-chứng Giê-hô-va là điên dù các Nhân-chứng thật ra giống Phao-lô ở điểm là “nói những lời thật và phải lẽ”. Ạc-ríp-ba nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín-đồ đấng Christ!”, rồi bế mạc phiên tòa nhưng nhìn nhận rằng Phao-lô có thể được thả ra nếu như không chống án lên tới Sê-sa.
Nguy hiểm trên biển
17. Bạn sẽ tả thế nào về các mối nguy hiểm mà Phao-lô gặp phải trên biển khi đi tàu đến Rô-ma?
17 Phao-lô gặp “nguy trên biển” trong cuộc hành trình đi Rô-ma (II Cô-rinh-tô 11:24-27). Một sĩ quan tên là Giu-lơ nhận lãnh trách nhiệm giải tù nhân đi tàu từ Sê-sa-rê đến Rô-ma (27:1-26). Khi tàu cập bến Si-đôn, Phao-lô được phép đi thăm các tín đồ, điều này làm ông thích thú về thiêng liêng. (So sánh III Giăng 14). Tại My-ra ở Tiểu Á, Giu-lơ chuyển tù nhân sang tàu chở thóc đi Y-ta-li. Bất kể gió thổi mạnh, họ tấp vào Mỹ-Cảng gần thành phố La-sê trên đảo Cơ-rết. Sau khi rời chỗ đó để đi Phê-nít thì một ngọn gió mạnh từ hướng đông bắc thổi lên. Sợ bị mắc cạn trên bãi biển Si-rơ-tơ (đầy cát lún) phía bắc Phi Châu, các thủy thủ “hạ buồm xuống”. Họ quấn dây thừng chung quanh hông tàu để tàu khỏi vỡ. Ngày hôm sau, bão táp vẫn còn thổi mạnh, họ quăng hành hóa xuống biển. Ngày thứ ba, họ quăng luôn cả đồ đạc trong tàu xuống biển (buồm hoặc đồ phụ tùng). Khi hy vọng dường như tàn tạ, một thiên sứ hiện ra với Phao-lô bảo ông chớ sợ, vì ông sẽ hầu tòa trước Sê-sa. Thật là nhẹ nhõm làm sao khi sứ đồ nói rằng tất cả các hành khách trên tàu sẽ tấp vào một hòn đảo!
18. Cuối cùng việc gì đã xảy ra cho Phao-lô và các bạn đồng hành trên tàu?
18 Quả thật, các hành khách đã sống sót (27:27-44). Vào lúc nửa đêm ngày thứ 14, các thủy thủ nhận thấy tàu gần đến đất liền. Khi dò thấy đúng thế, người ta hạ neo xuống biển để tránh cho tàu vướng vào đá. Nghe theo lời khuyên của Phao-lô, tất cả 276 người cùng nhau ăn uống. Rồi người ta quăng lúa mì xuống biển cho tàu nhẹ thêm. Rạng đông các thủy thủ cắt neo, tháo dây bánh lái, xổ buồm đi thuận theo gió. Tàu mắc cạn trên một bãi cát và mũi tàu vỡ thành mảnh vụn. Nhưng mọi người đều lên bờ được.
19. Chuyện gì đã xảy ra cho Phao-lô trên đảo Man-tơ, và ông đã làm gì cho những người khác tại đó?
19 Ướt át và mệt nhoài, những người bị đắm tàu mới hay rằng họ đang ở trên đảo Man-tơ, dân bản xứ đối đãi họ “một cách nhơn-từ hiếm có” (28:1-16). Khi Phao-lô chất củi khô lên lửa thì một con rắn lục đang ngủ gặp nóng thức dậy quấn vào tay ông. (Thời nay không có rắn độc trên đảo Man-tơ, nhưng hồi xưa đó là một “tạo vật có nọc độc”). Dân đảo Man-tơ tưởng Phao-lô là kẻ giết người mà “lẽ công-bình” không để cho sống, nhưng khi ông không ngã xuống chết ngay cũng không bị sưng gì cả thì họ lại nghĩ ông là thần. Sau đó Phao-lô chữa lành bệnh cho nhiều người, kể cả cha của Búp-li-u là tù trưởng trên đảo Man-tơ. Ba tháng sau, Phao-lô, Lu-ca và A-ri-tạc lên tàu mang hiệu Đi-ốt-cua (“Các con của thần Zeus”, tức Castor và Pollux, các thần sanh đôi mà người ta nghĩ là phù hộ cho thủy thủ). Xuống tàu tại hải cảng Bu-xô-li, Giu-lơ và đoàn tùy tùng tiếp tục lên đường. Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời và lấy lại can đảm khi các tín đồ đấng Christ từ thủ đô Rô-ma đến tiếp rước ông tại Phô-rum Áp-bi-u (Nơi họp chợ) và chỗ Ba-Quán dọc theo lộ Áp-bi-u. Cuối cùng đến Rô-ma, Phao-lô được phép ở riêng một mình nhưng có lính canh.
Tiếp tục rao truyền Nước của Đức Giê-hô-va!
20. Phao-lô bận rộn làm gì trong tư thất tại Rô-ma?
20 Trong tư thất tại Rô-ma, Phao-lô dạn dĩ rao giảng về Nước Đức Giê-hô-va (28:17-31). Ông nói với các kẻ quyền thế người Do-thái: “Bởi sự trông-cậy của dân Y-sơ-ra-ên nên tôi mang lấy xiềng nầy”. Hy vọng đó liên hệ đến đấng Mê-si; chúng ta cũng phải sẵn lòng chịu khổ vì cớ đó (Phi-líp 1:29). Dù đa số người Do-thái đó không tin, nhiều người dân ngoại và một số người Do-thái còn lại có tâm tình đúng (Ê-sai 6:9, 10). Hai năm ròng (khoảng năm 59-61 tây lịch) Phao-lô đón tiếp tất cả những người đến thăm ông, “giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy-dỗ về Chúa Giê-su Christ cách tự-do trọn-vẹn, chẳng ai ngăn-cấm người hết”.
21. Cho đến giờ phút chót của đời ông trên đất, Phao-lô đã nêu ra gương tốt nào?
21 Dường như Nê-rô đã tuyên bố Phao-lô trắng án và thả ông ra. Rồi sứ đồ rao giảng trở lại cùng với Ti-mô-thê và Tít. Tuy nhiên ông lại bị bắt lần nữa tại Rô-ma (khoảng năm 65 tây lịch) và rất có thể đã chết vì đạo bởi tay Nê-rô (II Ti-mô-thê 4:6-8). Nhưng cho đến cuối cùng Phao-lô đã nêu gương tốt với tư cách một người rao giảng can đảm về Nước Trời. Với cùng một tâm tình trong những ngày sau rốt này, mong sao tất cả những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời cũng có thể dạn dĩ rao truyền Nước của Đức Giê-hô-va!
Bạn sẽ trả lời ra sao?
◻ Phao-lô đã huấn luyện các trưởng lão thành Ê-phê-sô thế nào để họ thi hành thánh chức?
◻ Phao-lô đã nêu gương thế nào về việc phục tùng ý muốn Đức Chúa Trời?
◻ Giữa kinh nghiệm của Phao-lô và kinh nghiệm của các Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay có sự tương đương nào về việc bị đoàn dân đông hành hung?
◻ Trước mặt quan Tổng đốc Phê-tu, Phao-lô xử dụng quyền pháp lý nào, và ngày nay có gì tương đương?
◻ Phao-lô bận rộn làm gì trong tư thất tại Rô-ma, và ông nêu gương tốt nào?