Những con đường La Mã chứng tích của ngành kiến trúc cổ đại
CHỨNG TÍCH quan trọng nhất của La Mã là gì? Có lẽ bạn sẽ cho rằng đó là đấu trường Colosseum, một di tích mà ngày nay người ta còn thấy ở Rome. Tuy nhiên, nếu xét đến những công trình lâu bền nhất hoặc có ý nghĩa về phương diện lịch sử, chúng ta sẽ phải nghĩ đến những con đường.
Trên những con đường của La Mã, không chỉ có hàng hóa và quân đội đi qua. Theo ông Romolo A. Staccioli, nhà nghiên cứu văn khắc, các con đường này đã “chuyển tải những tư tưởng, trào lưu nghệ thuật, triết lý và giáo lý”, trong ó có cả giáo lý của đạo Đấng Christ.
Thời xưa, các con đường của La Mã được xem là những công trình kỷ niệm. Qua nhiều thế kỷ, người La Mã đã xây dựng một mạng lưới đường sá tiện ích, với tổng chiều dài lên tới hơn 80.000 kilômét trên một diện tích lớn nay thuộc hơn 30 quốc gia.
Via publica lớn đầu tiên, tức xa lộ theo cách gọi ngày nay, là Via Appia, hay Đường Appia, còn được gọi là regina viarum nghĩa là hoàng hậu của các con đường. Nó nối thành La Mã với thành phố cảng Brundisium (nay là Brindisi), cửa ngõ thông thương với phương Đông. Con đường được đặt theo tên của Appius Claudius Caecus, vị quan La Mã đã khởi công xây dựng nó khoảng năm 312 TCN. Hai xa lộ khác phục vụ cho giao thông của thành La Mã là Via Salaria và Via Flaminia. Hai đường này trải dài về phía đông đến Biển Adriatic, mở lối đến vùng Balkan cũng như lưu vực sông Rhine và sông Danube. Via Aurelia hướng về phía bắc đến xứ Gaul và Bán Đảo Iberia, còn Via Ostiensis thì dẫn tới Ostia, cảng mà người La Mã thường dùng để thông thương với Châu Phi.
Công trình kiến trúc lớn nhất của La Mã
Đường sá có vai trò quan trọng đối với thành La Mã ngay cả trước khi dân cư thành này bắt đầu xây dựng những con đường mới. Thành nằm ở nơi giao nhau của các con đường cổ, tại vùng cạn duy nhất của hạ nguồn Sông Tiber. Theo các nguồn tài liệu xưa, người La Mã đã học hỏi kỹ thuật xây dựng của người Carthage để nâng cấp những con đường họ tìm thấy. Nhưng có lẽ người Etruria còn đi trước cả người La Mã trong lãnh vực này. Ngày nay, người ta vẫn còn thấy dấu tích của những con đường do người Etruria xây. Hơn nữa, trước thời La Mã, nơi đây đã có nhiều đường mòn mà có lẽ người ta thường dùng để lùa gia súc từ đồng cỏ này qua đồng cỏ khác. Tuy nhiên, chúng thường khó đi vì rất bụi vào mùa khô và lầy lội vào mùa mưa. Người La Mã thường làm đường trên những con đường mòn này.
Các con đường của La Mã được thiết kế tỉ mỉ và xây dựng theo ba tiêu chuẩn: bền chắc, tiện dụng và thẩm mỹ. Đối với người La Mã, con đường lý tưởng là đường ngắn nhất nối điểm xuất phát với điểm đích. Đó là lý do tại sao các con đường họ làm có nhiều đoạn thẳng dài, nhưng thường vẫn phải theo đường cong tự nhiên của địa hình. Ở những vùng đồi núi, khi có thể, người La Mã làm đường ở độ cao lưng chừng, dọc theo bên triền núi hứng ánh sáng mặt trời. Điều này giúp giảm thiểu những bất tiện do thời tiết xấu gây ra cho người đi đường.
Nhưng người La Mã làm đường như thế nào? Dù phương pháp có thể thay đổi ít nhiều, nhưng về cơ bản thì các cuộc khai quật khảo cổ cho biết như sau.
Trước tiên tuyến đường được xác định. Công việc này được giao cho những người chuyên vẽ bản đồ địa hình. Kế tiếp, công việc đào bới nặng nhọc là phần của binh lính, lao công và nô lệ. Người ta đào hai cái rãnh song song, cách nhau ít nhất khoảng 2,4 mét, nhưng thường là 4 mét, thậm chí còn rộng hơn ở những khúc quanh. Khi đã hoàn thành, chiều rộng của con đường có thể lên tới 10 mét, gồm cả lối dành cho người đi bộ ở hai bên. Tiếp theo, người ta đào bỏ đất giữa hai rãnh cho đến khi đụng nền đất rắn bên dưới. Cái hố này sau đó được lấp đầy bằng ba hoặc bốn lớp vật liệu khác nhau. Lớp thứ nhất có thể là đá lớn, thứ hai là đá cuội, có lẽ được trộn với vữa để kết dính, và trên cùng là đá dăm được nén chặt.
Một số con đường có bề mặt chỉ là đá dăm nén chặt. Tuy nhiên, điều khiến người thời ấy thán phục chính là những con đường lát đá. Mặt đường được lát bằng những phiến đá lớn, thường được chẻ từ các tảng đá có sẵn ở địa phương. Mặt đường hơi vồng lên ở giữa để nước mưa có thể thoát xuống rãnh ở hai bên. Phương pháp này giúp đường sử dụng được lâu và một số còn tồn tại đến ngày nay.
Khoảng 900 năm sau khi Đường Appia được hoàn tất, sử gia Procopius người Byzantium vẫn gọi nó là con đường “tuyệt vời”. Ông viết về những phiến đá lát mặt đường như sau: “Biết bao thời gian đã trôi qua, biết bao cỗ xe đã lăn bánh trên đó mỗi ngày, thế mà những phiến đá ấy vẫn bám chắc và nhẵn bóng”.
Làm thế nào các con đường này băng qua các rào cản tự nhiên như sông ngòi? Một giải pháp là bắc cầu. Một số cây cầu đó nay vẫn còn, là bằng chứng về trình độ kỹ thuật xuất sắc của người La Mã xưa. Các đường hầm trong hệ thống cầu đường của La Mã có lẽ ít được biết đến hơn, nhưng so với kỹ thuật thời bấy giờ, việc xây đường hầm đòi hỏi nhiều công phu hơn. Một tài liệu tham khảo nói: “Ngành kiến trúc La Mã... đã đạt những thành quả mà trong nhiều thế kỷ sẽ không ai sánh kịp”. Một thí dụ điển hình là đường hầm ở đèo Furlo trên Via Flaminia. Vào năm 78 CN, sau khi các kỹ sư đã lập kế hoạch cẩn thận, người ta đào một đường hầm dài 40 mét, rộng 5 mét, cao 5 mét, xuyên qua đá cứng. Đó quả là một công trình đáng khâm phục, so với kỹ thuật thời ấy. Xây dựng hệ thống cầu đường như thế là một trong những công trình táo bạo nhất của con người.
Con đường cho lữ khách và các hệ tư tưởng
Binh lính và thương gia, nhà truyền giáo và du khách, giới nghệ sĩ và giác đấu, tất cả đều đã đi qua những con đường ấy. Khách bộ hành có thể đi khoảng 25 đến 30 kilômét một ngày. Các cột mốc trên đường cho người ta biết khoảng cách từ nơi này đến nơi khác. Các cột đá đó có hình dáng khác nhau, thường là hình trụ, và được đặt cách quãng 1.480 mét—tương đương đơn vị một dặm của người La Mã. Cũng có những trạm dừng chân để khách lữ hành có thể thay ngựa, mua thực phẩm, hoặc trong vài trường hợp, nghỉ qua đêm. Một số nơi này về sau phát triển thành thị trấn nhỏ.
Không lâu trước khi đạo Đấng Christ ra đời, Caesar Augustus bắt đầu chương trình bảo trì hệ thống đường sá. Ông bổ nhiệm một số sĩ quan coi sóc việc này, mỗi người phụ trách ít nhất một con đường. Ông cho dựng miliarium aureum, cột mốc nhũ vàng, tại Quảng Trường La Mã. Cây cột có chữ mạ đồng này là điểm hội tụ lý tưởng của tất cả các con đường ở Ý. Từ đó có câu ngạn ngữ: “Đường nào cũng tới La Mã”. Augustus cũng cho trưng bày bản đồ của toàn bộ hệ thống đường sá. Dường như so với nhu cầu và tiêu chuẩn thời ấy, mạng lưới đường này là quá tốt.
Một số lữ khách thời xưa thậm chí còn có tài liệu hướng dẫn để giúp cuộc hành trình được dễ dàng. Tài liệu này cho biết những thông tin như khoảng cách giữa các điểm dừng chân và những dịch vụ được cung cấp tại mỗi nơi. Nhưng nó khá đắt tiền nên không phải ai cũng có.
Dù vậy, các nhà truyền giáo đạo Đấng Christ đã hoạch định và thực hiện nhiều chuyến hành trình xa. Khi đi về hướng đông, sứ đồ Phao-lô cũng như những người đương thời hay dùng thuyền để tận dụng sức gió. (Công-vụ 14:25, 26; 20:3; 21:1-3) Ở Địa Trung Hải, trong các tháng hè có nhiều ngọn gió thổi theo hướng từ tây sang đông. Trái lại, khi đi về hướng tây, ông thường dùng đường bộ, theo hệ thống đường của người La Mã. Ông cũng theo cách thức này khi thực hiện chuyến hành trình truyền giáo thứ hai và thứ ba. (Công-vụ 15:36-41; 16:6-8; 17:1, 10; 18:22, 23; 19:1)a Khoảng năm 59 CN, sứ đồ Phao-lô đi theo Đường Appia đến thành La Mã (Rô-ma). Ông gặp anh em đồng đạo tại Quảng Trường Appii tấp nập (tức Phô-rum Áp-bi-u), cách thành La Mã 74 kilômét về hướng đông nam. Đi thêm một quãng 14 kilômét nữa, ông gặp một số anh em khác đón ông tại trạm dừng chân Ba Quán. (Công-vụ 28:13-15) Khoảng năm 60 CN, Phao-lô có thể nói tin mừng đã được giảng ra “trong cả thế-gian” thời bấy giờ. (Cô-lô-se 1:6, 23) Hệ thống đường sá của La Mã đã góp phần đáng kể vào công việc này.
Như vậy, hệ thống đường sá của La Mã đã tỏ ra là những chứng tích xuất sắc và lâu bền, góp phần vào việc truyền bá tin mừng về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 24:14.
[Chú thích]
a Xin xem bản đồ nơi trang 33 của sách mỏng ‘Hãy xem xứ tốt-tươi’, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình nơi trang 14]
Một cột mốc của La Mã
[Hình nơi trang 15]
Via Appia ở ngoại ô Rome
[Hình nơi trang 15]
Một con đường ở thành cổ Ostia, Ý
[Hình nơi trang 15]
Vết lún của những cỗ xe thời xưa ở Áo
[Hình nơi trang 15]
Một phần con đường của La Mã, với những cột mốc, ở Jordan
[Hình nơi trang 16]
Tàn tích của những ngôi mộ bên Via Appia, ngoài Rome
[Hình nơi trang 16]
Đường hầm Furlo trên Via Flaminia, ở vùng Marche
[Hình nơi trang 16, 17]
Cầu Tiberius trên Via Emilia ở Rimini, Ý
[Hình nơi trang 17]
Sứ đồ Phao-lô gặp anh em đồng đạo tại Quảng Trường Appii tấp nập (tức Phô-rum Áp-bi-u)
[Nguồn tư liệu nơi trang 15]
Rìa trái, thành Ostia: ©danilo donadoni/Marka/age fotostock; rìa phải, con đường với những cột mốc: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.