Bạn có nói năng dạn dĩ không?
HƠN sáu triệu người trong 235 xứ đang vui làm một điều mà Kinh Thánh gọi là nói năng dạn dĩ. (Phi-líp 1:20; 1 Ti-mô-thê 3:13; Hê-bơ-rơ 3:6; 1 Giăng 3:21) Việc nói năng dạn dĩ bao hàm những gì? Điều gì giúp chúng ta nói năng dạn dĩ? Trong những trường hợp nào việc nói năng dạn dĩ giúp chúng ta diễn đạt tự nhiên, thoải mái?
Theo từ điển Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words, từ Hy Lạp biểu thị tính nói năng dạn dĩ được thảo luận ở đây, có nghĩa là “tự do ngôn luận, không hạn chế trong việc phát biểu,... không sợ sệt, dám nói mạnh dạn; vì thế hàm ý có sự tin chắc, phấn khởi can đảm, mạnh dạn, mà không nhất thiết liên quan đến việc nói năng”. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn tính nói thẳng đó với tính thẳng thừng, sống sượng, thô lỗ. Kinh Thánh nói: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn”. (Cô-lô-se 4:6) Một người nói năng dạn dĩ thì luôn tế nhị đồng thời không để cho tình huống căng thẳng hoặc sự sợ loài người hạn chế lời nói.
Nói năng dạn dĩ có phải là quyền chúng ta có khi sinh ra không? Hãy xem những điều sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô. Ông nói: “Ân-điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh-đồ, để rao-truyền cho dân ngoại sự giàu-có không dò được của Đấng Christ”. Phao-lô nói thêm rằng qua Chúa Giê-su Christ “chúng ta nhờ đức-tin đến Ngài mà được tự-do đến gần Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ”. (Ê-phê-sô 3:8-12) Nói năng dạn dĩ không phải là một quyền vốn có lúc sinh ra, mà là nhờ chúng ta có mối quan hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựa trên đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Chúng ta hãy xem điều gì có thể giúp chúng ta có được sự dạn dĩ này và làm cách nào để nói năng dạn dĩ khi rao giảng, dạy dỗ và cầu nguyện.
Điều gì giúp chúng ta mạnh dạn rao giảng?
Chúa Giê-su Christ là gương mẫu xuất sắc nhất trong việc nói năng dạn dĩ. Lòng sốt sắng thôi thúc ngài nắm mọi cơ hội để rao giảng. Dù đó là lúc nghỉ ngơi, dùng bữa tại nhà một người nào hoặc đi bộ trên đường, ngài không bao giờ bỏ qua cơ hội nói về Nước của Đức Chúa Trời. Cả sự chế nhạo lẫn sự chống đối ra mặt cũng không thể làm Chúa Giê-su chùn bước và im lặng. Thay vì thế, ngài can đảm vạch trần tội lỗi của những người lãnh đạo tôn giáo sai lầm vào thời ngài. (Ma-thi-ơ 23:13-36) Ngay cả khi bị bắt và bị xét xử, Chúa Giê-su cũng nói năng mạnh dạn.—Giăng 18:6, 19, 20, 37.
Các sứ đồ của Chúa Giê-su cũng nói năng mạnh dạn. Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Phi-e-rơ nói năng dạn dĩ trước một đám đông hơn 3.000 người. Điều đáng chú ý là không lâu trước đó, ông đã run sợ khi bị một đầy tớ gái nhận diện. (Mác 14:66-71; Công-vụ 2:14, 29, 41) Khi bị đưa ra trước những người lãnh đạo tôn giáo, Phi-e-rơ và Giăng không run sợ. Không ngần ngại, họ mạnh dạn làm chứng về Chúa Giê-su phục sinh. Chính vì tính mạnh dạn này của Phi-e-rơ và Giăng mà những người lãnh đạo tôn giáo nhận ra là hai người đã từng theo Chúa Giê-su. (Công-vụ 4:5-13) Điều gì giúp họ nói năng mạnh dạn như thế?
Chúa Giê-su hứa với các sứ đồ: “Khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó. Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh-Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra”. (Ma-thi-ơ 10:19, 20) Thánh linh đã giúp Phi-e-rơ và những người khác khắc phục được tính rụt rè sợ hãi, là điều có thể cản trở họ nói năng dạn dĩ. Ảnh hưởng của lực mạnh mẽ đó cũng có thể giúp chúng ta.
Ngoài ra, Chúa Giê-su giao cho những người theo ngài nhiệm vụ đào tạo môn đồ. Điều này thích hợp vì ngài đã được ban cho “hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất”, và ‘ngài ở cùng họ’. (Ma-thi-ơ 28:18-20) Biết mình có sự hỗ trợ của Chúa Giê-su, các môn đồ thời ban đầu vững lòng tin khi đương đầu với những nhà cầm quyền nhất quyết cản trở công việc rao giảng. (Công-vụ 4:18-20; 5:28, 29) Nhận biết điều đó cũng có thể giúp chúng ta.
Phao-lô cho thấy một lý do khác để nói năng mạnh dạn khi ông liên kết hy vọng với sự “rất tự-do” hoặc “nói cách tự-do”. (2 Cô-rinh-tô 3:12; Phi-líp 1:20) Thông điệp mang lại hy vọng thì quá tuyệt diệu, tín đồ Đấng Christ không thể giữ riêng cho mình mà phải cho người khác biết. Thật vậy, niềm hy vọng của chúng ta là một lý do để chúng ta nói năng dạn dĩ.—Hê-bơ-rơ 3:6.
Mạnh dạn rao giảng
Làm sao chúng ta có thể mạnh dạn rao giảng ngay cả trong tình huống đáng lo sợ? Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Lúc bị giam ở Rô-ma, ông nhờ các anh em tín hữu cầu xin ‘để khi ông mở miệng ra, Chúa ban cho ông tự-do mọi bề, hầu cho ông nói cách dạn-dĩ như ông phải nói’. (Ê-phê-sô 6:19, 20) Những lời cầu xin đó có được nhậm không? Có! Trong lúc bị giam cầm, Phao-lô tiếp tục “giảng về nước Đức Chúa Trời... cách tự-do trọn-vẹn, chẳng ai ngăn-cấm người hết”.—Công-vụ 28:30, 31.
Khi nắm cơ hội để làm chứng ở nơi làm việc, ở trường học hoặc khi đi đường, chúng ta có thể thấy mình có nói năng dạn dĩ hay không. Tính nhút nhát, sợ người ta không thích, hoặc thiếu tự tin có thể khiến chúng ta không dám nói. Về khía cạnh này, sứ đồ Phao-lô cũng nêu một gương tốt. Ông viết: “Chúng tôi trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao-truyền đạo Tin-lành của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:2) Nhờ tin cậy vào Đức Giê-hô-va nên Phao-lô mới có thể làm điều vượt quá sức mình.
Việc cầu nguyện đã giúp một phụ nữ tên là Sherry mạnh dạn khi có cơ hội làm chứng bán chính thức. Một ngày nọ khi đang đợi chồng, chị để ý thấy một phụ nữ khác cũng đang đợi người nhà. Chị Sherry nói: “Tôi cảm thấy cổ họng như nghẹn tắc lại. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va cho tôi sự can đảm”. Khi chị Sherry đến gần phụ nữ đó thì thấy một mục sư Tin Lành bước vào. Chị Sherry không ngờ mình lại gặp một mục sư. Tuy nhiên, chị cầu nguyện một lần nữa và đã có thể làm chứng. Chị để lại sách báo cho người phụ nữ đó và sắp xếp thăm lại. Khi nắm cơ hội để làm chứng, chúng ta có thể chắc chắn rằng tin cậy vào Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta nói năng mạnh dạn.
Khi dạy dỗ
Nói năng dạn dĩ liên hệ chặt chẽ với việc dạy dỗ. Nói về những “ai khéo làm chức-vụ mình” trong hội thánh, Kinh Thánh viết: “[Họ] được bực cao-trọng và lòng rất dạn-dĩ trong đức-tin đến Đức Chúa Jêsus-Christ”. (1 Ti-mô-thê 3:13) Họ có được sự dạn dĩ này là vì đã áp dụng những gì họ dạy người khác. Nhờ thế, họ che chở và làm vững mạnh hội thánh.
Khi chúng ta nói năng dạn dĩ như vậy, lời khuyên của chúng ta có hiệu quả hơn và dễ cho anh em làm theo. Người nghe sẽ không bị phân tâm vì thấy gương xấu, trái lại, họ được khuyến khích khi thấy cách áp dụng thực tiễn những gì họ được chỉ dạy. Sự dạn dĩ này giúp những anh thành thục về thiêng liêng ‘sửa anh em họ lại’ trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. (Ga-la-ti 6:1) Ngược lại, nếu một người đã nêu gương xấu, họ có thể ngần ngại nói lên ý kiến, nghĩ rằng mình không có quyền nói. Chậm trễ trong việc đưa ra lời khuyên cần thiết có thể dẫn đến hậu quả tai hại.
Nói năng dạn dĩ không có nghĩa là chỉ trích, võ đoán hoặc cố chấp. Phao-lô khuyên bảo Phi-lê-môn “vì lòng yêu-thương”. (Phi-lê-môn 8, 9) Và có lẽ Phi-lê-môn đã nghe lời khuyên của vị sứ đồ này. Thật vậy, khi trưởng lão đưa ra lời khuyên thì động cơ phải là tình yêu thương!
Nói năng dạn dĩ chắc chắn cần yếu khi cho lời khuyên, đồng thời cũng quan trọng vào những lúc khác. Phao-lô viết cho hội thánh ở Cô-rinh-tô: “Tôi nói với anh em cách bạo-dạn; tôi có nhiều lẽ khoe mình vì anh em”. (2 Cô-rinh-tô 7:4) Phao-lô không ngần ngại khen ngợi anh chị em khi thích hợp. Tình yêu thương thúc đẩy ông chú trọng các đức tính của anh em tín đồ, mặc dù ông biết rõ những khiếm khuyết của họ. Hội thánh đạo Đấng Christ ngày nay cũng được xây dựng khi trưởng lão thường xuyên khen ngợi và khích lệ anh chị em.
Để dạy dỗ có hiệu quả, tất cả tín đồ Đấng Christ cần phải nói năng dạn dĩ. Chị Sherry, được đề cập ở trên, muốn khuyến khích con cái làm chứng tại trường học. Chị công nhận: “Mặc dù lớn lên trong lẽ thật, tôi ít khi nào làm chứng ở trường học. Và tôi hiếm khi làm chứng bán chính thức. Tôi tự hỏi: ‘Mình đang nêu gương nào cho con cái?’ ” Điều này thúc đẩy chị Sherry cố gắng nhiều hơn để làm chứng bán chính thức.
Đúng thế, người khác thấy những gì chúng ta làm và để ý nếu chúng ta không thực hành những gì mình giảng dạy. Vậy chúng ta hãy cố đạt được tính nói năng dạn dĩ bằng cách cố gắng sao cho việc làm mình phù hợp với lời nói.
Qua việc cầu nguyện
Nói năng dạn dĩ đặc biệt quan trọng khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể thoải mái thổ lộ tâm tư với Đức Giê-hô-va và tin chắc rằng Ngài nghe và sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Nhờ vậy, chúng ta có được mối quan hệ mật thiết và nồng ấm với Cha trên trời. Chúng ta chớ bao giờ nghĩ rằng mình quá tầm thường không xứng đáng được đến gần Đức Giê-hô-va. Chúng ta nên làm gì nếu thấy khó nói ra những cảm nghĩ sâu kín vì mặc cảm về một lỗi lầm nào đó? Chúng ta có thể dạn dĩ đến gần Đấng Tối Thượng của vũ trụ không?
Địa vị cao cả của Chúa Giê-su với tư cách Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm là một lý do khác để chúng ta vững lòng cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy nơi Hê-bơ-rơ 4:15, 16: “Chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn-phước, hầu cho được thương-xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì-giờ có cần-dùng”. Đó là giá trị của cái chết và của vai trò Chúa Giê-su với tư cách Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.
Nếu hết lòng vâng lời Đức Giê-hô-va, chúng ta có mọi lý do để tin rằng Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Sứ đồ Giăng viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, ví bằng lòng mình không cáo-trách, thì chúng ta có lòng rất dạn-dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời: và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng-giữ các điều-răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài”.—1 Giăng 3:21, 22.
Thoải mái đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện nghĩa là chúng ta có thể nói với Ngài bất cứ điều gì. Dù lo sợ, quan tâm, lo âu hoặc e sợ điều gì, chúng ta đều có thể bày tỏ với Đức Giê-hô-va, tin chắc rằng Ngài không bao giờ làm ngơ trước lời cầu nguyện chân thành của chúng ta. Ngay cả nếu chúng ta đã phạm tội trọng, tội lỗi cũng sẽ không cản trở chúng ta dâng lời cầu nguyện nếu chúng ta thành thật ăn năn.
Nói năng dạn dĩ là một ân điển rất quý giá. Nhờ đó, chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời trong việc rao giảng và dạy dỗ, đồng thời đến gần Ngài hơn qua lời cầu nguyện. Chúng ta “chớ bỏ lòng dạn-dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho”—đó là sự sống đời đời.—Hê-bơ-rơ 10:35.
[Hình nơi trang 13]
Sứ đồ Phao-lô nói dạn dĩ
[Các hình nơi trang 15]
Để dạy dỗ có hiệu quả, chúng ta cần nói năng dạn dĩ
[Hình nơi trang 16]
Nói năng dạn dĩ khi cầu nguyện là điều quan trọng