‘Nhân danh thánh linh’
“Vậy hãy đi đào tạo môn đồ giữa muôn dân, hãy nhân danh... thánh linh mà làm báp têm cho họ” (MA-THI-Ơ 28:19, NW).
1. Giăng Báp-tít đã dùng một thành ngữ mới nào liên quan đến thánh linh?
VÀO NĂM 29 công nguyên, Giăng Báp-tít hoạt động tại xứ Y-sơ-ra-ên, dọn đường cho đấng Mê-si, và trong khi thi hành thánh chức, ông loan báo một điều mới lạ về thánh linh. Dĩ nhiên, người Do-thái biết Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã nói gì về thánh linh. Nhưng có lẽ họ ngạc nhiên khi nghe Giăng nói: “Về phần ta, ta lấy nước mà làm báp têm cho các ngươi ăn năn, song đấng đến sau ta... sẽ làm báp têm cho các ngươi bằng thánh linh” (Ma-thi-ơ 3:11, NW). “Báp têm bằng thánh linh” là một thành ngữ mới.
2. Giê-su đã đưa ra một thành ngữ mới nào liên quan đến thánh linh?
2 Đấng sắp đến là Chúa Giê-su. Trong khi ngài sống trên đất, Chúa Giê-su thật sự đã không làm phép báp têm cho một ai bằng thánh linh cả, mặc dù ngài có nói về thánh linh nhiều lần. Ngoài ra, sau khi ngài sống lại, ngài có nói về thánh linh bằng một cách mới khác nữa. Ngài phán cùng môn đồ: “Vậy hãy đi đào tạo môn đồ giữa muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và thánh linh mà làm báp têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:19, NW). Thành ngữ “nhân danh” có nghĩa là “với sự nhìn nhận”. Phép báp têm trong nước với sự nhìn nhận Đức Cha, Đức Con và thánh linh phải khác với phép báp têm bằng thánh linh. Đây cũng là một thành ngữ mới liên quan đến thánh linh.
Báp têm bằng thánh linh
3, 4. a) Các phép báp têm đầu tiên bằng thánh linh đã xảy ra khi nào? b) Ngoài việc làm báp têm cho các môn đồ của Chúa Giê-su, thánh linh đã hành động như thế nào với các môn đồ vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33?
3 Về phép báp têm bằng thánh linh, ngay trước khi Chúa Giê-su thăng thiên, ngài hứa với các môn đồ: “Trong ít ngày các ngươi sẽ chịu báp têm bằng thánh linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:5, 8, NW). Ít lâu sau đó, lời hứa này được thực hiện. Thánh linh giáng xuống khoảng 120 môn đồ đang nhóm lại trong một phòng cao tại Giê-ru-sa-lem, khi Chúa Giê-su từ trên trời làm báp têm đầu tiên bằng thánh linh (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4, 22). Kết quả là gì? Các môn đồ trở nên một phần của thân thể thiêng liêng của đấng Christ. Như sứ đồ Phao-lô giải nghĩa, hết thảy họ “đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh-Linh để hiệp làm một thân” (I Cô-rinh-tô 12:13). Đồng thời họ được xức dầu để trong tương lai làm vua và thầy tế lễ trong Nước của Đức Chúa Trời ở trên trời (Ê-phê-sô 1:13, 14; II Ti-mô-thê 2:12; Khải-huyền 20:6). Thánh linh cũng dùng làm dấu ấn và bảo đảm cho cơ nghiệp vinh hiển mà họ sẽ nhận được trong tương lai, nhưng không phải chỉ có thế mà thôi (II Cô-rinh-tô 1:21, 22).
4 Vài năm trước đó, Chúa Giê-su đã nói với Ni-cô-đem: “Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời... Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh-Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3, 5). Giờ đây 120 người đã được sanh lại. Nhờ thánh linh mà họ được nhận làm con nuôi thiêng liêng của Đức Chúa Trời, làm anh em của đấng Christ (Giăng 1:11-13; Rô-ma 8:14, 15). Tất cả các hoạt động này của thánh linh quả là kỳ diệu hơn các phép lạ. Ngoài ra, thánh linh không ngừng hoạt động sau khi các sứ đồ qua đời, nhưng vẫn tiếp tục như vậy cho đến ngày nay, khác hẳn với phép lạ chỉ xảy ra một thời. Các Nhân-chứng Giê-hô-va có đặc ân kết hợp với những thành viên cuối cùng thuộc thân thể của Giê-su được báp têm bằng thánh linh; các người này phụng sự với tư cách là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” để cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ (Ma-thi-ơ 24:45-47).
Báp têm “nhân danh...thánh linh”
5, 6. Các phép báp têm đầu tiên bằng thánh linh đã đưa đến phép báp têm trong nước như thế nào?
5 Nhưng còn về phép báp têm trong nước “nhân danh Đức Cha, Đức Con, và thánh linh” mà Chúa Giê-su đã hứa thì sao? Những môn đồ đầu tiên đã làm báp têm bằng thánh linh thì không làm báp têm trong nước theo lối nêu trên. Họ đã được Giăng [Báp-tít] làm báp têm trong nước rồi và Đức Giê-hô-va chấp nhận điều đó ở thời điểm đặc biệt đó cho nên họ không cần phải làm báp têm lại. Nhưng vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, một đám đông người có làm phép báp têm trong nước theo kiểu mới. Điều này đã xảy ra như thế nào?
6 Khi nhóm 120 người được làm báp têm bằng thánh linh thì có tiếng động lớn đi kèm theo, làm cho một đám đông người kéo đến xem. Những người này hết sức ngạc nhiên khi nghe các môn đồ nói tiếng lạ, tức là những thứ tiếng ngoại quốc mà các người có mặt tại đó hiểu được. Sứ đồ Phi-e-rơ giải nghĩa rằng phép lạ này là bằng chứng cụ thể cho thấy Chúa Giê-su đang đổ thánh linh của Đức Chúa Trời xuống, ngài đã được sống lại từ kẻ chết và nay đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời ở trên trời. Phi-e-rơ khuyến khích những người đang nghe ông giảng: “Cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-su này mà các ngươi đã đóng đinh trên cây khổ hình, làm Chúa và đấng Christ”. Rồi ông kết luận với những lời này: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su làm báp têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được ban cho thánh linh”. Khoảng 3.000 người hưởng ứng (Công-vụ các Sứ-đồ 2:36, 38, 41, NW).
7. Làm sao mà số 3.000 người đã làm báp têm “nhân danh Đức Cha, Đức Con và thánh linh” vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên?
7 Ta có thể nào nói rằng những người này đã làm báp têm nhân danh (với sự nhìn nhận) Đức Cha, Đức Con, và thánh linh không? Có chứ. Mặc dù Phi-e-rơ không bảo họ làm báp têm nhân danh Đức Chúa Cha, họ đã nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Chúa Tối thượng, vì họ thuộc dòng giống người Do-thái là thành phần của một quốc gia được dâng cho Ngài. Phi-e-rơ nói họ phải ‘nhân danh Đức Con làm báp têm’. Vậy khi họ làm báp têm, họ nhìn nhận rằng Giê-su là Chúa và là đấng Christ. Giờ đây họ là môn đồ của ngài, và họ chấp nhận rằng từ đó về sau tội lỗi họ được tha qua Chúa Giê-su. Sau hết, họ làm báp têm với sự nhìn nhận thánh linh, họ đáp ứng lời hứa nói họ sẽ nhận lãnh thánh linh như là một sự ban cho.
8. a) Ngoài việc làm báp têm trong nước, những tín đồ được xức dầu cũng làm báp têm nào khác nữa? b) Ngoài số 144.000 người, ai cũng làm báp têm trong nước nhân danh thánh linh?
8 Những người làm báp têm trong nước vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên cũng được làm báp têm bằng thánh linh, họ được xức dầu để làm vua và thầy tế lễ trong Nước Trời tương lai. Thể theo sách Khải-huyền thì chỉ có 144.000 người được xức dầu. Do đó những người làm báp têm bằng thánh linh và cuối cùng được “đóng ấn” như là người kế tự Nước Trời chỉ lên đến số 144.000 (Khải-huyền 7:4; 14:1). Tuy nhiên, tất cả các môn đồ mới, dù hy vọng họ là chi đi nữa, đều làm báp têm trong nước “nhân danh Đức Cha, Đức Con, và thánh linh” (Ma-thi-ơ 28:19, 20, NW). Thế thì, làm báp têm nhân danh thánh linh bao hàm điều gì đối với mọi tín đồ đấng Christ, dù họ thuộc “bầy nhỏ” hay thuộc “các chiên khác”? (Lu-ca 12:32; Giăng 10:16). Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy lưu ý đến vài hoạt động của thánh linh trong kỷ nguyên đạo đấng Christ.
Bông trái của thánh linh
9. Hoạt động nào của thánh linh là quan trọng đối với mọi tín đồ đấng Christ?
9 Một hoạt động quan trọng của thánh linh là giúp chúng ta trau giồi nhân cách tín đồ đấng Christ. Đành rằng chúng ta không thể tránh phạm tội vì là bất toàn (Rô-ma 7:21-23). Nhưng khi chúng ta thành thật ăn năn, Đức Giê-hô-va tha thứ chúng ta dựa trên căn bản sự hy sinh của đấng Christ (Ma-thi-ơ 12:31, 32; Rô-ma 7:24, 25; I Giăng 2:1, 2). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va chờ đợi chúng ta phấn đấu chống lại khuynh hướng tội lỗi, và thánh linh giúp chúng ta làm điều này. Phao-lô nói: “Hãy bước đi theo Thánh-Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa-muốn của xác-thịt” (Ga-la-ti 5:16). Phao-lô tiếp tục chỉ cho thấy thánh linh có thể giúp chúng ta phát triển những đức tính tốt nhất. Ông viết: “Trái của Thánh-Linh, ấy là lòng yêu-thương, sự vui-mừng, bình-an, nhịn-nhục, nhơn-từ, hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ” (Ga-la-ti 5:22, 23).
10. Bông trái thánh linh phát triển như thế nào nơi một tín đồ đấng Christ?
10 Làm thế nào thánh linh có thể giúp một tín đồ đấng Christ sanh ra bông trái thế ấy? Điều này không tự động xảy ra chỉ vì chúng ta là tín đồ đã dâng mình và làm báp têm. Chúng ta phải ra công trau giồi. Nhưng bông trái thánh linh sẽ từ từ nẩy nở trong nhân cách chúng ta, nếu chúng ta kết hợp với những tín đồ đấng Christ khác có bày tỏ các đức tính này, nếu chúng ta cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho thánh linh để giúp chúng ta phát triển các đức tính đặc biệt nào đó, nếu chúng ta tránh bạn bè xấu và ráng học hỏi Kinh-thánh để tìm tòi lời khuyên bảo và gương mẫu tốt (Châm-ngôn 13:20; I Cô-rinh-tô 15:33; Ga-la-ti 5:24-26; Hê-bơ-rơ 10:24, 25).
Được thánh linh bổ nhiệm
11. Các trưởng lão được thánh linh bổ nhiệm bằng cách nào?
11 Khi Phao-lô nói chuyện với các trưởng lão thành Ê-phê-sô, ông nêu ra một hoạt động khác của thánh linh qua các lời này: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà thánh linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn hội-thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng huyết chính Con mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28, NW). Đúng vậy, thánh linh bổ nhiệm các giám thị hay trưởng lão của hội-thánh. Bằng cách nào? Bằng cách là các trưởng lão được bổ nhiệm phải hội đủ các điều kiện nêu ra trong Kinh-thánh được soi dẫn (I Ti-mô-thê 3:1-13; Tít 1:5-9). Họ có thể phát triển những đức tính cần thiết này chỉ vì được thánh linh giúp đỡ. Ngoài ra, khi hội đồng trưởng lão đề nghị một trưởng lão mới, họ cầu nguyện xin thánh linh hướng dẫn để nhận định xem anh đó có đủ các điều kiện cần thiết hay không. Và sự bổ nhiệm được thực hiện dưới sự giám sát của lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được xức dầu bằng thánh linh.
Được thánh linh hướng dẫn
12. Thánh linh có thể ảnh hưởng chúng ta qua Kinh-thánh như thế nào?
12 Tín đồ đấng Christ nhìn nhận rằng Kinh-thánh được viết ra dưới ảnh hưởng của thánh linh. Vì thế họ tra cứu Kinh-thánh để tìm sự khôn ngoan được thánh linh soi dẫn, giống như các nhân chứng của Đức Giê-hô-va trước thời đấng Christ (Châm-ngôn 2:1-9). Họ đọc Kinh-thánh, suy gẫm và để Kinh-thánh hướng dẫn đời sống họ (Thi-thiên 1:1-3; II Ti-mô-thê 3:16). Như thế họ để thánh linh giúp họ “dò-xét... sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:10, 13; 3:19). Bằng cách đó, thánh linh Đức Chúa Trời có một hoạt động quan trọng vào thời chúng ta ngày nay là hướng dẫn các tôi tớ Ngài.
13, 14. Chúa Giê-su đã dùng cái gì để giải quyết các vấn đề trong hội-thánh, và ngày nay ngài cũng làm giống vậy như thế nào?
13 Ngoài ra, trong sách Khải-huyền Chúa Giê-su được sống lại gửi thông điệp cho bảy hội-thánh ở Tiểu Á (Khải-huyền đoạn 2 và 3). Qua các thông điệp này ngài tiết lộ là ngài đã thanh tra các hội-thánh và biết rõ tình trạng thiêng liêng ở đó. Ngài nhận thấy rằng vài hội-thánh cho gương mẫu tốt về đức tin. Trong các hội-thánh khác thì các trưởng lão đã dung thứ sự chia rẽ bè phái, sự vô luân và thái độ hâm hẩm làm hư hỏng bầy chiên. Hội thánh tại Sạt-đe ở trong tình trạng chết về thiêng liêng, chỉ có vài người trung thành (Khải-huyền 3:1, 4). Chúa Giê-su giải quyết các vấn đề này như thế nào? Ngài dùng thánh linh khi cho lời khuyên bảo bảy hội-thánh, thông điệp của Chúa Giê-su kết thúc mỗi lần với thành ngữ: “Ai có tai, hãy nghe lời thánh linh phán cùng các hội-thánh” (Khải-huyền 2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22, NW).
14 Ngày nay cũng vậy, Chúa Giê-su thanh tra các hội-thánh. Và khi ngài nhận thấy có vấn đề, ngài vẫn dùng thánh linh để điều chỉnh. Thánh linh có thể giúp chúng ta nhận biết và vượt qua các vấn đề cách trực tiếp khi chúng ta đọc Kinh-thánh. Chúng ta cũng có thể được giúp nhờ các sách báo về Kinh-thánh xuất bản do lớp người đầy tớ trung tín và không ngoan được xức dầu bằng thánh linh. Hoặc là sự giúp đỡ có thể đến từ các trưởng lão trong hội-thánh được thánh linh bổ nhiệm. Dù bằng cách nào đi nữa, khi cá nhân hay cả hội-thánh được lời khuyên bảo, chúng ta có làm theo lời của Chúa Giê-su không? Ngài nói: “Ai có tai, hãy nghe lời thánh linh phán”.
Thánh linh và công việc rao giảng
15. Thánh linh đã hoạt động như thế nào đối với Chúa Giê-su liên quan đến công việc rao giảng?
15 Vào một dịp nọ, khi Chúa Giê-su giảng đạo tại một nhà hội ở Na-xa-rét, ngài cho thấy một hoạt động khác nữa của thánh linh. Kinh-thánh ghi lại: “Ngài dở ra, gặp chỗ có chép rằng: Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do. Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh-thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó” (Lu-ca 4:17, 18, 21; Ê-sai 61:1, 2). Đúng vậy, Chúa Giê-su đã được xức dầu bằng thánh linh để rao giảng tin mừng.
16. Trong thế kỷ thứ nhất, thánh linh đóng vai trò nào trong việc rao giảng tin mừng?
16 Ít lâu trước khi ngài chết, Chúa Giê-su có báo trước về một chiến dịch rao giảng rộng lớn mà các môn đồ ngài sẽ thực hiện. Ngài nói: “Trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân đã” (Mác 13:10). Các lời này được ứng nghiệm lần đầu vào thế kỷ thứ nhất và thánh linh đã đóng một vai trò đáng kể trong việc này. Chính thánh linh đã hướng dẫn Phi-líp rao giảng cho hoạn quan người Ê-thi-ô-bi. Thánh linh hướng dẫn Phi-e-rơ đến Cọt-nây, và thánh linh phán bảo để Phao-lô và Ba-na-ba rời An-ti-ốt ra đi để làm công việc sứ đồ. Sau đó, khi Phao-lô muốn rao giảng ở A-si và Bi-thi-ni, thánh linh bằng cách nào đó đã ngăn cản ông. Đức Chúa Trời muốn công việc làm chứng chuyển sang Âu Châu (Công-vụ các Sứ-đồ 8:29; 10:19; 13:2; 16:6, 7).
17. Ngày nay thánh linh đóng vai trò nào trong công việc rao giảng?
17 Ngày nay thánh linh lại một lần nữa có một vai trò rất quan trọng trong công việc rao giảng. Lời ghi trong Ê-sai 61:1, 2 được ứng nghiệm một lần nữa, thánh linh Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho các anh em của Chúa Giê-su để họ rao giảng. Để ứng nghiệm Mác 13:10 lần cuối cùng, những người được xức dầu này với sự yểm trợ của “đám đông vô số người” đã thật sự rao giảng tin mừng cho “khắp muôn dân” (Khải-huyền 7:9). Và thánh linh đã trợ giúp tất cả các người đó trong công việc này. Giống như trong thế kỷ thứ nhất, thánh linh mở rộng các khu vực và hướng dẫn sự tiến triển chung của công việc rao giảng. Thánh linh ban sức mạnh cho mỗi người, giúp họ vượt qua tính nhút nhát và phát triển tài năng dạy dỗ. Ngoài ra, Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ ngài: “Vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng-đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì... Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh-Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra” (Ma-thi-ơ 10:18-20).
18, 19. Thánh linh hợp tác với lớp người vợ mới để mời những người có lòng nhu mì đến “lấy nước sự sống cách nhưng-không” bằng cách nào?
18 Trong sách Khải-huyền, Kinh-thánh lại một lần nữa nhấn mạnh vai trò của thánh linh trong công việc rao giảng. Sứ đồ Giăng ghi lại: “Thánh-Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng-không” (Khải-huyền 22:17). “Vợ mới”, đại diện bởi số còn sót lại trong số 144.000 người còn sống trên đất, mời mọi người đến lãnh nước sự sống cách miễn phí. Nhưng chúng ta hãy lưu ý: thánh linh cũng nói “Hãy đến!” Thánh linh nói cách nào?
19 Đó là vì lớp người “vợ mới”, với sự yểm trợ của đám đông các chiên khác, rao giảng thông điệp lấy từ Kinh-thánh được viết ra dưới ảnh hưởng của thánh linh. Và cũng thánh linh đó đã mở lòng và trí của lớp người “vợ mới” để họ hiểu Lời được soi dẫn và giải nghĩa cho người khác. Những người làm báp têm để trở thành môn đồ mới của Chúa Giê-su rất sung sướng nhận nước sự sống cách miễn phí. Và họ vui mừng cộng tác với thánh linh và “vợ mới” để nói “Hãy đến!” cho những người khác nữa. Ngày nay có hơn bốn triệu người tham gia công việc rao giảng cùng với thánh linh.
Sống xứng đáng với phép báp têm của chúng ta
20, 21. Chúng ta có thể sống xứng đáng với phép báp têm nhân danh thánh linh như thế nào, và chúng ta nên xem phép báp têm ấy như thế nào?
20 Khi làm báp têm nhân danh thánh linh, chúng ta tuyên bố trước mặt mọi người rằng chúng ta nhìn nhận thánh linh và nhận biết vai trò của thánh linh trong việc thực thi ý định của Đức Giê-hô-va. Điều đó cũng ám chỉ rằng chúng ta sẽ hợp tác với thánh linh, không làm gì để ngăn cản thánh linh hoạt động giữa dân tộc của Đức Giê-hô-va. Do đó chúng ta nhìn nhận và hợp tác với lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Chúng ta hợp tác với sự sắp đặt về trưởng lão trong hội-thánh (Hê-bơ-rơ 13:7, 17; I Phi-e-rơ 5:1-4). Chúng ta sống theo sự khôn ngoan thiêng liêng, chứ không phải theo xác thịt, và chúng ta để cho thánh linh uốn nắn nhân cách khiến giống đấng Christ nhiều hơn (Rô-ma 13:14). Và chúng ta hết lòng cộng tác với thánh linh và vợ mới để nói “Hãy đến!” cho hàng triệu người có lẽ sẽ hưởng ứng.
21 Làm báp têm nhân danh thánh linh là một việc nghiêm trọng làm sao! Nhưng kết quả có thể là nhiều ân phước thay! Mong sao số người làm báp têm sẽ tiếp tục gia tăng. Và mong sao tất cả chúng ta tiếp tục sống xứng đáng với ý nghĩa của phép báp têm đó, trong khi chúng ta hầu việc Đức Giê-hô-va và tiếp tục “được thánh linh làm cho hớn hở” (Rô-ma 12:11, NW).
Bạn nhớ gì về thánh linh?
◻ Thánh linh hoạt động bằng những cách nào vào Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên?
◻ Làm sao chúng ta có thể sanh ra bông trái thánh linh?
◻ Các trưởng lão được thánh linh bổ nhiệm bằng cách nào?
◻ Chúa Giê-su dùng thánh linh như thế nào để giải quyết các vấn đề trong hội-thánh?
◻ Thánh linh đóng vai trò quan trọng nào trong công việc rao giảng?
[Hình nơi trang 15]
Phép báp têm mà Phi-e-rơ rao giảng cũng được làm nhân danh Đức Chúa Cha và thánh linh nữa
[Hình nơi trang 17]
Thánh linh đóng một vai trò quan trọng trong công việc rao giảng tin mừng