Câu hỏi của độc giả
“Tháp Canh” ngày 1-11-1995 chú trọng đến những gì Chúa Giê-su nói nơi Ma-thi-ơ 24:34 (NW) về “thế hệ này”. Phải chăng điều này cho thấy có nghi vấn về việc Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập trên trời vào năm 1914?
Bài thảo luận ấy trong tạp chí Tháp Canh không đưa ra sự thay đổi về sự dạy dỗ căn bản của chúng ta về năm 1914. Chúa Giê-su trình bày điềm đánh dấu sự hiện diện của ngài trong quyền hành Nước Trời. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng là điềm này đang được ứng nghiệm kể từ năm 1914. Những sự kiện về chiến tranh, nạn đói kém, dịch lệ, động đất và các bằng chứng khác khẳng định rằng Chúa Giê-su tích cực làm Vua Nước Đức Chúa Trời kể từ năm 1914. Điều này cho thấy là từ đó trở đi chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng của hệ thống mọi sự này.
Vậy tạp chí Tháp Canh làm sáng tỏ điều gì? Điểm then chốt ở đây là ý nghĩa của chữ “thế hệ” mà Chúa Giê-su dùng nơi Ma-thi-ơ 24:34 (NW). Câu đó đọc: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi điều kia xảy ra”. Chúa Giê-su muốn nói gì qua chữ “thế hệ”, trong thời ngài và luôn cả thời nay?
Nhiều câu Kinh-thánh xác nhận rằng Chúa Giê-su không dùng chữ “thế hệ” để ám chỉ một nhóm nhỏ hoặc một nhóm rõ rệt nào đó, để nói đến các lãnh tụ Do Thái hoặc các môn đồ trung thành của ngài mà thôi. Đúng hơn, ngài dùng chữ “thế hệ” để lên án quần chúng Do Thái đã từ bỏ ngài. Nhưng mừng thay, từng cá nhân đã có thể làm điều mà sứ đồ Phi-e-rơ khuyên họ làm vào ngày Lễ Ngũ Tuần, đó là ăn năn và “cứu mình thoát khỏi thế hệ gian tà này” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:40, NW).
Rõ ràng là trong câu đó, Phi-e-rơ không nêu rõ nhóm tuổi nhất định hoặc giai đoạn thời gian nào đó và ông cũng không liên kết “thế hệ” đó với một thời điểm nào. Ông không nói rằng người ta nên cứu mình khỏi thế hệ sanh ra cùng năm với Chúa Giê-su hoặc vào năm 29 CN. Phi-e-rơ đang nói đến những người Do Thái không tin Chúa Giê-su thời bấy giờ—một số người có lẽ còn trẻ, những người khác thì già—nhưng đã được nghe sự dạy dỗ của ngài, đã thấy hoặc nghe nói về các phép lạ của ngài, và không chấp nhận ngài là đấng Mê-si.
Rõ ràng đó là cách Phi-e-rơ hiểu chữ “thế hệ” mà Chúa Giê-su dùng khi ông và ba sứ đồ khác ở với Chúa Giê-su trên Núi Ô-li-ve. Theo như lời tiên tri của Chúa Giê-su, những người Do Thái thời ấy—căn bản là những người đương thời với Chúa Giê-su—sắp gặp phải hoặc nghe nói về chiến tranh, động đất, đói kém và những bằng chứng hiển nhiên khác cho biết rằng hệ thống Do Thái đã gần đến lúc kết liễu. Thật thế, thế hệ ấy sẽ không qua đi trước khi sự cuối cùng đến vào năm 70 CN (Ma-thi-ơ 24:3-14, 34).
Phải nhìn nhận rằng chúng ta đã không luôn luôn hiểu những lời Chúa Giê-su nói theo nghĩa như vậy. Loài người bất toàn có khuynh hướng muốn biết chính xác khi nào sự cuối cùng sẽ đến. Hãy nhớ lại rằng ngay cả các sứ đồ cũng muốn biết nhiều chi tiết hơn nên đã hỏi: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:6).
Với ý định chân thành tương tự như thế, các tôi tớ của Đức Chúa Trời thời nay đã tìm cách dựa vào những gì Chúa Giê-su nói về “thế hệ” để tính ra một khoảng thời gian rõ rệt từ năm 1914. Chẳng hạn, có lý lẽ cho rằng một thế hệ có thể là 70 hoặc 80 năm, gồm những người phải đủ lớn để hiểu được ý nghĩa của thế chiến thứ nhất và các diễn biến khác; nhờ vậy chúng ta có thể tính toán đại khái để biết sự cuối cùng gần kề đến độ nào.
Dù lối suy nghĩ như thế có ý tốt đến đâu đi nữa, nó có phù hợp với lời mà Chúa Giê-su khuyên tiếp theo sau không? Chúa Giê-su nói: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên-sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi... Vậy hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:36-42).
Vậy những tài liệu gần đây trong Tháp Canh về “thế hệ này” không thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về những gì xảy ra vào năm 1914. Nhưng nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách Chúa Giê-su dùng chữ “thế hệ”, giúp chúng ta thấy đó không phải là cơ sở để tính toán—tính từ năm 1914—để biết chúng ta đã gần sự cuối cùng đến mức độ nào.