Bạn có biết?
Chúa Giê-su có ý gì khi ngài nói hãy đi thêm dặm thứ hai?
▪ Trong Bài giảng trên núi nổi tiếng, Chúa Giê-su khuyên: “Nếu người có quyền hành bắt anh em đi phục vụ họ một dặm, hãy đi với họ hai dặm” (Ma-thi-ơ 5:41). Thính giả của Chúa Giê-su hẳn hiểu rằng ngài đang nói về việc một người dân phải thi hành những nghĩa vụ bắt buộc mà người có thẩm quyền quy định.
Vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, nước Y-sơ-ra-ên bị người La Mã đô hộ. Chính quyền không ngần ngại cưỡng bách người dân hay thú vật phục dịch cho họ. Họ cũng trưng dụng bất cứ thứ gì mà họ thấy cần thiết cho việc công. Chẳng hạn, lính La Mã bắt một người Sy-ren tên là Si-môn vác cây khổ hình của Chúa Giê-su đến nơi ngài bị xử tử (Ma-thi-ơ 27:32). Những sự áp đặt như thế đè nặng trên vai dân Do Thái, khiến họ vô cùng căm ghét và cay đắng.
Chúng ta không biết người dân thời đó phải gánh ách nặng nề đến mức nào. Dù vậy, thật khó tưởng tượng là họ sẵn lòng làm nhiều hơn những gì chính quyền đòi hỏi. Vì thế, khi Chúa Giê-su khuyến khích thính giả của ngài làm nhiều hơn, giống như đi thêm dặm thứ hai, ngài có ý nói rằng nếu người có thẩm quyền bắt họ làm một việc không trái với luật pháp của Đức Chúa Trời thì họ nên sẵn lòng thi hành chứ đừng oán giận.—Mác 12:17.
Ông An-ne được nhắc đến trong sách Phúc âm là ai?
▪ Thời điểm vụ xét xử Chúa Giê-su diễn ra, ông An-ne được gọi là “thầy trưởng tế” (Lu-ca 3:2; Giăng 18:13; Công vụ 4:6). Trên thực tế, ông là cha vợ của Cai-pha, thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên. Ông An-ne giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm từ khoảng năm 6 hoặc 7 công nguyên (CN), đến năm 15 CN thì bị quan tổng đốc La Mã là Valerius Gratus cách chức. Dù vậy, với tư cách là cựu thầy tế lễ thượng phẩm, ông An-ne vẫn có thế lực trên dân Y-sơ-ra-ên. Con rể và năm con trai của ông vẫn giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm.
Chừng nào Y-sơ-ra-ên còn là một nước độc lập thì thầy tế lễ thượng phẩm còn giữ được chức vụ của mình (Dân-số Ký 35:25). Tuy nhiên, dưới ách đô hộ của La Mã, thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên phải phục vụ và làm hài lòng chính quyền La Mã cũng như những vua được Rô-ma chỉ định, họ có thể bị cách chức bất cứ lúc nào. Sử gia Flavius Josephus ghi lại rằng vào khoảng thế kỷ 6 hoặc 7 CN, quan tổng đốc La Mã Quirinius đã tước bỏ chức vị thầy tế lễ thượng phẩm của ông Joazar và chỉ định ông An-ne thay thế. Dù vậy, dường như những nhà cầm quyền ngoại giáo này chỉ chọn người đang làm thầy tế lễ để bổ nhiệm làm người thay thế.
Gia đình ông An-ne giàu nứt vách và tham lam khét tiếng. Hình như tiền của họ kiếm được là nhờ kiểm soát việc buôn bán trong khuôn viên đền thờ những mặt hàng cần thiết để làm lễ vật, chẳng hạn như bồ câu, cừu, dầu và rượu. Josephus nói rằng ông Ananus, con ông An-ne, có “những tay sai là bọn vô lại, dùng vũ lực để ép người ta nộp thuế thập phân cho thầy tế lễ; nếu ai không chịu đưa, chúng liền ra tay đánh người đó”.