Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 5-11 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | GIĂNG 20, 21
“Anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”
nwtsty thông tin học hỏi nơi Gi 21:15, 17
Chúa Giê-su hỏi Si-môn Phi-e-rơ: Cuộc nói chuyện này giữa Chúa Giê-su và Phi-e-rơ diễn ra không lâu sau khi Phi-e-rơ chối Chúa Giê-su ba lần. Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ ba câu hỏi để biết cảm xúc của ông dành cho ngài, đến mức “Phi-e-rơ buồn rầu” (Gi 21:17). Lời tường thuật của Giăng được ghi nơi Gi 21:15-17 dùng hai động từ Hy Lạp khác nhau: a·ga·paʹo, được dịch là yêu thương, và phi·leʹo, được dịch là yêu mến. Hai lần Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ: “Anh có yêu thương tôi không?”. Trong cả hai lần, Phi-e-rơ đều trả lời dứt khoát rằng ông “yêu mến” Chúa Giê-su. Cuối cùng, Chúa Giê-su hỏi: “Anh có yêu mến tôi không?”. Một lần nữa, Phi-e-rơ khẳng định với ngài là có. Mỗi lần Phi-e-rơ khẳng định tình yêu thương của mình, Chúa Giê-su đều nhấn mạnh rằng tình yêu thương và lòng yêu mến đó nên thôi thúc Phi-e-rơ nuôi dưỡng và “chăn” các môn đồ của Chúa Giê-su về thiêng liêng, ở đây được nói đến là những chiên con, hay “những con chiên bé bỏng” của ngài (Gi 21:16, 17; 1Ph 5:1-3). Chúa Giê-su cho Phi-e-rơ cơ hội xác nhận tình yêu thương của ông dành cho ngài ba lần. Rồi ngài giao trách nhiệm chăn chiên cho ông. Qua cách này, Chúa Giê-su cho thấy rõ ngài đã tha thứ cho Phi-e-rơ dù ông đã chối ngài ba lần.
anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?: Về mặt ngữ pháp, cụm từ “những thứ này” có thể được hiểu theo vài cách. Một số học giả cho rằng cụm từ này nghiêng về nghĩa “anh có yêu thương tôi hơn yêu thương những môn đồ khác không?” hay “anh có yêu thương tôi hơn các môn đồ khác yêu thương tôi không?”. Tuy nhiên, rất có thể nghĩa của cụm từ này là “anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”, tức cá mà họ bắt được hoặc những thứ liên quan đến nghề đánh cá. Vì thế, ý của Chúa Giê-su rất có thể là: “Anh có yêu thương tôi hơn của cải vật chất hoặc việc theo đuổi vật chất không? Nếu vậy, hãy nuôi dưỡng chiên của tôi”. Chúng ta sẽ thấy câu hỏi này rất phù hợp nếu xem xét những điều mà Phi-e-rơ đã làm trước đó. Dù là một trong những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su (Gi 1:35-42), nhưng Phi-e-rơ không đi theo Chúa Giê-su trọn thời gian ngay lập tức. Thay vì thế, ông trở lại nghề đánh cá. Vài tháng sau, Chúa Giê-su mời Phi-e-rơ theo ngài để trở thành “tay đánh lưới người”, điều này có nghĩa là ông sẽ phải bỏ một việc kinh doanh lớn là nghề đánh cá (Mat 4:18-20; Lu 5:1-11). Không lâu sau khi Chúa Giê-su chết, một lần nữa Phi-e-rơ lại nói: “Tôi đi đánh cá đây”, và những sứ đồ khác cũng đi theo ông (Gi 21:2, 3). Vì thế, rất có thể Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng Phi-e-rơ cần đưa ra lựa chọn dứt khoát: Ông sẽ đặt sự nghiệp đánh cá lên hàng đầu trong đời sống, được tượng trưng bởi đống cá ở trước mặt họ, hay ông sẽ ưu tiên cho công việc nuôi dưỡng về thiêng liêng cho chiên của Chúa Giê-su, tức các môn đồ của ngài?—Gi 21:4-8.
lần thứ ba: Phi-e-rơ đã chối Chúa của mình ba lần. Giờ đây, Chúa Giê-su cho ông cơ hội khẳng định tình yêu thương của ông ba lần. Khi Phi-e-rơ làm thế, Chúa Giê-su đã bảo ông thể hiện tình yêu thương và lòng yêu mến bằng cách đặt công việc thánh lên trên mọi thứ khác. Cùng với những môn đồ khác có trách nhiệm, Phi-e-rơ sẽ nuôi dưỡng, làm vững mạnh và chăn bầy của Đấng Ki-tô, tức những môn đồ trung thành. Dù những môn đồ này được xức dầu nhưng vẫn cần được nuôi dưỡng về thiêng liêng.—Lu 22:32.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
nwtsty thông tin học hỏi nơi Gi 20:17
Đừng níu tôi nữa: Động từ Hy Lạp haʹpto·mai cũng có thể mang nghĩa là “chạm” hoặc “bám chặt; vịn chặt”. Một số bản Kinh Thánh dịch câu này là: “Đừng chạm đến ta”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không phản đối việc Ma-ri Ma-đơ-len chạm đến ngài, vì ngài không phản đối khi những phụ nữ khác “ôm chân ngài” sau khi ngài được sống lại (Mat 28:9). Dường như Ma-ri Ma-đơ-len sợ rằng Chúa Giê-su sắp trở về trời. Vì rất muốn được ở với Chúa mình, bà đã bám chặt lấy Chúa Giê-su, không để ngài đi. Để trấn an bà rằng ngài chưa lìa họ, Chúa Giê-su bảo Ma-ri đừng níu lấy ngài, thay vì thế, hãy đi báo cho các môn đồ biết ngài đã sống lại.
nwtsty thông tin học hỏi nơi Gi 20:28
Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!: Hay “Lạy Chúa của tôi và Đức Chúa Trời [ho the·osʹ] của tôi!”. Một số học giả cho rằng câu cảm thán này tuy đang được nói với Chúa Giê-su nhưng thật ra là hướng đến Đức Chúa Trời, Cha ngài. Số khác cho rằng trong nguyên ngữ Hy Lạp, những lời này được xem là đang hướng đến Chúa Giê-su. Nhưng dù trường hợp nào đi nữa, nghĩa của câu “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” sẽ được hiểu rõ nhất khi xem xét văn cảnh các phần khác của Kinh Thánh. Lời tường thuật cho thấy trước đó Chúa Giê-su đã gửi cho các môn đồ thông điệp: “Tôi sắp lên với Cha tôi và Cha anh em, với Đức Chúa Trời tôi và Đức Chúa Trời anh em”, thế nên không có lý do để tin rằng Thô-ma nghĩ Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời Toàn Năng. (Xem thông tin học hỏi nơi Gi 20:17). Thô-ma đã nghe Chúa Giê-su cầu nguyện với “Cha”, gọi ngài là “Đức Chúa Trời thật và duy nhất” (Gi 17:1-3). Vì thế, có thể Thô-ma đã gọi Chúa Giê-su là “Đức Chúa Trời tôi” vì những lý do sau: Ông xem Chúa Giê-su là “một vị thần” nhưng không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng (Gi 1:1). Hoặc có lẽ ông gọi Chúa Giê-su theo cách mà những tôi tớ của Đức Chúa Trời gọi các thiên sứ của Đức Giê-hô-va, như được ghi lại trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Thô-ma hẳn quen thuộc với các lời tường thuật mà những người trong lời tường thuật đó, hay đôi khi là người viết lại lời tường thuật đó, đáp lại hoặc nói về thiên sứ rao truyền thông điệp như thể thiên sứ ấy là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (So sánh Sa 16:7-11, 13; 18:1-5, 22-33; 32:24-30; Qu 6:11-15; 13:20-22). Thế nên, hẳn Thô-ma đã gọi Chúa Giê-su là “Đức Chúa Trời tôi” theo nghĩa này. Ông nhận biết rằng Chúa Giê-su là đấng đại điện và phát ngôn viên của Đức Chúa Trời thật.
NGÀY 12-18 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | CÔNG VỤ 1-3
“Thần khí thánh đổ trên hội thánh đạo Đấng Ki-tô”
w86-E 1/12 trg 29 đ. 4, 5, 7
Sự đóng góp mang lại niềm vui mừng
Vào ngày đầu tiên hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập vào năm 33 CN, có 3.000 người mới tin đạo đã “chia sẻ với nhau, dùng bữa cùng nhau và cầu nguyện”. Nhờ thế, họ có thể “tiếp tục chuyên tâm vào việc học hỏi nơi các sứ đồ” để củng cố đức tin.—Cv 2:41, 42.
Lúc đầu, người Do Thái và người cải đạo Do Thái đến Giê-ru-sa-lem dự định chỉ ở lại đó vào thời điểm diễn ra Lễ Ngũ Tuần. Nhưng sau đó những người trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô muốn ở lại lâu hơn để học hỏi thêm hầu củng cố đức tin, nên nhu cầu về thực phẩm và chỗ ở rất cấp bách. Một số người không có đủ tiền để ở lại, số khác thì có dư. Vì thế, có sắp đặt tạm thời là gộp chung các khoản đóng góp lại để phân phát cho những người có nhu cầu.—Cv 2:43-47.
Việc bán đất đai và đóng góp hoàn toàn dựa trên tinh thần tình nguyện. Không ai bị buộc phải bán đất hoặc đóng góp; và sắp đặt này cũng không cổ vũ lối sống khổ hạnh. Những tín đồ giàu hơn không buộc phải bán hết tài sản, trở nên nghèo khổ. Tuy nhiên, lòng trắc ẩn dành cho anh em đồng đạo ở trong hoàn cảnh đó đã thôi thúc họ bán đất đai và đóng góp hết số tiền bán được để cung cấp những điều cần thiết hầu đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời.—So sánh 2 Cô-rinh-tô 8:12-15.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 61 đ. 1
Chúa Giê-su Ki-tô
“Đấng Lãnh Đạo Chính của sự sống”. Qua việc hy sinh sự sống hoàn hảo để làm giá chuộc, Chúa Giê-su Ki-tô phản ánh lòng nhân từ bao la của Cha ngài. Nhờ sự hy sinh đó, những môn đồ được chọn của Đấng Ki-tô có triển vọng cùng cai trị với ngài ở trên trời, và cũng mở ra cơ hội cho nhiều người được sống trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời (Mat 6:10; Gi 3:16; Êph 1:7; Hê 2:5). Vì thế, ngài trở thành “Đấng Lãnh Đạo Chính của sự sống” cho toàn thể nhân loại (Cv 3:15). Từ Hy Lạp được dùng ở đây có nghĩa cơ bản là “thủ lĩnh”, là từ liên hệ với từ được dùng cho Môi-se (Cv 7:27, 35), “người cai trị” trong dân Y-sơ-ra-ên.
NGÀY 19-25 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | CÔNG VỤ 4, 5
it-1-E trg 128 đ. 3
Sứ đồ
Hoạt động của hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Sau khi nhận thần khí vào Lễ Ngũ Tuần, các sứ đồ được vững mạnh rất nhiều. Năm chương đầu của sách Công vụ cho thấy các sứ đồ đã can đảm và dạn dĩ rao truyền về tin mừng và sự sống lại của Chúa Giê-su, dù bị chính quyền bỏ tù, đánh đập và dọa giết. Vào những ngày đầu sau Lễ Ngũ Tuần, dưới sự hướng dẫn tài tình của các sứ đồ và quyền năng của thần khí thánh, hội thánh đạo Đấng Ki-tô phát triển đáng kinh ngạc (Cv 2:41; 4:4). Lúc đầu, họ chủ yếu chỉ rao giảng ở Giê-ru-sa-lem, sau đó mở rộng đến Sa-ma-ri, và với thời gian là ra khắp thế giới mà người ta biết đến thời bấy giờ.—Cv 5:42; 6:7; 8:5-17, 25; 1:8.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 514 đ. 4
Đá chốt nơi góc nhà
Thi thiên 118:22 cho biết hòn đá mà thợ xây loại bỏ đã thành “đầu góc” (từ Hê-bơ-rơ là roʼsh pin·nahʹ). Chúa Giê-su trích dẫn và áp dụng lời tiên tri này cho chính ngài là “đá chốt nơi góc nhà” (từ Hy Lạp là ke·pha·leʹ go·niʹas, đầu góc) (Mat 21:42; Mác 12:10, 11; Lu 20:17). Một số tòa nhà có hòn đá rất quan trọng được đặt ở góc trên cùng của tòa nhà. Hội thánh đạo Đấng Ki-tô gồm những tín đồ được xức dầu được ví với một tòa nhà được dựng nên bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su Ki-tô là đầu của hội thánh ấy. Phi-e-rơ cũng áp dụng Thi thiên 118:22 cho Đấng Ki-tô, cho thấy ngài là “hòn đá” bị loài người chối bỏ nhưng được Đức Chúa Trời chọn để thành “đầu góc”.—Th 118:22; Cv 4:8-12; cũng xem 1Ph 2:4-7.
it-1-E trg 129 đ. 2, 3
Sứ đồ
Ai đã thay thế Giu-đa Ích-ca-ri-ốt làm sứ đồ thứ mười hai?
Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã phản bội và chết trong sự bất trung nên chỉ còn lại 11 sứ đồ. Trong vòng 40 ngày kể từ khi Chúa Giê-su được sống lại đến khi trở về trời, ngài chưa chọn ai để thay thế. Một thời điểm nào đó trong vòng mười ngày kể từ lúc Chúa Giê-su về trời cho đến Lễ Ngũ Tuần, cần phải chọn một người thay cho Giu-đa, không phải vì cái chết của hắn mà là vì sự phản bội của hắn, như những lời trích của Phi-e-rơ cho biết (Cv 1:15-22; Th 69:25; 109:8; so sánh Kh 3:11). Tuy nhiên, khi sứ đồ trung thành Gia-cơ bị giết, không nơi nào trong Kinh Thánh nói về việc bổ nhiệm một người khác để thay thế ông.—Cv 12:2.
Những lời của Phi-e-rơ cho thấy rõ là người được chọn để thay thế Giu-đa làm sứ đồ của Chúa Giê-su phải hội đủ điều kiện: từng tiếp xúc và biết nhiều về ngài, chứng kiến công việc và phép lạ của ngài, đặc biệt là chứng kiến sự sống lại của ngài. Dựa trên những điều kiện này thì những người về sau, chẳng hạn như các giáo hoàng, không thể được chọn trở thành sứ đồ thay thế, trừ khi Đức Chúa Trời can thiệp và làm cho một người hội đủ các điều kiện đó. Tuy nhiên, vào thời điểm trước Lễ Ngũ Tuần, có những người hội đủ các điều kiện trên và có hai người được đề cử để thay thế cho Giu-đa bất trung. Hẳn các sứ đồ nhớ đến những lời nơi Châm ngôn 16:33 nên họ đã bắt thăm, và Ma-thia được chọn. Từ đó, ông “được kể vào hàng sứ đồ cùng với 11 người kia” (Cv 1:23-26). Do đó, ông nằm trong số 12 sứ đồ giải quyết vấn đề liên quan đến các môn đồ nói tiếng Hy Lạp (Cv 6:1, 2). Hẳn Phao-lô đề cập đến ông trong số “12 sứ đồ” nơi 1 Cô-rinh-tô 15:4-8 khi nói đến việc Chúa Giê-su hiện ra sau khi được sống lại. Vậy vào Lễ Ngũ Tuần, đã có 12 sứ đồ làm 12 đá nền của Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.