Hy vọng sống lại là chắc chắn!
“Tôi có sự trông-cậy [“hy vọng”, “NW”] nầy nơi Đức Chúa Trời... tức là sẽ có sự sống lại”.—CÔNG-VỤ 24:15.
1. Tại sao chúng ta có thể đặt hy vọng vào sự sống lại?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA cho chúng ta những lý do vững chắc để đặt hy vọng vào sự sống lại. Chúng ta có lời Ngài hứa là người chết sẽ được sống lại. Và ý định Ngài đối với những người ngủ trong sự chết chắc chắn được thực hiện. (Ê-sai 55:11; Lu-ca 18:27) Thật vậy, Đức Chúa Trời đã cho thấy quyền năng làm người chết sống lại rồi.
2. Niềm hy vọng về sự sống lại có thể có ích cho chúng ta như thế nào?
2 Đức tin nơi việc Đức Chúa Trời làm sống lại người chết qua Con Ngài, Chúa Giê-su Christ, có thể giữ vững tinh thần chúng ta trong lúc bị căng thẳng. Niềm hy vọng chắc chắn về sự sống lại có thể giúp chúng ta giữ lòng trung kiên với Cha trên trời thậm chí cho đến chết. Hẳn là niềm hy vọng của chúng ta về sự sống lại sẽ được củng cố khi xem xét những sự sống lại được ghi trong Kinh Thánh. Tất cả những phép lạ này được thực hiện qua quyền năng của Chúa Tối Thượng Giê-hô-va.
Họ được người nhà mình chết sống lại
3. Khi con trai của bà góa ở Sa-rép-ta chết, Ê-li nhận được quyền lực làm gì?
3 Trong phần ôn lại đầy phấn khởi về đức tin của những nhân chứng Đức Giê-hô-va trước thời Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô viết: “Có người đàn-bà đã được người nhà mình chết sống lại”. (Hê-bơ-rơ 11:35; 12:1) Một trong những người đàn bà ấy là một bà góa nghèo ở Sa-rép-ta, một thành Phê-ni-xi. Vì bà tỏ lòng hiếu khách với tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-li, bột và dầu của bà cứ được đầy một cách kỳ diệu trong thời gian nạn đói đe dọa tính mạng của bà và con trai bà. Sau đó, khi con bà mắc bệnh phải chết, Ê-li đặt nó trên giường, cầu nguyện, nằm ấp trên mình đứa trẻ ba lần và nài xin: “Ôi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi! Xin Chúa khiến linh-hồn của đứa trẻ nầy trở lại trong mình nó”. Đức Chúa Trời khiến linh hồn, hay là sự sống, trở lại trong mình đứa trẻ. (1 Các Vua 17:8-24) Hãy tưởng tượng niềm vui của bà góa khi đức tin bà được tưởng thưởng qua sự kiện chính đứa con yêu dấu của bà được sống lại! Đây là sự sống lại được Kinh Thánh ghi lại đầu tiên.
4. Ê-li-sê làm phép lạ nào ở Su-nem?
4 Một người đàn bà khác cũng được người thân mình chết sống lại ở thành Su-nem. Bà là vợ một người đàn ông đã già. Bà đối xử tử tế với nhà tiên tri Ê-li-sê và người hầu cận của ông, cho nên bà và chồng bà được thưởng một đứa con trai. Tuy nhiên, vài năm sau, bà mời nhà tiên tri đến, vì đứa trẻ chết. Sau khi Ê-li-sê cầu nguyện và làm những điều cần thiết khác, thì “xác đứa trẻ bèn ấm lại”. Rồi nó “nhảy mũi bảy lần, và mở mắt ra”. Sự sống lại này chắc chắn làm cả mẹ lẫn con rất mừng rỡ. (2 Các Vua 4:8-37; 8:1-6) Nhưng họ sẽ vui mừng hơn biết bao khi được sống trên đất trong “sự sống lại tốt hơn”—mở ra trước mắt họ triển vọng không bao giờ phải chết nữa! Quả là lý do để cảm tạ Đức Chúa Trời của sự sống lại, Đức Giê-hô-va đầy yêu thương!—Hê-bơ-rơ 11:35.
5. Ngay cả sau khi chết, Ê-li-sê liên quan đến một phép lạ như thế nào?
5 Ngay cả sau khi Ê-li-sê chết và chôn rồi, Đức Chúa Trời còn làm hài cốt người được quyền phép bởi thánh linh. Chúng ta đọc: “Có [vài người Y-sơ-ra-ên] chôn một người, thấy đoàn quân [Mô-áp] đến, liền liệng thây vào mồ Ê-li-sê. Kẻ chết vừa đụng hài-cốt Ê-li-sê, thì sống lại và đứng dậy”. (2 Các Vua 13:20, 21) Người đó hẳn ngạc nhiên và vui mừng biết mấy! Hãy tưởng tượng nỗi vui mừng khi những người thân chúng ta được sống lại theo như ý định không thể thất bại của Giê-hô-va Đức Chúa Trời!
Con Đức Chúa Trời làm người chết sống lại
6. Chúa Giê-su làm phép lạ nào gần thành Na-in, và chuyện này ảnh hưởng chúng ta thế nào?
6 Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ, cho chúng ta những lý do vững chắc để tin rằng người chết có thể được sống lại, với triển vọng sống mãi mãi. Một câu chuyện xảy ra gần thành Na-in có thể giúp chúng ta nhận biết một phép lạ như thế có thể có được nhờ quyền phép Đức Chúa Trời ban cho. Một lần nọ, Chúa Giê-su gặp những người than khóc đang khiêng xác một thanh niên ra khỏi thành để chôn. Cậu là con một của bà góa. Chúa Giê-su bảo bà: “Đừng khóc”. Rồi ngài sờ quan tài và phán: “Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy”. Tức thì cậu ngồi dậy và nói chuyện. (Lu-ca 7:11-15) Phép lạ này làm vững niềm tin của chúng ta về hy vọng sống lại.
7. Điều gì xảy ra liên quan đến con gái của Giai-ru?
7 Chúng ta cũng hãy xem một câu chuyện liên quan đến Giai-ru, người cai nhà hội ở Ca-bê-na-um. Ông xin Chúa Giê-su đến giúp đứa con gái yêu dấu 12 tuổi của ông vì nó gần chết. Sau đó ông được tin là con gái đã chết. Giai-ru rất đau buồn nhưng Chúa Giê-su khuyến khích ông thực hành đức tin và rồi cùng đi về nhà với ông, nơi đám đông đang khóc lóc. Họ cười nhạo khi Chúa Giê-su bảo họ: “Đứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ”. Quả thật nó đã chết, nhưng Chúa Giê-su sắp sửa cho thấy rằng người ta có thể được làm sống lại cũng như họ được đánh thức khỏi cơn ngủ mê. Nắm tay đứa con gái, ngài gọi: “Con ơi, hãy chờ dậy!” Tức thì nó liền ngồi dậy và “cha mẹ nó lấy làm lạ [“vui mừng khôn xiết”, NW]”. (Mác 5:35-43; Lu-ca 8:49-56, NW) Chắc chắn người ta sẽ “vui mừng khôn xiết” khi người thân đã chết được sống lại trong địa đàng trên đất.
8. Chúa Giê-su đã làm gì tại mộ của La-xa-rơ?
8 La-xa-rơ đã chết bốn ngày khi Chúa Giê-su đến gần mộ và bảo dời hòn đá chặn cửa mộ. Sau khi cầu nguyện trước mọi người để những người quan sát biết rằng ngài tùy thuộc nơi quyền lực Đức Chúa Trời ban cho, Chúa Giê-su cất tiếng gọi lớn: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” Và La-xa-rơ đi ra! Tay chân bị buộc bằng vải liệm, và mặt ông thì phủ khăn. Chúa Giê-su phán: “Hãy mở cho người, và để người đi”. Thấy được phép lạ này, nhiều người đến để an ủi em của La-xa-rơ là Ma-ri và Ma-thê, đã đặt đức tin nơi Chúa Giê-su. (Giăng 11:1-45) Chẳng phải lời tường thuật này làm bạn chan chứa hy vọng rằng những người thân đã chết của mình sẽ được sống lại trong thế giới mới của Đức Chúa Trời hay sao?
9. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Giê-su bây giờ có thể làm người chết sống lại?
9 Khi Giăng Báp-tít ở trong tù, Chúa Giê-su gửi ông một thông điệp khích lệ: “Kẻ mù được thấy,... kẻ chết được sống lại”. (Ma-thi-ơ 11:4-6) Vì khi còn ở trên đất Chúa Giê-su làm người chết sống lại thì chắc chắn với tư cách là một tạo vật thần linh mạnh mẽ được Đức Chúa Trời ban cho quyền lực, ngài cũng có thể làm người ta sống lại. Chúa Giê-su là “sự sống lại và sự sống”, và thật an ủi biết bao khi biết rằng trong tương lai gần đây “mọi người ở trong mồ-mả [sẽ] nghe tiếng Ngài và ra khỏi”!—Giăng 5:28, 29; 11:25.
Những sự sống lại khác củng cố hy vọng chúng ta
10. Bạn miêu tả thế nào về sự sống lại do một sứ đồ làm lần đầu tiên?
10 Khi Chúa Giê-su sai các môn đồ đi rao giảng về Nước Trời, ngài nói: “Hãy... khiến sống kẻ chết”. (Ma-thi-ơ 10:5-8) Dĩ nhiên để làm được điều này họ phải tin cậy nơi quyền năng của Đức Chúa Trời. Tại thành Giốp-bê vào năm 36 CN, người đàn bà tin kính là Đô-ca (Ta-bi-tha) bị chết. Điều thiện bà làm gồm có việc may quần áo cho những bà góa nghèo, và những người này đã khóc lóc rất nhiều khi bà chết. Các môn đồ chuẩn bị để chôn bà và sai mời sứ đồ Phi-e-rơ đến, có lẽ để an ủi họ. (Công-vụ 9:32-38) Rồi ông bảo mọi người ra khỏi phòng cao, cầu nguyện và nói: “Hỡi Ta-bi-tha, hãy chờ dậy!” Bà liền mở mắt, ngồi dậy, nắm tay Phi-e-rơ và ông đỡ bà dậy. Đây là lần đầu tiên Kinh Thánh nói về một sứ đồ làm người chết sống lại. Sự kiện này đã khiến cho nhiều người tin đạo. (Công-vụ 9:39-42) Nó cũng cho chúng ta thêm lý do để đặt hy vọng vào sự sống lại.
11. Sự sống lại cuối cùng nào được ghi lại trong Kinh Thánh?
11 Sự sống lại cuối cùng được ghi trong Kinh Thánh xảy ra tại thành Trô-ách. Khi Phao-lô dừng lại tại thành ấy trong chuyến hành trình giáo sĩ lần thứ ba, ông đã kéo dài buổi giảng luận cho đến nửa đêm. Vì quá mỏi mệt và có lẽ vì sức nóng của nhiều ngọn đèn cũng như chỗ họp quá đông người, một thanh niên tên Ơ-tích đã ngủ gục và từ cửa sổ lầu ba té xuống. “Lúc đỡ dậy đã thấy chết rồi”, chứ không phải chỉ bất tỉnh. Phao-lô nghiêng mình trên Ơ-tích, ôm lấy người và bảo những người đang đứng xem: “Chớ bối rối, linh-hồn còn ở trong người”. Phao-lô có ý nói rằng sự sống của người thanh niên này đã được phục hồi. Những người có mặt “đều được yên-ủi lắm”. (Công-vụ 20:7-12) Ngày nay, tôi tớ của Đức Chúa Trời được an ủi rất nhiều khi biết rằng những người bạn cũ cùng phụng sự Đức Chúa Trời với họ sẽ được sống lại.
Sự sống lại—Một hy vọng có từ lâu
12. Phao-lô nói lên niềm tin nào khi đứng trước Quan Tổng Đốc La Mã Phê-lít?
12 Khi được đem ra xử trước mặt Quan Tổng Đốc La Mã Phê-lít, Phao-lô làm chứng: “[Tôi] tin mọi điều chép trong sách luật và các sách tiên-tri; và tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. (Công-vụ 24:14, 15) Một phần Lời Đức Chúa Trời, chẳng hạn như “sách luật”, lưu ý chúng ta thế nào đến việc người chết sống lại?
13. Tại sao có thể nói rằng Đức Chúa Trời ám chỉ đến sự sống lại khi Ngài nói lời tiên tri đầu tiên?
13 Chính Đức Chúa Trời ám chỉ sự sống lại khi Ngài nói lời tiên tri đầu tiên tại Ê-đen. Khi tuyên án “con rắn xưa”, tức Sa-tan Ma-quỉ, Đức Chúa Trời nói: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. (Khải-huyền 12:9; Sáng-thế Ký 3:14, 15) Cắn gót chân của dòng dõi người nữ có nghĩa là giết Chúa Giê-su Christ. Nếu muốn Dòng Dõi ấy giày đạp đầu con rắn sau đó thì Đấng Christ phải được sống lại từ trong kẻ chết.
14. Tại sao có thể nói rằng Đức Giê-hô-va “không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”?
14 Chúa Giê-su tuyên bố: “Về sự kẻ chết sống lại, Môi-se đã cho biết trong câu chuyện về Bụi gai, khi người gọi Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Vậy, Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho [“đối với”, NW] Ngài”. (Lu-ca 20:27, 37, 38; Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6) Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đều đã chết, nhưng ý định Đức Chúa Trời là làm cho họ sống lại chắc chắn được ứng nghiệm đến độ mà đối với Ngài họ cũng như là đang sống.
15. Tại sao Áp-ra-ham có lý do để tin nơi sự sống lại?
15 Áp-ra-ham có lý do để đặt hy vọng vào sự sống lại, vì khi ông và vợ ông Sa-ra quá già, không thể sinh con được nữa, Đức Giê-hô-va đã làm phép lạ phục hồi khả năng sinh sản của họ. Điều này cũng giống như là sự sống lại vậy. (Sáng-thế Ký 18:9-11; 21:1-3; Hê-bơ-rơ 11:11, 12) Khi con họ Y-sác độ 25 tuổi, Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham hy sinh Y-sác. Tuy nhiên, đang lúc Áp-ra-ham định giết Y-sác, thiên sứ của Đức Giê-hô-va cản tay ông lại. Áp-ra-ham “tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình”.—Hê-bơ-rơ 11:17-19; Sáng-thế Ký 22:1-18.
16. Áp-ra-ham đang chờ đợi điều gì dù hiện nay ông đang ngủ trong sự chết?
16 Áp-ra-ham hy vọng là sẽ có sự sống lại dưới sự cai trị của Đấng Mê-si, Dòng Dõi đã hứa. Khi còn trên trời trước khi giáng thế, Con Đức Chúa Trời đã thấy được đức tin của Áp-ra-ham. Vì vậy, khi làm người, Chúa Giê-su Christ đã nói với người Do Thái: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta”. (Giăng 8:56-58; Châm-ngôn 8:30, 31) Hiện nay Áp-ra-ham đang ngủ trong sự chết, chờ đợi được sống lại trên đất dưới Nước Trời của Đấng Mê-si.—Hê-bơ-rơ 11:8-10, 13.
Lời chứng của Luật Pháp và Thi-thiên
17. Những “điều chép trong sách luật” lưu ý chúng ta đến sự sống lại của Chúa Giê-su Christ như thế nào?
17 Hy vọng của Phao-lô về sự sống lại phù hợp với “điều chép trong sách luật”. Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy đem đến cho thầy tế-lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày [Ni-san 16], thầy tế-lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm”. (Lê-vi Ký 23:9-14) Có lẽ nghĩ đến luật pháp này mà Phao-lô viết: “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ”. Là “trái đầu mùa”, Chúa Giê-su được sống lại vào ngày 16 Ni-san, năm 33 CN. Sau đó, trong thời kỳ hiện diện của ngài, sẽ có sự sống lại của ‘trái sau’—những môn đồ được xức dầu bằng thánh linh của ngài.—1 Cô-rinh-tô 15:20-23; 2 Cô-rinh-tô 1:21; 1 Giăng 2:20, 27.
18. Phi-e-rơ cho thấy rằng sự sống lại của Chúa Giê-su được báo trước trong sách Thi-thiên như thế nào?
18 Sách Thi-thiên cũng củng cố cho sự sống lại. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ trích lời Thi-thiên 16:8-11 rằng: “Vua Đa-vít có nói về [Đấng Christ] rằng: Tôi từng thấy Chúa ở trước mặt tôi luôn, vì Ngài ở bên hữu tôi, hầu cho tôi chẳng bị rúng-động chút nào. Bởi cớ đó, lòng tôi vui-vẻ, lưỡi tôi mừng-rỡ, và xác-thịt tôi cũng sẽ yên-nghỉ trong sự trông-cậy; vì Chúa sẽ chẳng để linh-hồn tôi nơi Âm-phủ, và chẳng cho Đấng Thánh của Ngài hư-nát đâu”. Phi-e-rơ nói thêm: “[Đa-vít] đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm-phủ, và xác-thịt Ngài chẳng thấy sự hư-nát. Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại”.—Công-vụ 2:25-32.
19, 20. Phi-e-rơ trích lời Thi-thiên 118:22 khi nào, và câu này có liên quan thế nào đến việc Chúa Giê-su chết và sống lại?
19 Vài ngày sau, Phi-e-rơ đứng trước Tòa Công Luận và lần nữa trích lời Thi-thiên. Được hỏi làm thế nào ông có thể chữa lành một người ăn xin què, sứ đồ trả lời: “Thì hết thảy các ông, và cả dân Y-sơ-ra-ên đều khá biết, ấy là nhân danh Đức Chúa Jêsus-Christ ở Na-xa-rét, Đấng mà các ông đã đóng đinh trên thập-tự-giá, và Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, ấy là nhờ Ngài mà người nầy được lành-mạnh hiện đứng trước mặt các ông. Jêsus nầy là hòn đá bị các ông xây nhà bỏ ra, rồi trở nên hòn đá góc nhà. Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”.—Công-vụ 4:10-12.
20 Ở đây Phi-e-rơ trích từ Thi-thiên 118:22, ông đem những gì câu này nói áp dụng cho sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Bị những nhà lãnh đạo tôn giáo xúi giục, người Do Thái bác bỏ Chúa Giê-su. (Giăng 19:14-18; Công-vụ 3:14, 15) ‘Những thợ xây nhà loại ra hòn đá’ khiến cho Đấng Christ phải chết, nhưng ‘hòn đá trở nên đá góc nhà’ tiêu biểu cho việc ngài được sống lại bằng thể thần linh vinh hiển trên trời. Như người viết Thi-thiên báo trước, “điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 118:23) Ngài làm cho “hòn đá” trở thành Đầu góc nhà khi đưa Chúa Giê-su lên làm Vua được chỉ định.—Ê-phê-sô 1:19, 20.
Được giữ vững nhờ hy vọng sống lại
21, 22. Gióp bày tỏ hy vọng nào như được ghi trong Gióp 14:13-15, và điều này an ủi những người hiện nay mất người thân như thế nào?
21 Mặc dù cá nhân chúng ta chưa hề thấy ai được sống lại, nhưng chúng ta lưu ý những lời tường thuật của Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta về sự sống lại. Vì vậy, chúng ta có thể có hy vọng như người công bình Gióp bày tỏ. Khi bị đau đớn, ông van xin: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ,... định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi! Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!... Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại; Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa”. (Gióp 14:13-15) Đức Chúa Trời sẽ ‘đoái đến công-việc của tay Ngài’, tha thiết muốn làm cho Gióp sống lại. Điều này làm cho hy vọng của chúng ta càng thêm vững chắc!
22 Một người kính sợ Đức Chúa Trời trong gia đình chúng ta có thể lâm bệnh nặng, cũng như Gióp, và thậm chí có thể bị chết nữa. Những người thân có lẽ đau buồn khóc lóc, cũng như Chúa Giê-su đã khóc trước cái chết của La-xa-rơ. (Giăng 11:35) Nhưng thật là an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ gọi và những người trong ký ức của Ngài sẽ đáp lại! Cũng như là họ được trở về từ một cuộc hành trình—không bệnh hoặc tật nguyền, nhưng khỏe mạnh.
23. Một số người đã tỏ niềm tin tưởng về hy vọng sống lại như thế nào?
23 Cái chết của một tín đồ trung thành lớn tuổi đã khiến cho anh em cùng đạo viết: “Xin nhận nơi đây lòng thương cảm sâu xa của chúng tôi trước cái chết của mẹ chị. Chẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ đón mừng mẹ chị trở lại—xinh đẹp và khỏe mạnh!” Một cặp vợ chồng mất đứa con trai đã nói: “Chúng tôi hết sức trông mong đến ngày Jason thức dậy! Nó sẽ nhìn chung quanh và thấy Địa Đàng mình hằng mơ ước... Điều này khích lệ những người yêu thương nó cũng muốn có mặt ở đó nữa”. Đúng vậy, và chúng ta cảm tạ biết bao vì niềm hy vọng sống lại là chắc chắn!
Bạn trả lời thế nào?
• Đức tin nơi việc Đức Chúa Trời làm người chết sống lại có ích cho chúng ta như thế nào?
• Kinh Thánh ghi lại những trường hợp nào cho chúng ta lý do để hy vọng nơi sự sống lại?
• Tại sao có thể nói rằng sự sống lại là một hy vọng có từ lâu?
• Chúng ta có thể có hy vọng nào về những người đã chết?
[Hình nơi trang 10]
Nhờ quyền lực của Đức Giê-hô-va, Ê-li phục hồi sự sống cho đứa con trai của một bà góa
[Hình nơi trang 12]
Khi Chúa Giê-su làm con gái Giai-ru sống lại, cha mẹ nó vui mừng khôn xiết
[Hình nơi trang 15]
Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ dạn dĩ làm chứng rằng Chúa Giê-su đã được sống lại