“Mắt” Đức Giê-hô-va dò xét mọi sự
“Mắt [Đức Giê-hô-va] dò con loài người”.—THI 11:4.
1. Chúng ta cảm thấy thích gần gũi những người nào?
Bạn cảm thấy thế nào về những người thành thật quan tâm đến bạn? Họ thẳng thắn cho biết ý kiến mỗi khi bạn hỏi. Họ sẵn lòng giúp đỡ, và yêu thương cho bạn lời khuyên mỗi khi bạn cần (Thi 141:5; Ga 6:1). Chẳng lẽ bạn không cảm thấy thích gần gũi những người như thế sao? Đức Giê-hô-va và Con của Ngài cũng rất quan tâm đến bạn. Thật ra không ai quan tâm đến bạn hơn hai Đấng ấy. Đức Giê-hô-va cũng như Con Ngài hoàn toàn không có động cơ ích kỷ và muốn giúp bạn “cầm lấy sự sống thật”.—1 Ti 6:19; Khải 3:19.
2. Đức Giê-hô-va quan tâm đến tôi tớ Ngài đến mức độ nào?
2 Người viết Thi-thiên là Đa-vít diễn tả lòng quan tâm sâu xa của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta như sau: “Con mắt Ngài nhìn-xem, mí mắt Ngài dò con loài người” (Thi 11:4). Thật vậy, Đức Chúa Trời không chỉ nhìn, nhưng Ngài dò xét chúng ta. Đa-vít cũng viết: “Chúa đã dò lòng tôi, viếng tôi lúc ban đêm. . . nhưng chẳng tìm thấy [“điều gian”, Tòa Tổng Giám Mục] gì hết” (Thi 17:3). Rõ ràng, Đa-vít nhận biết Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến ông. Ông biết mình sẽ làm Đức Giê-hô-va buồn lòng nếu nuôi giữ những ý tưởng sai trái hoặc có lòng gian trá. Đức Giê-hô-va có thật đối với bạn như đối với Đa-vít không?
Đức Giê-hô-va nhìn thấu lòng người
3. Đức Giê-hô-va cho thấy quan điểm thăng bằng đối với sự bất toàn của chúng ta như thế nào?
3 Đức Giê-hô-va chú trọng đến con người bên trong—tức lòng chúng ta thật sự thế nào (Thi 19:14; 26:2). Là Đấng yêu thương, Ngài không để tâm đến những khuyết điểm nhỏ. Chẳng hạn, khi Sa-ra vợ Áp-ra-ham không trả lời đúng sự thật, vị thiên sứ hẳn thấy là bà đang sợ sệt và hổ thẹn nên chỉ nhẹ nhàng trách bà (Sáng 18:12-15). Dù tộc trưởng Gióp cho rằng “mình là công-bình hơn là Đức Chúa Trời”, Đức Giê-hô-va vẫn ban phước cho ông vì biết ông phải chịu nhiều đau đớn do Sa-tan gây ra (Gióp 32:2; 42:12). Tương tự thế, Đức Giê-hô-va không phật lòng về những lời thẳng thắn của bà góa ở Sa-rép-ta đã nói với tiên tri Ê-li. Ngài hiểu nỗi khổ của bà khi bị mất đi đứa con duy nhất.—1 Vua 17:8-24.
4, 5. Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng độ lượng như thế nào qua cách đối xử với A-bi-mê-léc?
4 Vì dò xét tấm lòng, Đức Giê-hô-va đã tỏ ra châm chước ngay cả đối với những người không thờ phượng Ngài. Hãy xem cách Ngài đối xử với A-bi-mê-léc, vua thành Ghê-ra thuộc xứ Phi-li-tin. A-bi-mê-léc không biết Áp-ra-ham và Sa-ra là vợ chồng nên đã bắt Sa-ra về làm vợ mình. Tuy nhiên, trước khi A-bi-mê-léc đến gần bà, Đức Giê-hô-va phán với ông trong một giấc chiêm bao: “Ta cũng biết ngươi vì lòng ngay-thẳng mà làm điều đó; bởi cớ ấy, ta mới ngăn-trở ngươi phạm tội cùng ta, và không cho động đến người đó. Bây giờ, hãy giao đàn-bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên-tri, sẽ cầu-nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống”.—Sáng 20:1-7.
5 Chắc chắn Đức Giê-hô-va có thể đối xử nghiêm khắc với A-bi-mê-léc, một người thờ tà thần. Nhưng Ngài thấy ông có lòng ngay thẳng trong sự việc này. Nhìn nhận điều đó với lòng độ lượng, Ngài cho vua ấy biết phải làm gì để được tha thứ và “được sống”. Đó chẳng phải là Đức Chúa Trời mà bạn muốn thờ phượng hay sao?
6. Chúa Giê-su noi gương Cha ngài qua cách nào?
6 Chúa Giê-su noi gương Cha một cách hoàn hảo, ngài chú ý đến điểm tốt của các môn đồ và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của họ (Mác 10:35-45; 14:66-72; Lu 22:31, 32; Giăng 15:15). Thái độ của Chúa Giê-su hòa hợp với lời của ngài nơi Giăng 3:17: “Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế-gian, chẳng phải để đoán-xét thế-gian đâu, nhưng hầu cho thế-gian nhờ Con ấy mà được cứu”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương chúng ta một cách sâu đậm và bền vững. Điều này được thể hiện qua việc hai Đấng ấy mong muốn chúng ta nhận được sự sống vĩnh cửu (Gióp 14:15). Tình yêu thương ấy giải thích tại sao Đức Giê-hô-va dò xét chúng ta, quan điểm của Ngài đối với chúng ta và cách Ngài hành động dựa trên những gì Ngài thấy.—Đọc 1 Giăng 4:8, 19.
Dò xét với đôi mắt yêu thương
7. Đức Giê-hô-va dò xét chúng ta với động cơ nào?
7 Vậy, thật sai lầm biết bao khi nghĩ Đức Giê-hô-va như một viên cảnh sát theo dõi từ trời để bắt quả tang tội lỗi của chúng ta! Sa-tan mới là kẻ có cặp mắt chỉ trích và hay buộc tội (Khải 12:10). Hắn thậm chí còn gán cho con người động cơ xấu! (Gióp 1:9-11; 2:4, 5). Người viết Thi-thiên nói về Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi 130:3). Câu trả lời ngụ ý là: Không một ai! (Truyền 7:20). Đúng hơn, Đức Giê-hô-va quan sát chúng ta với đôi mắt nhân từ, thương xót của người cha có lòng quan tâm, muốn bảo vệ những đứa con yêu dấu khỏi nguy hiểm. Ngài thường chỉ cho chúng ta những khiếm khuyết và nhược điểm để chúng ta có thể tránh gây hại cho chính mình.—Thi 103:10-14; Mat 26:41.
8. Đức Giê-hô-va hướng dẫn và sửa trị tôi tớ Ngài như thế nào?
8 Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được thể hiện qua sự hướng dẫn và sửa trị đến từ Kinh Thánh cũng như đồ ăn thiêng liêng do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” cung cấp (Mat 24:45; Hê 12:5, 6). Đức Giê-hô-va cũng ban sự trợ giúp qua hội thánh đạo Đấng Christ và qua “các ơn” dưới hình thức người (Ê-phê 4:8). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va cũng chú ý đến phản ứng của chúng ta đối với sự dạy dỗ của Ngài và tìm cách giúp chúng ta nhiều hơn nữa. Thi-thiên 32:8 nói: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; mắt ta sẽ chăm-chú ngươi mà khuyên-dạy ngươi”. Vì thế, luôn lắng nghe Đức Giê-hô-va là điều quan trọng biết bao! Chúng ta phải khiêm nhường trước mặt Ngài, nhận biết Ngài là Người Cha và Người Thầy yêu thương của mình.—Đọc Ma-thi-ơ 18:4.
9. Chúng ta nên tránh thái độ nào, và tại sao?
9 Mong sao chúng ta không bao giờ trở nên cứng lòng vì kiêu ngạo, vì thiếu đức tin hay “bị tội-lỗi dỗ-dành” (Hê 3:13; Gia 4:6). Thường thì thái độ này bắt đầu khi một người nuôi giữ những ý tưởng hay ước muốn sai trái. Người ấy có thể còn bác bỏ lời khuyên thích hợp dựa trên Kinh Thánh. Tệ hơn nữa, người ấy có thể bị lún sâu vào thái độ hoặc hành vi xấu xa đến độ trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời—quả là một tình trạng đáng sợ thay! (Châm 1:22-31). Hãy xem trường hợp của Ca-in, con đầu lòng của A-đam và Ê-va.
Đức Giê-hô-va nhìn thấy tất cả và hành động phù hợp
10. Tại sao Đức Giê-hô-va không chấp nhận lễ vật của Ca-in, và ông phản ứng thế nào?
10 Khi Ca-in và A-bên dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va, Ngài không những quan tâm đến lễ vật mà cả động cơ của họ nữa. Vì thế, Đức Chúa Trời tỏ ra hài lòng về lễ vật do A-bên dâng lên với đức tin, nhưng Ngài không nhận lễ vật của Ca-in vì ông tỏ ra thiếu đức tin trong một khía cạnh nào đó (Sáng 4:4, 5; Hê 11:4). Thay vì rút kinh nghiệm từ sự việc này và thay đổi thái độ, Ca-in lại trở nên giận dữ với em mình.—Sáng 4:6.
11. Ca-in đã biểu lộ lòng dối trá như thế nào, và chúng ta rút ra bài học nào?
11 Đức Giê-hô-va thấy thái độ nguy hiểm của Ca-in và Ngài quan tâm cho ông biết rõ rằng nếu ông làm điều tốt thì sẽ có lý do để vui mừng. Đáng buồn thay, Ca-in đã lờ đi lời khuyên của Đấng Tạo Hóa và giết em mình. Tâm địa của Ca-in sau đó còn phản ánh qua thái độ xấc xược khi ông trả lời câu hỏi của Đức Chúa Trời: “A-bên, em ngươi, ở đâu?”. Ca-in hỏi vặn lại: “Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng 4:7-9). Lòng người có thể trở nên dối trá biết bao—thậm chí bất chấp lời khuyên rõ ràng của Đức Chúa Trời! (Giê 17:9). Vì thế, chúng ta hãy rút kinh nghiệm từ câu chuyện này, nhanh chóng loại bỏ những ý tưởng và ước muốn sai trái. (Đọc Gia-cơ 1:14, 15). Nếu nhận được lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, mong sao chúng ta tỏ lòng biết ơn và xem đó là một bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta.
Không tội lỗi nào giấu được Ngài
12. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước hành động sai trái?
12 Một số người nghĩ rằng nếu không ai thấy họ làm điều sai thì họ sẽ không bị phạt (Thi 19:12). Thật ra, không tội nào có thể giấu kín được. Kinh Thánh cho biết: “Thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê 4:13). Đức Giê-hô-va là Đấng Đoán Xét, dò xét động cơ thầm kín nhất trong lòng chúng ta, và cách Ngài phản ứng trước hành động sai trái phản ánh sự công bình hoàn hảo. Ngài là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. Nhưng đối với người không ăn năn, “cố-ý phạm tội” hoặc biểu lộ thái độ mưu mô và xảo quyệt thì Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” (Xuất 34:6, 7; Hê 10:26). Điều này được thấy rõ qua cách Ngài đối xử với A-can cũng như A-na-nia và Sa-phi-ra.
13. Ý tưởng sai trái hẳn đã khiến A-can làm điều xấu như thế nào?
13 A-can vi phạm mệnh lệnh rõ ràng của Đức Giê-hô-va khi giấu chiến lợi phẩm của thành Giê-ri-cô trong trại mình, rất có thể với sự đồng lõa của gia đình ông. Khi tội lỗi bị lộ, A-can cho thấy ông nhận ra tính nghiêm trọng của điều mình đã làm vì ông nói: “Tôi đã phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Giô-suê 7:20). Giống như Ca-in, A-can đã nảy sinh lòng xấu. Trong trường hợp A-can, lòng tham là yếu tố chính khiến ông trở thành người dối trá. Vì chiến lợi phẩm của thành Giê-ri-cô thuộc về Đức Giê-hô-va nên trên thực tế A-can đã ăn cắp đồ của Ngài, và ông cùng gia đình phải trả giá đắt.—Giô-suê 7:25.
14, 15. Tại sao A-na-nia và Sa-phi-ra đáng bị Đức Giê-hô-va kết án, và chúng ta rút ra bài học nào?
14 A-na-nia và Sa-phi-ra vợ ông là thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu ở Giê-ru-sa-lem. Sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, hội thánh lập một quỹ để chăm sóc nhu cầu vật chất cho những môn đồ mới ở các xứ xa xôi vẫn còn lưu lại thành Giê-ru-sa-lem. Quỹ này được duy trì bằng sự đóng góp tình nguyện. A-na-nia bán một mảnh ruộng và ủng hộ một phần tiền vào quỹ ấy. Tuy nhiên, ông làm ra vẻ là mình đã góp hết số tiền và vợ ông cũng biết rõ điều này. Họ hẳn muốn được hội thánh đặc biệt kính nể. Nhưng hành động của họ là dối trá. Qua phép lạ, Đức Giê-hô-va tiết lộ sự gian dối ấy cho sứ đồ Phi-e-rơ và ông đã vạch tội A-na-nia. Ngay lúc đó, A-na-nia ngã xuống chết. Một lúc sau Sa-phi-ra cũng chết.—Công 5:1-11.
15 A-na-nia và Sa-phi-ra không sa ngã vì một phút yếu đuối. Họ đã âm mưu nói dối để lừa gạt các sứ đồ. Tệ hơn nữa, họ ‘nói dối cùng thánh linh’. Phản ứng của Đức Giê-hô-va cho thấy rõ Ngài sẵn sàng bảo vệ hội thánh khỏi những kẻ đạo đức giả. Quả thật, “sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh-khiếp thay!”.—Hê 10:31.
Luôn giữ lòng trung kiên
16. (a) Sa-tan đang tìm cách làm tha hóa dân Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Ma-quỉ dùng phương pháp nào để làm tha hóa người ta trong khu vực bạn?
16 Sa-tan đang tìm mọi cách để làm chúng ta tha hóa và mất đi ân huệ của Đức Giê-hô-va (Khải 12:12, 17). Ý định gian ác của Ma-quỉ phản ánh rõ ràng trong thế gian mê đắm bạo động và tình dục vô luân. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng tìm thấy tài liệu khiêu dâm qua máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác. Mong sao chúng ta không bao giờ khuất phục trước sự tấn công của Sa-tan. Thay vì thế, hãy có cùng cảm nghĩ như người viết Thi-thiên là vua Đa-vít: “Tôi sẽ ăn-ở cách khôn-ngoan trong đường trọn-vẹn. . . Tôi sẽ lấy lòng trọn-vẹn mà ăn-ở trong nhà tôi”.—Thi 101:2.
17. (a) Tại sao cuối cùng Đức Giê-hô-va sẽ phơi bày những tội được giấu kín? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
17 Ngày nay, Đức Giê-hô-va không dùng phép lạ để tiết lộ tội trọng và những hành động gian dối như Ngài đôi khi đã làm trong quá khứ. Dù vậy, Ngài vẫn thấy mọi việc và khi đến đúng thời điểm, Ngài sẽ có cách để phơi bày những điều được giấu kín. Sứ đồ Phao-lô nói: “Có người thì tội-lỗi bị bày-tỏ và chỉ người đó ra trước khi phán-xét; còn có người thì sau rồi mới bị bày-tỏ ra” (1 Ti 5:24). Động cơ chủ yếu để Đức Giê-hô-va đưa những việc làm xấu xa ra ánh sáng là tình yêu thương. Ngài yêu thương và muốn bảo vệ sự trong sạch của hội thánh. Ngài cũng tỏ lòng thương xót với những người phạm tội nhưng giờ đây thật lòng ăn năn (Châm 28:13). Vậy, chúng ta hãy cố gắng hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời và tránh xa mọi ảnh hưởng đồi bại.
Hết lòng phụng sự Ngài
18. Vua Đa-vít muốn con ông có cảm nghĩ nào về Đức Chúa Trời?
18 Vua Đa-vít nói với con ông là Sa-lô-môn: “Hãy nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò-xét tấm-lòng, và phân-biệt các ý-tưởng” (1 Sử 28:9). Đa-vít muốn con ông không chỉ tin nơi Đức Chúa Trời, mà còn quý trọng lòng quan tâm sâu xa của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ Ngài. Bạn có lòng quý trọng như thế đối với Đức Giê-hô-va không?
19, 20. Theo Thi-thiên 19:7-11, điều gì giúp Đa-vít đến gần Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể noi gương ông như thế nào?
19 Đức Giê-hô-va biết những người có lòng hướng thiện sẽ muốn đến với Ngài, và hiểu biết về những đức tính tốt đẹp của Ngài sẽ làm họ ấm lòng. Vì thế, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tìm hiểu Ngài và quen thuộc với nhân cách tuyệt vời của Ngài. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Bằng cách học Lời Đức Chúa Trời và cảm nghiệm ân phước của Ngài trong đời sống chúng ta.—Châm 10:22; Giăng 14:9.
20 Bạn có đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày với thái độ biết ơn và cầu xin Ngài giúp bạn biết cách áp dụng không? Bạn có thấy giá trị của việc sống theo nguyên tắc Kinh Thánh không? (Đọc Thi-thiên 19:7-11). Nếu thế, đức tin và tình yêu thương của bạn đối với Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục lớn mạnh. Và Ngài sẽ đến gần bạn hơn, như thể tay trong tay cùng đi với bạn vậy (Ê-sai 42:6; Gia 4:8). Đúng thế, Đức Giê-hô-va sẽ chứng tỏ tình yêu thương của Ngài bằng cách ban phước và che chở bạn về mặt thiêng liêng khi bạn bước đi trên con đường hẹp dẫn đến sự sống.—Thi 91:1, 2; Mat 7:13, 14.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao Đức Giê-hô-va dò xét chúng ta?
• Điều gì đã khiến một số người trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời?
• Làm thế nào chúng ta cho thấy Đức Giê-hô-va có thật đối với mình?
• Làm sao chúng ta có thể hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 4]
Như một người cha đầy lòng quan tâm, Đức Giê-hô-va quan sát chúng ta như thế nào?
[Hình nơi trang 5]
Chúng ta rút ra bài học nào từ trường hợp của A-na-nia?
[Hình nơi trang 6]
Điều gì giúp chúng ta tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng?