ĐỘC GIẢ THẮC MẮC
Trưởng lão và phụ tá trong các hội thánh được bổ nhiệm như thế nào?
Vào thế kỷ thứ nhất CN, sứ đồ Phao-lô nói với các trưởng lão ở hội thánh Ê-phê-sô: “Hãy cẩn thận giữ mình và giữ cả bầy mà thần khí bổ nhiệm anh em làm giám thị, để chăn dắt hội thánh của Đức Chúa Trời mà ngài đã mua bằng huyết của Con ngài” (Công 20:28). Vậy ngày nay, thần khí đóng vai trò nào trong việc bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá hội thánh?
Thứ nhất, thần khí hướng dẫn những người viết Kinh Thánh ghi lại các điều kiện dành cho trưởng lão và phụ tá. Có khoảng 16 tiêu chuẩn dành cho trưởng lão được liệt kê nơi 1 Ti-mô-thê 3:1-7. Những tiêu chuẩn khác được tìm thấy trong các câu Kinh Thánh, như Tít 1:5-9 và Gia-cơ 3:17, 18. Những tiêu chuẩn dành cho phụ tá được nói đến nơi 1 Ti-mô-thê 3:8-10, 12, 13. Thứ hai, những người đề cử và đưa ra quyết định bổ nhiệm cầu nguyện cụ thể để xin thần khí Đức Giê-hô-va hướng dẫn khi xét xem một anh có hội đủ điều kiện ở mức độ hợp lý dựa trên Kinh Thánh hay không. Thứ ba, những anh được đề cử cần thể hiện bông trái thần khí trong đời sống (Ga 5:22, 23). Vậy, thần khí của Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong quá trình bổ nhiệm.
Nhưng trên thực tế, ai bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá? Trước đây, mọi sự tiến cử liên quan đến việc bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá được gửi đến văn phòng chi nhánh địa phương. Tại đấy, những anh được Hội đồng Lãnh đạo bổ nhiệm sẽ xem xét các trường hợp được đề cử và đưa ra quyết định bổ nhiệm thích đáng. Sau đó, văn phòng chi nhánh sẽ báo cho hội đồng trưởng lão. Rồi, các trưởng lão sẽ cho người ấy biết về sự bổ nhiệm này, đồng thời hỏi xem anh có sẵn sàng và thật sự đủ điều kiện để nhận nhiệm vụ hay không. Cuối cùng, quyết định bổ nhiệm sẽ được thông báo trước hội thánh.
Những sự bổ nhiệm này được thực hiện thế nào vào thế kỷ thứ nhất? Đôi khi, các sứ đồ bổ nhiệm một số anh làm công việc cụ thể, chẳng hạn có lần họ bổ nhiệm bảy anh lo việc cấp phát lương thực hằng ngày cho các góa phụ (Công 6:1-6). Tuy nhiên, những anh này có lẽ đã là trưởng lão trước khi nhận thêm nhiệm vụ ấy.
Dù Kinh Thánh không giải thích chi tiết về mọi quyết định bổ nhiệm thời đó được thực hiện như thế nào, nhưng chúng ta có thể học được một số điều qua tiến trình bổ nhiệm. Chúng ta biết rằng khi Phao-lô và Ba-na-ba trở về sau chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất, “hai người cũng bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi hội thánh, rồi cầu nguyện và kiêng ăn mà giao phó họ cho Đức Giê-hô-va, là đấng mà họ tin” (Công 14:23). Nhiều năm sau, Phao-lô viết cho bạn đồng hành là Tít: “Ta để con ở lại Cơ-rết để giải quyết những vấn đề cần sửa đổi và bổ nhiệm các trưởng lão tại mỗi thành, như ta đã dặn bảo” (Tít 1:5). Ti-mô-thê, người đi cùng sứ đồ Phao-lô khắp nơi, dường như cũng được ban cho quyền tương tự (1 Ti 5:22). Rõ ràng, các giám thị lưu động đưa ra quyết định bổ nhiệm, chứ không phải các sứ đồ và trưởng lão ở thành Giê-ru-sa-lem.
Dựa vào tiền lệ này trong Kinh Thánh, Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va đã điều chỉnh cách bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá. Kể từ ngày 1-9-2014, việc bổ nhiệm được thực hiện như sau: Giám thị vòng quanh xem xét kỹ các đề cử trong vòng quanh của mình. Trong thời gian viếng thăm hội thánh, anh sẽ tìm hiểu về những người được đề cử và cố gắng đi rao giảng chung với họ. Sau khi thảo luận các trường hợp được đề cử với hội đồng trưởng lão địa phương, giám thị vòng quanh có trách nhiệm bổ nhiệm trưởng lão và phụ tá trong vòng quanh của mình. Sự sắp đặt này theo sát hơn khuôn mẫu thế kỷ thứ nhất.
Ai chịu trách nhiệm trong các bước của quá trình bổ nhiệm? Như thường lệ, “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” có trách nhiệm chính trong việc nuôi dưỡng người nhà mình (Mat 24:45-47). Điều này bao gồm việc tra cứu Kinh Thánh, và với sự trợ giúp của thần khí, đầy tớ trung tín sẽ cung cấp chỉ dẫn về cách áp dụng thiết thực các nguyên tắc Kinh Thánh. Chỉ dẫn này sẽ ảnh hưởng đến cách tổ chức của hội thánh trên toàn cầu. Đầy tớ trung tín cũng bổ nhiệm các giám thị vòng quanh và thành viên Ủy ban chi nhánh. Kế tiếp, văn phòng chi nhánh cung cấp sự trợ giúp thực tế để thực hiện sự chỉ dẫn của đầy tớ trung tín. Hội đồng trưởng lão có trọng trách xem xét kỹ những tiêu chuẩn trong Kinh Thánh liên quan đến những anh mà họ đề cử vào hội thánh của Đức Chúa Trời. Giám thị vòng quanh có trọng trách cẩn thận xem xét và cầu nguyện về những trường hợp được các trưởng lão đề cử và sau đó bổ nhiệm anh hội đủ điều kiện.
Khi hiểu sự bổ nhiệm được thực hiện như thế nào, chúng ta càng hiểu rõ hơn về vai trò của thần khí trong tiến trình này. Nhờ thế, chúng ta càng tin cậy và kính trọng những anh được bổ nhiệm trong hội thánh.—Hê 13:7, 17.
Hai nhân chứng được nói đến trong Khải huyền chương 11 là ai?
Khải huyền 11:3 đề cập đến hai nhân chứng sẽ nói tiên tri trong 1.260 ngày. Sau đó, lời tường thuật nói rằng con thú dữ sẽ “đánh thắng họ và giết đi”. Nhưng sau “ba ngày rưỡi”, hai nhân chứng này sẽ được sống lại và hết thảy những ai thấy đều kinh ngạc.—Khải 11:7, 11.
Hai nhân chứng này là ai? Những chi tiết trong lời tường thuật giúp chúng ta nhận diện họ. Thứ nhất, chúng ta được cho biết là họ “được tượng trưng bởi hai cây ô-liu và hai chân đèn” (Khải 11:4). Điều này nhắc chúng ta nhớ đến chân đèn và hai cây ô-liu được đề cập trong lời tiên tri của Xa-cha-ri. Những cây ô-liu này được miêu tả là “hai người chịu xức dầu”, tức Quan trấn thủ Xô-rô-ba-bên và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-hô-sua đang “đứng bên Chúa của cả đất” (Xa 4:1-3, 14). Thứ hai, hai nhân chứng được miêu tả là thực hiện những việc lạ thường tương tự như những gì Môi-se và Ê-li đã làm.—So sánh Khải huyền 11:5, 6 với Dân-số Ký 16:1-7, 28-35 và 1 Các Vua 17:1; 18:41-45.
Những câu Kinh Thánh này có điểm chung nào? Trong mỗi trường hợp, lời tường thuật nói đến những người được xức dầu đã dẫn đầu trong thời kỳ thử thách đầy khó khăn. Vì vậy, Khải huyền chương 11 ứng nghiệm khi những anh được xức dầu dẫn đầu trong thời kỳ Nước Đức Chúa Trời thành lập ở trên trời vào năm 1914 đã “mặc vải thô” rao giảng trong ba năm rưỡi.
Vào cuối thời kỳ họ mặc vải thô để rao giảng, những tín đồ được xức dầu này bị giết theo nghĩa bóng khi họ ngồi tù trong khoảng thời gian tương đối ngắn, tức ba ngày rưỡi theo nghĩa tượng trưng. Trong mắt kẻ thù của dân Đức Chúa Trời, công việc của họ đã bị “giết”. Vì thế, những kẻ chống đối rất vui mừng.—Khải 11:8-10.
Tuy nhiên, đúng như lời tiên tri, vào cuối ba ngày rưỡi, hai nhân chứng được sống lại. Không chỉ những tín đồ được xức dầu được ra khỏi tù mà những ai giữ lòng trung thành đều nhận được sự bổ nhiệm đặc biệt từ Đức Chúa Trời qua Chúa của họ là Giê-su Ki-tô. Vào năm 1919, họ ở trong số những người được bổ nhiệm làm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho dân Đức Chúa Trời vào những ngày sau cùng.—Mat 24:45-47; Khải 11:11, 12.
Điều thú vị là Khải huyền 11:1, 2 liên kết những sự kiện này với thời kỳ mà đền thờ thiêng liêng sẽ được đo hoặc đánh giá. Ma-la-chi chương 3 nói đến sự thanh tra tương tự về đền thờ thiêng liêng, sau đó thời kỳ làm sạch diễn ra (Mal 3:1-4). Sự thanh tra và công việc làm sạch diễn ra trong bao lâu? Đó là từ năm 1914 đến đầu năm 1919. Giai đoạn này gồm 1.260 ngày (42 tháng) và ba ngày rưỡi theo nghĩa bóng được đề cập nơi Khải huyền chương 11.
Chúng ta thật vui mừng khi Đức Giê-hô-va sắp đặt công việc làm sạch về thiêng liêng để có một dân đặc biệt làm các việc lành! (Tít 2:14). Ngoài ra, chúng ta cũng biết ơn gương trung thành của những người được xức dầu đã dẫn đầu trong thời kỳ khó khăn và vì thế họ phụng sự như hai nhân chứng theo nghĩa bóng.a
a Để biết thêm thông tin, xin xem Tháp Canh ngày 15-7-2013, trang 22, đoạn 12.