Nhà thờ lúc ban đầu có dạy Đức Chúa Trời là một Chúa Ba Ngôi không?
Phần 2—Các Cha nối nghiệp Sứ đồ có dạy giáo lý Chúa Ba Ngôi không?
Trong tạp chí Tháp Canh số ra ngày 1-8-1992, Phần 1 của loạt bài này đã thảo luận về việc Giê-su và các môn đồ ngài có dạy giáo lý Chúa Ba Ngôi hay không—Giáo lý cho rằng Đức Cha, Đức Con và thánh linh là ba ngôi bằng nhau nhưng cùng là một Đức Chúa Trời. Bằng chứng rõ ràng của Kinh-thánh, của các sử gia và ngay cả của các nhà thần học đều cho thấy Giê-su và các môn đồ ngài không dạy thế. Còn những người lãnh đạo giáo hội ngay sau thời Giê-su và các sứ đồ thì sao—Họ có dạy giáo lý Chúa Ba Ngôi không?
“CÁC CHA NỐI NGHIỆP SỨ ĐỒ” là danh từ được dùng để chỉ những người thuộc giáo hội đã viết về đạo đấng Christ vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai công nguyên. Trong số đó có Clement ở Rô-ma, Ignatius, Polycarp, Hermas, và Papias.
Họ được cho là những người cùng thời với một số sứ đồ. Vì thế, họ hẳn phải quen thuộc với những sự dạy dỗ của các sứ đồ. Về những gì họ đã viết, cuốn “Tân Bách khoa Tự điển Anh Quốc” (The New Encyclopædia Britannica) nói:
“Về phương diện lịch sử, toàn bộ tài liệu mà các Cha nối nghiệp Sứ đồ viết về đạo đấng Christ có giá trị hơn bất cứ văn phẩm nào ngoài phần Tân ước”.1
Nếu như các sứ đồ có dạy về giáo lý Chúa Ba Ngôi thì các Cha nối nghiệp Sứ đồ hẳn cũng dạy giáo lý đó nữa. Giáo lý đó hẳn phải là điều trọng yếu trong những điều họ dạy dỗ vì không có gì quan trọng hơn là cho mọi người biết Đức Chúa Trời là ai. Vậy các Cha nối nghiệp Sứ đồ có dạy giáo lý Chúa Ba Ngôi không?
Một lời công bố lúc ban đầu về sự tin tưởng
Ngoài Kinh-thánh ra thì một trong những lời công bố trước nhất về đạo đấng Christ là trong một cuốn sách gồm 16 chương ngắn gọi là cuốn The Didache hay “Sự dạy dỗ của mười hai sứ đồ” (Teaching of the Twelve Apostles). Một số sử gia cho rằng cuốn sách này xuất bản khoảng chừng năm 100 công nguyên hoặc trước đó, không rõ tác giả là ai.2
Cuốn The Didache thảo luận về những điều cần phải biết để trở thành tín đồ đấng Christ. Trong chương 7, sách này viết ra luật lệ làm phép báp têm “nhân danh Đức Cha, Đức Con, và thánh linh”, dùng đúng những chữ mà Giê-su đã nói nơi Ma-thi-ơ 28:19, (NW).3 Tuy nhiên, sách này không nói gì đến việc cả ba đều bằng nhau về sự hiện hữu, quyền năng, địa vị, và khôn ngoan. Trong chương 10, cuốn The Didache qua hình thức một lời cầu nguyện đã công nhận về sự tin tưởng như sau:
“Chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha đã khiến Danh thánh của Cha ngụ trong lòng chúng con và cám ơn về sự hiểu biết, đức tin, và sự sống đời đời mà Cha đã cho chúng con biết qua Giê-su là Tôi tớ của Cha. Xin Cha được vinh hiển đời đời! Cha là Đấng Siêu việt Toàn năng đã tạo ra mọi vật vì Danh của Cha... Và Cha đã rộng lượng ban cho chúng con đồ ăn và nước uống thiêng liêng cùng sự sống đời đời qua Giê-su”.4
Không có gì về giáo lý Chúa Ba Ngôi trong lời cầu nguyện này. Trong cuốn “Ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp đối với đạo đấng Christ” (The Influence of Greek Ideas on Christianity), Edwin Hatch trích những lời ghi trên rồi nói:
“Trong giới ban đầu của đạo đấng Christ dường như không có sự thay đổi lớn nào vượt quá những khái niệm giản dị này. Giáo lý được nhấn mạnh là Đức Chúa Trời hiện hữu, Ngài là một, Ngài toàn năng và hằng hữu, Ngài tạo ra thế giới, sự thương xót của Ngài ở khắp mọi công việc của Ngài. Những khái niệm giản dị này không để chỗ cho một cuộc bàn cãi triết lý trừu tượng nào cả”.5
Clement ở Rô-ma
Một tài liệu khác về đạo đấng Christ viết vào thuở ban đầu là do Clement ở Rô-ma, mà người ta nghĩ là một “giám mục” tại thành phố đó, qua đời khoảng năm 100 công nguyên. Trong những tài liệu mà người ta cho là do ông viết, ông không hề nói đến giáo lý Chúa Ba Ngôi, dù trực tiếp hay gián tiếp. Trong “Thư thứ nhất của Clement gửi người Cô-rinh-tô” (First Epistle of Clement to the Corinthians), ông viết:
“Cầu xin Đức Chúa Trời Toàn năng ban ân phước và sự bình an dồi dào cho anh em qua Giê-su Christ.
Các sứ đồ đã rao giảng Phúc âm [tin mừng] đến từ Đức Chúa Giê-su Christ cho chúng ta; Giê-su Christ đã dạy cho các sứ đồ Phúc âm [tin mừng] đến từ Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Chúa Trời sai đấng Christ đến và đấng Christ sai các sứ đồ đến.
Nguyện xin Đức Chúa Trời, là Đấng nhìn thấy mọi sự, và là Đấng Cai trị của tất cả thần linh và Chúa của mọi xác thịt—Đấng chọn Chúa Giê-su Christ và đã chọn chúng ta qua Giê-su để làm một dân riêng biệt—ban đức tin, sự kính sợ, bình an, kiên nhẫn và lòng nhịn nhục cho bất cứ ai kêu cầu Danh thánh và vinh hiển của Ngài”.6
Clement không nói Giê-su hoặc thánh linh là ngang hàng với Đức Chúa Trời. Ông cho thấy Đức Chúa Trời Toàn năng (không nói “Đức Cha” mà thôi) khác biệt với Con. Đức Chúa Trời được đề cập đến như là Đấng bề trên bởi vì Đức Chúa Trời “sai” Giê-su đến, và “chọn” đấng Christ. Clement cho thấy rõ Đức Chúa Trời và đấng Christ là hai nhân vật khác biệt và không ngang hàng nhau, khi ông nói:
“Với lời cầu nguyện sốt sắng chúng ta cầu xin và nài xin Đấng Tạo hóa của vũ trụ sẽ giữ nguyên vẹn con số chính xác những người trên thế giới được Ngài chọn qua Con yêu quí của Ngài là Giê-su Christ... Chúng con ý thức rõ rằng chỉ một mình Cha [Đức Chúa Trời] là “Đấng Chí Cao trong số những vị cao nhất”... Chỉ một mình Cha là Đấng che chở của các thần linh và là Đức Chúa Trời của mọi xác thịt.
Nguyện muôn dân biết rằng Cha là Đức Chúa Trời duy nhất và Giê-su Christ là Con của Cha”.7
Clement gọi Đức Chúa Trời (không nói “Đức Cha” mà thôi) là “Đấng Chí Cao” và nói về Giê-su là “Con” của Đức Chúa Trời. Ông cũng ghi về Giê-su như sau: “Vì ngài phản ảnh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, ngài có địa vị cao hơn các thiên sứ cũng như tước hiệu của ngài xuất sắc hơn tước hiệu của họ”.8 Giê-su phản ảnh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhưng ngài không bằng sự vinh hiển đó, cũng như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời nhưng không bằng nguồn của sự sáng đó, tức mặt trời.
Nếu như Con của Đức Chúa Trời ngang hàng với Đức Chúa Trời, là Cha ở trên trời, thì Clement đã chẳng cần phải nói rằng Giê-su có địa vị cao hơn các thiên sứ mà làm chi, bởi vì đó sẽ là dĩ nhiên rồi. Ngoài ra, cách diễn tả của ông cho thấy ông công nhận rằng trong khi Con có địa vị cao hơn các thiên sứ, ngài ở địa vị thấp hơn Đức Chúa Trời Toàn năng.
Quan điểm của Clement thật giản dị: Con ở địa vị thấp hơn Đức Chúa Trời và có vai trò phụ so với Ngài. Clement không hề xem Giê-su là đấng chia xẻ địa vị Đức Chúa Trời với Cha. Ông cho thấy rằng Con tùy thuộc vào Cha, tức Đức Chúa Trời, và nói quả quyết rằng Cha “Chỉ một mình [là] Đức Chúa Trời”, và Ngài không chia địa vị mình với ai cả. Và không nơi nào Clement nói thánh linh bằng với Đức Chúa Trời. Vì thế, không có một chút giáo lý Chúa Ba Ngôi nào cả trong những tài liệu do Clement viết.
Ignatius
Ignatius, một giám mục tại An-ti-ốt, sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất cho đến đầu thế kỷ thứ hai công nguyên. Giả sử tất cả tài liệu mà người ta gán cho ông viết là xác thực thì cũng không có tài liệu nào nói đến sự bình đẳng giữa Cha, Con và thánh linh.
Ngay dù cho Ignatius có nói là Con bằng với Cha về sự hằng hữu, quyền năng, địa vị và khôn ngoan đi nữa thì đó vẫn không phải là giáo lý Chúa Ba Ngôi bởi vì không có nơi nào ông nói rằng thánh linh bằng Đức Chúa Trời về những phương diện đó. Tuy nhiên, Ignatius không nói là Con bằng Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Cha về những phương diện đó hoặc về một phương diện nào khác. Thay vì thế, ông cho thấy rằng Con phục tùng Đấng có địa vị cao hơn ngài, tức Đức Chúa Trời Toàn năng.
Ignatius gọi Đức Chúa Trời Toàn năng là “Đức Chúa Trời có một và thật, Đấng không hề sanh ra và không thể ai sánh gần được, Chúa của muôn loài, Đức Chúa Cha và là Đấng sanh ra Con một”. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và Con của Ngài. Ông nói đến “Đức Chúa Trời, tức là Cha, và Giê-su Christ là Chúa”.10 Và ông công bố: “Có một Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, là Đấng tỏ chính Mình ra qua Giê-su Christ là Con của Ngài”.11
Ignatius cho thấy Con là một đấng không hằng hữu nhưng được tạo ra bởi vì, theo Ignatius, Con nói: “Chúa [Đức Chúa Trời Toàn năng] tạo ra Ta và Ta là công việc đầu tiên của những đường lối Ngài”.12 Tương tự như vậy, Ignatius nói: “Chỉ có một Đức Chúa Trời của vũ trụ, đó là Cha của đấng Christ, ‘muôn vật bởi Ngài mà ra’; và chỉ có một Chúa Giê-su Christ là Chúa chúng ta, ‘muôn vật đều nhờ ngài mà có’ ”.13 Ông cũng viết:
“Thánh linh không tự nói những điều của riêng Mình, nhưng nói những điều của đấng Christ,... ngay như chính Chúa cũng thông báo cho chúng ta biết những gì mà Ngài nhận được từ Cha. Vì Ngài [Con] nói: Những lời các ngươi nghe không phải là của Ta, nhưng là của Cha, là Đấng đã sai Ta đến”.14
“Chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng tỏ chính mình ra qua Con Ngài là Giê-su Christ, tức Ngôi-Lời của Ngài. Ngôi-Lời xuất phát từ hư vô yên lặng và trong tất cả mọi phương diện đều làm vui lòng Ngài [Đức Chúa Trời] là Đấng đã sai Ngôi-Lời đến... Giê-su ở dưới quyền Cha”.15
Thật ra thì Ignatius có gọi Con là “Đức Chúa Trời và là Ngôi Lời”. Tuy nhiên, việc dùng chữ “Đức Chúa Trời” để gọi Con không hẳn có nghĩa bình đẳng với Đức Chúa Trời Toàn năng. Kinh-thánh cũng gọi Con là “Đức Chúa Trời” nơi Ê-sai 9:5. Giăng 1:18 gọi Con là “thần độc sanh” (NW). Vì được Cha là Giê-hô-va Đức Chúa Trời trao cho quyền năng và uy quyền, Con có thể được gọi một cách thích hợp là “đấng quyền năng”. Đây chính là nghĩa căn bản của chữ “thần” (Ma-thi-ơ 28:18; I Cô-rinh-tô 8:6; Hê-bơ-rơ 1:2).
Tuy nhiên, có phải tất cả 15 lá thư được người ta gán là do Ignatius viết đều là xác thực cả không? Trong cuốn “Các Cha trước thời [giáo nghị hội] Nicaea” (The Ante-Nicene Fathers), quyển I, hai vị chủ bút là Alexander Roberts và James Donaldson viết:
“Hiện nay tất cả những nhà phê bình đều nghĩ rằng trong số những lá thư gán cho Ignatius, tám lá thư đầu là giả mạo. Có những bằng chứng không thể nghi ngờ được trong chính những lá thư đó cho thấy là đã viết vào thời sau này... và hiện nay người ta đều ưng thuận bãi bỏ những lá thư này và coi như giả mạo”.
“Trong số bảy lá thư được Eusebius chấp nhận..., chúng tôi có hai bản bằng tiếng Hy Lạp đã được duyệt lại kỹ càng, một bản ngắn và một bản dài... Mặc dù bản ngắn... nói chung được nhiều người chấp nhận hơn bản dài, nhưng trong giới học giả vẫn có người nghĩ rằng ngay cả bản đó cũng bị thêm bớt hoặc không hoàn toàn xác thực”.16
Nếu chúng ta chấp nhận bản ngắn là xác thực thì sẽ loại mất đi vài câu (trong bản dài) nói đấng Christ ở dưới quyền Đức Chúa Trời, nhưng những gì còn lại trong bản ngắn vẫn không cho thấy giáo lý Chúa Ba Ngôi. Ngoài ra, bất kể những bản nào là xác thực, những bản đó nhiều nhất cho thấy là Ignatius tin có hai ngôi, Cha và Con. Đây chắc chắn không phải hai ngôi bằng nhau bởi vì Con luôn luôn được trình bày kém hơn Đức Chúa Trời và ở dưới quyền Ngài. Vì thế, dù người ta có ý kiến gì về các tài liệu của Ignatius, không ai có thể tìm thấy giáo lý Chúa Ba Ngôi trong những tài liệu này.
Polycarp
Polycarp ở Si-miệc-nơ và sanh trong khoảng 30 năm cuối của thế kỷ thứ nhất và qua đời vào giữa thế kỷ thứ hai. Người ta cho rằng ông có tiếp xúc với sứ đồ Giăng, và ông là người viết “Thư của Polycarp gửi cho người Phi-líp” (Epistle of Polycarp to the Philippians).
Có bất cứ điều gì trong lá thư của Polycarp biểu lộ một Chúa Ba Ngôi không? Không. Không có lời nào đề cập đến điều này. Thật ra điều ông nói phù hợp với những gì Giê-su cùng các môn đồ và sứ đồ ngài dạy. Chẳng hạn như trong “Thư” (Epistle), ông viết:
“Nguyền xin Đức Chúa Trời và Cha của Chúa Giê-su Christ chúng ta, và chính Giê-su Christ là Con của Đức Chúa Trời,... xây dựng anh em trong đức tin và lẽ thật”.17
Hãy lưu ý, Polycarp cũng như Clement không nói đến một “Đức Cha” và “Đức Con” ngang hàng nhau và cùng là một Đức Chúa Trời như trong giáo lý Chúa Ba Ngôi. Thay vì thế ông nói đến “Đức Chúa Trời và Cha” của Giê-su, chứ không phải chỉ “Cha của Giê-su”. Vậy ông tách Đức Chúa Trời ra khỏi Giê-su, giống như những người viết Kinh-thánh đã lặp đi lặp lại điều này. Phao-lô nói nơi II Cô-rinh-tô 1:3: “Chúc-tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”. Ông không chỉ vỏn vẹn nói: “Chúc-tạ Cha của Giê-su”, nhưng nói: “Chúc-tạ Đức Chúa Trời và Cha” của Giê-su.
Hơn nữa, Polycarp còn nói: “Bình an từ Đức Chúa Trời Toàn năng, và từ Chúa Giê-su Christ, là Cứu Chúa chúng ta”.18 Ở đây một lần nữa Giê-su khác biệt với Đức Chúa Trời Toàn năng, chứ không phải là một nhân vật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi bằng nhau.
Hermas và Papias
Một “Cha nối nghiệp Sứ đồ” khác là Hermas, viết sách vào đầu thế kỷ thứ hai. Trong sách “Người chăn chiên” hay “Mục sư” (Shepherd, hay Pastor), ông có nói gì khiến người ta tưởng ông hiểu Đức Chúa Trời là một Chúa Ba Ngôi không? Hãy chú ý đến vài thí dụ về những gì ông nói:
“Không phải khi người ta muốn thánh linh nói thì thánh linh nói, nhưng thánh linh chỉ nói khi Đức Chúa Trời muốn thánh linh nói mà thôi.... Đức Chúa Trời trồng một vườn nho, hoặc nói cách khác, Ngài tạo ra loài người, và ban Con Ngài cho loài người; và Con bổ nhiệm các thiên sứ Ngài trên loài người để trông nom loài người”.19
“Con Đức Chúa Trời lớn tuổi hơn tất cả các tạo vật”.20
Ở đây Hermas nói là khi Đức Chúa Trời (không nói “Đức Cha” mà thôi) muốn thánh linh nói thì thánh linh nói, vậy thì Đức Chúa Trời có địa vị cao hơn thánh linh. Và ông nói Đức Chúa Trời cho Con vườn nho, vậy thì Đức Chúa Trời có địa vị cao hơn Con. Ông còn nói Con Đức Chúa Trời lớn tuổi hơn các tạo vật của Con, tức các tạo vật Con Đức Chúa Trời với tư cách Thợ Cái của Ngài tạo ra “vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất” (Cô-lô-se 1:15, 16). Sự kiện thật là Con không hằng hữu. Ngài được tạo ra là một thần linh có địa vị rất cao, và được tạo ra trước các thần linh khác, các thiên sứ, vì bởi ngài mà các thiên sứ được tạo ra.
Trong sách “Giáo lý đạo đấng Christ thuở ban đầu” (Early Christian Doctrines), J. N. D. Kelly viết về quan điểm của Hermas về Con Đức Chúa Trời như sau:
“Trong một số các đoạn, chúng ta đọc về một thiên sứ có địa vị cao hơn sáu thiên sứ khác hợp thành hội đồng nội bộ của Đức Chúa Trời, và vị thiên sứ đó thường được miêu tả là “đáng tôn kính nhất”, “thánh”, và “vinh hiển”. Vị thiên sứ đó được ban tên là Mi-chen, và người ta không thể tránh kết luận là Hermas coi vị thiên sứ đó như Con Đức Chúa Trời và xem vị thiên sứ đó đúng là thiên sứ trưởng Mi-chen”.
“Cũng có những bằng chứng... cho thấy [Hermas] cố gắng cắt nghĩa đấng Christ là một thứ thiên sứ tối cao... Dĩ nhiên không có một dấu hiệu nào cho thấy có nói đến giáo lý Chúa Ba Ngôi theo đúng nghĩa của giáo lý này”.21
Người ta cũng cho rằng Papias có quen biết với sứ đồ Giăng. Có thể là ông viết vào đầu thế kỷ thứ hai, nhưng nay chỉ còn có những mảnh tài liệu của ông viết tồn tại mà thôi. Trong những mảnh tài liệu còn tồn tại này thì không thấy ông nói gì đến một giáo lý Chúa Ba Ngôi cả.
Sự dạy dỗ trước sau như một
Về vấn đề quyền tối cao của Đức Chúa Trời và mối liên lạc của Ngài với Giê-su, sự dạy dỗ của các Cha nối nghiệp Sứ đồ khá giống sự dạy dỗ của Giê-su, của các môn đồ và sứ đồ được ghi lại trong Kinh-thánh. Tất cả đều không nói đến Đức Chúa Trời như một Chúa Ba Ngôi, nhưng như một Đấng khác biệt, toàn năng, hằng hữu và hiểu biết mọi sự. Và họ nói đến Con Đức Chúa Trời như một tạo vật thần linh khác biệt, kém hơn và có địa vị thấp hơn, mà Đức Chúa Trời đã tạo ra để phục vụ Ngài trong việc hoàn thành ý định của Ngài. Hơn nữa, không nơi nào thánh linh được gồm vào và coi như ngang hàng với Đức Chúa Trời.
Vì thế, trong tài liệu mà các Cha nối nghiệp Sứ đồ viết vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai, không có điều gì ủng hộ giáo lý Chúa Ba Ngôi của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Họ nói đến Đức Chúa Trời, Giê-su và thánh linh y như Kinh-thánh nói. Chẳng hạn chúng ta hãy xem xét Công-vụ các Sứ-đồ 7:55, 56 (NW):
“Nhưng người [Ê-tiên], được đầy dẫy thánh linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su đứng bên hữu Đức Chúa Trời; thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời”.
Ê-tiên thấy sự hiện thấy của Đức Chúa Trời trên trời với Giê-su đứng bên cạnh Ngài. Con đứng bên cạnh Đấng không chỉ nói “Đức Cha” mà còn nói là “Đức Chúa Trời”, vậy Đấng này hoàn toàn khác biệt với Giê-su. Ngoài ra, không có đấng thứ ba nào liên can đến những gì mà Ê-tiên nhìn thấy. Ê-tiên không thấy thánh linh ở trên trời với Giê-su và Cha ngài.
Điều này tương tự với Khải-huyền 1:1, nói rằng: “Sự mặc-thị của Đức Chúa Giê-su Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài”. Một lần nữa, đấng Christ sống lại ở trên trời được cho thấy hoàn toàn khác biệt với Đức Chúa Trời, và ở đây không nói gì đến thánh linh. Nếu như Giê-su là ngôi thứ hai của một Chúa Ba Ngôi biết hết mọi sự, thì tại sao cần được “ban cho” sự mặc thị?
Những câu Kinh-thánh như những câu này cho thấy rõ ràng là không có một Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, không có một câu nào trong toàn thể cuốn Kinh-thánh nói đến Đức Chúa Trời là một Chúa Ba Ngôi. Tài liệu của các Cha nối nghiệp Sứ đồ viết phản ảnh điều này. Chắc chắn họ không dạy giáo lý Chúa Ba Ngôi của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ.
Một bộ tài liệu quan trọng nói về đạo đấng Christ được viết sau này vào thế kỷ thứ hai, do những người gọi là “Biện giải cho tôn giáo”. Họ có dạy một Chúa Ba Ngôi không? Phần 3 của loạt bài này sẽ bình luận về sự dạy dỗ của họ trong một số tới.
References:
1. The New Encyclopædia Britannica, In lần thứ 15, năm 1985, Micropædia, Bộ 1, trang 488.
2. A Dictionary of Christian Theology, do Alan Richardson soạn thảo, năm 1969, trang 95; The New Encyclopædia Britannica, In lần thứ 15, năm 1985, Micropædia, Bộ 4, trang 79.
3. The Apostolic Fathers, Bộ 3, của Robert A. Kraft, năm 1965, trang 163.
4. Như trên, trang 166, 167.
5. The Influence of Greek Ideas on Christianity, của Edwin Hatch, năm 1957, trang 252.
6. The Ante-Nicene Fathers, do Alexander Roberts và James Donaldson làm chủ bút, American Reprint of the Edinburgh Edition, năm 1885, Bộ I, trang 5, 16, và 21.
7. The Library of Christian Classics, Bộ 1, Early Christian Fathers, do Cyril C. Richardson dịch và hiệu đính, năm 1953, trang 70, 71.
8. Như trên, trang 60.
9. The Ante-Nicene Fathers, Bộ I, trang 52.
10. Như trên, trang 58.
11. Như trên, trang 62.
12. Như trên, trang 108.
13. Như trên, trang 116.
14. Như trên, trang 53.
15. The Apostolic Fathers, Bộ 4, của Robert M. Grant, năm 1966, trang 63.
16. The Ante-Nicene Fathers, Bộ I, trang 46, 47; Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature, của John McClintock và James Strong, do Baker Book House Co. in lại, năm 1981, Bộ IV, trang 490 tới 493; The Catholic Encyclopedia, năm 1910, Bộ VII, trang 644-647.
17. The Ante-Nicene Fathers, Bộ I, trang 35.
18. Như trên, trang 33.
19. The Ante-Nicene Fathers, Bộ II, trang 27, 35.
20. The Apostolic Fathers (Loeb’s Classical Library) với một bản dịch tiếng Anh do Kirsopp Lake dịch, năm 1976, trang 249.
21. Early Christian Doctrines, do J. N. D. Kelly, In lần thứ hai, năm 1960, trang 94, 95.