Bước đi trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va
“Ấy vậy, Hội-thánh... đi trong đường kính-sợ Chúa [Đức Giê-hô-va], lại nhờ thánh linh vùa-giúp, thì số của hội được thêm lên” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 9:31).
1, 2. a) Điều gì xảy ra khi hội-thánh tín đồ Đấng Christ bước vào một giai đoạn bình an? b) Dù Đức Giê-hô-va cho phép sự bắt bớ diễn ra, Ngài cũng làm gì khác nữa?
MỘT MÔN ĐỒ nọ chịu thử thách đến tột độ. Ông sẽ giữ sự trung thành với Đức Chúa Trời không? Có, ông đã làm thế! Ông đã bước đi trong sự kính sợ Đức Chúa Trời, kính phục Đấng đã tạo ra ông và chết với tư cách một Nhân-chứng trung thành của Đức Giê-hô-va.
2 Người biết kính sợ và giữ sự trung thành nói trên là Ê-tiên, “người đầy đức-tin và thánh linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:5). Sau khi ông bị giết liền có một làn sóng bắt bớ, nhưng sau đó các hội-thánh khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri bước vào một giai đoạn bình an và xây dựng về thiêng liêng. Hơn nữa, khi hội thánh “đi trong đường kính-sợ Chúa, lại nhờ thánh linh vùa-giúp, thì số của hội được thêm lên” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:31). Là Nhân-chứng Giê-hô-va thời nay, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước dù chúng ta được bình an hay dù bị bắt bớ, như sách Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 6 đến 12 cho thấy. Vậy chúng ta hãy bước đi trong sự kính sợ và tôn sùng Đức Chúa Trời khi bị bắt bớ và lợi dụng bất cứ thời kỳ tạm được bình an để xây dựng về thiêng liêng và hầu việc Ngài cách đắc lực hơn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:11, 12; 33:27) (Khi học hỏi cá nhân, chúng tôi đề nghị các bạn đọc những đoạn Kinh-thánh trong sách Công-vụ các Sứ-đồ có in đậm).
Trung thành cho đến cùng
3. Vấn đề khó khăn nào đã giải quyết ổn thỏa tại thành Giê-ru-sa-lem, và thế nào?
3 Dù xảy ra trong thời bình, các vấn đề khó khăn cũng có thể giải quyết xong nếu khéo tổ chức (6:1-7). Những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp tại thành Giê-ru-sa-lem than phiền là các góa phụ ở giữa họ bị bỏ bê trong sự cấp phát thực phẩm hằng ngày trong khi các tín đồ Do-thái nói tiếng Hê-bơ-rơ thì được ưu đãi. Vấn đề đó giải quyết ổn thỏa khi các sứ đồ bổ nhiệm bảy người đàn ông chăm sóc việc cần thiết này. Ê-tiên là một trong bảy người đó.
4. Ê-tiên phản ứng thế nào trước các lời buộc tội gian dối?
4 Tuy nhiên, Ê-tiên, người kính sợ Đức Chúa Trời, sắp phải qua một thử thách (6:8-15). Một số người dấy lên cãi lẫy với Ê-tiên. Vài kẻ đó thuộc “hội của bọn được tự-do”, có lẽ nhóm người Do-thái bị quân La-mã bắt và sau được thả ra hoặc nhóm người trước là nô lệ sau vào đạo Do-thái. Vì không thể cãi lý trước sự khôn ngoan và thánh linh giúp Ê-tiên nói, các kẻ nghịch điệu ông đến trước Tòa Công luận. Tại đó mấy kẻ làm chứng gian nói: “Chúng tôi nghe người nói rằng Giê-su ở Na-xa-rét nầy sẽ phá đền-thờ và đổi tục-lệ mà Môi-se đã truyền lại”. Tuy vậy, ngay những kẻ chống đối cũng có thể thấy Ê-tiên không làm gì nên tội mà lại có vẻ bình tĩnh như một thiên sứ, một sứ giả của Đức Chúa Trời tin chắc được Ngài yểm trợ. Thật là khác xa với bộ mặt hung ác của chúng vì chúng đã bán mình cho Sa-tan!
5. Trong sự làm chứng của ông, Ê-tiên đã nói đến các điểm nào?
5 Khi thầy cả thượng phẩm Cai-phe tra hỏi ông, Ê-tiên làm chứng không sợ hãi (7:1-53). Ông ôn lại lịch sử dân Y-sơ-ra-ên và chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời đã định bỏ qua Luật pháp và công việc phụng sự trong đền thờ khi đấng Mê-si đến. Ê-tiên lưu ý rằng khi xưa dân Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ Môi-se là người giải cứu mà họ nói là tôn vinh, thì bây giờ họ lại không chấp nhận đấng đem lại sự giải cứu lớn hơn. Bằng cách nói Đức Chúa Trời không ngự trong các nhà do tay người dựng nên, Ê-tiên cho thấy rằng đền thờ và hệ thống thờ phượng tại đó sẽ bị loại bỏ. Nhưng bởi vì những kẻ đoán xét ông không kính sợ Đức Chúa Trời và cũng không màng biết đến ý muốn của Ngài nên Ê-tiên nói: “Hỡi những người cứng cổ, các ngươi cứ nghịch với thánh linh hoài. Há có đấng tiên-tri nào mà tổ-phụ các ngươi chẳng bắt-bớ ư? Họ cũng đã giết những người nói tiên-tri về sự đến của Đấng Công-bình; và hiện bây giờ chính các ngươi lại đã nộp và giết Đấng đó”.
6. a) Trước khi chết, Ê-tiên đã trải qua kinh nghiệm nào làm cho đức tin vững mạnh thêm? b) Tại sao Ê-tiên có thể nói đúng lý: “Lạy Chúa Giê-su, xin tiếp lấy thần linh tôi” (NW)?
6 Lời tuyên bố không sợ hãi của Ê-tiên làm cho người ta giết ông (7:54-60). Các quan tòa nổi giận vì nghe ông tố cáo tội ác của họ là đã xử tử Giê-su. Nhưng bây giờ đức tin của Ê-tiên vững mạnh thêm khi ông đưa “mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su đứng bên hữu Đức Chúa Trời!” Ê-tiên bây giờ có thể đương đầu với kẻ nghịch với sự tin cậy là đã làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Dù ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va không có những sự hiện thấy như thế, chúng ta cũng có thể có được sự trầm tĩnh mà Đức Chúa Trời ban cho khi chúng ta bị bắt bớ. Sau khi kéo Ê-tiên ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem, các kẻ nghịch bắt đầu ném đá ông, và ông cầu xin: “Lạy Chúa Giê-su, xin tiếp lấy thần linh tôi” (NW). Cầu nguyện như vậy là đúng bởi vì Đức Chúa Trời cho Giê-su có quyền làm những người khác sống lại (Giăng 5:26; 6:40; 11:25, 26). Quì gối xuống, Ê-tiên kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa [Đức Giê-hô-va], xin đừng đổ tội nầy cho họ!” Rồi ông té xuống ngủ trong sự chết với tư cách một người tử vì đạo, cũng như nhiều môn đồ của Giê-su đã phải chịu chết từ thời đó đến nay.
Sự bắt bớ giúp phổ biến tin mừng
7. Sự bắt bớ đưa đến thành quả nào?
7 Thật ra thì sự chết của Ê-tiên đưa đến kết quả là tin mừng được phổ biến (8:1-4). Sự bắt bớ làm cho tất cả các môn đồ, trừ các sứ đồ, tản lạc đi khắp miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Sau-lơ, người đã ưng thuận cho giết Ê-tiên, hung hăng đi phá các hội thánh, xông vào hết nhà này đến nhà khác lôi các môn đồ của Giê-su ra mà bỏ tù. Vì các môn đồ bị tản lạc tiếp tục rao giảng, âm mưu của Sa-tan đã thất bại: âm mưu đó là bắt bớ những người tuyên bố kính sợ Đức Chúa Trời để làm cho họ ngừng rao giảng. Ngày nay cũng thế, sự bắt bớ nhiều khi lại giúp phổ biển tin mừng hay gây sự chú ý đến công việc rao giảng về Nước Trời.
8. a) Công việc rao giảng trong miền Sa-ma-ri đưa đến kết quả nào? b) Bằng cách nào Phi-e-rơ dùng chìa khóa thứ hai mà Giê-su đã giao cho ông?
8 Người rao giảng tin mừng là Phi-líp đi đến miền Sa-ma-ri “mà giảng về đấng Christ tại đó” (8:5-25). Khi ông giảng tin mừng, đuổi tà ma, chữa lành những người bệnh thì dân thành đó vui mừng cả thể. Các sứ đồ ở thành Giê-ru-sa-lem phái Phi-e-rơ và Giăng đến miền Sa-ma-ri, và khi hai người cầu nguyện và đặt tay trên các môn đồ mới làm báp têm thì họ nhận lãnh thánh linh. Một người khác mới làm báp têm là Si-môn trước là thuật sĩ thấy vậy cũng muốn thử mua quyền phép này, nhưng Phi-e-rơ nói: “Tiền-bạc ngươi hãy hư-mất với ngươi. Lòng ngươi chẳng ngay-thẳng trước mặt Đức Chúa Trời”. Khi các sứ đồ bảo ông phải ăn năn và cầu khẩn Đức Giê-hô-va, xin Ngài tha tội, thì ông xin các sứ đồ cầu thay. Việc này nên thúc đẩy tất cả những người kính sợ Đức Giê-hô-va thời nay cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để gìn giữ lòng (Châm-ngôn 4:23). (Từ vụ này phát sinh ra chữ “buôn bán chức vụ [simony] nơi các nhà thờ công giáo”). Phi-e-rơ và Giăng rao truyền tin mừng tại nhiều làng miền Sa-ma-ri. Vậy Phi-e-rơ dùng đến chìa khóa thứ hai mà Giê-su đã giao cho ông, nhằm mở đường cho sự hiểu biết và cơ hội để vào Nước Trời (Ma-thi-ơ 16:19).
9. Ai là người Ê-thi-ô-bi có dịp nghe Phi-líp rao giảng, và tại sao ông có thể làm báp têm?
9 Rồi thiên sứ Đức Chúa Trời giao cho Phi-líp một trách nhiệm mới (8:26-40). Trong một cỗ xe chạy trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Ga-xa có một “hoạn quan” Ê-thi-ô-bi là quan giữ kho tàng của nữ vương Can-đác. Ông không phải là hoạn quan theo đúng nghĩa, bởi vì nếu thế thì không thể vào hội chúng người Do-thái. Ông đi Giê-ru-sa-lem thờ phượng với tư cách người đã chịu cắt bì vào đạo Do-thái (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:1). Phi-líp gặp hoạn quan đang đọc sách Ê-sai. Được mời lên xe, Phi-líp bàn luận về lời tiên tri của Ê-sai và “rao-giảng Chúa Giê-su cho người” (Ê-sai 53:7, 8). Chẳng mấy chốc người Ê-thi-ô-bi thốt lên: “Nầy, nước đây, có sự gì ngăn-cấm tôi làm phép báp-têm không?” Không có gì ngăn cản, bởi lẽ ông trước đó đã biết về Đức Chúa Trời rồi và bây giờ lại có đức tin nơi Giê-su nữa. Vậy Phi-líp làm báp têm cho người Ê-thi-ô-bi, rồi hoạn quan hớn hở tiếp tục đi. Có gì ngăn cản bạn làm báp têm không?
Một người trước bắt bớ nay đổi đạo
10, 11. Điều gì xảy ra cho Sau-lơ người Tạt-sơ trên đường đi Đa-mách và ít lâu sau đó?
10 Trong khi đó thì Sau-lơ dùng sự hăm dọa bỏ tù hay giết chết để tìm cách làm cho các môn đồ của Giê-su từ bỏ đức tin của họ (9:1-18a). Thầy tế lễ cả (có lẽ Cai-phe) trao cho ông mấy cái thư gửi đến các nhà hội tại Đa-mách, cho phép ông bắt, trói và đưa về Giê-ru-sa-lem cả đàn ông lẫn đàn bà thuộc về “đạo” tức có lối sống căn cứ theo gương mẫu của đấng Christ. Khoảng chừng giữa trưa gần thành Đa-mách, có một ánh sáng rạng ngời từ trời chiếu xuống và một tiếng nói hỏi: “Sau-lơ, sao ngươi bắt-bớ ta?” Những người đi theo Sau-lơ nghe “tiếng nói” nhưng không hiểu tiếng đó nói gì (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 22:6, 9). Việc Giê-su trong sự vinh hiển hiện ra chút ít đó thôi cũng đủ làm cho Sau-lơ mù mắt. Đức Chúa Trời dùng môn đồ A-na-nia để cho Sau-lơ sáng mắt trở lại.
11 Sau khi làm báp têm, người trước kia bắt bớ người khác nay bị người khác bắt bớ lại (9:18b-25). Những người Do-thái trong thành Đa-mách muốn diệt trừ Sau-lơ. Tuy nhiên, đang đêm, các môn đồ thòng người xuống tường thành có lỗ hổng, rất có thể cho người ngồi trong một các thúng bện bằng dây hoặc cây mây đan tréo lại. Lỗ hổng trên tường có lẽ là một các cửa sổ trong nhà của một môn đồ ở cạnh tường thành. Tránh né kẻ nghịch và tiếp tục rao giảng không phải là một hành động hèn nhát.
12. a) Điều gì xảy ra cho Sau-lơ tại Giê-ru-sa-lem? b) Tình trạng của hội-thánh là thế nào?
12 Tại Giê-ru-sa-lem, Ba-na-ba giúp các môn đồ thừa nhận Sau-lơ là một anh em tín đồ (9:26-31). Tại đó Sau-lơ lý luận dạn dĩ với mấy người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, và họ cũng tìm cách trừ diệt ông. Biết được điều này, các anh em đưa ông đến thành Sê-sa-rê và cho ông về Tạt-sơ là quê ông trong xứ Si-li-si. Rồi hội thánh trong khắp các xứ Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri “hưởng được sự bình-an, gây-dựng” về thiêng liêng. Trong khi hội thánh “đi trong đường kính-sợ Chúa [Đức Giê-hô-va], lại nhờ thánh linh vùa-giúp, thì số của hội được thêm lên”. Điều này thật là một gương mẫu tốt thay cho tất cả các hội thánh ngày nay nếu muốn nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va!
Những người dân ngoại trở thành tín đồ!
13. Đức Chúa Trời cho Phi-e-rơ quyền phép làm phép lạ nào tại thành Ly-đa và Giốp-bê?
13 Phi-e-rơ cũng tiếp tục bận rộn (9:32-43). Tại thành Ly-đa (nay là Lod) trong đồng bằng Sa-rôn, ông chữa lành cho một người đau bại tên là Ê-nê. Sự chữa lành này làm cho nhiều người trở về cùng Chúa. Tại thành Giốp-bê, nữ môn đồ yêu dấu là Ta-bi-tha (Đô-ca) ngã bệnh và chết đi. Khi Phi-e-rơ đến nơi, các bà góa khóc và trỏ cho ông các áo xống mà Đô-ca đã may cho họ mặc. Ông làm cho Đô-ca sống lại và khi tin này đồn ra, nhiều người trở thành tín đồ. Phi-e-rơ ở lại Giốp-bê trọ nhà người thợ thuộc da tên là Si-môn có nhà ven bờ biển. Thợ thuộc da thời đó thường nhúng da thú dưới biển và dùng vôi trà da đó trước khi cạo sạch lông. Rồi người ta biến chế da đó thành da thuộc bằng cách dùng chất nhựa các cây nào đó.
14. a) Cọt-nây là ai? b) Những lời cầu nguyện của Cọt-nây có kết quả thế nào?
14 Thời bấy giờ (năm 36 tây lịch) các nơi khác cũng có một sự phát triển đáng kể (10:1-8). Miền Sê-sa-rê có một người dân ngoại kính sợ Đức Chúa Trời; ông là Cọt-nây, một đội trưởng của quân La-mã và chỉ huy chừng một trăm quân lính. Ông là chỉ huy trưởng của “đội-binh gọi là Y-ta-li”, dường như gồm lính mộ tại Ý-đại-lợi, kết nạp các công dân La-mã và những người nô lệ được trả tự do. Dù kính sợ Đức Chúa Trời, Cọt-nây không phải là người theo đạo Do-thái. Trong một sự hiện thấy, một thiên sứ nói cho ông biết những lơi cầu nguyện của ông “đã lên thấu Đức Chúa Trời, và Ngài đã ghi-nhớ lấy”. Dù Cọt-nây chưa dâng mình cho Đức Giê-hô-va, Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của ông. Nhưng như lời thiên sứ dặn bảo, ông cho người đi tìm Phi-e-rơ.
15. Điều gì xảy ra khi Phi-e-rơ cầu nguyện trên nóc nhà của Si-môn?
15 Trong thời gian đó, Phi-e-rơ có một sự hiện thấy đang lúc cầu nguyện trên nóc nhà của Si-môn (10:9-23). Trong lúc hôn mê, ông thấy một các gì giống như một cái khăn lớn từ trên trời rớt xuống, đựng đầy thú bốn cẳng không tinh sạch, vật bò sát và chim chóc. Được lệnh giết chúng để ăn thịt, Phi-e-rơ nói ông chưa từng ăn đồ ô uế. Có tiếng phán rằng: “Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ-dáy”. Sự hiện thấy làm Phi-e-rơ phân vân, nhưng ông vâng theo sự chỉ dẫn của thánh linh. Bởi vậy mà ông và sáu anh em khác người Do-thái đi theo những người mà Cọt-nây sai đến (Công-vụ các Sứ-đồ 11:12).
16, 17. a) Phi-e-rơ nói gì với Cọt-nây và với những người nhóm lại trong nhà ông? b) Trong khi Phi-e-rơ còn đang nói thì điều gì xảy ra?
16 Bây giờ đến lúc những người ngoại đầu tiên sắp được nghe nói về tin mừng (10:24-43). Khi Phi-e-rơ và các anh em đến thành Sê-sa-rê thì thấy Cọt-nây cùng với họ hàng và các bạn thân của ông đang chờ đợi. Cọt-nây quì xuống chân Phi-e-rơ, nhưng sứ đồ khiêm nhường từ chối động tác tôn sùng đó. Ông nói về việc Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Giê-su bằng thánh linh và ban cho Giê-su quyền làm đấng Mê-si và giải thích rằng bất cứ ai đặt đức tin nơi Giê-su thì được tha tội.
17 Bây giờ Đức Giê-hô-va hành động (10:44-48). Trong khi Phi-e-rơ còn đang nói thì Đức Chúa Trời đổ thánh linh trên những người ngoại tin đạo. Lập tức họ được thánh linh Đức Chúa Trời và được soi dẫn cho họ nói tiếng ngoại quốc và tôn vinh Ngài. Do đó điều thích hợp là họ làm báp têm nhân danh Giê-su Christ. Thế là Phi-e-rơ đã dùng đến chìa khóa thứ ba cho người ngoại kính sợ Đức Chúa Trời để mở đường cho sự hiểu biết và cơ hội vào Nước Trời (Ma-thi-ơ 16:19).
18. Các anh em gốc Do-thái phản ứng thế nào khi Phi-e-rơ giải thích rằng những người ngoại đã “chịu báp-têm bằng thánh linh”?
18 Sau đó, tại thành Giê-ru-sa-lem những người chủ trương cắt bì cãi lẫy với Phi-e-rơ (11:1-18). Khi ông giải thích cách nào những người ngoại đã “chịu báp-têm bằng thánh linh” thì các anh em gốc Do-thái chấp nhận và tôn vinh Đức Chúa Trời, họ nói: “Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn-năn cho người ngoại để họ được sự sống!” Chúng ta cũng nên sẵn lòng chấp nhận khi chúng ta được nghe nói về ý muốn của Đức Chúa Trời.
Thành lập hội-thánh người gốc dân ngoại
19. Làm thế nào mà người ta gọi các môn đồ là “Cơ-rê-tiên” (tín đồ Đấng Christ)?
19 Bây giờ hội-thánh đầu tiên gồm những người gốc dân ngoại được thành lập (11:19-26). Khi các môn đồ bị tản lạc vì cớ hoạn nạn xảy ra cho Ê-tiên, thì một số người đi đến thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, nổi tiếng là nơi đầy dẫy sự thờ phượng ô uế và luân lý tồi bại. Khi họ nói về tin mừng cho những người ngoại nói tiếng Hy-lạp sống tại đó thì “tay Chúa ở cùng mấy người đó”, và nhiều người trở thành tín đồ. Ba-na-ba và Sau-lơ dạy do ở đó trong vòng một năm, và “ấy là ở thành An-ti-ốt, người ta bắt đầu xưng môn-đồ là Cơ-rê-tiên [tín đồ Đấng Christ]”. Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn sự việc để họ được gọi như thế, bởi vì chữ Hy-lạp khre.ma-ti’zo có nghĩa “bởi Đức Chúa Trời sắp đặt mà được gọi” và Kinh-thánh luôn luôn dùng những chữ này liên quan đến sự việc đến từ Đức Chúa Trời.
20. A-ga-bút nói tiên tri về gì, và hội-thánh An-ti-ốt phản ứng thế nào?
20 Những nhà tiên tri kính sợ Đức Chúa Trời cũng từ thành Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt (11:27-30). Một người trong họ là A-ga-bút “bởi thánh linh” báo cho biết rằng “sẽ có sự đói-kém trên khắp đất”. Lời tiên tri đó ứng nghiệm dưới triều đại hoàng đế La-mã Cơ-lốt (41-54 tây lịch), và sử gia Josephus có nói đến nạn “đói-kém” dữ dội này (Jewish Antiquities, quyển XX [ii, 5]; quyển XX, 101 [v, 2]). Lòng yêu thương thúc đẩy hội-thánh An-ti-ốt gửi tiền đóng góp đến cho các anh em thiếu thốn trong xứ Giu-đê (Giăng 13:35).
Sự bắt bớ thất bại
21. Hê-rốt Ạc-ríp-ba I làm gì nghịch lại Phi-e-rơ, nhưng kết quả là gì?
21 Giai đoạn bình an chấm dứt khi Hê-rốt Ạc-ríp-ba I bất đầu bắt bớ những người kính sợ Đức Giê-hô-va tại thành Giê-ru-sa-lem (12:1-11). Hê-rốt dùng gươm diệt trừ Gia-cơ, có lẽ bằng cách chém đầu sứ đồ này là sứ đồ đầu tiên tử vì đạo. Thấy rằng điều đó vừa lòng dân Do-thái, Hê-rốt bắt Phi-e-rơ bỏ tù. Dường như Phi-e-rơ bị xiềng lại với một người lính mỗi bên trong khi hai người lính khác canh cửa ngục. Hê-rốt định hành quyết ông sau lễ Vượt qua và những ngày ăn bánh không men (14-21 Ni-san), nhưng hội-thánh cầu nguyện cho ông và Đức Chúa Trời nhậm lồi đúng lúc, cũng như ngày nay nhiều khi xảy ra với những lời cầu nguyện của chúng ta vậy. Thiên sứ Đức Chúa Trời đã dùng phép lạ mà giải cứu sứ đồ.
22. Khi Phi-e-rơ đến nhà Ma-ri là mẹ của Mác thì điều gì diễn ra?
22 Phi-e-rơ sáng sớm đến nhà Ma-ri (mẹ của Giăng Mác), dường như là một nơi nhóm họp của tín đồ Đấng Christ (12:12-19). Trong bóng đêm người tớ gái Rô-đơ nhận ra tiếng của Phi-e-rơ nhưng để ông đứng đợi ngoài cửa còn đóng. Mới đầu các môn đồ có lẽ nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ lấy hình dạng của Phi-e-rơ và nói giọng giống của ông. Tuy nhiên, khi họ mở cửa cho Phi-e-rơ vào trong rồi thì ông cho người đi báo cho Gia-cơ và các anh em khác (có lẽ các trưởng lão) biết rằng ông đã được giải cứu. Rồi ông âm thầm ra đi ma không cho biết đi đâu để tránh rước họa cho cả ông lẫn các anh em trong trường hợp bị chất vấn. Hê-rốt tìm Phi-e-rơ mãi mà không ra, và quân lính canh bị phạt, có le ngay cả bị xử tử.
23. Triều vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba I chấm dứt thế nào, và chúng ta có thể từ đó rút tỉa bài học nào?
23 Năm 44 tây lịch, triều vua Hê-rốt, Ạc-ríp-ba I chấm dứt đột ngột tại thành Sê-sa-rê khi ông được 54 tuổi (12:20-25). Ông căm giận dân thành Ty-rơ và dân thành Si-đôn thuộc xứ Phê-ni-si. Họ đưa tiền hối lộ cho đầy tớ ông là Ba-la-tút để xin tổ chức một cuộc hội kiến xin vua giảng hòa. Đến “kỳ [định]” (Cũng là ngày lễ tôn vinh hoàng đế Sê-sa Cơ-lốt), Hê-rốt mặc áo chầu, ngồi trên ngai phán xét, và khởi sự nói giữa dân chúng. Dân chúng hưởng ứng và kêu lên: “Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu!” Liền lúc đó, thiên sứ Đức Giê-hô-va đánh ông “bởi cớ chẳng nhường sự vinh-hiển cho Đức Chúa Trời”. Hê-rốt bị “trùng đục mà chết”. Mong sao gương cảnh tỉnh này thúc đẩy chúng ta tiếp tục bước đi trong sự kính sợ Đức Giê-hô-va, tránh lên mình kiêu ngạo, mà trái lại tôn vinh Ngài về công việc chúng ta làm với tư cách dân sự của Ngài.
24. Một bài kỳ tới sẽ cho thấy gì về sự lớn mạnh?
24 Bất kể sự bắt bớ của Hê-rốt, “đạo Đức Chúa Trời tấn-tới rất nhiều, càng ngày càng tràn thêm ra”. Thật thế, các môn đồ có thể chờ đợi sự lớn mạnh nhiều hơn nữa, như một bài kỳ tới sẽ cho thấy. Tại sao? Bởi vì họ “đi trong đường kính-sợ Chúa [Đức Giê-hô-va]”.
Bạn sẽ trả lời sao?
◻ Ê-tiên tỏ ra thế nào rằng ông kính sợ Đức Giê-hô-va, cũng như nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời đã làm từ đó tới
◻ Sự chết của Ê-tiên đem lại kết quả nào cho công việc rao giảng về Nước Trời, và ngày nay có gì tương đương không?
◻ Kẻ bắt bớ là Sau-lơ người Tạt-sơ làm sao lại trở thành một người kính sợ Đức Giê-hô-va?
◻ Những người ngoại đầu tiên trở thành tín đồ là ai?
◻ Sách Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 12 cho thấy thế nào rằng sự bắt bớ không làm cho những người kính sợ Đức Giê-hô-va ngừng rao giảng?
[Hình nơi trang 8, 9]
Một ánh sáng rạng ngời từ trời chiếu xuống, và một tiếng nói hỏi: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, tại sao ngươi bắt-bớ ta?”