Ba-na-ba—“Con trai của sự yên-ủi”
LẦN CUỐI bạn đã được một người bạn an ủi là khi nào? Bạn có nhớ lần cuối bạn đã an ủi một người nào đó không? Thỉnh thoảng, tất cả chúng ta đều cần được khích lệ và khi có người an ủi chúng ta một cách đầy yêu thương thì chúng ta thật quí trọng biết chừng nào! An ủi bao hàm việc dành ra thì giờ để lắng nghe, thông cảm và giúp đỡ. Bạn có sẵn sàng làm điều đó không?
Một người nêu gương mẫu về việc bày tỏ tinh thần sẵn sàng như vậy là Ba-na-ba, ông “thật là người lành, đầy-dẫy Thánh-Linh và đức-tin” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:24). Tại sao có thể nói về Ba-na-ba như thế? Ông đã làm gì để xứng đáng với lời miêu tả này?
Một người giúp đỡ rộng lượng
Tên thật của ông là Giô-sép, nhưng các sứ đồ đặt cho ông một biệt hiệu rất thích hợp với tính tình của ông—đó là Ba-na-ba, có nghĩa “con trai của sự yên-ủi”a (Công-vụ các Sứ-đồ 4:36). Hội thánh đấng Christ chỉ mới được thành lập trước đó không lâu. Một số người cho rằng Ba-na-ba đã là một trong những môn đồ của Chúa Giê-su trước đó rồi (Lu-ca 10:1, 2). Dù có thật như vậy hay không, người này đã tạo được tiếng tốt cho mình.
Ít lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Ba-na-ba, vốn là một người Lê-vi sống ở Chíp-rơ, tình nguyện bán đi một miếng đất và đem tiền đến biếu các sứ đồ. Tại sao ông làm điều đó? Lời tường thuật nơi Công-vụ các Sứ-đồ nói cho chúng ta biết rằng trong vòng tín đồ đấng Christ tại thành Giê-ru-sa-lem vào lúc ấy, có lệ “tùy theo sự cần-dùng của mỗi người mà phát cho”. Hiển nhiên Ba-na-ba thấy có nhu cầu và ông nhiệt thành giúp đỡ (Công-vụ các Sứ-đồ 4:34-37). Có thể ông là một người giàu có, nhưng ông không ngần ngại hiến dâng của cải vật chất và chính mình để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời.b Học giả F. F. Bruce nhận xét: “Bất luận nơi nào Ba-na-ba tìm thấy ai hoặc tình thế nào cần sự khích lệ, ông làm hết lòng”. Ta thấy rõ điều này qua câu chuyện thứ hai liên quan đến ông.
Khoảng năm 36 CN, Sau-lơ ở Tạt-sơ (sau này là sứ đồ Phao-lô), lúc bấy giờ đã trở thành tín đồ đấng Christ, tìm cách liên lạc với hội thánh Giê-ru-sa-lem, “nhưng hết thảy đều nghi-sợ người, không tin là môn-đồ”. Làm sao ông có thể thuyết phục hội thánh tin rằng ông thật sự cải đạo chứ không mưu mẹo để phá hoại hội thánh thêm nữa? “Ba-na-ba bèn đem người đi, đưa đến các sứ-đồ” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:26, 27; Ga-la-ti 1:13, 18, 19).
Kinh-thánh không nói tại sao Ba-na-ba tin Sau-lơ. Dù sao, “con trai của sự yên-ủi” sống xứng danh bằng cách lắng nghe và giúp Sau-lơ ra khỏi một tình thế dường như vô vọng. Dù sau đó Sau-lơ trở lại nguyên quán ở đất Tạt-sơ, hai người đã trở thành bạn. Trong những năm về sau, tình bạn đó dẫn đến những thành quả quan trọng (Công-vụ các Sứ-đồ 9:30).
Tại An-ti-ốt
Vào khoảng năm 45 CN, ở Giê-ru-sa-lem người ta hay tin rằng tại An-ti-ốt xứ Sy-ri có một diễn biến khác thường—nhiều người nói tiếng Hy Lạp của thành ấy đã trở thành người tin đạo. Hội thánh phái Ba-na-ba đến để điều tra sự việc và tổ chức công việc ở đó. Thật là một sự chọn lựa hết sức khôn ngoan. Lu-ca nói: “Khi người đến nơi và thấy ơn Đức Chúa Trời, bèn vui-mừng và khuyên mọi người phải cứ vững lòng theo Chúa; vì Ba-na-ba thật là người lành, đầy-dẫy Thánh-Linh và đức-tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:22-24).
Ông không chỉ làm có thế. Theo học giả Giuseppe Ricciotti, “Ba-na-ba là người có đầu óc thực tế và ông hiểu ngay là cần phải hành động hầu đảm bảo cho tình trạng đầy hứa hẹn được nhiều kết quả sau này. Do đó, nhu cầu trước tiên là con gặt”. Là người gốc Chíp-rơ, Ba-na-ba có thể quen giao thiệp với Dân Ngoại. Ông có thể đặc biệt cảm thấy mình có khả năng rao giảng cho người ngoại. Nhưng ông sẵn sàng kêu gọi người khác phụ giúp một tay trong công việc hào hứng và đầy khích lệ này.
Ba-na-ba nghĩ đến Sau-lơ. Rất có thể Ba-na-ba biết đến việc Chúa tiết lộ cho A-na-nia vào lúc Sau-lơ cải đạo; đó là kẻ trước kia bắt bớ hội thánh là ‘một đồ-dùng để đem danh Chúa Jêsus đồn ra trước mặt các dân ngoại’ (Công-vụ các Sứ-đồ 9:15). Vậy Ba-na-ba lên đường đi Tạt-sơ—một cuộc hành trình một chiều khoảng 200 kilômét—để tìm Sau-lơ. Hai người cộng tác với nhau trọn một năm, và “ấy là ở thành An-ti-ốt mà trước tiên các môn đồ được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu là tín đồ đấng Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:25, 26, NW).
Dưới triều vua Cơ-lốt, có một nạn đói trầm trọng xảy ra ở nhiều nơi trong Đế Quốc La Mã. Theo sử gia Josephus, tại thành Giê-ru-sa-lem “nhiều người chết đói vì thiếu thức ăn”. Bởi vậy, các môn đồ tại An-ti-ốt “bèn định, mỗi người tùy sức riêng mình, gởi một món tiền bố-thí cho anh em ở trong xứ Giu-đê; môn-đồ cũng làm thành việc đó; nhờ tay Ba-na-ba và Sau-lơ, gởi tiền ấy cho các trưởng-lão”. Sau khi hoàn thành sứ mạng đó, hai người cùng Giăng Mác trở lại An-ti-ốt, nơi mà họ được liệt vào hàng những người tiên tri và giáo sư của hội thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 11:29, 30; 12:25; 13:1).
Một nhiệm vụ làm giáo sĩ đặc biệt
Rồi có một biến cố phi thường xảy ra. “Đương khi môn-đồ thờ-phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh-Linh phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công-việc ta đã gọi làm”. Hãy thử nghĩ! Thánh linh Đức Giê-hô-va bảo giao cho hai người này một nhiệm vụ đặc biệt. “Vậy, Sau-lơ và Ba-na-ba đã chịu Đức Thánh-Linh sai đi, bèn xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ”. Ba-na-ba cũng có thể được gọi một cách đúng lý mà một sứ đồ, tức người được phái đi (Công-vụ các Sứ-đồ 13:2, 4; 14:14).
Sau khi đi khắp đảo Chíp-rơ và cải đạo quan trấn thủ hải đảo La Mã tên là Sê-giút Phau-lút, họ lên đường đi Bẹt-giê, thuộc miền duyên hải phía nam Tiểu Á, nơi mà Giăng Mác rút lui và quay về thành Giê-ru-sa-lem (Công-vụ các Sứ-đồ 13:13). Dường như cho đến lúc đó Ba-na-ba dẫn đầu, có lẽ vì là người có nhiều kinh nghiệm hơn. Từ đó về sau, thì chính Sau-lơ (nay được gọi là Phao-lô) là người dẫn đầu. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 13:7, 13, 16; 15:2). Ba-na-ba có bị mếch lòng vì sự thay đổi này không? Không, ông là một tín đồ đấng Christ thành thục biết khiêm nhường nhận biết rằng Đức Giê-hô-va cũng dùng bạn đồng hành của ông một cách hữu hiệu. Qua trung gian hai người, Đức Giê-hô-va vẫn còn muốn những khu vực khác được nghe tin mừng.
Thật thế, trước khi hai người bị đuổi ra khỏi thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, cả vùng đó được nghe Phao-lô và Ba-na-ba giảng lời Đức Chúa Trời, và một số người đã chấp nhận thông điệp (Công-vụ các Sứ-đồ 13:43, 48-52). Tại Y-cô-ni, “có rất nhiều người Giu-đa và người Gờ-réc tin theo”. Điều này thúc đẩy Phao-lô và Ba-na-ba lưu lại khá lâu ở đó, họ “đầy-dẫy sự bạo-dạn và đức-tin trong Chúa, và Chúa dùng tay của hai sứ-đồ làm những phép lạ dấu kỳ”. Khi nghe thấy người ta âm mưu ném đá mình, hai người đã khôn ngoan lánh đi và tiếp tục rao giảng tại Ly-cao-ni, Lít-trơ và Đẹt-bơ. Bất kể những kinh nghiệm đe dọa mạng sống của họ tại Ly-cao-ni, cả Ba-na-ba và Phao-lô tiếp tục “giục các môn-đồ vững lòng, khuyên phải bền-đổ trong đức-tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó-khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:1-7, 19-22).
Hai người rao giảng mạnh dạn này không hề sợ sệt. Trái lại, họ trở lại xây dựng các tín đồ mới của đấng Christ tại những nơi mà trước đó họ đã bị sự chống đối kịch liệt, rất có thể giúp những anh có khả năng làm người dẫn đầu các hội thánh mới thành lập.
Vấn đề cắt bì
Khoảng 16 năm sau ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Ba-na-ba có liên hệ đến một vụ có tầm quan trọng lịch sử liên quan đến sự cắt bì. “Có mấy người từ xứ Giu-đê đến [An-ti-ốt thuộc Sy-ri], dạy các anh em rằng: Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt-bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu-rỗi”. Qua kinh nghiệm, Ba-na-ba và Phao-lô đã biết được là không phải như vậy, nên tranh luận về điểm này. Thay vì cậy quyền, họ công nhận rằng đó là một vấn đề cần phải được giải quyết vì quyền lợi của cả hiệp hội anh em. Vì thế họ trình vấn đề lên hội đồng lãnh đạo trung ương tại Giê-ru-sa-lem, nơi mà các phúc trình của họ giúp quyết định vấn đề này. Sau đó, Phao-lô và Ba-na-ba, được miêu tả là “kẻ rất yêu-dấu... vốn đã liều thân vì danh Đức Chúa Jêsus-Christ là Chúa chúng ta”, có mặt trong số những người được chỉ định để truyền đạt quyết định này cho anh em tại An-ti-ốt. Khi nghe đọc xong lá thư đến từ hội đồng lãnh đạo trung ương và nghe các bài giảng, hội thánh “thảy đều mừng-rỡ vì được lời yên-ủi” và ‘giục lòng mạnh-mẽ’ (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2, 4, 25-32).
“Sự cãi-lẫy nhau dữ-dội”
Sau rất nhiều lời tường thuật tích cực về ông, chúng ta có thể cảm thấy rằng chúng ta không thể đạt được gương của Ba-na-ba. Thế nhưng, “con trai của sự yên-ủi” là người bất toàn như tất cả chúng ta vậy. Khi ông và Phao-lô chuẩn bị cho chuyến truyền giáo lần thứ hai để thăm viếng các hội thánh, có một sự bất đồng ý kiến. Ba-na-ba nhất định dẫn theo Giăng Mác là anh em họ với mình, nhưng Phao-lô nghĩ là không nên vì Giăng Mác đã bỏ họ giữa chừng trong chuyến truyền giáo đầu tiên. Thế là có “sự cãi-lẫy nhau dữ-dội, đến nỗi hai người phân-rẽ nhau, và Ba-na-ba đem Mác cùng xuống thuyền vượt qua đảo Chíp-rơ”, còn “Phao-lô, sau khi đã chọn Si-la... thì khởi đi” hướng khác (Công-vụ các Sứ-đồ 15:36-40).
Thật đáng buồn làm sao! Dù vậy, sự kiện này cũng cho chúng ta biết thêm về nhân cách của Ba-na-ba. Một học giả nói: “Việc Ba-na-ba sẵn sàng đánh liều và đặt hết lòng tin cậy nơi Mác lần thứ hai đã tạo thêm uy tín cho ông”. Văn sĩ này cho rằng có thể là nhờ “Ba-na-ba tin cậy nơi Mác mà đã giúp Mác lấy lại lòng tự tin và điều này khích lệ Mác giữ sự cam kết lúc trước”. Rốt cuộc, lòng tin cậy ấy đã tỏ ra hoàn toàn được minh chứng, vì ngay cả Phao-lô cuối cùng cũng đã công nhận Mác là người hữu dụng trong công việc của đấng Christ. (II Ti-mô-thê 4:11; so sánh Cô-lô-se 4:10).
Gương của Ba-na-ba có thể khích lệ chúng ta dành thì giờ để lắng nghe, thông cảm và khuyến khích những người bị nản chí và cung cấp sự giúp đỡ thực tế bất luận khi nào chúng ta thấy cần. Câu chuyện về tính sẵn sàng phục vụ anh em của ông với lòng mềm mại và can đảm, cũng như thành quả tốt của điều này, tự nó là một niềm khích lệ lớn. Thật là một ân phước khi có được những người giống như Ba-na-ba trong hội thánh của chúng ta ngày nay!
[Chú thích]
a Việc gọi ai là “con trai của” một đức tính nào đó nhấn mạnh một đặc tính phi thường. (Xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:18, NW, cước chú). Trong thế kỷ thứ nhất, người ta thường dùng tên đặt thêm của một người để gợi chú ý đến các đức tính của người đó. (So sánh Mác 3:17). Đó là điều công chúng thừa nhận.
b Chiếu theo Luật Môi-se, một số người tự hỏi làm sao Ba-na-ba có đất ruộng được vì ông là một người Lê-vi (Dân-số Ký 18:20). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lời tường thuật không cho biết rõ đất ấy nằm ở Pha-lê-tin hay ở Chíp-rơ. Ngoài ra, có thể đó chỉ là một thửa đất để chôn cất người chết mà Ba-na-ba đã mua trong vùng Giê-ru-sa-lem. Dù sao đi nữa, Ba-na-ba đã bán đất đai của mình để giúp người khác.
[Hình nơi trang 23]
Ba-na-ba “thật là người lành, đầy-dẫy Thánh-Linh và đức-tin”