‘Hãy khóc với người đang khóc’
“Hãy tiếp tục khích lệ nhau và giúp nhau vững mạnh”.—1 TÊ 5:11.
1, 2. Tại sao chúng ta cần thảo luận về cách an ủi người đau buồn? (Xem hình nơi đầu bài).
Chị Susi nói: “Sau khi con trai qua đời, vợ chồng tôi thấy vô cùng đau khổ trong gần một năm”. Một tín đồ khác nói rằng sau khi vợ chết đột ngột, anh trải qua “nỗi đau về thể xác không sao diễn tả được”. Đáng buồn là rất nhiều người khác cũng trải qua nỗi đau như vậy. Nhiều người trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô có thể không nghĩ đến việc người thân yêu chết trước Ha-ma-ghê-đôn. Dù có người thân yêu qua đời hoặc biết ai đó mất người thân, có lẽ chúng ta thắc mắc: “Làm thế nào những người đau buồn được giúp để đương đầu với nỗi đau?”.
2 Có lẽ anh chị từng nghe người ta nói: “Thời gian chữa lành tất cả”. Tuy nhiên, có thật là tự thời gian chữa lành tấm lòng tan vỡ không? Một góa phụ nhận xét: “Tôi thấy chính việc dùng thì giờ của mình mới giúp chữa lành nỗi đau”. Thật vậy, như vết thương thể xác, vết thương tinh thần có thể lành trở lại nếu được dịu dàng chăm sóc. Cụ thể là điều gì có thể giúp những người đau buồn chữa lành vết thương tinh thần?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA—“ĐỨC CHÚA TRỜI BAN MỌI SỰ AN ỦI”
3, 4. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va hiểu người đau buồn cần được an ủi?
3 Chắc chắn, nguồn an ủi chính yếu là Cha trên trời giàu lòng trắc ẩn của chúng ta, Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4). Đức Giê-hô-va, gương mẫu xuất sắc nhất về sự thấu cảm, đảm bảo với dân ngài: “Chính ta là đấng an ủi các con”.—Ê-sai 51:12; Thi 119:50, 52, 76.
4 Chính Cha đầy lòng thương xót của chúng ta đã trải qua nỗi đau mất người thân yêu như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Môi-se và vua Đa-vít (Dân 12:6-8; Mat 22:31, 32; Công 13:22). Lời Đức Giê-hô-va đảm bảo với chúng ta rằng ngài tha thiết trông mong thời điểm sẽ làm họ sống lại (Gióp 14:14, 15). Lúc đó, họ sẽ hạnh phúc và có sức khỏe dồi dào. Cũng hãy nghĩ đến Con yêu dấu của Đức Chúa Trời, người “được ngài đặc biệt quý mến”, đã chết trong đau đớn (Châm 8:22, 30). Không lời nào diễn tả được nỗi đau mà Đức Giê-hô-va phải chịu.—Giăng 5:20; 10:17.
5, 6. Chúng ta được Đức Giê-hô-va an ủi như thế nào?
5 Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hành động vì lợi ích của chúng ta. Vì thế, chúng ta không nên ngần ngại giãi bày nỗi đau cho ngài qua lời cầu nguyện. Thật an ủi khi biết Đức Giê-hô-va hiểu nỗi đau của chúng ta, và cung cấp sự an ủi mà chúng ta rất cần! Nhưng ngài làm thế bằng cách nào?
6 Một cách Đức Chúa Trời giúp chúng ta là qua “sự an ủi của thần khí thánh” (Công 9:31). Lực đang hoạt động của ngài là nguồn an ủi rất hiệu nghiệm. Chúa Giê-su hứa rằng Cha trên trời sẽ “ban thần khí thánh cho những người cầu xin ngài” (Lu 11:13). Chị Susi, người được trích lời ở trên, nói: “Có rất nhiều lần chúng tôi quỳ xuống nài xin Đức Giê-hô-va an ủi mình. Mỗi lần như thế, sự bình an của Đức Chúa Trời thật sự bảo vệ lòng và trí chúng tôi”.—Đọc Phi-líp 4:6, 7.
CHÚA GIÊ-SU—THẦY TẾ LỄ THƯỢNG PHẨM CÓ LÒNG THẤU CẢM
7, 8. Tại sao có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su sẽ an ủi chúng ta?
7 Lòng thấu cảm dịu dàng của Đức Giê-hô-va được thể hiện hoàn hảo qua lời nói và hành động của người Con giàu lòng trắc ẩn là Chúa Giê-su, khi ở trên đất (Giăng 5:19). Chúa Giê-su được phái đến để an ủi “người có lòng tan vỡ” và “hết thảy người than khóc” (Ê-sai 61:1, 2; Lu 4:17-21). Vì thế, ngài nổi tiếng là người có lòng trắc ẩn sâu xa, tức thấu cảm trước nỗi đau của người khác và thật lòng muốn xoa dịu nỗi đau của họ.—Hê 2:17.
8 Khi còn trẻ, hẳn Chúa Giê-su đã phải đương đầu với nỗi đau mất người thân và bạn bè. Dường như Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-su, qua đời khi ngài còn khá trẻ.a Có lẽ lúc đó Chúa Giê-su chỉ là thiếu niên hoặc ngoài 20 tuổi, ngài cũng là người giàu lòng quan tâm. Hãy hình dung ngài phải đương đầu với nỗi đau của chính mình, cũng như giúp mẹ và các em làm thế.
9. Chúa Giê-su tỏ ra thấu cảm thế nào khi La-xa-rơ qua đời?
9 Khi thi hành thánh chức, Chúa Giê-su cho thấy ngài rất thấu hiểu và đồng cảm. Chẳng hạn, hãy xem thời điểm mà bạn yêu dấu của ngài là La-xa-rơ qua đời. Dù Chúa Giê-su biết ngài sẽ làm cho La-xa-rơ sống lại, nhưng ngài vẫn cảm nhận được nỗi đau đang đè nặng trên Ma-ri và Ma-thê. Vì xúc động nên sự đồng cảm dâng trào trong lòng ngài, khiến ngài vô cùng đau xót và khóc.—Giăng 11:33-36.
10. Tại sao có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su thấu cảm với nỗi đau của chúng ta?
10 Những lời miêu tả về sự thấu cảm và an ủi của Chúa Giê-su giúp chúng ta ra sao vào thời nay? Kinh Thánh đảm bảo rằng “Chúa Giê-su Ki-tô hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời không hề thay đổi” (Hê 13:8). Vì “Đấng Lãnh Đạo Chính của sự sống” hiểu cảm giác đau buồn là thế nào, nên “ngài có thể giúp những người đang bị thử thách” (Công 3:15; Hê 2:10, 18). Do đó, chúng ta có thể tin chắc rằng Đấng Ki-tô tiếp tục xúc động trước nỗi đau của người khác, ngài thấu hiểu và an ủi họ “vào đúng lúc”.—Đọc Hê-bơ-rơ 4:15, 16.
“SỰ AN ỦI ĐẾN TỪ KINH THÁNH”
11. Những câu Kinh Thánh nào đặc biệt an ủi anh chị?
11 Lời tường thuật về nỗi đau buồn sâu xa của Chúa Giê-su vào lúc La-xa-rơ qua đời chỉ là một trong nhiều câu Kinh Thánh an ủi được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời. Chắc chắn, “hết thảy những điều được viết từ trước đều để chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng” (Rô 15:4). Nếu đang đau buồn do mất người thân, anh chị cũng có thể được xoa dịu và an ủi từ những câu Kinh Thánh sau:
“Đức Giê-hô-va kề bên người có tấm lòng tan vỡ, giải cứu người có tâm can giày vò”.—Thi 34:18, 19.
“Khi bao âu lo tràn ngập trong con, ngài [Đức Giê-hô-va] đã ủi an và xoa dịu con”.—Thi 94:19.
“Nguyện xin chính Chúa Giê-su Ki-tô cùng Đức Chúa Trời là Cha, đấng đã yêu thương chúng ta và ban sự an ủi mãi mãi cùng niềm hy vọng tốt lành bởi lòng nhân từ bao la, an ủi lòng anh em và củng cố anh em”.—2 Tê 2:16, 17.b
HỘI THÁNH—NGUỒN AN ỦI LỚN
12. Một cách quan trọng để an ủi người khác là gì?
12 Một nguồn an ủi khác cho người đau buồn là hội thánh đạo Đấng Ki-tô. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Làm thế nào anh chị có thể củng cố và an ủi những người có “tinh thần suy sụp”? (Châm 17:22). Hãy nhớ rằng “có kỳ im lặng, có kỳ nói ra” (Truyền 3:7). Một góa phụ tên là Dalene giải thích: “Những người đau buồn cần giãi bày suy nghĩ và cảm xúc. Vì thế, điều quan trọng nhất anh chị có thể làm cho họ là lắng nghe mà không ngắt lời”. Chị Junia có một anh trai đã tự vẫn cho biết: “Cho dù không hiểu hết nỗi đau của họ, nhưng quan trọng là anh chị muốn hiểu cảm xúc của họ”.
13. Về nỗi đau mất người thân, chúng ta cần nhớ điều gì?
13 Cũng hãy nhớ rằng không phải mọi người đều trải qua và biểu lộ nỗi đau buồn cùng một cách. Đôi khi, một người hiểu thấu nỗi đau của mình nhưng khó nói ra những cảm xúc thầm kín. Lời Đức Chúa Trời nói: “Nỗi cay đắng của lòng, chỉ riêng lòng mình biết rõ; niềm vui mừng của lòng, người ngoài không thể sẻ chia” (Châm 14:10). Ngay cả khi một người giãi bày cảm xúc, thì không luôn dễ để người khác hiểu điều người ấy muốn nói.
14. Làm thế nào chúng ta có thể nói những lời an ủi với người mất người thân?
14 Vì thế, nếu một người không biết nói gì với người đang chìm ngập trong nỗi đau thì cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “Lưỡi người khôn ngoan là phương thuốc chữa lành” (Châm 12:18). Nhiều người tìm được những ý tưởng an ủi để chia sẻ từ sách mỏng Khi một người thân yêu qua đời.c Nhưng thường thì điều hữu ích nhất mà anh chị có thể làm là “khóc với người đang khóc” (Rô 12:15). Chị Gaby, có chồng đã qua đời, thừa nhận: “Nước mắt đã trở thành ngôn ngữ của lòng tôi. Vì thế, tôi cảm thấy an ủi phần nào khi bạn bè cùng khóc với tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy bớt đơn độc khi đương đầu với nỗi đau”.
15. Nếu thấy khó an ủi trực tiếp, chúng ta có thể làm gì? (Cũng xem khung “Những lời an ủi dịu dàng”).
15 Nếu thấy khó an ủi trực tiếp, thì sẽ dễ hơn khi anh chị gửi cho họ một tấm thiệp chia buồn, một e-mail, tin nhắn hoặc lá thư. Có thể anh chị chỉ cần trích một câu Kinh Thánh an ủi, nhắc lại một số đức tính hay đặc điểm đáng nhớ của người đã khuất, hoặc chia sẻ một kỷ niệm vui mà mình trân trọng. Chị Junia nói: “Tin nhắn khích lệ hoặc lời mời kết hợp với anh em đồng đạo giúp tôi nhiều đến mức không sao diễn tả được. Những lời như thế khiến tôi cảm thấy được yêu thương và quan tâm”.
16. Một cách đặc biệt hữu hiệu để an ủi người đau buồn là gì?
16 Đừng xem nhẹ lợi ích của việc cầu nguyện cùng anh em đau buồn và cầu nguyện cho họ. Dù khó giãi bày suy nghĩ qua lời cầu nguyện trong tình cảnh đầy cảm xúc như thế, nhưng lời nài xin chân thành của chúng ta, thậm chí trong nước mắt và với giọng nghẹn ngào, cũng có thể là phương thuốc hiệu nghiệm xoa dịu nỗi đau buồn. Chị Dalene kể: “Thỉnh thoảng khi các chị đến an ủi, tôi hỏi họ có muốn dâng lời cầu nguyện không. Họ bắt đầu cầu nguyện, thường lúc đầu rất khó nhưng lần nào cũng vậy, chỉ sau vài câu là giọng họ mạnh mẽ hơn và lời cầu nguyện rất chân thành. Đức tin mạnh mẽ, tình yêu thương và lòng quan tâm của họ đã củng cố đức tin của tôi rất nhiều”.
HÃY TIẾP TỤC AN ỦI
17-19. Tại sao người đau buồn cần được tiếp tục an ủi?
17 Mỗi người trải qua quá trình đau buồn khác nhau. Vì thế, hãy ở bên họ không chỉ trong những ngày đầu khi bạn bè và bà con có mặt, mà còn trong nhiều tháng khi người khác đã trở lại công việc thường ngày. “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ” (Châm 17:17). Anh em đồng đạo có thể là nguồn an ủi lớn đối với một người trong suốt giai đoạn đau buồn của người ấy.—Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7.
18 Hãy nhớ rằng những cảm xúc đau buồn có thể trở lại. Chẳng hạn, dịp kỷ niệm ngày cưới, một bản nhạc, một bức ảnh, hoạt động nào đó, ngay cả một mùi đặc biệt, âm thanh hoặc mùa nào đó trong năm có thể khiến người ấy nhớ về người đã khuất. Có nhiều điều mà lần đầu tiên họ làm một mình sau khi mất bạn đời, như dự hội nghị hoặc Lễ Tưởng Niệm, nên đó có thể là lúc đặc biệt đau buồn. Một anh kể: “Tôi biết trước là mình sẽ rất đau buồn khi lần đầu trải qua dịp kỷ niệm ngày cưới một mình, và điều đó thật không dễ dàng. Tuy nhiên, vài anh chị sắp xếp một buổi họp mặt nhỏ gồm những người bạn thân nhất của tôi để tôi không cảm thấy đơn độc”.
19 Nhưng hãy nhớ rằng người đau buồn cần được khích lệ không chỉ vào những dịp đặc biệt ấy. Chị Junia giải thích: “Thường thì việc người khác giúp đỡ và đến kết hợp với tôi vào ngày không phải dịp đặc biệt có thể giúp ích rất nhiều. Những dịp tự nhiên như thế rất quý giá và an ủi”. Đành rằng chúng ta không thể xóa bỏ nỗi đau hoặc lấp hết sự trống trải của người mất người thân, nhưng chúng ta có thể an ủi họ phần nào qua những hành động thiết thực (1 Giăng 3:18). Chị Gaby kể: “Tôi vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì các trưởng lão đã yêu thương nâng đỡ tôi trong lúc đau buồn do mất người thân. Họ thật sự làm tôi cảm nhận được cánh tay yêu thương của Đức Giê-hô-va bao bọc tôi”.
20. Tại sao các lời hứa của Đức Giê-hô-va là nguồn an ủi lớn?
20 Thật an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi, sẽ xóa bỏ hết đau buồn và cung cấp sự an ủi lâu dài khi “mọi người trong mồ tưởng niệm nghe tiếng [Đấng Ki-tô] và ra khỏi”! (Giăng 5:28, 29). Đức Chúa Trời hứa rằng “ngài sẽ nuốt sự chết đến muôn đời, Chúa Tối Thượng Giê-hô-va sẽ lau nước mắt trên mọi mặt” (Ê-sai 25:8). Khi đó, thay vì phải “khóc với người đang khóc”, mọi cư dân trên đất sẽ “vui với người đang vui”.—Rô 12:15.
a Lần cuối cùng Giô-sép được đề cập là lúc Chúa Giê-su 12 tuổi. Khi Chúa Giê-su thực hiện phép lạ đầu tiên là biến nước thành rượu thì Giô-sép không được nhắc đến, và từ đó về sau cũng vậy. Khi bị treo trên cây khổ hình, Chúa Giê-su giao mẹ mình là Ma-ri cho sứ đồ Giăng chăm sóc, và ngài hẳn sẽ không làm vậy nếu Giô-sép còn sống.—Giăng 19:26, 27.
b Những câu Kinh Thánh khác mà nhiều người tìm được sự an ủi là Thi thiên 20:1, 2; 31:7; 38:8, 9, 15; 55:22; 121:1, 2; Ê-sai 57:15; 66:13; Phi-líp 4:13 và 1 Phi-e-rơ 5:7.
c Cũng xem bài “An ủi người mất người thân, như Chúa Giê-su làm” trong Tháp Canh ngày 1-11-2010.