CHƯƠNG 10
“Lời Đức Giê-hô-va ngày càng lan rộng”
Phi-e-rơ được giải cứu, sự bắt bớ không thể ngăn cản việc phổ biến tin mừng
Dựa trên Công vụ 12:1-25
1-4. Phi-e-rơ đối mặt với hoàn cảnh khó khăn nào, và anh chị sẽ cảm thấy ra sao nếu ở trong hoàn cảnh đó?
“Rầm!”, cánh cổng sắt đồ sộ đóng sập sau lưng Phi-e-rơ. Ông bị xiềng giữa hai người lính La Mã và giải vào phòng giam. Rồi ông phải chờ hàng giờ hoặc có lẽ vài ngày, để biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình. Chẳng có gì để ông nhìn, ngoài các bức tường, song sắt, xiềng xích và lính canh.
2 Cuối cùng, ông nhận được tin đáng sợ. Vua Hê-rốt A-ríp-ba I nhất định xử tử Phi-e-rơ.a Thật thế, Phi-e-rơ sẽ bị đưa ra trước dân chúng sau Lễ Vượt Qua, án tử hình dành cho ông là món quà khiến đoàn dân vui thích. Đây không phải là lời đe dọa suông. Mới đây, một sứ đồ như Phi-e-rơ là Gia-cơ cũng bị chính vị vua này xử tử.
3 Đó là đêm trước giờ hành hình. Phi-e-rơ suy nghĩ gì trong phòng giam ảm đạm ấy? Có phải ông đang nhớ lại rằng nhiều năm trước Chúa Giê-su đã tiết lộ sẽ có ngày ông bị trói giải đi và bị giết không? (Giăng 21:18, 19). Có lẽ Phi-e-rơ tự hỏi phải chăng giờ phút ấy đã đến.
4 Nếu ở trong hoàn cảnh của Phi-e-rơ, anh chị cảm thấy thế nào? Nhiều người sẽ thất vọng, nghĩ rằng chẳng còn hy vọng gì nữa. Tuy nhiên, đối với một môn đồ chân chính của Chúa Giê-su Ki-tô, có hoàn cảnh nào thật sự tuyệt vọng không? Chúng ta có thể học được gì về cách Phi-e-rơ và anh em đồng đạo của ông phản ứng khi bị bắt bớ? Chúng ta hãy xem.
“Hội thánh khẩn thiết cầu nguyện” (Công vụ 12:1-5)
5, 6. (a) Tại sao vua Hê-rốt A-ríp-ba I tấn công hội thánh đạo Đấng Ki-tô, và bằng cách nào? (b) Tại sao cái chết của Gia-cơ là một thử thách đối với hội thánh?
5 Như đã học trong chương trước, sự cải đạo của Cọt-nây cùng gia quyến thuộc dân ngoại là một tiến triển đầy hào hứng đối với hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Tuy nhiên, những người Do Thái không tin đạo hẳn rất bàng hoàng khi biết nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô gốc Do Thái giờ đây tự do cùng thờ phượng với những người không thuộc dân Do Thái.
6 Hê-rốt, một nhà chính trị xảo quyệt, thấy đây là cơ hội để lấy lòng dân Do Thái nên ông bắt đầu ngược đãi tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Chắc hẳn ông được biết sứ đồ Gia-cơ rất gần gũi với Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế, Hê-rốt “đã sai người dùng gươm giết Gia-cơ, anh của Giăng” (Công 12:2). Thật là một thử thách đối với hội thánh! Gia-cơ là một trong ba người chứng kiến sự biến hình của Chúa Giê-su cũng như các phép lạ khác mà những sứ đồ còn lại không được thấy (Mat 17:1, 2; Mác 5:37-42). Chúa Giê-su từng gọi hai anh em Gia-cơ và Giăng là “các con trai của sấm sét” vì nhiệt huyết của họ (Mác 3:17). Thế là hội thánh mất đi một nhân chứng dũng cảm và trung thành, sứ đồ yêu dấu.
7, 8. Hội thánh phản ứng ra sao khi Phi-e-rơ bị tù?
7 Việc xử tử Gia-cơ đã khiến dân Do Thái vui lòng, đúng như A-ríp-ba mong đợi. Được nước làm tới, ông bắt tiếp Phi-e-rơ. Như miêu tả ở đầu chương, ông cho bắt giam Phi-e-rơ. Tuy nhiên, có lẽ A-ríp-ba nhớ rằng nhà tù không phải lúc nào cũng giam cầm được các sứ đồ, như đã thấy nơi chương 5 của sách này. Không để sơ hở, Hê-rốt cho xiềng Phi-e-rơ giữa 2 lính canh, với 16 lính thay phiên canh giữ ngày đêm để đảm bảo sứ đồ này không trốn được. Nếu Phi-e-rơ trốn thoát, toán lính ấy sẽ phải chịu án phạt dành cho ông. Vậy, anh em đồng đạo của Phi-e-rơ có thể làm gì trước những tình huống đáng sợ đó?
8 Hội thánh biết rõ điều phải làm. Công vụ 12:5 nói: “Thế là Phi-e-rơ bị cầm tù, nhưng hội thánh khẩn thiết cầu nguyện Đức Chúa Trời cho ông”. Đúng vậy, lời cầu nguyện của họ cho người anh em yêu dấu rất khẩn thiết và đến từ đáy lòng. Cái chết của Gia-cơ không khiến họ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, cũng không khiến họ xem những lời cầu nguyện là vô giá trị. Chúng rất có ý nghĩa đối với Đức Giê-hô-va, và nếu phù hợp với ý ngài thì ngài sẽ đáp lời (Hê 13:18, 19; Gia 5:16). Đây là bài học mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay muốn ghi nhớ.
9. Chúng ta học được gì từ gương các anh em đồng đạo của Phi-e-rơ trong việc cầu nguyện?
9 Anh chị có biết anh em đồng đạo nào đang gặp phải thử thách không? Có lẽ họ đang chịu đựng sự ngược đãi, bị chính quyền cấm đoán hoặc thiên tai. Chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện cho họ. Có thể anh chị cũng biết một số anh em đang trải qua những khó khăn mà ít người nhận thấy, như vấn đề gia đình, sự nản lòng hoặc thử thách nào đó về đức tin. Nếu suy ngẫm trước khi cầu nguyện, anh chị có thể nhớ đến một số người nào đó rồi nhắc đến tên họ khi nói chuyện với Đức Giê-hô-va, “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi 65:2). Suy cho cùng, chính anh chị cũng cần anh em làm thế nếu mình rơi vào trường hợp khó khăn.
‘Hãy đi theo tôi’ (Công vụ 12:6-11)
10, 11. Hãy miêu tả cách thiên sứ của Đức Giê-hô-va giải cứu Phi-e-rơ khỏi tù.
10 Phi-e-rơ có lo lắng về mối hiểm nguy mà ông đương đầu không? Chúng ta không thể biết chắc, nhưng vào đêm cuối ở trong tù, ông nằm ngủ say giữa hai người lính đang thức canh. Người đàn ông đầy đức tin này chắc chắn biết rằng bất kể điều gì xảy ra vào ngày mai, ông sẽ an toàn đối với Đức Giê-hô-va (Rô 14:7, 8). Dù sao, Phi-e-rơ cũng không thể biết trước những chuyện kỳ lạ sắp xảy ra. Thình lình, ánh sáng chói lòa chiếu khắp phòng giam. Một thiên sứ hiện ra, nhưng hình như các lính canh không nhìn thấy, nhanh chóng đánh thức Phi-e-rơ. Và những sợi xích dường như không thể đứt trên tay ông tự động rớt xuống!
11 Thiên sứ truyền cho Phi-e-rơ một loạt mệnh lệnh ngắn gọn: “Dậy mau!... Hãy mặc áo và mang giày vào... Hãy khoác áo ngoài vào”. Phi-e-rơ nhanh chóng làm theo. Cuối cùng thiên sứ bảo: ‘Hãy đi theo tôi’, Phi-e-rơ bèn đi theo. Họ rời ngục, đi qua ngay trước mặt các toán lính canh bên ngoài, âm thầm tiến đến cánh cổng sắt đồ sộ. Làm sao qua được đây? Nếu có nghĩ như thế thì không lâu nữa Phi-e-rơ sẽ biết. Lúc họ đến gần, “cổng tự động mở”. Phi-e-rơ chưa kịp nhận ra thì họ đã đi qua cánh cổng và ra đến đường, rồi thiên sứ biến mất. Chỉ còn một mình Phi-e-rơ, lúc ấy ông sực tỉnh và nhận biết những điều vừa xảy ra là thật. Đây không phải là khải tượng. Ông đã được tự do!—Công 12:7-11.
12. Tại sao chúng ta cảm thấy được an ủi khi suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va giải cứu Phi-e-rơ?
12 Chẳng phải việc suy ngẫm về quyền năng vô hạn mà Đức Giê-hô-va dùng để giải cứu tôi tớ ngài là điều an ủi sao? Phi-e-rơ bị bắt giam bởi một vị vua có sự hỗ trợ của thế lực chính trị mạnh nhất, chưa từng thấy trên thế giới. Thế nhưng, Phi-e-rơ đã ngang nhiên đi ra khỏi tù! Đành rằng Đức Giê-hô-va không làm những phép lạ như thế cho tất cả tôi tớ ngài. Ngài đã không giải cứu Gia-cơ; và cũng không làm vậy cho Phi-e-rơ sau này, khi lời Chúa Giê-su nói về ông cuối cùng được ứng nghiệm. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay không mong đợi được giải cứu bằng phép lạ. Tuy nhiên, chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va không thay đổi (Mal 3:6). Không lâu nữa, ngài sẽ dùng Con ngài để giải thoát hàng triệu người khỏi nhà tù kiên cố nhất là sự chết (Giăng 5:28, 29). Ngày nay, chúng ta có thể được khích lệ rất nhiều từ những lời hứa ấy khi đương đầu với thử thách.
Họ “thấy ông và vô cùng kinh ngạc” (Công vụ 12:12-17)
13-15. (a) Các thành viên hội thánh nhóm tại nhà Ma-ri đã phản ứng thế nào khi Phi-e-rơ đến? (b) Sách Công vụ chuyển sang tập trung vào điều gì, nhưng Phi-e-rơ vẫn có ảnh hưởng nào trên anh chị em đồng đạo?
13 Phi-e-rơ đứng trên con đường tối mịt, xem tiếp theo mình phải đi đâu. Rồi ông biết nơi mình sẽ đến. Gần đó có một nữ tín đồ tên là Ma-ri. Ắt hẳn Ma-ri là một góa phụ khá giả, bà có căn nhà đủ lớn để làm nơi nhóm họp cho hội thánh. Bà là mẹ của Giăng Mác. Đây là lần đầu tiên Giăng Mác được đề cập trong sách Công vụ và về sau ông được Phi-e-rơ xem như con (1 Phi 5:13). Đêm đó, dù đã khuya nhưng có nhiều người trong hội thánh vẫn còn ở nhà Ma-ri và khẩn thiết cầu nguyện. Chắc chắn họ cầu xin cho Phi-e-rơ được thả ra, nhưng họ không ngờ đến cách Đức Giê-hô-va đáp lời!
14 Phi-e-rơ gõ cánh cổng trước sân. Người tớ gái tên Rô-đa—một tên phổ biến trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “hoa hồng”—đi ra cổng. Cô không thể tin vào tai mình. Giọng nói của Phi-e-rơ! Thay vì mở cổng, cô để Phi-e-rơ đứng ngoài đường và hào hứng chạy vào nhà, cố nói cho hội thánh tin rằng Phi-e-rơ đang ở ngoài. Họ bảo cô mất trí, nhưng cô không dễ bị lung lay và vẫn quả quyết đó là sự thật. Nhận thấy cô có vẻ đã nghe được điều gì, một số người cho rằng có lẽ là tiếng của thiên sứ đại diện cho Phi-e-rơ (Công 12:12-15). Trong lúc đó, Phi-e-rơ vẫn gõ, và cuối cùng họ ra mở cổng.
15 Khi đến cổng, họ “thấy ông và vô cùng kinh ngạc”! (Công 12:16). Họ xôn xao mừng rỡ nên Phi-e-rơ bảo họ im lặng để ông có thể thuật lại câu chuyện, đồng thời dặn họ báo cho môn đồ Gia-cơ và các anh khác, rồi rời khỏi đó trước khi lính của Hê-rốt tìm ra ông. Phi-e-rơ lên đường, tiếp tục trung thành phục vụ tại nơi an toàn hơn. Ngoại trừ việc góp phần giải quyết vấn đề về phép cắt bì, như đề cập nơi sách Công vụ chương 15, Phi-e-rơ không xuất hiện trong lời tường thuật của sách nữa. Tiếp đến, sách Công vụ chuyển sang tập trung vào công việc và các chuyến hành trình của sứ đồ Phao-lô. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng Phi-e-rơ đã giúp củng cố đức tin của anh chị em tại những nơi ông đến. Khi ông rời các anh chị nhóm tại nhà Ma-ri, hẳn lúc ấy họ đang ở trong tâm trạng vui mừng.
16. Tại sao trong tương lai chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều dịp vui mừng?
16 Đôi khi Đức Giê-hô-va ban cho tôi tớ ngài nhiều hơn những gì họ có thể mong đợi, khiến họ có được niềm vui không thể ngờ. Đó là điều anh chị em đồng đạo của Phi-e-rơ cảm nhận vào đêm ấy. Ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta cũng cảm thấy như vậy khi cảm nghiệm ân phước dồi dào của Đức Giê-hô-va (Châm 10:22). Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy mọi lời hứa của Đức Giê-hô-va được ứng nghiệm trên toàn cầu. Khung cảnh huy hoàng ấy chắc chắn vượt xa những gì ngày nay chúng ta có thể tưởng tượng. Vì thế, nếu giữ lòng trung thành, chúng ta có thể trông đợi nhiều điều mang lại hạnh phúc ở phía trước.
“Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hành hại vua” (Công vụ 12:18-25)
17, 18. Điều gì dẫn đến việc Hê-rốt được tâng bốc?
17 Sự việc Phi-e-rơ thoát khỏi tù cũng khiến Hê-rốt kinh ngạc, nhưng không phải kinh ngạc cách vui mừng. Ông liền ra lệnh truy tìm, rồi tra hỏi các người lính canh giữ Phi-e-rơ. Họ bị mang đi “trừng phạt”, có thể là xử tử (Công 12:19). Hê-rốt A-ríp-ba sẽ không được ghi nhớ về lòng trắc ẩn hoặc thương xót. Người đàn ông tàn bạo này có bị trừng phạt không?
18 A-ríp-ba có lẽ cảm thấy bẽ mặt vì không hành quyết được Phi-e-rơ, nhưng không lâu sau ông tìm được niềm an ủi cho danh dự bị tổn thương. Một buổi lễ ngoại giao diễn ra khi vài kẻ thù của ông muốn cầu hòa, và có lẽ ông rất háo hức diễn thuyết trước đông đảo cử tọa. Lu-ca tường thuật “Hê-rốt mặc vương bào” chuẩn bị sẵn sàng. Sử gia Do Thái Josephus viết rằng vương bào của Hê-rốt làm bằng bạc, nên khi ánh sáng rọi trên vua thì trông vua rất rực rỡ. Nhà chính trị khoa trương ấy bắt đầu diễn thuyết. Đám đông nịnh bợ hô lên: “Tiếng của thần, chứ không phải tiếng người!”.—Công 12:20-22.
19, 20. (a) Tại sao Hê-rốt bị Đức Giê-hô-va trừng phạt? (b) Chúng ta được an ủi thế nào qua lời tường thuật về cái chết đột ngột của Hê-rốt A-ríp-ba?
19 Những lời ca tụng hẳn phải thuộc về Đức Chúa Trời, và ngài đang quan sát! Hê-rốt đã có cơ hội tránh khỏi tai họa. Ông có thể quở trách đoàn dân hoặc ít ra là không đồng ý với họ. Trái lại, ông trở thành trường hợp điển hình của câu châm ngôn: “Sự kiêu ngạo đi trước sự sụp đổ” (Châm 16:18). “Ngay lúc ấy, thiên sứ của Đức Giê-hô-va hành hại vua”, làm cho con người ích kỷ ngạo mạn đó phải chịu cái chết thê thảm. Hê-rốt “bị giun sán đục mà chết” (Công 12:23). Josephus cũng ghi nhận là A-ríp-ba đột ngột ngã bệnh, ông cho biết thêm rằng vua đã kết luận mình chết là do chấp nhận sự tâng bốc của đám đông ấy. Josephus viết rằng A-ríp-ba chịu đựng năm ngày trước khi chết.b
20 Đôi khi những người không tin kính làm điều ác mà có vẻ như vẫn nhởn nhơ. Chúng ta chớ ngạc nhiên về điều đó, vì “cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác” (1 Giăng 5:19). Tuy nhiên, các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đôi lúc vẫn băn khoăn khi người ác dường như thoát khỏi công lý. Đó là một lý do cho thấy những lời tường thuật như vừa mới xem là điều an ủi. Thật thế, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va can thiệp, và nhắc nhở các tôi tớ ngài rằng ngài là đấng chuộng công lý (Thi 33:5). Sớm muộn gì công lý của ngài cũng sẽ toàn thắng.
21. Công vụ chương 12 chứa đựng bài học chính yếu nào, và tại sao điều đó có thể an ủi chúng ta ngày nay?
21 Lời tường thuật này kết thúc với một bài học còn khích lệ hơn: “Lời Đức Giê-hô-va ngày càng lan rộng và có thêm nhiều người tin theo” (Công 12:24). Báo cáo này về sự phát triển của công việc rao giảng có thể nhắc chúng ta nhớ cách Đức Giê-hô-va ban phước cho công việc ấy trong thời hiện đại. Rõ ràng, chương 12 của sách Công vụ không chủ yếu kể về cái chết của sứ đồ này và sự thoát chết của sứ đồ khác. Lời tường thuật này nói về Đức Giê-hô-va và việc ngài ngăn chặn những nỗ lực của Sa-tan nhằm phá tan hội thánh đạo Đấng Ki-tô và dập tắt lòng sốt sắng của hội thánh trong công việc rao giảng. Những cuộc tấn công đó đã thất bại, và mọi âm mưu như thế đều phải thất bại (Ê-sai 54:17). Trái lại, những ai đứng về phía Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Ki-tô thì dự phần vào một công việc không bao giờ thất bại. Đó chẳng phải là điều khích lệ sao? Quả là đặc ân cho chúng ta khi được góp phần rao truyền “lời Đức Giê-hô-va” vào thời nay!
a Xem khung “Vua Hê-rốt A-ríp-ba I”.
b Một bác sĩ và cũng là một tác giả cho biết các triệu chứng mà Josephus và Lu-ca miêu tả có thể là do giun tròn làm tắc nghẽn đường ruột dẫn đến tử vong. Những loại giun sán đó đôi khi bị nôn ra, hoặc bò ra khỏi cơ thể bệnh nhân lúc người đó chết. Một tài liệu tham khảo cho biết: “Sự chính xác về chuyên môn của thầy thuốc Lu-ca đã làm nổi bật cái chết ghê rợn [của Hê-rốt]”.