Đó là lời khen hay lời nịnh?
MỘT người nào đó nói với bạn: “Kiểu tóc mới của chị trông rất đẹp!” Đó là lời khen hay lời nịnh? “Bộ com lê đó thật hợp với anh!” Lời khen hay lời nịnh? “Đây là bữa cơm ngon nhất tôi chưa từng ăn bao giờ!” Đó là lời khen hay lời nịnh? Khi được khen như thế, chúng ta có thể nghĩ ngợi không biết lời đó có từ đáy lòng và thành thật hay không hoặc đó chỉ là lời để làm mình vui lòng dầu người nói có lẽ nói để mà nói chứ không có ý khen thật như vậy.
Làm sao chúng ta có thể biết được lời một người nói là lời khen hay lời nịnh? Điều này có quan trọng không? Chẳng lẽ chúng ta cứ nhận bừa đi dầu biết chỉ là lời khen hời hợt rồi vui thích lời đó hay sao? Còn khi chúng ta khen người khác thì sao? Chúng ta có bao giờ xem xét động cơ của mình chưa? Việc suy nghĩ về những câu hỏi này có thể giúp chúng ta sáng suốt và dùng miệng lưỡi mình cách nào để ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Định nghĩa lời khen và lời nịnh
Một cuốn tự điển (Webster’s Dictionary) định nghĩa lời khen là lời tán thành hay lời ca ngợi, và chữ này cũng có thể có nghĩa là thờ phượng hay tôn vinh. Rõ ràng hai nghĩa sau chỉ liên quan đến việc ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi. Đây là phần trọng yếu của sự thờ phượng thật, như người viết Thi-thiên được soi dẫn để khuyên giục: “Vì là đều tốt..., vì là việc tốt-lành. Sự ngợi-khen hiệp lễ-nghi”. “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 147:1; 150:6).
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không được khen người ta. Chúng ta có thể khen một người nào qua lời ca ngợi, tán thành hay một lời nhận xét thuận lợi. Trong một chuyện ví dụ của Chúa Giê-su, ông chủ nói với đầy tớ: “Hỡi đầy-tớ ngay-lành trung-tín kia, được lắm” (Ma-thi-ơ 25:21).
Mặt khác, lời nịnh được định nghĩa là lời khen giả dối, không thành thật hay quá đáng, và người nịnh có động cơ ích kỷ. Người nịnh nói những lời siểm nịnh hay những lời tâng bốc khôn khéo để được lòng người nào, để cầu lợi vật chất hay để khiến người ấy cảm thấy phải mang ơn mình. Vậy, các người nịnh hót có động cơ ích kỷ. Theo Giu-đe 16, họ “chuyên phỉnh phờ người khác để mong kiếm lợi” (An Sơn Vị).
Quan điểm của Kinh-thánh
Quan điểm của Kinh-thánh về việc khen người đồng loại là gì? Về mặt này, Đức Giê-hô-va đã đặt ra một gương mẫu để chúng ta theo. Kinh-thánh cho biết nếu chúng ta làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va thì sẽ được khen. Sứ đồ Phao-lô nói rằng “ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen-ngợi mình đáng lãnh”. Phi-e-rơ cho biết rằng sự thử thách đức tin chúng ta “sanh ra ngợi-khen”. Vậy, sự kiện Đức Giê-hô-va khen con người cho chúng ta biết rằng việc cho lời khen thành thật là một hành động tử tế, yêu thương và có lợi ích, một việc chúng ta không nên bỏ qua (I Cô-rinh-tô 4:5; I Phi-e-rơ 1:7).
Theo Kinh-thánh, một nguồn khác mà chúng ta có thể nhận được sự khen ngợi là các nhà cầm quyền, và họ sẽ thành thật khen chúng ta khi thấy hạnh kiểm tốt của chúng ta. Kinh-thánh nói: “Hãy làm đều lành, sẽ được khen-thưởng” (Rô-ma 13:3). Chúng ta cũng có thể nhận được lời khen từ những người thành thật trong lời nói và không có ẩn ý trong lời khen. Kinh-thánh nói ở Châm-ngôn 27:2: “Hãy để cho kẻ khác khen-ngợi con, miệng con chẳng nên làm”. Điều này cho thấy việc nhận lời khen từ người khác là thích hợp.
Còn về việc cho hay nhận lời nịnh thì không như vậy. Tại sao Đức Giê-hô-va không ưa sự nịnh hót? Một lý do là nó không thành thật, và Đức Giê-hô-va lên án sự không thành thật. (So sánh Châm-ngôn 23:6, 7). Hơn nữa, nó không lương thiện. Khi miêu tả những người đáng Đức Chúa Trời từ bỏ, người viết Thi-thiên nói: “Chúng đều dùng lời dối-trá mà nói lẫn-nhau, lấy môi dua-nịnh và hai lòng, mà trò chuyện nhau. Đức Giê-hô-va sẽ diệt hết thảy các môi dua-nịnh” (Thi-thiên 12:2, 3).
Hơn hết, sự nịnh hót thiếu tình yêu thương. Nó bộc phát từ lòng ích kỷ. Sau khi nói về những kẻ nịnh hót, người viết Thi-thiên là Đa-vít trích lời họ nói rằng: “Nhờ lưỡi mình chúng ta sẽ được thắng; môi chúng ta thuộc về chúng ta: ai là Chúa của chúng ta?” Đức Giê-hô-va gọi những người ích kỷ như thế là ‘kẻ hà-hiếp người khốn-cùng’. Hạng người này dùng lưỡi nịnh để hà hiếp và làm khổ người khác chứ không phải để khích lệ (Thi-thiên 12:4, 5).
Sự nịnh hót—Một cái bẫy
“Người nào dua-nịnh kẻ lân-cận mình, giăng lưới trước bước người”. Vua Sa-lô-môn khôn ngoan nói vậy, và lời này thật đúng biết bao! (Châm-ngôn 29:5). Người Pha-ri-si cố gài bẫy Chúa Giê-su bằng lời nịnh. Họ nói: “Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là thật, và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời, không tư-vị ai; vì thầy không xem bề ngoài của người ta”. Lời này nghe thấy dễ chịu làm sao! Nhưng Chúa Giê-su không bị lừa vì lời nói ngọt xớt của họ. Ngài biết họ không tin những dạy dỗ chân thật của ngài nhưng chỉ muốn bắt lỗi ngài trong lời giảng về vấn đề nộp thuế cho Sê-sa mà thôi (Ma-thi-ơ 22:15-22).
Vua Hê-rốt vào thế kỷ thứ nhất ngược hẳn với Chúa Giê-su. Khi ông nói với công chúng ở thành Sê-sa-rê, dân chúng kêu lên rằng: “Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu!” Thay vì khiển trách công chúng vì lời khen giả dối trắng trợn như thế, Hê-rốt chấp nhận lời nịnh đó. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va trừng phạt Hê-rốt ngay lập tức; ông bị trùng đục và chết (Công-vụ các Sứ-đồ 12:21-23).
Một tín đồ đấng Christ thành thục sẽ tinh ý để nhận ra lời nịnh. Trưởng lão hội thánh nên đặc biệt thận trọng khi một người nào đó dính líu đến vấn đề tư pháp bắt đầu khen anh lia lịa, có lẽ đến độ so sánh trưởng lão này với trưởng lão kia và khen anh thật tử tế và thông cảm hơn anh trưởng lão kia.
Kinh-thánh cho thấy một cách khác mà lời nịnh có thể là cái bẫy khi miêu tả một chàng trai trẻ bị một dâm phụ quyến dụ phạm tội vô luân như thế nào (Châm-ngôn 7:5, 21). Lời cảnh cáo này thật là thích hợp cho tình trạng ngày nay. Trong số những người bị khai trừ khỏi hội thánh tín đồ đấng Christ mỗi năm, nhiều người bị vì hạnh kiểm vô luân. Có phải sự sa ngã vào tội nặng như thế đã bắt đầu với lời nịnh không? Vì con người rất ham thích lời khen và muốn được nói tốt, lời nói ngon ngọt từ môi lưỡi dua nịnh có thể khiến một tín đồ đấng Christ khó chống lại hạnh kiểm sai trái. Việc thiếu cảnh giác về những lời nói ngon ngọt như thế có thể đưa đến những hậu quả nghiêm trọng.
Coi chừng sự nịnh hót
Lời nịnh thỏa mãn lòng tự phụ hay tính kiêu căng của người được nịnh. Nó thường khiến một người tự đánh giá quá cao, làm cho người đó cảm thấy mình hơn người khác về một phương diện nào đó. Triết gia François de la Rochefoucauld ví lời nịnh như tiền giả, “nếu không có tính kiêu căng thì nó sẽ không được lưu hành”. Vậy, để bảo vệ mình, chúng ta nên chú ý đến lời khuyên thực tế của sứ đồ Phao-lô: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người” (Rô-ma 12:3).
Dầu sở thích tự nhiên của chúng ta là thích nghe những gì êm tai, nhưng thường thì chúng ta thực sự cần lời khuyên và kỷ luật dựa trên Kinh-thánh (Châm-ngôn 16:25). Vua A-háp chỉ muốn nghe những gì làm vừa lòng ông; các tôi tớ của ông còn xin nhà tiên tri Mi-chê nói “như lời của họ [những nhà tiên tri dua nịnh của A-háp] mà báo-cáo đều lành” (I Các Vua 22:13). Nếu A-háp chịu nghe lời khuyên thẳng thắn và thay đổi hành động phản nghịch, ông đã có thể ngăn ngừa được những cuộc bại trận khủng khiếp cho nước Y-sơ-ra-ên cũng như cái chết của chính mình. Vì phúc lợi thiêng liêng của chính chúng ta, chúng ta nên mau lẹ đáp ứng lời khuyên cương quyết nhưng thương yêu của những trưởng lão tín đồ đấng Christ được bổ nhiệm. Họ muốn giúp chúng ta tiếp tục đi trên con đường ngay thẳng của lẽ thật, thay vì đi tìm những người thường khen chúng ta giỏi giang làm sao, làm êm tai chúng ta bằng lời nịnh! (So sánh II Ti-mô-thê 4:3).
Tín đồ đấng Christ sẽ không bao giờ, vì bất cứ lý do nào, dùng đến lời nịnh. Như Ê-li-hu trung tín, họ cương quyết cầu nguyện: “Tôi sẽ chẳng tư-vị ai, không dua nịnh bất kỳ người nào. Vì tôi chẳng biết dua-nịnh; nếu dua-nịnh, Đấng Tạo-hóa tôi hẳn trừ-diệt tôi tức-thì”. Khi làm vậy, họ có thể nói như Phao-lô: “Chúng tôi không hề dùng những lời dua nịnh, cũng không hề bởi lòng tư-lợi mà làm” (Gióp 32:21, 22; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:5, 6).
Lời khen đúng chỗ
Lời châm ngôn được soi dẫn cho thấy lời khen có thể như miếng đá thử vàng, và nói: “Lò thử bạc, dót thử vàng; còn sự khen-ngợi thử loài người” (Châm-ngôn 27:21). Đúng thế, lời khen có thể nuôi dưỡng cảm giác tự tôn hay kiêu ngạo, đưa một người tới chỗ sa ngã. Mặt khác, lời khen cũng làm tỏ lộ sự khiêm tốn và sự khiêm nhường của một người, nếu người này nhìn nhận là mình nợ Đức Giê-hô-va về những điều đã đem lại sự khen ngợi cho mình.
Lời khen thành thật về hạnh kiểm hay thành quả đáng kính có tác dụng xây dựng cả người cho lẫn người nhận lời khen ấy. Nó tạo ra sự quý mến nồng nhiệt và lành mạnh giữa hai người. Nó khuyến khích theo đuổi những mục tiêu đáng ca ngợi. Lời khen thích hợp cho trẻ em, khiến chúng muốn cố gắng nhiều hơn. Nó có thể giúp uốn nắn tính nết của chúng hầu chúng sống theo các tiêu chuẩn được đặt ra cho chúng.
Vậy, chúng ta hãy tránh lời nịnh—dù nói hay nhận. Chúng ta hãy khiêm nhường khi nhận lời khen. Và chúng ta hãy rộng rãi và hết lòng trong việc cho đi lời khen ngợi—nhất là cho Đức Giê-hô-va trong sự thờ phượng và thành thật cho người khác dưới hình thức khen ngợi và quý mến họ, nhớ rằng “lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!” (Châm-ngôn 15:23).