Một gương mẫu được soi dẫn cho công việc giáo sĩ của tín đồ Đấng Christ
“Hãy bắt-chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt-chước Đấng Christ vậy” (I CÔ-RINH-TÔ 11:1).
1. Giê-su đã đặt một gương mẫu tốt cho các môn đồ bắt chước trong vài khía cạnh nào? (Phi-líp 2:5-9).
GIÊ-SU là một gương mẫu tốt biết bao cho các môn đồ! Ngài đã vui lòng bỏ sự vinh hiển trên trời để xuống trái đất và sống giữa loài người tội lỗi. Ngài sẵn lòng chịu khổ nhục rất nhiều để giải cứu nhân loại, và quan trọng hơn nữa, để làm thánh danh Cha ngài trên trời (Giăng 3:16; 17:4). Khi bị đưa ra tòa để bị xử án, Giê-su đã can đảm tuyên bố: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (Giăng 18:37).
2. Tại sao Giê-su sau khi được sống lại đã có thể ra lệnh cho các môn đồ tiếp tục công việc mà ngài đã bắt đầu?
2 Trước khi chết, Giê-su đã huấn luyện kỹ lưỡng cho các môn đồ để họ có thể tiếp tục công việc làm chứng cho lẽ thật về Nước Trời (Ma-thi-ơ 10:5-23; Lu-ca 10:1-16). Bởi thế cho nên Giê-su sau khi sống lại đã có thể ra lệnh: “Hãy đi... dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh-linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19, 20).
3. Công việc đào tạo môn đồ đã lan rộng ra như thế nào, nhưng tập trung trong những vùng nào?
3 Trong ba năm rưỡi sau đó, các môn đồ của Giê-su vâng theo lệnh này, nhưng chỉ thực hiện công việc đào tạo môn đồ trong vòng những người Do-thái, người theo đạo Do-thái, và những người Sa-ma-ri đã cắt bì. Rồi năm 36 công nguyên, Đức Chúa Trời truyền phải rao giảng tin mừng cho Cọt-nây, một người không cắt bì, cùng người nhà ông. Trong một chục năm sau đó, những người ngoại khác cũng được đem vào hội-thánh. Tuy nhiên, phần lớn công việc dường như chỉ giới hạn trong các vùng phía đông Địa Trung Hải (Công-vụ các Sứ-đồ 10:24, 44-48; 11:19-21).
4. Có việc gì quan trọng đã xảy ra khoảng năm 47-48 công nguyên?
4 Lúc ấy cần có điều gì để thúc đẩy các tín đồ đấng Christ hay để giúp họ có thể đào tạo môn đồ giữa những người Do-thái và người ngoại ở những vùng xa xôi hơn. Bởi vậy khoảng năm 47-48 công nguyên, các trưởng lão của hội-thánh tại thành An-ti-ốt xứ Sy-ri nhận được lời phán của Đức Chúa Trời: “Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công-việc ta đã gọi làm” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:2). Hãy lưu ý Phao-lô lúc đó được biết đến dưới tên cũ của ông là Sau-lơ. Và cũng lưu ý là Đức Chúa Trời kêu tên Ba-na-ba trước Sau-lơ, có lẽ vì Ba-na-ba lúc đó được coi như lớn tuổi hơn.
5. Tại sao sự ghi chép về chuyến hành trình rao giảng của Phao-lô và Ba-na-ba có giá trị lớn cho các tín đồ đấng Christ thời nay?
5 Sự ghi chép tường tận về chuyến hành trình rao giảng của Phao-lô và Ba-na-ba là một sự khích lệ lớn cho Nhân-chứng Giê-hô-va, đặc biệt cho các giáo sĩ và người khai thác đã rời hội-thánh ở tỉnh nhà để dọn đến phụng sự Đức Chúa Trời tại một nơi xa lạ. Ngoài ra, ôn lại sách Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 13 và 14 chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều người hơn để bắt chước Phao-lô và Ba-na-ba và tham dự nhiều hơn vào việc đào tạo môn đồ, một công việc rất quan trọng.
Đảo Chíp-rơ
6. Các giáo sĩ làm gương tốt như thế nào ở đảo Chíp-rơ?
6 Không chậm trễ, các giáo sĩ bèn đi xuống thành Sê-lơ-xi rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ. Khi đến thành Sa-la-min họ không để mất thì giờ mà lập tức bắt đầu “giảng đạo Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Giu-đa”. Bắt chước theo gương mẫu của Giê-su, họ không ở một nơi trong thành và chờ cho người dân trên đảo đến nhà mình. Thay vì thế, họ ra đi, “trải qua cả đảo”. Bởi vì đảo Chíp-rơ khá lớn, chắc chắn họ phải đi bộ rất nhiều, thay đổi chỗ ở luôn luôn, và họ đã đi suốt dọc đảo (Công-vụ các Sứ-đồ 13:5, 6).
7. a) Một kinh nghiệm tuyệt diệu nào đã xảy ra tại thành Ba-phô? b) Kinh nghiệm này khuyến khích chúng ta nên có thái độ nào?
7 Vào cuối chuyến đi trên đảo, hai giáo sĩ có một kinh nghiệm tuyệt diệu tại thành Ba-phô. Quan trấn thủ đảo tên là Sê-giút Phau-lút nghe thông điệp của họ và trở nên người tin đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 13:7, 12). Phao-lô sau này viết: “Hỡi anh em, hãy suy-xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn-ngoan theo xác-thịt, chẳng nhiều kẻ quyền-thế, chẳng nhiều kẻ sang-trọng” (I Cô-rinh-tô 1:26). Tuy vậy trong những kẻ quyền thế có Sê-giút Phau-lút đã nghe đạo. Kinh nghiệm này nên khuyến khích tất cả chúng ta, nhất là các giáo sĩ, nên có thái độ tích cực về việc làm chứng cho những người trong chính quyền, như I Ti-mô-thê 2:1-4 khuyến khích chúng ta làm thế. Nhiều người có quyền thế đôi khi đã giúp đỡ rất nhiều cho tôi tớ của Đức Chúa Trời (Nê-hê-mi 2:4-8).
8. a) Có một thay đổi nào trong sự tương quan giữa Ba-na-ba và Phao-lô từ đây về sau? b) Ba-na-ba là một gương tốt về phương diện nào?
8 Nhờ thánh linh của Đức Giê-hô-va yểm trợ, Phao-lô góp phần lớn trong việc Sê-giút Phau-lút đổi đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 13:8-12). Và kể từ đó trở đi, dường như Phao-lô có phận sự dẫn đầu. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 13:7 với Công-vụ các Sứ-đồ 13:15, 16, 43). Điều này phù hợp với sứ mạng giao phó cho Phao-lô khi ông trở lại đạo (Công-vụ các Sứ-đồ 9:15). Có lẽ một biến chuyển như thế là một thử thách cho lòng khiêm nhường của Ba-na-ba. Tuy nhiên, thay vì coi sự thay đổi này như một sỉ nhục cho mình, Ba-na-ba chứng tỏ xứng với tên mình có nghĩa “con trai của sự yên-ủi” và hộ trợ Phao-lô cách trung tín trong suốt chuyến hành trình rao giảng và sau đó nữa, khi một số tín đồ gốc Hê-bơ-rơ cãi lẽ về việc rao giảng cho người ngoại không cắt bì (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2). Thật là một gương tốt cho tất cả chúng ta ngày nay, kể cả những người ở trong các nhà giáo sĩ và Bê-tên. Chúng ta nên luôn luôn vui lòng đón nhận những sự điều chỉnh thần quyền và hết lòng hộ trợ những người được bổ nhiệm để dẫn đầu trong vòng chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:17).
Vùng cao nguyên Tiểu Á
9. Chúng ta học được gì khi thấy Phao-lô và Ba-na-ba sẵn lòng đi lên núi đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi?
9 Rồi Phao-lô và Ba-na-ba xuống thuyền đi về hướng bắc đến lục địa Á Châu. Vì lý do nào đó không được tiết lộ, hai giáo sĩ không dừng lại ở vùng ven biển mà lại dấn mình trong một chuyến đi xa và nguy hiểm khoảng 180 cây số (110 dặm) đến thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, thuộc vùng cao nguyên Tiểu Á. Trong chặng đi này họ phải trèo lên núi qua một đèo rồi xuống một đồng bằng cao hơn mặt biển khoảng 1.100 mét (3.500 feet). Học giả Kinh-thánh J. S. Howson viết: “Trong lịch sử thời cổ, dân cư sống trong vùng núi non giữa cao nguyên... và đồng bằng vùng bờ biển phía nam thường nổi tiếng là có những thói quen bất kể luật pháp và hay cướp bóc”. Hơn nữa, các giáo sĩ phải đương đầu với những nguy hiểm về thiên nhiên. Ông Howson viết tiếp: “Không có miền nào trong vùng Tiểu Á lại bị “nước lũ” nhiều như miền núi non trong xứ Bi-si-đi, nơi đây các sông đột chảy từ chân dốc núi đá to và đổ ào ào xuống theo những thác rãnh chật hẹp”. Các chi tiết này giúp chúng ta tưởng tượng được chuyến hành trình gay go mà các giáo sĩ đã sẵn lòng đi hầu truyền bá tin mừng (II Cô-rinh-tô 11:26). Ngày nay cũng thế, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẵn lòng đương đầu với mọi trở ngại, hầu đi đến nhiều người và chia xẻ tin mừng với họ.
10, 11. a) Phao-lô làm thế nào để nói về những điểm mà cử tọa đều tin giống như ông? b) Tại sao nhiều người Do-thái chắc hẳn ngạc nhiên khi nghe nói đấng Mê-si đã chịu đau đớn? c) Phao-lô cho những người nghe ông biết về sự giải cứu nào?
10 Bởi vì ở thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi có nhà hội của người Do-thái nên các giáo sĩ đến đó rao giảng trước tiên, để cho những người đã quen thuộc với Lời của Đức Chúa Trời có cơ hội chấp nhận tin mừng. Khi được mời nói, Phao-lô đứng dậy và nói một bài giảng công cộng hùng hồn. Trong suốt bài giảng, ông nói về những điểm mà người Do-thái và người theo đạo Do-thái đều tin giống như ông (Công-vụ các Sứ-đồ 13:13-16, 26). Sau lời mở đầu, Phao-lô ôn lại lịch sử oai hùng của dân Do-thái, nhắc lại rằng Đức Giê-hô-va đã chọn các tổ phụ của họ và giải cứu họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và làm thế nào Ngài đã giúp họ chiến thắng các dân trong vùng Đất Hứa. Rồi Phao-lô làm nổi bật cách Đức Giê-hô-va đối xử với Đa-vít. Những điều này thì người Do-thái trong thế kỷ thứ nhất thích nghe lắm bởi vì họ đang chờ đợi Đức Chúa Trời dấy lên một người trong dòng họ Đa-vít để giải cứu và cai trị đời đời. Tới đây Phao-lô mạnh dạn tuyên bố: “Theo lời hứa, Đức Chúa Trời bèn bởi dòng-dõi người [Đa-vít] mà dấy lên cho dân Y-sơ-ra-ên một Cứu-Chúa, tức là Đức Chúa Giê-su” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:17-23).
11 Tuy nhiên, nhiều người Do-thái chờ đợi người giải cứu họ phải thuộc loại anh hùng chiến trận để giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người La-mã và nâng cao quốc gia Do-thái lên trên tất cả các nước khác. Bởi thế, chắc hẳn họ đã ngạc nhiên khi nghe Phao-lô nói đấng Mê-si chính là người đã bị các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ đem nộp để bị hành quyết. Phao-lô mạnh dạn nói tiếp: “Song Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài từ kẻ chết sống lại”. Vào phần cuối của bài giảng, Phao-lô nói cho cử tọa biết họ có thể đạt được một sự giải cứu tuyệt diệu: “Vậy, hỡi anh em, khá biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha-tội được rao-truyền cho anh em, lại nhờ Ngài mà hễ ai tin thì được xưng công-bình về mọi điều theo luật-pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công-bình”. Phao-lô kết thúc bài giảng của ông bằng cách khuyến khích người nghe đừng để mình bị xếp hạng cùng với những kẻ mà Đức Chúa Trời báo trước là sẽ khinh dể sự sắp đặt tuyệt diệu để giải cứu này (Công-vụ các Sứ-đồ 13:30-41).
12. Bài giảng của Phao-lô đã có kết quả nào, và điều này nên khuyến khích chúng ta làm gì?
12 Quả là một bài giảng thật hay, dựa trên Kinh-thánh! Những người nghe đã phản ứng ra sao? “Có nhiều người Giu-đa và người mới theo đạo Giu-đa đi theo Phao-lô và Ba-na-ba” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:43). Thật là khích lệ cho chúng ta ngày nay! Mong rằng chúng ta cũng thế sẽ cố gắng hết sức để trình bày lẽ thật cách hữu hiệu, dù khi đi rao giảng cho công chúng hoặc khi bình luận hay nói bài giảng tại các buổi nhóm họp trong hội-thánh (I Ti-mô-thê 4:13-16).
13. Tại sao các giáo sĩ phải ra khỏi thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, và có những câu hỏi nào liên quan đến các môn đồ mới?
13 Những người mới chú ý tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi không thể giữ tin mừng cho riêng mình. Kết quả là “ngày Sa-bát sau, gần hết cả thành đều nhóm lại để nghe đạo Chúa”. Và rồi thông điệp lan tràn ra khỏi thành. Thật thế, “đạo Chúa tràn ra khắp trong xứ đó” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:44, 49). Nhưng thay vì vui mừng trước sự kiện này, những người Do-thái đầy lòng ghen ghét lại kiếm cách đuổi cho được các giáo sĩ ra khỏi thành (Công-vụ các Sứ-đồ 13:45, 50). Điều này có ảnh hưởng thế nào đến các môn đồ mới? Họ có bị nản lòng và bỏ cuộc không?
14. Tại sao những người chống đối không thể nào dập tắt được công việc mà các giáo sĩ đã khởi sự, và điều này giúp chúng ta học được gì?
14 Không! Bởi vì đây là công việc của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, các giáo sĩ đã đặt một nền móng tốt về đức tin nơi Chúa Giê-su Christ được sống lại. Vậy hiển nhiên các môn đồ mới coi đấng Christ, chứ không phải các giáo sĩ, là đấng Lãnh đạo của họ. Bởi thế chúng ta đọc rằng “các môn-đồ... được đầy-dẫy sự vui-vẻ và Đức Thánh-Linh vậy” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:52). Thật là khích lệ biết bao cho các giáo sĩ và những người đi đào tạo môn đồ ngày nay! Nếu chúng ta làm phận sự của chúng ta cách khiêm nhường và sốt sắng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ sẽ ban phước cho thánh chức của chúng ta (I Cô-rinh-tô 3:9).
Y-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ
15. Các giáo sĩ tiếp tục theo thể thức làm việc thế nào tại thành Y-cô-ni, với kết quả là gì?
15 Rồi Phao-lô và Ba-na-ba đi đến thành Y-cô-ni cách khoảng 140 cây số về hướng đông nam. Dù e gặp bắt bớ, họ vẫn tiếp tục theo một thể thức như tại An-ti-ốt. Kết quả là Kinh-thánh viết: “Có rất nhiều người Giu-đa và người Gờ-réc tin theo đạo” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:1). Song những người Giu-đa mà không chấp nhận tin mừng thì lại gây lên sự chống đối. Nhưng các giáo sĩ chịu nhịn nhục và ở lại tại Y-cô-ni khá lâu để giúp đỡ những môn đồ mới. Rồi khi biết được rằng phe người Giu-đa chống đối sắp ném đá họ, Phao-lô và Ba-na-ba bèn bỏ trốn đi đến khu vực khác, “là thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và miền chung-quanh đó” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:2-6).
16, 17. a) Việc gì đã xảy đến cho Phao-lô tại Lít-trơ? b) Cách Đức Chúa Trời đối xử với Phao-lô đã ảnh hưởng thế nào trên một chàng trẻ tuổi ở Lít-trơ?
16 Khu vực mới này chưa có ai rao giảng cả. Tại đây các giáo sĩ tiếp tục mạnh dạn “giảng Tin-lành” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:7). Khi những người Giu-đa ở An-ti-ốt xứ Bi-si-đi và ở Y-cô-ni nghe thấy thế, họ bèn đi xuống tận Lít-trơ và xúi giục dân chúng ném đá Phao-lô. Không trốn kịp, Phao-lô bị ném đá đến nỗi các kẻ chống đối tưởng ông đã chết nên chúng kéo ông ra ngoài thành (Công-vụ các Sứ-đồ 14:19).
17 Bạn có thể tưởng tượng các môn đồ mới buồn khổ thế nào không? Nhưng lạ lùng thay, khi các môn đồ đang vây chung quanh thì Phao-lô vùng đứng dậy! Kinh-thánh không nói rõ cho biết có phải người trẻ tuổi Ti-mô-thê là một trong số những môn đồ mới này không. Nhưng chắc chắn Ti-mô-thê vào lúc nào đó đã biết rõ cách Đức Chúa Trời đối xử với Phao-lô và chàng rất khâm phục. Phao-lô viết trong lá thư thứ hai gửi Ti-mô-thê: “Về phần con, con đã noi theo ta trong sự dạy-dỗ,... trong những sự bắt-bớ, và hoạn-nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lít-trơ. Những sự bắt-bớ đó ta đều chịu cả, và Chúa đã cứu ta thoát khỏi luôn luôn” (II Ti-mô-thê 3:10, 11). Khoảng một hay hai năm sau trận bị ném đá, Phao-lô trở lại thành Lít-trơ và thấy chàng trai trẻ Ti-mô-thê đã trở thành một tín đồ gương mẫu, “anh em ở thành Lít-trơ và Y-cô-ni đều làm chứng tốt về người” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:1, 2). Vậy Phao-lô chọn chàng làm người đồng hành để đi lưu động. Nhờ thế Ti-mô-thê càng lớn mạnh về thiêng liêng, và ít lâu sau thì đủ điều kiện để được Phao-lô phái đi thăm nhiều hội-thánh khác nhau (Phi-líp 2:19, 20; I Ti-mô-thê 1:3). Ngày nay cũng vậy, các tôi tớ sốt sắng của Đức Chúa Trời có một ảnh hưởng tuyệt diệu trên những người trẻ tuổi, và nhiều người trẻ này lớn lên trở thành những tôi tớ đắc lực của Đức Chúa Trời, giống như Ti-mô-thê.
18. a) Chuyện gì xảy ra cho các giáo sĩ tại Đẹt-bơ? b) Bây giờ họ có cơ hội để làm gì, nhưng họ đã quyết định làm gì?
18 Sau khi thoát chết tại Lít-trơ, ngay sáng hôm sau Phao-lô bèn cùng Ba-na-ba đi đến thành Đẹt-bơ. Lần này không có kẻ chống đối nào đi theo cả, và Kinh-thánh viết: “Khá nhiều người trở nên môn-đồ” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:20, 21). Sau khi đã thành lập một hội-thánh tại Đẹt-bơ, Phao-lô và Ba-na-ba phải làm một quyết định. Họ có thể đi theo một con đường khá tốt của người La-mã từ Đẹt-bơ đến Tạt-sơ và từ đó về tới thành An-ti-ốt xứ Sy-ri cũng chẳng bao xa. Có lẽ con đường đó là tốt nhất để đi trở về, và hơn nữa các giáo sĩ có thể nghĩ bây giờ họ cũng đáng được nghỉ ngơi một chút. Nhưng không, họ đã chọn bắt chước Thầy Dạy của họ, vì họ cảm thấy có một nhu cầu lớn hơn (Mác 6:31-34).
Làm trọn công việc Đức Chúa Trời
19, 20. a) Đức Giê-hô-va đã ban phước cho họ thế nào vì đã trở lại Lít-trơ, Y-cô-ni, và An-ti-ốt? b) Điều này giúp cho các tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va học được điều gì?
19 Thay vì lên đường đi thẳng trở về, các giáo sĩ mạnh dạn quay trở lại viếng thăm các thành mà chính tại đó họ đã bị nguy hiểm đến tính mạng. Đức Giê-hô-va có ban phước vì họ quên mình mà chăm lo cho các chiên mới không? Có chứ, vì Kinh-thánh viết họ đã thành công “giục các môn-đồ vững lòng, khuyên phải bền-đỗ trong đức-tin”. Họ nói cùng các môn đồ mới này: “[Chúng ta] phải trải qua nhiều nỗi khó-khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:21, 22). Phao-lô và Ba-na-ba cũng nhắc nhở họ là họ được chọn làm kẻ đồng kế tự trong Nước Trời sắp đến. Ngày nay chúng ta cũng nên khuyến khích những môn đồ mới như thế. Chúng ta có thể làm họ vững mạnh để chịu đựng những sự thử thách bằng cách nhắc nhở họ về hy vọng được sống đời đời trong địa-đàng trên đất dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, cùng một nước mà Phao-lô và Ba-na-ba đã rao giảng khi xưa.
20 Trước khi rời khỏi thành nào, Phao-lô và Ba-na-ba giúp hội-thánh địa phương tổ chức tốt hơn. Hiển nhiên, họ huấn luyện những anh thành thục và bổ nhiệm họ làm những người dẫn đầu (Công-vụ các Sứ-đồ 14:23). Chắc chắn điều này giúp cho hội-thánh gia tăng thêm. Ngày nay cũng vậy, các giáo sĩ và những người khác, sau khi giúp đỡ những người thiếu kinh nghiệm tiến lên cho đến khi họ có thể đảm đương trách nhiệm được, thì lại lên đường và tiếp tục công việc tốt lành tại những nơi khác có nhu cầu lớn hơn.
21, 22. a) Điều gì xảy ra sau khi Phao-lô và Ba-na-ba hoàn tất chuyến hành trình rao giảng? b) Điều này nêu ra những câu hỏi nào?
21 Cuối cùng khi các giáo sĩ trở về thành An-ti-ốt xứ Sy-ri, họ cảm thấy thỏa lòng lắm. Thật vậy, Kinh-thánh ghi rằng họ đã “làm xong công-việc” mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho họ (Công-vụ các Sứ-đồ 14:26). Chúng ta dễ hiểu rằng khi họ thuật lại những kinh nghiệm rao giảng thì “làm cho các anh em thay-thảy được vui-mừng lắm” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:3). Nhưng còn về sau đó thì sao? Có phải họ bây giờ chỉ ngồi nghỉ và hưởng thụ chiến công oanh liệt đã qua không? Không khi nào. Sau khi đi lên Giê-ru-sa-lem để xin hội đồng lãnh đạo trung ương cho biết quyết định về vụ cắt bì, hai người lại dấn mình đi xứ lạ để rao giảng. Lần này họ đi theo hướng khác nhau. Ba-na-ba thì cùng với Giăng Mác đi đến đảo Chíp-rơ, trong khi Phao-lô kiếm được người đồng hành mới là Si-la và đi qua xứ Sy-ri và xứ Si-li-si (Công-vụ các Sứ-đồ 15:39-41). Chính trong chuyến đi này ông đã chọn người trẻ tuổi Ti-mô-thê và cho đi theo cùng.
22 Kinh-thánh không cho biết kết quả của chuyến đi thứ hai của Ba-na-ba ra sao. Còn về phần Phao-lô thì ông đã tiếp tục trong khu vực mới và đã thiết lập các hội-thánh trong ít nhất năm thành: Phi-líp, Bê-rê, Tê-sa-lô-ni-ca, Cô-rinh-tô và Ê-phê-sô. Bí quyết của sự thành công vượt bực của Phao-lô là gì? Ngày nay những nguyên tắc đó có áp dụng cho các tín đồ đấng Christ đang làm công việc đào tạo môn đồ hay không?
Bạn có nhớ không?
◻ Tại sao Chúa Giê-su là gương mẫu tuyệt diệu cho chúng ta bắt chước?
◻ Ba-na-ba là một gương tốt về phương diện nào?
◻ Chúng ta học được gì về cách Phao-lô nói bài giảng tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi?
◻ Phao-lô và Ba-na-ba đã làm trọn thế nào công việc được giao phó?
[Hình nơi trang 5]
Sự kiện sứ đồ Phao-lô bền bỉ chịu đựng sự bắt bớ đã gây ấn tượng lâu dài trong lòng chàng trẻ tuổi Ti-mô-thê