CHƯƠNG 12
“Dạn dĩ giảng dạy nhờ quyền mà Đức Giê-hô-va ban”
Phao-lô và Ba-na-ba biểu lộ sự khiêm nhường, kiên trì và dạn dĩ
Dựa trên Công vụ 14:1-28
1, 2. Một loạt sự kiện nào xảy ra khi Phao-lô và Ba-na-ba ở thành Lít-trơ?
Cảnh hỗn loạn xảy ra tại thành Lít-trơ. Một người què từ thuở lọt lòng mẹ đang nhảy nhót vui mừng sau khi được hai người lạ mặt chữa lành. Ai nấy đều kinh ngạc, và một thầy tế lễ mang vòng hoa đến cho hai người mà dân chúng tin là những vị thần. Mấy con bò đực thở phì phò và rống lên khi sắp bị thầy tế lễ của thần Dớt giết để tế thần. Tiếng kêu la phản đối phát ra từ cổ họng Phao-lô và Ba-na-ba. Hai người xé áo, chạy vào giữa đám đông nài nỉ người ta đừng tôn thờ mình, và khó khăn lắm họ mới ngăn cản được mọi người.
2 Sau đó, người Do Thái chống đối ở Y-cô-ni và An-ti-ốt xứ Bi-si-đi cũng đến. Họ nói những lời vu khống độc địa, đầu độc tâm trí người dân Lít-trơ. Đám đông vừa mới tôn thờ Phao-lô giờ lại vây lấy và ném đá ông tới tấp cho đến khi ông bất tỉnh. Khi đã hả cơn giận, họ lôi thân thể đầy thương tích của ông bỏ ngoài cổng thành vì tưởng ông đã chết.
3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong chương này?
3 Điều gì dẫn đến tình huống đầy kịch tính đó? Những người công bố tin mừng thời hiện đại có thể học được gì từ các sự kiện liên quan đến Ba-na-ba, Phao-lô và những người dân hay thay đổi ở Lít-trơ? Các trưởng lão đạo Đấng Ki-tô có thể noi gương Ba-na-ba và Phao-lô như thế nào khi hai người trung thành ấy kiên trì thi hành thánh chức, “dạn dĩ giảng dạy nhờ quyền mà Đức Giê-hô-va ban”?—Công 14:3.
“Rất đông người... trở thành môn đồ” (Công vụ 14:1-7)
4, 5. Tại sao Phao-lô và Ba-na-ba đi đến Y-cô-ni, và chuyện gì xảy ra tại đó?
4 Không lâu trước đó, Phao-lô và Ba-na-ba đã bị đuổi khỏi một thành phố của La Mã là An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, sau khi những người Do Thái chống đối gây khó khăn cho họ. Tuy nhiên, thay vì nản lòng, hai người đã “giũ bụi nơi chân mình”, trả lại cho dân cư không hưởng ứng trong thành đó (Công 13:50-52; Mat 10:14). Phao-lô và Ba-na-ba thanh thản rời khỏi thành, để những người phản kháng ấy gánh chịu hậu quả từ Đức Chúa Trời (Công 18:5, 6; 20:26). Không hề suy giảm niềm vui, hai giáo sĩ tiếp tục chuyến rao giảng của họ. Đi khoảng 150km về phía đông nam, họ đến một cao nguyên màu mỡ nằm giữa hai rặng núi Taurus và Sultan.
5 Trước hết, Phao-lô và Ba-na-ba dừng chân tại Y-cô-ni, một nơi vẫn còn mang nền văn hóa Hy Lạp và nằm trong số những thành phố quan trọng nhất của tỉnh Ga-la-ti thuộc La Mã.a Có một cộng đồng Do Thái đầy thế lực và rất nhiều người cải đạo Do Thái cư ngụ tại thành này. Theo thói quen, Phao-lô và Ba-na-ba vào nhà hội và bắt đầu rao giảng (Công 13:5, 14). “Họ giảng hay đến nỗi rất đông người Do Thái và người Hy Lạp trở thành môn đồ”.—Công 14:1.
6. Tại sao Phao-lô và Ba-na-ba là các thầy dạy hữu hiệu, và làm sao chúng ta có thể bắt chước họ?
6 Tại sao cách nói của Phao-lô và Ba-na-ba hữu hiệu đến thế? Phao-lô là một người có đầy sự khôn ngoan từ Kinh Thánh. Ông tài tình dẫn chứng lịch sử, lời tiên tri và Luật pháp Môi-se để chứng minh Chúa Giê-su là Đấng Mê-si đã được hứa trước (Công 13:15-31; 26:22, 23). Còn ở Ba-na-ba thì toát lên lòng quan tâm đến người khác (Công 4:36, 37; 9:27; 11:23, 24). Không ai trong hai người ấy nói dựa trên sự hiểu biết riêng, nhưng đều “nhờ quyền mà Đức Giê-hô-va ban”. Làm sao anh chị có thể bắt chước các giáo sĩ ấy trong công việc rao giảng? Bằng cách làm những điều sau: Trở nên quen thuộc với Lời Đức Chúa Trời. Chọn những câu Kinh Thánh mà rất có thể sẽ thu hút người nghe. Tìm những cách thực tiễn để an ủi người mình rao giảng. Và luôn dạy dỗ dựa trên thẩm quyền của Lời Đức Giê-hô-va, chứ không phải sự khôn ngoan riêng của mình.
7. (a) Tin mừng tạo ra các phản ứng nào? (b) Nếu gia đình bị chia rẽ vì anh chị vâng theo tin mừng, anh chị nên nhớ điều gì?
7 Tuy nhiên, không phải mọi người ở Y-cô-ni đều vui mừng nghe điều Phao-lô và Ba-na-ba nói. Lu-ca kể tiếp: “Những người Do Thái không tin thì kích động người ngoại và khiến họ có ác cảm với hai sứ đồ”. Phao-lô và Ba-na-ba thấy cần ở lại để bênh vực cho tin mừng nên họ “ở lại đó khá lâu và dạn dĩ giảng dạy”. Kết quả là “dân chúng trong thành có sự chia rẽ, một số theo người Do Thái, còn số khác thì theo hai sứ đồ” (Công 14:2-4). Ngày nay, tin mừng cũng tạo ra các phản ứng tương tự. Với một số người, tin mừng là động lực để hợp nhất; nhưng với những người khác, đó lại là cớ gây chia rẽ (Mat 10:34-36). Nếu gia đình anh chị bị chia rẽ vì anh chị vâng theo tin mừng, hãy nhớ rằng sự chống đối thường phát sinh vì những lời đồn thổi vô căn cứ hoặc lời vu khống trắng trợn. Hạnh kiểm tốt của anh chị có thể trở thành liều thuốc giải cho những lời độc địa đó, và có thể cuối cùng sẽ xoa dịu lòng những người chống đối anh chị.—1 Phi 2:12; 3:1, 2.
8. Tại sao Phao-lô và Ba-na-ba rời Y-cô-ni, và chúng ta học được gì từ gương đó?
8 Một thời gian sau, những kẻ chống đối ở Y-cô-ni âm mưu ném đá Phao-lô và Ba-na-ba. Khi biết chuyện, hai giáo sĩ này đã chọn đi đến vùng khác để làm chứng (Công 14:5-7). Những người công bố Nước Trời thời nay cũng khôn khéo như thế. Khi đương đầu với những lời công kích, chúng ta dạn dĩ rao giảng (Phi-líp 1:7; 1 Phi 3:13-15). Nhưng khi có nguy cơ xảy ra bạo động, chúng ta tránh làm điều dại dột, gây nguy hiểm không cần thiết cho mạng sống của mình hoặc anh em đồng đạo.—Châm 22:3.
“Thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống” (Công vụ 14:8-19)
9, 10. Thành Lít-trơ ở đâu, và chúng ta biết gì về dân cư thành này?
9 Phao-lô và Ba-na-ba đi đến Lít-trơ, một thuộc địa La Mã cách Y-cô-ni khoảng 30km về hướng tây nam. Lít-trơ giữ mối quan hệ chặt chẽ với thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, nhưng không có cộng đồng Do Thái đầy thế lực như thành đó. Dân cư Lít-trơ có lẽ nói tiếng Hy Lạp, nhưng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ là Li-cao-ni. Có thể vì trong thành không có nhà hội nên Phao-lô và Ba-na-ba rao giảng tại những nơi công cộng. Ở Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ đã chữa lành cho một người tàn tật từ thuở sơ sinh. Còn ở Lít-trơ, Phao-lô cũng chữa lành cho một người què từ thuở lọt lòng mẹ (Công 14:8-10). Nhờ phép lạ của Phi-e-rơ, rất nhiều người đã tin đạo (Công 3:1-10). Nhưng phép lạ của Phao-lô lại dẫn đến một kết cuộc hoàn toàn khác.
10 Như đã miêu tả ở đầu chương, khi người què nhảy nhót trên đôi chân mình thì đám đông thờ thần ngoại giáo ở Lít-trơ liền đi đến kết luận sai lầm. Họ cho rằng Ba-na-ba là thần Dớt, vị thần đứng đầu, còn Phao-lô là Héc-mê, con của thần Dớt và là phát ngôn viên của các thần. (Xem khung “Lít-trơ cùng sự tôn sùng thần Dớt và thần Héc-mê”). Tuy nhiên, Ba-na-ba và Phao-lô kiên quyết giúp đám đông hiểu rằng mình nói và hành động không dựa trên thẩm quyền của các thần ngoại giáo, mà của Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời có thật và duy nhất.—Công 14:11-14.
11-13. (a) Phao-lô và Ba-na-ba đã nói gì với cư dân Lít-trơ? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ lời của Phao-lô và Ba-na-ba?
11 Dù tình huống rất căng thẳng, Phao-lô và Ba-na-ba vẫn tìm cách tốt nhất để động đến lòng cử tọa. Trong lời tường thuật này, Lu-ca đã ghi lại cách rao giảng hữu hiệu cho người ngoại giáo. Hãy để ý cách Phao-lô và Ba-na-ba thu hút sự chú ý của người nghe: “Hỡi anh em, sao lại làm vậy? Chúng tôi cũng là người phàm có những yếu đuối như anh em. Chúng tôi công bố tin mừng cho anh em, hầu anh em từ bỏ những điều hư không mà thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống, là đấng dựng nên trời, đất, biển và mọi vật trong đó. Trong các đời trước đây, ngài để cho mọi dân đi theo đường lối của họ. Dù vậy, ngài vẫn làm chứng về mình qua những việc tốt lành, ban cho anh em mưa từ trời, mùa màng bội thu, thực phẩm dồi dào và khiến lòng anh em tràn đầy vui mừng”.—Công 14:15-17.
12 Chúng ta học được gì từ những lời gợi suy nghĩ ấy? Thứ nhất, Phao-lô và Ba-na-ba không xem mình cao hơn người nghe. Họ không giả vờ làm một nhân vật khác. Thay vì thế, họ khiêm nhường thừa nhận mình cũng là con người yếu đuối như những người ngoại giáo đang lắng nghe. Đành rằng Phao-lô và Ba-na-ba đã nhận thần khí thánh và được giải thoát khỏi những giáo lý sai lầm. Họ cũng được ban hy vọng cai trị cùng Đấng Ki-tô. Nhưng họ nhận biết cư dân Lít-trơ cũng có thể nhận được những món quà đó qua việc vâng lời Đấng Ki-tô.
13 Chúng ta có thái độ nào về những người mình rao giảng? Chúng ta có xem họ ngang hàng với mình không? Khi giúp người khác học những sự thật từ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có như Phao-lô và Ba-na-ba, tránh tìm cách để được tâng bốc không? Anh Charles Taze Russell, một người dạy dỗ xuất sắc dẫn đầu công việc rao giảng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã nêu gương trong vấn đề này. Anh viết: “Chúng tôi không muốn người ta tôn kính, sùng kính mình hoặc bài viết của mình; chúng tôi cũng không mong được gọi là Đức Cha hoặc Ráp-bi”. Thái độ khiêm nhường của anh Russell cũng giống như Phao-lô và Ba-na-ba. Tương tự thế, mục đích chúng ta rao giảng không phải là mang lại vinh hiển cho chính mình, nhưng giúp người ta thờ phượng “Đức Chúa Trời hằng sống”.
14-16. Bài học thứ hai và thứ ba mà chúng ta rút ra từ lời Phao-lô và Ba-na-ba nói với cư dân Lít-trơ là gì?
14 Hãy xem bài học thứ hai chúng ta có thể rút ra từ lời giảng đó. Phao-lô và Ba-na-ba rất linh động. Không như người Do Thái và người cải đạo Do Thái ở Y-cô-ni, cư dân thành Lít-trơ biết rất ít hoặc không biết gì về Kinh Thánh cũng như cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên. Dù vậy, những người đang nghe Phao-lô và Ba-na-ba giảng là dân cư của một cộng đồng nông nghiệp. Lít-trơ được ban khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ. Họ có thể thấy nhiều bằng chứng về các đặc tính của Đấng Tạo Hóa được tỏ lộ qua những điều như mùa màng bội thu, và hai giáo sĩ đã lý luận dựa trên điểm chung ấy để gợi sự chú ý của họ.—Rô 1:19, 20.
15 Chúng ta có thể linh động như thế không? Dù gieo cùng một loại hạt giống trên nhiều mảnh đất, người nông dân phải dùng nhiều phương pháp để chuẩn bị đất. Một số mảnh đất có thể đã mềm xốp và sẵn sàng để gieo hạt, nhưng mảnh khác có lẽ cần chuẩn bị kỹ hơn. Tương tự thế, chúng ta luôn gieo một loại hạt giống: thông điệp Nước Trời trong Lời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, như Phao-lô và Ba-na-ba, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh và niềm tin của người mình rao giảng. Biết được điều đó sẽ giúp chúng ta chọn cách trình bày thông điệp Nước Trời.—Lu 8:11, 15.
16 Chúng ta có thể rút ra bài học thứ ba từ lời tường thuật về Phao-lô, Ba-na-ba và cư dân Lít-trơ. Dù chúng ta nỗ lực hết sức, hạt giống mình gieo đôi khi bị cướp đi hoặc rơi trên đất đá sỏi (Mat 13:18-21). Nếu điều đó xảy ra, đừng nản lòng. Như sau này Phao-lô có nhắc các môn đồ ở Rô-ma, “mỗi người chúng ta [kể cả mỗi người mà mình chia sẻ Lời Đức Chúa Trời] sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời”.—Rô 14:12.
“Hai người... giao phó họ cho Đức Giê-hô-va” (Công vụ 14:20-28)
17. Phao-lô và Ba-na-ba đi đâu sau khi rời Đẹt-bơ, và tại sao?
17 Sau khi Phao-lô bị lôi ra bỏ ở ngoài thành Lít-trơ vì tưởng đã chết, các môn đồ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy, đi vào thành và tìm chỗ ở lại qua đêm. Hôm sau, Phao-lô và Ba-na-ba bắt đầu chuyến hành trình 100km đến Đẹt-bơ. Chắc hẳn Phao-lô rất đau đớn trong chuyến đi gian khổ này vì vài giờ trước, ông vừa bị ném đá tới tấp. Dù vậy, ông và Ba-na-ba vẫn kiên trì, và khi đến Đẹt-bơ thì họ “giúp khá nhiều người trở thành môn đồ”. Sau đó, thay vì theo con đường ngắn hơn để trở về nơi thường trú ở An-ti-ốt xứ Sy-ri, “hai người quay lại Lít-trơ, Y-cô-ni và An-ti-ốt [xứ Bi-si-đi]”. Để làm gì? Để “làm vững mạnh các môn đồ ở những nơi đó, khuyến giục mọi người giữ vững đức tin” (Công 14:20-22). Hai người đàn ông ấy quả là những tấm gương tốt! Họ đã đặt lợi ích của hội thánh lên trên sự an nhàn của bản thân. Các giám thị lưu động và giáo sĩ thời hiện đại cũng đã noi theo gương của họ.
18. Việc bổ nhiệm các trưởng lão bao hàm điều gì?
18 Ngoài việc làm vững mạnh các môn đồ qua lời nói cũng như gương mẫu, Phao-lô và Ba-na-ba còn “bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi hội thánh”. Dù “được phái bởi thần khí thánh” trong chuyến hành trình truyền giáo này, Phao-lô và Ba-na-ba vẫn cầu nguyện và kiêng ăn khi “giao phó họ [các trưởng lão ấy] cho Đức Giê-hô-va” (Công 13:1-4; 14:23). Phương thức đó cũng được áp dụng vào thời nay. Trước khi đề cử một anh để được bổ nhiệm, hội đồng trưởng lão địa phương cầu nguyện và xem xét những điều kiện Kinh Thánh đòi hỏi nơi anh đó (1 Ti 3:1-10, 12, 13; Tít 1:5-9; Gia 3:17, 18; 1 Phi 5:2, 3). Thời gian làm tín đồ đạo Đấng Ki-tô không phải là yếu tố quyết định. Thay vì thế, lời nói, hạnh kiểm và danh tiếng của anh mới là bằng chứng cho thấy mức độ thần khí thánh tác động đến đời sống anh. Việc hội đủ những điều Kinh Thánh đòi hỏi nơi một giám thị sẽ quyết định anh có được phục vụ với tư cách người chăn bầy hay không (Ga 5:22, 23). Giám thị vòng quanh có trách nhiệm bổ nhiệm các trưởng lão.—So sánh 1 Ti-mô-thê 5:22.
19. Các trưởng lão có trách nhiệm khai trình điều gì, và họ noi gương Phao-lô và Ba-na-ba như thế nào?
19 Các trưởng lão được bổ nhiệm biết rằng họ phải khai trình trước Đức Chúa Trời về cách đối xử với hội thánh (Hê 13:17). Như Phao-lô và Ba-na-ba, các trưởng lão dẫn đầu công việc rao giảng. Họ làm vững mạnh anh em qua lời nói, và sẵn lòng đặt lợi ích của hội thánh lên trên sự an nhàn của bản thân.—Phi-líp 2:3, 4.
20. Chúng ta được lợi ích thế nào khi đọc các báo cáo về những việc làm thể hiện lòng trung thành của anh em chúng ta?
20 Cuối cùng, khi Phao-lô và Ba-na-ba trở về nơi thường trú trong công tác truyền giáo là An-ti-ốt xứ Sy-ri, họ “kể cho mọi người nghe nhiều điều Đức Chúa Trời đã làm qua họ và việc ngài mở cho dân ngoại cánh cửa đến với đức tin” (Công 14:27). Khi đọc về những việc làm thể hiện lòng trung thành của anh em đồng đạo và thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho nỗ lực của họ ra sao, chúng ta sẽ được khích lệ để tiếp tục “dạn dĩ giảng dạy nhờ quyền mà Đức Giê-hô-va ban”.
a Xem khung “Y-cô-ni—Thành phố của người Phy-gi-a”.