Sự bắt bớ đẩy mạnh sự tăng trưởng ở An-ti-ốt
KHI bắt bớ bùng lên sau vụ Ê-tiên tử vì đạo, nhiều môn đồ của Chúa Giê-su đã chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Một trong những nơi họ đến ẩn náu là thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri, khoảng 550 kilômét về phía bắc thành Giê-ru-sa-lem. (Công-vụ 11:19) Những biến cố tiếp sau đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử đạo Đấng Christ. Để hiểu những điều đã xảy ra, chúng ta cần biết một chút về An-ti-ốt.
Trong số những thành phố thuộc Đế quốc La Mã, xét về mức độ rộng lớn, thịnh vượng, và tầm quan trọng An-ti-ốt chỉ đứng sau thành phố Rô-ma và Alexandria. Thành phố lớn này chi phối miền đông bắc của vùng vịnh Địa Trung Hải. Thành phố An-ti-ốt (ngày nay là Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ) nằm trên sông Orontes nơi tàu thuyền đi lại, là con sông nối liền thành phố với cảng Seleucia Pieria, cách đó 32 kilômét. Thành phố này kiểm soát một trong những tuyến đường thông thương quan trọng nhất giữa thành phố Rô-ma và thung lũng Tigris-Euphrates. Là trung tâm thương mại nên thành phố này buôn bán với toàn đế quốc, và đủ loại người lui tới, đem theo tin tức về các phong trào tôn giáo khắp nơi trong thế giới La Mã.
Tôn giáo và triết lý Hy Lạp rất thịnh hành ở An-ti-ốt. Nhưng sử gia Glanville Downey nói rằng: “Vào thời Đấng Christ, các nghi lễ thờ cúng thuộc tôn giáo cổ xưa và các triết lý đã trở thành niềm tin cá nhân, vì tự mỗi người tìm lấy sự thỏa mãn về mặt tôn giáo cho những vấn đề và khát vọng của riêng mình”. (A History of Antioch in Syria) Nhiều người thích thuyết nhất thần, với các nghi lễ, và nguyên tắc đạo đức của Do Thái Giáo.
Rất nhiều người Do Thái đến sống ở An-ti-ốt từ thời thành phố này mới được xây dựng vào năm 300 TCN. Theo ước tính, có khoảng từ 20.000 đến 60.000 người Do Thái sinh sống ở đây, chiếm hơn 10 phần trăm dân số thành phố. Sử gia Josephus nói rằng các triều vua Seleucid đã khuyến khích dân Do Thái lập cư ở thành phố này bằng cách ban cho họ mọi quyền công dân. Vào lúc đó, Kinh Thánh phần Hê-bơ-rơ đã được dịch sang tiếng Hy Lạp. Điều này khiến cho những người có cảm tình với Do Thái Giáo chú ý đến những khát khao mong đợi Đấng Mê-si. Bởi đó nhiều người Hy Lạp đã cải đạo. Mọi yếu tố này đã khiến An-ti-ốt thành một cánh đồng mầu mỡ cho công việc đào tạo môn đồ của tín đồ Đấng Christ.
Làm chứng cho Dân Ngoại
Phần lớn những môn đồ bị bắt bớ của Chúa Giê-su tản lạc từ Giê-ru-sa-lem chỉ chia sẻ niềm tin của họ với những người Do Thái mà thôi. Thế nhưng, ở An-ti-ốt, những môn đồ quê ở Chíp-rơ và Sy-ren đã nói chuyện với “người Gờ-réc”. (Công-vụ 11:20) Mặc dù công việc rao giảng cho những người Do Thái và những người nhập đạo Do Thái nói tiếng Hy Lạp đã được tiến hành từ lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, nhưng việc rao giảng ở An-ti-ốt dường như mới lạ. Người ta không chỉ rao giảng cho người Do Thái mà thôi. Đành rằng ông Cọt-nây người ngoại cùng gia đình đã trở thành tín đồ Đấng Christ, nhưng Đức Giê-hô-va đã phải ban cho sứ đồ Phi-e-rơ một sự hiện thấy để cho ông thấy rằng việc rao giảng cho Dân Ngoại, hoặc dân của các nước, là công việc thích hợp.—Công-vụ 10:1-48.
Trong một thành phố có một cộng đồng Do Thái đông đảo và lâu đời, giữa người Do Thái và người ngoại lại không có nhiều hiềm khích, cho nên những người không phải là Do Thái đã được làm chứng và hưởng ứng tin mừng. An-ti-ốt hiển nhiên đã tạo môi trường thích hợp cho sự phát triển như thế, ‘nên số người tin rất nhiều’. (Công-vụ 11:21) Và khi những người nhập đạo Do Thái, trước đây từng thờ những thần ngoại giáo, nay đã trở thành tín đồ Đấng Christ, thì họ đặc biệt có kinh nghiệm để làm chứng cho những người ngoại vẫn còn thờ thần giả.
Khi nghe nói về sự phát triển ở thành An-ti-ốt, hội thánh ở Giê-ru-sa-lem đã phái Ba-na-ba đến đó để tìm hiểu. Đó là một sự lựa chọn khôn ngoan và đầy yêu thương. Cũng như một số anh em đang rao giảng cho những người dân ngoại, Ba-na-ba là người quê ở Chíp-rơ. Ông có lẽ đã cảm thấy thoải mái giữa những người dân ngoại ở An-ti-ốt. Còn những người dân ngoại ở đó có lẽ đã xem ông như một thành viên thuộc cộng đồng, và quen thuộc với họ.a Ông có thể đồng ý với công việc đang được thực hiện. Do đó “khi người đến nơi và thấy ơn Đức Chúa Trời bèn vui mừng và khuyên mọi người phải cứ vững lòng theo Chúa”, và “bấy giờ rất đông người tin theo Chúa”.—Công-vụ 11:22-24.
Sử gia Downey cho rằng “có lẽ những lý do khiến công tác truyền giáo thời ban đầu ở An-ti-ốt được thành công là vì ở thành phố này các giáo sĩ không phải sợ những người Do Thái cuồng tín như họ đã gặp ở Giê-ru-sa-lem; cũng có thể vì thành phố này là thủ đô của xứ Sy-ri, do một nhà lãnh đạo quân sự cai trị nên mức độ trật tự công cộng tốt hơn, cho nên sự bạo động của đám đông ít có cơ hội xảy ra như ở Giê-ru-sa-lem, là nơi mà các quan tổng trấn của xứ Giu-đê có vẻ như (ít ra là vào thời bấy giờ) không kiềm chế nổi các người Do Thái cuồng tín”.
Trong những hoàn cảnh thuận lợi như thế và đồng thời vì có nhiều việc phải làm nên Ba-na-ba có thể thấy cần sự giúp đỡ, và đã nghĩ đến Sau-lơ, bạn ông. Tại sao lại nghĩ đến Sau-lơ, hay Phao-lô? Hiển nhiên là vì Phao-lô, mặc dù không phải là một trong 12 sứ đồ, nhưng đã được nhận chức sứ đồ cho dân ngoại. (Công-vụ 9:15, 27; Rô-ma 1:5; Khải-huyền 21:14) Vì vậy Phao-lô là người cộng sự thích hợp nhất trong việc rao truyền tin mừng trong thành phố An-ti-ốt thuộc dân ngoại này. (Ga-la-ti 1:16) Do đó Ba-na-ba đã đến Tạt-sơ tìm Sau-lơ để đưa ông đến An-ti-ốt.—Công-vụ 11:25, 26; xem khung nơi trang 26-27.
Được Đức Chúa Trời gọi là tín đồ Đấng Christ
Trọn một năm, Ba-na-ba và Sau-lơ “dạy dỗ nhiều người, và ấy là ở thành An-ti-ốt mà trước tiên các môn đồ được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu là tín đồ Đấng Christ”. Chắc chắn không phải người Do Thái là những người đầu tiên gọi các môn đồ của Chúa Giê-su là tín đồ Đấng Christ (tiếng Hy Lạp) hay là những người theo Đấng Mê-si (tiếng Hê-bơ-rơ), vì họ chối bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, hay Đấng Christ, và do đó họ sẽ không ngầm công nhận ngài là đấng ấy bằng cách gọi những môn đồ của ngài là tín đồ Đấng Christ. Một số người nghĩ rằng những người ngoại giáo có thể đã đặt biệt danh ấy cho các môn đồ để chế giễu hay tỏ ý miệt thị. Thế nhưng, Kinh Thánh cho thấy danh hiệu tín đồ Đấng Christ là do Đức Chúa Trời ban cho.—Công-vụ 11:26, NW.
Trong Kinh Thánh phần tiếng Hy Lạp, động từ được dùng liên quan đến tên mới này, thường được dịch là “đã được gọi là”, luôn được dùng để nói về cái gì đó siêu phàm, thần thông, hoặc thuộc về thần thánh. Do đó, các học giả dịch động từ ấy là “nói lời sấm truyền”, “Đức Chúa Trời gợi ý”, hoặc “cho một lệnh truyền hay một lời giáo huấn từ Đức Chúa Trời, hoặc dạy dỗ từ trời”. Vì các môn đồ của Chúa Giê-su đã được “Đức Chúa Trời ban cho” danh hiệu tín đồ Đấng Christ, nên có thể là Đức Giê-hô-va đã soi dẫn Sau-lơ và Ba-na-ba để đặt danh ấy.
Danh hiệu mới ấy đã tiếp tục được dùng. Các môn đồ của Chúa Giê-su không còn bị nhầm lẫn là một giáo phái của đạo Do Thái nữa, vì họ hoàn toàn khác với đạo ấy. Đến khoảng năm 58 CN, các quan chức La Mã biết rất rõ về các tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 26:28) Theo sử gia Tacitus, đến năm 64 CN, danh hiệu ấy cũng phổ biến trong dân chúng ở Rô-ma.
Đức Giê-hô-va dùng những người trung thành
Tin mừng đã tiến triển mạnh ở An-ti-ốt. Với sự ban phước của Đức Giê-hô-va và với quyết tâm rao giảng của các môn đồ của Chúa Giê-su, An-ti-ốt đã trở thành trung tâm của đạo Đấng Christ hồi thế kỷ thứ nhất. Đức Chúa Trời đã dùng hội thánh ở đó như điểm xuất phát để truyền bá tin mừng đến các miền đất xa xôi. Chẳng hạn, chính thành An-ti-ốt là điểm xuất phát của mọi chuyến hành trình tiên phong làm giáo sĩ của Phao-lô.
Tương tự như thế, thời nay sự sốt sắng và lòng quyết tâm trước sự chống đối cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển của đạo Đấng Christ thật, giúp nhiều người được nghe và bày tỏ lòng biết ơn đối với tin mừng.b Do đó, nếu bạn gặp sự chống đối vì ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch, hãy luôn nhớ là Đức Giê-hô-va có lý do để cho phép điều ấy xảy ra. Giống như trong thế kỷ thứ nhất, người ta ngày nay phải được ban cho cơ hội để nghe và đứng về phía Nước Đức Chúa Trời. Quyết tâm trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va có thể là yếu tố cần thiết để giúp người khác hiểu biết chính xác về lẽ thật.
[Chú thích]
a Vào ngày trời quang sáng, người ta có thể nhìn thấy đảo Chíp-rơ từ núi Casius, phía tây nam thành An-ti-ốt.
b Xin xem Tháp Canh, ngày 1-8-1999, trang 9; Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-4-1999, trang 21, 22; Niên Giám 1999 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ), trang 250-252.
[Khung/Các hình nơi trang 26, 27]
“Những năm tháng im hơi lặng tiếng” của Sau-lơ
LẦN cuối cùng sách Công-vụ nói đến Sau-lơ trước khi ông đến An-ti-ốt vào khoảng năm 45 CN, ấy là khi âm mưu giết ông ở Giê-ru-sa-lem bị ngăn chặn, và ông được anh em phái đến Tạt-sơ. (Công-vụ 9:28-30; 11:25) Nhưng việc ấy xảy ra đã chín năm trước đó, khoảng năm 36 CN. Trong thời gian chín năm đó ông đã làm gì—là thời kỳ được gọi là những năm tháng im hơi lặng tiếng của Sau-lơ?
Từ Giê-ru-sa-lem, Sau-lơ đã đi đến những vùng đất của xứ Sy-ri và xứ Si-li-si, và các hội thánh ở Giu-đê có nghe rằng: “Người đã bắt bớ chúng ta ngày trước, nay đương truyền đạo mà lúc bấy giờ người cố sức phá”. (Ga-la-ti 1:21-23) Báo cáo này có thể nói về hoạt động của Sau-lơ và Ba-na-ba ở An-ti-ốt, nhưng ngay cả trước lúc ấy, chắc chắn là Sau-lơ không hề nhàn rỗi. Đến năm 49 CN, đã có một số hội thánh ở Sy-ri và Si-li-si. Có một hội thánh ở An-ti-ốt, nhưng một số người nghĩ là các hội thánh khác có thể là kết quả của hoạt động của Sau-lơ trong suốt thời kỳ được gọi là những năm tháng im hơi lặng tiếng của ông.—Công-vụ 11:26; 15:23, 41.
Một số học giả tin rằng những biến cố sôi nổi trong cuộc đời Sau-lơ hẳn đã xảy ra trong cùng thời gian này. Nếu không thì khó có thể xác định được trong sự nghiệp truyền giáo của ông, đâu là thời điểm của nhiều nỗi vất vả, gian truân mà ông đã phải chịu vì là “kẻ hầu việc của Đấng Christ”. (2 Cô-rinh-tô 11:23-27) Sau-lơ đã năm lần bị người Do Thái đánh 39 roi vào lúc nào? Ông đang ở đâu thì ba lần bị đánh đòn? Ở đâu ông đã bị “tù-rạc nhiều”? Việc ông bị giam giữ ở Rô-ma mãi sau này mới xảy ra. Chúng ta được nghe tường thuật là ông một lần bị đánh đòn rồi bị bỏ vào ngục—ở Phi-líp. Nhưng còn những lần khác thì sao? (Công-vụ 16:22, 23) Một tác giả cho rằng trong thời gian này Sau-lơ “đã làm chứng về Đấng Christ trong các nhà hội của cộng đồng Do Thái ở hải ngoại cách nào đó mà khiến cả các nhà lãnh đạo tôn giáo lẫn chính quyền bắt bớ”.
Sau-lơ đã bốn lần bị đắm tàu, nhưng Kinh Thánh chỉ nói chi tiết về một vụ mà thôi. Nhưng vụ đắm tàu này lại xảy ra sau khi ông đã kể hết những nỗi gian truân trong thư gửi cho người Cô-rinh-tô. (Công-vụ 27:27-44) Như vậy là ba lần đắm tàu kia rất có thể đã xảy đến cho ông trong những chuyến hành trình mà chúng ta không được biết. Một số hoặc tất cả những biến cố này có thể đã xảy ra trong “những năm im hơi lặng tiếng”.
Một biến cố nữa dường như cũng đã xảy ra vào thời gian này đã được tường thuật lại nơi 2 Cô-rinh-tô 12:2-5. Sau-lơ nói: ‘Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba, được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra’. Hiển nhiên Sau-lơ đang nói về chính ông. Vì ông viết những lời này vào khoảng năm 55 CN, nên 14 năm trước đưa ta trở lại năm 41 CN, tức giữa “những năm im hơi lặng tiếng”.
Sự hiện thấy đó chắc chắn đã giúp Sau-lơ có sự hiểu biết độc nhất vô nhị. Phải chăng đó là để trang bị cho ông làm “sứ-đồ cho dân ngoại”? (Rô-ma 11:13) Sự hiện thấy đó có ảnh hưởng đến tư tưởng, cách hành văn và diễn đạt của ông sau này không? Phải chăng những năm tháng từ lúc Sau-lơ cải đạo cho đến khi được mời đến An-ti-ốt là để rèn luyện và giúp ông nên thành thục để đảm nhận những trách nhiệm tương lai? Dù câu trả lời có thế nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể chắc chắn một điều là khi Ba-na-ba mời ông đến giúp dẫn đầu công việc rao giảng ở An-ti-ốt, Sau-lơ với lòng sốt sắng đã hoàn toàn đủ tư cách để làm tròn công việc này.—Công-vụ 11:19-26.
[Bản đồ nơi trang 25]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
SY-RI
Orontes
An-ti-ốt
Seleucia
CHÍP-RƠ
ĐỊA TRUNG HẢI
Giê-ru-sa-lem
[Nguồn tư liệu]
Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Các hình nơi trang 24]
Hình trên: Thành An-ti-ốt thời nay
Chính giữa: Cảnh phía nam của thành Seleucia
Hình dưới: Dãy tường của cảng Seleucia