Ly-đi—Người hiếu khách thờ phượng Đức Chúa Trời
TỪ THỜI XƯA, các tôi tớ của Đức Chúa Trời thật đã tỏ ra xuất sắc về tính hiếu khách (Sáng-thế Ký 18:1-8; 19:1-3). Tính này được định nghĩa là “yêu thương, trìu mến hoặc tử tế với người lạ”. Tính hiếu khách xuất phát từ lòng chân thật, ngay cả trong thời nay, là một dấu hiệu của đạo thật đấng Christ. Nói đúng ra, những ai muốn Đức Chúa Trời chấp nhận sự thờ phượng của mình thì phải có đức tính này (Hê-bơ-rơ 13:2; I Phi-e-rơ 4:9).
Một người nêu gương trong việc bày tỏ lòng hiếu khách là Ly-đi. Bà “ép mời” các giáo sĩ tín đồ đấng Christ đang viếng thăm thành Phi-líp phải ở lại nhà của bà (Công-vụ các Sứ-đồ 16:15). Mặc dù Kinh-thánh chỉ nói vắn tắt về Ly-đi, nhưng những lời đó cũng đủ để khích lệ chúng ta. Khích lệ bằng cách nào? Ly-đi là ai? Chúng ta biết gì về bà?
“Buôn hàng sắc tía”
Ly-đi sống ở thành Phi-líp, là thành chính của tỉnh Ma-xê-đoan. Tuy nhiên, quê bà ở thành Thi-a-ti-rơ, một thành phố thuộc vùng Ly-đi, về phía tây Tiểu Á. Vì lý do này nên một số người nghĩ rằng “Ly-đi” là biệt danh mà người ta đặt cho bà tại thành Phi-líp. Nói cách khác, bà là “người Ly-đi” cũng như người đàn bà mà Giê-su đã làm chứng cho có thể được gọi “người đờn bà Sa-ma-ri” (Giăng 4:9). Bà Ly-đi bán “hàng sắc tía” hoặc những thứ được nhuộm màu này (Công-vụ các Sứ-đồ 16:12, 14). Những vật có chữ khắc mà các nhà khảo cổ đã đào được chứng minh rằng đã có những người làm nghề sản xuất thuốc nhuộm ở thành Thi-a-ti-rơ và thành Phi-líp. Có thể Ly-đi đã dời chỗ ở vì công việc làm ăn buôn bán của mình hoặc là người đại diện cho một công ty thuốc nhuộm ở Thi-a-ti-rơ.
Thuốc nhuộm màu tía có thể được bào chế từ nhiều thứ khác nhau. Loại thuốc nhuộm đắt tiền nhất lấy từ một vài loại hải sản có thân mềm. Theo nhà thơ La Mã là Martial sống vào thế kỷ thứ nhất, thì một áo choàng có màu tía hảo hạng từ Ty-rơ (một trung tâm khác bào chế chất này) có thể trị giá đến 10.000 sesterces, hoặc 2.500 đơ-ni-ê, tương đương với lương của một người làm lao động 2.500 ngày. Rõ ràng, những loại áo như thế là loại xa xỉ mà ít người có thể mua nổi. Vì thế Ly-đi có lẽ khá giả. Dù sao đi nữa, bà có khả năng tiếp đãi sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng hành ông là Lu-ca, Si-la, Ti-mô-thê và có lẽ những người khác nữa (Công-vụ các Sứ-đồ 16:15).
Công việc rao giảng của Phao-lô ở thành Phi-líp
Vào khoảng năm 50 công nguyên, Phao-lô đặt chân ở Âu Châu và bắt đầu rao giảng ở thành Phi-líp.a Khi đến một thành phố mới, Phao-lô có thói quen đến thăm nhà hội trước để rao giảng cho người Do Thái và những người cải đạo đang tụ họp tại đó. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 13:4, 5, 13, 14; 14:1). Tuy nhiên, theo một số nguồn tư liệu, luật La Mã cấm người Do Thái thực hành tôn giáo trong “ranh giới thánh” của thành Phi-líp. Vì thế, sau khi ở đó “vài ngày”, vào ngày Sa-bát các giáo sĩ tìm được một chỗ bên bờ sông ngoài thành là nơi mà ‘họ tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu nguyện’ (Công-vụ các Sứ-đồ 16:12, 13). Hình như đây là sông Gangites. Nơi đó các giáo sĩ chỉ thấy toàn đàn bà, một người trong nhóm họ là Ly-đi.
Người “kính-sợ Đức Chúa Trời”
Ly-đi là người “kính-sợ Đức Chúa Trời”, nhưng rất có thể bà đã cải đạo sang Do Thái giáo để tìm chân lý về tôn giáo. Mặc dù bà có công việc làm khá tốt, nhưng Ly-đi không là người duy vật. Trái lại, bà dành thì giờ cho những vấn đề thiêng liêng. “Chúa mở lòng cho người, đặng chăm-chỉ nghe lời Phao-lô nói” và Ly-đi chấp nhận lẽ thật. Thật vậy, “người đã chịu phép báp-têm với người nhà mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:14, 15).
Kinh-thánh không nêu tên những người khác trong gia đình của Ly-đi. Vì chồng không được nói đến, nên có thể bà sống độc thân hay góa chồng. Có lẽ “người nhà” bao gồm những người trong gia đình, nhưng từ ngữ này cũng có thể nói đến cả các đầy tớ và người làm nữa. Dù sao đi nữa, Ly-đi đã hăng hái chia sẻ những điều bà học được với những người ở trong nhà bà. Ắt hẳn bà thật vui mừng khi họ tin và nhận lấy đức tin thật!
“Người ép mời vào”
Trước khi gặp Ly-đi, có lẽ các giáo sĩ đã phải tốn kém để trả cho những nơi ở trọ. Nhưng bà vui mừng vì có thể mời họ ở chỗ khác. Tuy nhiên, sự kiện bà phải cố nài cho thấy rằng Phao-lô và những người bạn đồng hành đã ngỏ lời từ chối. Tại sao? Phao-lô muốn ‘giảng nhưng-không, chẳng dùng quyền ông có như người giảng tin-lành’ và không làm phiền cho bất cứ một người nào (I Cô-rinh-tô 9:18; II Cô-rinh-tô 12:14). Nhưng Lu-ca nói thêm: “Khi người đã chịu phép báp-têm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung-thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:15). Ly-đi quan tâm rất nhiều đến việc trung thành với Đức Giê-hô-va, và việc ân cần tiếp khách hiển nhiên là bằng chứng cho thấy đức tin của bà. (So sánh I Phi-e-rơ 4:9). Bà thật là một gương mẫu rất tốt! Chúng ta có dùng tài sản mình để đẩy mạnh quyền lợi của tin mừng không?
Các anh em ở thành Phi-líp
Khi Phao-lô và Si-la ra khỏi tù sau vụ liên can đến đứa đầy tớ gái bị quỉ ám, họ trở về nhà của Ly-đi, nơi mà họ gặp một số anh em (Công-vụ các Sứ-đồ 16:40). Những người tin đạo trong hội thánh mới được thành lập ở Phi-líp có lẽ thường dùng nhà của Ly-đi để làm nơi họp mặt. Nghĩ rằng nhà của bà được tiếp tục dùng làm trung tâm cho các hoạt động thần quyền trong thành đó thì thật là hợp lý.
Kinh-thánh cho thấy rằng tính hiếu khách nồng hậu của Ly-đi cũng là đặc tính của cả hội thánh. Mặc dù nghèo khó, có nhiều lần anh em ở thành Phi-líp đã gởi đến Phao-lô những thứ cần thiết, và sứ đồ này thật biết ơn (II Cô-rinh-tô 8:1, 2; 11:9; Phi-líp 4:10, 15, 16).
Phao-lô không nhắc đến Ly-đi trong thư ông gởi đến thành Phi-líp vào khoảng năm 60-61 công nguyên. Kinh-thánh không nói về điều gì đã xảy đến cho bà sau biến cố được kể lại trong Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 16. Tuy nhiên, câu chuyện vắn tắt về người đàn bà đầy nghị lực này khiến chúng ta muốn “ân-cần tiếp khách” (Rô-ma 12:13). Chúng ta thật biết ơn biết bao khi trong vòng chúng ta có các tín đồ đấng Christ giống như Ly-đi! Tinh thần của họ góp phần đáng kể trong việc giúp cho hội thánh được ấm cúng và thân thiện, làm vinh hiển Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
[Chú thích]
a Trong những thành phố quan trọng nhất ở tỉnh Ma-xê-đoan, Phi-líp là khu quân sự tương đối phồn thịnh ở dưới luật jus italicum (Luật pháp cổ Italy). Luật này bảo đảm quyền lợi cho dân ở thành Phi-líp tương ứng với quyền mà dân La Mã được hưởng. (Công-vụ các Sứ-đồ 16:9, 12, 21).
[Khung nơi trang 28]
Đời sống của người Do Thái ở thành Phi-líp
Đời sống ở thành Phi-líp ắt không dễ dàng đối với người Do Thái và những người cải đạo Do Thái. Dường như người ta có quan điểm chống Do Thái, bởi vì ít lâu trước khi Phao-lô thăm viếng, hoàng đế Cơ-lốt đã trục xuất người Do Thái ra khỏi thành Rô-ma. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 18:2).
Điều đáng chú ý là Phao-lô và Si-la bị đưa ra trước các thượng quan sau khi chữa lành một đầy tớ gái bị quỉ ám, biết bói khoa. Vì chủ của cô gái đó bị mất đi nguồn lợi tức, nên đã khích động thành kiến của dân thành bằng cách quả quyết: “Những người nầy làm rối-loạn thành ta; ấy là người Giu-đa, dạy-dỗ các thói-tục mà chúng ta chẳng nên nhận lấy, hoặc vâng theo, vì chúng ta là người Rô-ma”. Hậu quả là Phao-lô và Si-la bị đánh đòn và bỏ vào ngục (Công-vụ các Sứ-đồ 16:16-24). Trong môi trường như thế, công khai thờ phượng Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của dân Do Thái, đòi hỏi phải có lòng can đảm. Nhưng rõ ràng Ly-đi không quan tâm đến việc mình khác biệt với người ta.
[Các hình nơi trang 27]
Tàn tích ở thành Phi-líp