CHƯƠNG 19
“Hãy tiếp tục giảng, chớ im lặng”
Dù phải làm việc để tự nuôi mình nhưng Phao-lô luôn đặt thánh chức lên hàng đầu
Dựa trên Công vụ 18:1-22
1-3. Tại sao sứ đồ Phao-lô đến Cô-rinh-tô, và ông gặp phải những vấn đề nào?
Vào khoảng cuối năm 50 CN, sứ đồ Phao-lô có mặt tại thành phố Cô-rinh-tô.a Đây là một trung tâm thương mại thịnh vượng với một số lượng lớn người dân là Hy Lạp, La Mã và Do Thái. Phao-lô đến thành phố này không phải để buôn bán hay tìm việc làm. Ông đến Cô-rinh-tô vì một lý do quan trọng hơn rất nhiều, đó là làm chứng về Nước Đức Chúa Trời. Dù vậy, Phao-lô vẫn cần một nơi ở và ông nhất quyết không trở thành gánh nặng tài chính cho người khác. Ông không muốn bất cứ ai nghĩ rằng ông mong được anh em chu cấp để rảnh tay làm thánh chức. Phao-lô sẽ làm gì?
2 Phao-lô biết một nghề, đó là may lều. Nghề này không dễ nhưng ông sẵn sàng lao động bằng chính đôi tay của mình để tự chu cấp cho bản thân. Liệu Phao-lô sẽ tìm được việc làm tại thành phố Cô-rinh-tô náo nhiệt không? Ông có tìm được nơi nào thích hợp để ở lại không? Dù phải đương đầu với các vấn đề này, nhưng Phao-lô không hề sao lãng thánh chức, đó mới là công việc chính của ông.
3 Rồi Phao-lô đã ở lại Cô-rinh-tô một thời gian và thánh chức của ông đạt được nhiều kết quả. Xem xét các hoạt động của Phao-lô tại thành Cô-rinh-tô sẽ giúp chúng ta làm chứng cặn kẽ về Nước Đức Chúa Trời trong khu vực của mình. Như thế nào?
Họ “cùng nghề may lều” (Công vụ 18:1-4)
4, 5. (a) Trong thời gian tại Cô-rinh-tô, Phao-lô đã ở đâu và làm công việc gì ngoài đời? (b) Phao-lô có thể đã trở thành thợ may lều như thế nào?
4 Một thời gian sau khi đến thành Cô-rinh-tô, Phao-lô gặp hai vợ chồng rất hiếu khách là A-qui-la, người gốc Do Thái, và vợ là Bê-rít-sin. Do hoàng đế Cơ-lo-đi-ô đã ra lệnh cho “tất cả người Do Thái phải rời khỏi Rô-ma” nên hai vợ chồng này chuyển đến Cô-rinh-tô (Công 18:1, 2). Họ không chỉ mời Phao-lô vào ở chung nhà mà còn mời ông cùng làm việc. Kinh Thánh cho biết: “Vì cùng nghề may lều nên [Phao-lô] ở lại nhà họ và làm việc chung” (Công 18:3). Ngôi nhà của cặp vợ chồng tử tế này là nơi mà Phao-lô trú ngụ suốt thời gian thi hành thánh chức tại Cô-rinh-tô. Trong khi ở với A-qui-la và Bê-rít-sin, Phao-lô có thể đã viết vài lá thư mà sau này trở thành một phần của Kinh Thánh chính điển.b
5 Làm thế nào mà một người từng được “chính Ga-ma-li-ên dạy dỗ” như Phao-lô lại biết nghề may lều? (Công 22:3). Dường như người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất không xem việc dạy con cái họ một nghề thủ công nào đó sẽ làm hạ phẩm giá của mình, cho dù con cái cũng có thể theo đuổi một nền học vấn khác. Do xuất thân từ Tạt-sơ thuộc xứ Si-li-si, là vùng nổi tiếng với loại vải cilicium, thường dùng để may lều, nên có lẽ Phao-lô đã được học nghề lúc còn trẻ. Nghề may lều bao gồm việc gì? Người làm nghề này có thể phải dệt hoặc cắt may một loại vải thô cứng để làm ra những chiếc lều. Dù sao đi nữa, đó là một công việc khó nhọc.
6, 7. (a) Phao-lô xem nghề may lều như thế nào, và điều gì cho thấy A-qui-la và Bê-rít-sin cũng có quan điểm tương tự? (b) Các môn đồ Đấng Ki-tô thời nay noi gương Phao-lô, A-qui-la và Bê-rít-sin như thế nào?
6 Phao-lô không xem nghề may lều là sự nghiệp của mình. Ông làm việc này chỉ để chu cấp cho bản thân khi làm thánh chức, vì Phao-lô công bố tin mừng cách “miễn phí” (2 Cô 11:7). Còn A-qui-la và Bê-rít-sin có quan điểm nào về nghề của mình? Là môn đồ Đấng Ki-tô, chắc chắn quan điểm của họ về công việc ngoài đời cũng giống như Phao-lô. Thật thế, khi Phao-lô rời Cô-rinh-tô vào năm 52 CN, họ đã gói ghém đồ đạc và theo ông đến Ê-phê-sô. Tại đó, nhà họ được dùng làm nơi nhóm họp cho hội thánh địa phương (1 Cô 16:19). Sau này, A-qui-la và Bê-rít-sin trở về Rô-ma rồi lại đi Ê-phê-sô. Cặp vợ chồng sốt sắng này đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu và sẵn lòng phục vụ người khác hết mình. Vì thế, “tất cả các hội thánh trong các nước” đều biết ơn họ.—Rô 16:3-5; 2 Ti 4:19.
7 Thời nay, các môn đồ Đấng Ki-tô noi theo gương của Phao-lô, A-qui-la và Bê-rít-sin. Những người rao giảng sốt sắng ngày nay làm việc siêng năng “để không tạo gánh nặng về tài chính” cho người khác (1 Tê 2:9). Thật đáng khen, nhiều người công bố Nước Trời trọn thời gian tìm những việc làm bán thời gian hoặc theo thời vụ để tự chu cấp cho bản thân khi thi hành công việc chính của họ là rao giảng. Như A-qui-la và Bê-rít-sin, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã tử tế dùng nhà tiếp đón các giám thị vòng quanh. Những người “tập thói quen tỏ lòng hiếu khách” như thế biết rằng chính họ cũng được khích lệ và xây dựng rất nhiều.—Rô 12:13.
“Nhiều người Cô-rinh-tô... cũng tin” (Công vụ 18:5-8)
8, 9. Phao-lô phản ứng thế nào khi việc chú tâm làm chứng cho người Do Thái vấp phải sự chống đối, và sau đó ông rao giảng ở đâu?
8 Phao-lô xem công việc ngoài đời chỉ là một phương tiện để giúp ông thi hành thánh chức. Điều này được thấy rõ khi Si-la và Ti-mô-thê mang những món quà của lòng rộng rãi từ Ma-xê-đô-ni-a đến (2 Cô 11:9). Ngay lập tức, Phao-lô “bắt đầu dồn mọi nỗ lực vào việc giảng lời Đức Chúa Trời” (Công 18:5). Tuy nhiên, việc chú tâm làm chứng cho người Do Thái vấp phải sự chống đối dữ dội. Những người Do Thái đã từ chối chấp nhận thông điệp cứu mạng về Đấng Ki-tô. Để cho thấy ông không còn chịu trách nhiệm về họ, Phao-lô giũ áo và nói với những người Do Thái chống đối rằng: “Các người tự chịu trách nhiệm về cái chết của mình. Tôi vô tội. Từ nay, tôi sẽ đến với dân ngoại”.—Công 18:6; Ê-xê 3:18, 19.
9 Giờ đây Phao-lô sẽ rao giảng ở đâu? Một người đàn ông tên Ti-ti-u Giúc-tu, có thể là người cải đạo Do Thái và có nhà kế sát nhà hội, đã mở rộng cửa đón tiếp Phao-lô. Vì thế, Phao-lô chuyển việc rao giảng từ nhà hội sang nhà của Giúc-tu (Công 18:7). Phao-lô vẫn ở tại nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin khi ông ở Cô-rinh-tô, nhưng nhà của Giúc-tu đã trở thành trung tâm rao giảng của sứ đồ này.
10. Điều gì cho thấy Phao-lô không nhất quyết chỉ rao giảng cho người thuộc dân ngoại?
10 Phải chăng lời của Phao-lô nói rằng kể từ đây ông sẽ đi đến dân ngoại có nghĩa là ông hoàn toàn không còn chú ý đến người Do Thái và người cải đạo Do Thái nữa, ngay cả những người hưởng ứng tin mừng? Hẳn là không. Thí dụ, “Cơ-rít-bơ, là viên cai quản nhà hội, cùng cả nhà ông đều tin Chúa”. Rất có thể nhiều người trong nhà hội đã kết hợp với Cơ-rít-bơ, vì Kinh Thánh cho biết: “Nhiều người Cô-rinh-tô đã nghe giảng cũng tin và chịu phép báp-têm” (Công 18:8). Do đó, nhà của Ti-ti-u Giúc-tu trở thành nơi nhóm họp của hội thánh mới thành lập tại Cô-rinh-tô. Nếu lời tường thuật của sách Công vụ được trình bày theo văn phong của Lu-ca, tức là theo đúng trình tự thời gian, thì việc những người Do Thái hoặc những người cải đạo Do Thái trở thành môn đồ Đấng Ki-tô phải diễn ra sau khi Phao-lô giũ áo. Nếu đúng là như vậy thì điều này cho thấy rõ sự linh động của sứ đồ Phao-lô.
11. Làm thế nào Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay noi gương Phao-lô khi đến gặp những người thuộc khối Ki-tô giáo?
11 Tại nhiều xứ ngày nay, các nhà thờ của khối Ki-tô giáo đã có từ lâu đời và ảnh hưởng mạnh mẽ trên giáo dân. Tại một số quốc gia và hải đảo, những giáo sĩ của khối Ki-tô giáo đã khiến cho nhiều người theo đạo. Như những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất ở Cô-rinh-tô, thời nay những người nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su cũng thường bị ràng buộc bởi truyền thống. Tuy vậy, là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta noi gương sứ đồ Phao-lô và sốt sắng đến giúp những người như thế có sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh. Ngay dù bị họ chống đối hoặc bị hàng giáo phẩm bắt bớ, chúng ta vẫn không bỏ cuộc. Trong số những người “có lòng sốt sắng với Đức Chúa Trời, nhưng không theo sự hiểu biết chính xác”, vẫn có những người nhu mì cần được tìm gặp.—Rô 10:2.
“Tôi có nhiều người trong thành này” (Công vụ 18:9-17)
12. Phao-lô nhận được sự đảm bảo nào trong một khải tượng?
12 Nếu Phao-lô có bất cứ nghi ngại gì về việc tiếp tục thi hành thánh chức tại thành Cô-rinh-tô, thì chắc chắn những nghi ngại đó đã tan biến vào đêm Chúa Giê-su hiện ra với ông trong một khải tượng và phán rằng: “Đừng sợ, hãy tiếp tục giảng, chớ im lặng, vì tôi ở cùng anh, và sẽ không ai hành hung anh; vì tôi có nhiều người trong thành này” (Công 18:9, 10). Thật là một khải tượng đầy khích lệ! Chính Chúa Giê-su đoan chắc rằng Phao-lô sẽ được bảo vệ khỏi những điều gây thương tích cho ông và ngài cũng cho biết trong thành vẫn còn nhiều người xứng đáng. Phao-lô phản ứng thế nào trước khải tượng đó? Kinh Thánh tường thuật: “Ông ở lại đó một năm rưỡi, dạy lời Đức Chúa Trời cho họ”.—Công 18:11.
13. Có thể Phao-lô đã nghĩ đến điều gì khi bị dẫn đến bục xét xử, nhưng tại sao ông có thể mong đợi một kết cuộc khác sẽ xảy ra?
13 Sau khi ở thành Cô-rinh-tô khoảng một năm, Phao-lô nhận thêm bằng chứng về sự hỗ trợ của Chúa Giê-su. Lúc ấy, “người Do Thái hiệp lại tấn công Phao-lô. Họ giải ông đến bục xét xử”, gọi là beʹma (Công 18:12). Vài người cho rằng beʹma là một bục cao bằng đá cẩm thạch xanh trắng và được chạm trổ đầy những hoa văn trang trí. Bục này có lẽ được đặt gần trung tâm của khu chợ Cô-rinh-tô. Phía trước của beʹma là khoảng đất trống đủ rộng để triệu tập một đám đông khá lớn. Những khám phá trong ngành khảo cổ khiến người ta có thể kết luận rằng bục xét xử này chỉ cách nhà hội vài bước chân, và do đó rất gần nhà của Giúc-tu. Khi Phao-lô bị dẫn đến beʹma, có lẽ ông đã nghĩ về việc Ê-tiên bị ném đá. Ê-tiên đôi lúc được đề cập đến là tín đồ đạo Đấng Ki-tô đầu tiên tử vì đạo. Phao-lô, trước đây gọi là Sau-lơ, đã từng “tán thành việc giết Ê-tiên” (Công 8:1). Liệu điều tương tự có xảy ra cho Phao-lô không? Không, vì ông đã được hứa trước rằng: “Không ai làm hại con được”.—Công 18:10, Bản Dịch Mới.
14, 15. (a) Người Do Thái tố cáo Phao-lô về tội gì, và tại sao Ga-li-ô giải tán phiên tòa? (b) Điều gì xảy ra cho Sốt-then, và có lẽ đã dẫn đến kết quả nào?
14 Chuyện gì đã xảy ra cho Phao-lô khi ông đến bục xét xử? Ngồi trên ghế thẩm phán là Ga-li-ô, quan tổng đốc tỉnh A-chai, anh trai của một triết gia người La Mã là Seneca. Người Do Thái cáo buộc Phao-lô rằng: “Ông này dụ dỗ người ta thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách trái với luật pháp” (Công 18:13). Ý của họ là Phao-lô đã khiến người khác cải đạo một cách phi pháp. Tuy nhiên, Ga-li-ô nhận thấy Phao-lô không làm điều gì “sai trái” và cũng không “phạm tội trọng” nào (Công 18:14). Ga-li-ô không muốn dính líu đến sự tranh cãi của người Do Thái. Thật vậy, Phao-lô chưa kịp nói một lời biện hộ nào thì Ga-li-ô đã giải tán phiên tòa! Những người cáo buộc nổi cơn thịnh nộ. Họ trút giận lên Sốt-then, có lẽ là người thay thế Cơ-rít-bơ cai quản nhà hội. Họ bắt Sốt-then “và đánh ông ngay trước bục xét xử”.—Công 18:17.
15 Tại sao Ga-li-ô không ngăn cản đám đông đánh Sốt-then? Có lẽ Ga-li-ô nghĩ rằng Sốt-then đã cầm đầu đám đông chống lại Phao-lô và do đó đáng bị đánh. Nhưng dù sao thì điều này cũng có thể mang lại kết quả tốt. Vài năm sau đó, khi viết lá thư đầu tiên cho hội thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô đề cập đến một anh em tên Sốt-then (1 Cô 1:1, 2). Đó có phải là Sốt-then đã bị đánh ở Cô-rinh-tô không? Nếu đúng thì trải nghiệm đau thương ấy có lẽ đã giúp Sốt-then trở thành môn đồ Đấng Ki-tô.
16. Lời của Chúa Giê-su “đừng sợ, hãy tiếp tục giảng, chớ im lặng, vì tôi ở cùng anh” nên tác động thế nào đến thánh chức của chúng ta?
16 Hãy nhớ lại sau khi người Do Thái bác bỏ lời giảng của Phao-lô, Chúa Giê-su đã đoan chắc với ông: “Đừng sợ, hãy tiếp tục giảng, chớ im lặng, vì tôi ở cùng anh” (Công 18:9, 10). Chúng ta cũng nên ghi nhớ những lời này, đặc biệt khi người khác bác bỏ thông điệp mà chúng ta rao giảng. Đừng bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va đọc được lòng và sẽ kéo những người có lòng thành đến với ngài (1 Sa 16:7; Giăng 6:44). Hẳn là điều này sẽ thúc đẩy chúng ta tiếp tục bận rộn trong thánh chức! Mỗi năm có hàng trăm ngàn người, nghĩa là mỗi ngày có đến hàng trăm người, làm báp-têm. Đối với những ai chú tâm làm theo mệnh lệnh “hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ” thì Chúa Giê-su đưa ra lời đảm bảo sau: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thế gian này kết thúc”.—Mat 28:19, 20.
“Nếu Đức Giê-hô-va muốn” (Công vụ 18:18-22)
17, 18. Phao-lô có lẽ đã hồi tưởng về điều gì khi lên thuyền đến Ê-phê-sô?
17 Chúng ta không thể biết chắc thái độ của Ga-li-ô đối với những người buộc tội Phao-lô có mang lại một khoảng thời gian bình an cho hội thánh mới thành lập ở Cô-rinh-tô hay không. Tuy nhiên, Phao-lô đã ở lại “thêm một thời gian” trước khi từ giã các anh em ở Cô-rinh-tô. Vào mùa xuân năm 52 CN, Phao-lô dự định sẽ lên thuyền đi đến Sy-ri, khởi hành từ cảng Sen-cơ-rê cách Cô-rinh-tô khoảng 11km về phía đông. Nhưng trước khi rời Sen-cơ-rê, Phao-lô “cắt tóc ngắn vì đã có một lời thề”c (Công 18:18). Sau đó, ông mang theo A-qui-la và Bê-rít-sin vượt biển Ê-giê đến thành Ê-phê-sô ở Tiểu Á.
18 Khi thuyền rời bến Sen-cơ-rê, Phao-lô có lẽ đã hồi tưởng về thời gian ở Cô-rinh-tô. Ông có nhiều kỷ niệm đẹp và có lý do để hoàn toàn thỏa nguyện. Chuyến rao giảng kéo dài 18 tháng đã mang lại nhiều kết quả tốt. Hội thánh đầu tiên ở Cô-rinh-tô đã được thành lập với nơi nhóm họp là nhà của Giúc-tu. Trong số những người tin đạo có Giúc-tu, Cơ-rít-bơ cùng người nhà, và nhiều người khác nữa. Phao-lô rất yêu mến những môn đồ mới này vì chính ông đã giúp họ trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Sau này, ông viết thư cho họ và miêu tả họ như ‘thư giới thiệu được khắc trong lòng ông’. Chúng ta cũng cảm thấy gần gũi như thế với những người mà mình có đặc ân giúp chấp nhận sự thờ phượng thật. Thật thỏa lòng biết bao khi nhìn thấy những “thư giới thiệu” bằng xương bằng thịt ấy!—2 Cô 3:1-3.
19, 20. Phao-lô đã làm gì khi đến Ê-phê-sô, và chúng ta học được bài học nào từ ông về việc theo đuổi các mục tiêu thiêng liêng?
19 Khi đến Ê-phê-sô, ngay lập tức Phao-lô bắt tay vào công việc. Ông “vào nhà hội lý luận với người Do Thái” (Công 18:19). Lần này, Phao-lô chỉ ở lại Ê-phê-sô một thời gian ngắn. Dù được mời ở lại lâu hơn, nhưng “ông từ chối”. Khi từ giã những người Ê-phê-sô, ông nói: “Tôi sẽ trở lại với anh em nếu Đức Giê-hô-va muốn” (Công 18:20, 21). Chắc chắn Phao-lô biết rằng cần phải rao giảng nhiều hơn tại Ê-phê-sô. Dù Phao-lô dự định sẽ trở lại, nhưng ông để mọi việc trong tay Đức Giê-hô-va. Đó chẳng phải là một gương mẫu tốt mà chúng ta nên ghi nhớ sao? Khi theo đuổi các mục tiêu thiêng liêng, chúng ta cần phải chủ động. Tuy nhiên, hãy luôn nương cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và hành động phù hợp với ý muốn của ngài.—Gia 4:15.
20 Chia tay A-qui-la và Bê-rít-sin tại Ê-phê-sô, Phao-lô vượt biển đến Sê-sa-rê. Dường như ông đã “đi lên” thành Giê-ru-sa-lem và chào hỏi hội thánh ở đó (Công 18:22; chú thích). Rồi Phao-lô trở về nơi thường trú của mình, là An-ti-ốt xứ Sy-ri. Chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ông đã kết thúc tốt đẹp. Điều gì sẽ chờ đợi Phao-lô trong chuyến hành trình truyền giáo cuối cùng?
a Xem khung “Cô-rinh-tô—Chủ nhân hai vùng biển”.
b Xem khung “Các lá thư được soi dẫn mang lại sự khích lệ”.
c Xem khung “Lời thề của Phao-lô”.