Được niềm hy vọng giữ vững, được tình yêu thương thúc đẩy
“Còn có ba điều nầy: đức-tin, sự trông-cậy [“hy vọng”, “NW”], tình yêu-thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu-thương”.—1 CÔ-RINH-TÔ 13:13.
1. Sứ đồ Phao-lô cảnh giác chúng ta về điều gì?
SỨ ĐỒ Phao-lô báo trước với chúng ta rằng, giống như con tàu, đức tin chúng ta có thể bị chìm đắm. Ông nói về việc “cầm-giữ đức-tin và lương-tâm tốt. Mấy kẻ đã chối-bỏ lương-tâm đó, thì đức-tin họ bị chìm-đắm”. (1 Ti-mô-thê 1:19) Vào thế kỷ thứ nhất CN, những tàu biển thường được làm bằng gỗ. Tàu đi biển được hay không là tùy thuộc vào phẩm chất của gỗ và tài đóng tàu khéo léo.
2. Tại sao con tàu đức tin của chúng ta phải được đóng kỹ, và điều này đòi hỏi gì nơi chúng ta?
2 Cái có thể được gọi là con tàu đức tin của chúng ta phải nổi giữa biển người đầy náo động. (Ê-sai 57:20; Khải-huyền 17:15) Cho nên nó phải được đóng kỹ, và điều này tùy thuộc nơi chúng ta. Khi “biển” của thế gian La Mã và Do Thái trở nên hết sức xáo động cho các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, Giu-đe viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, về phần anh em, hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình, và nhân Đức Thánh-Linh mà cầu-nguyện, hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời, và trông-đợi sự thương-xót của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta cho được sự sống đời đời”. (Giu-đe 20, 21) Vì Giu-đe cũng nói về sự chiến đấu cho “đạo [“đức tin”, NW] đã truyền cho các thánh”, thành ngữ “đức-tin rất thánh” có thể nhắc đến toàn bộ giáo lý của đạo Đấng Christ, bao gồm tin mừng về sự cứu rỗi. (Giu-đe 3) Đấng Christ là nền tảng của đức tin đó. Cần có đức tin mạnh nếu chúng ta muốn bám chặt đạo thật của Đấng Christ.
Khắc phục cơn bão “sợ giáo phái”
3. Một số người dùng chiến dịch “sợ giáo phái” như thế nào?
3 Trong những năm gần đây, có nhiều trường hợp rùng rợn về những vụ tự tử tập thể, giết người và tấn công khủng bố dính líu đến những giáo phái bí mật. Điều dễ hiểu là nhiều người, kể cả những chính khách chân thật, đã tỏ ra quan tâm đến việc bảo vệ những người dân vô tội, đặc biệt là giới vị thành niên, khỏi những giáo phái nguy hiểm đó. “Chúa đời nầy” chắc chắn ở đằng sau những tội ác ghê tởm đó, vì vậy đã gây ra cái mà một số người gọi là sợ giáo phái, và hắn đang dùng nó để chống lại dân tộc Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 4:4; Khải-huyền 12:12) Một số người đã lợi dụng tình thế này để khuấy động sự chống đối công việc của chúng ta. Tại vài nước, họ đã đẩy mạnh một chiến dịch làm ra vẻ là nhắm vào việc bảo vệ dân chúng khỏi “giáo phái nguy hiểm” nhưng lại sai lầm kể Nhân Chứng Giê-hô-va trong số này và vì vậy họ buộc tội chúng ta bằng những lời lẽ bóng gió. Điều này đã khiến cho việc làm chứng từ nhà này sang nhà kia trở nên khó khăn tại vài nước ở Âu Châu và đã khiến một số người đang học Kinh Thánh với chúng ta ngưng học. Vì vậy điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số anh em.
4. Tại sao sự chống đối không nên làm chúng ta chán nản?
4 Tuy nhiên, thay vì làm chúng ta nản lòng, sự chống đối phải củng cố niềm tin chắc là chúng ta đang thực hành đạo thật của Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 5:11, 12) Các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bị tố cáo là một phe gây loạn, và họ bị “chống-nghịch khắp mọi nơi”. (Công-vụ các Sứ-đồ 24:5; 28:22) Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ trấn an các anh em đồng đức tin, ông viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương-khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui-mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh-hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui-mừng nhảy-nhót”. (1 Phi-e-rơ 4:12, 13) Cũng vậy, một thành viên của hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất đã viết: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục. Nhưng sự nhịn-nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào”. (Gia-cơ 1:2-4) Như những cơn gió mạnh tựa vũ bão thử nghiệm sự chắc chắn của con tàu thể nào thì bão tố của sự chống đối cũng bày ra bất cứ khuyết điểm nào trong con tàu đức tin của chúng ta thể ấy.
Hoạn nạn sinh ra nhịn nhục
5. Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng đức tin mình được vững chắc trong hoạn nạn?
5 Các tín đồ Đấng Christ có thể chắc chắn rằng họ có lòng nhịn nhục và có đức tin vững chắc chỉ sau khi khắc phục được cơn bão của hoạn nạn. Sự nhịn nhục sẽ “làm trọn việc nó” trên biển đầy bão tố chỉ khi nào chúng ta “trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào”, kể cả đức tin mạnh. Phao-lô viết: “Chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn-nhục lắm trong những sự hoạn-nạn, thiếu-thốn, khốn-khổ”.—2 Cô-rinh-tô 6:4.
6. Tại sao chúng ta nên ‘vui mừng trong hoạn nạn’, và điều này làm vững mạnh hy vọng của chúng ta như thế nào?
6 Đôi khi chúng ta phải chịu những cơn gió mạnh như vũ bão của hoạn nạn nhưng chúng ta nên xem đó là cơ hội để chứng tỏ con tàu đức tin của mình tốt và vững vàng. Phao-lô viết cho những tín đồ Đấng Christ tại Rô-ma: “Chúng ta hãy vui mừng trong hoạn nạn, vì biết rằng hoạn nạn sinh ra sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sinh ra tình trạng được chấp nhận, tình trạng được chấp nhận sinh ra hy vọng, và hy vọng không đưa đến sự thất vọng”. (Rô-ma 5:3-5, NW) Sự vững vàng trong thử thách khiến chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Nhờ đó, lòng trông cậy hay hy vọng của chúng ta được vững mạnh.
Tại sao một số người bị chìm đắm
7. (a) Như lời của Phao-lô cho thấy, một số người đã bị chìm đắm về thiêng liêng như thế nào? (b) Một số người ngày nay đã lìa bỏ lẽ thật như thế nào?
7 Khi Phao-lô cảnh giác về việc đức tin “chìm-đắm”, ông đã nghĩ đến một số người “chối-bỏ” lương tâm tốt của họ và đã bị mất đức tin. (1 Ti-mô-thê 1:19) Trong số những người này có Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ đã bội đạo, lìa bỏ lẽ thật và nói những lời xúc phạm. (1 Ti-mô-thê 1:20; 2 Ti-mô-thê 2:17, 18) Ngày nay, những người bội đạo đã lìa bỏ lẽ thật, dùng lời nói hành hạ “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, như thể là phản bội những người đã ban cho họ đồ ăn thiêng liêng. Một số giống như “đầy-tớ xấu”, ngấm ngầm nói: “Chủ ta đến chậm”. (Ma-thi-ơ 24:44-49; 2 Ti-mô-thê 4:14, 15) Họ không tin rằng sự cuối cùng của hệ thống mọi sự gian ác này gần đến và chỉ trích lớp đầy tớ, là những người cảnh giác về thiêng liêng, vì đã duy trì tinh thần khẩn trương trong vòng dân tộc của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 1:3) Những kẻ bội đạo đó đã thành công trong việc “phá-đổ đức-tin của một vài người”, gây ra sự chìm đắm về thiêng liêng.—2 Ti-mô-thê 2:18.
8. Điều gì đã khiến con tàu đức tin của một số người bị chìm đắm?
8 Những tín đồ đã dâng mình khác làm chìm con tàu đức tin mình bằng cách chối bỏ lương tâm và buông mình theo tình dục vô luân và tìm kiếm vui thú thỏa thuê của thế gian. (2 Phi-e-rơ 2:20-22) Còn một số người lại làm đắm con tàu đức tin mình bởi vì dường như họ không thấy được bến bờ của hệ thống mới xuất hiện ở chân trời. Vì không thể tính được sự ứng nghiệm của lời tiên tri nào đó, và không muốn nghĩ đến ‘ngày Đức Chúa Trời’, họ từ bỏ sự thờ phượng thật. (2 Phi-e-rơ 3:10-13; 1 Phi-e-rơ 1:9) Rồi chẳng bao lâu họ thấy mình trở lại dòng nước tăm tối và rối loạn của hệ thống mọi sự này. (Ê-sai 17:12, 13; 57:20) Một số người ngưng kết hợp với hội thánh tín đồ Đấng Christ nhưng vẫn tin rằng đó là tôn giáo thật. Tuy nhiên, họ hẳn là thiếu lòng kiên nhẫn và tính nhịn nhục cần có để đợi thế giới mới mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã hứa. Đời sống trong Địa Đàng đã không đến nhanh như họ muốn.
9. Một số ít tín đồ Đấng Christ đã dâng mình đang làm gì, và những sự kiện này dẫn chúng ta đến việc xem xét điều gì?
9 Một số ít tín đồ Đấng Christ đã dâng mình tại vài nơi trên thế giới đã thu ngắn cột buồm của con tàu đức tin họ. Con tàu vẫn nổi, nhưng thay vì tiến tới trong đức tin trọn vẹn, họ chỉ đi từ từ, chậm chạp. Được thu hút bởi hy vọng “Địa Đàng gần đến”, một số người đã cố hết sức để đạt cho được—sốt sắng trong công việc rao giảng và đều đặn đi dự tất cả các buổi họp và hội nghị. Bây giờ nghĩ lại thấy hy vọng của mình không được thực hiện sớm như mình mong đợi, họ không còn sẵn sàng cố sức làm nhiều nữa. Điều này thấy rõ qua việc giảm hoạt động rao giảng, không đi họp đều đặn và sẵn sàng bỏ những buổi hội nghị. Những người khác dành nhiều thì giờ hơn cho việc giải trí và tạo những tiện nghi về vật chất. Những sự kiện này dẫn chúng ta đến việc xem xét điều gì phải là động lực trong đời sống mình phù hợp với việc chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Việc chúng ta sốt sắng phụng sự Ngài có tùy thuộc vào hy vọng “Địa Đàng gần đến” không?
Hy vọng được ví như cái neo
10, 11. Phao-lô ví niềm hy vọng của chúng ta như cái gì, và tại sao sự so sánh này là thích hợp?
10 Phao-lô nêu ra rằng Đức Giê-hô-va hứa ban ân phước qua Áp-ra-ham. Rồi sứ đồ giải thích: “Đức Chúa Trời... dùng lời thề; hầu cho nhờ hai điều chẳng thay-đổi đó [lời Ngài và lời thề],—và về hai điều ấy Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối,—mà chúng ta tìm được sự yên-ủi lớn mạnh, là kẻ đã trốn đến nơi ẩn-náu, mà cầm lấy sự trông-cậy đã đặt trước mặt chúng ta. Chúng ta giữ điều trông-cậy nầy như cái neo của linh-hồn, vững-vàng bền-chặt”. (Hê-bơ-rơ 6:17-19; Sáng-thế Ký 22:16-18) Hy vọng được đặt trước mặt những tín đồ được xức dầu của Đấng Christ là sự sống bất tử ở trên trời. Ngày nay phần lớn tôi tớ của Đức Giê-hô-va có hy vọng huy hoàng về sự sống đời đời trong địa đàng. (Lu-ca 23:43) Không có hy vọng đó, một người không thể có đức tin.
11 Neo là một dụng cụ giữ an toàn, không thể thiếu nếu muốn giữ chiếc tàu ở một chỗ và tránh bị trôi đi. Không có neo, không thủy thủ nào dám ra khỏi cảng. Vì Phao-lô bị đắm tàu nhiều lần, kinh nghiệm cho ông biết rằng mạng sống của những người đi biển thường tùy thuộc vào các neo của tàu họ. (Công-vụ các Sứ-đồ 27:29, 39, 40; 2 Cô-rinh-tô 11:25) Vào thế kỷ thứ nhất, tàu không có động cơ để giúp cho thuyền trưởng lèo lái như ý muốn. Ngoại trừ tàu chiến chèo bằng tay, các tàu tùy thuộc chủ yếu vào gió đưa đẩy. Nếu tàu gặp nguy cơ đụng vào đá, thuyền trưởng chỉ còn trông cậy vào việc thả neo và vượt qua bão tố, tin cậy rằng neo giữ chắc dưới lòng biển. Vì vậy Phao-lô ví hy vọng của tín đồ Đấng Christ như “cái neo của linh-hồn, vững-vàng bền-chặt”. (Hê-bơ-rơ 6:19) Khi chúng ta bị tấn công bởi bão tố của sự chống đối hoặc gặp phải những thử thách khác, hy vọng tuyệt diệu của chúng ta giống như cái neo giữ vững linh hồn, để con tàu đức tin của chúng ta không bị trôi dạt vào bãi cát nguy hiểm của sự nghi ngờ hoặc những đá tai hại của sự bội đạo.—Hê-bơ-rơ 2:1; Giu-đe 8-13.
12. Chúng ta có thể tránh trái bỏ Đức Giê-hô-va như thế nào?
12 Phao-lô cảnh giác tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ: “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng”. (Hê-bơ-rơ 3:12) Trong văn bản tiếng Hy Lạp, “trái-bỏ” có nghĩa đen là “tránh xa”, tức là bội đạo. Nhưng chúng ta có thể tránh sự chìm đắm hoàn toàn như thế. Đức tin và niềm hy vọng sẽ giúp cho chúng ta gắn bó với Đức Giê-hô-va dù bị thử thách trong bão tố dữ dội nhất. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:4; 30:19, 20) Đức tin của chúng ta sẽ không giống như chiếc tàu bị gió của sự dạy dỗ bội đạo đưa đẩy đây đó. (Ê-phê-sô 4:13, 14) Và khi có hy vọng làm neo, chúng ta sẽ có thể chống đỡ được bão tố trong đời sống làm tôi tớ của Đức Giê-hô-va.
Được tình yêu thương và thánh linh thúc đẩy
13, 14. (a) Tại sao lấy hy vọng làm neo tự nó không đủ? (b) Điều gì phải là lực thúc đẩy chúng ta trong việc làm thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va, và tại sao?
13 Một tín đồ Đấng Christ sẽ không tiến bộ để được vào hệ thống mới nếu động lực duy nhất của người đó là phụng sự Đức Giê-hô-va với hy vọng được sống đời đời trong địa đàng trên đất. Trong lúc giữ hy vọng như cái neo làm cho đời sống được vững vàng, một người cần thêm vào hy vọng và đức tin mình một lực thúc đẩy, đó là tình yêu thương. Phao-lô nhấn mạnh điểm này khi ông viết: “Còn có ba điều nầy: đức-tin, sự trông-cậy, tình yêu-thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu-thương”.—1 Cô-rinh-tô 13:13.
14 Lực thúc đẩy chúng ta để làm thánh chức phải là tình yêu thương hết lòng đối với Đức Giê-hô-va, hầu đáp lại tình yêu thương vô bờ bến của Ngài dành cho chúng ta. Sứ đồ Giăng viết: “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu-thương. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày-tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế-gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. (1 Giăng 4:8, 9, 19) Vì lòng biết ơn đối với Đức Giê-hô-va, mối quan tâm chủ yếu của chúng ta là thấy danh Ngài được thánh và quyền thống trị công bình của Ngài được biện minh, chứ không phải sự cứu rỗi của riêng mình.
15. Việc chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va có liên quan đến vấn đề quyền thống trị của Ngài như thế nào?
15 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta phụng sự Ngài vì yêu thương Ngài, chứ không phải chỉ vì Địa Đàng. Cuốn bách khoa tự điển về Kinh Thánh Insight on the Scripturesa nói: “Đức Giê-hô-va hãnh diện qua sự kiện là quyền thống trị của Ngài được căn cứ trên tình yêu thương và các tạo vật ủng hộ quyền ấy chủ yếu là vì họ yêu thương Ngài. Ngài chỉ chấp nhận những người yêu thích quyền thống trị của Ngài hơn của bất cứ người nào khác bởi vì những đức tính tốt lành của Ngài và bởi vì sự thống trị Ngài là công bình. (1 Cô 2:9) Họ chọn phụng sự dưới quyền thống trị của Ngài chứ không cố gắng trở nên độc lập—bởi vì họ hiểu biết về Ngài và về tình yêu thương, sự công bình và khôn ngoan của Ngài, những điều mà họ biết rằng vượt hơn hẳn những gì họ có. (Thi 84:10, 11)”.—Quyển 2, trang 275.
16. Tình yêu thương đối với Chúa Giê-su là một lực thúc đẩy trong đời sống chúng ta như thế nào?
16 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta cũng tỏ lòng yêu thương đối với Chúa Giê-su để đáp lại tình yêu thương mà ngài dành cho chúng ta. Phao-lô lý luận: “Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình”. (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15) Đấng Christ chính là nền tảng mà trên đó chúng ta xây dựng đời sống thiêng liêng, đức tin và hy vọng. Tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa Giê-su Christ hỗ trợ hy vọng và làm vững đức tin của chúng ta, nhất là trong thời kỳ thử thách đầy bão tố.—1 Cô-rinh-tô 3:11; Cô-lô-se 1:23; 2:6, 7.
17. Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta một lực mạnh mẽ nào, và Công-vụ các Sứ-đồ 1:8 và Ê-phê-sô 3:16 cho thấy tầm quan trọng của nó như thế nào?
17 Trong khi tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và Con Ngài là lực thúc đẩy chính trong đời sống tín đồ Đấng Christ của chúng ta, Đức Giê-hô-va cung cấp một điều khác để thúc đẩy chúng ta, tiếp sinh lực và cho chúng ta sức mạnh để tiến tới trong việc phụng sự Ngài. Đó là sinh hoạt lực, hoặc thánh linh của Ngài. Từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được dịch ra “thần linh” nói một cách cơ bản là một sự di chuyển mạnh mẽ của không khí, như là gió. Tàu buồm, như những chiếc mà Phao-lô đi, nhờ vào lực vô hình của gió đưa đến nơi đã dự tính. Tương tự như vậy, chúng ta cần tình yêu thương và hoạt động của sinh hoạt lực vô hình của Đức Chúa Trời nếu muốn con tàu đức tin đưa chúng ta tiến tới trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Công-vụ các Sứ-đồ 1:8; Ê-phê-sô 3:16.
Tiến đến nơi dự định của chúng ta!
18. Điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất cứ thử thách nào về đức tin trong tương lai?
18 Đức tin và tình yêu thương của chúng ta có thể bị thử thách nghiêm trọng trước khi chúng ta vào được hệ thống mới. Nhưng Đức Giê-hô-va đã cung cấp cho chúng ta một cái neo “vững-vàng bền-chặt”—hy vọng tuyệt diệu của chúng ta. (Hê-bơ-rơ 6:19; Rô-ma 15:4, 13) Khi sự chống đối hoặc những thử thách khác dồn dập đến, chúng ta có thể chịu đựng nổi nếu được giữ vững an toàn bởi hy vọng của chúng ta. Sau khi một cơn bão dịu lại nhưng trước khi một cơn khác nổi lên, chúng ta hãy cương quyết làm vững niềm hy vọng và củng cố đức tin mình.
19. Làm sao chúng ta giữ cho con tàu đức tin mình đi đúng hướng và tới nơi trú náu trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?
19 Trước khi đề cập đến “cái neo của linh-hồn”, Phao-lô nói: “Chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt-sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy-dẫy sự trông-cậy cho đến cuối-cùng; đến nỗi anh em không trễ-nải, nhưng cứ học-đòi những kẻ bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”. (Hê-bơ-rơ 6:11, 12) Được thúc đẩy bởi tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Con Ngài và được thêm sức bởi thánh linh, chúng ta hãy giữ cho con tàu đức tin mình đi đúng hướng cho đến khi chúng ta tới nơi trú náu trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa.
[Chú thích]
a Do Hội Tháp Canh xuất bản.
Để ôn lại
◻ Nói về đức tin, Phao-lô cảnh giác chúng ta về điều gì?
◻ Một số người bị chìm đắm về thiêng liêng như thế nào, và những người khác đã chậm lại như thế nào?
◻ Đức tin của chúng ta cần đi đôi với đức tính nào?
◻ Điều gì sẽ giúp chúng ta tới nơi trú náu trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa?
[Hình nơi trang 16]
Con tàu đức tin của chúng ta phải được đóng kỹ để chịu nổi bão tố trong đời sống
[Hình nơi trang 17]
Đức tin của chúng ta có thể bị chìm đắm
[Hình nơi trang 18]
Niềm hy vọng là cái neo cho đời sống của tín đồ Đấng Christ