NÓI CHUYỆN VỚI CHỦ NHÀ
Tại sao tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su?
Dưới đây là một cuộc nói chuyện giữa một Nhân Chứng Giê-hô-va và chủ nhà. Hãy hình dung Nhân Chứng tên là Mai đến nhà một người tên là Vy.
“HÃY TIẾP TỤC LÀM VIỆC NÀY ĐỂ NHỚ ĐẾN TÔI”
Mai: Chào chị Vy. Tuần rồi, tôi rất vui được gặp chị tại Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su.a Chị thấy buổi lễ thế nào?
Vy: Tôi cũng thích, nhưng thật tình mà nói, tôi không hiểu nhiều lắm. Tôi thấy người ta tổ chức Lễ Giáng Sinh để ăn mừng ngày sinh của Chúa Giê-su, Lễ Phục Sinh để ăn mừng sự sống lại của Chúa Giê-su, nhưng chưa thấy ai tưởng nhớ sự hy sinh của ngài.
Mai: Đúng vậy, Giáng Sinh và Phục Sinh là ngày lễ phổ biến trên khắp thế giới. Nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va nghĩ rằng tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su là điều quan trọng. Có thể xin chị ít phút để giải thích tại sao lại như thế, được không?
Vy: Dạ được.
Mai: Nhân Chứng Giê-hô-va tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su là vì làm theo chỉ thị của ngài. Hãy xem điều gì xảy ra vào đêm trước khi Chúa Giê-su chết. Chị nhớ bài giảng có nhắc đến bữa ăn của Chúa Giê-su cùng với các môn đồ trung thành của ngài không?
Vy: Bữa Tiệc Ly phải không?
Mai: Đúng rồi, cũng được gọi là Bữa Ăn Tối của Chúa. Trong bữa ăn đó, Chúa Giê-su đưa ra chỉ thị rõ ràng cho các môn đồ. Có thể mời chị đọc chỉ thị này nơi Lu-ca 22:19, được không?
Vy: Dạ, “Rồi Chúa Giê-su cầm một ổ bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho họ và nói: ‘Bánh này tượng trưng cho thân thể tôi, sẽ được hiến dâng vì anh em. Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi’”.
Mai: Cảm ơn chị. Hãy để ý đến chỉ thị của Chúa Giê-su trong vế cuối của câu này: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”. Ngay trước khi chỉ thị các môn đồ tưởng nhớ đến ngài, Chúa Giê-su nói rõ là họ nên nhớ điều gì về ngài. Ngài nói rằng ngài sẽ hy sinh mạng sống vì lợi ích của các môn đồ. Chúa Giê-su cũng bày tỏ những lời như thế nơi Ma-thi-ơ 20:28. Câu này nói: “Con Người đã đến không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Nói đơn giản, đó là lý do Nhân Chứng Giê-hô-va họp lại mỗi năm để tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su, nhớ đến giá chuộc của ngài. Cái chết của ngài có thể mang lại sự sống cho tất cả những người biết vâng lời.
TẠI SAO CẦN GIÁ CHUỘC?
Vy: Tôi nghe người ta nói là Chúa Giê-su chết để cứu chuộc nhân loại. Nhưng thú thật là tôi không hiểu rõ tại sao lại như vậy.
Mai: Nhiều người cũng thắc mắc như chị. Giá chuộc của Chúa Giê-su là đề tài sâu sắc, nhưng là một trong những sự thật có ý nghĩa nhất trong Kinh Thánh. À, không biết chị có bận làm gì bây giờ không?
Vy: Không sao, thêm ít phút nữa cũng được.
Mai: Dạ, tôi vừa xem lại đề tài về giá chuộc và sẽ cố gắng giải thích cách đơn giản.
Vy: Dạ.
Mai: Để hiểu về giá chuộc, trước tiên chúng ta phải hiểu tình trạng lúc A-đam, Ê-va được tạo ra và khi họ phạm tội trong vườn Ê-đen. Để hiểu được vấn đề liên quan, chúng ta hãy xem Rô-ma 6:23. Mời chị đọc câu này được không?
Vy: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết, còn món quà Đức Chúa Trời ban là sự sống vĩnh cửu qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”.
Mai: Cảm ơn chị. Chúng ta hãy phân tích câu này nha. Thứ nhất, hãy để ý câu này mở đầu thế nào: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết”. Đây là điều luật đơn giản do Đức Chúa Trời đặt ra từ lúc khởi đầu lịch sử loài người, đó là tiền công hay án phạt cho tội lỗi là cái chết. Dĩ nhiên ban đầu, không ai có tội cả. A-đam và Ê-va đều hoàn hảo, nên con cháu họ cũng sẽ hoàn hảo. Vì vậy, lẽ ra không ai phải chết. A-đam, Ê-va cùng con cháu họ có triển vọng được sống hạnh phúc mãi mãi. Nhưng mọi thứ lại không diễn ra như thế, phải không chị?
Vy: Đúng rồi, A-đam và Ê-va đã ăn trái cấm.
Mai: Chính xác. Khi làm thế, tức khi A-đam và Ê-va cãi lời Đức Chúa Trời, họ đã phạm tội. Họ đã trở thành người không hoàn hảo, người phạm tội. Sự lựa chọn này của A-đam và Ê-va đã mang lại hậu quả tai hại không những cho họ mà cho tất cả con cháu của họ.
Vy: Ý chị là gì?
Mai: Xem nào, tôi có thể dùng minh họa này nha. Chị có thích làm bánh không?
Vy: Có, tôi thích lắm!
Mai: Giả sử chị có một khuôn làm bánh mì mới. Nhưng chưa kịp dùng lần nào thì nó bị rớt xuống đất và bị móp. Nếu làm bánh thì các ổ bánh trong khuôn đó sẽ ra sao? Bánh có bị lõm theo không?
Vy: Có chứ!
Mai: Tương tự, khi A-đam và Ê-va cố ý cãi lời Đức Chúa Trời, họ bị “móp méo”, tức bị tì vết, do tội lỗi và sự bất toàn, tức tình trạng không hoàn hảo. Vì họ trở thành người tội lỗi trước khi sinh con, nên tất cả con cháu của họ đều bị “móp méo”. Tất cả đều sinh ra trong tình trạng tội lỗi. Trong Kinh Thánh, từ “tội lỗi” không chỉ ám chỉ đến một hành động, mà còn muốn nói đến tình trạng chúng ta phải gánh chịu vì di truyền. Hậu quả là dù chị và tôi chưa chào đời, chưa làm gì sai cả nhưng vì A-đam và Ê-va phạm tội nên tất cả con cháu của họ—trong đó có chị và tôi—đều chịu hậu quả là bị kết án phải sống trong tình trạng bất toàn và tội lỗi, là điều dẫn đến cái chết. Có thể nói là chúng ta đã chịu án phạt này ngay cả trước khi chào đời. Như Rô-ma 6:23 nói, án phạt của tội lỗi là sự chết.
Vy: Có vẻ không công bằng chút nào. Tại sao A-đam và Ê-va gây ra tội lỗi mà con người phải chịu đau khổ chứ?
Mai: Chị nói đúng, dường như không công bằng. Nhưng thật ra không phải vậy. Đức Chúa Trời quyết định kết tội A-đam và Ê-va phải chết theo công lý hoàn hảo của ngài, nhưng chúng ta là con cháu của họ không rơi vào tình trạng vô vọng như thế. Đức Chúa Trời mở đường để chúng ta thoát khỏi tình cảnh này. Đó chính là giá chuộc của Chúa Giê-su. Hãy xem lại Rô-ma 6:23. Sau khi nói “tiền công mà tội lỗi trả là sự chết”, câu này còn nói: “Món quà Đức Chúa Trời ban là sự sống vĩnh cửu qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”. Thế nên, cái chết của Chúa Giê-su đã mở đường để chúng ta thoát khỏi tội lỗi và cái chết.b
GIÁ CHUỘC—MÓN QUÀ CAO QUÝ NHẤT TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI
Mai: Chị có thể để ý đến một chi tiết khác trong câu này.
Vy: Là gì vậy?
Mai: Câu này nói: “Món quà Đức Chúa Trời ban là sự sống vĩnh cửu qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”. Nếu Chúa Giê-su chịu khổ, hy sinh mạng sống vì chúng ta thì tại sao câu này nói giá chuộc là “món quà của Đức Chúa Trời ban”? Tại sao không nói “món quà của Chúa Giê-su ban”?c
Vy: Tôi không biết.
Mai: A-đam, Ê-va được Đức Chúa Trời tạo ra, họ đã chống lại chính Đức Chúa Trời qua việc không vâng lời trong vườn Ê-đen. Hẳn Đức Chúa Trời rất đau lòng khi hai người con đầu tiên trên đất đã phản nghịch ngài. Nhưng ngay lập tức Đức Giê-hô-va đã có giải pháp.d Ngài có ý định là một con thần linh của ngài sẽ xuống thế làm người hoàn hảo, cuối cùng hy sinh mạng sống để làm giá chuộc. Mọi sắp đặt về giá chuộc quả thật là món quà từ Đức Chúa Trời. Món quà này cũng bao hàm một nghĩa khác. Theo chị, Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi Chúa Giê-su phải chịu chết không?
Vy: Tôi chưa nghĩ đến điều này.
Mai: Tôi thấy có đồ chơi ở trước sân. Chị có con phải không?
Vy: Dạ, tôi có hai đứa, một trai một gái.
Mai: Chị đã làm mẹ, vậy hãy nghĩ đến Cha trên trời của Chúa Giê-su là Đức Giê-hô-va, hẳn ngài đau xót thế nào vào ngày Chúa Giê-su chết. Ý tôi là Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi nhìn xuống và thấy Con mình bị bắt, đánh đập và chế giễu? Và Cha cảm thấy thế nào khi Con mình bị đóng đinh trên cây gỗ, bị bỏ mặc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, một cái chết đau đớn cùng cực?
Vy: Hẳn ngài đau lòng tột độ. Tôi chưa nghĩ đến điều này!
Mai: Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào hiểu rõ cảm giác của Đức Chúa Trời vào ngày hôm ấy. Nhưng chúng ta biết rằng ngài có cảm xúc, chúng ta cũng biết tại sao ngài để cho mọi sự diễn ra như thế. Điều này được giải thích rõ trong một câu Kinh Thánh nổi tiếng, đó là Giăng 3:16. Mời chị đọc.
Vy: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời”.
Giá chuộc là biểu hiện tình yêu thương cao cả nhất từ xưa đến nay
Mai: Cảm ơn chị. Hãy xem lại vế đầu của câu này: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian”. Ý chính ở đây là yêu thương. Tình yêu thương thôi thúc Đức Chúa Trời phái Con ngài xuống thế để chết cho chúng ta. Giá chuộc quả thật là biểu hiện tình yêu thương cao cả nhất trên đời này. Và đó là lý do Nhân Chứng Giê-hô-va họp lại hằng năm để tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su. Việc ôn lại những điều này có giúp gì cho chị không?
Vy: Có chứ! Cảm ơn chị đã dành thời gian để thảo luận điều này với tôi.
Bạn có đang thắc mắc về một đề tài nào đó trong Kinh Thánh không? Bạn có tò mò muốn biết về niềm tin hoặc thực hành nào của Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, bạn đừng ngại nêu ra điều đó khi gặp Nhân Chứng vào lần tới. Họ sẽ vui lòng thảo luận với bạn.
a Mỗi năm một lần, Nhân Chứng Giê-hô-va họp lại để tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su.
b Một bài trong những số kế tiếp sẽ xem xét làm thế nào sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và chúng ta nên làm gì để hưởng lợi ích của giá chuộc.
c Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su là hai đấng khác nhau. Để biết thêm thông tin, xem chương 4 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
d Xem Sáng-thế Ký 3:15.