Anh chị có đang náu thân nơi Đức Giê-hô-va không?
“Đức Giê-hô-va chuộc mạng tôi tớ ngài; ai náu thân nơi ngài sẽ không bị kết án”.—THI 34:22.
1. Vì tội lỗi, nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào?
“Khốn khổ cho tôi!” (Rô 7:24). Những lời này của sứ đồ Phao-lô phản ánh cảm xúc của nhiều tôi tớ trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Dù có ước muốn mãnh liệt để làm hài lòng Đức Giê-hô-va, nhưng hết thảy chúng ta đều chịu tội lỗi di truyền. Vì thế khi làm ngài buồn lòng, chúng ta cảm thấy khốn khổ. Một số tín đồ phạm tội nặng thậm chí cảm thấy mình không thể được Đức Chúa Trời tha thứ.
2. (a) Làm thế nào Thi thiên 34:22 cho thấy tôi tớ Đức Chúa Trời không nên chìm đắm mãi trong mặc cảm tội lỗi? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì? (Xem khung “Bài học hay ý nghĩa tượng trưng?”).
2 Tuy nhiên, Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta rằng những ai náu thân nơi Đức Giê-hô-va không nên chìm đắm mãi trong mặc cảm tội lỗi. (Đọc Thi thiên 34:22). Náu thân nơi Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? Phải làm những bước nào để được Đức Giê-hô-va thương xót và tha thứ? Chúng ta sẽ tìm được câu trả lời khi xem xét sự sắp đặt về thành trú ẩn trong nước Y-sơ-ra-ên xưa. Đành rằng sự sắp đặt này được thiết lập dưới giao ước Luật pháp, là giao ước đã được thay thế vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Nhưng hãy nhớ là giao ước Luật pháp đến từ Đức Giê-hô-va. Vì vậy, qua sự sắp đặt về thành trú ẩn, chúng ta hiểu được quan điểm của Đức Giê-hô-va về tội lỗi, người phạm tội và sự ăn năn. Đầu tiên, hãy cùng xem mục đích và chức năng của thành trú ẩn.
“HÃY CHỌN RA NHỮNG THÀNH TRÚ ẨN”
3. Dân Y-sơ-ra-ên xử lý kẻ cố ý giết người như thế nào?
3 Đức Giê-hô-va xem mọi trường hợp gây đổ máu trong nước Y-sơ-ra-ên xưa đều nghiêm trọng. Kẻ cố ý giết người phải bị xử tử bởi người nam là họ hàng gần nhất của nạn nhân, cũng được gọi là “người báo thù huyết” (Dân 35:19). Đây là cách mà kẻ cố ý giết người đền tội vì đã gây đổ máu vô tội. Việc nhanh chóng xử lý kẻ cố ý giết người sẽ bảo vệ Đất Hứa không bị ô uế, vì Đức Giê-hô-va đã ra lệnh: “Các ngươi không được làm ô uế xứ mình sinh sống, vì [việc gây đổ máu người] làm ô uế xứ”.—Dân 35:33, 34.
4. Dân Y-sơ-ra-ên xử lý những trường hợp vô ý giết người như thế nào?
4 Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên xử lý những trường hợp vô ý giết người như thế nào? Dù vô ý giết người nhưng người ngộ sát vẫn phạm tội đổ máu vô tội (Sáng 9:5). Tuy nhiên, vì được thương xót, người ấy có thể chạy đến một trong sáu thành trú ẩn để trốn khỏi người báo thù huyết. Ở đó người ấy sẽ được bảo vệ. Người ngộ sát phải ở tại thành trú ẩn cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời.—Dân 35:15, 28.
5. Tại sao sự sắp đặt về thành trú ẩn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Giê-hô-va?
5 Sự sắp đặt về thành trú ẩn không phải là ý tưởng của con người. Chính Đức Giê-hô-va ra lệnh cho Giô-suê: “Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Các ngươi hãy chọn ra những thành trú ẩn’”. Những thành này được “biệt riêng ra thánh” (Giô-suê 20:1, 2, 7, 8). Vì chính Đức Giê-hô-va biệt riêng những thành ấy cho mục đích đặc biệt, nên chúng ta có thể thắc mắc: “Làm thế nào sự sắp đặt này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va? Chúng ta rút ra bài học nào về cách mà ngày nay mình có thể náu thân nơi ngài?”.
“NGƯỜI NGỘ SÁT PHẢI... TRÌNH BÀY VỤ VIỆC CHO CÁC TRƯỞNG LÃO”
6, 7. (a) Hãy cho biết vai trò của các trưởng lão trong việc xét xử người ngộ sát. (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao người chạy trốn đến gặp các trưởng lão là điều khôn ngoan?
6 Sau khi vô ý giết người, điều đầu tiên người chạy trốn phải làm là “trình bày vụ việc cho các trưởng lão” tại cổng thành trú ẩn mà người ấy chạy đến. Các trưởng lão phải tiếp nhận người ấy (Giô-suê 20:4). Một thời gian sau, người ấy được đưa đến các trưởng lão ở thành nơi xảy ra vụ án, và các trưởng lão đó sẽ xét xử vụ việc. (Đọc Dân số 35:24, 25). Chỉ sau khi họ tuyên bố đây là trường hợp ngộ sát thì người chạy trốn mới được trở lại thành trú ẩn.
7 Tại sao có sự tham gia của các trưởng lão? Họ phải đảm bảo là hội chúng Y-sơ-ra-ên giữ được sự thanh sạch, và giúp người ngộ sát nhận lợi ích từ lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Một học giả Kinh Thánh viết rằng nếu người chạy trốn không đến gặp các trưởng lão thì “người đó đang lâm nguy”. Ông nói thêm: “Người ấy phải chịu trách nhiệm về cái chết của mình vì không tận dụng sự an toàn mà Đức Chúa Trời cung cấp”. Người ngộ sát có thể được giúp đỡ, nhưng người ấy phải tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ đó. Nếu người ấy không náu thân nơi một trong số những thành mà Đức Giê-hô-va đã biệt riêng ra, người họ hàng gần nhất của nạn nhân được quyền xử tử người ấy.
8, 9. Tại sao một tín đồ phạm tội nặng nên đến gặp các trưởng lão để được giúp đỡ?
8 Ngày nay, một tín đồ phạm tội nặng cần tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão để hồi phục. Tại sao điều này rất quan trọng? Thứ nhất, như được nêu trong Kinh Thánh, chính Đức Giê-hô-va sắp đặt để các trưởng lão xử lý trường hợp phạm tội nặng (Gia 5:14-16). Thứ hai, sự sắp đặt này giúp người phạm tội đã ăn năn tiếp tục ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và tránh tái phạm (Ga 6:1; Hê 12:11). Thứ ba, các trưởng lão được ủy quyền và được huấn luyện để trấn an người phạm tội đã ăn năn, giúp xoa dịu nỗi đau và mặc cảm tội lỗi. Đức Giê-hô-va gọi các trưởng lão là “nơi ẩn náu tránh cơn mưa bão” (Ê-sai 32:1, 2). Chắc hẳn anh chị đồng ý rằng sự sắp đặt này là một biểu hiện về lòng thương xót của Đức Chúa Trời.
9 Nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ từ các trưởng lão. Chẳng hạn, một anh tên Daniel đã phạm tội nặng nhưng trong nhiều tháng, anh ngần ngại đến gặp các trưởng lão. Anh thừa nhận: “Sau một thời gian dài trôi qua, tôi nghĩ là các trưởng lão không thể làm gì để giúp tôi được nữa. Dù vậy, tôi luôn phập phồng lo sợ mình phải lãnh hậu quả bất cứ khi nào. Lúc nào cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, tôi cũng cảm thấy trước tiên mình phải xin lỗi ngài về tội đã phạm”. Cuối cùng, anh Daniel tìm kiếm sự giúp đỡ của các trưởng lão. Khi nhìn lại, anh nói: “Dĩ nhiên, tôi đã sợ đến gặp họ. Nhưng sau khi gặp họ, tôi cảm giác như thể có người đã dỡ bỏ gánh nặng khổng lồ trên vai mình. Giờ đây tôi cảm thấy mình có thể đến gần Đức Giê-hô-va mà không còn trở ngại nào”. Hiện nay, anh Daniel có một lương tâm trong sạch và vừa được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh.
“NGƯỜI NGỘ SÁT PHẢI CHẠY ĐẾN MỘT TRONG NHỮNG THÀNH ĐÓ”
10. Người ngộ sát phải làm gì để được thương xót?
10 Người ngộ sát phải hành động để được thương xót. Người ấy phải chạy đến thành trú ẩn gần nhất. (Đọc Giô-suê 20:4). Người ấy không thể thờ ơ vì sự sống của mình phụ thuộc vào việc chạy đến thành trú ẩn nhanh nhất có thể và ở lại đó. Điều này đòi hỏi sự hy sinh. Người ấy phải bỏ công việc, những tiện nghi ở quê nhà và sự tự do đi lại cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đờia (Dân 35:25). Nhưng những hy sinh đó là đáng công. Nếu rời khỏi thành trú ẩn thì có nghĩa là người ấy thờ ơ trước việc gây đổ máu, và mạng sống của người ấy sẽ lâm nguy.
11. Hành động nào của một tín đồ đã ăn năn cho thấy người ấy không xem thường lòng thương xót của Đức Giê-hô-va?
11 Ngày nay, để nhận được lợi ích từ lòng thương xót của Đức Chúa Trời, người phạm tội đã ăn năn cũng phải hành động. Người ấy phải hoàn toàn “chạy” khỏi đường lối sai trái, tức từ bỏ không chỉ tội nặng mà còn bất cứ hành vi nào có thể dẫn đến tội nặng. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để miêu tả những hành động của các tín đồ ở Cô-rinh-tô đã ăn năn. Ông viết: “Hãy xem nỗi buồn theo ý Đức Chúa Trời đã sinh ra trong anh em sự nhiệt thành biết bao, lại cũng khiến anh em được gột rửa, phẫn nộ về điều sai trái, kính sợ Đức Chúa Trời, mong muốn thiết tha, sốt sắng và sửa chữa điều sai trái!” (2 Cô 7:10, 11). Khi thiết tha hành động để từ bỏ đường lối sai trái, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình không tự mãn và không lợi dụng lòng thương xót của ngài.
12. Một tín đồ cần từ bỏ những gì để tiếp tục được Đức Chúa Trời thương xót?
12 Một tín đồ cần từ bỏ những gì để tiếp tục được Đức Chúa Trời thương xót? Người đó phải sẵn sàng từ bỏ bất cứ điều gì có thể khiến mình phạm tội, ngay cả những điều mình yêu thích (Mat 18:8, 9). Nếu bị bạn bè xúi giục làm điều mà Đức Giê-hô-va ghét, liệu anh chị sẽ ngừng kết hợp với họ không? Nếu đang cố gắng tự chủ trong việc dùng rượu bia, anh chị có sẵn sàng tránh những tình huống có thể khiến mình uống quá độ không? Nếu đang tranh đấu với ham muốn tình dục vô luân, anh chị có tránh bất cứ bộ phim, trang web hay hoạt động nào có thể dẫn đến những ý tưởng ô uế không? Hãy nhớ rằng bất cứ sự hy sinh nào của chúng ta để giữ lòng trọn thành với Đức Giê-hô-va đều đáng công. Không gì đau đớn hơn cảm giác bị Đức Giê-hô-va từ bỏ. Đồng thời, không gì thỏa nguyện hơn là được cảm nghiệm “tình yêu thương thành tín vĩnh cửu” của ngài.—Ê-sai 54:7, 8.
‘NHỮNG THÀNH ĐÓ SẼ LÀM NƠI TRÚ ẨN CHO CÁC NGƯƠI’
13. Hãy giải thích tại sao người chạy trốn có thể cảm thấy an toàn và hạnh phúc trong thành trú ẩn.
13 Khi đã ở trong thành trú ẩn, người chạy trốn được an toàn. Về những thành trú ẩn, Đức Giê-hô-va nói: ‘Những thành đó sẽ làm nơi trú ẩn cho các ngươi’ (Giô-suê 20:2, 3). Đức Giê-hô-va không đòi hỏi người ngộ sát phải bị tái xét xử cho cùng một tội, và người báo thù huyết cũng không được phép vào thành trú ẩn để giết người chạy trốn. Vì thế, người chạy trốn không cần sợ bị báo thù. Khi ở trong thành, người ấy được an toàn dưới sự bảo vệ của Đức Giê-hô-va. Đây không phải là nhà tù trú ẩn. Trong thành trú ẩn, người ấy có cơ hội làm việc, giúp người khác và phụng sự Đức Giê-hô-va với sự bình an. Thật vậy, một người có thể có đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện trong thành đó.
14. Một tín đồ đã ăn năn có thể tin chắc điều gì?
14 Một số tôi tớ Đức Chúa Trời phạm tội nặng và đã ăn năn, nhưng vẫn cảm thấy “bị giam cầm” bởi mặc cảm tội lỗi, thậm chí cảm thấy Đức Giê-hô-va sẽ không quên hẳn hành vi sai trái của họ. Nếu anh chị cảm thấy như thế, hãy tin chắc là khi Đức Giê-hô-va tha thứ cho anh chị thì ngài tha thứ hoàn toàn. Anh chị không cần cảm thấy mặc cảm nữa. Anh Daniel, được nhắc đến ở trên, đã cảm nghiệm điều này. Sau khi được các trưởng lão sửa dạy và giúp đỡ để có lại một lương tâm trong sạch, anh nói: “Tôi thấy thật nhẹ nhõm. Sau khi vấn đề được xử lý một cách thích đáng, tôi không cần mặc cảm nữa. Khi được tha thứ thì tội lỗi không còn. Như Đức Giê-hô-va nói, ngài cất đi gánh nặng của chúng ta và đem nó xa khỏi chúng ta. Chúng ta không bao giờ thấy nó nữa”. Một khi ở trong thành trú ẩn, người chạy trốn không phải đề phòng việc người báo thù huyết đến giết mình. Tương tự, một khi Đức Giê-hô-va đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta, chúng ta không cần sợ là ngài sẽ nhắc lại hay phán xét mình vì tội ấy nữa.—Đọc Thi thiên 103:8-12.
15, 16. Tại sao vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Chuộc Tội và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm giúp anh chị càng tin chắc nơi lòng thương xót của Đức Chúa Trời?
15 Thật vậy, chúng ta có nhiều lý do hơn dân Y-sơ-ra-ên để tin chắc nơi lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Sau khi Phao-lô bày tỏ nỗi khốn khổ vì không thể tuyệt đối vâng lời Đức Giê-hô-va, ông thốt lên: “Cảm tạ Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rô 7:25). Dù phải tranh đấu với tội lỗi và từng phạm tội trong quá khứ, nhưng Phao-lô đã ăn năn. Vì thế, ông tin chắc mình được Đức Chúa Trời tha thứ qua Chúa Giê-su. Là Đấng Chuộc Tội, Chúa Giê-su tẩy sạch lương tâm của chúng ta, nhờ thế chúng ta có bình an nội tâm (Hê 9:13, 14). Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, “ngài cũng có thể cứu rỗi một cách trọn vẹn những người đến với Đức Chúa Trời qua ngài, vì ngài luôn sống để nài xin cho họ” (Hê 7:24, 25). Vào thời xưa, vai trò của thầy tế lễ thượng phẩm đảm bảo với dân Y-sơ-ra-ên rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ tội lỗi của họ. Ngày nay, vì có Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, nên chúng ta càng có lý do để tin chắc mình “có thể hưởng sự thương xót và lòng nhân từ bao la để được giúp đỡ vào đúng lúc”.—Hê 4:15, 16.
16 Vậy, để náu thân nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su. Đừng nghĩ là giá chuộc chỉ áp dụng cho nhân loại nói chung. Thay vì thế, hãy tin là giá chuộc áp dụng cho chính anh chị (Ga 2:20, 21). Hãy tin rằng giá chuộc là cơ sở để tha thứ tội lỗi của anh chị. Hãy tin rằng giá chuộc mang lại cho anh chị hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Sự hy sinh của Chúa Giê-su là món quà Đức Giê-hô-va dành cho anh chị.
17. Tại sao anh chị muốn náu thân nơi Đức Giê-hô-va?
17 Các thành trú ẩn phản ánh lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Qua sự sắp đặt này, Đức Chúa Trời không chỉ nhấn mạnh tính thánh khiết của sự sống mà còn cho thấy cách các trưởng lão giúp đỡ chúng ta, sự ăn năn thật bao hàm điều gì và tại sao chúng ta có thể tin chắc nơi sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Anh chị có đang náu thân nơi Đức Giê-hô-va không? Không nơi nào an toàn hơn thế! (Thi 91:1, 2). Trong bài tới, chúng ta sẽ xem cách các thành trú ẩn giúp chúng ta noi theo gương tuyệt hảo của Đức Giê-hô-va về công lý và lòng thương xót.
a Theo các tài liệu tham khảo của người Do Thái, dường như gia đình của người ngộ sát ở chung với người ấy trong thành trú ẩn.