Hãy phụng sự Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự tự do
“Nơi nào có thần khí của Đức Giê-hô-va thì nơi đó có tự do”.—2 CÔ 3:17.
BÀI HÁT: 49, 73
1, 2. (a) Vào thời sứ đồ Phao-lô, tại sao người ta quan tâm đến đề tài nô lệ và tự do? (b) Phao-lô cho biết ai là nguồn của sự tự do thật?
Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu sống trong đế quốc La Mã, nơi mà người ta luôn tự hào về luật pháp, hệ thống tư pháp và sự tự do của mình. Nhưng sức mạnh và sự vẻ vang mà đế quốc La Mã có được là nhờ việc bóc lột những người nô lệ. Có thời điểm, khoảng 30% dân số của đế quốc này là nô lệ. Chắc hẳn, cảnh nô lệ và sự tự do là các đề tài được thường dân quan tâm, kể cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
2 Các lá thư của sứ đồ Phao-lô nói nhiều về sự tự do. Nhưng ông làm thánh chức không phải với mục đích là cải cách chính trị hoặc xã hội, điều mà người ta cố gắng thực hiện vào thời đó. Phao-lô và các anh em đồng đạo không hướng đến các tổ chức hoặc những nhà cai trị của loài người để có sự tự do. Thay vì thế, họ đã nỗ lực giúp người khác biết đến tin mừng về Nước Trời và giá trị không gì sánh được của giá chuộc mà Chúa Giê-su cung cấp. Phao-lô đã hướng anh em đồng đạo đến nguồn của sự tự do thật. Ông viết: “Đức Giê-hô-va là Thần Linh, và nơi nào có thần khí của Đức Giê-hô-va thì nơi đó có tự do”.—2 Cô 3:17.
3, 4. (a) Bối cảnh nào dẫn đến lời của Phao-lô nơi 2 Cô-rinh-tô 3:17? (b) Chúng ta phải làm gì để được hưởng sự tự do đến từ Đức Giê-hô-va?
3 Trong lá thư thứ hai gửi cho tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô nói đến sự vinh hiển của Môi-se khi ông từ núi Si-nai đi xuống sau khi trình diện một thiên sứ của Đức Giê-hô-va. Lúc thấy Môi-se, dân chúng sợ hãi nên Môi-se dùng một cái khăn che mặt lại (Xuất 34:29, 30, 33; 2 Cô 3:7, 13). Phao-lô giải thích: “Nhưng khi một người theo đường lối của Đức Giê-hô-va thì tấm khăn đó được lấy đi” (2 Cô 3:16). Lời của Phao-lô có nghĩa gì?
4 Như đã thảo luận trong bài trước, Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của muôn vật, là đấng duy nhất có sự tự do tuyệt đối và không bị giới hạn. Vậy điều hợp lý là ‘nơi nào có thần khí của ngài’ thì nơi đó có sự tự do. Tuy nhiên, để hưởng lợi ích từ sự tự do này, chúng ta phải “theo đường lối của Đức Giê-hô-va”, tức là có mối quan hệ mật thiết với ngài. Khi ở trong hoang mạc, dân Y-sơ-ra-ên không nhìn cách Đức Giê-hô-va đối xử với họ theo quan điểm thiêng liêng. Như thể lòng và trí của họ đã bị che phủ và chai cứng. Dân Y-sơ-ra-ên có sự tự do mới khi thoát khỏi Ai Cập, nhưng họ chỉ tập trung vào việc dùng sự tự do đó để thỏa mãn những ham muốn riêng.—Hê 3:8-10.
5. (a) Thần khí của Đức Giê-hô-va mang lại sự tự do nào? (b) Làm sao chúng ta biết việc bị giam cầm về thể chất không ảnh hưởng đến sự tự do mà Đức Giê-hô-va ban? (c) Những câu hỏi nào cần được giải đáp?
5 Tuy nhiên, sự tự do nhờ thần khí của Đức Giê-hô-va còn mang lại nhiều lợi ích hơn sự tự do về mặt thể chất. Thần khí Đức Chúa Trời có thể đem lại những điều vượt quá nỗ lực của con người. Đó là giải thoát người ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết, cũng như của sự thờ phượng và thực hành sai lầm (Rô 6:23; 8:2). Đó quả là một sự tự do vinh hiển! Một người có thể hưởng lợi ích của sự tự do ấy ngay cả khi đang ở trong tù hoặc bị làm nô lệ (Sáng 39:20-23). Chị Nancy Yuen và anh Harold King đã cảm nhận được điều đó. Cả hai đều bị ngồi tù nhiều năm vì đức tin. Anh chị có thể xem kinh nghiệm của họ trên Kênh truyền thông JW. (Trong mục PHỎNG VẤN VÀ KINH NGHIỆM > CHỊU ĐỰNG THỬ THÁCH). Nhưng giờ đây hãy xem: Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng sự tự do của mình? Chúng ta có thể làm gì để dùng sự tự do này một cách khôn ngoan?
QUÝ TRỌNG SỰ TỰ DO ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHO
6. Dân Y-sơ-ra-ên không quý trọng sự tự do mà Đức Giê-hô-va ban cho như thế nào?
6 Khi biết giá trị thật của một món quà quý, chúng ta được thúc đẩy để thể hiện lòng biết ơn đối với người tặng. Dân Y-sơ-ra-ên không quý trọng sự tự do mà Đức Giê-hô-va ban cho khi được ngài giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Vài tháng sau khi được giải thoát, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu ao ước những đồ ăn mà họ từng có ở Ai Cập. Họ phàn nàn về sự cung cấp của Đức Giê-hô-va, thậm chí còn muốn quay lại Ai Cập. Hãy tưởng tượng là họ đặt ‘cá, dưa leo, dưa hấu, tỏi tây, củ hành, củ tỏi’ lên trên sự tự do mà Đức Giê-hô-va ban để họ thờ phượng ngài. Có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giê-hô-va giận dữ với dân này không? (Dân 11:5, 6, 10; 14:3, 4). Quả là một bài học quan trọng cho chúng ta!
7. Phao-lô hành động phù hợp với lời khuyên của ông nơi 2 Cô-rinh-tô 6:1 như thế nào, và chúng ta có thể noi gương ông ra sao?
7 Sứ đồ Phao-lô khuyến giục tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên xem thường sự tự do mà Đức Giê-hô-va ban cho qua Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:1). Hãy nhớ là Phao-lô đã khốn khổ và đau buồn thế nào khi cảm thấy bị tội lỗi và sự chết giam cầm. Nhưng ông đã nói với lòng biết ơn: “Cảm tạ Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!”. Tại sao? Ông giải thích với anh em đồng đạo: “Vì luật của thần khí, là thần khí ban sự sống cho những người hợp nhất với Đấng Ki-tô Giê-su, đã giải thoát anh em khỏi luật của tội lỗi và của sự chết” (Rô 7:24, 25; 8:2). Noi gương Phao-lô, chúng ta không bao giờ nên xem thường việc Đức Giê-hô-va giải thoát mình khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết. Nhờ giá chuộc, chúng ta có thể phụng sự Đức Chúa Trời với một lương tâm trong sạch và tìm được niềm vui thật khi làm vậy.—Thi 40:8.
8, 9. (a) Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra lời cảnh báo nào về việc dùng sự tự do của chúng ta? (b) Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với những mối nguy hiểm nào?
8 Tuy nhiên, ngoài việc thể hiện lòng biết ơn, chúng ta nên cẩn thận để không bao giờ lạm dụng sự tự do quý giá của mình. Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo chúng ta về việc dùng sự tự do để bào chữa cho việc chiều theo ham muốn xác thịt. (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:16). Chẳng phải lời cảnh báo này nhắc anh chị nhớ đến điều xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc sao? Thật ra, chúng ta cũng đối mặt với mối nguy hiểm của việc chiều theo ham muốn xác thịt, thậm chí còn lớn hơn so với dân Y-sơ-ra-ên. Sa-tan và thế gian của hắn đưa ra những cám dỗ ngày càng hấp dẫn liên quan đến ngoại diện, đồ ăn, thức uống, giải trí và nhiều điều khác. Ngành quảng cáo thường khéo dùng những người mẫu để giới thiệu sản phẩm và khiến người ta nghĩ rằng mình phải có những thứ đó, dù thật sự không cần. Thật dễ để rơi vào những bẫy này và lạm dụng sự tự do của mình!
9 Lời khuyên của Phi-e-rơ cũng áp dụng đối với những vấn đề quan trọng hơn như sự lựa chọn liên quan đến học vấn, công việc và nghề nghiệp. Chẳng hạn, ngày nay người trẻ phải chịu áp lực trong việc đáp ứng những điều kiện để vào được các trường đại học danh tiếng. Nhiều người nói với họ rằng học lên cao sẽ mở ra cơ hội để có công việc lương cao và danh vọng. Người ta thường dùng số liệu thống kê để cho thấy sự chênh lệch về thu nhập giữa người tốt nghiệp trường đại học danh tiếng và người chỉ học xong chương trình phổ thông. Khi phải đối mặt với các lựa chọn trên, là những điều ảnh hưởng đến cả cuộc đời, có lẽ người trẻ thấy việc học lên cao rất hấp dẫn. Người trẻ và các bậc cha mẹ cần nhớ điều gì?
10. Chúng ta cần nhớ điều gì khi dùng sự tự do trong các vấn đề cá nhân?
10 Một số người cảm thấy đó là vấn đề cá nhân nên có thể tự do lựa chọn làm điều mình muốn miễn là lương tâm cho phép. Có lẽ họ nghĩ đến lời của Phao-lô nói với tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Sao tôi lại để sự tự do của mình bị lương tâm người khác xét đoán?” (1 Cô 10:29). Đúng là chúng ta có sự tự do để lựa chọn về học vấn và nghề nghiệp. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng sự tự do của mình chỉ là tương đối và tất cả các quyết định đều có kết quả tương ứng. Vì thế trước đó, Phao-lô nói: “Mọi việc đều được phép làm, nhưng chẳng phải mọi việc đều có lợi. Mọi việc đều được phép làm, nhưng chẳng phải mọi việc đều giúp vững mạnh” (1 Cô 10:23). Thế nên, dù chúng ta có sự tự do để lựa chọn trong các vấn đề cá nhân, nhưng sở thích không phải là điều quan trọng nhất.
DÙNG SỰ TỰ DO CÁCH KHÔN NGOAN ĐỂ PHỤNG SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI
11. Tại sao chúng ta được giải thoát?
11 Khi cảnh báo về việc lạm dụng sự tự do, Phi-e-rơ cũng cho biết mục đích. Ông khuyến giục chúng ta dùng sự tự do của mình “với tư cách là đầy tớ của Đức Chúa Trời”. Vì thế, qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết để chúng ta dâng mình và sống “với tư cách là đầy tớ của Đức Chúa Trời”.
12. Nô-ê và gia đình ông đã nêu gương nào cho chúng ta?
12 Để tránh lạm dụng sự tự do và không quay lại làm nô lệ cho ham muốn cũng như tham vọng của thế gian, cách tốt nhất là hoàn toàn tập trung vào các hoạt động thiêng liêng (Ga 5:16). Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của tộc trưởng Nô-ê và gia đình ông. Dù sống trong một thế gian bạo lực và vô luân, nhưng họ không làm theo các ham muốn và những điều người ta theo đuổi vào thời đó. Gia đình Nô-ê bận rộn với những việc mà Đức Giê-hô-va giao, đó là đóng tàu, tích trữ lương thực cho họ và súc vật, cũng như cảnh báo người khác. Kinh Thánh nói: “Nô-ê làm theo mọi điều Đức Chúa Trời đã phán dặn. Ông làm y như vậy” (Sáng 6:22). Kết quả là gì? Họ đã sống sót khi thế gian thời đó bị kết liễu.—Hê 11:7.
13. Chúa Giê-su đã nhận lãnh và giao lại cho các môn đồ sứ mạng nào?
13 Ngày nay, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta mệnh lệnh nào? Là môn đồ của Chúa Giê-su, chúng ta biết rõ sứ mạng mà Đức Chúa Trời giao cho chúng ta. (Đọc Lu-ca 4:18, 19). Thời nay, đa phần người ta vẫn bị “chúa của thế gian này” làm mù lòng và phải làm nô lệ về mặt tôn giáo, kinh tế và xã hội (2 Cô 4:4). Chúng ta có đặc ân là noi gương Chúa Giê-su trong việc giúp người ta biết và thờ phượng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự tự do (Mat 28:19, 20). Công việc này không dễ dàng và có nhiều thử thách. Tại một số nơi, người ta thờ ơ và thậm chí chống đối chúng ta. Nhưng vì sứ mạng được giao, chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi có thể dùng sự tự do của mình để ủng hộ nhiều hơn cho công việc Nước Trời không?”.
14, 15. Dân của Đức Giê-hô-va hưởng ứng thế nào đối với công việc rao giảng? (Xem hình nơi đầu bài).
14 Thật khích lệ khi thấy nhiều anh chị nhận biết tính cấp bách của thời kỳ này và đơn giản hóa đời sống để tham gia thánh chức trọn thời gian! (1 Cô 9:19, 23). Một số anh chị phụng sự ở địa phương, số khác thì chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Theo báo cáo, trong vòng 5 năm qua, hơn 250.000 anh chị đã gia nhập hàng ngũ tiên phong đều đều. Hiện nay, số tiên phong đều đều lên đến hơn 1.100.000. Đó là thành quả tuyệt vời của việc dùng sự tự do một cách khôn ngoan để phụng sự Đức Giê-hô-va!—Thi 110:3.
15 Điều gì đã giúp các anh chị này dùng sự tự do của mình một cách khôn ngoan? Hãy xem trường hợp của anh John và chị Judith. Cặp vợ chồng này phụng sự ở nhiều nước trong vòng 30 năm qua. Họ nhớ lại là khi Trường dành cho tiên phong bắt đầu vào năm 1977, tổ chức nhấn mạnh việc sẵn sàng chuyển đến những nơi có nhu cầu lớn hơn. Để tập trung vào mục tiêu này, anh John đã nhiều lần thay đổi công việc hầu có thể giữ đời sống đơn giản. Cuối cùng, khi đến một nước khác, cặp vợ chồng này nhận thấy việc cầu nguyện và nương cậy Đức Giê-hô-va giúp họ vượt qua những trở ngại như học ngôn ngữ mới, thích nghi với văn hóa khác và chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Quãng thời gian phụng sự ấy đã tác động đến họ như thế nào? Anh John cho biết: “Tôi miệt mài với công việc tốt nhất mà mình từng biết và trải nghiệm. Đức Giê-hô-va trở nên có thật hơn với tôi như một người cha yêu thương. Giờ thì tôi hiểu rõ hơn điều được nói nơi Gia-cơ 4:8: ‘Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em’. Tôi đã tìm được điều mà mình ao ước, đó là một đời sống thỏa nguyện”.
16. Nhiều anh chị dùng sự tự do của mình một cách khôn ngoan như thế nào?
16 Không giống với anh John và chị Judith, những anh chị khác chỉ có thể phụng sự trọn thời gian trong một giai đoạn ngắn vì lý do hoàn cảnh. Tuy nhiên, nhiều anh chị nắm lấy cơ hội để tình nguyện tham gia vào những dự án xây cất trên toàn thế giới. Chẳng hạn, khi trụ sở trung ương được xây dựng ở Warwick, New York, khoảng 27.000 anh chị đã tình nguyện phụng sự từ hai tuần cho đến một năm hoặc lâu hơn. Nhiều anh chị đã tạm gác lại đời sống cá nhân để đến đó phụng sự. Quả là gương tuyệt vời trong việc dùng sự tự do được ban để ngợi khen và tôn vinh Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự tự do!
17. Tương lai tươi sáng nào chờ đón những ai dùng sự tự do của mình một cách khôn ngoan?
17 Chúng ta biết ơn vì được biết Đức Giê-hô-va và hưởng sự tự do đến từ sự thờ phượng thật. Mong sao những quyết định của chúng ta cho thấy mình quý trọng sự tự do đó. Thay vì lãng phí hoặc lạm dụng, hãy dùng sự tự do của mình để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều nhất có thể. Nhờ làm thế, chúng ta có thể trông chờ những ân phước mà Đức Giê-hô-va hứa ban khi lời tiên tri sau ứng nghiệm: “Các tạo vật... sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát và có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô 8:20, 21.