“Chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an”
“Người bước theo thần khí thì chú tâm đến những điều phù hợp với thần khí”.—RÔ 8:5.
1, 2. Tại sao các tín đồ được xức dầu đặc biệt quan tâm đến Rô-ma chương 8?
Liên quan đến việc tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su hàng năm, anh chị đã đọc Rô-ma 8:15-17 chưa? Rất có thể anh chị đã đọc. Đoạn Kinh Thánh quan trọng ấy giải thích về việc làm thế nào một tín đồ đạo Đấng Ki-tô biết mình được xức dầu: Thần khí cùng với lòng người ấy chứng nhận điều đó. Rô-ma 8:1 gọi những người được xức dầu là “những người hợp nhất với Đấng Ki-tô Giê-su”. Nhưng phải chăng Rô-ma chương 8 chỉ áp dụng cho những người được xức dầu? Hay chương ấy cũng áp dụng cho các tín đồ có hy vọng sống trên đất?
2 Rô-ma chương 8 chủ yếu được viết cho các tín đồ được xức dầu. Họ nhận được thần khí với tư cách là những người “trông mong được nhận làm con, được thoát khỏi thân thể [xác thịt]” của mình (Rô 8:23). Đúng vậy, họ có hy vọng làm con của Đức Giê-hô-va ở trên trời. Điều này có thể thành hiện thực vì họ đã làm báp-têm, và Đức Chúa Trời đã áp dụng giá chuộc cho họ, tha tội cho họ và tuyên bố họ là công chính với tư cách là con thiêng liêng của ngài.—Rô 3:23-26; 4:25; 8:30.
3. Tại sao chúng ta kết luận rằng những người có hy vọng sống trên đất nên quan tâm đến Rô-ma chương 8?
3 Tuy nhiên, những người có hy vọng sống trên đất cũng quan tâm đến Rô-ma chương 8 vì Đức Chúa Trời xem họ là công chính theo nghĩa nào đó. Chúng ta thấy bằng chứng cho điều này từ những gì Phao-lô viết trong phần trước của lá thư. Trong chương 4, ông nói về Áp-ra-ham. Người đàn ông có đức tin ấy đã qua đời trước khi Đức Giê-hô-va ban Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên, và rất lâu trước khi Chúa Giê-su chết vì tội lỗi của chúng ta. Dù vậy, Đức Giê-hô-va đã chú ý đến đức tin nổi bật của Áp-ra-ham và xem ông là công chính. (Đọc Rô-ma 4:20-22). Theo cách tương tự, Đức Giê-hô-va có thể xem các tín đồ trung thành có hy vọng sống mãi trên đất là công chính. Do đó, họ có thể nhận được lợi ích từ lời khuyên nơi Rô-ma chương 8, là lời khuyên dành cho những người công chính.
4. Rô-ma 8:20, 21 nên thôi thúc chúng ta suy ngẫm về câu hỏi nào?
4 Nơi Rô-ma 8:20, 21, chúng ta thấy một lời đảm bảo rằng thế giới mới chắc chắn sẽ đến. Những câu ấy nói rằng “các tạo vật... sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự mục nát và có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”. Câu hỏi được đặt ra là: “Liệu chúng ta sẽ được sống trong thế giới mới không?”. Anh chị có tin chắc mình sẽ nhận được phần thưởng đó không? Rô-ma chương 8 đưa ra những lời khuyên cho biết chúng ta cần làm gì để được sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.
“CHÚ TÂM ĐẾN XÁC THỊT”
5. Sứ đồ Phao-lô nêu lên vấn đề hệ trọng nào nơi Rô-ma 8:4-13?
5 Đọc Rô-ma 8:4-13. Rô-ma chương 8 nói về những người “bước theo xác thịt”, tương phản với những người “bước theo thần khí”. Một số người có thể nghĩ đây là sự tương phản giữa những ai không ở trong sự thật với những ai ở trong sự thật, giữa những người không phải là tín đồ với những người là tín đồ. Tuy nhiên, Phao-lô đang viết cho “những người yêu dấu của Đức Chúa Trời sống ở Rô-ma, được gọi làm người thánh” (Rô 1:7). Do đó, Phao-lô đang cho thấy sự khác biệt giữa các tín đồ bước theo xác thịt với các tín đồ bước theo thần khí. Sự khác biệt là gì?
6, 7. (a) Kinh Thánh dùng từ “xác thịt” theo một số cách nào? (b) Nơi Rô-ma 8:4-13, Phao-lô dùng từ “xác thịt” theo nghĩa nào?
6 Trước tiên, hãy xem xét từ “xác thịt”. Phao-lô có ý gì khi nói đến từ này? Kinh Thánh dùng từ “xác thịt” theo những cách khác nhau. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ này có thể nói về xác thịt theo nghĩa đen, tức thân thể của chúng ta (Rô 2:28; 1 Cô 15:39, 50). Từ ấy cũng có thể nói về quan hệ huyết thống. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su “theo xác-thịt thì bởi dòng-dõi vua Đa-vít sanh ra”.—Rô 1:3, Bản Truyền thống.
7 Tuy nhiên, những gì Phao-lô viết nơi chương 7 giúp chúng ta hiểu từ “xác thịt” được nói đến nơi Rô-ma 8:4-13 có nghĩa gì. Ông liên kết việc “sống theo xác thịt” với “những ham muốn tội lỗi” đang “hoạt động trong các chi thể [của họ]” (Rô 7:5). Điều này làm sáng tỏ ý nghĩa của cụm từ “người bước theo xác thịt” mà Phao-lô nói là “chú tâm đến những điều xác thịt”. Ông đang nói đến những người tập trung vào các ham muốn và khuynh hướng của con người bất toàn, hoặc bị chi phối bởi những ham muốn và khuynh hướng ấy. Nhìn chung, đó là những người chiều theo các ham muốn, sự bốc đồng và đam mê về mặt tình dục hay những khía cạnh khác.
8. Tại sao ngay cả các tín đồ được xức dầu đã phải được cảnh báo về việc “bước theo xác thịt”?
8 Nhưng anh chị có thể thắc mắc tại sao Phao-lô lại cảnh báo các tín đồ được xức dầu về mối nguy hiểm của việc “sống theo xác thịt”. Ngày nay, liệu có mối nguy hiểm tương tự đe dọa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô, là những người được Đức Chúa Trời xem là công chính và là bạn của ngài không? Đáng buồn là bất cứ tín đồ nào cũng có thể bắt đầu bước theo xác thịt tội lỗi. Chẳng hạn, Phao-lô viết rằng một số anh em ở Rô-ma đã làm nô lệ cho “ham muốn của mình”. Đó có thể là ham muốn tình dục hoặc ham muốn về đồ ăn, thức uống hay những điều khác. Một số người trong vòng họ đã “dụ dỗ những người có lòng trong trắng” (Rô 16:17, 18; Phi-líp 3:18, 19; Giu 4, 8, 12). Cũng hãy nhớ rằng một anh ở Cô-rinh-tô từng “ăn ở với vợ của cha mình” trong một thời gian (1 Cô 5:1). Thế nên, thật dễ hiểu tại sao Đức Chúa Trời dùng Phao-lô để cảnh báo các tín đồ về việc “chú tâm đến xác thịt”.—Rô 8:5, 6.
9. Lời cảnh báo của Phao-lô nơi Rô-ma 8:6 không áp dụng cho điều gì?
9 Ngày nay, lời cảnh báo ấy vẫn có giá trị. Dù đã phụng sự Đức Chúa Trời trong nhiều năm, một tín đồ có thể bắt đầu chú tâm đến những điều xác thịt. Lời cảnh báo của Phao-lô không nói đến việc một tín đồ thỉnh thoảng nghĩ về đồ ăn, công việc, giải trí hoặc ngay cả tình cảm lãng mạn. Đó là những khía cạnh thông thường trong đời sống của một tôi tớ Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã thưởng thức đồ ăn và ngài ban thức ăn cho người khác. Ngài nhận thấy việc nghỉ ngơi là điều cần thiết. Phao-lô cũng viết rằng những ước muốn hoặc sự gần gũi về thể xác có thể được thỏa mãn một cách chính đáng trong vòng hôn nhân.
10. Nơi Rô-ma 8:5, 6, cụm từ “chú tâm đến” có hàm ý gì?
10 Vậy Phao-lô có ý gì khi nói về việc “chú tâm đến xác thịt”? Theo một tài liệu tham khảo, từ Hy Lạp mà Phao-lô dùng có nghĩa là “tập trung tâm trí hoặc lòng vào một điều gì đó, dùng khả năng để suy tính kỹ, [từ ấy] nhấn mạnh thái độ và lối suy nghĩ nằm sâu bên trong một người”. Những người sống theo xác thịt để cho lối sống của họ chủ yếu bị chi phối bởi bản chất tội lỗi của con người. Một học giả nói về từ Hy Lạp đó ở Rô-ma 8:5 như sau: “Họ chú tâm đến—tức quan tâm nhiều nhất đến, luôn nói về, tham gia vào và say mê—những điều thuộc về xác thịt”.
11. Một số điều nào có thể trở thành mối quan tâm chính của chúng ta?
11 Thật thích hợp để các tín đồ ở Rô-ma xem xét trọng tâm trong đời sống của họ thật sự là gì. Đời sống họ có tập trung vào hoặc bị chi phối bởi “những điều xác thịt” không? Chúng ta cũng nên xem xét đời sống mình theo cách tương tự. Chúng ta quan tâm nhất đến điều gì, và chúng ta thích nói về điều gì? Chúng ta thật sự theo đuổi điều gì ngày này qua ngày khác? Có lẽ một số người thấy rằng họ đang chú tâm đến việc thử những loại rượu khác nhau, trang trí nhà cửa, tìm những kiểu quần áo mới, đầu tư kinh doanh, lên kế hoạch đi du lịch và những điều tương tự. Bản thân những điều ấy không có gì xấu. Chúng có thể là những khía cạnh thông thường trong đời sống. Chẳng hạn, có lần Chúa Giê-su đã cung cấp rượu tại một tiệc cưới, và Phao-lô từng bảo Ti-mô-thê uống “một chút rượu” (1 Ti 5:23; Giăng 2:3-11). Nhưng Chúa Giê-su và Phao-lô có “luôn nói về” rượu và “say mê” rượu không? Đó có phải là niềm đam mê của họ không? Không. Còn chúng ta thì sao? Mối quan tâm chính của chúng ta trong đời sống là gì?
12, 13. Tại sao việc chúng ta chú tâm đến điều gì là một vấn đề nghiêm túc?
12 Việc tra xét bản thân là điều quan trọng. Tại sao? Phao-lô viết: “Chú tâm đến xác thịt mang lại sự chết” (Rô 8:6). Đó là vấn đề nghiêm trọng: chết về thiêng liêng ngay bây giờ và mất đi sự sống trong tương lai. Dù vậy, Phao-lô không có ý nói rằng nếu một người bắt đầu “chú tâm đến xác thịt” thì kết cuộc mà người ấy không thể tránh khỏi là sự chết. Người ấy có thể thay đổi. Hãy nghĩ về người đàn ông vô luân ở Cô-rinh-tô, là người đã chạy theo xác thịt và phải bị khai trừ. Nhưng người ấy có thể thay đổi và đã làm thế. Người ấy không còn bước theo xác thịt và đã trở lại con đường ngay thẳng.—2 Cô 2:6-8.
13 Nếu một người như thế thay đổi được thì một tín đồ ngày nay cũng có thể thay đổi, đặc biệt là những ai chưa chạy theo xác thịt đến mức như người đàn ông ở Cô-rinh-tô đã làm. Chắc chắn, lời cảnh báo của Phao-lô về kết cuộc có thể xảy ra cho một người “chú tâm đến xác thịt” nên là động lực thúc đẩy chúng ta thực hiện bất cứ sự thay đổi cần thiết nào!
“CHÚ TÂM ĐẾN THẦN KHÍ”
14, 15. (a) Thay vì “chú tâm đến xác thịt”, chúng ta nên làm gì? (b) “Chú tâm đến thần khí” không có nghĩa gì?
14 Sau khi sứ đồ Phao-lô cảnh báo chúng ta về việc “chú tâm đến xác thịt”, ông đưa ra lời đảm bảo đầy khích lệ: “Chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an”. Thật là một kết cuộc hay phần thưởng tốt đẹp: sự sống và bình an! Làm thế nào chúng ta có thể nhận được phần thưởng ấy?
15 “Chú tâm đến thần khí” không có nghĩa là một người phải sống với tâm trí ở trên mây. Người ấy không nhất thiết chỉ nói và nghĩ về Kinh Thánh hoặc tình yêu thương với Đức Chúa Trời và hy vọng của mình, mà không được nói và nghĩ về bất cứ điều gì khác. Hãy nhớ rằng Phao-lô và các tín đồ trung thành khác vào thế kỷ thứ nhất đã có một đời sống bình thường trong nhiều khía cạnh. Họ ăn và uống. Nhiều tín đồ đã kết hôn và vui hưởng đời sống gia đình, đồng thời làm việc để nuôi bản thân.—Mác 6:3; 1 Tê 2:9.
16. Dù tham gia vào nhiều khía cạnh thông thường của đời sống, nhưng Phao-lô đã tập trung vào điều gì?
16 Tuy nhiên, những tín đồ ấy đã không để cho các khía cạnh thông thường như thế trở thành trọng tâm của đời sống. Sau khi cho biết Phao-lô làm nghề may lều, lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy đời sống của ông tập trung vào điều gì: Ông luôn chú tâm vào công việc rao giảng và dạy dỗ của đạo Đấng Ki-tô. (Đọc Công vụ 18:2-4; 20:20, 21, 34, 35). Đó cũng là những hoạt động mà ông khuyến khích các anh chị ở Rô-ma làm. Đúng vậy, đời sống của Phao-lô tập trung vào các sinh hoạt về thiêng liêng. Các tín đồ ở Rô-ma cần noi gương ông, và chúng ta cũng vậy.—Rô 15:15, 16.
17. Nếu “chú tâm đến thần khí”, chúng ta có thể hưởng một đời sống như thế nào?
17 Kết quả là gì nếu chúng ta giữ sự chú tâm vào những điều thiêng liêng? Rô-ma 8:6 trả lời một cách rõ ràng: “Chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an”. Điều này hàm ý rằng chúng ta cần để thần khí tác động và chi phối tâm trí mình, đồng thời có lối suy nghĩ phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tin cậy rằng khi để thần khí là trọng tâm thật sự trong đời sống mình, chúng ta sẽ có một đời sống thỏa nguyện và đầy ý nghĩa ngay bây giờ. Hơn nữa, kết quả mà chúng ta nhận được sẽ là sự sống vĩnh cửu, dù ở trên trời hay trên đất.
18. Làm thế nào việc “chú tâm đến thần khí” mang lại sự bình an?
18 Hãy suy ngẫm về lời đảm bảo: “Chú tâm đến thần khí mang lại... bình an”. Nhiều người thấy việc tìm kiếm sự bình an nội tâm là một thách đố. Trong khi họ ao ước tìm được sự bình an như thế thì chúng ta đã có rồi. Một yếu tố giúp chúng ta có sự bình an nội tâm là nỗ lực hòa thuận với những thành viên trong gia đình và trong hội thánh. Chúng ta có sự suy xét để nhận ra rằng cả chúng ta lẫn các anh chị em đều bất toàn. Vì thế, thỉnh thoảng những vấn đề có thể nảy sinh. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta muốn vâng theo lời khuyên của Chúa Giê-su: ‘Hãy đi làm hòa với [anh em]’ (Mat 5:24). Chúng ta sẽ dễ làm thế hơn nếu nhớ rằng anh chị ấy cũng đang phụng sự “Đức Chúa Trời, đấng ban sự bình an”.—Rô 15:33; 16:20.
19. Nhờ những điều mình chú tâm đến, chúng ta có thể hưởng sự bình an đặc biệt nào?
19 Ngoài ra, có một sự bình an khác vô cùng giá trị. Nhờ “chú tâm đến thần khí”, chúng ta được hưởng sự bình an, hay hòa thuận, với Đấng Tạo Hóa. Ê-sai ghi lại những lời áp dụng cho thời của ông nhưng còn có sự ứng nghiệm lớn hơn vào thời nay: “Người nào để trí mình nương-dựa nơi Ngài [Đức Giê-hô-va], thì Ngài sẽ gìn-giữ người trong sự bình-yên trọn-vẹn, vì người nhờ-cậy Ngài”.—Ê-sai 26:3; đọc Rô-ma 5:1.
20. Tại sao anh chị biết ơn về lời khuyên nơi Rô-ma chương 8?
20 Do đó, dù là người được xức dầu hay có hy vọng sống mãi trong địa đàng, chúng ta đều có thể nhận lợi ích từ lời khuyên được soi dẫn nơi Rô-ma chương 8. Chúng ta thật biết ơn lời khích lệ về việc không để “xác thịt” trở thành điều chính yếu trong đời sống mình! Thay vì thế, chúng ta nhận thấy đường lối khôn ngoan của việc sống phù hợp với lời đảm bảo: “Chú tâm đến thần khí mang lại sự sống và bình an”. Điều này sẽ mang đến phần thưởng vĩnh cửu vì Phao-lô viết: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết, còn món quà Đức Chúa Trời ban là sự sống vĩnh cửu qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”.—Rô 6:23.