Chiến đấu với tội lỗi bám chặt vào xác thịt suy đồi
“Vả, chăm về xác-thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống và bình-an” (RÔ-MA 8:6).
1. Loài người được dựng nên với mục đích gì?
“ĐỨC CHÚA TRỜI dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng-thế Ký 1:27). Hình ảnh là sự phản chiếu lại một đối tượng hay một nguồn nào đó. Do đó, loài người được tạo ra để phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bằng cách bày tỏ những đức tính có nơi Đức Chúa Trời—như tình yêu thương, nhân từ, công bình và tính thiêng liêng—trong mọi nỗ lực của họ, họ dâng sự ngợi khen và vinh hiển cho Đấng Tạo Hóa, cũng như đem lại hạnh phúc và toại nguyện cho chính mình (I Cô-rinh-tô 11:7; I Phi-e-rơ 2:12).
2. Làm thế nào cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên lại trật mục tiêu?
2 Cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên được tạo ra trong sự hoàn toàn, được trang bị hoàn hảo cho vai trò này. Như những tấm gương được lau chùi bóng loáng, họ có khả năng phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời một cách rực rỡ và trung thực. Tuy nhiên họ đã để cho sự bóng loáng thành ra lu mờ khi cố ý chọn đường lối bất tuân Đấng Tạo Hóa và cũng là Đức Chúa Trời của họ (Sáng-thế Ký 3:6). Sau đó, họ không còn có thể phản ảnh sự vinh hiển hoàn hảo của Đức Chúa Trời nữa. Họ thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, làm trật mục đích họ được tạo ra là theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, họ đã phạm tội.a
3. Bản chất của tội lỗi là gì?
3 Điều này giúp chúng ta hiểu được bản chất của tội lỗi làm hỏng sự phản chiếu của loài người theo hình ảnh và sự vinh hiển của Ngài. Tội lỗi biến loài người thành ra không còn thánh khiết nữa, nghĩa là ô uế và lu mờ theo nghĩa thiêng liêng và đạo đức. Toàn thể nhân loại, con cháu của A-đam và Ê-va, đều sinh ra trong tình trạng lu mờ nhơ nhuốc hay ô uế, không đáp ứng sự mong đợi của Đức Chúa Trời nơi họ là cho họ được làm con cái của Ngài. Và hậu quả là gì? Kinh-thánh giải thích: “Cho nên, như bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”. (Rô-ma 5:12; so sánh Ê-sai 64:6).
Tội lỗi bám chặt vào xác thịt suy đồi
4-6. a) Ngày nay phần đông người ta có quan điểm gì về tội lỗi? b) Quan điểm tân thời về tội lỗi đưa đến hậu quả gì?
4 Hầu hết nhân loại ngày nay đều không nghĩ họ ô uế, lu mờ hay tội lỗi. Thật ra, tội lỗi là chữ gần như đã nhòa đi trong ngữ vựng của hầu hết mọi người. Có lẽ họ nói đến lỗi lầm, sơ ý, và tính sai. Còn tội lỗi thì sao? Khó nghe lắm! Alan Wolfe, giáo sư dạy môn xã hội học, nhận xét: “Những lời giáo huấn của Ngài [Đức Chúa Trời] hợp thành một lô tín điều về luân lý hơn là một bộ luật đạo đức, gồm ‘10 điều gợi ý’ hơn là ‘10 điều răn’ ”, ngay cả đối với những người vẫn tự nhận mình tin nơi Đức Chúa Trời.
5 Thành quả của lối suy nghĩ này là gì? Đó là việc phủ nhận, hay ít nhất là lờ đi, thực tại của tội lỗi. Điều này sản xuất ra một thế hệ con người với ý niệm lệch lạc tồi tệ về điều đúng và điều sai, cảm thấy họ có toàn quyền tự định đoạt tiêu chuẩn hành động cho mình và cảm thấy không có trách nhiệm phải thưa trình với ai về bất cứ hành động nào mà họ chọn theo. Với những hạng người như thế, cảm thấy thoải mái là tiêu chuẩn để phán đoán xem một đường lối nào đó có thích hợp hay không. (Châm-ngôn 30:12, 13; so sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:5, 20).
6 Thí dụ, trong khuôn khổ một chương trình thảo luận truyền hình, những người trẻ đã được mời phát biểu quan điểm của họ về cái gọi là bảy tội ác ôn.b Một người tham dự tuyên bố: “Kiêu căng có tội gì đâu? Người ta có bổn phận nghĩ tốt về bản thân mình chứ”. Một người khác phát biểu về tật lười biếng: “Đôi khi lười biếng cũng được việc... Thỉnh thoảng ngồi xuống thư giãn một chút và tự hưởng thụ thời gian cho chính mình là điều tốt chứ sao”. Ngay cả người điều khiển chương trình cũng đưa ra lời bình luận vắn tắt này: “Bảy tội ác ôn không có ác độc chút nào cả, trái lại, đó là sức cưỡng bách con người trên hoàn vũ có thể gây ra phiền toái và thú vị cao độ”. Đúng vậy, giống như tội lỗi, ngay cả cảm giác tội lỗi cũng đã biến mất, vì rốt lại, cảm giác tội lỗi hoàn toàn trái ngược lại cảm giác thoải mái (Ê-phê-sô 4:17-19).
7. Theo Kinh-thánh, loài người chịu ảnh hưởng của tội lỗi như thế nào?
7 Hoàn toàn tương phản với tất cả những điều ấy, Kinh-thánh nói rõ ràng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng nhìn nhận: “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác-thịt tôi, bởi tôi có ý-muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:18, 19). Ở đây Phao-lô không có ý tha hồ than thân trách phận. Trái lại, bởi vì ông hoàn toàn nhận thức được việc nhân loại thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đến độ nào, ông cảm thông được hết mọi nỗi đau khổ vì tội lỗi bám chặt vào xác thịt suy đồi. Ông than thở: “Khốn-nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:24).
8. Chúng ta phải tự nêu những câu hỏi nào? Tại sao?
8 Quan điểm của bạn về vấn đề này là gì? Có thể bạn nhận thức rằng vì bạn là con cháu của A-đam nên cũng bất toàn giống như bao người khác. Nhưng sự hiểu biết đó ảnh hưởng thế nào đến sự suy nghĩ và lối sống của bạn? Bạn có chấp nhận điều đó như một sự kiện của đời sống và chỉ giản dị làm theo những gì mình cho là tự nhiên? Hay là bạn sẽ không ngớt cố gắng hết sức để chiến đấu chống lại tội lỗi bám chặt vào thể xác suy đồi, phấn đấu để phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời càng rực rỡ càng tốt trong mọi hành động của bạn? Mỗi người chúng ta nên nghiêm chỉnh quan tâm đến điều này chiếu theo những gì Phao-lô nói: “Kẻ sống theo xác-thịt thì chăm những sự thuộc về xác-thịt; còn kẻ sống theo Thánh-Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh-Linh. Vả, chăm về xác-thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống và bình-an” (Rô-ma 8:5, 6).
Chăm theo xác thịt
9. Tại sao “chăm về xác-thịt sanh ra sự chết”?
9 Phao-lô ngụ ý gì khi nói rằng “chăm về xác-thịt sanh ra sự chết”? Kinh-thánh thường dùng từ “xác-thịt” để chỉ một người trong tình trạng bất toàn, con cháu của kẻ phản nghịch A-đam ‘hoài-thai trong tội-lỗi’ (Thi-thiên 51:5; Gióp 14:4). Vậy Phao-lô khuyên tín đồ đấng Christ chớ để cho tâm trí mình chiều theo những khuynh hướng, sức đẩy và những khát vọng tội lỗi của xác thịt bất toàn, suy đồi. Tại sao không? Ở một nơi khác, Phao-lô nói với chúng ta việc làm của xác thịt là gì và rồi thêm lời cảnh cáo: “Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).
10. “Chăm theo” có nghĩa gì?
10 Nhưng phải chăng có một sự khác biệt lớn giữa việc chuyên nghĩ theo xác thịt và thực hành theo xác thịt? Đành rằng chuyên nghĩ về một điều gì đó không hẳn luôn luôn dẫn đến việc thi hành điều đó, nhưng chuyên nghĩ khác xa một ý tưởng thoáng qua đầu. Từ mà Phao-lô dùng ở đây là phroʹne·ma trong tiếng Hy Lạp, ám chỉ “một đường lối suy nghĩ, chiều hướng suy nghĩ,... nhắm mục đích, khát vọng, sự phấn đấu”. Do đó “chăm theo xác-thịt” có nghĩa là bị kiểm soát, bị ám ảnh, bị khống chế, và lôi cuốn theo những khát vọng của xác thịt suy đồi (I Giăng 2:16).
11. Ca-in đã chăm theo xác thịt như thế nào và hậu quả là gì?
11 Điểm này được minh họa rõ qua hành vi mà Ca-in đã chọn theo. Khi lòng ghen tị và sự giận dữ nổi lên trong lòng Ca-in, Đức Giê-hô-va cảnh cáo y: “Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội-lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản-trị nó” (Sáng-thế Ký 4:6, 7). Trước mặt Ca-in có một sự lựa chọn. Liệu y sẽ “làm lành”, nghĩa là rắp tâm suy nghĩ, nhắm mục đích, khát vọng về một điều lành nào đó không? Hay là y sẽ cứ tiếp tục chăm theo xác thịt và hướng ý tưởng mình đến những khuynh hướng xấu xa ấp ủ trong lòng y? Như Giê-hô-va giải thích, tội lỗi “rình đợi trước cửa”, chực vồ nuốt Ca-in nếu như y để cho tội lỗi làm thế. Thay vì chiến đấu chống lại và ‘quản-trị’ sự thèm muốn của xác thịt, Ca-in đã để cho nó khống chế mình—rồi đi đến một kết cuộc thảm khốc.
12. Chúng ta phải làm gì để không đi “theo đường Ca-in”?
12 Về phần chúng ta ngày nay thì sao? Chắc chắn chúng ta không muốn đi “theo đường Ca-in”, như Giu-đe đã than phiền về một số tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất (Giu-đe 11). Chúng ta chớ bao giờ biện luận và nghĩ rằng thỉnh thoảng có buông xuôi hay tùy tiện một chút là vô hại. Trái lại, chúng ta phải cảnh giác để nhận ra bất cứ ảnh hưởng không tin kính hay bại hoại nào thoáng qua trong tâm trí mình đồng thời mau mắn gạt bỏ ngay đi trước khi nó kịp bén rễ. Việc chiến đấu chống lại tội lỗi bám chặt vào xác thịt suy đồi của mình bắt đầu từ trong tâm tưởng (Mác 7:21).
13. Làm thế nào một người lại có thể bị “tư-dục xui-giục mình”?
13 Thí dụ, mắt bạn chợt thấy một cảnh gây sửng sốt hoặc khủng khiếp hay đặc biệt là một hình ảnh khêu gợi hoặc khiêu dâm. Đó có thể là một hình ảnh trong một cuốn sách hay tạp chí, một màn trong phim xi-nê hay trên màn ảnh truyền hình, một hình quảng cáo trên bích chương, hay thậm chí cảnh thật ngoài đời. Những điều ấy tự nó không có gì cần phải báo động, vì có thể—và thật sự có—xảy ra. Tuy nhiên, hình ảnh hay cảnh tượng ấy, dù chỉ diễn ra trong vài giây, vẫn có thể dai dẳng nấn ná trong tâm trí và thỉnh thoảng lại hiện về. Bạn làm gì khi chuyện đó xảy ra? Bạn có ra tay hành động để xua đuổi ý tưởng ấy ra khỏi tâm trí không? Hay là bạn để cho nó lưu lại trong tâm trí mình, có lẽ sống lại kinh nghiệm đó mỗi khi ý tưởng ấy quay lại trong đầu? Làm như vậy có nghĩa là đang liều lĩnh châm ngòi một phản ứng dây chuyền mà Gia-cơ miêu tả: “Mỗi người bị cám-dỗ khi mắc tư-dục xui-giục mình. Đoạn, lòng tư-dục cưu-mang, sanh ra tội-ác; tội-ác đã trọn, sanh ra sự chết”. Đó là lý do tại sao Phao-lô nói: “Chăm về xác-thịt sanh ra sự chết” (Gia-cơ 1:14, 15; Rô-ma 8:6).
14. Hằng ngày chúng ta phải đương đầu với những gì, và chúng ta nên phản ứng thế nào?
14 Sống giữa thế gian mà trong đó tình dục vô luân, bạo động và chủ nghĩa vật chất được đề cao, được phô trương một cách lộ liễu và phóng túng trong sách báo, tạp chí, phim ảnh, các chương trình truyền hình, và trong âm nhạc thịnh hành, tất chúng ta hằng ngày thật sự đang bị các ý tưởng và ý kiến sai lầm công kích. Bạn phản ứng thế nào? Bạn có cảm thấy thích thú và thưởng thức tất cả những chuyện này không? Hoặc bạn có cùng cảm nghĩ với Lót, “tức là kẻ quá lo vì cách ăn-ở luông-tuồng của bọn gian-tà kia... mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình”? (II Phi-e-rơ 2:7, 8). Muốn thắng trận trong cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi bám chặt vào xác thịt suy đồi của mình, chúng ta cần quyết tâm làm giống như người viết Thi-thiên: “Tôi sẽ chẳng để điều gì đê-mạt trước mặt tôi; tôi ghét công-việc kẻ bất-trung: việc ấy sẽ không dính vào tôi” (Thi-thiên 101:3).
Chăm về thánh linh
15. Chúng ta có sự giúp đỡ nào để chiến đấu với tội lỗi bám chặt vào chúng ta?
15 Một điều có thể giúp chúng ta chiến đấu chống lại tội lỗi bám chặt vào xác thịt suy đồi của chúng ta là làm theo những gì mà Phao-lô nói tiếp: “Còn chăm về Thánh-Linh sanh ra sự sống và bình-an” (Rô-ma 8:6). Do đó, thay vì để cho xác thịt khống chế, chúng ta phải đặt tâm trí chúng ta dưới ảnh hưởng của thánh linh và phát triển những điều thuộc về thánh linh. Những điều đó là gì? Phao-lô liệt kê nơi Phi-líp 4:8: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức, đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ và tìm hiểu rõ hơn về những gì chúng ta phải tiếp tục chăm tìm.
16. Phao-lô khuyên chúng ta “phải nghĩ đến” những điều gì, và mỗi điều như vậy bao hàm gì?
16 Trước tiên, Phao-lô liệt kê tám phẩm hạnh đạo đức. Dĩ nhiên, chúng ta biết tín đồ đấng Christ không bắt buộc phải luôn luôn nghĩ đến những vấn đề ghi trong Kinh-thánh hoặc về giáo lý mà thôi. Có vô số đề tài hay chủ đề mà chúng ta có thể nghĩ đến. Nhưng điều quan trọng là những điều đó phải xứng hợp với các phẩm hạnh đạo đức mà Phao-lô nêu ra. Mỗi loại “điều” mà Phao-lô nêu ra đều đáng cho chúng ta chú ý. Chúng ta hãy theo thứ tự xem xét từng điều một.
◻ “Chân-thật” bao hàm nhiều điều hơn là chuyện thực hư. Đó có nghĩa là đúng với sự thật, ngay thẳng và đáng tin cậy, một điều gì đó có thật, chứ không phải chỉ có vẻ là thật (I Ti-mô-thê 6:20).
◻ “Đáng tôn” nói đến những điều xứng đáng và đáng kính. Nó gợi lên một tinh thần tôn kính, một điều gì cao thượng, quí phái và danh giá hơn là tầm thường và hèn hạ.
◻ “Công-bình” nghĩa là hội đủ tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, chứ không phải của loài người. Người thế gian chuyên nghĩ về những mưu đồ bất chính, nhưng chúng ta nghĩ đến hoặc thích thú với những gì công bình trước mắt Đức Chúa Trời. (So sánh Thi-thiên 26:4; A-mốt 8:4-6).
◻ “Thanh-sạch” nghĩa là thuần khiết và thánh không chỉ về hạnh kiểm (tình dục hay về phương diện khác) mà còn về tư tưởng và động lực nữa. Gia-cơ nói: “Sự khôn-ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh-sạch”. Chúa Giê-su là đấng “thanh-sạch”, và là Gương hoàn hảo cho chúng ta chăm tìm (Gia-cơ 3:17; I Giăng 3:3).
◻ “Đáng yêu-chuộng” là điều gây cảm tình và gợi cảm hứng cho người khác. Chúng ta thà “ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”, còn hơn là bận tâm với những điều gây thù hận, cay đắng và tranh cãi (Hê-bơ-rơ 10:24).
◻ “Có tiếng tốt” không chỉ có nghĩa là “nổi tiếng” hay “được phê chuẩn tốt” mà theo nghĩa tích cực thì đó cũng là điều xây dựng và đáng khen nữa. Chúng ta thà để hết tâm trí vào những gì lành mạnh xây dựng còn hơn là những điều hèn hạ và đả phá (Ê-phê-sô 4:29).
◻ “Nhân-đức” về cơ bản có nghĩa là “nhân từ” hay “đạo đức thượng hạng” nhưng đó cũng có thể có nghĩa là xuất sắc về mọi mặt. Vậy chúng ta có thể quí trọng những phẩm hạnh, công trạng quí báu và những thành tích mà người khác đạt được theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.
◻ Những điều “đáng khen” thật sự là xứng đáng được ban khen nếu sự ban khen đó đến từ Đức Chúa Trời hay từ thẩm quyền nào được Ngài nhìn nhận là chính đáng (I Cô-rinh-tô 4:5; I Phi-e-rơ 2:14).
Lời hứa về sự sống và bình an
17. “Chăm theo Thánh-Linh” đem lại các ân phước gì?
17 Khi chúng ta làm theo lời khuyên của Phao-lô và tiếp tục “nghĩ đến” những điều này, chúng ta sẽ thành công trong việc “chăm về Thánh-Linh”. Kết quả không những là ân phước về sự sống, tức sự sống đời đời trong thế giới mới, mà lại còn là sự bình an (Rô-ma 8:6). Tại sao? Vì tâm trí chúng ta được che chở khỏi bị ảnh hưởng xấu của những điều thuộc xác thịt, và không còn bị ảnh hưởng nặng nề vì sự xung đột kịch liệt giữa xác thịt và thiêng liêng như Phao-lô miêu tả. Bằng cách cưỡng lại ảnh hưởng xấu của xác thịt, chúng ta cũng tìm được sự bình an với Đức Chúa Trời “vì sự chăm về xác-thịt nghịch với Đức Chúa Trời” (Rô-ma 7:21-24; 8:7).
18. Sa-tan tung ra cuộc chiến nào, và làm sao chúng ta có thể chiến thắng?
18 Sa-tan và tay sai của hắn đang làm bất cứ điều gì chúng có thể hầu ngăn cản chúng ta phản chiếu được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng cố tìm cách kiểm soát tâm trí chúng ta bằng cách công kích tâm trí chúng ta với những sự ham muốn xác thịt, biết rằng điều này cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến chỗ nghịch lại với Đức Chúa Trời và đến chỗ chết. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng trong trận chiến này. Như Phao-lô, chúng ta cũng có thể thốt lên: “Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta” vì Ngài đã cung cấp cho chúng ta những phương tiện để chiến đấu chống lại tội bám chặt vào xác thịt suy đồi (Rô-ma 7:25).
[Chú thích]
a Kinh-thánh thường dùng động từ Hê-bơ-rơ cha·taʼʹ và động từ Hy Lạp ha·mar·taʹno để chỉ “tội lỗi”. Cả hai chữ này đều có nghĩa là “trật”, theo nghĩa là đi lệch hay không đạt đến mục tiêu, dấu mốc hoặc cái đích.
b Theo lời truyền khẩu, bảy tội ác ôn gồm: kiêu căng, tham lam, thèm khát, ghen tị, háu ăn, giận dữ và lười biếng.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Tội lỗi là gì, và làm sao tội lỗi lại phát triển để bám chặt vào xác thịt suy đồi?
◻ Chúng ta có thể chiến đấu chống lại việc “chăm theo xác-thịt” như thế nào?
◻ Chúng ta có thể làm gì để đẩy mạnh việc “chăm theo Thánh-Linh”?
◻ Làm thế nào việc “chăm theo Thánh-Linh” đem lại sự sống và bình an?