Có bao giờ người đau khổ sẽ hết khổ không?
BẠN có muốn thấy không còn sự đau khổ nữa không, chẳng những cho bạn mà còn cho cả nhân loại? Hãy xem những trường hợp sau đây:
Sonia đã đau khổ rất nhiều.a Trước hết, bà biết được là chồng bà đã ngoại tình trong mười năm qua. Rồi con trai út của bà bị nhiễm vi khuẩn liệt kháng (HIV) và chết vì bệnh AIDS (Sida). Hai năm sau, con trai kia của bà bị bệnh, và không lâu sau cũng chết vì bệnh AIDS. Bà Sonia nhớ lại: “Giai đoạn chót của bệnh kéo dài rất lâu. Con tôi bị chứng trầm cảm nặng, tóc rụng hết, và không thể thấy rõ. Chúng tôi rất là đau buồn”.
Fabiana, một sinh viên ở Bra-xin, quan tâm về những sự bất công xã hội trên khắp thế giới. Rồi chính cô gặp cảnh bi thảm. Anh của cô bị chứng trầm cảm và rồi tự tử. Khi Fabiana mất việc làm, một người bạn đề nghị cô đi tìm một pai-de-santo (thầy pháp), vì bạn cô nghĩ rằng Fabiana gặp sự bất hạnh như thế thì chắc có ai đã ếm cô! Tuy nhiên, thầy pai-de-santo đã không giúp được gì cho cô. Thay vì vậy, Fabiana cảm thấy khổ sở và không thể ngủ được vì những nghịch cảnh của cô.
Thảm trạng của Ana đã bắt đầu lúc cô còn thơ ấu. Cô kể: “Khi tôi được một tuổi thì bị mẹ bỏ rơi, nên bà ngoại mang tôi về nuôi”. Rồi bà ngoại qua đời khi Ana chỉ có ba tuổi. Người ta đưa Ana vào cô nhi viện ở Rio de Janeiro, và Ana ở đó cho đến 13 tuổi. Cô nói: “Ở đó, người ta đối xử với chúng tôi rất tồi tệ, và tôi trở nên ương ngạnh. Khi lớn lên, hầu như cái gì tôi cũng chống lại”.
Sự đau khổ dường như ảnh hưởng mọi người bằng cách này hay cách khác. Quả thật, hằng ngày chúng ta thấy những chuyện về sự đau khổ của loài người—mỗi khi chúng ta xem ti-vi, đọc báo hay nghe ra-đi-ô để biết tin tức. Tiến sĩ Mary Sykes Wylie viết: “Thời đại của chúng ta với phương tiện truyền thông đại chúng, khiến cho chúng ta hầu như không thể tránh được việc nghe hết tin chẳng lành này đến tin chẳng lành khác. Chiến tranh, thiên tai, thảm họa công nghiệp, tai nạn thê thảm trên xa lộ, tội ác, khủng bố, sự hành dâm, hãm hiếp và sự hung bạo trong gia đình là những điều khiến sự đau khổ trở thành một chủ đề khủng khiếp hằng ngày của thế kỷ 20”. Sứ đồ của đạo đấng Christ là Phao-lô đã thực tế tóm tắt kinh nghiệm của loài người: “Muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay” (Rô-ma 8:22).
Còn bạn thì sao? Bạn có đang bị khổ đau không? Bạn có thể mong đợi được bớt khổ như thế nào? Có bao giờ bạn sẽ đạt được sự bình an thật sự không? Sonia, Fabiana và Ana đã tìm được sự an ủi và một mức độ bình an thật sự! Bạn có thể đọc về điều này trong bài kế.
[Chú thích]
a Chúng tôi đã thay đổi các tên trong bài này.