Sự tiền định có thể nào phù hợp với lòng yêu thương của Đức Chúa Trời không?
“CHÚNG TÔI định nghĩa sự tiền định là ý định đời đời của Đức Chúa Trời, tức Ngài quyết định muốn làm gì với mỗi người. Vì Ngài không tạo họ có cùng một số phận, nhưng định trước một số người sẽ được sống đời đời và người khác thì sẽ bị hủy diệt đời đời”.
Nhà Cải cách Tin lành John Calvin định nghĩa khái niệm của ông về sự tiền định như trên trong cuốn sách Institutes of the Christian Religion (Giới luật của đạo đấng Christ). Khái niệm này căn cứ trên ý tưởng cho rằng Đức Chúa Trời biết mọi sự và các hành động của tạo vật Ngài không thể làm người ta nghi ngờ ý định của Ngài hoặc khiến Ngài làm những sự thay đổi.
Nhưng Kinh-thánh có thật sự ám chỉ điều này về Đức Chúa Trời không? Quan trọng hơn nữa, cách giải nghĩa này có phù hợp với các đức tính của Đức Chúa Trời không, đặc biệt đức tính nổi bật nhất của Ngài là tình yêu thương?
Một Đức Chúa Trời có thể báo trước về tương lai
Đức Chúa Trời có thể báo trước về tương lai. Ngài nói về chính mình: “Ta đã rao sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý” (Ê-sai 46:10). Trong suốt lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời đã cho ghi lại các lời tiên tri Ngài để cho thấy Ngài có thể xử dụng khả năng biết trước và nói về các biến cố trước khi chúng xảy ra.
Vì vậy, trong thời Bên-xát-sa, vua Ba-by-lôn, khi nhà tiên tri Đa-ni-ên nằm chiêm bao thấy hai con thú, con này cướp địa vị con kia, Đức Giê-hô-va cho ông lời giảng nghĩa này: “Con chiên đực mà ngươi đã thấy, có hai sừng, đó là các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Con dê xờm đực, tức là vua nước Gờ-réc” (Đa-ni-ên 8:20, 21). Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời đã dùng khả năng biết trước để tiết lộ một loạt các cường quốc thế giới. Đế quốc Ba-by-lôn đứng đầu lúc đó sẽ bị Đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ thay thế, rồi sẽ tới phiên nước Hy Lạp.
Các lời tiên tri cũng có thể liên quan đến một cá nhân. Thí dụ, nhà tiên tri Mi-chê tuyên bố rằng đấng Mê-si sẽ được sanh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:1). Một lần nữa, trong trường hợp này Đức Chúa Trời dùng khả năng biết trước của Ngài. Tuy nhiên, biến cố này được thông báo với một mục đích rõ ràng—để nhận diện đấng Mê-si. Trường hợp này không cho chúng ta lý do chánh đáng để nói một cách tổng quát rằng mỗi người đều đã được tiền định.
Ngược lại, Kinh-thánh cho biết rằng trong một số trường hợp, Đức Chúa Trời tự ý không muốn biết kết quả của sự việc. Ngay trước khi thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt, Ngài nói: “Ta muốn ngự xuống, để xem-xét chúng nó ăn-ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết” (Sáng-thế Ký 18:21). Câu này cho thấy rõ ràng Đức Chúa Trời đã không biết trước hai thành đó bại hoại đến độ nào trước khi Ngài điều tra sự việc.
Đành rằng Đức Chúa Trời có thể thấy trước một số biến cố, nhưng trong nhiều trường hợp, Ngài tự ý không dùng khả năng biết trước của Ngài. Vì Đức Chúa Trời là toàn năng, Ngài tự do sử dụng khả năng của Ngài theo ý Ngài muốn, chứ không theo ý của loài người bất toàn.
Một Đức Chúa Trời có thể chỉnh đốn mọi việc
Như ông Calvin, một số người nói rằng Đức Chúa Trời định trước sự sa ngã của loài người trước khi họ được tạo ra và Ngài đã định ‘những người được lựa chọn’ trước khi loài người sa ngã. Nhưng nếu điều này là thật, phải chăng Đức Chúa Trời sẽ tỏ mình là kẻ giả hình nếu đặt triển vọng sống đời đời trước mặt A-đam và Ê-va, đồng thời thừa biết rằng họ sẽ không đạt được triển vọng ấy? Hơn nữa, không có chỗ nào trong Kinh-thánh phủ nhận rằng hai người đầu tiên đã có sự lựa chọn: họ có thể vâng theo các lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời để được sống đời đời hoặc từ bỏ các lời chỉ dẫn ấy để rồi bị chết (Sáng-thế Ký đoạn 2).
Nhưng phải chăng tội lỗi của A-đam và Ê-va đã làm hỏng ý định của Đức Chúa Trời? Không, vì ngay sau khi họ phạm tội, Đức Chúa Trời thông báo rằng Ngài sẽ dấy lên một “dòng-dõi” để tiêu diệt Sa-tan và các kẻ theo hắn, rồi Ngài sẽ chỉnh đốn mọi việc trên đất một lần nữa. Giống như một vài côn trùng không thể ngăn cản người làm vườn sản xuất nhiều hoa lợi, vậy sự bất tuân của A-đam và Ê-va sẽ không cản trở Đức Chúa Trời biến trái đất thành địa đàng (Sáng-thế Ký đoạn 3).
Sau này Đức Chúa Trời tiết lộ rằng Ngài sẽ giao chính phủ Nước Trời cho một người thuộc dòng dõi của Vua Đa-vít và những người khác nữa sẽ có phần trong Nước Trời. Những người này được gọi là “các thánh của Đấng Rất Cao” (Đa-ni-ên 7:18; II Sa-mu-ên 7:12; I Sử-ký 17:11).a
Báo trước không phải là tiền định
Sự kiện Đức Chúa Trời tự ý không muốn biết đường lối hành động của con người đã không ngăn cản Ngài báo trước kết quả khi họ làm điều tốt hoặc xấu. Một thợ sửa xe báo trước tình trạng tồi tệ của một chiếc xe không thể chịu trách nhiệm nếu tai nạn xảy ra hoặc bị kết tội là đã đoán trước tai nạn đó. Cũng vậy, ta không thể kết tội Đức Chúa Trời đã tiền định hậu quả tai hại do hành vi của một số người.
Điều này cũng đúng với con cháu của cặp vợ chồng đầu tiên. Trước khi Ca-in giết em mình, Đức Giê-hô-va cho Ca-in sự lựa chọn. Người sẽ kiềm chế tội lỗi hoặc để tội lỗi kiềm chế mình? Chúng ta không thấy nơi nào trong lời tường thuật nói Đức Giê-hô-va tiền định rằng Ca-in sẽ lựa chọn sai lầm và giết em mình (Sáng-thế Ký 4:3-7).
Sau này, Luật pháp Môi-se cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên về điều gì sẽ xảy ra nếu họ xây bỏ Đức Giê-hô-va, chẳng hạn bằng cách lấy vợ từ các nước tà giáo. Điều báo trước quả thật đã xảy ra. Ta có thể thấy điều này qua kinh nghiệm của Vua Sô-lô-môn. Trong những năm sau cùng của đời ông, ông bị các vợ ngoại quốc dẫn dụ để thực hành sự thờ hình tượng (I Các Vua 11:7, 8). Đúng vậy, Đức Chúa Trời đã cảnh cáo dân sự Ngài, nhưng Ngài không tiền định lối hành động của mỗi người trong vòng họ.
Có lời khuyên cho người tín đồ đấng Christ được chọn là họ nên tiếp tục bền bỉ nếu không muốn mất đi phần thưởng được hứa trước là cùng cai trị với đấng Christ ở trên trời (II Phi-e-rơ 1:10; Khải-huyền 2:5, 10, 16; 3:11). Như một số các nhà thần học trong quá khứ đã hỏi, nếu những người được chọn đã được kêu gọi một cách dứt khoát, thì tại sao họ lại cần những lời nhắc nhở ấy?
Sự tiền định và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời
Vì được tạo như “hình Đức Chúa Trời”, loài người được ban cho sự như tự do lựa chọn (Sáng-thế Ký 1:27). Sự tự do lựa chọn là thiết yếu cho việc tôn vinh và phụng sự Đức Chúa Trời bởi lòng yêu thương, chứ không làm thế như người máy với mọi hành động định sẵn. Sự yêu thương bày tỏ bởi những tạo vật thông minh và tự do sẽ cho phép Đức Chúa Trời bác bỏ những lời tố cáo bất công chống lại Ngài. Ngài nói: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thể đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha” (Châm-ngôn 27:11).
Nếu các hành động của tôi tớ Đức Chúa Trời đã được định—hoặc lập trình, theo nghĩa bóng—thì phải chăng sự chân thật của lòng yêu thương của họ đối với Đấng Tạo hóa có thể bị nghi ngờ? Cũng vậy, nếu Đức Chúa Trời chọn trước những người sẽ được vinh hiển và hạnh phúc mà không quan tâm đến công lao của mỗi người, phải chăng điều này đi ngược với đức tính không thiên vị của Ngài? Hơn nữa, nếu một số người được đối đãi một cách đặc biệt trong khi người khác thì phải chịu sự trừng phạt đời đời, chắc hẳn điều này sẽ không làm cho những “người được lựa chọn” có lòng biết ơn thành thật (Sáng-thế Ký 1:27; Gióp 1:8; Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35).
Cuối cùng, đấng Christ bảo môn đồ ngài đi rao giảng tin mừng cho muôn dân. Nếu như Đức Chúa Trời đã chọn trước những người sẽ được cứu rỗi, phải chăng điều này sẽ làm giảm lòng hăng hái của tín đồ đấng Christ trong công việc rao giảng? Phải chăng điều đó làm cho công việc rao giảng dường như trở nên vô nghĩa?
Sự yêu thương không thiên vị của Đức Chúa Trời là động cơ mạnh nhất có thể thúc đẩy loài người yêu mến Ngài lại. Đức Chúa Trời biểu lộ lòng yêu thương của Ngài một cách vĩ đại nhất khi hy sinh Con Ngài vì lợi ích của loài người bất toàn và tội lỗi. Sự kiện Đức Chúa Trời biết trước về Con Ngài như được nói trên là một trường hợp đặc biệt, nhưng nó cam kết với chúng ta rằng các lời hứa về sự phục hồi dựa trên Chúa Giê-su sẽ thật sự được thực hiện. Vậy mong sao chúng ta đặt đức tin nơi Con Ngài và đến gần với Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn bằng cách nhận lời mời của Đức Chúa Trời để bắt đầu có mối liên lạc tốt đẹp với Đấng Tạo hóa của chúng ta. Ngày nay, Đức Chúa Trời dành lời mời này cho tất cả những ai muốn dùng sự tự do lựa chọn và tỏ lòng yêu thương đối với Ngài.
[Chú thích nơi trang 6]
a Khi Giê-su nói về Nước Trời được sửa soạn “từ khi dựng nên trời đất” (Ma-thi-ơ 25:34), tất nhiên ngài nói về một thời điểm sau khi có tội lỗi đầu tiên. Lu-ca 11:50, 51 liên kết sự “sáng-thế” với thời của A-bên vì đó là lúc loài người mới có thể được chuộc lại.
[Khung nơi trang 7]
TIỀN ĐỊNH NGUYÊN MỘT NHÓM
“Vì chưng những ai Người đã biết đến từ trước, thì Người cũng đã tiền định cho họ được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người, để Ngài nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc. Còn những ai Người đã tiền định, thì Người cũng đã kêu gọi; và những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng đã giải án tuyên công; những ai Người đã giải án tuyên công, thì Người cũng đã tôn vinh” (Rô ma 8 29, 30, bản dịch Nguyễn thế Thuấn). Chúng ta nên hiểu từ ngữ “tiền định” như Phao-lô dùng trong các câu này như thế nào?
Lý lẽ của Phao-lô nơi đây không phải là một sự củng cố kiên quyết về sự tiền định của mỗi cá nhân. Vào đầu thế kỷ này, Dictionnaire de théologie catholique (Tự điển thần học Công giáo) giảng nghĩa các lý lẽ của Phao-lô (Rô-ma đoạn 9-11) như sau: “Càng ngày càng nhiều học giả Công giáo nghĩ rằng khái niệm về tiền định để được sống đời đời không được trình bày rõ ràng”. Cùng tài liệu này trích M. Lagrange như sau: “Vấn đề chính yếu mà Phao-lô khai triển rõ ràng không phải là vấn đề tiền định và sự lên án, nhưng giản dị là vấn đề Dân Ngoại được kêu gọi đến với ơn Chúa qua đạo đấng Christ, trái ngược với lòng không tin của người Do Thái... Vấn đề liên quan đến nhóm người, Dân Ngoại, Do Thái, và không dính dáng trực tiếp đến từng cá nhân một” (Chúng tôi viết nghiêng).
Gần đây hơn, cuốn The Jerusalem Bible cũng kết luận như thế về các đoạn này (Rô-ma 9-11), và nói: “Vì thế, chủ đề của các đoạn này không phải là việc tiền định mỗi cá nhân để được vinh hiển, hoặc ngay cả nếu họ sẽ có đức tin, nhưng chủ đề là vai trò của dân Y-sơ-ra-ên trong diễn tiến lịch sử của sự cứu rỗi loài người, tức vấn đề duy nhất được nêu lên trong Kinh-thánh phần Cựu ước”.
Các câu cuối cùng trong Rô-ma đoạn 8 cũng thuộc văn mạch này. Vậy, những câu này có thể đúng lý nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã thấy trước rằng sẽ có một lớp, hoặc một nhóm người trong vòng loài người sẽ được kêu gọi để đồng cai trị với đấng Christ, cùng các điều kiện mà họ sẽ phải hội đủ—và Ngài làm thế mà không định trước rõ ràng người nào sẽ được lựa chọn, vì điều đó là trái ngược với lòng yêu thương và sự công bình của Ngài.