Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 26 THÁNG 9–NGÀY 2 THÁNG 10
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | THI-THIÊN 142-150
“Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi-khen thay”
it-2-E trg 448
Miệng
Một cơ quan được Đức Chúa Trời thiết kế để nhận và chuẩn bị thức ăn cho dạ dày, và để nói (đối với con người). Mọi lời nói của chúng ta đều nên mang đến sự ngợi khen cho Đức Chúa Trời (Thi 34:1; 51:15; 71:8; 145:21). Người viết Thi-thiên nói rằng phàm vật chi thở sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va; do đó con người phải dùng miệng để làm thế nếu họ mong được sống. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng việc tin nơi Đức Chúa Trời và Con ngài, dù tin trong lòng, là chưa đủ. Để được cứu rỗi, một người phải công bố niềm tin ấy.—Thi 150:6; Rm 10:10.
Phù hợp với ý định, quyền hạn và quyền năng của ngài với tư cách Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va có thể đặt những lời thích hợp vào miệng tôi tớ ngài. Đức Chúa Trời đã làm thế một cách kỳ diệu đối với các nhà tiên tri của ngài, qua sự soi dẫn (Xu 4:11, 12, 15; Giê 1:9). Có lần ngài đã khiến cho ngay cả con lừa, một con vật không biết nói, có thể nói được (Dân 22:28, 30; 2Ph 2:15, 16). Ngày nay, các tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể có lời ngài trong miệng họ, không phải qua sự soi dẫn, mà qua Lời thành văn được ngài soi dẫn. Lời ấy giúp họ được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành (2Ti 3:16, 17). Họ không còn phải đợi Đấng Ki-tô đến để cung cấp cho họ tin mừng, họ cũng không cần phải dựa vào một nguồn thông tin nào khác để rao giảng. Họ có tin mừng ấy ngay trước mặt và sẵn sàng cho họ rao giảng, vì họ được phán dạy: “Lời Đức Chúa Trời ở gần ngươi, trong miệng và trong lòng ngươi”.—Rm 10:6-9; Phu 30:11-14.
Có thể mang đến sự sống hoặc cái chết. Thế nên, việc dùng miệng một cách thích hợp là rất quan trọng, và Đức Giê-hô-va nói rõ về điều này. Lời ngài viết: “Miệng người công-bình là một nguồn sự sống” (Ch 10:11). Do đó, cái miệng cần được gìn giữ một cách rất cẩn thận (Thi 141:3; Ch 13:3; 21:23), vì việc dùng miệng theo cách dại dột có thể khiến một người bại hoại (Ch 10:14; 18:7). Đức Chúa Trời bắt một người phải chịu trách nhiệm về mọi lời ra từ miệng mình (Mt 12:36, 37). Một người có thể nói năng hấp tấp và vội vàng khấn hứa (Tr 5:4-6). Người ấy có thể dua nịnh người khác, khiến họ bại hoại còn chính mình phải chịu sự kết án (Ch 26:28). Một người cần đặc biệt gìn giữ miệng mình khi đứng trước kẻ ác, vì chỉ đi chệch một chút khỏi điều Đức Chúa Trời khôn ngoan chỉ dẫn các tôi tớ của ngài nói cũng có thể khiến danh ngài bị sỉ nhục, và có thể khiến người ấy mất mạng (Thi 39:1). Chúa Giê-su đã nêu gương tốt về việc vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời mà không phàn nàn hay rủa sả những kẻ chống đối gian ác.—Ês 53:7; Cv 8:32; 1Ph 2:23.
Vì là người bất toàn, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải luôn cảnh giác. Do đó, người ấy cần canh giữ lòng mình. Chúa Giê-su nói rằng không phải những gì vào miệng làm cho một người ô uế mà là những gì từ miệng ra, vì “lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra” (Mt 12:34; 15:11). Thế nên, một người phải cẩn thận không để bất cứ điều gì ra khỏi miệng mình mà không suy nghĩ, không xem xét hậu quả. Điều này đòi hỏi người ấy dùng tâm trí để áp dụng những điều tốt mình học được từ Lời Đức Chúa Trời.—Ch 13:3; 21:23.