Ai uốn nắn lối suy nghĩ của anh chị?
“Đừng rập khuôn theo thế gian này nữa”.—RÔ 12:2.
BÀI HÁT: 88, 45
1, 2. (a) Chúa Giê-su đáp lại thế nào trước những lời của Phi-e-rơ? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao Chúa Giê-su đáp lại như thế?
Các môn đồ của Chúa Giê-su không thể tin vào những gì mình nghe. Họ nghĩ Chúa Giê-su sẽ là đấng khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên, nhưng giờ đây ngài nói rằng ngài sắp phải chịu đau đớn và cái chết. Nghe vậy, sứ đồ Phi-e-rơ kéo Chúa Giê-su riêng ra và nói: “Sao Chúa lại nghĩ mình phải chịu khổ như vậy? Điều đó sẽ không xảy ra cho ngài đâu”. Chúa Giê-su đáp lại: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau tôi! Anh là chướng ngại gây vấp ngã cho tôi, vì anh suy nghĩ theo quan điểm của loài người, chứ không phải của Đức Chúa Trời”.—Mat 16:21-23; Công 1:6.
2 Qua những lời này, Chúa Giê-su cho thấy rõ là có sự khác biệt giữa lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời và lối suy nghĩ của thế gian do Sa-tan kiểm soát (1 Giăng 5:19). Phi-e-rơ đã phản ánh tinh thần của thế gian khi có ý khuyên Chúa Giê-su nên dễ dãi với bản thân. Nhưng Chúa Giê-su biết Cha ngài có lối suy nghĩ khác. Ngài biết rằng Đức Chúa Trời muốn ngài chuẩn bị cho những đau đớn và cái chết đang chờ đợi ngài phía trước. Lời đáp của Chúa Giê-su cho thấy rõ ngài bác bỏ lối suy nghĩ của thế gian và ủng hộ lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va.
3. Tại sao không dễ để bác bỏ lối suy nghĩ của thế gian và có lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va?
3 Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời hay của thế gian? Có lẽ chúng ta đã thay đổi hạnh kiểm để phù hợp với những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va. Nhưng về lối suy nghĩ của chúng ta thì sao? Chúng ta có đang điều chỉnh lối suy nghĩ sao cho phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời không? Để làm điều này, chúng ta cần nhiều nỗ lực. Nhưng việc tiếp nhận lối suy nghĩ của thế gian thì thậm chí không cần bất cứ nỗ lực nào. Tại sao? Đó là vì tinh thần của thế gian bao trùm mọi nơi (Ê-phê 2:2). Ngoài ra, thế gian thường cổ vũ sự ích kỷ, nên tinh thần này có thể rất hấp dẫn đối với chúng ta. Thật vậy, không dễ để có lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va nhưng rất dễ để có lối suy nghĩ của thế gian.
4. (a) Điều gì xảy ra nếu chúng ta để thế gian uốn nắn lối suy nghĩ của mình? (b) Bài này sẽ giúp chúng ta như thế nào?
4 Tuy nhiên, nếu để thế gian uốn nắn lối suy nghĩ, chúng ta sẽ trở nên ích kỷ và muốn tự quyết định điều gì đúng, điều gì sai (Mác 7:21, 22). Vì vậy, điều thiết yếu là chúng ta phải vun trồng quan điểm của Đức Chúa Trời thay vì của loài người. Bài này sẽ giúp chúng ta làm thế. Hãy xem tại sao việc điều chỉnh quan điểm cho phù hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va sẽ mang lại lợi ích chứ không phải sự gò bó. Cũng hãy xem làm sao để tránh rập khuôn theo lối suy nghĩ của thế gian. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem làm thế nào để biết lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va trong một số vấn đề và có cùng lối suy nghĩ với ngài.
LỐI SUY NGHĨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MANG LẠI LỢI ÍCH
5. Tại sao một số người không muốn bất cứ ai uốn nắn lối suy nghĩ của mình?
5 Một số người không muốn bất cứ ai uốn nắn hoặc ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của mình. Họ nói: “Tôi tự biết phải suy nghĩ thế nào”. Hẳn ý của họ là họ có thể tự đưa ra quyết định và có quyền làm thế. Họ không muốn bị kiểm soát hoặc bắt chước lối suy nghĩ của người khác.a
6. (a) Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự tự do nào? (b) Sự tự do ấy có tuyệt đối không?
6 Tuy nhiên, hãy tin chắc rằng việc điều chỉnh quan điểm cho phù hợp với quan điểm của Đức Giê-hô-va không có nghĩa là từ bỏ mọi quan điểm cá nhân. Nơi 2 Cô-rinh-tô 3:17 nói: “Nơi nào có thần khí của Đức Giê-hô-va thì nơi đó có tự do”. Chúng ta được tự do phát triển nhân cách riêng. Chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn dựa trên sở thích cá nhân. Thật ra, Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta như thế. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có sự tự do tuyệt đối. (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:16). Khi chúng ta phải lựa chọn giữa điều đúng và điều sai, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta dùng Lời ngài để biết quan điểm của ngài và dựa vào đó đưa ra quyết định. Điều này có phải là sự gò bó, hay mang lại lợi ích cho chúng ta?
7, 8. Tại sao có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về các vấn đề không phải là điều gò bó? Hãy minh họa.
7 Hãy xem một minh họa. Các bậc cha mẹ nỗ lực dạy dỗ con cái những giá trị đạo đức. Có lẽ họ dạy con trở thành người trung thực, siêng năng và quan tâm đến người khác. Đây không phải là điều khiến con bị gò bó. Thay vì thế, cha mẹ đang chuẩn bị cho con để sau này con có đời sống thành công. Khi con lớn lên và sống tự lập, chúng sẽ được tự do lựa chọn. Nếu chọn sống theo tiêu chuẩn mà cha mẹ dạy, hẳn con cái sẽ có những quyết định đúng cũng như tránh được nhiều vấn đề, sự lo lắng và hối tiếc.
8 Như bậc cha mẹ yêu thương, Đức Giê-hô-va muốn con cái của ngài có đời sống thỏa nguyện nhất (Ê-sai 48:17, 18). Vì thế, ngài đưa ra những nguyên tắc cơ bản về đạo đức và cách chúng ta nên đối xử với người khác. Ngài mong muốn chúng ta có cùng lối suy nghĩ và tiêu chuẩn với ngài về những vấn đề ấy. Điều này không hạn chế chúng ta, mà ngược lại giúp chúng ta cải thiện và nâng cao khả năng suy xét (Thi 92:5; Châm 2:1-5; Ê-sai 55:9). Khi có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn có thể phát triển nhân cách riêng và có những lựa chọn đem lại hạnh phúc (Thi 1:2, 3). Đúng vậy, có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va sẽ mang lại nhiều lợi ích!
LỐI SUY NGHĨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ƯU VIỆT
9, 10. Điều gì cho thấy lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va ưu việt hơn lối suy nghĩ của thế gian?
9 Một lý do khác mà chúng ta muốn điều chỉnh lối suy nghĩ cho phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va là vì lối suy nghĩ của ngài ưu việt hơn lối suy nghĩ của thế gian. Thế gian đưa ra lời khuyên liên quan đến đạo đức, gia đình, công việc và những khía cạnh khác. Đa số những lời khuyên này không phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, thế gian thường khuyến khích người ta đề cao bản thân và có quan điểm thoáng về tình dục vô luân. Việc ly thân và ly dị vì những lý do không chính đáng đôi khi được xem là giải pháp để hạnh phúc hơn. Những lời khuyên như thế đi ngược với tiêu chuẩn của Kinh Thánh. Nhưng phải chăng một số lời khuyên của thế gian thiết thực hơn vào thời chúng ta?
10 Chúa Giê-su nói: “Sự khôn ngoan được chứng minh là công chính bởi kết quả của nó” (Mat 11:19). Dù thế gian đã đạt được những thành quả đáng kể về công nghệ nhưng không thể giải quyết những vấn đề chính yếu cản trở người ta đạt được hạnh phúc, chẳng hạn như chiến tranh, tội ác và phân biệt chủng tộc. Còn quan điểm dễ dãi của thế gian về tình dục vô luân thì sao? Nhiều người thừa nhận điều này không giúp giải quyết vấn đề, mà còn khiến cho gia đình đổ vỡ, gây ra bệnh tật và những hậu quả khác. Ngược lại, những tín đồ có quan điểm của Đức Chúa Trời thì có đời sống gia đình hạnh phúc và sức khỏe tốt hơn, cũng như có sự hòa thuận giữa anh em đồng đạo trên khắp thế giới (Ê-sai 2:4; Công 10:34, 35; 1 Cô 6:9-11). Chẳng phải điều này cho thấy lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va ưu việt hơn lối suy nghĩ của thế gian sao?
11. Môi-se đã để cho lối suy nghĩ của ai uốn nắn ông, và kết quả là gì?
11 Những người thờ phượng chân chính vào thời Kinh Thánh nhận biết lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va rất ưu việt. Chẳng hạn, dù được dạy “tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập”, Môi-se đã hướng đến Đức Chúa Trời để có “tấm lòng khôn ngoan” (Công 7:22; Thi 90:12). Ông cũng nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin cho con biết các đường lối ngài” (Xuất 33:13). Nhờ để cho lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va uốn nắn, Môi-se đã có đặc ân góp phần thực hiện ý định của ngài và được Kinh Thánh đề cập là người có đức tin nổi bật.—Hê 11:24-27.
12. Sứ đồ Phao-lô lý luận dựa trên điều gì?
12 Sứ đồ Phao-lô là người thông minh và có học thức cao; ông biết ít nhất hai ngôn ngữ (Công 5:34; 21:37, 39; 22:2, 3). Nhưng khi phải đưa ra một quyết định nào đó, ông không dựa vào sự khôn ngoan của thế gian. Thay vì thế, ông lý luận dựa trên Kinh Thánh. (Đọc Công vụ 17:2; 1 Cô-rinh-tô 2:6, 7, 13). Kết quả là Phao-lô rất thành công trong thánh chức và có triển vọng nhận được phần thưởng vĩnh cửu.—2 Ti 4:8.
13. Ai có trách nhiệm điều chỉnh lối suy nghĩ của chúng ta cho phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va?
13 Rõ ràng, lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va ưu việt hơn lối suy nghĩ của thế gian ngày nay. Khi để lối suy nghĩ của ngài chi phối đời sống, chúng ta sẽ có hạnh phúc và thành công thật. Nhưng Đức Giê-hô-va không áp đặt suy nghĩ của ngài lên chúng ta. “Đầy tớ trung tín và khôn ngoan” không kiểm soát lối suy nghĩ của mỗi chúng ta, và các trưởng lão cũng vậy (Mat 24:45; 2 Cô 1:24). Thay vì thế, mỗi tín đồ có trách nhiệm điều chỉnh lối suy nghĩ của mình sao cho phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào?
TRÁNH RẬP KHUÔN THEO THẾ GIAN
14, 15. (a) Để có cùng lối suy nghĩ với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải suy ngẫm về điều gì? (b) Dựa trên Rô-ma 12:2, tại sao chúng ta phải tránh tiếp nhận tư tưởng của thế gian? Hãy minh họa.
14 Rô-ma 12:2 khuyên chúng ta: “Đừng rập khuôn theo thế gian này nữa, nhưng hãy biến đổi tâm trí mình, hầu chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài”. Những lời này cho thấy dù trước khi học Kinh Thánh, lối suy nghĩ của chúng ta được uốn nắn ra sao thì chúng ta vẫn có thể điều chỉnh để phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Đúng là lối suy nghĩ của chúng ta đã bị ảnh hưởng phần nào vì yếu tố di truyền hoặc những trải nghiệm trong quá khứ, nhưng một người vẫn có thể thay đổi tâm trí. Phần lớn sự thay đổi này tùy thuộc vào những gì chúng ta chọn nghĩ đến. Bằng cách suy ngẫm về các tư tưởng của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chứng minh cho chính mình là lối suy nghĩ của ngài luôn đúng. Rồi chúng ta sẽ có ước muốn tự nhiên là điều chỉnh lối suy nghĩ cho phù hợp với lối suy nghĩ của ngài.
15 Tuy nhiên, để biến đổi tâm trí theo lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tránh “rập khuôn theo thế gian này”. Chúng ta không nên đưa vào tâm trí những quan điểm đối nghịch với quan điểm của Đức Chúa Trời. Để hiểu rõ tầm quan trọng của điều này, hãy xem một minh họa. Một người muốn cải thiện sức khỏe bằng cách ăn những thực phẩm bổ dưỡng. Nhưng sẽ là vô ích nếu người đó cũng thường ăn thực phẩm ôi thiu. Tương tự, việc nỗ lực học về lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta để tư tưởng của thế gian làm bại hoại tâm trí mình.
16. Chúng ta cần bảo vệ mình khỏi điều gì?
16 Chúng ta có thể hoàn toàn tránh tiếp xúc với lối suy nghĩ của thế gian không? Không, vì chúng ta không thể ra khỏi thế gian này (1 Cô 5:9, 10). Ngay cả khi tham gia thánh chức, chúng ta cũng tiếp xúc với niềm tin sai lầm. Dù không thể hoàn toàn tránh những quan điểm không tin kính, nhưng chắc chắn chúng ta không muốn nuôi dưỡng hoặc chấp nhận chúng. Như Chúa Giê-su, chúng ta nên nhanh chóng bác bỏ những suy nghĩ mà Sa-tan muốn tiêm nhiễm vào tâm trí chúng ta. Ngoài ra, chúng ta có thể bảo vệ mình qua việc tránh tiếp xúc với lối suy nghĩ của thế gian một cách không cần thiết.—Đọc Châm ngôn 4:23.
17. Bằng cách nào chúng ta có thể tránh tiếp xúc với lối suy nghĩ của thế gian một cách không cần thiết?
17 Chẳng hạn, chúng ta cần thận trọng trong việc chọn bạn. Kinh Thánh cảnh báo rằng nếu kết thân với những người không thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của họ (Châm 13:20; 1 Cô 15:12, 32, 33). Chúng ta cũng cần cẩn thận lựa chọn các chương trình giải trí. Khi tránh xa những loại giải trí cổ vũ thuyết tiến hóa, bạo lực và vô luân, chúng ta sẽ không bị tiêm nhiễm các tư tưởng “chống lại sự hiểu biết về Đức Chúa Trời”.—2 Cô 10:5.
18, 19. (a) Tại sao chúng ta phải cảnh giác trước những quan điểm của thế gian được truyền tải cách tinh vi? (b) Chúng ta nên tự hỏi những câu nào, và tại sao?
18 Chúng ta cũng cần nhận ra và bác bỏ tư tưởng của thế gian khi chúng được truyền tải cách tinh vi. Ví dụ, một bản tin có lẽ được tường thuật theo cách nào đó để ủng hộ những quan điểm chính trị. Một bài phóng sự có lẽ đề cao quan điểm của thế gian về những mục tiêu và thành quả của con người. Một số sách báo và phim ảnh đề cao “cái tôi” hoặc “gia đình là số một”, khiến người ta nghĩ rằng điều đó là hợp lý, thậm chí đúng đắn. Tuy nhiên, những quan điểm như thế không phù hợp với Kinh Thánh. Lời Đức Chúa Trời cho biết chúng ta và gia đình sẽ hạnh phúc khi yêu thương ngài trên hết (Mat 22:36-39). Ngoài ra, có những truyện dành cho trẻ em, dù phần lớn nội dung không có hại, nhưng tư tưởng của thế gian có thể được lồng vào một cách tinh vi khiến các em xem nhẹ hành vi vô đạo đức.
19 Điều này không có nghĩa là chúng ta không được giải trí. Nhưng chúng ta cần tự hỏi: “Mình có nhận ra những tư tưởng của thế gian ngay cả khi chúng được cổ vũ một cách gián tiếp không? Mình có đặt giới hạn cho con cái, và ngay cả chính mình, trong việc xem những chương trình truyền hình hoặc đọc loại sách báo nào đó không? Mình có giúp con cái có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va để chúng bác bỏ tư tưởng của thế gian không?”. Nếu nhận biết sự khác biệt giữa lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va và lối suy nghĩ của thế gian, chúng ta có thể tránh “rập khuôn theo thế gian này”.
AI ĐANG UỐN NẮN ANH CHỊ?
20. Điều gì sẽ xác định nguồn nào đang uốn nắn chúng ta?
20 Hãy nhớ rằng về cơ bản, chúng ta chỉ có hai nguồn thông tin, đó là từ Đức Giê-hô-va và từ thế gian dưới sự kiểm soát của Sa-tan. Nguồn nào đang uốn nắn chúng ta? Câu trả lời tùy thuộc vào việc chúng ta tiếp nhận thông tin từ ai. Nếu tiếp nhận tư tưởng của thế gian, chúng ta sẽ rập khuôn theo lối suy nghĩ của thế gian và có những hành động giống với nhiều người trong thế gian. Thế nên, điều thiết yếu là chúng ta phải cảnh giác trước những gì mình suy nghĩ đến.
21. Bài tới sẽ thảo luận khía cạnh quan trọng nào?
21 Như đã được đề cập, để có lối suy nghĩ giống như Đức Giê-hô-va, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ bảo vệ tâm trí khỏi những tư tưởng bại hoại của thế gian. Chúng ta cũng cần suy ngẫm về các tư tưởng của Đức Giê-hô-va để có cùng lối suy nghĩ với ngài. Bài tới sẽ thảo luận cách chúng ta có thể làm điều này.
a Trên thực tế, ngay cả người có lối suy nghĩ độc lập nhất cũng không thể hoàn toàn tránh được sự ảnh hưởng từ người khác. Dù suy nghĩ về những điều sâu sắc như nguồn gốc của sự sống hay những điều đơn giản như mình sẽ mặc gì, người ta cũng bị ảnh hưởng phần nào đó từ người khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn để cho ai ảnh hưởng đến mình.