Kiềm chế cơn giận để “thắng điều ác”
“Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai... nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”.—RÔ 12:19, 21.
1, 2. Các Nhân Chứng trong một chuyến bay đã nêu gương tốt nào?
Một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va gồm 34 người đang trên đường đến dự lễ dâng hiến văn phòng chi nhánh thì gặp sự cố. Chuyến bay trục trặc về máy móc nên bị trễ. Lẽ ra chỉ mất một tiếng để tiếp nhiên liệu nhưng họ phải đợi 44 tiếng ở một sân bay hẻo lánh, không có đủ thức ăn, nước uống và điều kiện vệ sinh. Nhiều hành khách giận dữ và đe dọa nhân viên sân bay. Nhưng các anh chị chúng ta vẫn bình tĩnh.
2 Cuối cùng, các Nhân Chứng đến nơi đúng lúc để dự phần cuối của chương trình dâng hiến. Dù mệt mỏi, họ vẫn nán lại sau buổi lễ để trò chuyện với anh em địa phương. Sau này, họ biết sự kiên nhẫn và bình tĩnh của mình được người khác để ý. Một hành khách đã nói với hãng hàng không: “Nếu không có 34 tín đồ Đấng Christ ấy trong chuyến bay, hẳn đã xảy ra náo loạn ở sân bay”.
Sống trong một thế gian hay giận dữ
3, 4. (a) Giận dữ hung bạo ảnh hưởng đến loài người như thế nào và từ khi nào? (b) Ca-in có thể kiềm chế cơn giận của mình không? Hãy giải thích.
3 Áp lực đời sống trong thế giới gian ác này có thể làm người ta giận dữ (Truyền 7:7, Các Giờ Kinh Phụng Vụa). Sự giận dữ thường dẫn đến thù ghét, thậm chí hung bạo. Chiến tranh xảy ra giữa các nước và nhiều nước có nội chiến, trong khi sự căng thẳng dẫn đến xung đột trong nhiều gia đình. Sự giận dữ và hung bạo như thế đã có từ xưa. Con đầu lòng của A-đam và Ê-va là Ca-in đã giết A-bên, em trai mình, vì ghen tị và giận dữ. Ca-in đã thực hiện hành vi gian ác này dù Đức Giê-hô-va khuyên ông kiềm chế cảm xúc và hứa nếu ông vâng lời thì được ban phước.—Đọc Sáng-thế Ký 4:6-8.
4 Dù bị bất toàn di truyền, Ca-in có sự lựa chọn trong vấn đề này. Ông đã có thể kiềm nén cơn giận dữ. Vì vậy, ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi hung bạo. Tương tự, tình trạng bất toàn khiến chúng ta khó tránh sự tức giận và hành vi giận dữ. Ngoài ra, những yếu tố nghiêm trọng khác gây thêm căng thẳng trong “thời-kỳ khó-khăn” này (2 Ti 3:1). Chẳng hạn, khó khăn về kinh tế có thể đè nặng trên cảm xúc của chúng ta. Cảnh sát và các tổ chức hỗ trợ gia đình cho biết khủng hoảng về tài chính có liên hệ đến sự gia tăng các cơn nóng giận và bạo lực gia đình.
5, 6. Thái độ nào của thế gian về sự giận dữ có thể ảnh hưởng đến chúng ta?
5 Hơn nữa, nhiều người chúng ta tiếp xúc thì “tư-kỷ”, “kiêu-ngạo”, thậm chí “dữ-tợn”. Những tính xấu như thế rất dễ lây sang chúng ta và làm chúng ta giận dữ (2 Ti 3:2-5). Thật thế, nhiều phim ảnh và chương trình truyền hình thường miêu tả sự trả thù là hành động cao thượng, còn bạo lực là biện pháp tất nhiên và chính đáng để giải quyết vấn đề. Những cốt truyện đó khiến người xem chờ đợi giây phút kẻ ác “bị trừng trị đích đáng”—thường là chết thê thảm dưới tay nhân vật chính.
6 Tư tưởng phổ biến đó cổ vũ “tinh thần thế gian” và kẻ cai trị giận dữ là Sa-tan, chứ không phải đường lối Đức Chúa Trời (1 Cô 2:12, An Sơn Vị; Ê-phê 2:2; Khải 12:12). Tinh thần này phục vụ cho ước muốn của xác thịt bất toàn, và hoàn toàn trái ngược với thánh linh Đức Chúa Trời cũng như trái của thánh linh. Thật vậy, một dạy dỗ cơ bản của đạo Đấng Christ là không trả thù khi bị khiêu khích. (Đọc Ma-thi-ơ 5:39, 44, 45). Vậy, làm thế nào chúng ta có thể áp dụng sự dạy dỗ của Chúa Giê-su trọn vẹn hơn?
Gương tốt và xấu
7. Chuyện gì đã xảy ra khi Si-mê-ôn và Lê-vi không kiềm chế cơn nóng giận?
7 Kinh Thánh có rất nhiều lời khuyên về việc kiềm chế sự tức giận, đồng thời cũng kể lại những trường hợp cho thấy chuyện gì có thể xảy ra khi chúng ta làm theo lời khuyên và khi không biết kiềm chế. Hãy xem điều gì đã xảy ra khi Si-mê-ôn và Lê-vi, hai con trai của Gia-cốp, trả thù Si-chem vì đã xâm hại Đi-na, em gái họ. Họ “nổi nóng và giận lắm” (Sáng 34:7). Sau đó, những con trai khác của Gia-cốp tấn công thành Si-chem, cướp phá thành và bắt giữ phụ nữ, trẻ em. Họ làm những việc này không chỉ vì Đi-na nhưng cũng có thể vì vấn đề danh dự, bị mất thể diện. Những người này cảm thấy Si-chem đã xúc phạm họ và cha của họ là Gia-cốp. Nhưng Gia-cốp nghĩ gì về hành động của họ?
8. Lời tường thuật về Si-mê-ôn và Lê-vi cho thấy gì về việc trả thù?
8 Trải nghiệm bi thảm của Đi-na hẳn đã làm Gia-cốp rất đau buồn, nhưng ông lên án hành động trả thù của các con trai. Si-mê-ôn và Lê-vi vẫn cố bào chữa cho hành động của mình, nói rằng: “Chúng tôi nỡ chịu người ta đãi em gái chúng tôi như con đĩ sao?” (Sáng 34:31). Nhưng vấn đề không chỉ kết thúc ở đấy vì Đức Giê-hô-va không hài lòng. Nhiều năm sau, Gia-cốp báo trước rằng vì Si-mê-ôn và Lê-vi có hành động hung bạo, giận dữ nên con cháu họ sẽ bị tản lạc trong các chi phái của Y-sơ-ra-ên. (Đọc Sáng-thế Ký 49:5-7). Thật vậy, việc không kiềm chế cơn giận đã khiến hai người này mất ân huệ của Đức Chúa Trời và của cha họ.
9. Đa-vít suýt mất tự chủ vì tức giận trong trường hợp nào?
9 Trường hợp vua Đa-vít thì khác hẳn. Ông có rất nhiều cơ hội để trả thù nhưng đã không làm (1 Sa 24:4-8). Tuy nhiên, có lần ông suýt mất tự chủ vì tức giận. Một người giàu là Na-banh mắng nhiếc người của Đa-vít dù họ đã bảo vệ bầy gia súc và những người chăn của ông ta. Có lẽ cảm thấy bị xúc phạm, nhất là cho những người của mình, Đa-vít toan dùng vũ lực để trả thù. Trong khi Đa-vít và người của ông trên đường đến tấn công cả nhà Na-banh, một thanh niên đến báo cho A-bi-ga-in, người vợ khôn ngoan của Na-banh về chuyện đã xảy ra và hối thúc bà hành động. Ngay lập tức, bà chuẩn bị món quà hậu hĩ và đến gặp Đa-vít. Bà khiêm nhường xin lỗi về hành vi xấc xược của Na-banh và khẩn nài ông nghĩ đến sự kính sợ Đức Giê-hô-va. Đa-vít bình tĩnh lại và nói: “Chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết”.—1 Sa 25:2-35.
Thái độ của tín đồ Đấng Christ
10. Tín đồ Đấng Christ nên có thái độ nào về việc trả thù?
10 Những chuyện đã xảy ra với Si-mê-ôn và Lê-vi cũng như giữa Đa-vít và A-bi-ga-in rõ ràng cho thấy Đức Giê-hô-va không hài lòng về sự giận dữ không kiềm chế và bạo lực, nhưng Ngài ban phước cho ai nỗ lực làm hòa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu-dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh-nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo-ứng. Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người. Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”.—Rô 12:18-21b.
11. Một chị đã học cách kiềm chế cơn tức giận như thế nào?
11 Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên đó. Chẳng hạn, một chị Nhân Chứng đến than thở với trưởng lão về người quản lý mới ở sở làm. Chị nói bà ấy bất công và khắc nghiệt. Chị tức giận bà ấy và muốn thôi việc. Anh trưởng lão khuyên chị đừng hành động hấp tấp. Anh nhận thấy nếu chị phản ứng giận dữ khi bị người quản lý ngược đãi thì điều đó chỉ làm tình trạng tệ hại hơn (Tít 3:1-3). Anh cho thấy dù cuối cùng chị sẽ tìm công việc khác nhưng chị vẫn phải thay đổi cách phản ứng khi bị đối xử không tốt. Anh khuyên chị nên đối xử với người quản lý theo cách mà chị muốn người khác đối xử với mình, như Chúa Giê-su đã dạy chúng ta. (Đọc Lu-ca 6:31). Chị đồng ý sẽ cố gắng làm theo lời khuyên. Kết quả là gì? Sau một thời gian, thái độ của người quản lý dịu xuống, thậm chí bà còn cảm ơn chị đã làm việc siêng năng.
12. Tại sao sự bất hòa giữa các tín đồ Đấng Christ đặc biệt gây đau buồn?
12 Có thể chúng ta không ngạc nhiên khi vấn đề như thế xảy ra với người ngoài hội thánh. Chúng ta biết đời sống trong thế gian của Sa-tan thường bất công và chúng ta phải đấu tranh không để cho người ác làm mình tức giận (Thi 37:1-11; Truyền 8:12, 13; 12:13, 14). Tuy nhiên, khi vấn đề nảy sinh với một anh em trong hội thánh thì chúng ta có thể còn đau buồn nhiều hơn nữa. Một chị Nhân Chứng nhớ lại: “Trở ngại lớn nhất của tôi khi đến với lẽ thật là chấp nhận rằng dân của Đức Giê-hô-va không phải là người hoàn toàn”. Ra khỏi thế gian lạnh lùng, thiếu lòng quan tâm, chúng ta mong mọi người trong hội thánh đối xử tử tế với nhau theo tinh thần người tín đồ Đấng Christ. Vì vậy, nếu một anh em, đặc biệt là người có đặc ân trong hội thánh, không quan tâm đến người khác hoặc có hành động không phù hợp với tư cách người tín đồ, điều đó có thể làm chúng ta tổn thương hoặc tức giận. Chúng ta có thể tự hỏi: “Làm sao có vấn đề như thế trong vòng dân sự của Đức Giê-hô-va?”. Điều đó cũng đã xảy ra ngay cả giữa các tín đồ Đấng Christ được xức dầu vào thời các sứ đồ (Ga 2:11-14; 5:15; Gia 3:14, 15). Chúng ta nên phản ứng thế nào khi gặp vấn đề đó?
13. Tại sao chúng ta nên cố gắng vượt qua sự bất hòa, và như thế nào?
13 Chị Nhân Chứng vừa đề cập ở trên nói: “Tôi học cầu nguyện cho người làm tôi tổn thương. Điều đó luôn giúp cải thiện tình hình”. Như chúng ta đã đọc, Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện cho những người bắt bớ mình (Mat 5:44). Chúng ta càng phải cầu nguyện cho anh em tín đồ Đấng Christ nhiều hơn biết bao! Như một người cha muốn con cái mình yêu thương nhau, Đức Giê-hô-va muốn các tôi tớ Ngài trên đất sống hòa thuận. Chúng ta trông mong được cùng nhau sống bình yên và hạnh phúc mãi mãi, và Đức Giê-hô-va đang dạy chúng ta làm điều này ngay bây giờ. Ngài muốn chúng ta hợp tác để làm công việc vĩ đại của Ngài. Vậy, chúng ta hãy giải quyết vấn đề hoặc đơn giản là “bỏ qua” lỗi lầm, và tiếp tục hợp nhất với nhau. (Đọc Châm-ngôn 19:11). Khi vấn đề nảy sinh, thay vì tránh xa anh em, chúng ta phải giúp nhau tiếp tục ở trong vòng dân của Đức Chúa Trời, được che chở trong “cánh tay đời đời” của Đức Giê-hô-va.—Phục 33:27.
Tử tế với mọi người mang lại kết quả tốt
14. Làm thế nào chúng ta có thể chống lại những ảnh hưởng gây chia rẽ của Sa-tan?
14 Để cản trở công việc rao truyền tin mừng, Sa-tan và các quỉ đang cố quấy nhiễu các hội thánh và gia đình hạnh phúc. Chúng tìm cách gieo mối bất hòa vì biết rằng sự chia rẽ nội bộ sẽ gây tổn hại (Mat 12:25). Để chống lại ảnh hưởng gian ác của chúng, chúng ta cần làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh; nhưng phải ở tử-tế với mọi người” (2 Ti 2:24). Hãy nhớ rằng chúng ta đánh trận “chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là... cùng các thần dữ”. Để thành công, chúng ta phải sử dụng bộ khí giới thiêng liêng, kể cả “sự sẵn-sàng của Tin-lành bình-an”.—Ê-phê 6:12-18.
15. Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự tấn công từ bên ngoài hội thánh?
15 Từ bên ngoài hội thánh, kẻ thù của Đức Giê-hô-va phát động những cuộc tấn công hiểm độc vào dân hiền hòa của Ngài. Một số kẻ thù hành hung Nhân Chứng Giê-hô-va. Những người khác vu khống chúng ta trên báo chí hoặc trong tòa án. Chúa Giê-su cho các môn đồ biết điều này sẽ xảy ra (Mat 5:11, 12). Chúng ta nên phản ứng thế nào? Chúng ta chớ bao giờ “lấy ác trả ác” qua lời nói hay việc làm.—Rô 12:17; đọc 1 Phi-e-rơ 3:16.
16, 17. Một hội thánh đã đối phó với tình huống gay go nào?
16 Bất kể Ma quỉ gây ra điều gì, chúng ta có thể làm chứng tốt qua việc “lấy điều thiện thắng điều ác”. Chẳng hạn, hội thánh trên một đảo ở Thái Bình Dương đã thuê một phòng lớn để cử hành Lễ Tưởng Niệm. Biết điều này, các ủy viên của nhà thờ địa phương bảo giáo dân nhóm lại làm lễ tại phòng ấy ngay vào giờ của chúng ta. Tuy nhiên, viên cảnh sát trưởng ra lệnh các ủy viên nhà thờ phải để Nhân Chứng dùng phòng ấy. Nhưng khi đến giờ thì phòng họp đã đầy người của nhà thờ và buổi lễ của họ bắt đầu.
17 Khi cảnh sát sắp sửa dùng vũ lực buộc giáo dân phải ra khỏi phòng, người đứng đầu nhà thờ đến hỏi một trưởng lão: “Các ông có chương trình đặc biệt nào cho tối nay không?”. Anh trưởng lão cho ông biết về Lễ Tưởng Niệm, và ông đáp: “Ồ, tôi không biết!”. Nghe thế, một viên cảnh sát kêu lên: “Nhưng sáng nay chúng tôi đã nói với ông rồi mà!”. Người đứng đầu nhà thờ quay sang anh trưởng lão, nói với nụ cười ranh mãnh: “Giờ ông tính sao đây? Chúng tôi có đầy người trong phòng. Ông định nhờ cảnh sát đuổi chúng tôi sao?”. Ông ta đã quỷ quyệt sắp xếp sự việc để cho Nhân Chứng có vẻ là người quấy rầy người khác! Anh em chúng ta đã phản ứng thế nào?
18. Anh em chúng ta đã phản ứng thế nào trước sự khiêu khích, và kết quả là gì?
18 Nhân Chứng đề nghị nhà thờ làm lễ trong nửa tiếng, rồi sau đó các anh sẽ tiến hành Lễ Tưởng Niệm. Nhà thờ làm lễ quá giờ, nhưng sau khi giáo dân ra về, anh em chúng ta cử hành Lễ Tưởng Niệm. Ngày hôm sau, chính quyền triệu tập một ủy ban điều tra. Sau khi xem xét các sự kiện, ủy ban buộc nhà thờ ra thông báo rằng nguyên nhân vụ việc là do người đứng đầu nhà thờ, chứ không phải Nhân Chứng. Ủy ban cũng cảm ơn Nhân Chứng Giê-hô-va đã kiên nhẫn trong khi xử lý một tình huống gay go. Nỗ lực “hòa-thuận với mọi người” của Nhân Chứng đã mang lại kết quả tốt.
19. Điều gì khác có thể phát huy sự hòa thuận?
19 Một bí quyết khác để duy trì quan hệ hòa thuận với người khác là dùng lời nói ân hậu. Bài kế tiếp sẽ cho biết lời nói ân hậu là gì, và làm sao chúng ta có thể trau dồi cách nói năng đó.
[Chú thích]
a Câu này nói: “Bị áp bức, người khôn hóa dại, của biếu xén làm hư hỏng lòng người”.
b “Than lửa đỏ” nói đến phương pháp nấu chảy quặng thời xưa bằng cách nung nóng quặng từ phía trên và phía dưới để lấy ra kim loại. Khi đối xử tốt với những người không tử tế, chúng ta có thể làm dịu thái độ của họ và khiến họ thể hiện những tính tốt.
Bạn giải thích thế nào?
• Tại sao trong thế gian ngày nay người ta hay giận dữ?
• Những gương nào trong Kinh Thánh cho thấy hệ quả của việc kiềm chế hay không kiềm chế cơn tức giận?
• Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu một anh em làm chúng ta bị tổn thương?
• Chúng ta nên phản ứng thế nào trước sự tấn công từ bên ngoài hội thánh?
[Hình nơi trang 16]
Si-mê-ôn và Lê-vi trở về—nhưng sau khi mất tự chủ vì nóng giận
[Hình nơi trang 18]
Cách đối xử tử tế có thể làm dịu đi thái độ của người khác