Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian
“Vì các ngươi không thuộc về thế-gian... người đời ghét các ngươi” (GIĂNG 15:19).
1. Tín đồ đấng Christ có mối quan hệ nào với thế gian, nhưng thế gian xem họ ra sao?
VÀO đêm cuối cùng với các môn đồ, Chúa Giê-su nói với họ: “Các ngươi không thuộc về thế-gian”. Ngài nói đến thế gian nào vậy? Chẳng phải ngài đã nói vào một dịp trước đó: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” hay sao? (Giăng 3:16). Rõ ràng, các môn đồ thuộc về thế gian đó vì họ là những người đầu tiên thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su để được sống đời đời. Vậy thì tại sao giờ đây Chúa Giê-su lại nói rằng các môn đồ ngài tách biệt khỏi thế gian? Và tại sao ngài cũng nói: “Vì các ngươi không thuộc về thế-gian... bởi cớ đó người đời ghét các ngươi”? (Giăng 15:19).
2, 3. a) Tín đồ đấng Christ không thuộc về “thế gian” nào? b) Kinh-thánh nói gì về “thế gian” mà tín đồ đấng Christ phải tách rời?
2 Câu trả lời là vì Kinh-thánh dùng chữ “thế gian” (Hy Lạp, koʹsmos) theo vài cách khác nhau. Như được giải thích ở bài trước, đôi khi trong Kinh-thánh, chữ “thế gian” ám chỉ loài người nói chung. Đức Chúa Trời yêu thế gian này và Chúa Giê-su đã chịu chết vì thế gian. Tuy nhiên, The Oxford History of Christianity (Sách Oxford về lịch sử đạo đấng Christ) nói: “ ‘Thế gian’ cũng là một từ ngữ được dùng trong đạo đấng Christ để nói đến một cái gì xa cách và đối địch với Đức Chúa Trời”. Điều này đúng như thế nào? Tác giả Công giáo Roland Minnerath, trong sách Les chrétiens et le monde (Tín đồ đấng Christ và thế gian) giải thích: “Hiểu theo cách tiêu cực, thế gian được xem là... lĩnh vực hoạt động của các chính phủ thù nghịch với Đức Chúa Trời. Vì chống lại sự cai trị đắc thắng của đấng Christ, nên chúng hợp thành một đế quốc thù địch dưới quyền kiểm soát của Sa-tan”. “Thế gian” này là tập thể nhân loại xa cách Đức Chúa Trời. Tín đồ thật của đấng Christ không thuộc về thế gian này, vì thế mà họ bị ghét.
3 Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Giăng nghĩ đến thế gian này khi viết: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa; nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính-mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế-gian, như sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế-gian mà ra” (I Giăng 2:15, 16). Ông cũng viết: “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Chính Chúa Giê-su gọi Sa-tan là “vua-chúa của thế-gian nầy” (Giăng 12:31; 16:11).
Các cường quốc thế giới nổi lên
4. Các cường quốc thế giới đã thành hình như thế nào?
4 Thế gian loài người ngày nay xa cách Đức Chúa Trời đã bắt đầu thành hình ít lâu sau Nước Lụt vào thời Nô-ê, khi nhiều con cháu của Nô-ê ngưng thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Một người nổi tiếng vào thời đầu là Nim-rốt, ông xây thành và là “một tay thợ săn mạnh mẽ nghịch lại Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 10:8-12, NW). Vào thời đó thế gian này được tổ chức thành những vương quốc nhỏ như thành phố, khi thì liên minh với nhau, khi thì gây chiến với nhau (Sáng-thế Ký 14:1-9). Một số nước nhỏ ấy đã xâm chiếm những nước nhỏ khác và trở thành bá chủ trong vùng. Một số những nước bá chủ đó sau này dần dần mở rộng thành những cường quốc thế giới hùng mạnh.
5, 6. a) Bảy cường quốc thế giới trong lịch sử Kinh-thánh là gì? b) Những cường quốc này được tượng trưng như thế nào, và quyền của họ đến từ đâu?
5 Như Nim-rốt, các nhà cai trị những cường quốc này không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Điều này được phản ảnh qua những hành động độc ác và hung dữ của họ. Trong Kinh-thánh các cường quốc thế giới này được tượng trưng bởi những con thú dữ, và trong suốt các thế kỷ, Kinh-thánh cho biết về sáu cường quốc thế giới đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến dân sự của Đức Giê-hô-va. Đó là Ê-díp-tô, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi Phe-rơ-sơ, Hy Lạp và La Mã. Sau La Mã, lời tiên tri cho biết một cường quốc thế giới thứ bảy sẽ nổi lên (Đa-ni-ên 7:3-7; 8:3-7, 20, 21; Khải-huyền 17:9, 10). Cường quốc này tỏ ra là Cường quốc Thế giới Anh-Mỹ, gồm Đế quốc Anh và nước đồng minh là Hoa Kỳ. Cuối cùng nước này đã vượt qua nước Anh về quyền lực. Đế quốc Anh bắt đầu phát triển sau khi vết tích cuối cùng của Đế quốc La Mã biến mất.a
6 Trong sách Khải-huyền, bảy cường quốc thế giới liên tiếp được tượng trưng bởi những đầu của một con thú có bảy đầu xuất phát từ loài người náo động như biển (Ê-sai 17:12, 13; 57:20, 21; Khải-huyền 13:1). Ai ban quyền lực cho con thú này? Kinh-thánh trả lời: “Con rồng đã lấy sức-mạnh, ngôi, và quyền-phép lớn mà cho [con thú]” (Khải-huyền 13:2). Con rồng không ai khác hơn là Sa-tan Ma-quỉ (Lu-ca 4:5, 6; Khải-huyền 12:9).
Nước Đức Chúa Trời sắp cai trị
7. Tín đồ đấng Christ đặt hy vọng vào đâu, và điều này ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của họ với các chính phủ thế giới?
7 Gần 2.000 năm nay, tín đồ đấng Christ đã cầu nguyện: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:10). Nhân-chứng Giê-hô-va biết rằng chỉ Nước Đức Chúa Trời mới có thể mang lại hòa bình thật sự trên trái đất. Vì quan sát kỹ lưỡng các lời tiên tri Kinh-thánh, họ biết chắc rằng lời cầu nguyện này sắp được đáp ứng và Nước Trời sẽ nắm quyền điều hành mọi công việc trên đất vào một ngày gần đây (Đa-ni-ên 2:44). Bởi trung thành ủng hộ Nước Trời, họ giữ trung lập đối với những công việc của các chính phủ thế gian.
8. Các chính phủ phản ứng thế nào trước sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, như được tiên tri ở Thi-thiên 2?
8 Một số nước cho rằng họ tuân theo các nguyên tắc tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế thì họ lờ đi sự kiện Đức Giê-hô-va là Đấng Thống trị Hoàn vũ và ngài đã phong Chúa Giê-su làm vua trên trời có quyền trên trái đất (Đa-ni-ên 4:17; Khải-huyền 11:15). Lời tiên tri trong bài thi-thiên nói: “Các vua thế-gian nổi dậy, các quan-trưởng bàn-nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài [Chúa Giê-su], mà rằng: Chúng ta hãy bẻ lòi-tói của hai người, và quăng xa ta xiềng-xích của họ” (Thi-thiên 2:2, 3). Các chính phủ không chấp nhận những “lòi-tói” hoặc “xiềng-xích” nào của Đức Chúa Trời để giới hạn chủ quyền quốc gia của họ. Vì vậy, Đức Giê-hô-va nói với Chúa Giê-su, Vua ngài đã chọn: “Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại-bang làm cơ-nghiệp, và các đầu cùng đất làm của-cải. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; con sẽ làm vỡ-nát chúng nó khác nào bình gốm” (Thi-thiên 2:8, 9). Tuy nhiên, thế gian loài người mà Chúa Giê-su chết cho sẽ không bị “đập bể” hoàn toàn (Giăng 3:17).
Tránh cái “dấu” của “con thú”
9, 10. a) Chúng ta được cảnh cáo về điều gì trong sách Khải-huyền? b) Mang ‘dấu con thú’ tượng trưng cho điều gì? c) Tôi tớ của Đức Chúa Trời chấp nhận mang những dấu nào?
9 Sự hiện thấy của sứ đồ Giăng cảnh cáo rằng không lâu trước khi bị hủy diệt, thế gian loài người xa cách Đức Chúa Trời sẽ càng ngày càng có nhiều yêu sách hơn, “khiến mọi người, nhỏ và lớn, giàu và nghèo, tự-chủ và tôi-mọi, đều chịu ghi dấu hoặc trên tay hữu, hoặc trên trán, hầu cho người nào không có dấu ấy... thì không thể mua cùng bán được” (Khải-huyền 13:16, 17). Điều này có nghĩa gì? Một dấu trên tay hữu là một biểu tượng thích hợp cho việc ủng hộ tích cực. Còn về dấu trên trán thì sao? The Expositor’s Greek Testament (Giải thích Tân Ước tiếng Hy Lạp) nói: “Lời nói bóng gió này ám chỉ thói quen đánh dấu các binh lính và nô lệ cho dễ thấy bằng một hình xăm hoặc dấu sắt nung...; hoặc đúng hơn nữa, ám chỉ phong tục tôn giáo đeo danh của một thần thánh trên người để làm bùa hộ mệnh”. Qua hành động và lời nói, nhiều người mang cái dấu này theo nghĩa tượng trưng, cho thấy họ là “nô lệ” hoặc “binh lính” của “con thú” (Khải-huyền 13:3, 4). Về tương lai của họ, sách Theological Dictionary of the New Testament (Tự điển thần học về Tân Ước) nói: “Những kẻ thù của Đức Chúa Trời để con thú đóng cái số huyền bí có tên của nó trên trán hay trên tay mình. Điều này tạo cho họ những cơ hội lớn để thăng tiến về kinh tế và thương mại, nhưng khiến họ phải chịu cơn giận của Đức Chúa Trời và không được vào triều đại một ngàn năm, Khải-huyền 13:16; 14:9; 20:4”.
10 Càng ngày chúng ta càng phải can đảm và chịu đựng để kháng cự lại áp lực buộc nhận cái “dấu” (Khải-huyền 14:9-12). Tuy nhiên, vì có sức mạnh làm vậy, các tôi tớ của Đức Chúa Trời thường bị người ta ghét và nói xấu (Giăng 15:18-20; 17:14, 15). Thay vì mang dấu của con thú, Ê-sai nói rằng họ sẽ viết trên tay một cách tượng trưng: “Ta thuộc về Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 44:5). Hơn nữa, vì họ “than-thở khóc-lóc” về những việc ghê tởm của tôn giáo bội đạo, họ được ghi dấu tượng trưng trên trán cho thấy họ đáng được sống sót khi Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét (Ê-xê-chi-ên 9:1-7).
11. Ai cho phép các chính phủ loài người cai trị đến khi Nước Đức Chúa Trời nắm quyền cai trị trái đất?
11 Đức Chúa Trời cho phép các chính phủ loài người cai trị cho đến khi Nước trên trời của đấng Christ hoàn toàn nắm quyền cai trị trái đất này. Trong sách The State in the New Testament (Chính quyền trong Tân Ước), giáo sư Oscar Cullmann nói đến việc Đức Chúa Trời khoan dung đối với các chính quyền đó. Ông viết: “Khái niệm phức tạp về tính cách ‘tạm thời’ của chính quyền là lý do cho ta hiểu tại sao thái độ của các tín đồ đấng Christ đầu tiên đối với chính quyền không được đồng nhất, mà trái lại, xem ra mâu thuẫn. Tôi nhấn mạnh xem ra là như vậy. Chúng ta chỉ cần nhắc đến Rô-ma 13:1, ‘Mọi người phải vâng phục các chính quyền...’, cùng với Khải-huyền 13: chính quyền là con thú từ vực sâu”.
“Con thú” và “Sê-sa”
12. Nhân-chứng Giê-hô-va có quan điểm thăng bằng nào về các chính phủ loài người?
12 Thật là sai lầm để kết luận rằng tất cả mọi nhà cầm quyền đều là tay sai của Sa-tan. Nhiều người đã tỏ ra là những người theo nguyên tắc đạo đức, như quan trấn thủ Sê-giút Phau-lút mà Kinh-thánh miêu tả là “người khôn-ngoan” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:7). Một số nhà cầm quyền đã can đảm bênh vực quyền của các dân thiểu số. Họ làm theo lương tâm do Đức Chúa Trời ban cho họ, dẫu không biết Đức Giê-hô-va và các ý định của ngài (Rô-ma 2:14, 15). Hãy nhớ rằng Kinh-thánh dùng chữ “thế-gian” theo hai nghĩa tương phản: thế gian loài người mà Đức Chúa Trời yêu mến mà chúng ta cũng phải yêu mến, và thế gian loài người xa cách Đức Giê-hô-va, có Sa-tan làm chúa, mà chúng ta phải tách rời (Giăng 1:9, 10; 17:14; II Cô-rinh-tô 4:4; Gia-cơ 4:4). Do đó, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có một thái độ thăng bằng đối với sự cai trị của loài người. Chúng ta giữ sự trung lập trong các vấn đề chính trị vì chúng ta là đại sứ hoặc đặc phái viên của Nước Đức Chúa Trời và chúng ta đã dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:20). Mặt khác, chúng ta ngay thẳng vâng phục các nhà cầm quyền.
13. a) Đức Giê-hô-va xem các chính phủ loài người ra sao? b) Tín đồ đấng Christ vâng phục các chính phủ loài người đến mức nào?
13 Cách xử sự thăng bằng này phản ảnh quan điểm của chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Khi những cường quốc thế giới, hoặc ngay cả những nước nhỏ, lạm dụng quyền hành, đàn áp dân chúng hoặc bắt bớ những ai thờ phượng Đức Chúa Trời, chắc chắn họ xứng với lời tiên tri miêu tả họ là những thú dữ (Đa-ni-ên 7:19-21; Khải-huyền 11:7). Tuy nhiên, khi những chính phủ nào thực hiện mục đích của Đức Giê-hô-va bằng cách giữ gìn an ninh trật tự trong sự công bình, ngài xem họ là “đầy-tớ” ngài (Rô-ma 13:6). Đức Giê-hô-va muốn dân sự của ngài phải kính trọng các chính phủ loài người và vâng phục họ, nhưng sự vâng phục đó không phải là vô giới hạn. Khi loài người đòi hỏi các tôi tớ của Đức Chúa Trời phải làm những điều mà luật pháp Đức Chúa Trời cấm hoặc khi họ cấm những điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi các tôi tớ ngài, thì các tôi tớ ngài theo lập trường của các sứ đồ, tức là: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).
14. Chúa Giê-su và Phao-lô giải thích thế nào về sự vâng phục của tín đồ đấng Christ đối với các chính phủ loài người?
14 Chúa Giê-su nói là các môn đồ ngài có bổn phận với các chính phủ và với cả Đức Chúa Trời khi ngài tuyên bố: “Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:21). Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình... Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức-việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công-bình và phạt kẻ làm dữ. Vậy nên cần phải vâng-phục, chẳng những vì sợ hình-phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương-tâm. Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế” (Rô-ma 13:1, 4-6). Từ thế kỷ thứ nhất CN đến ngày nay, tín đồ đấng Christ phải cân nhắc những điều chính quyền đòi hỏi. Họ phải suy đi nghĩ lại xem việc tuân theo những điều này có gây hại cho sự thờ phượng của mình hay không hoặc những đòi hỏi có chính đáng và họ nên vâng lời hay không.
Công dân có lương tâm
15. Làm sao Nhân-chứng Giê-hô-va thận trọng trả cho Sê-sa những gì họ nợ?
15 “Các đấng cầm quyền” chính trị là “chức-việc” của Đức Chúa Trời khi họ thực hiện vai trò mà Đức Chúa Trời chấp nhận, gồm có quyền “để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành” (I Phi-e-rơ 2:13, 14). Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va thận trọng trả cho Sê-sa tiền thuế hợp pháp mà Sê-sa đòi hỏi. Vì lương tâm họ được Kinh-thánh rèn luyện, nên họ làm mọi điều mà lương tâm cho phép trong việc ‘vâng lời những bậc cầm quyền chấp-chánh, sẵn-sàng làm mọi việc lành’ (Tít 3:1). “Việc lành” bao gồm việc giúp người khác, như khi tai họa xảy ra. Nhiều người đã chứng nhận rằng Nhân-chứng Giê-hô-va bày tỏ lòng tốt đối với người đồng loại trong những hoàn cảnh này (Ga-la-ti 6:10).
16. Nhân-chứng Giê-hô-va thận trọng làm những việc lành nào cho các chính phủ và người đồng loại?
16 Nhân-chứng Giê-hô-va yêu thương người đồng loại và cảm thấy rằng việc tốt nhất họ có thể làm được cho người khác là giúp họ hiểu biết chính xác về ý định của Đức Chúa Trời là mang lại một “trời mới đất mới” công bình (II Phi-e-rơ 3:13). Bằng cách dạy dỗ và thực hành các nguyên tắc luân lý cao cả của Kinh-thánh, họ là thành phần hữu ích của xã hội và cứu được nhiều người khỏi lối sống phạm pháp. Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va tôn trọng luật pháp và kính trọng những viên chức chính phủ, quan tòa và các viên chức thành phố. Họ kính “kẻ mình đáng kính” (Rô-ma 13:7). Các Nhân-chứng Giê-hô-va làm cha mẹ vui lòng hợp tác với thầy cô của con cái và giúp con học giỏi để sau này chúng có thể kiếm sống và không trở thành gánh nặng cho xã hội (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:11, 12). Trong hội thánh, Nhân-chứng Giê-hô-va không chấp nhận sự kỳ thị chủng tộc và sự phân chia giai cấp, và họ rất xem trọng việc xây đắp đời sống gia đình (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35; Cô-lô-se 3:18-21). Vậy bằng hành động, họ cho thấy rằng những lời buộc tội cho rằng họ chống lại gia đình hoặc không giúp cộng đồng là sai. Do đó, lời của sứ đồ Phi-e-rơ tỏ ra đúng: “Vì anh em làm đều lành để ngăn miệng những kẻ ngu-muội dại-dột, ấy là ý-muốn của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:15).
17. Làm sao tín đồ đấng Christ có thể tiếp tục “lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với những người ngoại”?
17 Vậy trong khi “không thuộc về thế-gian”, những môn đồ thật của đấng Christ vẫn sống trong thế gian loài người và phải tiếp tục “lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với những người ngoại” (Giăng 17:16; Cô-lô-se 4:5). Hễ Đức Giê-hô-va còn cho phép các nhà cầm quyền hoạt động với tư cách là chức việc của ngài bao lâu, thì chúng ta cũng sẽ biểu lộ sự kính trọng đúng mức bấy lâu (Rô-ma 13:1-4). Trong khi giữ lập trường trung lập về chính trị, chúng ta cầu xin cho “các vua, cho hết thảy các bậc cầm-quyền”, đặc biệt khi những người này được yêu cầu để quyết định những điều có thể ảnh hưởng đến sự tự do tín ngưỡng. Chúng ta sẽ tiếp tục làm điều này “để chúng ta được lấy đều nhơn-đức và thành-thật mà ở đời cho bình-tịnh yên-ổn”, nhờ đó mà “mọi người được cứu-rỗi” (I Ti-mô-thê 2:1-4).
[Chú thích]
a Hãy xem sách Revelation—Its Grand Climax At Hand!, chương 35, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
Câu hỏi ôn lại
◻ Tín đồ đấng Christ thuộc về “thế gian” nào, nhưng họ không được thuộc về “thế gian” nào?
◻ “Dấu” của “con thú” trên tay hoặc trán tượng trưng cho điều gì, và các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va mang những dấu nào?
◻ Tín đồ thật của đấng Christ có quan điểm thăng bằng nào về các chính phủ loài người?
◻ Một vài cách Nhân-chứng Giê-hô-va tích cực đóng góp vào xã hội loài người là gì?
[Hình nơi trang 16]
Kinh-thánh cho biết chính phủ loài người vừa là tôi tớ của Đức Chúa Trời vừa là một con thú
[Hình nơi trang 17]
Vì yêu thương quan tâm đến người khác, Nhân-chứng Giê-hô-va là thành phần hữu ích của cộng đồng