Quan điểm của tín đồ Đấng Christ về các nhà cầm quyền
“Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định” (Rô-ma 13:7).
1, 2. a) Tại sao Phao-lô bị ở tù tại Rô-ma? b) Việc Phao-lô kêu gọi lên đến Sê-sa đưa đến các câu hỏi nào?
Sứ đồ Phao-lô viết những lời trên cho người Rô-ma khoảng năm 56 tây lịch. Ít năm sau đó chính ông bị bỏ tù tại Rô-ma. Tại sao? Ông trước đó đã bị một đám người dấy loạn hành hung và được quân lính La-mã giải cứu. Giải đến Sê-sa-rê, ông bị vu cáo, nhưng có thể tự biện hộ cho mình trước mặt Phê-lít, quan tổng trấn La-mã. Phê-lít muốn nhận tiền hối lộ nên để Phao-lô bị giam hai năm ròng. Cuối cùng, Phao-lô xin quan tổng trấn kế tiếp là Phê-tu trình vụ án ông lên đến Sê-sa (Công-vụ các Sứ-đồ 21:27-32; 24:1 đến 25:12).
2 Ông làm điều này chiếu theo quyền công dân La-mã. Nhưng Phao-lô kêu gọi đến uy quyền của Sê-sa có đúng không một khi Giê-su có lần nói đến Sa-tan như là “vua-chúa thế-gian nầy”? (Giăng 14:30; II Cô-rinh-tô 4:4). Hay là nhà cầm quyền La-mã chiếm “địa vị tương đối” nào đó khiến cho Phao-lô có lý khi cầu cứu nhà cầm quyền để bảo vệ quyền lợi của ông? Thật thế, phải chăng những lời của các sứ đồ nói trước đó là “thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” cho phép tín đồ đấng Christ vâng lời vua chúa loài người khi không có gì nghịch lại Đức Chúa Trời? (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).
3. Phao-lô tiết lộ một quan điểm thành thục nào, và lương tâm liên hệ thế nào ở đây?
3 Phao-lô giúp chúng ta trả lời các câu hỏi này trong lá thư gửi người Rô-ma, nơi đó ông tiết lộ một quan điểm thành thục đối với sự cai trị của loài người. Nơi Rô-ma 13:1-7, Phao-lô cho thấy rõ vai trò của lương tâm tín đồ đấng Christ trong việc dung hòa sự vâng phục trọn vẹn đối với Uy quyền Tối thượng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời với sự vâng lời tương đối dành cho “các đấng cầm quyền trên mình”.
Nhận diện “các đấng cầm quyền trên mình”
4. Năm 1962 có sự sửa đổi quan điểm nào, khiến nêu ra những thắc mắc nào?
4 Trong nhiều năm, cho đến năm 1962, Nhân-chứng Giê-hô-va hiểu rằng các đấng cầm quyền trên mình là Đức Giê-hô-va và Giê-su Christ. Tuy nhiên, phù hợp với Châm-ngôn 4:18, ánh sáng chiếu rõ hơn và quan điểm này được sửa đổi. Điều này không khỏi làm cho một số người thắc mắc. Bây giờ chúng ta có đúng không khi nói rằng các bậc cầm quyền này là các vua, tổng thống, thủ tướng, thị trưởng, quan tòa và những người khác nắm quyền dân sự, chính trị trong thế gian và chúng ta phải vâng phục họ cách tương đối?
5. Toàn bộ những lời ghi nơi Rô-ma 13:1 giúp chúng ta nhận diện “các đấng cầm quyền trên mình” là ai, và các bản dịch khác nhau giúp nhận diện như thế cách nào?
5 Irenaeus, một người viết văn thuộc thế kỷ thứ II tây lịch, nói rằng theo một số người đương thời với ông thì Phao-lô nơi Rô-ma 13:1 nói đến “các thiên sứ cầm quyền [hoặc] những nhà cai trị vô hình”. Tuy vậy, chính Irenaeus thì xem các bậc cầm quyền trên mình là “các nhà cầm quyền thật sự giữa loài người”. Toàn bộ những lời Phao-lô bàn đến cho thấy Irenaeus nói đúng. Trong những lời chót của sách Rô-ma đoạn 12 Phao-lô giải thích tín đồ đấng Christ nên cư xử cách nào đối với “mọi người”, ngay cả đối xử với “kẻ thù” bằng sự yêu thương và tôn trọng (Rô-ma 12:17-21). Rõ ràng các chữ “mọi người” áp dụng cho những người ở ngoài hội-thánh đấng Christ. Vậy “các đấng cầm quyền trên mình” mà Phao-lô bàn luận tiếp phải ở ngoài hội-thánh đấng Christ. Phù hợp với điều này, xin lưu ý các bản dịch khác nhau dịch phần đầu của câu Rô-ma 13:1: “Đối với quyền chức hiện dịch, mọi người phải biết phục tùng” (Bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn); “mọi người phải phục quyền trên” (Bản dịch Trần Đức Huân).
6. Những lời Phao-lô dùng để nói đến việc nộp thuế cho thấy thế nào “các đấng cầm quyền trên mình” phải là các nhà cầm quyền trên thế gian?
6 Phao-lô nói tiếp rằng các bậc cầm quyền này bắt phải nộp thuế và đóng góp (Rô-ma 13:6, 7). Hội-thánh đấng Christ không bắt phải nộp thuế và đóng góp; Đức Giê-hô-va hoặc Giê-su hay bất cứ “vua chúa vô hình” nào khác cũng không bắt phải nộp thuế và đóng góp (II Cô-rinh-tô 9:7). Người ta chỉ nộp thuế cho các nhà cầm quyền trên thế gian. Phù hợp với điều này, chữ Hy-lạp để chỉ “thuế” và sự “đóng góp” mà Phao-lô dùng nơi Rô-ma 13:7 ngụ ý nói rõ đến tiền nộp cho Nhà nước.a
7, 8. a) Các câu Kinh-thánh khác nhau cũng đều đồng ý thế nào với quan điểm cho rằng chúng ta nên vâng phục các uy quyền chính trị trên thế gian? b) Chỉ khi nào tín đồ đấng Christ mới không vâng theo mệnh lệnh của “những bậc cầm quyền”?
7 Ngoài ra, Phao-lô khuyên vâng phục các nhà cầm quyền phù hợp với mệnh lệnh của Giê-su là “trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa”, ngài dùng chữ “Sê-sa” ở đây để chỉ về uy quyền trên thế gian (Ma-thi-ơ 22:21). Điều này cũng phù hợp với những lời Phao-lô sau đó nói với Tít: “Hãy nhắc lại cho các tín-đồ phải vâng-phục những bậc cầm quyền chấp-chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn-sàng làm mọi việc lành” (Tít 3:1). Bởi vậy, khi chính phủ ra lệnh cho tín đồ đấng Christ góp công xây dựng cộng đồng, họ vâng theo là đúng miễn là các việc đó không phải là để thay thế cho một phận sự nào trái với Kinh-thánh, hoặc vi phạm các nguyên tắc Kinh-thánh, như nguyên tắc ghi nơi Ê-sai 2:4.
8 Phi-e-rơ cũng xác nhận chúng ta nên vâng phục các nhà cầm quyền trên thế gian khi ông nói: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép-tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng [cao hơn], hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành” (I Phi-e-rơ 2:13, 14). Phù hợp với điều này, tín đồ đấng Christ cũng nên nghe theo lời Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn-nguyện, cầu-xin, kêu-van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm-quyền, để chúng ta được lấy điều nhơn-đức và thành-thật mà ở đời cho bình-tịnh yên-ổn”b (I Ti-mô-thê 2:1, 2).
9. Tại sao gọi các nhà cầm quyền giữa loài người là “trên mình” không làm suy giảm sự vinh hiển dành cho Đức Giê-hô-va?
9 Gọi các nhà cầm quyền trên thế gian là “trên mình”, chúng ta có làm giảm bớt bằng cách này hay cách khác sự kính trọng chúng ta phải dành cho Đức Giê-hô-va không? Không, bởi vì Đức Giê-hô-va còn cao hơn nữa, chứ không chỉ trên chúng ta một chút mà thôi. Ngài là “Chúa [Tối thượng]”, là “Đấng Rất Cao” (Thi-thiên 73:28; Đa-ni-ên 7:18, 22, 25, 27; Khải-huyền 4:11; 6:10). Vâng phục đúng chỗ các nhà cầm quyền giữa loài người không làm suy giảm chút nào sự thờ phượng chúng ta dâng cho Uy quyền Tối cao là Chúa Giê-hô-va Tối thượng. Vậy các nhà cầm quyền này ở trên ai tới độ nào? Họ chỉ ở trên những người đồng loại của mình và nội trong lãnh vực hoạt động của họ mà thôi. Họ có trách nhiệm cai trị và che chở những cộng đồng dân chúng và để làm thế họ đặt ra những luật lệ để trị an.
Đều bởi Đức Chúa Trời chỉ-định”
10. a) Lời tuyên bố của Phao-lô về việc “chỉ-định” các nhà cầm quyền chứng tỏ gì về uy quyền của chính Đức Giê-hô-va? b) Đức Giê-hô-va đã cho phép gì khi “chỉ-định” một số vua chúa, và các tôi tớ của Ngài bị thử thách thế nào?
10 Quyền tối thượng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời rõ ràng vượt hẳn các nhà cầm quyền trên thế gian qua sự kiện các nhà cầm quyền đều là “bởi Đức Chúa Trời chỉ-định”. Tuy nhiên, lời tuyên bố này gây thắc mắc. Vài năm sau khi Phao-lô viết những lời này, hoàng đế La-mã Nê-rô tung ra một chiến dịch bắt bớ tàn nhẫn nghịch lại tín đồ đấng Christ. Đức Chúa Trời có đích thân đặt Nê-rô lên ngôi không? Hoàn toàn không! Đức Chúa Trời không chọn lựa mỗi vua chúa và đưa họ lên ngôi “theo ân huệ Ngài”. Đúng hơn thì chính Sa-tan nhiều khi mưu mô đặt những người hung hăng lên cai trị và Đức Giê-hô-va cho phép điều đó và cho phép luôn cả sự thử thách mà họ gây ra cho các tôi tớ trung thành của Ngài (So sánh Gióp 2:2-10).
11, 12. Kinh-thánh có ghi chép những trường hợp nào trong lịch sử mà Đức Giê-hô-va đã đích thân can thiệp để lập và phế các uy quyền trên thế gian?
11 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã đích thân can thiệp trong trường hợp của một số vua chúa hay chính phủ để thực hiện ý định cao cả của Ngài. Thí dụ, thời Áp-ra-ham Ngài đã để cho dân Ca-na-an tiếp tục sống trên đất Ca-na-an. Thế nhưng, sau đó Đức Giê-hô-va đuổi họ đi khỏi và giao đất lại cho dòng dõi Áp-ra-ham. Trong cuộc hành trình của dân Do-thái trong đồng vắng, Đức Giê-hô-va không cho phép họ tàn phá các dân Am-môn, Mô-áp và miền núi Sê-i-rơ. Nhưng Ngài ra lệnh cho họ hủy diệt các nước Si-hôn và Óc (Sáng-thế Ký 15:18-21; 24:37; Xuất Ê-díp-tô Ký 34:11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 2:4, 5, 9, 19, 24; 3:1, 2).
12 Sau khi dân Y-sơ-ra-ên định cư trong đất Ca-na-an, Đức Giê-hô-va tiếp tục đích thân chú ý đến các uy quyền gây ảnh hưởng trên dân Ngài. Nhiều khi, khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, Đức Giê-hô-va cho phép các dân ngoại đạo đến đô hộ họ. Nhưng khi họ ăn năn, Ngài cất bỏ các uy quyền đó khỏi xứ (Các Quan Xét 2:11-23). Cuối cùng Ngài để cho nước Giu-đa cùng với nhiều nước khác rơi vào sự đô hộ của Ba-by-lôn (Ê-sai 14:28 đến 19:17; 23:1-12; 39:5-7). Sau khi dân Y-sơ-ra-ên đi lưu đày ở Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va tiên tri về sự dấy lên và sụp đổ của các cường quốc thế giới gây ảnh hưởng trên dân Ngài từ thời Ba-by-lôn đến thời nay (Đa-ni-ên, đoạn 2, 7, 8 và 11).
13. a) Theo bài hát của Môi-se, tại sao Đức Giê-hô-va ấn định ranh giới cho các dân? b) Tại sao Đức Giê-hô-va sau đó phục hưng dân Y-sơ-ra-ên trên đất của họ?
13 Môi-se hát về Đức Giê-hô-va: “Khi Đấng Chí-Cao phân-phát sản-nghiệp cho muôn dân, phân-rẽ những con-cái A-đam, thì Ngài định bờ-cõi của các dân, cứ theo số dân Y-sơ-ra-ên. Vì phần của Đức Giê-hô-va là dân Ngài, Gia-cốp là cơ-nghiệp Ngài” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:8, 9; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 17:26). Đúng, để thực hiện ý định Ngài, Đức Chúa Trời lúc đó đã ra lệnh nước nào sẽ còn và nước nào sẽ mất. Bằng cách đó, Ngài giao cho dòng dõi Áp-ra-ham đất đai làm sản nghiệp và sau đó phục hưng họ về trong đất đó, để rồi sau cùng Dòng dõi đã hứa xuất hiện tại đó, như đã được tiên tri (Đa-ni-ên 9:25, 26; Mi-chê 5:1).
14. Trong hầu hết các trường hợp, Đức Giê-hô-va lập các uy quyền lên các địa vị tương đối của họ hiểu theo nghĩa nào?
14 Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, Đức Giê-hô-va lập các vua chúa lên ngôi tương đối của họ theo nghĩa Ngài cho phép người ta chiếm địa vị tương đối giữa họ với nhau nhưng luôn luôn thấp kém hơn Ngài. Bởi vậy, khi đứng trước mặt Bôn-xơ Phi-lát, Giê-su nói với nhà cai trị đó: “Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta” (Giăng 19:11). Điều đó không có nghĩa là chính Đức Chúa Trời đích thân lập Phi-lát trên chức vụ đó, nhưng có nghĩa là ông có quyền sống chết trên Giê-su chỉ bởi Đức Chúa Trời cho phép.
“Chúa đời nầy”
15. Sa-tan có quyền trên thế gian này cách nào?
15 Thế nhưng nói gì về lời Kinh-thánh tuyên bố Sa-tan là thần hay chúa thế gian này? (Giăng 12:31; II Cô-rinh-tô 4:4). Thật thế, nói gì về sự khoe khoang của Sa-tan khi hắn chỉ cho Giê-su thấy tất cả các nước trên thế gian và nói: “Hết thảy quyền-phép... của các nước đó... đã giao cho ta hết, ta muốn cho ai tùy ý ta” (Lu-ca 4:6). Giê-su không phủ nhận lời khoe khoang của Sa-tan. Và những lời của Sa-tan phù hợp với điều mà sau đó Phao-lô viết cho người Ê-phê-sô: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12). Hơn nữa, sách Khải-huyền miêu tả Sa-tan như con rồng lớn ban “sức mạnh, ngôi, và quyền-phép lớn” cho con thú biểu hiệu hệ thống chính trị thế giới (Khải-huyền 13:2).
16. a) Làm sao biết được là uy quyền của Sa-tan có giới hạn? b) Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan có quyền giữa nhân loại?
16 Tuy vậy, xin lưu ý lời Sa-tan tuyên bố với Giê-su: “Hết thảy quyền-phép... đó... đã giao cho ta hết” cho thấy hắn chỉ hành quyền nhờ được cho phép mà thôi. Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép hắn? Sự nghiệp vua chúa thế gian của Sa-tan bắt đầu trong vườn Ê-đen khi hắn công khai vu khống là Đức Chúa Trời nói dối và hành sử quyền thống trị của Ngài cách không chính đáng (Sáng-thế Ký 3:1-6). A-đam và Ê-va đã theo Sa-tan và cãi lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đến đó thể theo sự công bình trọn vẹn của Ngài Đức Giê-hô-va đã có thể hành quyết Sa-tan cùng hai kẻ vừa theo hắn (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Nhưng những lời của Sa-tan thật sự là một sự thách thức cho chính Đức Giê-hô-va. Vậy Đức Chúa Trời trong sự khôn ngoan của Ngài đã cho phép Sa-tan sống một thời gian, và cho phép A-đam và Ê-va sanh sản con cái trước khi chết. Bằng cách này Đức Chúa Trời dành thì giờ và cơ hội để chứng tỏ lời thách thức của Sa-tan là sai (Sáng-thế Ký 3:15-19).
17, 18. a) Tại sao chúng ta có thể nói Sa-tan là thần cai trị thế gian này? b) Hiểu theo nghĩa nào thì “chẳng có quyền nào” trên thế gian này là “không đến bởi Đức Chúa Trời”?
17 Các biến cố xảy ra từ thời vườn Ê-đen cho thấy các lời tố cáo của Sa-tan là hoàn toàn dối trá. Con cháu A-đam không có hạnh phúc chút nào dưới sự cai trị của Sa-tan hay của loài người (Truyền-đạo 8:9). Mặt khác, cách Đức Chúa Trời đối xử với dân sự của Ngài đã chứng tỏ Ngài cai trị tài hơn (Ê-sai 33:22). Nhưng bởi lẽ hầu hết dòng dõi của A-đam không nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, vô tình hay cố ý họ tôn Sa-tan làm thần để phụng sự (Thi-thiên 14:1; I Giăng 5:19).
18 Chẳng bao lâu nữa, cuộc tranh chấp dấy lên trong vườn Ê-đen sẽ được giải quyết. Nước Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn quản trị các công việc của nhân loại và Sa-tan sẽ bị quăng xuống vực (Ê-sai 11:1-5; Khải-huyền 20:1-6). Tuy vậy, trong thời gian chờ đợi, cần phải có một hình thức chính phủ hay cơ cấu nào đó ở giữa loài người để giúp đời sống có trật tự. Đức Giê-hô-va “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn-lạc, bèn là Chúa sự hòa-bình” (I Cô-rinh-tô 14:33). Bởi vậy, Ngài cho phép các cơ cấu uy quyền thành hình giữa các cộng đồng phát triển ngoài vườn Ê-đen và cho phép loài người hành sử uy quyền trong sự sắp đặt này. Hiểu theo nghĩa này “chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời”.
Các uy quyền có nhã ý
19. Phải chăng tất cả các nhà cầm quyền đều nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Sa-tan?
19 Từ thời vườn Ê-đen đến nay, Sa-tan có rộng quyền tự do trên nhân loại, và hắn đã dùng sự tự do này để gây rối trên đất, đúng như lời hắn khoe khoang với Giê-su (Gióp 1:7; Ma-thi-ơ 4:1-10). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tất cả các nhà cầm quyền trên thế gian này đều trực tiếp chịu ảnh hưởng của Sa-tan. Vài kẻ—như Nê-rô trong thế kỷ thứ nhất và Adolf Hitler trong thế kỷ 20 này—đã biểu lộ rõ rệt tinh thần của Sa-tan. Nhưng những người khác thì không. Sê-giút Phau-lút, quan trấn thủ đảo Chíp-rơ, là “người khôn-ngoan [thông minh]”, ông “xin nghe đạo Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 13:7). Ga-li-ôn, quan trấn thủ xứ A-chai, từ chối không để những người Do-thái tố cáo Phao-lô làm áp lực (Công-vụ các Sứ-đồ 18:12-17). Nhiều nhà cầm quyền khác cũng đàng hoàng và hành sử uy quyền của họ cách tận tâm (So sánh Rô-ma 2:15).
20, 21. Các biến cố nào trong thế kỷ 20 chứng tỏ rằng các nhà cầm quyền không luôn luôn làm theo ý muốn của Sa-tan?
20 Sách Khải-huyền tiên tri rằng trong “ngày của Chúa”, bắt đầu năm 1914, Đức Giê-hô-va sẽ sai khiến ngay cả các nhà cầm quyền trên nhân loại để dẹp tan mưu kế của Sa-tan. Khải-huyền miêu tả một làn sóng bắt bớ do Sa-tan tung ra chống lại tín đồ đấng Christ được xức dầu, nhưng rồi “đất” nuốt lấy “sông” (Khải-huyền 1:10; 12:16). Những phần tử nằm trong “đất”, tức xã hội loài người hiện hữu trên đất, sẽ che chở dân tộc của Đức Giê-hô-va khỏi sự bắt bớ của Sa-tan.
21 Điều này có xảy ra thật không? Có. Trong các thập niên 1930 và 1940 chẳng hạn, Nhân-chứng Giê-hô-va tại Hoa-kỳ gặp phải áp lực mạnh bạo, bị đám dân hung hăng tấn công và thường bị bắt oan ức. Họ bớt khổ khi Tối Cao Pháp viện Hoa-kỳ ra nhiều quyết định nhìn nhận công việc rao giảng của họ là hợp pháp. Tại các nơi khác cũng có các nhà cầm quyền đã giúp đỡ dân tộc của Đức Chúa Trời. Cách đây khoảng 40 năm tại Ái-nhĩ-lan, một đám người Công giáo hung hăng tấn công hai Nhân-chứng Giê-hô-va tại thành phố Cork. Một viên cảnh sát địa phương đến tiếp cứu các Nhân-chứng đó, và một tòa án đã trừng phạt những kẻ hành hung. Mới năm kia tại đảo Fiji người ta triệu tập một buổi họp giữa các cấp chỉ huy trên đảo để thảo luận đề nghị cấm đoán hoạt động rao giảng của Nhân-chứng Giê-hô-va. Một người chỉ huy mạnh dạn lên tiếng bênh vực Nhân-chứng Giê-hô-va, và bản đề nghị đó đã bị bỏ qua dễ dàng.
22. Trong các bài tới sẽ thảo luận về các câu hỏi nào?
22 Không, các nhà cầm quyền trên thế gian không luôn luôn phục vụ các mưu đồ của Sa-tan. Tín đồ đấng Christ có thể vâng phục các bậc cầm quyền trên mình mà không vâng phục chính Sa-tan. Thật thế, họ vâng phục các nhà cầm quyền này cho đến chừng nào Đức Chúa Trời còn cho phép các uy quyền đó hiện hữu. Tuy vậy, sự vâng phục đó có nghĩa gì? Và ngược lại tín đồ đấng Christ có thể mong đợi gì nơi các nhà cầm quyền? Hai bài tiếp theo đây sẽ thảo luận về các câu hỏi này.
[Chú thích]
a Thí dụ, hãy xem cách dùng chữ “thuế” (pho’ros) nơi Lu-ca 20:32. Cũng xem cách dùng chữ Hy-lạp te’los, dịch ra đây là “đóng góp”, và nơi Ma-thi-ơ 17:25 được dịch là “lương”.
b Danh từ Hy-lạp hy.per.ro.khe’ dịch ra là “bậc cầm quyền” có cùng một gốc với động từ hy.pe.re’kho. Chữ “trên” trong “các đấng cầm quyền trên mình” xuất phát từ cùng một gốc với động từ Hy-lạp này, làm tăng cường bằng chứng cho thấy các bậc cầm quyền trên mình là uy quyền trên thế gian. Cuốn The New English Bible dịch nơi Rô-ma 13:1: “Mỗi người phải phục tùng các uy quyền tối cao” như vậy là sai. Những người ở “bậc cầm quyền” không phải là tối cao, dù họ có thể cao hơn những người khác.
Bạn sẽ trả lời sao?
◻ Ai là các bậc cầm quyền trên mình?
◻ Làm sao có thể nói “chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép thế gian nằm dưới quyền của Sa-tan?
◻ Đức Chúa Trời “chỉ-định” các uy quyền giữa loài người bằng cách nào?
[Hình nơi trang 11]
Sau khi thành Rô-ma bị hỏa hoạn, Nê-rô biểu lộ tinh thần quả thật giống như Sa-tan
[Hình nơi trang 13]
Sê-giút Phau-lút, quan trấn thủ đảo Chíp-rơ, tìm cách nghe giảng đạo Đức Chúa Trời