A-qui-la và Bê-rít-sin—Một cặp vợ chồng gương mẫu
“HÃY chào Bê-rít-sin và A-qui-la, kẻ cùng làm việc với tôi trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là hai người liều chết để cứu sự sống tôi; ấy chẳng những một mình tôi tạ ơn hai người, nhưng cả các Hội-thánh của dân ngoại nữa” (Rô-ma 16:3, 4).
Những lời này của sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh tín đồ đấng Christ ở Rô-ma nói lên lòng tôn trọng và quí mến của ông đối với cặp vợ chồng này. Ông cố sao để không quên nhắc đến họ khi viết thư cho hội thánh của họ. Nhưng hai người “cùng làm việc” với Phao-lô là ai, và tại sao họ được Phao-lô và hội thánh yêu quí đến thế? (II Ti-mô-thê 4:19).
A-qui-la là người thuộc cộng đồng Do Thái ở hải ngoại và quê ở xứ Bông, một vùng ở miền bắc Tiểu Á. Ông và vợ là Bê-rít-sin (Bơ-rít-ca) cư ngụ ở Rô-ma. Kể từ khi Pompey chiếm đóng thành Giê-ru-sa-lem vào năm 63 trước công nguyên hoặc trước đó nữa, khi một số đông tù nhân bị bắt đi làm nô lệ ở Rô-ma, thì đã có một cộng đồng Do Thái khá đông tại thành phố đó. Thật vậy, những lời khắc bằng tiếng La Mã cho thấy rằng có hơn một chục nhà hội trong thành phố xưa đó. Một số người Do Thái sống ở Rô-ma đã có mặt tại thành Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên (CN), khi họ được nghe giảng tin mừng. Có lẽ họ là những người đầu tiên mang thông điệp của tín đồ đấng Christ đến thủ đô của Đế quốc La Mã (Công-vụ các Sứ-đồ 2:10).
Tuy nhiên, theo lệnh của Hoàng đế Cơ-lốt, người Do Thái bị trục xuất ra khỏi thành Rô-ma vào năm 49 hoặc đầu năm 50 CN. Vì vậy, chính tại thành Cô-rinh-tô, Hy Lạp, mà sứ đồ Phao-lô gặp được A-qui-la và Bê-rít-sin. Khi Phao-lô đến Cô-rinh-tô, A-qui-la và Bê-rít-sin ân cần tiếp đãi ông và đề nghị ông cùng làm việc với họ, vì đồng nghề—ấy là may lều (Công-vụ các Sứ-đồ 18:2, 3).
Người may lều
Đó không phải là công việc dễ dàng. Việc may lều đòi hỏi phải cắt và khâu những miếng vải hoặc da vừa cứng vừa sần sùi. Theo sử gia Fernando Bea, đó là “một nghề đòi hỏi phải có tài chuyên môn và tỉ mỉ” vì người may lều phải làm việc với “những miếng vải dày và cứng, dùng để cắm trại khi di chuyển, che mưa nắng, hoặc gói các đồ vật trong hầm chứa hàng dưới tàu”.
Có một câu hỏi được nêu ra. Chẳng phải Phao-lô nói rằng ông đã “học nơi chơn Ga-ma-li-ên”, như vậy mở đường cho ông theo đuổi một sự nghiệp danh vọng trong những năm sau này hay sao? (Công-vụ các Sứ-đồ 22:3). Tuy điều đó là đúng, nhưng người Do Thái trong thế kỷ thứ nhất xem trọng việc dạy nghề cho một cậu bé ngay dù nó sẽ học lên cao. Vì vậy, rất có thể là cả A-qui-la lẫn Phao-lô đã học nghề may lều khi họ còn trẻ. Kinh nghiệm đó đã tỏ ra rất hữu dụng sau này. Nhưng là tín đồ đấng Christ, họ không xem công việc làm ngoài đời là mục tiêu chính. Phao-lô giải thích rằng công việc ông làm ở thành Cô-rinh-tô cùng với A-qui-la và Bê-rít-sin chỉ là phương tiện để tài trợ hoạt động chính của ông, đó là việc công bố tin mừng mà không để “lụy đến một người nào” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:8; I Cô-rinh-tô 9:18; II Cô-rinh-tô 11:7).
Hiển nhiên là A-qui-la và Bê-rít-sin vui lòng làm mọi việc mà họ có thể làm để giúp cho Phao-lô thi hành công việc rao giảng một cách dễ dàng hơn. Nào ai biết được ba người bạn đã ngừng bao nhiêu lần trong khi làm việc để làm chứng bán chính thức cho khách hàng hay những người qua lại! Và dù công việc may lều là tầm thường và khó nhọc, họ đã vui lòng làm thế, ngay cả làm việc “cả ngày lẫn đêm” hầu đẩy mạnh công việc của Đức Chúa Trời—cũng giống như nhiều tín đồ đấng Christ ngày nay làm việc bán thời gian hoặc làm theo mùa để nuôi thân hầu dành phần nhiều thời giờ còn lại để giúp người ta nghe tin mừng (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:9; Ma-thi-ơ 24:14; I Ti-mô-thê 6:6).
Những gương về lòng hiếu khách
Có lẽ Phao-lô đã dùng nhà của A-qui-la làm căn cứ cho công việc giáo sĩ trong 18 tháng ông sống ở thành Cô-rinh-tô (Công-vụ các Sứ-đồ 18:3, 11). Vậy rất có thể là A-qui-la và Bê-rít-sin cũng vui mừng tiếp đón Si-la (Sin-vanh) và Ti-mô-thê từ Ma-xê-đoan đến (Công-vụ các Sứ-đồ 18:5). Hai lá thư của Phao-lô viết cho anh em ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, mà sau này thuộc Kinh sách được công nhận, có thể được viết khi sứ đồ này đang sống với A-qui-la và Bê-rít-sin.
Điều dễ tưởng tượng là lúc này nhà của Bê-rít-sin và A-qui-la là một trung tâm của hoạt động thần quyền. Có lẽ nhà của họ có nhiều người bạn thường hay lui tới—chẳng hạn như Sê-pha-na và gia đình, là những tín đồ đấng Christ đầu tiên ở tỉnh A-chai, được chính Phao-lô làm báp têm; Ti-ti-tu Giút-tu, là người cho Phao-lô dùng nhà ông để nói diễn văn; và Cơ-rít-bu, chủ nhà hội, và là người chấp nhận lẽ thật cùng với cả gia đình (Công-vụ các Sứ-đồ 18:7, 8; I Cô-rinh-tô 1:16). Cũng có Phốt-tu-na và A-chai-cơ; Gai-út, có lẽ những buổi họp hội thánh được tổ chức tại nhà ông; Ê-rát, quan kho bạc; Tẹt-tiu, thư ký mà Phao-lô đã dùng để chép bức thư gửi cho anh em ở thành Rô-ma; và Phê-bê, một chị tín đồ trung thành của hội thánh Xen-cơ-rê gần đó, và rất có thể là người đã chuyển bức thư từ Cô-rinh-tô đến Rô-ma (Rô-ma 16:1, 22-24; I Cô-rinh-tô 16:17).
Ngày nay những tôi tớ nào của Đức Giê-hô-va đã có cơ hội tiếp đãi giám thị lưu động thì biết được việc đó quả khích lệ và đáng nhớ là dường nào. Những kinh nghiệm xây dựng được kể lại vào những dịp ấy có thể là một nguồn khoan khoái thật sự về mặt thiêng liêng cho mọi người (Rô-ma 1:11, 12). Và cũng giống như A-qui-la và Bê-rít-sin đã làm, những người dùng nhà họ cho những buổi họp, có lẽ là Buổi học Cuốn sách Hội thánh, có được niềm vui và sự thỏa nguyện vì có thể góp phần trong phương diện này để đẩy mạnh sự thờ phượng thật.
Vì tình bạn thân thiết với Phao-lô, nên A-qui-la và Bê-rít-sin đã đi cùng ông khi ông rời thành Cô-rinh-tô vào mùa xuân năm 52 CN, họ đi theo ông cho đến thành Ê-phê-sô (Công-vụ các Sứ-đồ 18:18-21). Họ ở lại thành đó và đặt nền tảng cho lần viếng thăm kỳ tới của sứ đồ. Chính tại đây hai người khéo dạy tin mừng này đã đem A-bô-lô là người có tài hùng biện “về với mình” và vui vẻ giúp ông hiểu “đạo Đức Chúa Trời cho càng kĩ-lưỡng hơn nữa” (Công-vụ các Sứ-đồ 18:24-26). Khi Phao-lô thăm lại thành Ê-phê-sô trong chuyến rao giảng lần thứ ba vào khoảng mùa đông năm 52/53 CN, cánh đồng mà cặp vợ chồng đầy nghị lực này vun xới đã chín muồi. Trong khoảng ba năm, Phao-lô rao giảng và dạy dỗ “đạo Chúa” tại đó, trong khi đó hội thánh ở Ê-phê-sô tổ chức những buổi họp tại nhà A-qui-la (Công-vụ các Sứ-đồ 19:1-20, 26; 20:31; I Cô-rinh-tô 16:8, 19).
Sau này, khi trở về Rô-ma, hai người bạn này của Phao-lô vẫn “ân-cần tiếp khách”, dùng nhà họ cho những buổi họp của tín đồ đấng Christ (Rô-ma 12:13; 16:3-5).
Họ “liều chết” vì Phao-lô
Có lẽ Phao-lô cũng sống với A-qui-la và Bê-rít-sin khi ông ở Ê-phê-sô. Ông có sống với họ vào lúc những thợ bạc gây ra sự rối loạn không? Theo lời tường thuật nơi Công-vụ các Sứ-đồ 19:23-31, khi các thợ thuyền làm điện thờ nổi lên chống lại công việc rao giảng tin mừng, các anh em phải ngăn cản không để Phao-lô liều mình đi ra trước đám đông hỗn loạn. Một số nhà bình luận về Kinh-thánh đưa ra giả thuyết cho là có lẽ vào hoàn cảnh đầy nguy hiểm ấy mà Phao-lô cảm thấy “mất lòng trông-cậy giữ sự sống mình” và A-qui-la và Bê-rít-sin đã can thiệp theo cách nào đó, “liều chết” vì ông (II Cô-rinh-tô 1:8; Rô-ma 16:3, 4).
Khi “sự rối-loạn yên rồi”, Phao-lô khôn ngoan rời khỏi thành đó (Công-vụ các Sứ-đồ 20:1). Chắc chắn A-qui-la và Bê-rít-sin cũng gặp sự chống đối và chế nhạo. Điều đó có làm cho họ cảm thấy nản lòng không? Ngược lại, A-qui-la và Bê-rít-sin can đảm tiếp tục ráng sức vì đạo đấng Christ.
Một cặp vợ chồng thân thiết
Sau khi sự cai trị của Cơ-lốt chấm dứt, A-qui-la và Bê-rít-sin trở lại Rô-ma (Rô-ma 16:3-15). Tuy nhiên, lần cuối cùng Kinh-thánh đề cập đến họ, chúng ta thấy họ đã trở lại Ê-phê-sô (II Ti-mô-thê 4:19). Lần này cũng như mọi lần khác mà Kinh-thánh nhắc đến họ, Kinh-thánh nêu danh cả hai vợ chồng cùng với nhau. Quả là một cặp vợ chồng thân thiết và hòa hợp! Phao-lô không thể nghĩ đến người anh em yêu quí là A-qui-la mà không nhớ đến sự hợp tác trung thành của vợ ông. Và thật là một gương tốt cho những cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ ngày nay, vì sự hỗ trợ trung thành của người hôn phối tận tâm có thể giúp cho một người làm nhiều “công-việc Chúa”, ngay cả nhiều hơn là nếu như người đó vẫn còn độc thân (I Cô-rinh-tô 15:58).
A-qui-la và Bê-rít-sin đã phục vụ trong nhiều hội thánh khác nhau. Giống như họ, ngày nay nhiều tín đồ đấng Christ sốt sắng sẵn sàng dọn đến những nơi có nhu cầu cao. Họ cũng có được niềm vui và sự thỏa nguyện khi thấy công việc Nước Trời phát triển cũng như khi vun đắp tình bạn thân thiết và quí báu với những tín đồ đấng Christ khác.
Qua gương tuyệt vời về tình yêu thương của tín đồ đấng Christ, A-qui-la và Bê-rít-sin được Phao-lô và những người khác quí trọng. Nhưng còn quan trọng hơn nữa, họ tạo được tiếng tốt với chính Đức Giê-hô-va. Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa” (Hê-bơ-rơ 6:10).
Chúng ta có thể không có cơ hội để phục vụ trong những phương diện giống như A-qui-la và Bê-rít-sin, tuy nhiên, chúng ta có thể noi theo gương tuyệt hảo của họ. Chúng ta sẽ cảm thấy hết sức mãn nguyện khi dùng năng lực và đời sống mình để làm thánh chức, không bao giờ quên “làm việc lành và chia sẻ với người khác, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15, 16, NW).