CHƯƠNG 17
“Ôi! Sâu-nhiệm thay là sự... khôn-ngoan... của Đức Chúa Trời!”
1, 2. Đức Giê-hô-va có ý định gì đối với ngày thứ bảy, và vào đầu ngày này, sự khôn ngoan của Ngài bị thử thách như thế nào?
THẾ là hỏng! Loài người, sự sáng tạo tột đỉnh trong ngày sáng tạo thứ sáu, bỗng từ trên cao rơi vụt xuống vực thẳm. Đức Giê-hô-va tuyên bố “các việc Ngài đã làm”, kể cả loài người, “thật rất tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:31) Nhưng vào đầu ngày thứ bảy, A-đam và Ê-va đã chọn theo Sa-tan vào con đường phản nghịch. Họ lao đầu vào tội lỗi, bất toàn, và sự chết.
2 Ý định của Đức Giê-hô-va đối với ngày thứ bảy dường như bị trệch hướng trong vô vọng. Giống như sáu ngày trước đó, ngày thứ bảy sẽ dài hàng ngàn năm. Đức Giê-hô-va tuyên bố ngày này là thánh, và cuối ngày này cả trái đất sẽ biến thành địa đàng với gia đình nhân loại hoàn toàn. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:3) Nhưng sau cuộc phản loạn tai hại, làm sao điều ấy có thể thành hiện thực? Đức Chúa Trời sẽ làm gì? Đây là thử thách gay cấn cho sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va—có lẽ là thử thách tột cùng.
3, 4. (a) Tại sao cách Đức Giê-hô-va xử lý sự phản nghịch trong vườn Ê-đen là một thí dụ về sự khôn ngoan đáng kính sợ của Ngài? (b) Lòng khiêm tốn thúc đẩy chúng ta ghi nhớ lẽ thật nào khi tìm hiểu sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va?
3 Đức Giê-hô-va lập tức hành động, tuyên án những kẻ phản loạn trong vườn Ê-đen, đồng thời Ngài hé mở ra một điều kỳ diệu: ý định của Ngài nhằm sữa chữa những điều tai hại vừa khởi phát. (Sáng-thế Ký 3:15) Ý định của Đức Giê-hô-va bắt đầu từ vườn Ê-đen, kéo dài qua hàng ngàn năm lịch sử nhân loại đến mãi tận tương lai xa. Ý định ấy đơn giản lạ lùng, song lại rất sâu sắc đến độ người đọc Kinh Thánh có thể bỏ ra cả đời để tìm hiểu và suy ngẫm. Hơn nữa, ý định của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ thành công tuyệt đối. Mọi cảnh gian ác, tội lỗi và chết chóc sẽ chấm dứt. Ngài sẽ phục hồi trạng thái hoàn toàn cho những người trung thành. Tất cả những điều này sẽ xảy ra trước khi ngày thứ bảy chấm dứt; vô luận điều gì xảy ra, Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định đối với trái đất và nhân loại vào đúng thời điểm quy định!
4 Sự khôn ngoan ấy gợi lên niềm kính sợ, phải không? Sứ đồ Phao-lô viết: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự... khôn-ngoan... của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 11:33) Khi tìm hiểu những khía cạnh khác nhau về đức tính này của Đức Chúa Trời, lòng khiêm tốn thúc đẩy chúng ta ghi nhớ một lẽ thật tối quan trọng—ấy là ngay cả khi gắng hết sức, chúng ta cũng chỉ hiểu phần nào sự khôn ngoan vô biên của Đức Giê-hô-va. (Gióp 26:14) Trước tiên, hãy xác định đức tính đáng thán phục này.
Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là gì?
5, 6. Tri thức và sự khôn ngoan có mối tương quan nào, và tri thức của Đức Giê-hô-va sâu rộng đến mức độ nào?
5 Sự khôn ngoan không đồng nhất với tri thức. Máy điện toán có thể lưu trữ một lượng tri thức khổng lồ, nhưng khó có ai nghĩ rằng những bộ máy như thế là khôn ngoan. Tuy nhiên, tri thức và sự khôn ngoan tương quan với nhau. (Châm-ngôn 10:14) Chẳng hạn, nếu cần lời khuyên khôn ngoan về cách điều trị một bệnh nghiêm trọng, liệu bạn sẽ tham khảo ý kiến một người có ít hoặc không có tri thức nào về y khoa không? Tuyệt nhiên không! Vậy sự tri thức chính xác là trọng yếu để có sự khôn ngoan thật.
6 Đức Giê-hô-va có một kho tri thức vô hạn. Là “Vua của muôn đời”, chỉ một mình Ngài hằng có đời đời. (Khải-huyền 15:3) Trong suốt hằng hà sa số năm ấy, Ngài luôn biết rõ mọi việc. Kinh Thánh nói: “Chẳng có vật nào được giấu-kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại”. (Hê-bơ-rơ 4:13; Châm-ngôn 15:3) Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va thấu hiểu những vật Ngài tạo ra, và Ngài quan sát mọi hoạt động của con người ngay từ buổi đầu. Ngài xem xét lòng mỗi người, không sót một điều gì. (1 Sử-ký 28:9) Vì tạo ra chúng ta là những người có tự do ý chí, nên Ngài vui lòng khi thấy chúng ta lựa chọn khôn ngoan trong cuộc sống. Là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, Ngài lắng nghe vô số lời diễn đạt cùng một lúc! (Thi-thiên 65:2) Và không cần phải nói, Đức Giê-hô-va có trí nhớ hoàn hảo.
7, 8. Đức Giê-hô-va biểu hiện sự hiểu biết, thông sáng và khôn ngoan của Ngài như thế nào?
7 Đức Giê-hô-va không chỉ có tri thức. Ngài cũng thấy mối tương quan giữa các sự kiện, và nhận biết cái toàn thể do vô vàn chi tiết cấu tạo nên. Ngài nhận định và xét đoán, phân biệt tốt xấu, điều gì là quan trọng và điều không quan trọng. Hơn nữa, Ngài không nhìn bề ngoài nhưng nhìn sâu vào trong lòng người. (1 Sa-mu-ên 16:7) Bởi thế, Đức Giê-hô-va có sự hiểu biết và thông sáng, là hai đức tính ưu việt hơn tri thức. Nhưng sự khôn ngoan lại còn cao hơn một bậc nữa.
8 Sự khôn ngoan là biết phối hợp và sử dụng tri thức, thông sáng, và hiểu biết. Thật vậy, một số từ trong Kinh Thánh nguyên ngữ được dịch là “sự khôn ngoan”, có nghĩa đen là “cách hoạt động có hiệu quả” hoặc “sự khôn ngoan thực tiễn”. Vì vậy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va không chỉ là lý thuyết nhưng có tính cách thực tiễn và đạt hiệu quả. Vận dụng tri thức và sự hiểu biết sâu rộng của Ngài, Đức Giê-hô-va luôn luôn có quyết định hoàn hảo, và thực hiện quyết định ấy bằng đường lối hành động ưu việt nhất. Đó chính là sự khôn ngoan thật! Đức Giê-hô-va chứng tỏ lời Chúa Giê-su nói là đúng: “Sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy”. (Ma-thi-ơ 11:19) Công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va trong toàn vũ trụ cho thấy bằng chứng hùng hồn về sự khôn ngoan của Ngài.
Các bằng chứng về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời
9, 10. (a) Đức Giê-hô-va chứng tỏ có sự khôn ngoan loại nào, và Ngài biểu hiện nó qua cách nào? (b) Tế bào cho thấy bằng chứng nào về sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va?
9 Có khi nào bạn thán phục óc sáng tạo của người thợ thủ công chế ra những đồ vật tinh xảo và hoạt động tốt chưa? Loại khôn ngoan ấy đáng thán phục. (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-3) Đức Giê-hô-va chính là nguồn và chủ tối cao của sự khôn ngoan như thế. Vua Đa-vít nói về Đức Giê-hô-va: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng. Công-việc Chúa thật lạ-lùng, lòng tôi biết rõ lắm”. (Thi-thiên 139:14) Thật thế, càng hiểu biết nhiều về cơ thể con người, chúng ta càng kính phục sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va.
10 Để minh họa: Ban đầu bạn chỉ là một hợp tử—được hình thành do sự kết hợp giữa trứng của mẹ bạn và tinh trùng của cha bạn. Chẳng bao lâu, tế bào đó bắt đầu phân chia. Cuối cùng, sau một quá trình phân chia như thế, cơ thể bạn có chừng 100 ngàn tỉ tế bào. Chúng rất nhỏ. Khoảng 10.000 tế bào cỡ trung bình có kích thước vừa bằng đầu một cây kim. Tuy vậy, mỗi tế bào là một sáng tạo phức tạp đến lạ lùng. So với bất cứ cỗ máy hoặc một nhà máy nào do con người tạo ra, tế bào phức tạp hơn nhiều. Các nhà khoa học nói rằng mỗi tế bào giống như một thành phố có tường bao bọc—một thành phố có lối ra vào được kiểm soát, có hệ thống vận chuyển, hệ thống truyền tin, nhà máy cung cấp năng lượng, xưởng sản xuất, máy xử lý và tái sinh chất thải, cơ cấu phòng thủ, và cả một hình thức điều hành trung ương tại nhân tế bào. Ngoài ra, tế bào có thể tự tạo một bản sao đầy đủ của chính nó chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ!
11, 12. (a) Điều gì làm cho các tế bào trong một phôi thai đang phát triển phân hóa thành các cơ quan khác nhau, và việc này hòa hợp thế nào với Thi-thiên 139:16? (b) Qua những cách nào bộ não con người cho thấy chúng ta “được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng”?
11 Tất nhiên, không phải tất cả các tế bào đều giống nhau. Khi các tế bào của phôi thai tiếp tục phân chia, chúng mang lấy những chức năng rất khác nhau. Một số sẽ là tế bào thần kinh; một số khác là tế bào xương, tế bào cơ, tế bào máu hoặc tế bào mắt. Tiến trình phân hóa như thế được ghi khắc vào “thư viện” chứa các đặc tính di truyền của tế bào, tức DNA. Điều đáng chú ý là Đa-vít được soi dẫn để nói với Đức Giê-hô-va: “Mắt Ngài đã thấy tôi, ngay cả khi tôi còn là phôi thai; mọi phần của nó đều đã được ghi vào trong sách Chúa”.—Thi-thiên 139:16, NW.
12 Một số bộ phận của cơ thể vô cùng phức tạp. Chẳng hạn, hãy xét bộ não con người. Một số người nói nó là vật phức tạp nhất trong các vật được phát hiện trong vũ trụ cho tới nay. Nó chứa khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh—xấp xỉ con số các vì sao trong thiên hà của chúng ta. Mỗi tế bào ấy phân nhánh thành hàng ngàn mối liên kết với các tế bào khác. Các nhà khoa học nói rằng bộ não con người có thể chứa đựng tất cả kiến thức lưu trữ trong tất cả các thư viện trên thế giới, và trên thực tế khả năng tích trữ của nó có thể vô hạn. Dù đã bỏ ra hàng thập kỷ nghiên cứu về cơ quan “được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng” này, các nhà khoa học thú nhận rằng có lẽ không bao giờ họ hoàn toàn hiểu cách nó hoạt động.
13, 14. (a) Con kiến và những sinh vật khác chứng tỏ có bản năng “khôn-ngoan” như thế nào, và điều đó dạy chúng ta biết gì về Đấng Tạo Hóa? (b) Tại sao chúng ta có thể nói những vật như mạng nhện được sáng tạo một cách “khôn-ngoan”?
13 Tuy nhiên, loài người chỉ là một thí dụ về sự khôn ngoan đầy sức sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Thi-thiên 104:24 nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”. Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện trong mọi sinh vật chung quanh chúng ta. Chẳng hạn, con kiến có bản năng “khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 30:24) Thật vậy, đàn kiến có tổ chức thật tuyệt vời. Một số loại kiến biết chăm sóc, bảo vệ loài côn trùng gọi là rệp vừng để làm thức ăn như thể nuôi gia súc. Những loại kiến khác thì như các nông dân, trồng những “nông sản” như nấm chẳng hạn. Nhiều sinh vật khác thực hiện những việc lạ lùng theo tiến trình đã ghi sẵn trong bản năng. Con ruồi thực hiện những động tác bay lộn rất tài tình, mà những máy bay tối tân nhất của con người cũng không thể nào bắt chước được. Có những loài chim biết tìm phương hướng di trú đến miền khác nhờ vào vị trí các vì sao, vào hướng của từ trường trái đất, hoặc vào một dạng bản đồ nào đó trong ký ức. Các nhà sinh vật học bỏ ra nhiều năm nghiên cứu những hành vi phức tạp đã được ghi sẵn trong bản năng những sinh vật này. Vậy, Đức Chúa Trời quả là Đấng Thiết Kế khôn ngoan biết bao!
14 Các khoa học gia học được nhiều điều từ óc sáng tạo khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Thậm chí còn có một lĩnh vực kỹ thuật gọi là phỏng sinh học, tìm cách mô phỏng theo và áp dụng những thiết kế có sẵn trong thiên nhiên. Chẳng hạn, có lẽ bạn đã từng nhìn chăm chú và thán phục vẻ đẹp của một mạng nhện. Nhưng một kỹ sư xem nó là một thiết kế kỳ diệu. Nếu có cùng kích thước, sợi tơ nhện mong manh lại chắc hơn sợi thép, dai bền hơn sợi xơ của áo chống đạn. Chắc đến độ nào? Hãy thử hình dung một mạng nhện được phóng to lên bằng kích thước của lưới dùng trên tàu đánh cá. Mạng nhện như thế có thể chặn đứng một phi cơ chở hành khách đang bay trên không trung! Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã làm mọi sự một cách “khôn-ngoan”.
Sự khôn ngoan bên ngoài trái đất
15, 16. (a) Bầu trời đầy các vì sao cho thấy bằng chứng nào về sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va? (b) Cương vị của Đức Giê-hô-va là Đấng Chỉ Huy Tối Cao của vô vàn thiên sứ, chứng tỏ sự khôn ngoan của Đấng Quản Trị này như thế nào?
15 Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va hiển nhiên trong các công trình của Ngài ở khắp vũ trụ. Bầu trời đầy các vì sao mà chúng ta đã thảo luận trong Chương 5, không dàn trải ra một cách ngẫu nhiên trong không gian. Nhờ sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thể hiện ra trong “luật của các từng trời”, các thiên thể được tổ chức thành những thiên hà có cấu trúc đẹp đẽ, rồi các thiên hà được sắp xếp thành từng chùm, các chùm này hợp thành những siêu chùm. (Gióp 38:33) Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giê-hô-va miêu tả những thiên thể là một “cơ-binh”! (Ê-sai 40:26) Tuy nhiên, có một cơ binh khác cho thấy rõ sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va một cách sống động hơn thế nữa.
16 Như chúng ta đã lưu ý trong Chương 4, Đức Chúa Trời có tước hiệu “Đức Giê-hô-va vạn-quân” vì Ngài là Đấng Chỉ Huy Tối Cao của đội quân rất lớn gồm hàng trăm triệu thiên sứ. Đây là bằng chứng về quyền năng của Đức Giê-hô-va. Song, điều này liên quan thế nào đến sự khôn ngoan của Ngài? Hãy xét điều này: Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su không bao giờ nhàn rỗi. (Giăng 5:17) Vậy điều hợp lý là những thiên sứ phục vụ Đấng Chí Cao cũng luôn bận rộn như thế. Và hãy nhớ, các thiên sứ cao hơn loài người và có trí thông minh cùng quyền lực siêu phàm. (Hê-bơ-rơ 1:7; 2:7) Song, Đức Giê-hô-va giữ cho tất cả các thiên sứ ấy luôn bận rộn, vui vẻ tham gia vào công việc mãn nguyện—“làm theo mạng-lịnh Ngài” và “làm theo ý-chỉ Ngài”—trong hàng tỉ năm. (Thi-thiên 103:20, 21) Sự khôn ngoan của Đấng Quản Trị quả đáng thán phục biết bao!
Đức Giê-hô-va là Đấng “khôn-ngoan có một”
17, 18. Tại sao Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va là Đấng “khôn-ngoan có một”, và tại sao sự khôn ngoan của Ngài khiến chúng ta thán phục?
17 Xét bằng chứng như thế, có ai còn lấy làm lạ khi Kinh Thánh đề cao sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va không? Chẳng hạn, Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va là Đấng “khôn-ngoan có một”. (Rô-ma 16:27) Chỉ mình Đức Giê-hô-va có sự khôn ngoan tuyệt đối. Ngài là nguồn của mọi sự khôn ngoan thật. (Châm-ngôn 2:6) Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su dù khôn ngoan nhất trong các tạo vật của Đức Giê-hô-va, đã không ỷ vào sự khôn ngoan riêng nhưng dạy dỗ như lời Cha ngài đã truyền.—Giăng 12:48-50.
18 Hãy lưu ý sứ đồ Phao-lô diễn tả sự khôn ngoan độc đáo của Đức Giê-hô-va như thế nào: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời! Sự phán-xét của Ngài nào ai thấu được, đường-nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33) Mở đầu câu bằng thán từ “Ôi”, Phao-lô bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ—trong trường hợp này, ấy là niềm thán phục sâu xa. Chữ Hy Lạp mà ông chọn dùng cho từ “sâu-nhiệm” quan hệ chặt chẽ với từ “vực sâu”. Vì thế, lời ông gợi lên trong trí một hình ảnh sống động. Khi suy ngẫm về sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, điều này như thể chúng ta đang chăm chú nhìn vào vực sâu bao la không đáy, một cõi rất sâu rộng, mênh mông đến độ chúng ta không bao giờ hiểu được sự bao la của nó, nói gì đến việc hoạch định hoặc vẽ ra được bản đồ chi tiết. (Thi-thiên 92:5) Đó không là một ý tưởng khiến con người phải khiêm nhường sao?
19, 20. (a) Tại sao chim ưng là biểu tượng thích hợp cho sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? (b) Đức Giê-hô-va chứng tỏ có khả năng nhìn thấu tương lai như thế nào?
19 Đức Giê-hô-va là Đấng “khôn-ngoan có một” theo nghĩa khác nữa: Chỉ một mình Ngài có khả năng nhìn thấu tương lai. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va dùng chim ưng, một động vật có khả năng nhìn xa, để tượng trưng cho sự khôn ngoan của Ngài. Con chim ưng vàng có thể chỉ nặng năm kilôgam, nhưng mắt nó to hơn mắt một người đàn ông. Thị lực của loài chim ưng này sắc bén lạ lùng, giúp nó nhận ra con mồi bé tí khi đang bay trên cao hàng trăm mét, có lẽ ngay cả từ đằng xa hàng mấy kilômét! Chính Đức Giê-hô-va đã có lần nói về loài chim ưng: “Mắt nó thấy mồi ở xa”. (Gióp 39:29) Theo nghĩa tương tự, Đức Giê-hô-va có thể nhìn “xa” về thời gian—tức tương lai!
20 Kinh Thánh chứa nhiều bằng chứng cho thấy điều này là đúng, trong đó có hàng trăm lời tiên tri, tức lịch sử viết ra trước khi sự việc diễn ra. Kết cuộc của các trận chiến tranh, sự thăng trầm của các cường quốc thế giới, và ngay cả những chiến thuật cụ thể của các nhà chỉ huy quân sự, tất cả đều được tiên tri trong Kinh Thánh—trong một số trường hợp, hàng trăm năm—trước khi chúng diễn ra.—Ê-sai 44:25–45:4; Đa-ni-ên 8:2-8, 20-22.
21, 22. (a) Tại sao không có cơ sở để kết luận rằng Đức Giê-hô-va biết trước mọi quyết định trong đời bạn? Hãy minh họa. (b) Làm thế nào chúng ta biết sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va không lạnh lùng hoặc thiếu tình cảm?
21 Song, có phải điều này nghĩa là Đức Chúa Trời đã biết trước những quyết định của bạn trong đời rồi chăng? Một số người dạy thuyết tiền định khăng khăng khẳng định là đúng thế. Tuy nhiên, khái niệm ấy thực ra làm suy giảm giá trị sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, vì hàm ý Ngài không thể điều khiển khả năng nhìn thấu tương lai. Để minh họa: Nếu có giọng hát hay không ai sánh kịp, liệu bạn có bắt buộc lúc nào cũng ca hát không? Ấy là khái niệm phi lý! Tương tự như vậy, Đức Giê-hô-va có khả năng biết trước tương lai, nhưng không phải lúc nào Ngài cũng sử dụng khả năng này. Làm thế có thể xâm phạm tự do ý chí của chúng ta, món quà quý giá mà Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ thu hồi.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20.
22 Tệ hơn nữa, chính thuyết tiền định gợi ý rằng sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va là lạnh lùng, thiếu yêu thương, thiếu lòng thấu cảm, hoặc trắc ẩn. Nhưng điều này hoàn toàn xa sự thật! Kinh Thánh dạy rằng Đức Giê-hô-va là Đấng có “bản chất... khôn ngoan”. (Gióp 9:4, TVC) Kinh Thánh thường dùng từ này khi nói về bản chất nội tâm bao gồm cả động lực và tình cảm, chẳng hạn như tình yêu thương. Vậy sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, như các đức tính khác của Ngài, đều do tình yêu thương chi phối.—1 Giăng 4:8.
23. Sự khôn ngoan siêu việt của Đức Giê-hô-va thúc đẩy chúng ta làm gì?
23 Dĩ nhiên, sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va hoàn toàn đáng tin cậy. Sự khôn ngoan đó vượt xa sự khôn ngoan riêng của chúng ta đến mức Lời Đức Chúa Trời khuyên giục một cách yêu thương: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Giờ đây chúng ta hãy đào sâu sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va hầu có thể đến gần hơn với Đức Chúa Trời khôn ngoan tuyệt đối của chúng ta.