Sẽ có sự sống lại của người công bình
“Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 24:15).
1. Kể từ khi A-đam và Ê-va phạm tội, loài người phải đương đầu với tình trạng nào?
“MỌI việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan” (Truyền-đạo 9:10). Với ít chữ khéo lựa chọn này, vua khôn ngoan Sa-lô-môn diễn tả một tình trạng xảy ra cho mỗi thế hệ loài người kể từ khi tổ tiên chúng ta là A-đam và Ê-va đã phạm tội. Cuối cùng sự chết nuốt đi tất cả mọi người, không trừ một ai, từ giàu đến nghèo, từ vua đến người thường dân, từ người trung thành cho đến người bất trung. Đúng vậy, sự chết “cai trị như vua chúa” (Rô-ma 5:17, NW).
2. Tại sao một số người trung thành có thể thấy thất vọng trong thời kỳ cuối cùng này?
2 Bất kể những tiến bộ mới nhất của y khoa, ngày nay sự chết vẫn còn cai trị như vua chúa. Dù việc này không có gì là lạ, nhưng một số người có thể thấy hơi thất vọng khi họ cuối cùng phải đương đầu với kẻ thù muôn thuở này. Tại sao vậy? Vì vào thập niên 1920, Hội Tháp Canh tuyên bố thông điệp “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Hàng triệu người này là ai? Đó là các “chiên” mà Giê-su đề cập đến trong lời ví dụ về chiên và dê (Ma-thi-ơ 25:31-46). Những người giống như chiên này được tiên tri sẽ xuất hiện vào thời kỳ cuối cùng, và họ có hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất. Rồi với thời gian, dân sự của Đức Chúa Trời có được sự hiểu biết rõ hơn về vai trò của các “chiên” này trong ý định của Đức Giê-hô-va. Họ nhận thức được rằng những người biết vâng lời này được phân biệt với những “dê” bướng bỉnh, và sau khi các dê bị hủy diệt, thì các chiên sẽ được hưởng phần trên đất của Nước Trời đã sắm sẵn cho họ.
Thu nhóm các người giống như chiên
3. Kể từ năm 1935, dân sự Đức Chúa Trời đã chú tâm đến công việc nào?
3 Bắt đầu từ năm 1935, lớp người “đầy-tớ trung-tín” đã chú tâm đến việc tìm kiếm những người giống như chiên và đưa họ vào tổ chức của Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 24:45; Giăng 10:16). Những tín đồ đấng Christ dạy bảo được này đã nhận thức được rằng Giê-su hiện đang trị vì trong Nước trên trời của Đức Giê-hô-va và gần đến lúc chấm dứt hệ thống mọi sự ác này và mở đầu một thế giới mới nơi đó có sự công bình ăn ở (II Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 12:10). Trong thế giới mới đó, những lời đầy phấn khởi của Ê-sai sẽ được ứng nghiệm: “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời” (Ê-sai 25:8).
4. Mặc dù rất mong mỏi được thấy quyền thống trị của Đức Giê-hô-va được biện minh tại Ha-ma-ghê-đôn, nhưng điều gì đã xảy ra cho nhiều người trong các chiên khác?
4 Vì thế gian của Sa-tan gần đến lúc bị chấm dứt, những tín đồ đấng Christ giống như chiên này rất muốn được sống cho đến khi quyền thống trị của Đức Giê-hô-va được biện minh trong kỳ hoạn nạn sắp đến trên Ba-by-lôn Lớn và phần thế gian còn lại của Sa-tan (Khải-huyền 19:1-3, 19-21). Nhưng đối với rất nhiều người thì điều này đã không xảy ra như thế. Nhiều người trước đây có hy vọng ở trong số “hàng triệu người” sẽ không bao giờ chết nhưng thật ra đã chết. Một số người vì lẽ thật đã chết trong tù và trại giam, hay dưới tay những kẻ cuồng tín về tôn giáo. Những người khác đã chết vì tai nạn hay vì những nguyên nhân gọi là tự nhiên—như bệnh tật và già nua (Thi-thiên 90:9, 10; Truyền-đạo 9:11). Rõ ràng còn nhiều người nữa sẽ chết trước khi sự cuối cùng đến. Làm sao những người đó sẽ nhìn thấy sự ứng nghiệm của lời hứa về một thế giới mới là nơi có sự công bình ăn ở?
Hy vọng về sự sống lại
5, 6. Có tương lai gì cho những người chết trước trận Ha-ma-ghê-đôn nhưng có hy vọng được sống trên đất?
5 Sứ đồ Phao-lô cho câu trả lời khi ông nói với Phê-lít, quan tổng đốc La Mã. Như ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ 24:15, Phao-lô mạnh dạn tuyên bố: “Tôi có sự trông-cậy nầy nơi Đức Chúa Trời... là sẽ có sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. Hy vọng về sự sống lại cho chúng ta sự can đảm để đương đầu với những nghịch cảnh khó khăn nhất. Nhờ có hy vọng này nên anh em nào của chúng ta bị bệnh nặng và có linh cảm sắp phải chết cũng không bị chán nản quá đỗi. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, họ biết rằng họ sẽ được lãnh phần thưởng của sự trung thành. Vì có hy vọng được sự sống lại nên khi phải đương đầu với sự chết trong tay những kẻ bắt bớ, các anh chị can đảm của chúng ta đều biết rằng không có cách nào những kẻ bắt bớ đó có thể thắng họ được (Ma-thi-ơ 10:28). Khi một người nào trong hội thánh qua đời, chúng ta buồn vì mất đi người đó. Nhưng đồng thời nếu người đó là một trong những chiên khác, thì chúng ta vui mừng vì người đó đã chứng tỏ trung thành cho đến cùng và giờ đây được an nghỉ và chắc chắn có một tương lai trong thế giới mới của Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13).
6 Đúng vậy, hy vọng về sự sống lại là một khía cạnh thiết yếu của đức tin chúng ta. Nhưng tại sao chúng ta có niềm tin về sự sống lại mạnh đến thế và ai có được hy vọng này?
7. Sự sống lại là gì, và có một số câu Kinh-thánh nào cho thấy sự sống lại là điều chắc chắn?
7 Chữ Hy Lạp a·naʹsta·sis dịch là “sự sống lại”, có nghĩa đen là “đứng dậy”. Đây chủ yếu nói đến việc người chết được đứng dậy. Điều đáng chú ý là danh từ Hê-bơ-rơ cho chữ “sống lại” không xuất hiện trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng hy vọng về sự sống lại thì rõ ràng được diễn tả ở đây. Thí dụ, chúng ta thấy trong những lời mà Gióp đã thốt ra trong cơn đau khổ: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ [Sheʹol]... định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi!” (Gióp 14:13). Tương tự như thế, nơi Ô-sê 13:14 chúng ta đọc: “Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền-lực của Âm-phủ [Sheʹol], và chuộc chúng nó ra khỏi sự chết. Hỡi sự chết, nào tai-vạ mầy ở đâu? Hỡi Âm-phủ [Sheʹol], nào sự hủy-hoại mầy ở đâu?” Nơi I Cô-rinh-tô 15:55, sứ đồ Phao-lô trích những lời này và cho thấy rằng nhờ sự sống lại mà lời tiên tri về việc chiến thắng sự chết mới được ứng nghiệm. (Dĩ nhiên, trong câu Kinh-thánh đó Phao-lô nói về sự sống lại ở trên trời).
Những người tin đạo “được xưng công-bình”
8, 9. a) Làm sao loài người bất toàn có thể có phần trong sự sống lại của người công bình? b) Dựa trên căn bản nào chúng ta có hy vọng được một đời sống không bị sự chết chấm dứt?
8 Trong lời Phao-lô nói với Phê-lít được trích nơi đoạn 5, ông nói rằng sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình. Ai là những người công bình sẽ được sống lại? Không ai tự nhiên được công bình cả. Vì tất cả chúng ta đều có tội từ khi sanh ra, và chúng ta phạm tội trong suốt đời sống chúng ta—hai lý do khiến chúng ta đáng chết (Rô-ma 5:12; 6:23). Tuy nhiên, trong Kinh-thánh chúng ta thấy từ ngữ “được xưng công-bình” (Rô-ma 3:28). Đây nói về những người mặc dầu bất toàn nhưng đã được Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi.
9 Từ ngữ này được dùng nhiều nhất cho những tín đồ đấng Christ xức dầu có hy vọng lên trời. Nơi Rô-ma 5:1, sứ đồ Phao-lô nói: “Vậy chúng ta được xưng công-bình bởi đức-tin, thì được hòa-thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. Tất cả tín đồ đấng Christ xức dầu đều được xưng công bình bởi đức tin của họ. Đức tin nơi ai? Như Phao-lô giải thích đầy đủ chi tiết trong sách Rô-ma, đó là đức tin nơi Giê-su Christ (Rô-ma 14:4, 9 10). Người hoàn toàn Giê-su đã chết và sau đó được sống lại và lên trời để vì chúng ta dâng giá trị đời sống làm người của ngài (Hê-bơ-rơ 7:26, 27; 9:11, 12). Khi Đức Giê-hô-va chấp nhận sự hy sinh đó, thì trên thực tế Giê-su Christ đã chuộc nhân loại khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết. Những ai thực hành đức tin nơi sự sắp đặt này được hưởng lợi ích rất nhiều (I Cô-rinh-tô 15:45). Dựa trên căn bản này mà những người đàn ông và đàn bà trung thành có hy vọng thừa hưởng một đời sống mà không bị kẻ thù độc ác là sự chết chấm dứt (Giăng 3:16).
10, 11. a) Những tín đồ đấng Christ xức dầu và trung thành trông đợi sự sống lại nào? b) Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trước thời đạo đấng Christ hy vọng có được loại sống lại nào?
10 Nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su, những người xức dầu trung thành được xưng công bình có hy vọng chắc chắn được sống lại với tư cách là những tạo vật thần linh như Giê-su (Khải-huyền 2:10). Nơi Khải-huyền 20:6 nói về sự sống lại của họ: “Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhứt! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy, song những người ấy sẽ làm thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời và của đấng Christ, cùng sẽ trị-vì với Ngài trong một ngàn năm”. Đây là sự sống lại để lên trời. Tuy nhiên, hãy lưu ý Kinh-thánh gọi đây là “sự sống lại thứ nhứt”, điều này có nghĩa là sau đó có nhiều người nữa sẽ được sống lại.
11 Trong Hê-bơ-rơ đoạn 11, Phao-lô nói đến nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trước thời đạo đấng Christ đã biểu lộ đức tin mạnh mẽ nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Những người này cũng có đức tin nơi sự sống lại. Nơi Hê-bơ-rơ 11 câu 35 của đoạn này, Phao-lô có nói đến những sự sống lại bằng phép lạ đã xảy ra trong lịch sử Y-sơ-ra-ên: “Có người đờn-bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ-tợn mà không chịu giải-cứu, để được sự sống lại tốt hơn”. Thời xưa những nhân chứng trung thành đó mong mỏi có được sự sống lại tốt hơn là sự sống lại như do Ê-li và Ê-li-sê làm (I Các Vua 17:17-22; II Các Vua 4:32-37; 13:20, 21). Họ hy vọng được sống lại trong một thế giới nơi đó tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ không bị hành hạ vì đức tin của họ, một thế giới mà những người đàn bà sẽ không bị cái chết cướp đi mất những người thân yêu. Đúng vậy, họ trông mong được sống lại để bước vào cùng một thế giới mới mà chúng ta hy vọng ngày nay (Ê-sai 65:17-25). Đức Giê-hô-va đã không tiết lộ cho họ biết nhiều về thế giới mới đó như Ngài cho chúng ta biết. Tuy nhiên, họ biết nó sẽ đến và họ muốn được ở trong đó.
Sự sống lại trên đất
12. Những người trung thành trước thời đạo đấng Christ có được xưng công bình không? Xin giải thích.
12 Chúng ta có nên nghĩ rằng những người trung thành trước thời đạo đấng Christ sống lại trong thế giới mới đó là một phần của sự sống lại của người công bình không? Hiển nhiên là có, vì Kinh-thánh nói họ là những người công bình. Thí dụ, môn đồ Gia-cơ đã nói đến một người đàn ông và một người đàn bà thời xưa được xưng công bình. Người đàn ông là Áp-ra-ham, tổ phụ của dân tộc Hê-bơ-rơ. Chúng ta đọc về ông: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và điều đó kể là công-bình cho người, và người được gọi là bạn của Đức Chúa Trời”. Người đàn bà là Ra-háp, một người không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng thực hành đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Bà “được xưng công-bình” và trở nên một người của dân tộc Hê-bơ-rơ (Gia-cơ 2:23-25). Vậy, những người đàn ông và đàn bà nào thời xưa thực hành đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va và lời hứa của Ngài và giữ sự trung thành cho đến chết thì dựa trên căn bản đức tin của họ, Đức Giê-hô-va xưng họ là công bình và họ chắc chắn được dự phần trong sự “sống lại của... người công-bình”.
13, 14. a) Làm thế nào chúng ta biết những tín đồ đấng Christ có hy vọng sống trên đất có thể được xưng công bình? b) Điều này có nghĩa gì đối với họ?
13 Tuy nhiên, còn những người giống như chiên thời nay, những người có hy vọng sống trên đất, đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và trung thành cho đến chết trong thời kỳ sau rốt này thì sao? Họ có được dự phần trong sự sống lại của người công bình không? Hiển nhiên có! Trong sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy một đám đông người trung thành. Hãy chú ý xem ông mô tả những người đó như thế nào: “Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô-số người, không ai đếm được bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà-là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con” (Khải-huyền 7:9-10).
14 Hãy chú ý là những người nhu mì này có niềm tin vững chắc về sự cứu rỗi của họ, và họ cho rằng nhờ Đức Giê-hô-va và Giê-su, tức “Chiên Con” mà họ được sự cứu rỗi này. Hơn nữa, họ đứng trước mặt Đức Giê-hô-va và Chiên Con, tất cả đều mặc áo dài trắng. Tại sao họ mặc áo trắng? Một tạo vật thần linh nói với Giăng rằng: “[Họ] đã giặt và phiếu áo trắng mình trong huyết Chiên Con” (Khải-huyền 7:14). Trong Kinh-thánh, màu trắng tượng trưng cho sự thanh sạch, công bình (Thi-thiên 51:7; Đa-ni-ên 12:10; Khải-huyền 19:8). Sự kiện đám đông mặc áo dài trắng có nghĩa là Đức Giê-hô-va xem họ là công bình. Làm sao có thể được? Vì họ như thể đã giặt áo dài họ trong huyết Chiên Con. Họ thực hành đức tin nơi huyết Giê-su đã đổ ra, và vì thế họ được xưng công bình với tư cách là bạn của Đức Chúa Trời và có triển vọng sống sót qua khỏi cơn đại nạn. Vì vậy, hiện nay bất cứ tín đồ đấng Christ nào đã dâng mình và trung thành ở trong số “đám đông” (NW), mà chết trước cơn đại nạn có thể chắc chắn sẽ có phần trong sự sống lại trên đất của những người công bình.
15. Vì cả người công bình và người không công bình sẽ được sống lại, thế thì sự sống lại của người công bình có lợi điểm nào?
15 Sự sống lại đó được mô tả trong Khải-huyền đoạn 20, câu 13 bằng những lời này: “Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử-đoán tùy công-việc mình làm”. Như vậy, trong Ngày Phán xét lớn của Đức Giê-hô-va kéo dài một ngàn năm, tất cả những ai trong trí nhớ của Đức Chúa Trời sẽ được sống lại, cả người công bình và người không công bình (Công-vụ các Sứ-đồ 17:31). Nhưng sự sống lại của những người công bình tốt hơn biết bao! Họ đã sống một đời sống trong đức tin. Họ đã có mối liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi sự thực hiện các ý định của Ngài. Khi các nhân chứng công bình trước thời đấng Christ sống lại, họ sẽ nóng lòng muốn biết lời hứa của Đức Giê-hô-va về Dòng dõi đã được thực hiện như thế nào (I Phi-e-rơ 1:10-12). Còn những người thuộc các chiên khác mà được Đức Giê-hô-va xem là công bình trong thời chúng ta, thì khi ra khỏi mồ, họ nóng lòng muốn thấy Địa đàng trên đất mà họ đã nói đến khi rao truyền tin mừng trong hệ thống mọi sự này. Thật là một thời kỳ sung sướng biết bao!
16. Chúng ta có thể nói gì về sự sống lại trong Ngày Phán xét của những người chết trong thời chúng ta?
16 Trong Ngày Phán xét một ngàn năm đó, khi nào thì những người trung thành đã chết trong những năm cuối cùng của hệ thống của Sa-tan này sẽ được sống lại? Kinh-thánh không nói. Tuy nhiên, phải chăng nghĩ rằng những người được xưng công bình đã chết trong thời chúng ta sẽ được sống lại sớm là hợp lý và như thế họ có thể góp sức với đám đông sống sót qua trận Ha-ma-ghê-đôn trong công việc chào đón những người đã chết trong những thế hệ trước đó? Chắc chắn hợp lý!
Một hy vọng đầy an ủi
17, 18. a) Hy vọng về sự sống lại cho chúng ta niềm an ủi nào? b) Chúng ta được thúc đẩy để công bố điều gì về Đức Giê-hô-va?
17 Ngày nay, hy vọng về sự sống lại cho tất cả tín đồ đấng Christ sức mạnh và sự an ủi. Nếu chúng ta giữ sự trung thành thì không có thời thế hay chuyện bất ngờ hoặc bất cứ kẻ thù nghịch nào có thể cướp đi phần thưởng của chúng ta! Thí dụ, trong cuốn Niên giám 1992 của Nhân-chứng Giê-hô-va (Anh ngữ), trang 177 có hình của những tín đồ can đảm của đấng Christ ở Ê-thi-ô-bi thà chịu chết chứ không hòa giải đức tin của họ. Dưới hình đó có dòng chữ nói: “Chúng ta mong gặp lại những khuôn mặt này khi họ sống lại”. Trong tương lai được biết những anh này và vô số những người khác đã bày tỏ sự trung thành giống như thế khi đứng trước cái chết thì thật là một đặc ân lớn biết bao!
18 Thế còn những người thân yêu và anh chị em của chúng ta không sống qua khỏi cơn đại nạn vì già nua hoặc bệnh hoạn thì sao? Nhờ hy vọng về sự sống lại, họ có một tương lai tuyệt diệu nếu họ giữ sự trung thành. Và nếu chúng ta can đảm thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su, chúng ta cũng có một tương lai tuyệt diệu. Tại sao vậy? Vì, giống như Phao-lô, chúng ta hy vọng nơi “sự sống lại của người công-bình và không công-bình”. Chúng ta cám ơn Đức Giê-hô-va tận đáy lòng về hy vọng này. Chắc chắn, điều này thúc đẩy chúng ta nhắc lại lời của người viết Thi-thiên: “Hãy thuật sự vinh-hiển Ngài giữa các nước, truyền các công-việc lạ-lùng Ngài giữa các dân. Vì Đức Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi-khen lắm lắm” (Thi-thiên 96:3, 4).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Các câu Kinh-thánh nào giúp chúng ta có hy vọng vững chắc về sự sống lại ở trên đất?
◻ Giờ đây tín đồ đấng Christ được xưng công bình dựa trên căn bản nào?
◻ Niềm hy vọng về sự sống lại giúp chúng ta có can đảm và cương quyết như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Giống như Phao-lô, tín đồ xức dầu của đấng Christ có hy vọng về sự sống lại ở trên trời